Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.240
123.154.368
 
Kiên Lương biển nhớ
Hồ Tĩnh Tâm

Mặc dù cố gắng sắp xếp công việc với hết sức của mình, tôi vẫn đến Trại sáng tác Kiên Lương trễ một ngày. Vậy mà sau lưng tôi vẫn còn một núi công việc. Gần 400 bài thi học phần của sinh viên chưa chấm. Thêm ngần ấy học bạ chưa phê. Lại còn hai mươi tiết dạy, một buổi nói chuyện thơ về Bác Hồ.

Đổi xe tới mấy lần mới tới ngã ba Ba Hòn vào nhập nhoạng mặt người. Anh chàng xe ôm toét nụ cười dễ dải: "Tối tới nơi rồi, chú cho con xin hai chục ngàn được không?". Trời ạ, tôi những tưởng phải năm sáu chục. Hơn hai mươi cây số ngoằn ngoèo theo biển, theo núi, giá ấy ở chỗ tôi kể là bèo đấy. Tôi ôm túi đồ, ngồi sau xe, hỏi anh ta đủ điều. Nào là rừng đước chắn gió trồng hơn bảy năm mà sao cây chỉ khẳng khẳng như cổ chân. Nào là đã bao nhiêu núi bị mấy các con quái vật nhà máy xi măng ngoạm sâu thành ao hồ. Rồi thì làm sao mà ra được tới hòn Tre, hòn Nghệ, hòn Sơn Rái… Chàng xe ôm trả lời veo véo cứ như hướng dẫn viên du lịch. Lại còn tự vạch áo, cho tôi hay anh là trai Sài Gòn đi du lịch Hòn Chông, gặp người lại thêm phong cảnh hữu tình, vậy là neo đậu thuyền đời ở Ba Hòn. Kể ra anh ta có lý, bởi dọc theo con đường lượn mềm như lụa, phong cảnh vùn vụt đổi thay và thay màu nhử cổ tích. Sướng nhất là biển một bên và núi một bên, gợi tình tới lịm cả người.

Khoảng hơn sáu giờ rưởi chiều, tôi tới Nhà nghỉ Công đoàn tỉnh. Anh em đang ăn cơm. Chạm mắt tôi đầu tiên là Hồng Nga với Thu Hiền. Hai tác giả trẻ này tôi mới gặp tháng trước ở Hà Nội. Đã cùng với các nàng ngồi bia lon, bánh tôm cùng Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Hòa ở Hồ Tây. Nhà thơ Mai Liễu dù gặp lần đầu đã nhận ra tôi, kéo tôi ngồi xuống bàn uống rượu. Chắc là ông tướng Trần Thôi đã kịp bịa với trưởng ban tổ chức một bài "ký mồm" về tôi. Chẳng vậy mà chưa kịp Ngồi, Việt Hùng và Trương Hoàng Khải đã kết ngay với tôi thành con cháu của Lưu Linh. Ngay đêm hôm ấy chúng tôi đã kéo nhau ra biển. Hai chai wyhsky Cam Bốt, thêm mấy chai bia, một chai rượu mỏ quạ. Say nghiêng ngửa, chòng chành như sóng biển. Hồng Nga hát bài gì đó, nghe như có sóng òa ập, xui tôi nhớ hai câu thơ "vô lý" hết sức: Trăng mòn con mắt biển đêm, dầu hao tim lụn còn thêm canh chày.

Có vẻ như anh em chưa ai có thể sẵn sàng bắt tay vào chuyện giấy bút. Bởi vậy Trại mới tổ chức "tung tăng" Hà Tiên một ngày. Lên Thạch Động Thôn Vân chui hang tìm công chúa, chỉ gặp mấy sư thầy là đẹp. Ra cửa khẩu Xà Xía, chạm mặt toàn xe thồ sò huyết từ đất nước chùa tháp qua. Đến Mũi Nai thì nướng mực, luộc tôm tít, chấm muối "ăn chay". Có biển đẹp, có người đẹp, thiếu rượu thành ra cứ nhạt thếch mấy câu chuyện tầm phào. Được cái trời trong như pha lê, thấy cả đảo Phú Quốc, cả mũi đất Thái, cả một hòn đảo của Philipin. Tôi vu vơ nhớ bản "Tứ đại oán", nhớ ông tổ ca ra bộ Trương Công Toản ở Vĩnh Long quê mình. Nghe tiếng còi xe bin bin. Ngoảnh lại thấy mấy con bò cứ tỉnh như không trên đường lộ. Chúng có học luật giao thông bao giờ mà còi với chả còi. Hình như Viên của Áo là nơi thành lập sở thú đầu tiên ở Châu Âu vào thời trung cổ thì phải. Thế giới ngày nay có trên một ngàn vườn thú. Nay mai Kiên Giang làm ăn phát đạt, nên chăng cũng cặm một vườn thú sát bờ biển cho vui. Sẵn núi, sẵn rừng, sẵn biển, thêm cái vườn thú lại chẳng tốt hơn à.

Từ ngày 13 tháng 5 tôi mới yên tâm ngồi xuống bàn đẩy chuột, gõ phím lách cách. Một mình tôi một phòng. Là bởi không ai chịu nổi cái tính bật đèn, mở nhạc để tư duy của tôi. Này nhé, con cá làm nên con mắm- nước mắm cũng vậy. Phú Quốc có ê hề cá cơm sọc tiêu, cá cơm phấn, cá cơm phấn chì, mùa đánh cá cơm lại kéo dài từ tháng 8 đến tháng 12, làm sao mỗi năm không cho nảy nòi hơn 7 triệu lít nước mắm. Cứ theo cách 3 cá 1 muối, ủ hết vào trong chượp 12 tháng là xong. Có điều, phải từ 25 đến 30 độ đạm trở lên mới gọi là ngon. Nhất là thứ cốt y, cốt long, thêm vào ít tỏi ớt, chan cơm nóng cứ là thơm lừng lựng. Cái cô gái nào đó ngoài Hàm Ninh từng than đứt ruột: "Nước mắm láng lai chùi hoài hổng hết, trời hỡi trời sao chẳng bớt nhớ thương, sợi tơ hồng em lỡ vấn vương, gặp nhau một buổi nhớ thương trăm vạn ngàn ngày". Chắc là phải lấy chuyện này làm tứ cho cái truyện ngắn: Hồi nào dưa mắm với ai, bây giờ nặng túi lại bày ăn riêng.

Quay quắt mãi chuyện mắm muối không thành, tôi lủi thủi một mình ra chùa Hang.  Văng vẳng trên vách núi vọng xuống những giai điệu "Phật ca" không lời. Mê hoặc tới không đi nổi. Tìm vào sư trụ trì hỏi, thầy nói chỉ mới đem từ Trung Quốc về có một dĩa, chưa sao chép ra được. Buồn tiếc chuyện không đâu, tôi mua một cái tù và, lủi ra vách núi gần hòn Phụ Tử, thổi rúc lên mấy hồi. Ai da, tiếng kêu như vầy là của dỏm rồi, nhựa chứ sừng trâu quái gì! Vậy mà dám hét một trăm năm chục ngàn! Ấy là đang mùa Phật Đản đấy. Chẳng biết tội cho tôi hay tội cho người bán nữa đây. Ngay cái tẩu thuốc đen sì tôi tưởng gọt từ sừng trâu cũng chỉ là đồ nhựa. Mua xong, tôi chỉ dám phì phèo vài ba bữa rồi dấu nhẹm đi, để người ta khỏi cười mình là thứ "ngọng nghịu làm thơ" cũng học đòi tẩu tiếc.

Đêm Đản Sanh, sau một hồi chen chúc chùa chiền với phật tử vàn vàn, Việt Hùng kéo chúng tôi lên hòn Trẹm, khao một chầu nước không bỏ đá. Là bởi hòn Trẹm cao thế mà người lên thưởng trăng thì lại đông, đá hết vèo vèo như đốt nhầm nhang muỗi dỏm. Tiếng cầm tay của chàng trai ngồi với cô gái sát bên tôi vang lên điệu nhạc, anh chàng nói vào máy: "Má yên tâm đi! Vá xong ruột xe là con về liền hà!". Chà, con Attila bóng thế, đường nhựa phẳng lì thế, nghĩ ra chuyện vá ruột xe cũng tài. Tôi save vào bộ nhớ: "sự tài hoa của lời nói dối trong tình yêu đôi lứa".

Thu Hiền khao tôi một lúc mấy "cái" thơ, mấy "cái" truyện. Dào ôi! Nom hiền thế mà viết gai góc ra phết. Cả ngày cứ thấy tha thẩn, vậy mà mang thai lúc nào, mới có mấy ngày đã đẻ ra "Ngọt ngào thốt nốt", "Thú hút thuốc lào". Tôi gọi Hiền là Vừng. "Vừng ơi mở cửa! Alibaba đã về!". Cửa mở, thấy Hiền nằm  trên giường đọc sách của bạn bè, mắt chớp chớp như sắp "xiên xỏ" tôi một chuyện gì đấy. Như cái bận tôi vừa cắt tóc, Hiền hét toáng lên" "A, lão ngố đã về!". Rồi lại còn đá lông nheo mà rằng: "Anh ở trong này mãi, hỏi ngã cứ sai lung tung, rối cả mắt". Khác với Hiền, Đào Trọng Thử lúc nào cũng cứ ầm ầm như lửa cháy. Bình quân một ngày trình làng ba bài thơ, xuất bản mồm không cần ai cho phép, lại còn "đòi" người ta phải vỗ tay. Nhạc sĩ Trần Viết Bính độc đáo hơn người. Cứ hừng đông là ra biển, lội đi lội lại mấy vòng, rồi xơi hai ngàn xôi sáng, bỏ không thèm ăn phở của Trại. Sau chầu cà phê, tác giả nhạc bài "Hạt gạo làng ta", ra cái chòi nghinh phong bên bờ biển, dõi mắt về hòn Phụ Tử, tìm ý liên kết tập bản thảo sưu tầm nghiên cứu dân ca Mạ. Nói thế chứ tác giả đã gần như hoàn thành cơ bản tập sách dày cồm cộp, chồng chất công phu lội rừng lội suối ròng rã hàng năm trời. Bìa đã xong, nhạc đã xong, phần phân tích cũng đã xong, chỉ còn phải chuyển ngữ một số bài từ tiếng Mạ sang tiếng Việt. Người nhạc sĩ 72 tuổi này, vì vậy cứ tà tà thủng thỉnh như tiên ông; hết la cà chụp ảnh kỷ thuật số, lại quay phim kỷ thuật số. Ông được coi là cái thư viện chân dung của Trại và của từng trại viên.

Vất vả nhất là cánh nhiếp ảnh. Tới nơi, sau hai ngày sinh hoạt chung với Trại, họ lập tức tỏa ra mọi nẻo đường, mọi ngóc ngách của Kiên Giang. Ngày ra quân thứ nhất, Hai Ngoan đựng honda trên cầu, loay hoay tìm góc độ chụp thuyền ghe neo đậu dưới bến, chẳng may honda bị xe ben "ăn" phải bánh sau bể dè. Hai Ngoan cười khà: "May là nó "ăn" nhằm xe dừng lại, chứ nó mà tông vào hai thằng tôi đang khum lưng nheo mắt thì rồi đời còn gì". Sang ngày sau, Ngọc Nhuần với Tôn Đức Lập, trên đường đi săn ảnh bị cán xe vào chó chạy rông, lăn cù cù trên đường nhựa, xể cả chân tay, mày mặt. Vậy nhưng chỉ sau vài ngày tỉnh dưỡng, lại ạch đụi cụ bị đồ nghề leo núi, chui hang, bởi không đi thì lấy đâu ra tác phẩm.. Hăng nhất là cặp bài trùng Việt Hà, Việt Hùng. Một ở Rạch Giá, một ở Vĩnh Phú, hai người với một con ngựa sắt, họ bôn ba dường như cùng trời cuối đất Kiên Giang mỗi ngày; nhiều hôm tối mịt mới về, hết cơm thì sà vào bàn rượu. Sướng là mỗi ngày "nướng" được vài cuộn phim cho tình đất tình người xứ biển. Vũ Danh Dzụ thì cứ âm thầm thuê xe máy, lang thang những đâu những đâu chỉ có trời mới biết; mới hai tuần đã hết véo mấy chục cuộn phim. Cánh bám trụ là Dương Cao Tần, Đào Trọng Thử, Trần Thôi, Minh Phương, Khổng Huỳnh Phong, Linh Phương, Lê Minh Hiền, Hoàng Nhạc Đô, Đặng Hoàng Thám, Hồng Nga, Thu Hiền… Mạnh ai nấy tìm một góc mà viết. Hết tuần thứ nhất, Hoàng Nhạc Đô đã phổ xong một bài thơ biển của Hồ Tĩnh Tâm, Phạm Định phổ xong bài thơ "Mùa lá rụng" của Mai Liễu, Hữu Vệ trình làng một ca khúc về Kiên Lương. Còn thơ với truyện thì nhiều lắm. Bữa cơm nào anh em cũng lôi thơ của nhau ra đọc.

Trụ sở thơ thường trực là quán nghinh phong của nhà nghỉ công đoàn, nằm cặp trên mép biển, nơi có hai cô gái trẻ măng măng là Thanh Tuyền và Tú Anh đứng quầy. Cái thú đọc thơ là cứ phải có thiếu nữ ngồi đó. Mà hai cô gái quê Giồng Riềng này lại mê thơ, mê nghe các nhà văn tán dóc tới thuộc tính tình từng tác giả. Một hôm có anh lái xe của công đoàn tỉnh ghé nghe các nhà thơ đọc thơ, nổi hứng mua mười tờ vé số, thấy Thanh Tuyền cũng đang ngồi nghe, liền biếu hết cho người đẹp. Người đẹp chỉ rụt rè nhận hai tờ. Ngay chiều hôm đó, cả mười tấm vé đều trúng lô độc đắc 50 triệu. Đào Trọng Thử nói với Thanh Tuyền: "Ấy là nhờ hên của văn nghệ sĩ mà em có trăm triệu đấy". Có lẽ vậy, bởi vài ngày sau, tấm vé nhà thơ Mai Liễu cho Hồng Nga cũng trúng được năm trăm ngàn; còn anh em thì trúng mùa tác phẩm.

Tôi nhớ cái đêm Hồng Nga ngồi viết lại truyện ngắn "Đón ba về với mẹ", cũng là đêm tôi hoàn thành chương cuối cuốn tiểu thuyết "Vây giữa đời người". Hầu như chúng tôi đã cùng nhau thức sáng đêm. Rồi mượn cái xe máy của Hoàng Diển- phụ trách vi tính của Nhà nghỉ- hai chúng tôi ra chợ xã, in và phô tô ra mấy tập. Hôm sau lại gặp Hồng Nga ngồi hí hoáy sửa bản thảo, tôi vụt nhớ câu ca dao "Thương sao thương quá bất nhơn, bữa nay gặp mặt thương hơn bữa nào". Nhờ câu ca dao ấy, tôi có với Hồng Nga một đêm thơ trên biển. Không hiểu sao tôi lại mê giọng đọc thơ và giọng ca của Hồng Nga làm vậy- nhất là khi Nga đọc chính thơ của mình.

Buổi tổng kết Trại có thêm nhà văn Tùng Điển từ Hà Nội vào. Sáu tác giả nhiếp ảnh chưng bày sáu cụm tác phẩm biển. Các nhạc sĩ Hoàng Nhạc Đô, Phạm Định, Hữu Vệ, Hữu Nam đều báo cáo tác phẩm dự Trại. Thêm vài bài thơ được đọc. Không khí vui như đêm giao lưu thơ nhạc. Càng vui hơn trong buổi liên hoan. Ai cũng hát, ai cũng đọc thơ. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Hà, cháy bùng như lửa với một ca khúc kháng chiến, cả phòng tiệc vỗ tay hát theo chị, nghe ào ào như sóng biển dậy lên cuồn cuộn.

Ngoài kia, biển Hòn Chông chan chứa nắng, lụa là tới rưng rưng muốn khóc. Không cầm được lòng mình, tôi đón xe ra về, để lại sau lưng trời biển Kiên Lương với biết bao cảm xúc cháy lòng.

 

     (Viết về Trại sáng tác Kiêng Lương, tháng 5 năm 2005)

Hồ Tĩnh Tâm
Số lần đọc: 3546
Ngày đăng: 01.06.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bão năm thìn trong ký ức người dân nam bộ - Trần Dũng
Một ngày không quên - Ngọc Thủy
Vành đai Bình Đức ngày ấy - bây giờ - Đậu Viết Hương
Khóm chua - Nguyễn Thanh Xuân
Đi thăm biển chết - Huỳnh Kim
Đảo ngọc kết chuổi cờm trên biển - Hồ Tĩnh Tâm
Lương Hòa - MônCaĐa - Thanh Giang
CHIẾN THẮNG MÙA XUÂN 1975 - Võ Quê
Vùng đất đổi màu xanh - Nguyễn An Cư
Huyền thoại trên sông Tiền - Đậu Viết Hương
Cùng một tác giả
Ngũ long công chúa (truyện ngắn)
Nàng (thơ)
Thầy Thi (truyện ngắn)
Có một mùa mưa (truyện ngắn)
Bến thần Kê (truyện ngắn)
Cu Đồ cháy mấn (truyện ngắn)
Chết giữa dòng sông (truyện ngắn)
Đêm Noen (truyện ngắn)
Vi rút rừng xuân (truyện ngắn)
Huynh đệ thần kê (truyện ngắn)
Gà đẻ gà cục tác (truyện ngắn)
Công an xã (truyện ngắn)
Hoành (truyện ngắn)
Bập bùng giai điệu (truyện ngắn)
Dòng sông tuổi thơ (truyện ngắn)
Cõi hoang thăm thẳm (truyện ngắn)
Mùa xuân dìu dịu (truyện ngắn)
Chuyện ở Làng Gao (truyện ngắn)
Chú Bảy (truyện ngắn)
Dấu ấn cuộc đời (truyện ngắn)
Một thời (truyện ngắn)
Thằng bé chết (truyện ngắn)
Tư Sẹo (truyện ngắn)
Nhỡ xe (truyện ngắn)
Con cà con kê (tạp văn)
Xóm phố (truyện ngắn)
Vòng quay của ngựa (truyện ngắn)
Con ngựa (truyện ngắn)
Giai điệu (truyện ngắn)
Bên hồ sen trắng (truyện ngắn)
Út Hường (truyện ngắn)
Bông điên điển (truyện ngắn)
Anh Dần (truyện ngắn)
Bạn cùng làng (truyện ngắn)