Thơ của Luân Hoán luôn gợi lên một hình ảnh rất đẹp của tuổi học trò, rất học trò. Những cử chỉ vụng dại nhưng ngọt ngào, ngây ngô nhưng sâu lắng. Anh dùng ngôn ngữ rất đẹp, rất trẻ con, rất đời thường nên người đọc dễ nhập tâm, thấm đẫm. Luân Hoán sắp xếp những từ ngữ bình dân này vào thơ một cách rất khoa học, làm cho thơ anh sinh động hẳn lên, khiến người đọc tưởng như đang thực sự sống với cảnh thơ, quên bẵng đi thế giới bên ngoài rẫy đầy gai góc :
mang vào lớp bài thơ anh mới tặng
khoe bạn bè cho chúng lác mắt chơi
í mà chết, anh viết gì trong đó ?
chuyện chúng mình? Em hổng chịu đâu
anh phải viết chuyện con mèo con chó
chuyện con chim con cá gì thôi
hay cùng lắm chuyện trời mưa trời nắng
chuyện chúng mình, kỳ lắm, thôi thôi…
( Nhõng Nhẽo – Đưa Nhau Về Đâu )
Rất hồn nhiên, trong sáng, chơn chất :
mà thôi, chắc không được
ba mẹ chẳng chịu đâu
anh người dưng nước lã
đâu phải…xì, còn lâu
( Tết Mười Sáu )
Rất thật thà, ngây ngô, dễ thương :
em có nhớ trong sân trường bữa ấy
cô giáo đau, ta được nghỉ giờ đầu
rất tình cờ hai đứa chợt gặp nhau
em mở cặp vội vàng trao quyển sách
sợ bạn thấy ta kẹp vào dưới nách
đi một hơi không kịp cám ơn em
trốn vào cầu hối hả giở ra xem
mảnh giấy nhỏ nét mực nghiêng nghiêng tím
( Trong Sân Trường Bữa Ấy )
Thơ Luân Hoán không mang tính ẩn dụ cao, thỉnh thoảng ta mới bắt gặp, nhưng những tình huống ẩn dụ trong thơ anh rất tinh tế. Thơ anh luôn phơi bày ra tất cả những ngõ ngách của tâm hồn mình, nhờ vậy thơ Luân Hoán dễ đi sâu vào lòng người đọc :
tôi đã viết những gì trong lưu bút
một đôi dòng tạm biệt vu vơ
chiếc ảnh nhỏ tôi dán vào bên góc
ghi khiêm nhường ba chữ đơn sơ
khi chụp ảnh nào đâu tôi có khóc
sao mắt buồn chan chứa bao la
suốt niên khóa cùng chung trường chung lớp
chung thầy cô, chung chúng bạn thân quen
sao hình như vẫn vô cùng xa cách
trai gái đôi đường cách trở chia ngăn
……………………………………………
em có nhớ những lần đi du ngoạn
em vui đùa nhí nhảnh như con chim
không hiểu sao bỗng nhiên tôi buồn bã
tiếng em cười nghe đau nhói trong tim
sau ba tháng biết em còn đến lớp ?
mùa hè này ai đi hỏi em không ?
tập lưu bút của em tôi mở đó
viết làm sao cho hết những chuyện lòng
( Lưu Bút – Đưa Nhau Về Đâu )
Có nhiều người cho rằng Thơ chỉ là Thơ, Thơ không là đời sống thực. Tôi thì không cho như vậy. Tôi không quá mẫn cảm với thơ Luân Hoán, nhưng tôi tâm đắc dòng thơ anh vì thơ anh kết hợp được thế giới hiện thực với thế giới tưởng tượng, cái hay trong thơ Luân Hoán là ở chỗ này. Vì rằng,thế giới hiện thực có giới hạn, trong khi thế giới tưởng tượng là vô hạn. Như các triết gia Tây phương đã nhận định, tưởng tượng làm sống lại những kỷ niệm và tôn giá trị niềm vui sướng mà những kỷ niệm ấy gợi lên. Tưởng tượng sáng tạo như Luân Hoán được đánh giá là rất tích cực, mang đến cho con người phương tiện để thoát khỏi những buồn rầu trong cuộc sống; làm cho con người hạnh phúc hơn trong thực tế, làm phong phú cảm xúc con người.
Nghệ sĩ không thể không tưởng tượng trong khi sáng tác, bởi tưởng tượng là tự do vượt lên trên hiện tại, thực tại để trở về đó một cách sâu sắc hơn. Như Sigmund Freud đã nói: “ nghệ thuật cũng chính là một giấc mơ ( giấc mơ ban ngày ) Nghệ thuật là một cách để con người ghi lại những giấc mơ. Giấc mơ nghệ thuật giúp con người được sống nhiều cuộc đời, trải nghiệm nhiều tình huống, thỏa mãn những khát vọng không phải lúc nào cũng thực hiện được “
Vâng, đúng thế. Vậy chúng ta hãy cùng xem thế giới tưởng tượng của Luân Hoán khi ra Huế đi thi Tú Tài gặp các cô sinh viên ra sao :
chào em lộng lẫy Luật Khoa
cho tôi thay cái cặp da tầm thường
kẻo không phí mất mùi hương
em đang bỏ lại trên đường em đi
xin thề tôi chẳng nói chi
nằm ngoan trong ngón xuân thì trổ thơ
( Ngàn năm người đẹp Hương Giang
Vẫn còn đi đứng đàng hoàng trong tôi )
…………………………………………
chào em đài cát Văn Khoa
cho tôi thế cái yên da em ngồi
đường dài nhớ đạp thảnh thơi
cho tôi uống trọn hương đời thơm tho
xin thề không dám làm thơ
chỉ thiêm thiếp mộng bên bờ tồn sinh
( Ngàn năm người đẹp Hương Giang
Vẫn còn đi đứng đàng hoàng trong tôi )
Dù thế giới tưởng tượng là vô hạn, nhưng không kết hợp được với thế giới hiện thực thì cũng chẳng có thơ hay. Chúng ta hãy nghe Luân Hoán ra Huế thi Tú Tài, ngồi đúng vào cái bàn có khắc tên các nữ sinh Đồng Khánh Huế. Anh nói gì đây :
ngồi thi nhìn cái mặt bàn
Thu, Sương, Bích, Thảo nhẹ nhàng hóa thơ
…………………………………………….
không biết chỗ này ngày mấy buổi
ai ngồi duỗi thẳng búp chân thơm
cánh tay chắc hẳn tròn ghê lắm
tựa nhẳn mặt bàn ửng nước thơm
…………………………………..
này ả thơ cưng trường Đồng Khánh
tay ta cầm bút trả bài thi
hồn ta lơ lửng trong hương Huế
đạt cả hai tay chẳng có chi
……………………………………...
Vâng,” chẳng có chi “, và cậu học trò Lê Ngọc Châu, Trường Phan Chu Trinh Đà Nẵng đã chẳng có chi, thi hỏng Tú Tài kỳ 1.
Có thể nói rằng, Luân Hoán kết hợp thế giới hiện thực và thế giới tưởng tượng một cách rất nhuần nhuyễn, bởi trí tưởng tưởng cũng nằm trong vùng tâm thức cá nhân anh. Nói như John Lennon: “ Hiện thực để lại nhiều điều cho trí tưởng tượng “, Vâng, đúng thế. Ở bất cứ hình ảnh nào trong thơ Luân Hoán, cái nhìn của anh luôn xuyên suốt, vượt qua tất cả sự vật bằng trí tưởng tượng của mình, nhờ thế hình ảnh trong thơ anh luôn mỹ miều dễ cảm :
ta đứng tựa trong hành lang lớp học
trên lầu cao nhìn xuống mộng bâng khuâng
lòng cúi theo từng ngọn tóc phân vân
hôn rất nhẹ trên tóc thề đen nhánh
môi em đỏ sao hình như quá lạnh
răng trắng thơm níu giữ lấy hồn ta
lưỡi rót thương tình rót mật đậm đà
ta nương náu bên em bằng mộng tưởng
bởi quá yêu nên ta giàu tưởng tượng))
( Trong Sân Trường Bữa Ấy )
Tưởng tượng như thế này thì thú vị biết bao !
ngoắc kêu một bác xe lôi
một mình mà tưởng đang ngồi với em
quanh co xe chạy đã thèm
bác phu nhỏ nhẹ:” thầy quên chỉ đường “
( Nhật ký chặng đường Đà Nẵng – Sài Gòn )
Hoặc dặn dò vu vơ :
nhớ đừng gục xuống mặt bàn
gỗ hôn trộm má môi hoàng hậu ra
( Nhật Ký )
Nhờ trí tưởng tượng phong phú nên không gian thơ Luân Hoán rất rộng: ở trường học, ở ngoài phố, ở chợ, ở hồ bơi, ở bãi biển, ở sông ngòi, ở vùng quê, ở miếu đình, và nhất là ở trước cổng nhà của các mỹ nhân; chỗ nào có giai nhân là chỗ đó có thơ anh. Tất cả hình như đều đến rất bất chợt, không hẹn trước. Chính sự bất chợt này đã phát triển năng khiếu bẩm sinh của anh một cách mạnh mẽ, nhanh chóng và đưa thơ anh lên ngôi. Trong thơ Luân Hoán, thỉnh thoảng ta thấy anh muốn hóa thân ra nhiều ảnh hình như: mây, gió, hạt bụi, ánh nắng mặt trời, cái yên da xe đạp, cái cặp da nữ sinh, con tàu bập bềnh trên sóng biển…Nói chung, tất cả những gì có thể tiếp cận được với mỹ nhân là anh hóa thân ra thứ ấy, để ve vãn, để trêu cợt hay nói một cách thực tế hơn là để được thưởng thức mùi hương của người đẹp (?) :
gáy ngà đỡ mái tóc cao
rõ ràng có hạt bụi thao thức nằm
mây cao chốc chốc muốn sa
nắng soi từng góc thân hoa thiên thần
câu thơ biết phận cù lần
rút lui vào trái tim trần nằm mơ
( Thả Thơ Trên Biển )
chào em đài cát Văn Khoa
cho tôi thế cái yên da em ngồi
chào em lộng lẫy Luật Khoa
cho tôi thay cái cặp da tầm thường
( Ngàn năm người đẹp Hương Giang
Vẫn còn đi đứng đàng hoàng trong tôi )
Luân Hoán hóa thân trong thơ thật đẹp, thật dễ thương, thật diễm tình :
em nằm đắp nắng bãi chiều
cồn hoa che ngọn thủy triều trắng phau
tôi ngồi vốc cát xây lầu
hóa thân thả triệu con tàu viễn mơ
ngực em đè phải câu thơ
còn nằm trong trái tim khờ dại tôi
Một đôi lúc, trí tượng của anh vượt quá vùng hiện thực, anh vẫn cho ra đời những câu thơ rất ngộ nghĩnh :
nằm nghiêng
thừa cánh tay ôm
nằm ngửa
thiếu cánh tay thơm lạnh đùi
nằm sấp
bức rức cả người
ngồi lên
chạm mỹ nhân ngồi chung quanh
( Nhớ )
Như tôi đã nói ở trên, thơ Luân Hoán ít mang tính ẩn dụ, nhưng một đôi khi những bài thơ của anh mang tính ẩn dụ thì lại đầy sức sống :
em ngồi trải cánh chân phơi
nắng thơm nghiêng một góc trời săm se
tôi ngồi đờ đẫn tay che
com-chim-thơ-đội-mộng xòe cánh bay
gió rình trong nách lá cây
hồ đồ rơi trúng mình dây em mềm
hoảng hồn, gió vãi hương lên
thanh xuân cỏ biếc hai bên tôi nằm
mon men tôi ướm tay thăm
vô tình vướng phải cái dằm nhớ nhung
( Trên Đồi Cỏ )
Theo nhận định của tôi, thơ Luân Hoán và Giai Nhân luôn hòa quyện với nhau, có Giai Nhân là có thơ Luân Hoán và có thơ Luân Hoán là có hình bóng Giai Nhân. Hay nói một cách chính xác hơn, Giai Nhân chính là mạch nguồn của dòng thơ Luân Hoán. Trong lòng anh không lúc nào là không có hình bóng giai nhân ngự trị, bởi cõi lòng anh mênh mông quá như chính thơ anh tự nó đã lắm mênh mông. Chúng ta hãy đọc những câu thơ dưới đây sẽ hiểu anh hơn :
chiều chiều luồn chợ Vườn Hoa
trôi theo Đồng Khánh bám tà áo bay
mắt hồng liệng cái ngoắt tay
dắt qua Độc Lập dựa cây đèn đường
chập chùng xuân ảnh vãi hương
ngó ai lòng cũng yêu thương tức thì
giả vờ châm thuốc nhâm nhi
nuốt thầm vóc đứng, dáng đi quanh mình
( Đà Nẵng – 1960 )
“ Nuốt thầm vóc đứng, dáng đi quanh mình “. Vâng, thèm hơn thèm thuốc lá. Nhưng sự thèm khát của anh không phải là sắc dục, mà anh thèm hứng dòng mạch nguồn chảy ra từ tâm hồn mình. Bởi thế, cảm xúc anh lúc nào cũng tuôn trào để hóa thành thơ. Với anh, một ngày không làm được thơ kể như ngày ấy muốn bịnh. Anh tâm sự :
làm thơ là để bình thường
cái ta cứ thích đứng đường ngó em
làm thơ là để lênh đênh
trên giòng rảnh rỗi chợt quên mất mình
làm thơ là để làm thinh
im nghe ta tự tỏ tình với ta
làm thơ là để dần dà
trở thành ông thánh hóa ra ông khùng
làm thơ là sống ung dung
để cho óc khỏi lùng bùng nổi điên
làm thơ là có đủ quyền
ba hoa tưởng tượng đã ghiền mới thôi
với ta, thơ như bầu hơi
của hai lá phổi lôi thôi thở hoài
ngày nào thơ chẳng lai rai
kể như ngày đó coi mòi muốn đau
( Ta Phỏng Vấn Ta )
Còn tiếp…