Đặc điểm sân khấu hiện nay chia thành hai miền, hai khu vực khác nhau. Sân khấu Bắc, đại diện sân khấu Hà Nội luôn đòi hỏi Nhà nước các điều kiện: Đầu tư, lộ trình xã hội hóa… Sân khấu miền Nam cứ lặng thầm “làm tới”! Khu vực sân khấu tư nhân miền Nam phát triển mạnh, đứng vững trong cơ chế nền kinh tế nghệ thuật thị trường.
Sân khấu miền Nam từ lâu hình thành, ra đời sân khấu phát triển trong trào lưu nghệ thuật thị trường cạnh tranh tồn tại. Ngay sau đổi mới ra đời hàng trăm đoàn cải lương lan tỏa xuống huyện, xã thôn thành lập đoàn cải lương tự thu chi tồn tại. Tự phát bung ra “tùm lum”, không gì ngăn nổi. Giai đoạn cải lương hưng thịnh năm 1986-1990 miền Trung 18 đoàn cải lương, miền Bắc 14 đoàn tư nhân, miền Nam 120 đoàn (nguồn Lịch sử cải lương-Tuấn Giang Nxb Sân khấu-2008-trang 408). Hậu quả đổ vỡ hàng loạt các đoàn cải lương Nhà nước, tư nhân từ nhỏ đến danh tiếng như Đoàn 284, Sài Gòn I-II-III, Bông hồng vàng, Cánh buồm trắng, Cánh buồm đỏ, Hương mùa thu, Bông dừa trắng, Hàm Luông, Rạng đông, Linh Thanh…cùng hàng chục đoàn kịch tư nhân tan rã. Qua đổ vỡ đau thương, nhiều diễn viên bỏ nghề mất nghiệp, ra bán café… Từ đổ vỡ hoang tàn, giới nghệ sỹ Sài Gòn đứng lên xây dựng lại nền sân khấu mới-Sân khấu nghệ thuật thị trường. Từ một hai đoàn kịch thử nghiệm: Sân khâu 5B võ Văn Tần, đến Sân khấu Idecaf …Các nhóm cải lương Xã hội hóa: Thắp sáng niềm tin, Vũ Luân, Câu lạc Bộ Cải lương Thành phố… hoạt động những năm đầu thế kỷ XXI, nay thành đội ngũ sân Khấu tự doanh thu tồn tại. Đặc biệt anh Hai Nam Kỳ chẳng đòi hỏi Nhà nước như Phước Sang, Hoàng Thái Thanh, Hoàng Tuấn Anh, Nguyễn Phi Tuấn…Họ sẵn sàng đầu tư vay vốn hàng tỷ đồng xây dựng nhà hát, mua sắm trang thiết bị hoạt động doanh thu tồn tại. Những đoàn sân khấu miền Nam, họ tự đứng lên bằng đôi chân chính mình tạo ra nghệ thuật thị trường, là tổng hợp các mối quan hệ: Sân khấu kịch nói, sân khấu múa rối nước, sân khấu cải lương, sân khấu trình diễn thời trang, sân khấu ca nhạc, sân khấu nhảy múa, nhạc dân tộc, giao hưởng thính phòng, xiếc…Mỗi đoàn, nhà hát cạnh tranh sàn diễn, cạnh tranh người xem, cạnh tranh chương trình nghệ thuật biểu diễn mới…Họ đã tạo dựng mối quan hệ nghệ thuật thị trường:
Nhà sản xuất- Giá thành sản phẩm-Người tiêu dùng.
Các nhà hát, đoàn nghệ thuật thành phố Sài Gòn đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng sản phầm văn hóa nghệ thuật, đến nay khá bền vững. Giá vé các đoàn tư nhân cao hơn đơn vị Nhà nước. Giá vé Nhà hát Kịch thành phố: 120.000d-150.000đ- 200.000đ. Giá vé Nhà hát kịch Hoàng Thái Thanh, Ngôi sao Minh Béo, Idecaf…từ 150.000đ đến 300.000đ. Các đoàn nhà hát đua nhau mở ra vượt qua giai đoạn khủng hoảng tan vỡ, nay tồn tại theo khán giả tự nguyện: Cung-Cầu. Đoàn, nhà hát nào không đáp ứng nhu cầu cơ chế thị trường, theo quy luật cạnh trạnh tự bay ra khỏi cuộc chơi. Thị trường sân khấu có phải trả giá: Nghệ thuật Xuống cấp? Câu trả lời: Không! Hãy dạo qua lịch diễn các nhà hát: Hoàng Thái Thanh, Idecaf, Nhà hát kịch Tuấn Vân (Sân khấu Hồng Vân), Nhà hát Kịch Sài Gòn, Nhà hát Nón lá, Nhà hát Múa rối nước Rồng vàng, Đoàn Nghệ thuật Xiếc thành phố HCM, Sân khấu kịch Sao Minh Béo, CTTNHH Kịch Thái Dương, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang…Họ diễn các loại đề tài vở diễn:
Kịch lịch sử giáo lý truyền thống: Thánh Gióng, Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Bà Trưng khởi nghĩa, Chiến binh (tác giả Chu Lai), Chiếc áo Thiên Nga…Kịch tâm lý xã hội: Ai là tỷ phú, Bao giờ sông cạn, Ngôi nhà thiếu đàn bà, Buồn ơi…Người mua hạnh phúc, Người đàn bà uống rượu, Trò chơi tham vọng… Kịch Kinh dị: Quả tim máu, Người mẹ ma, Mắt âm dương, Lụa máu, Người tình trong đêm…Đề tài tình yêu: Tình như trang giấy trắng, Oan tình ai thấu, Kẻ nói dối đa tình, Mẫu của tình yêu, Cướp dâu…Kịch Hình sự: Xóm lưu manh, Tên tội phạm đa nhân cách, Hồn ma báo án…Kịch thiếu nhi: Nữ thần mặt trăng, Công chúa đi lạc, Tên trộm thành Bát Đa, Sơn Tinh Thủy Tinh, Đinh Bộ Lĩnh, Trưng Nữ Vương, Ngàn lẻ hai đêm, Chú kiến lạc loài, Truyện cổ Grim, Lọ lem, Nữ hoàng ngang ngược, Cậu bé rừng xanh… Hài kịch: Sống chờ, Đàn ông cũng khóc, Hồ Xuân Hương, Thằng tài lanh phá án…
Sân khấu miền Nam không chỉ sôi động trên sàn diễn dưới ánh đèn khuya với các loại nội dung: Chính kịch, hài kịch, kịch kinh dị, chuyện đời sống thường ngày, phản ánh mọi mặt con người đời sống xã hội. Dù còn những hạn chế cần khắc phục: Sân khấu nhiều cảnh ma quái rùng rợn, không ít vở lạm dụng cái hài diễn quá đà phản thẩm mỹ, nhiều vở diễn lê thê dễ dãi, đời thường hóa, kịch thiếu tính văn học, đôi vở nghiệp dư…Nhưng họ đã đổi mới sân khấu:
Đổi mới phương thức thể hiện như vở Bao giờ sông cạn, không gian sân khấu thoáng rộng, cảnh diễn tả dòng sông nổi sóng như thực gây đột biến hấp dẫn kỳ lạ xúc cảm, không còn cảnh ước lệ giải lụa dòng sông nghèo nàn…
Trẻ hóa đội ngũ tác giả, đạo diễn, diễn viên.
Đây là nhân tố quyết định tạo dựng nền sân khấu mới, nền sân khấu nghệ thuật thị trường, thời hội nhập toàn cầu hóa. Giới nghệ sỹ Sài Thành còn “lấp đầy” các cửa hàng băng đĩa tràn ngập những loại kịch bản nội dung đề tài xã hội, biến sân khấu sàn diễn vào đời sống tinh thần nhân dân trên ô tô, xe buýt, điện thoại di động, gia đình… Ca nhạc, hài kịch, cải lương, kịch nói, thành những sản phẩm “hàng nội” phổ biến sử dụng tiện ích. Dạo qua các phố, cửa hàng băng đĩa tràn ngập sản phẩm văn hóa “hàng nội”, “hàng ngoại” chìm sau quầy hàng. Họ đã làm nên nền nghệ thuật mới, chiếm lĩnh công chúng mang lại tinh thần văn hóa nghệ thuật dân tộc thế kỷ XXI.
Nhà hát Nón lá Bạc Liêu-Hiện đại nhất Miền Tây Nam Bộ.
Nhì lại sân khấu phía Bắc cứ từ từ “Đun nước chờ gạo”, lạnh lùng như khán giả, mở cửa tháo khoán vào xem hàng ngàn người, bán vé, giấy mời như Nhà hát Kịch Hà Nội công diễn vở mới đếm được 200-300 người mỗi đêm. Nhưng vụ vở Bale Hồ thiên nga, cháy vé. Dù giá bán 9.000.000đ chợ đen/một cặp vé, lại chật kín Nhà hát “Nhớn”. Xem ba lê ngay người làm nghệ thuật chưa chắc đã hiểu hết nội dung ngôn ngữ múa. Hiện tượng này giống như mấy lão nông làng tôi xưa, húp cháo cầm hơi từ chiều hôm trước, bụng rỗng hoác, sáng ra đường mồm còn ngậm tăm…
Nhưng muốn hay không sân khấu xứ Bắc hai năm nữa phải Xã hội hóa, tự chủ tài chính doanh thu tồn tại. “Chậm chắc”, giới nghệ sỹ không bi trả giá khủng hoảng đổ vỡ từng mảng? Về điểm này, sân khấu hai miền giống nhau. Vào giai đoạn khủng hỏang sân khấu (1990-1995), phía Bắc tan rã hàng chục đoàn cải lương, kịch dân ca, tuồng, kịch nói… Nhưng sau đổ vỡ nghệ thuật, các đoàn sân khấu tư nhân không ra đời hoặc rất ít, cả miền Bắc chỉ một hai đoàn tồn tại kiểu “chân trong chân ngoài”. Nhóm nghệ sỹ dũng cảm: Kịch Hình thể Lan Hương mấy năm sau mới tự doanh thu tồn tại, các nhóm danh hài tự phát: Xuân Hinh, Tự Long, Quang Tèo, Minh Vượng, Quốc Anh…Dựng Video, Clip bán trên thị trường, hoặc các nhà hát: Kịch nói, cải lương, Múa rối, ca sỹ, nhạc sỹ dựng băng đĩa ca nhạc, chủ yếu tặng nhau. Những sản phẩm sân khấu, ca nhạc, hài kịch…bày bán trên thị trường không nhiều, chưa đi vào đời sống công chúng. Nghệ thuật, sân khấu xứ Bắc chưa tạo ra nền sân khấu nghệ thuật thị trường.
Nguyên nhân, nghệ sỹ xứ Bắc không “chịu chơi”, chưa đổi mới tư duy thoát khỏi tư tưởng chờ thời, thường đòi hỏi Nhà nước, có đạo diễn nhiều tác giả nói: Tự chủ tài chính là sai lầm, sẽ phải trả giá! Một đạo diễn nói: Nếu thả nổi, chúng tôi sẽ hư đấy! Nhìn lại sân khấu, nghệ thuật thị trường phương Nam, qua 15 năm đổi mới họ tạo ra gần ngàn vở diễn nghệ thuật thị trường, công chúng yêu thích. Chưa thấy Nhà nước phải trả giá cho sự thả nổi các đoàn, thực tiễn nếu điều ấy xảy ra cũng là chuyện không đáng sợ trong quá trình đổi mới nền sân khấu từ bao cấp sang nghệ thuật thị trường. Một số người lý luận xứ Bắc có thể chưa vừa lòng sân khấu phương Nam: Vở diễn thị dân, hay nghiệp dư tầm thường…Nhưng nền sân khấu thị trường không phục vụ một đối tượng khán giả, họ sản xuất nhiều tầng kịch bản: Vở diễn riêng phục vụ các bà nội trợ, kịch bản phục vụ người lao động giản đơn, nhân dân lao động các nghành nghề: Dệt may, dày da, thợ lắp ráp công nghệ điện tử…Nhìn vào danh mục vở diễn các nhà hát kịch phương Nam, cho thấy sự phong phú đề tài vở diễn doanh thu, đáp ứng nhiều đối tượng khán giả. Nhìn sang dàn kịch mục sân khấu Hà Nội, họ diễn gì?
Nhà hát kịch Việt Nam, lịch diễn tháng 8-2015: 17 buổi. Tháng 9-2015: 18 buổi, các vở: Tai biến, Trong mưa giông thấy nắng, Đám cưới con gái chuột, Bệnh sỹ, Lâu đài cát…Nhà hát Kịch Hà Nội, có tháng diễn 6 buổi tại rạp, còn đi hợp đồng điền dã, tháng nhiều nhất 20-25 buổi tại chỗ, trong tháng thỉnh thoảng mới có ngày 2 show. Dàn kịch mục:
Bỉ vỏ, Tiếng đàn vùng Mê Thảo, Điệp khúc Viruts…Đoàn kịch Hình thể-đáng ngợi khen với các vở: Cảnh Ngộ, Hồn Chương Ba, Nhật nguyệt thực…Nhà hát Kịch Tuổi trẻ các vở: Ai là thủ phạm-Lưu Quang Vũ, Biến dạng-Chu Thơm, Công lý không gục ngã, Tất cả là con tôi-Arthur Miller…Hài kịch: Xóm Hóng, Một tình yêu…Kịch thiếu nhi: Dế mèn…Qua dàn kịch các nhà hát diễn nhiều vở cũ, chưa phong phú thể loại như dàn kịch đã phân loại sân khấu phương Nam. Tuy nhiên, Nhà hát Kịch Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát kịch Quân đội, Nhà hát Chèo Việt Nam, Chèo Hà Nội, Chèo Quân đội… nhiều vở diễn chạm vào đời sống xã hội, nhưng tại sao chưa gây bão giới trẻ? Công chúng mọi lứa tuổi.
Nguyên nhân:
Các vở diễn đã chạm vào một số mảnh vỡ đời người nhưng chưa điển hình, khái quát mâu thuẫn xung đột xã hội, mâu thuẫn gia đình, tâm lý xã hội, ấn tượng sâu sắc.
Chưa tạo thói quen tiếp thị, quảng bá gây lốc xoáy dư luận công chúng, đặc biệt giới trẻ- kịch chưa thực sự nói vể họ chân thực sâu sắc. Chưa đặt tuổi trẻ vào đối tượng miêu tả, phản ánh, biểu hiện-Sân khấu cần hướng đến chinh phục giới trẻ.
Công chúng phía Bắc bị đánh mất thói quen đến nhà hát nhiều thập kỷ qua, các nhà hát cần lấy lại công chúng như Đoàn Kịch Hình thể xây dựng công chúng mới. Các nhà hát cần mở cổng thông tin bán vé, quảng cáo các phương tiện truyền hình như sân khấu phương Nam, họ luôn thay đổi hình ảnh vở diễn trên truyền thông.
Thời đại công nghệ thông tin chưa vận dụng đúng quy trình khoa học, các nhà hát chưa biến thương hiệu thành tích vàng-Thành thương hiệu: Nghệ thuật mạnh! Hiệu quả không thể như mong đợi. Bên cạnh nguyên nhân chủ yếu, còn nguyên nhân thiếu đội ngũ tác giả trẻ-Viết về tuổi trẻ. Sân khấu hai miền thiếu đội ngũ tác giả chuyên nghiệp đang sung sức như cố tác giả Lưu Quang Vũ, nên kịch thiếu tính ngôn ngữ văn học, thiếu kịch bản mang tính thời đại: Nhân văn-nhân loại. Sân khấu Nam, Bắc còn “chạy ăn”, kiếm tiền vì sự tồn tại. Đây một hiện tượng số diễn viên thành tác giả, nhiều kinh nghiệm sân khấu, thị hiếu khán giả nhưng tác phẩm thiếu tầm cao rộng. Còn các tác giả chuyên nghiệp-Sống bằng nghề viết, nhiều khi chỉ quan tâm điều mình tâm đắc đưa vào kịch bản còn công chúng chưa thỏa đáng, hoặc không có nhu cầu… Mặt khác, phương thức thể hiện sân khấu phía Bắc, nhiều nhà hát phương Nam chưa thực sự đổi mới. Những yếu kém trên, sân khấu cả nước chưa đồng thuận tạo ra nền sân khấu, nghệ thuật thị trường. Sân khấu cần đổi mới: Nghệ thuật biên kịch, nghệ thuật diễn, phương tiện thể hiện. Trẻ hóa toàn bộ đội ngũ sân khấu trẻ, tạo dựng nền sân khâu nghệ thuật thời hội nhập, nghệ thuật toàn cầu hóa.
Kịch Hình thể- Vở Vường Thiên Đàng.
Hà Nội 17-8-2015.