Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
719
123.366.291
 
Có phải bài thơ "Độc tiểu thanh kí" của Nguyễn Du từng bị ngụy tác?
Nguyễn Cẩm Xuyên

 

***

 

(Tạp chí KIẾN THỨC NGÀY NAY số 896 ngày 20.7.2015)

 

Bài thơ Độc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du được cho là thuộc Thanh Hiên thi tập. Bài thơ được đưa vào chương trình Ngữ văn lớp 10 nhằm giới thệu phần thơ chữ Hán bên cạnh Truyện Kiều là thơ chữ Nôm vốn đã khá quen thuộc với học sinh:

Tây Hồ hoa uyển tận thành khư, 
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư. 
Chi phấn hữu thần liên tử hậu, 
Văn chương vô mệnh luỵ phần dư. 
Cổ kim hận sự thiên nan vấn, 
Phong vận kỳ oan ngã tự cư. 
Bất tri tam bách dư niên hậu, 
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Theo GS. Nguyễn Khắc Phi: “...Việc đặt Độc Tiểu Thanh kí bên cạnh Truyện Kiều trong chương trình Trung học phổ thông là một sự bố trí đẹp”. Vậy nhưng đến nay vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng bài thơ “Độc Tiểu Thanh kí” còn nhiều khập khiễng làm cho người ta hoài nghi về lai lịch của nó:

Bài thơ bị thất niêm do chữ thứ nhì của câu đầu là chữ “hồ” (vần bằng) không niêm với chữ thứ nhì câu 8 là chữ “hạ” (vần trắc); chữ thứ nhì câu 6 là chữ vận”  (vần trắc) không niêm với  chữ thứ nhì của câu 7 là tri” (vần bằng) . Ngoài thất niêm, bài thơ lại thất luật: 6 câu đầu thuộc luật bằng, 2 câu cuối thuộc luật trắc(1). Việc thất niêmthất luật này xảy ra với bài thơ chỉ do 2 câu cuối. Xem kĩ thì đây cũng không thuộc trường hợp do tác giả cố ý phá cách để tạo nét độc đáo trong nội dung. Về việc này, Học giả Nguyễn Quảng Tuân viết: “...Có phải Nguyễn Du muốn “phá cách” chăng? Chúng tôi không cho là như vậy, vì các bài thơ “phá cách” đều được phá ngay từ câu mở đầu, chứ không có trường hợp nào sáu câu đầu làm theo luật bằng và hai câu cuối lại làm theo luật trắc...”(2)

 

Tác giả Linh Đàn(3) có nêu một dị bản (không thất niêm, thất luật) của bài thơ này qua hồi ức (lược trích) sau:

“...Trong những năm kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954), ở vùng Lan Đình, Gio Linh chúng tôi, việc học hành vô cùng khó khăn, trở ngại trăm bề, không thể đến trường học chữ Quốc ngữ được, nên phải ở nhà học chữ Hán. Thầy dạy chúng tôi là cụ cử nhân Trần Doãn Trai tham tri bộ Hộ hồi hưu [...]. Thầy bắt đầu dạy thơ chữ Hán, vào đầu năm 1950 đường sá đi lại có dễ hơn một chút, Thầy viết thư bảo tôi vào làng Hà Trung (phía nam huyện Gio Linh) đến nhà cụ Khôi (thuộc dòng thượng thư họ Trần Đình) mượn bộ sách “Thượng Thi Tập Ngâm” đem về sao chép. [...]. Tôi còn nhớ rất kỹ, chính tay tôi sao chép cả năm trường mới được hai quyển, vì hồi đó chiến tranh, phần thì phải trốn giặc Tây, phần thì canon, moóc chê nổ bất thình lình, nên khi viết được khi không, chưa chép đến quyển Hạ thì cụ Khôi đến đòi lại, vừa trả sách được mấy hôm, Tây về đốt nhà Thầy lần thứ hai, cháy luôn hai quyển vừa mới chép, may mà trả lại được bộ cũ. Thế rồi Thầy cũng thôi dạy, chúng tôi cùng theo học trường chiến khu vùng Việt Minh.

 

Trong thời gian chép tay tôi thuộc được nhiều bài thơ, trong đó có bài ĐỘC TIỂU THANH KÍ, Thầy tôi say sưa với bài thơ này, rồi chúng tôi cũng ngâm theo Thầy, thành ra thuộc lòng như thế này:

 

ĐỘC TIỂU THANH KÍ :


Độc điếu song tiền nhất chỉ thư
Tây Hồ mai uyển tẫn thành khư
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư
Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như

Dịch:

Tờ xưa song quạnh viếng người
Tây Hồ vườn cũ bời bời gò hoang
Hận này khó vạch trời oan
Lòng ta xin với lòng nàng cùng chia
Tinh hoa di ảnh còn kia
Văn chương lửa táp não nề tờ mây
Ba trăm năm nữa ai đây
Khóc thương căn chướng đọa đầy Tố Như...”

Dị bản nêu trên là sự xáo trộn vị trí của một số câu trong nguyên bản nhằm làm cho bài thơ đúng niêm, đúng luật nhưng lại làm thay đổi không ít cấu trúc ý.

 

Hãy xem xét lại từ đầu, kể từ khi 2 câu cuối rồi cả bài thơ được khám phá. Cả một quãng thời gian dài từ khi Nguyễn Du mất cho đến những năm gần giữa thế kỉ XX tức khoảng hơn 100 năm, người ta vẫn truyền tụng huyền thoại: trong trận dịch tả trải dài cả nước năm 1820, Nguyễn Du là nạn nhân. Ông không chịu uống thuốc, đến lúc người nhà sờ thấy chân tay lạnh, ông đọc 2 câu thơ “Bất tri tam bách dư niên hậu,/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” như một lời cảm thán trước lúc từ trần. Gia phả họ Nguyễn Tiên Điền có ghi: Trước khi mất, Nguyễn Du đã đọc hai câu thơ trên. Cụ Nghè Nguyễn Mai, cháu 10 đời thuộc dòng họ Nguyễn Tiên Điền cũng công nhận điều này với cụ Phó bảng Phan Sĩ Bàng và Giải nguyên Lê Thước. Năm 1924 hai cụ đã công bố 2 câu thơ trên trong tập sách “Truyện cụ Nguyễn Du” và gọi đây là 2 câu thơ  khẩu chiếm. Năm 1925, Phó bảng Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo Truyện Kiều, lời tựa do Trần Trọng Kim viết cũng đã nhắc lại ý kiến này.

Hai câu thơ khẩu chiếm này được nhắc suốt nhiều năm trong khi bài thơ “Độc Tiểu Thanh kí” thì không tăm tích bởi một lí do đơn giản là vào đầu thế kỉ XX, 3 tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du là Thanh Hiên thi tập, Bắc Hành tạp lục, Nam trung tạp ngâm khó truy tìm vì tình trạng mất mát sách vở, thư tịch. Hãy đọc đoạn sau đây của Thủy Sinh trên diễn đàn Viện Việt Học:

“...Việc thu thập, hiệu đính và dịch ra quốc âm, quốc ngữ các trước tác của Nguyễn Du chủ yếu được tiến hành tập trung từ đầu thế kỷ XX. Trước hết, các học giả tìm đến các thư viện, kho lưu trữ, gia phả và những người dòng họ Nguyễn Tiên Điền. Tiếc thay, ở thư viện Viễn Đông bác cổ chỉ còn một tập thơ "Bắc hành tạp lục" và bây giờ thì ta biết, trong đó không có bài thơ về nàng Tiểu Thanh rồi, mặc dù xét về đề tài thì nó có thể thuộc loại thơ vịnh Bắc sử như rất nhiều bài thơ đi sứ khác của Nguyễn Du. Trong thư viện này, cũng còn lưu giữ được tên một tập thơ khác của Nguyễn Du, đó là "Nam trung tạp ngâm", nhưng chính tập thơ thì đã mất lúc nào không rõ. Tình hình sưu tầm tại nhà Nguyễn Du cũng gặp khó khăn. Khi biên soạn cuốn "Truyện cụ Nguyễn Du" (xuất bản năm 1924), Lê Thước và Phan Sĩ Bàng được biết, theo gia phả họ Nguyễn Tiên Điền thì Nguyễn Du để lại 3 tập thơ chữ Hán: "Thanh Hiên tiền hậu tập", "Nam trung tạp ngâm" và "Bắc hành tạp lục". Lúc đó, ông nghè Nguyễn Mai, cháu họ xa của Nguyễn Du nhưng là người gần nhất còn lại ở quê, có đủ cả bộ. Năm 1923, cụ Lê Thước đã mượn và sao chép lại, nhưng trong đó có lẽ không có bài "Độc Tiểu Thanh kí" hoặc nếu có thì chỉ còn sáu câu [...]. Bởi vì, những ai đã tiếp xúc với bản "Gia phả họ Nguyễn Tiên Điền" đều phải được biết rằng trong ấy ghi: trước khi mất, Nguyễn Du đã "khẩu chiếm" (kêu than lúc trăng trối) bằng hai câu thơ mà bây giờ là hai câu cuối của "Độc Tiểu Thanh kí"! Chính Lê Thước và Phan Sĩ Bàng công bố chi tiết "khẩu chiếm" nói trên và nói có trong tay đầy đủ cả bộ ba tập thơ (mà sau đó cũng chỉ cho ra mắt lẻ tẻ) thì dù bài thơ không có tiêu đề, chỉ cần có 6 câu thơ trên thôi, cũng không sớm thì muộn phải được ghép thử 2 phần thơ lại với nhau và có ý kiến khác với thuyết "khẩu chiếm" rồi. Tạp chí Nam Phong số 161, năm 1931, phần chữ Hán, có đăng "Tiên-điền Nguyễn Du di trước" nhưng chỉ có 13 bài thơ, trong đó không có "Độc Tiểu Thanh kí": thuyết "khẩu chiếm" vẫn ngự trị dư luận. Phải đến chục năm sau, khoảng năm 1940 - 1941, ông Đào Duy Anh mới tìm về họ Nguyễn Tiên Điền và lúc này được biết, ông nghè Nguyễn Mai chỉ còn giữ được một tập thơ khác với "Gia phả" và nhóm Lê Thước đã cho biết, mang tên "Nguyễn gia phong vận tập", trong đó có chép được mấy chục bài thơ của Nguyễn Du (cùng với thơ của nhiều người khác trong họ về đời trước và cùng thời). Trong số này, không thể có bài "Độc Tiểu Thanh kí" 6 câu bởi vì các bài thơ đều phải hoàn chỉnh theo yêu cầu của tuyển thơ dòng họ và, nếu có nguyên bài thì người ta phải xem lại thuyết "khẩu chiếm". Lý do ông Nguyễn Mai không còn trong tay bộ 3 tập thơ Nguyễn Du thật đơn giản: "vua Tự Đức có lệnh cho quan tỉnh Nghệ An đương thời thu thập tất cả di cảo của Nguyễn Du để xem" (Đào Duy Anh). Cụ Nguyễn Đình Ngân, cựu giám đốc Văn hóa viện ở Huế có cho biết là đã từng được xem tập di cảo thơ chữ Hán của Nguyễn Du, nhưng từ năm 1946 thì tổ chức cách mạng không mang đi theo kháng chiến được. Bây giờ nước nhà đã thống nhất, nếu chưa tìm ra được tập di cảo này, thật là tiếc (vì đó là chính bản). Ngay sau đó, ông Đào Duy Anh may được một người bạn ở Vinh cho mượn một tập thơ đề là "Thanh Hiên thi tập" gồm 131 bài, trong đó có chép lẫn 55 bài thuộc "Bắc hành tạp lục", còn thơ trong "Nam trung tạp ngâm" thì vẫn vắng bóng. Trong tập thơ này, có bài "Độc Tiểu Thanh kí". Theo ông Đào Duy Anh nói với chính tôi vào dịp tết năm 1973 (khi đó tôi là sinh viên khoa Ngữ Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhà ở lô B5 Khu tập thể Kim Liên Hà Nội, đến chúc tết ông Đào Duy Anh ở B6; con đường chạy qua trước nhà tôi khi ấy, bây giờ được đặt tên ông): Khi đọc đến hai câu cuối của bài thơ đó, ông giật mình, nhớ ngay tới hai câu thơ "khẩu chiếm" . Và sau đó, ông đã có lời đính chính lại trong thời gian trước 1945, rằng hai câu thơ đó là trong bài "Độc Tiểu Thanh kí" chứ không phải là hai câu thơ tuyệt mệnh cùa Nguyễn Du...”

 

Đào Duy Anh đã đính chính rằng 2 câu khẩu chiếm ấy chính là 2 câu cuối của bài “Độc Tiểu Thanh kí” . Vậy nhưng việc đính chính của cụ Đào Duy Anh chỉ dựa trên một tập thơ chép tay của một người bạn cho mượn. Độ chính xác của tập thơ không có gì đáng tin bởi tuy tập thơ gọi là "Thanh Hiên thi tập" mà lại chép lẫn lộn vào 55 bài thuộc "Bắc hành tạp lục" và trong đó lại có bài “Độc Tiểu Thanh kí”. Ngày xưa, người ta thường ít tôn trọng nguyên tác: Mượn được tập sách, tập thơ về người ta sao đi chép lại rồi tự ý thêm thắt, sửa chữa theo ý mình, dẫn đến tình trạng tam sao thất bổn. Trong cuộc sống khó khăn việc lưu trữ tài liệu ít chu đáo nên không chừng  bài Độc Tiểu Thanh kí chỉ còn được 6 câu rồi người bạn của Đào Duy Anh hay ai đó đã chắp thêm vào 2 câu “khẩu chiếm” của Nguyễn Du cho trọn bài, nhân vì vậy mới xảy ra tình trạng thất niêm, thất luật... Có thể việc Linh Đàn kể lại trên cũng rơi vào trường hợp này: bài thơ Độc Tiểu Thanh kí dị bản  trong bộ sách “Thượng Thi Tập Ngâm”của cụ Khôi thuộc dòng thượng thư họ Trần Đình cũng có thể là sản phẩm của “tam sao thất bổn” – Có thể một nho sinh nào đó khi sao chép, phát hiện bài thơ thất niêm thất luật, đã tự ý hoán đổi vị trí các câu thơ để chỉnh lại đúng niêm luật mà lại không chú ý là bố cục của bài thơ trở nên rất lủng củng.

Khả năng bài thơ Độc Tiểu Thanh kí bị ngụy tác ở 2 thế kỉ trước rất có thể đã xảy ra.

--------------------------

CHÚ THÍCH:

 

(1)             Trong phép làm thơ luật Đường có quy định về “niêm”: chữ thứ nhì của các cặp câu 1-8, 2-3, 4-5, 6-7 phải cùng vần bằng hay trắc. Ngoài “niêm” còn có “luật” quy định chặt chẽ bằng, trắc ở chữ thứ 2, 4, 6 của tất cả các câu. Bài thơ thất luật vì 6 câu đầu bài thơ thuộc luật bằng, 2 câu cuối thuộc luật trắc.

(2)              NGUYỄN QUẢNG TUÂN; Cần phải tìm hiểu chính xác hơn bài "Độc tiểu thanh kí" của Nguyễn Du; Tạp chí Hán Nôm số 1 (18) năm 1994. Học giả Nguyễn Quảng Tuân không nhất trí quan điểm sau của GS, Nguyễn Khắc Phi về vấn đề phá cách trong thơ Đường “...Có những bài mật độ thất niêm thất luật dày đặc. thậm chí gần như thất niêm thất luật cả bài như “Trú mộng”, “Sầu”..của Đỗ Phủ. Chính Đỗ Phủ đã tự chú thích cho bài Sầu bằng mấy chữ: "Cưỡng hí vi Ngô thể" (Gượng đùa làm thơ theo Ngô thể). Thơ Ngô thể tức là Thơ ảo thể. Thơ ảo thể là "luật thi - thơ bát cú - hay tuyệt cú mà cả bài không theo luật bằng trắc thông thường;nếu một cặp câu trong đó không theo luật bằng trắc thông thường thì gọi là thơ ảo cú".

(3)             LINH ĐÀN – Nguyễn Hữu Kiểm quê ở Lan Đình - Quảng Trị, hiện sống tại TP.HCM. Bài đăng trên chuyên san CLB Unessco Thơ Đường Việt Nam – Chi nhánh Tp HCM, tháng 7 năm 2006 và trên Văn nghệ Quảng Trị. (http://nonnuocbinhkhe.blogspot.com/2011/01/22-oc-tieu-thanh-ky-2.html).


 

Nguyễn Cẩm Xuyên
Số lần đọc: 4487
Ngày đăng: 27.08.2015
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lời hứa của tình yêu vĩnh cửu - ổ khóa khắp thế gian - Nguyễn Hồng Nhung
Mười hai luật vũ trụ và hai mươi mốt phụ luật - Nguyễn Hồng Nhung
Giá trị thực của thi sĩ chắc chắn sẽ còn lại với muôn đời. - Lâm Bích Thủy
Những tác động ảnh hưởng các trào lưu âm nhạc bên ngoài vào giới trẻ. - Tuấn Giang
Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương - bản hòa ca về cái cô đơn của con người đương đại - Trần Thị Ty
Đi tìm thú vui - Võ Công Liêm
Lời khuyên của bảy nhà thông thái Hy Lạp - Nguyễn Hồng Nhung
Thêm một bàn-tay-thơ của Nguyễn Đức Tùng - Đỗ Quyên
Hamvas Béla "Bữa ăn nhẹ của Thượng Đế an lành" - Nguyễn Hồng Nhung
Từ "Dấu chân trên cát" đến "Tro bụi trần gian" * - Trần Hoài Anh
Cùng một tác giả