Cầm tập thơ thứ 4 của nhà thơ Trần Dzạ Lữ trên tay, điều đầu tiên, tôi mỉm cười trước cái tựa đề rất ấn tượng : CỨA NÁT MUÔN TRÙNG. Nhìn trang bìa, một màu xanh mát mắt cùng bức tranh Nhật Nguyệt càng gây thêm tò mò trong tôi: điều gì khiến cho nhà thơ chọn tiêu đề như trên nhỉ?
Lần mở mục lục, tôi muốn tìm bài thơ ý chính của tập thơ, nhưng tuyệt nhiên, 91 bài thơ tình đang được giới văn nghệ ý nhị đùa:”” viết riêng cho 1 người “ kia, không hề có bài thơ nào trùng với bìa tập thơ cả. ‘’Ẩn số’’ chắc chắn phải ở bên trong, như một ‘’đánh đố’’ dịu dàng…
CỨA NÁT MUÔN TRÙNG được trình bày như một câu chuyện tình yêu, tươi mới và đầy lôi cuốn. Bằng ngòi bút dung dị nhưng không kém phần sắc sảo, TrầnDzạ Lữ dẫn người đọc vào thế giới của chính tâm hồn anh, với lý do hồn nhiên ngay từ bài thơ đầu tiên:
Nụ cười em đã nhốt lấy hồn tôi
Gã lãng tử chưa hề luồn cúi
Thích mây trời và lang thang khắp lối
Sao bây giờ nhận tội yêu em ?...(Nụ cười em đã nhốt lấy hồn tôi-TDL)
Tình yêu ấy chân thành tự thú qua những dòng lục bát ngọt ngào, say đắm :
…Yêu em ở tuổi muộn mằn
Vẫn say như thủa hoang đàng ngày xưa
Em !Em ! Thấy hết hồn chưa ?
Tình anh mọc rễ không ngờ…quá lâu! (Hết hồn-TDL)
Cứ thế, cái duyên đằm thắm trong thơ lại lôi kéo người đọc vào một nỗi nhớ rất riêng khi ‘’người ta’’… lỡ hẹn:
…Lại treo nỗi nhớ vào thơ
Môi con gái Bắc đỏ bờ liêu trai
Lang thang anh, cõi mưa ngoài
Bềnh bồng tóc gió, em hoài thương chưa?... (Lỡ hẹn-TDL)
Bằng ngôn ngữ tự sự cùng với vốn từ ngữ không hề thiếu,Trần Dzạ Lữ đã đưa những từ láy vào thơ anh một cách tài tình, không hề sáo mòn hay gượng ép, pha thêm chút lãng mạn cần có cho sự bay bổng của thơ ca. Cuộc hẹn hò được anh kể:
Ta bắt được tình ở Đồng Xanh
Môi yêu cong cớn ngọt ngon lành
Cà phê đăng đắng, chiều âm ấm
Tháng Chạp rưng mùa vui yến oanh…(Ở cà phê Đồng Xanh-TDL)
Và cũng không kém phần dí dỏm, tinh nghịch như lứa tuổi đôi mươi:
…Đừng bắt anh phải hôn…hàm thụ
Mã phu này đã quen thói ăn đêm
Nơi vắng vẻ trước chiếc môi mềm
Không hâm nóng làm răng anh chịu nổi?...
Ở bài thơ này, tôi tin chắc, cũng như tôi, người đọc sẽ tủm tỉm trước khổ thơ cuối:
…Đừng bắt anh phải hôn…hàm thụ
Khi lòng mình đã muối mặn, gừng cay
Miếng trăng ngon, làm răng anh nỡ vội
Tha O về? O hãy ‘’xích’’ lại đây…( Đừng bắt anh phải hôn hàm thụ-TDL)
Tới đây, nếu không nhắc về những âm ngữ địa phương rất Huế được Trần Dzạ Lữ vận dụng tài tình vào thơ anh, có lẽ sẽ là thiếu sót lớn, vàdĩ nhiên cũng rất là…tình thơ:
…Anh ở nơi ni sầuVỹ Dạ
Đâu còn hoa bắp để lung lay
Bên tê đèo còn ai lung liếng
Con mắt tình không rượu mà say…(Đêm Huế nhớ Sài Gòn-TDL)
Cái ghen thâm trầm, dịu dàng mà da diết, dai dẳng như những cơn mưa Huế cũng được anh thể hiện thật rõ nét lồng theo từng địa danh của quê hương anh:
Huế-Sài Gòn chỉ hơn một giờ bay
Nỗi đợi chờ lại lâu hơn thế kỷ
Đi tới đi lui-khói thuốc vàng tay
Cứ sợ Huế nhốt em trong lòng Thiên Mụ…
Và…
…Sợ sông Hương làm mình làm mẩy
Nổi ba đào níu vạt áo em xưa
Anh sợ luôn Huế những ngày mưa
Xối lạnh lẽo vào tim em hây hẩy…( Đợi em nơi phi trường-TDL)
Chuyện tình yêu bao giờ cũng thế, có khi hờn ghen, có lúc giận hờn, thơ Trần Dzạ Lữ cũng đã từng dỗ dành ‘’người ấy’’ rất dễ thương:
…Giận chi em? Để cực lòng anh rứa?
Đêm lang thang hối lỗi cũng sa mù
Đèn Sài Gòn kia ‘’ngọn xanh ngọn đỏ’
Có ngọn nào dẫn lối về để yêu ?...(Giận chi em-TDL)
Xin được trích đoạn 1 bài thơ rất tượng hình trong chùm Tứ tuyệt về quê của anh:
Ở CHỢ THẦN PHÙ
Thoắt, tôi rớt xuống chợ Thần Phù
Mỏi mắt tìm mua hoa phù du
Hoa không ai bán, tình không thấy
Chỉ thấy sương đầy trong gánh rau!(TDL)
Nói về thơ tình của Trần Dzạ Lữ, cũng không thể bỏ qua được, đôi mắt cảm thông, nhận định sâu sắc về con người, được anh kể bằng thơ như thủ thỉ với chính mình và với người:
…Đượm chút gì kiêu sa và lãng mạn
Giữa dòng đời lầm lũi chốn phù hoa
Em cứng cỏi nhưng nghe ra mềm nhũn
Khi chạm vào tâm khảm, phải không em?...( Bên em, cà phê sáng-TDL)
Hoặc, thêm một cái nhìn như rọi thấu tâm tư người đối diện:
…Thấy mắt môi em cố giấu nỗi buồn
Có thể xa anh em dằn nước mắt
Nhưng xa mẹ…thật tình em khóc
Lệ hoàng hoa nhỏ xuống phía hoàng hôn…( Khi xa mẹ-TDL)
Dọc dài theo tập thơ, người đọc còn nhìn ra 1 con người sống rất thật từ cuộc đời đến thơ ca như không hề có sự cách biệt. Hãy nghe anh nhẹ nhàng trần tình:
…Lấy khổ đau làm mồi đun ly biệt
Sống chết đâu màng sợi chỉ treo chuông?
Có lúc yêu ai cũng ngại ngùng thăm thẳm
Trái tim này mở cánh cửa bao dung
Đến với người bằng nụ cười tình thân
Dẫu có khi người xem ta là giẻ rách
Chấp làm chi kẻ có tròng không mắt
Cứ xem như gặp buổi thị phi buồn…(Tự Bạch- TDL)
Cũng như nhẹ nhàng nói với nàng Thơ của anh qua thể thơ tự do:
…Có lẽ câu thơ anh viết là máu thịt của tâm hồn
Và nụ hôn em là biển mặn
Ta hòa tan vào nhau bằng nước sông Hương sông Hồng
Lấp lánh
Sự chân chất này là ngàn lần
Anh không phải Don Juan…(Anh không phải là Don Juan-TDL)
Tới đây, tôi nghĩ, có lẽ mình có thể cùng bạn đọc nhâm nhi tách trà rất tao nhã của nhà thơ, bằng những ngôn từ ‘’đẹp’ :
…Trà dâng, người uống nhất bình minh
Lòng nhẹ như bay mình gặp mình
Níu những ân tình, tô hẹn ước
Chàng Vọi thức chờ đêm áo xanh…
Trùng lai mấy độ thi vịn thơ
Quanh quất trà còn vương như tơ
Thi nhân hồ dễ quên nhân ảnh
Cạn trà, tình vẫn nhớ’’chưa bưa’’ !(Tứ tuyệt giao cảm trà-TDL)
Trà thơm,say lòng, và có lẽ ‘’đáp án’’ của CỨA NÁT MUÔN TRÙNG là đây chăng ?Tôi bất chợt dừng lại trước bài thơ Lục Bát biến thể :
…Thôi
Em đừng hóa Ni cô
Chiều rưng
Chùa vắng…ơ hờ sắc không
Buồn anh
Cứa nát muôn trùng
Nếu em
Gĩu áo
Xa
Trần Gian Anh…(Thôi- TDL)
Cô gái nào có ý định hóa thân thành Lan của chuyện tình ngày xưa, chắc chắn sẽ phải dừng bước trước ý thơ tha thiết như thế này !
Một lý do, một ý mở cho 1 tập thơ tình lãng mạn của thế kỷ, đủ đi vào lòng người , trải dài qua 160 trang thơ với 91 bài thơ, mà bài cuối cùng, dành để cám ơn cuộc đời, cám ơn mối tình thơ, xui khiến Trần Dzạ Lữ mải miết viết :
…Cảm ơn em, thi hứng chín mươi lần
Nhưng rất riêng khi chìa ra cảm xúc
Thắp đuốc đi tìm đâu ra con mắt
Của linh hồn em đến bên anh ?(Cảm ơn em-TDL)
Với tâm hồn tươi trẻ như thế này, hy vọng bạn đọc sẽ còn tiếp tục được đọc những bài thơ rất tình cũng như vẫn ăm ắp tin yêu cuộc đời, tin vào tình yêu luôn hiện hữu, tràn đầy sức sống trong thơ anh Trần Dzạ Lữ, để ai cũng có thể thấy được, thấp thoáng đâu đó, chính mình ở trong…
Mong lắm thay !
(Saigon, mùa Thu 2015)