Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.028
123.197.582
 
5 Năm tới, VIỆT NAM sẽ phát triển theo CÁCH MỚI
Huỳnh Kim

Trong hai ngày 2 và 3-6, tại Cần Thơ, Bộ Kế họach và đầu tư (MPI) cùng Ngân hàng Thế giới (WB) đã tổ chức Hội nghị giữa nhiệm kỳ không chính thức Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam năm 2005 (CG 2005). Đại diện 22 nước tài trợ, 13 tổ chức quốc tế, 4 tổ chức phi chính phủ cùng gần 200 đại diện các doanh nghiệp tư nhân, các nhà quản lí chính quyền Việt Nam tham dự…

           

            Hội nghị thảo luận tình hình kinh tế xã hội Việt Nam 5 tháng qua và góp ý xây dựng kế họach 5 năm tới (2006-1010). Trong đó, có lồng ghép với Chương trình Chiến lược tòan diện về tăng trửơng và xóa đói giảm nghèo (CPRGS) của Chính phủ; việc chuẩn bị gia nhập WTO; tình hình cải cách tài chính ngân hàng, cải cách hành chính công, chống tham nhũng, phát triển luật pháp và tư pháp. Hội nghị cũng thảoluận về sử dụng nguồn vốn ODA, chống HIV/AIDS và ngăn chặn dịch cúm gia cầm…

            Phó Thủ tướng Vũ Khoan, đã nhấn mạnh tại phiên khai mạc: “Vòng đàm phán đa biên tại Geneva về việc Việt Nam gia nhập WTO vừa kết thúc với kết quả tích cực, và Việt Nam đang tiến gần tới gai đọan kết thúc đàm phán song phương với một lọat đối tác. Để tạo thuận lợi cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và đàm phán gia nhập WTO, Quốc hội sẽ sửa đổi chương trình xây dựng pháp luật năm nay, và chúng tôi cũng tập trung vào việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, giải quyết có hiệu quả một số vấn đề xã hội, đẩy mạnh việc ngăn chặn và chống tham nhũng, lãng phí”.

            Bộ trưởng MPI, ông Võ Hồng Phúc, cho biết 5 tháng đầu năm nay, dù Việt Nam gặp khó khăn lớn do hạn hán, dịch cúm gia cầm, song tình hình phát triển kinh tế xã hội vẫn khả quan. Ông nhấn mạnh: “Tốc độ tăng GDP của quí I còn thấp xa so với mục tiêu của kế họach năm 2005 là 8,5%. Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 8,5%, thì các quí còn lại phải đạt tốc độ tăng trưởng GDP gần 9%”.

            Tham tán công sứ Đại sứ quán Nhật, ông Daisuke Matsuaga, nói: “Nhật đánh giá cao các nỗ lực xây dựng kế họach phát triển kinh tế xã hội mới dựa trên cách tiếp cận CPRGHS. Trong khi Chính phủ chuẩn bị kế họach 5 năm tới, điều quan trọng và thiết yếu là phải thống nhất giữa kế họach phát triển kinh tế xã hội với các kế họach cấp ngành và địa phương cũng như phối hợp với ngân sách”. Ông nhấn mạnh: “Nhật dự dịnh phối hợp chương trình ODA của mình với kế họach phát triển kinh tế xã hội tới và sẽ điều chỉnh chương trình hỗ trợ quốc gia của mình theo hướng đó”.

            Bà Rose Greve, đại diện Tổ chức Lao động Quốc tế, góp ý: “Sự tác động của nghèo đói và xã hội có thể sẽ phát sinh từ việc gia nhập WTO. Giải quyết các vấn đề bất bình đẳng xã hội đòi hỏi các hành động có mục tiêu ở cấp địa phương cộng với sự tham gia mạnh mẽ của mọi người dân trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của chính họ”.

            Thảo luận về cải cách kinh tế, ông Lazaros Molho, đại diện Quĩ Tiền tệ Quốc tế, cho rằng: “Cần sớm có biện pháp củng cố tính độc lập của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và xác định rõ vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong giám sát các định chế ngân hàng họat động tại Việt Nam. Kế họach cổ phần hóa các ngân hàng thương mại quốc doanh phải được thực hiện nhanh chóng và không có lý do chậm trễ”.

            Về Dự thảo Luật Chống tham nhũng, bà Anna Lindstedt, Đại sứ Thụy Điển nói: “Nếu thực hiện được việc kê khai tài sản của các quan chức chính quyền như đề xuất thì đó sẽ là biện pháp hữu hiệu và mạnh mẽ để ngăn ngừa tham nhũng”. Bà cam kết: “Thụy Điển sẵn sàng trợ giúp hình thành một nhóm các nhà tài trợ để giúp chính phủ củng cố năng lực của hệ thống thanh tra”.

            Đại sứ, trưởng đoàn đại diện Phái đòan Châu Âu, ông Markus Cornaro, cho biết: “Việt Nam là quốc gia đầu tiên thực hiện địa phương hóa Tuyên bố Paris về hiệu quả của viện trợ.” Ông đề nghị: “Chúng ta phải tập trung vào các hệ thống cung cấp dịch vụ công của chính phủ, bảo đảm tính nhất quán giữa kế hạoch phát triển kinh tế xã hội và qui chế quản lý ODA”.

            Đại sứ Pháp, ông Jean - Francoise Blarel, thông báo: “Để ủng hộ chương trình cải cách rộng lớn cũng như những tiến bộ mạnh mẽ của Việt Nam về quản lý tài chính công, chúng tôi quyết định tham gia vào nhóm các nhà tài trợ cung cấp hỗ trợ trực tiếp cho ngân sách thông qua Tín dụng Hỗ trợ giảm nghèo của WB”.

            Tổng kết hội nghị, ông Klaus Rohland, Giám đốc WB tại Việt Nam, nhấn mạnh: “Việt Nam đang ở một thời điểm quan trọng của tiến trình phát triển và kế họach phát triển kinh tế xã hội tới đây phải đóng vai trò như một cẩm nang hướng dẫn việc hòan tất quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường”. Ông góp ý cụ thể: “Trong một số lĩnh vực như kết cấu hạ tầng, yêu cầu đầu tư lớn như có thể thấy qua tình trạng thiếu điện gần đây, Chính phủ có thể tiếp tục duy trì vai trò đầu tàu nhưng cần khuyến khích khu vực tư nhân tham gia”.

            Bế mạc hội nghị, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, cam kết rằng Chính phủ Việt Nam sẽ cộng tác chặt chẽ với các nhà tài trợ để xây dựng một kế hạoch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2006-2010 theo cách mới trong đó chính phủ đóng vai trò định hướng trong việc giải quyết các thách thức kinh tế xã hội quan trọng./.

                                                                       

 

CHÍNH PHỦ NÊN ĐÓNG VAI TRÒ GIÁN TIẾP…

 

            Trong 5 năm 2001-2005, Việt Nam đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân 7,5%/năm. Một trong những chủ đề quan trọng của của Hội nghị CG giữa kỳ lần này là kế họach 5 năm 2006-2010. Các nhà tài trợ rất quan tâm đến kế họach này và sẵn sàng gia tăng hỗ trợ để Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu đặt ra.

            Theo tôi, trong quá trình cải cách kinh tế, vai trò của Chính phủ cần có sự thay đổi theo hướng gián tiếp hơn. Chính phủ không nên đóng vai trò là tác nhân trực tiếp của tăng trưởng kinh tế nữa, mà chỉ là người tạo điều kiện thúc đẩy quá trình tăng trưởng này, trong đó cần chú trọng khuyến khích khu vực tư nhân phát triển.

            Để khuyến khích khu vực tư nhân, Chính phủ cần đưa ra một khuôn khổ chung và nâng cao tính minh bạch, đồng thời đối xử bình đẳng, không phân biệt so với doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ không nên chú trọng đến từng ngành, từng doanh nghiệp riêng biệt, mà cần tạo ra một môi trường chung cho mọi thành phần kinh tế phát triển.

 

Klaus Roland – Giám đốc WB tại Việt Nam

 

 

VIỆT NAM & WTO

 

            Vào lúc Việt Nam bắt đầu năm thứ mừơi và có lẽ là năm cuối cùng của quá trình đàm phán gia nhập WTO, một số thành viên WTO rắp tâm sử dụng quyền lực để mở cửa thị trường Việt Nam, thậm chí để bán phá giá nông sản dư thừa của họ.             Quốc gia thu nhập thấp này đang bị ép phải đưa ra những cam kết “WTO-cộng” (cao hơn những yêu cầu đối với những thành viên hiện hữu) như là cái giá để trở thành thành viên WTO.

            Điều này đe dọa thành công của Việt Nam trong sự nghiệp giảm nghèo. Các nước giàu cần nhìn xa hơn lợi ích thương mại ngắn hạn để cho phép Việt Nam gia nhập WTO trên những điều kiện có lợi cho phát triển.

(Trích báo cáo của OXFAM)

 

 

5 GIẢI PHÁP CỦA CHÍNH PHỦ ĐỂ ĐẠT KẾ HOẠCH NĂM 2005

 

            - Tạo mọi thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế sản xuất kinh doanh. Cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư để thu hút đầu tư nước ngòai. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả Luật Đất đai và Luật Xây dựng nhằm đầy mạnh đầu tư.

            - Ổn định các cân đối kinh tế vĩ mô, đặc biệt là ổn định giá.

            - Khẩn trương chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

            - Tập trung giải quyết có hiệu quả  một số vấn đề xã hội bức xúc; đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo.

            - Đẩu mạnh cải cách hành chính, đấu tranh ngăn chặn tham nhũng, lãng phí và phòng chống tội phạm.

Phó Thủ tướng Vũ Khoan

 

 

            Đây là hội nghị CG không chính thức nên sẽ không có tuyên bố chính thức về cam kết tài trợ tiếp tục cho Việt Nam. Nhưng tôi vẫn hi vọng, nếu cuối ngày hội nghị, các ngài có nêu ra con số tài trợ thì vẫn vui hơn.

Phó Thủ tướng Vũ Khoan

 

Năm 2004, Việt Nam đã nhận được cam kết tài trợ từ phía các nhà tài trợ là hơn 3,4 tỉ đô-la Mỹ. Năm 2004, đã giải ngân được 1,6 tỉ đô-la Mỹ. Năm 2005, có thể giải ngân ít nhất 1,7 tỉ đô-la Mỹ vốn ODA.

Dương Đức Ưng - Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngọai - Bộ KH&ĐT

 

ĐÃ & SẼ…

 

            Ở Việt Nam, trong 12 năm qua tăng trưởng đạt bình quân 7,5%. Thành tích gây ấn tượng này gợi ý về một khả năng rất lớn là Việt Nam sẽ ra khỏi danh sách các nước có thu nhập thấp vào năm 2010.

            Nhìn về tương lai, sẽ khó mà tăng được tỉ lệ đầu tư lên cao hơn nhiều so với mức hiện tại. Điều này khiến cho chất lượng đầu tư trở thành phương tiện chủ yếu để duy trì tăng trưởng kinh tế nhanh hơn và tiếp tục đạt được những thành quả trong đấu tranh chống đói nghèo.

            Gia nhập WTO đem lại một cơ chế quan trọng để gặt hái những thành quả về hiệu quả như vậy; điều đó sẽ mở ra những thị trường mới, giúp thu hút FDI mạnh hơn, và nâng cao hiệu quả tổng thể của nền kinh tế.

Trích Báo cáo của Ngân hàng Thế giới

 

IMF & VN

 

            Việt Nam đã có những bước tiến rất vững chắc để đạt được những mục tiêu của Chiến lược Tăng trưởng giảm nghèo tòan diện (PRGF). Với những chính sách đúng đắn, Việt Nam có nhiều triển vọng tốt đẹp để đạt thêm nhiều thành tựu hơn nữa trong thời gian sắp tới.

            Giờ đây, đã hơn một năm kể từ khi thỏa thuận PRGF kết thúc vào tháng 4-2004, mối quan hệ hậu chương trình của Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) với Việt Nam vẫn chặt chẽ và đầy tính xây dựng trong suốt thời gian này.

            Tuy nhiên tôi muốn nhắc lại là mặc dù những thành tựu của Việt Nam cho tới nay rất ấn tượng, nhưng những nhiệm vụ phải làm trước mắt là rất lớn. Tôi tin tưởng với sự hỗ trợ tiếp tục của cộng đồng các nhà tài trợ, các nhà chức trách sẽ có thể phát huy những thành tựu đã đặt được trước đây và áp dụng những chính sách cần thiết để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang một hệ thống dựa trên cơ sở thị trường.

Lazaros Molho - Trưởng đoàn IMF tại hội nghị

 

 

CẦN THƠ ĐANG “CHUYỂN ĐỘNG” VỚI WB

 

            Con hẻm số 24 trên đường Võ Thị Sáu, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ đang rộn rã chuyện đập bỏ hàng loạt căn nhà hai bên hẻm để mở rộng đường hẻm từ hai mét lên bốn mét. Tự chủ nhà đập bỏ để sửa hoặc xây nhà mới, vì hết thảy bà con đã hiểu mục tiêu dự án, đã thảo luận các phương án và nhận đủ tiền đền bù giải tỏa. Còn khoảng 200 con hẻm tương tự như vậy ở nội ô thành phố Cần Thơ, sẽ được nâng cấp mở rộng với nền nhựa hoặc bê-tông, có đủ hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng, cứu hỏa và thùng chứa rác.

            Đó là một phần nhỏ trong dự án “Nâng cấp đô thị thành phố Cần Thơ” do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, trị giá hơn 39,1 triệu đô-la Mỹ, kéo dài từ nay đến năm 2010. Dự án này nhằm xóa nghèo đói cho trên 100.000 dân ở 44 khu vực thuộc 11 phường nội ô hai quận Ninh Kiều và Bình Thủy, thông qua việc cải thiện các điều kiện sống và môi trường đô thị. Tức là chỉ có người dân nghèo mới được hưởng thụ dự án này. Do vậy, nguyên tắc quan trọng nhất của dự án mà WB đề ra, phải được tuân thủ: phải có sự tham gia của cộng đồng vào tất cả các bước trong quá trình chuẩn bị và thực hiện dự án, kể cả những hộ dân không có hộ khẩu, vì chính họ cũng được hưởng lợi.

            Ông Lê Văn Tiển, giám đốc dự án này, nói rằng được làm việc với một định chế tài chính lớn nhất thế giới là WB thì mọi việc phải hết sức minh bạch và    cụ thể. Tỉ như chuyện sắp giải tỏa di dời hơn 300 hộ dân quanh hồ Xáng Thổi để trả lại “lá phổi xanh” cho thành phố Cần Thơ thì “phải tính tới từng đám rau muống của bà con thả trên hồ”. Ông Tiển nói, nhiều cán bộ của WB đã tiếp xúc với các hộ dân này và đi nhiều nơi nghèo khó khác và họ nắm rất chắc mọi việc trong thực tế.

            Bởi vì ngoài chuyện hẻm hóc, dự án còn xây dựng các công trình giao thông đô thị lớn gồm cả bờ kè, cấp thoát nước, điện chiếu sáng, công viên… để giải quyết cơ bản vấn đề môi trường cho khu vực hồ Xáng Thổi, rạch Tham Tướng, rạch Mít Nài và các vùng ô nhiễm khác thuộc các phường An Lạc, An Hòa…

            Tháng trước, Ban Quản lý dự án đã khởi công xây dựng một khu tái định cư tại khu vực Thới Nhựt, phường An Bình cho khoảng 1.000 dân nội thị nằm trong dự án sẽ chuyển về đây sống. Làm tới “khớp” này rồi, sẽ phải lo tiếp cho họ có  đủ quyền làm chủ chỗ ở mới; cho vay vốn cải tạo, nâng cấp nhà ở, tạo điều kiện sống tốt hơn. Hạng mục sau cùng là nhằm tăng cường năng lực cho chính quyền địa phương và cộng đồng tham gia dự án trong bảo vệ môi trường, xây dựng cuộc sống.

            Ông Lê Văn Tiển nói, công việc mới nhưng chính qui và rất có ý nghĩa. Ông tự nhủ, sẽ làm hết sức mình để “cùng thi đua” với ban quản lý ba dự án tương tự cũng do WB tài trợ đang được xúc tiến tại TPHCM (298,5 triệu đô-la Mỹ), Hải Phòng (41,1 triệu đô-la Mỹ) và Nam Định (33,8 triệu đô-la Mỹ)./.

Huỳnh Kim
Số lần đọc: 3856
Ngày đăng: 05.06.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trên cao nguyên hóa đá - Hồ Tĩnh Tâm
Kiên Lương biển nhớ - Hồ Tĩnh Tâm
Bão năm thìn trong ký ức người dân nam bộ - Trần Dũng
Một ngày không quên - Ngọc Thủy
Vành đai Bình Đức ngày ấy - bây giờ - Đậu Viết Hương
Khóm chua - Nguyễn Thanh Xuân
Đi thăm biển chết - Huỳnh Kim
Đảo ngọc kết chuổi cờm trên biển - Hồ Tĩnh Tâm
Lương Hòa - MônCaĐa - Thanh Giang
CHIẾN THẮNG MÙA XUÂN 1975 - Võ Quê
Cùng một tác giả
Hàn vi (thơ)
(thơ)
Xa nhau (thơ)
Đêm (thơ)
Thu (thơ)
Nuôi cu (thơ)
Cánh Bướm nâu (truyện ngắn)
đất (thơ)
(thơ)
Đây là Scotland. (lịch sử)