1-Cuộc hành trình “dang dở” của nhà văn Thanh Châu:
Sau khi kết thúc bằng 4 bài thơ đăng trên hai tờ báo Tiểu thuyết thứ bảy (trụ sở tại số 93 phố Hàng Bông-Hà Nội) & Phụ nữ **(số 7 phố Hội Vũ-Hà Nội) trong hai năm 1937-1938 của T.T.Kh,nhà văn Thanh Châu có viết một bài tùy bút nhan đề Những cánh Hoa tim vào Mùa Thu năm 1939 (Hoài Việt-Thâm Tâm & T.T.Kh-NXB Hội nhà văn 1991).Thì gần đây nhất cũng lại vào Mùa Thu năm 1990 ông viết bài cuối cùng với tựa đề Nói thêm về T.T.Kh & mở ngoặc Tác giả những bài thơ nổi tiếng từ 1937.Bài viết được đăng trên Nguyệt san văn hóa số cuối năm 1990 (sau đó in trong cuốn sách của Hoài Việt-“Thâm Tâm & T.T.Kh”-NXB Hội nhà văn 1991).Ông viết: “Năm 1989 Nhà xuất bản Khoa học xã hội có in mấy truyện ngắn của tôi(cùng một số truyện của Nguyễn Tuân,Thanh Tịnh.v.v…thời kỳ 1930-1945).Bởi thấy còn nhiều người muốn hiểu rõ hơn về T.T.kh,tôi đã đưa in lại truyện ngắn Hoa tigôn viết năm 1937 đăng ở Tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy-Truyện ngắn đã gây xúc cảm cho T.T.Kh,nên sau đó tòa soạn Tiểu thuyết thứ bảy nhận được mấy bài thơ của T.T.Kh gửi đăng liền được bạn đọc đương thời chú ý…Thời tạm chiếm (Pháp) ở Hà Nội,thời Mỹ ở Sài Gòn vẫn có báo đăng nhắc chuyện T.T.Kh & từ giải phóng miền Nam tới nay,người đọc các báo văn nghệ,sách nhà xuất bản văn học (thơ Thâm Tâm) vẫn lại thấy có người tranh cãi về T.T.Kh.Vậy T.T.Kh là ai?có phải là Trần thị Khánh?hay Tào thị Khê?hay Tôn thị Khuê?Trần thị Khải,Thái thị Khương?Ai mà biết được?cho nên cuối truyện ngắn Hoa tigôn in lại năm 1989 tôi đã phải viết: T.T.Kh là ai?Lúc trước(1937) tác giả đã không cho biết địa chỉ,cũng như không chịu “xuất đầu lộ diện” cho tới ngày nay,nếu còn sống T.T.Kh phải là lớp “cổ lai hy” rồi.Vậy có nên quí trọng sự khiêm tốn của nhà thơ,hẳn có lý do “ẩn tích” của mình.
Viết như vậy đâu có ổn.Như thế khác gì người đặt bó hoa lên ngôi mộ vô chủ,rồi ra về?Nhưng bạn đọc yêu thơ lại đòi hỏi khác.Người ta muốn biết T.T.Kh đã vì ai,cho ai mà có thơ? & người yêu T.T.Kh có đích thị là Thâm Tâm hay Nguyễn Bính hay ai nữa?...Năm 1986,anh Tô Hoài (trong bài viết về Trần Huyền Trân,đăng tuần báo văn nghệ số 45 tháng 11-1986)cũng lại nhắc:“Câu chuyện tình u uẩn mà nhiều báo một thời bàn tán sôi nổi,nào là Hai sắc hoa Tigôn,nào T.T.Kh,nào Thâm Tâm & Khánh hay ai?Những éo le mơ hồ,các anh Thanh Châu,Thâm Tâm,Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính,những đồng tác giả ấy-hôm nay cũng còn có bạn có thể kể lại rành rõ được hay là cứ để mờ ảo mãi như thế? ”...Hôm nay,nhân tìm lại những tư liệu còn giữ được,tôi muốn kết thúc cái chuyện cũ càng“mờ mịt” này bằng cách công bố thêm một điều lạ,là “thủ phạm” của sự “nhiễu” này,khiến thiên hạ càng đoán phỏng,đoán mò-Chỉ tại Nguyễn Bính đăng một bài thơ (đề tặng T.T.Kh) bài Cô gái vườn Thanh in năm 1940.Đọc lại bài này,người ta thấy Nguyễn Bính có đến vườn Thanh,trọ nhà một ông già,ông này kể cho nghe chuyện một thiếu nữ “Đêm đêm bên cạnh chồng già-Và bên cạnh bóng người xa hiện về”…Và rồi Nguyễn Bính tự hỏi:
…Bao nhiêu oan khổ vì tình
Cớ sao giống hệt chuyện mình năm xưa
Phải chăng mình có nên ngờ
Rằng người năm ấy bây giờ là đây?
Một người thơ đa tình như Nguyễn Bính:-“Chuyện xưa hồ lãng quên rồi-Bỗng đâu xem được thơ người vườn Thanh” (tức T.T.Kh) bèn ra thơ đề tặng T.T.Kh (Cô gái vườn Thanh) người mà Nguyễn Bính chưa hề biết mặt.Bởi vậy,có người đã khẳng định sau khi đọc bài thơ Nguyễn Bính rằng:-“Chính ông Bính là người yêu của T.T.Kh rồi làm thơ người ta tế nhị nói chuyện nọ ra chuyện kia-Như thi sĩ Ác-ve đã kín đáo trong thơ ông ta vậy”.Người thứ hai làm cho mọi người gần hơi thỏa mãn chính là Thâm Tâm,khi có bài Màu máu Tigôn (gửi T.T.Kh,tác giả bài thơ Hai sắc hoa Tigôn).
Theo tôi,đây là một bài thơ dở nhất,không xứng với thơ Thâm Tâm,mặc dù tác giả nói là “K…hỡi người yêu của…”.?Đến nay,tôi không hiểu bài thơ này in ở đâu?Lấy ở đâu ra,sau này lại do Mã Giang Lân tuyển in vào tập Thơ Thâm Tâm (do nhà xuất bản Văn học in năm 1988 mà không đề năm tháng?)Liền sau bài Màu máu Tigôn này,nói là của Thâm Tâm “tặng T.T.Kh” lại thêm bài Các Anh (cũng ở tập Thơ Thâm Tâm nói trên)…Cũng may,với sự nghi ngờ có thể hai bài thơ trên là “thơ dởm” lời thơ thô vụng không chắc của Thâm Tâm,tôi đã tìm đến ông Phạm Quang Hòa,nghe nói ông trước kia có làm thơ & quen với Thâm Tâm,còn giữ được nhiều thơ cũ.Ông Phạm Quang Hòa đã chép cho tôi một bài thơ giống như bài Các Anh nói theo ông Phạm Quang Hòa thì đây là bài thơ Thâm Tâm trả lời T.T.Kh,sau khi có Bài Thơ cuối cùng của T.T.Kh đăng báo Tiểu thuyết thứ bảy(?).Bây giờ xem lại thì bài này dài gấp mấy lần bài Các Anh,chỉ đúng có 8 câu đầu là của bài Các Anh tiếp theo còn 47 câu thì bỏ,để lại bắt vào đoạn cuối của bài Các Anh với 7 câu kết (như trong bài Các Anh).Vậy thì Mã Giang Lân đã lấy ở đâu ra bài Các Anh (đã in ở sách Thơ Thâm Tâm-NXB Văn học 1988?)Với vỏn vẹn có 16 câu?.Nếu trích ở đâu sao không nói rõ?.Về ông Phạm Quang Hòa,ta có thể tin ông là bạn thân của Thâm Tâm,nên mới có “Bài thơ trả lời T.T.Kh” của Thâm Tâm mà ông giữ được cho đến nay,nhưng sao đọc những câu thơ như:
Tiếng xe mở lối vu quy
Hay là tiếng cắt nàng chia cuộc đời
Miệng chồng Khánh gắn trên môi
Hình anh,mắt Khánh sáng ngời còn ghi…
Khánh ơi! Còn hỏi gì anh?
Xưa tình đã lỡ nay tình lại nguyên…
Rõ ràng lời thơ không xứng đáng với mối tình tha thiết & cay đắng của một thiếu phụ như T.T.Kh đã giữ hẹn xưa:
-Cố quên đi nhé,câm mà nín
Đừng thở than bằng những giọng thơ
Tình cảnh một người có chồng,không quên được người cũ,muốn giữ kín chuyện riêng,lúc nào cũng:
-Tôi run sợ viết bởi rồi đây
Nếu không yên được thì tôi chết…
Trong khi đó “người đàn ông của mình” cứ bô bô réo tên mình lên trong thơ hết K…ơi,lại Khánh ơi.Đến nỗi T.T.Kh phải kêu lên:
- Là giết đời nhau đấy biết không?
Dưới giàn hoa máu tiếng mưa rung
Giận anh em viết dòng dư lệ
Là chút dư hương điệu cuối cùng…
Đã thế lại còn Bài thơ đan áo(1938).Ai đã đem bài thơ này của T.T.Kh đăng lên báo Phụ nữ thời đàm (phố Hội Vũ)?.Bài thơ như T.T.Kh đã nói rõ: -Chỉ có ba người đã đọc riêng
Bài thơ đan áo của chồng em
Bài thơ đan áo nay rao bán
Cho khắp thiên hạ thóc mách xem…
Với mục đích gì “Người yêu của T.T.Kh” lại đăng lên báo Bài thơ đan áo để đến rồi T.T.Kh phải “nặng lời”:
- Từ đây anh hãy bán thơ anh
Còn để yên tôi với một mình
Những cánh hoa lòng,hừ đã ghét
Thì đem mà đổi lấy hư vinh…
Một người nghiêm túc như Thâm Tâm mà anh,em văn nghệ thời trước từng quen biết,có thể có cử chỉ & lời thơ dễ dãi,vô ý thức như vậy không?Đó là sự đáng ngờ.Vì vậy ,ngày Trần Huyền Trân còn chưa lâm bệnh nặng,tôi đã hai lần gặng hỏi anh về mối tình của Thâm Tâm & T.T.Kh có thực có hay không & Trần Huyền Trân người bạn “nối khố” của Thâm Tâm đã khẳng định là không từng nghe Thâm Tâm nói đến.Vậy người yêu thực của Thâm Tâm là ai?Có phải là T.T.Kh như lâu nay nhiều người nghe nói?K…& T.T.Kh là một hay hai?Có người nói:Vào thời thơ T.T.Kh nổi lên như thế,có nhiều anh tự nhận là người yêu của họ,nên Thâm Tâm đã phải kêu cái tên Khánh lên rõ to,để mọi kẻ có ý đồ xấu phải im tiếng & hiểu rằng “Hoa kia đã có chúa xuân” Như vậy lại càng không đúng tư cách Thâm Tâm…Cho nên,một số bạn thơ văn đích thực là bạn của Thâm Tâm thường nói: “Thâm Tâm qua đời lâu rồi mà T.T.Kh nếu còn sống cũng đã già lão quá rồi,nên để họ yên nghỉ với giá trị không thể chối cãi một thời của họ.Những danh Nhân chết đi bao giờ chả để lại cho người sau vô số huyền thoại,cái đúng,cái sai,cái “dỏm”.Đó là vinh dự của danh Nhân,không phải vinh dự cho người muốn gắn tên tuổi mình vào hào quang của người đã khuất…” Thời Mỹ,ông Vũ Bằng(vào quãng cuối tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy)di cư vào Sài Gòn có dựng câu chuyện: “Quang Dũng là con trai cụ Tản Đà” & nói về T.T.Kh,họ Vũ cũng chép tên thi sĩ Leiba vào,làm mọi người chả hiểu ra sao.Những ai đã từng làm báo với họ Vũ cũng đều thuộc “ngón” làm ăn này của họ Vũ.Leiba(tức Lê văn Bái) có thời gian ngắn làm báo Ích Hữu(của Tân Dân)sau đó thi đỗ,làm ông Phán tòa sứ Sơn Tây rồi mất(1941).Leiba là lớp trước Thâm Tâm,không quen biết gì nhau.Đây chỉ là cách làm báo phao tin “giật gân” cho chạy báo.Cũng cùng một loại phao tin thất thiệt đó, tôi còn nghe một chuyện tức cười nữa là có người “khẳng định” người yêu của Thâm Tâm là em gái cùng Cha,khác Mẹ với nhà thơ Tế Hanh…Buồn thay,lớp người 1930-1945 trong văn học đã theo nhau “đi”gần hết.Còn sót lại có Lưu Trọng Lư,Bùi Hiển,Tô Hoài…Nửa đêm chợt tỉnh anh Lư có còn nhớ nhiều không,với sức nhớ của người trên 70 rồi?
Viết đến đây,tôi muốn cung cấp để bạn đọc biết thêm ít chi tiết về T.T.Kh trước khi chấm dấu cuối cùng:-Hồi 1937,tôi có nhận được một thư trả lời tòa soạn Tiểu thuyết thứ bảy của T.T.Kh.Tôi nhớ đại ý người làm thơ không muốn cho địa chỉ để chúng tôi gửi báo biếu,với lý do cuộc đời mình “chả ra sao”.Bức thư đó,cũng như thư của bạn đọc hàng ngày gửi đến báo,ai giữ làm gì?Hơn nữa,hồi đó tôi còn trẻ,nên không mấy quan tâm đến chuyện các bà “Phụ nữ làm thơ”.Nếu tôi là người mê thơ,mê người làm thơ như bây giờ,có lẽ bức thư kia còn lại đến ngày nay,cũng thành có giá.Còn chuyện nữa xin kể nốt:-Hồi làm báo Tiểu thuyết thứ bảy ở Hà Nội,vì gia đình tôi ở thị xã Thanh Hóa,nên thời thường vẫn đi về,cũng như Nguyễn Tuân & Hồ Dzếch có gia đình ở thị xã này.Một hôm,tôi không có mặt ở nhà thấy mẹ tôi bảo: “Có một người con gái đến chơi,không chịu nói tên,chỉ để lại một bó hoa Tigôn rồi cáo lui”.Từ đó,không lần nào trở lại.Ai nhỉ?Tuổi tôi lúc đó cũng có đôi ba bạn gái,nhưng thời gian này báo đã đăng mấy bài của T.T.Kh rồi,vậy đó là người đã đọc truyện Hoa Tigôn của tôi hay đã yêu thơ của T.T.Kh mà tìm đến?
“Ở lại vườn Thanh có một mình”.Có thể người này vốn dân thị xã này chăng?Sao tôi không biết,không từng gặp?Lại nữa,nếu như có thực tên người yêu của Thâm Tâm là…Khánh,Trần Thị Khánh thì bài thơ Các Anh đã gọi toẹt ra rồi.Chỉ có tôi đến hôm nay là còn chưa rõ.Bạn đọc chú ý đến thơ T.T.Kh & Thâm Tâm,người nào chẳng nói được căn cứ theo lời kêu gọi trong thơ: “Khánh ơi” còn hỏi gì anh?Khánh ơi,còn đợi gì anh…?Chả thầy bói cũng nói trúng tên: “Người ấy” T.T.Kh(tức Khánh).Năm tháng đã cuốn theo chiều gió bao chuyện vui buồn.Cái gì còn lại vẫn là tài năng,đức hạnh.Ngày nay còn có người nhắc đến T.T.Kh là do sức sống của thơ.Có người thích thú tìm thấy 9 chữ thu trong hai bài thơ đầu(mùa thu tâm sự đầy khắc khoải)…Lại có người nhấn mạnh mấy chữ lúc thì tôi,lúc thì em trong thơ T.T.Kh(vừa giận vừa thương của một tấm lòng tha thứ,khi thấy người yêu làm vỡ lở tình duyên cũ).Riêng tôi,đọc lại thơ T.T.Kh tôi ngạc nhiên thấy phong cách thơ bà này khác xa thơ của ông bạn Thâm Tâm,Nguyễn Bính,Trần Huyền Trân cùng thời.Thơ T.T.Kh không có những chữ:-Ly khách,ải xa,trường thành.quan san,cô phụ,đoạn trường…(Thâm Tâm) hay:-Rau tần,ngõ trúc,giọt dòng,lưu biệt,thiên thu,tịch liêu…(Nguyễn Bính).Thơ T.T.Kh kể chuyện mình một cách giản dị,không sáo ngữ…không cố tìm chữ lạ,không làm dáng nên dễ đi vào lòng người,nhất là lòng bạn gái cùng cảnh ngộ.Luyến tiếc thời ngây thơ con gái,lắng tiếng lá thu rơi mặt hè,tưởng như bước chân người yêu trở lại,càng lo sợ.Tả cái giận,nói được nỗi lòng yếu đuối của mình đối với người yêu mà mình không dứt được…thật chân thành.Từ 1937 đến 1938,để lại 3 bài thơ chuyên tả tâm sự mình mà người đọc không chán.Đó là đặc điểm của thơ T.T.Kh.
T.T.Kh là ai?Có lẽ ta cũng chẳng cần biết rõ đó là ai?Tôi không tin rằng ai đó tìm ra bà,nếu bà còn đã đáng bậc bà-không thể được bà sẵn lòng tiếp đón.Một người đã cố tình quên đi,đào sâu chôn chặt mối tình đau xót bất hạnh của mình mà có những bài thơ như thế,chỉ bộc lộ một lần rồi dập tắt hẳn không giống kẻ kém tài,kém đức chỉ mong có nổi bài thơ tình được lên báo,vì danh hay vì lợi.Với sự trân trọng một tài năng,một tâm hồn phụ nữ hiếm hoi trong quá khứ,chúng tôi viết bài này & đề nghị cho in lại ba bài thơ độc nhất vô nhị của bà,để chúng ta cùng thưởng thức.”
“Mùa thu 1990- THANH CHÂU”
Đọc thật kỹ những gì ông vừa viết rồi so sánh với bài tùy bút Những cánh Hoa tim vào Mùa Thu năm 1939 cũng của ông,chúng ta thấy rõ một điều là:-Ngoài việc “tự sự”về những cảm xúc của một thời đã qua.Ông cũng làm cái việc như chúng ta đang làm từ đầu đến giờ,đó là đưa ra những sự kiện,dẫn chứng để phân tích,chứng minh rằng Thâm Tâm,Nguyễn Bính hay bà Trần Thị Khánh nào đó không phải là T.T.Kh, hay nói cách khác là T.T.Kh không liên quan gì tới họ!với sự tỉ mỷ từng câu chữ trong thơ của những người liên quan như trong bài viết…Nhưng khác chúng ta lại là ở chỗ:-Tại sao & với lý do gì mà ông không “đi” đến tận cùng của sự việc như chính ông vừa viết ở trên: Viết như vậy đâu có ổn.Như thế khác gì người đặt bó hoa lên ngôi mộ vô chủ,rồi ra về?Người ta muốn biết T.T.Kh đã vì ai,cho ai mà có thơ?Vì sao ông lại không muốn chứng minh ai là T.T.Kh như chúng ta đã & đang làm?Để cho đến tận cùng,chúng ta cùng phân tích,lý giải điều“bí ẩn”có thể coi là cuối cùng này cho hết lẽ.Đầu tiên,như các phần trước đã chứng minh thì nay chính nhà văn Thanh Châu cũng xác nhận: truyện ngắn Hoa tigôn viết năm 1937 đăng ở Tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy-Truyện ngắn đã gây xúc cảm cho T.T.Kh,nên sau đó tòa soạn Tiểu thuyết thứ bảy nhận được mấy bài thơ của T.T.Kh.Lý do thực sự vì sao thì chúng ta cũng đã biết…Và ông viết: hồi đó tôi còn trẻ,nên không mấy quan tâm đến chuyện các bà “Phụ nữ làm thơ”…khi ta so sánh với câu cũng của chính ông tâm sự trong bài tùy bút Những cánh Hoa tim: Nhưng điều mà tôi lấy làm sung sướng nhất là cũng dạo ấy,ở tòa soạn nhận được một bài thơ đầu của bà T.T.Kh (bài thơ Hai sắc hoa tigôn)… bài thơ tả cái tâm sự não nùng,thầm kín của một người đàn bà đã có chồng nhớ lại tình duyên cũ…Bài thơ hay & xúc động đến nỗi chính ông cũng đã phải thừa nhận: tôi thấy chán cả cái nghề viết tiểu thuyết.Bởi tôi nghĩ: Cùng một mối cảm mà T.T.Kh có thể viết nên những vần (thơ) réo rắt mãi trong tâm can người như vậy được,còn câu chuyện của tôi,có khéo kể lắm,thì rồi người ta đọc qua một lần rồi cũng sẽ quên đi…Tôi cầu chẳng bao giờ gặp mặt T.T.Kh để được yêu thơ hơn…Tại sao lại thế?không lẽ ông lại “tiền hậu bất nhất” với chính ông?Chắc chắn không thể như vậy,bởi vì khi viết bài tùy bút này là ông đang ở trong tâm trạng vô cùng đau đớn,xúc động,bồi hồi khi “nhận ra” tình xưa trên những trang thơ đẫm lệ như than khóc cho một tình yêu đã không thể đến được bến bờ hạnh phúc của người yêu cũ.Những bài thơ ấy cũng như là một sự “trở về” vậy,bởi lẽ vì nhiều lý do,kể từ ngày họ phải xa nhau hai người đã gần như mất liên lạc cho nên những bài thơ ấy giống như một cuốn phim đời đầy xúc cảm liêu trai hiện về trong nỗi cô đơn nơi đất khách quê người & đó cũng chính là “động lực” khiến ông viết nên bài tùy bút đầy nỗi niềm tâm sự như một “thông điệp” bày tỏ tấm lòng với “người ấy” của mình…Khi viết những dòng trên,phải chăng đó chỉ là “biện pháp”đánh lạc hướng giúp ông né tránh việc tò mò của người đời muốn biết về danh phận,sự liên quan của hai người cũng như những nội dung thực sự ẩn chứa “bên trong” bức thư của T.T.Kh như ông cho biết:- Nếu tôi là người mê thơ,mê người làm thơ như bây giờ,có lẽ bức thư kia còn lại đến ngày nay,cũng thành có giá.? …
Câu chuyện“Có một người con gái đến chơi,không chịu nói tên,chỉ để lại một bó hoa Tigôn rồi cáo lui”.Từ đó,không lần nào trở lại.Ai nhỉ?Tuổi tôi lúc đó cũng có đôi ba bạn gái, nhưng thời gian này báo đã đăng mấy bài của T.T.Kh rồi,vậy đó là người đã đọc truyện Hoa Tigôn của tôi hay đã yêu thơ của T.T.Kh mà tìm đến?. .Đọc đến đoạn này chúng ta cảm thấy có một điều gì đó hơi “lấn cấn” & cũng giống như trong bài tùy bút,chỉ khác là hồi đó ông viết: Một buổi trưa có hai người đàn bà….Đọc đi đọc lại đoạn văn trên,chúng ta thấy rõ ràng là không lẽ lại có người đoán ra vì có truyện ngắn Hoa Tigôn nên mới có thơ của T.T.Kh?Vì vào thời đó làm gì đã có đủ mọi nguồn tư liệu như ngày nay để có thể hiểu được “móc xích” của sự việc mà chỉ mình ông & một người nữa ở “trong cuộc”biết?Trong khi chính điều này mới là lý do chủ yếu để tồn tại bí ẩn về T.T.Kh kéo dài hơn 70 năm qua với nào là Nguyễn Bính,nào là Thâm Tâm,nào là Trần Thị Khánh…Phải chăng vì mang tâm lý chính là “người trong cuộc” nên ông mới vô tình thay độc giả mà “đoán giúp” rằng:-Có sự liên quan giữa truyện ngắn & những bài thơ bằng câu hỏi như vậy?hơn nữa,vào thời gian đó đã & đang rộ lên bao lời đồn đoán làm cho rất nhiều người tin là thật như chúng ta cũng đã biết, vậy thì tại sao “những người phụ nữ” đó không tìm đến để tặng hoa các nhân vật vừa kể ở trên?Vả lại nếu vì hay đã yêu thơ của T.T.Kh mà tìm đến thì tại sao họ không tặng chung cho tòa soạn là nơi đăng những bài thơ mà lại chỉ tặng riêng ông? hay họ chỉ tặng hoa vì đã đọc truyện ngắn Hoa Tigôn của ông?mà nhận xét thật khách quan thì truyện ngắn đó cũng không có gì là đặc sắc nếu đem so với những tác phẩm của nhóm Tự lực văn đoàn cùng thời.Đến đây,chắc hẳn sẽ có người cho rằng,biết đâu truyện dở đối với người này nhưng lại hay đối với người khác thì sao?Chúng ta cần phải nhớ rằng,nếu bỏ qua những tình tiết về những cánh hoa Tigôn thì đây chỉ là một câu chuyện ngoại tình vốn không thể được chấp nhận trong xã hội đương thời cách nay hơn 70 năm,nếu có thì cũng chỉ tạo nên sự tò mò chứ không thể là sự ngưỡng mộ của người đời,đó là một thực tế khó phản bác.Trừ phi người chồng quá tệ bạc thì nhiều nhất cũng chỉ nhận thêm được sự cảm thông mà thôi…Cũng trong bài tùy bút ông viết:Thế nhưng,tôi không khỏi có chút tự kiêu vì đã “tạo” ra được một người đàn bà thi sĩ…Nếu có ai hỏi tôi làm được điều gì thú vị,tôi xin nói ngay rằng:-Tôi đã viết nên truyện Hoa Tigôn…(cần lưu ý chi tiết việc có người đến tặng hoa,nếu có, là xảy ra trước khi có bài tùy bút cũng như bài viết này) đến đây ta thấy được rằng có lẽ câu hỏi đó chẳng qua cũng chỉ là một giải pháp “gây nhiễu” nhằm dấu kín danh phận cho T.T.Kh,trong tâm trạng bồi hồi xúc động & đầy nuối tiếc đã khiến cho ông khó giữ được sự kín kẽ nên có vẻ bị rơi vào tình trạng “dấu đầu hở đuôi” chăng?.Và đây ông viết:“Ở lại vườn Thanh có một mình”.Có thể người này vốn dân thị xã này chăng?Sao tôi không biết,không từng gặp?chi tiết Tuổi tôi lúc đó cũng có đôi ba bạn gái có lẽ cũng nằm trong “giải pháp” nêu trên hơn là sự thật bởi ở cái thị xã bé tí như vậy ai mà chẳng biết về mối tình của ông Thanh Châu & bà Vân Chung dù đôi ba bạn gái đó chỉ là tình bạn đúng nghĩa?Cũng có thể người bạn gái đó được bà Vân Chung nhờ đem hoa đến nhà cho nên gia đình ông Thanh Châu mới không biết mặt?Dù thế nào thì điều này cũng không mấy quan trọng,vì cần phân tích cho hết lẽ nên chúng ta mới đi sâu một chút chứ thật ra cũng không mấy ảnh hưởng đến việc chứng minh rằng bà Vân Chung chính là T.T.Kh như chúng ta đã đạt được từ những phần trước.Bây giờ,khi “đặt” thật gần nhau lời ông viết: Đã thế lại còn Bài thơ đan áo(1938).Ai đã đem bài thơ này của T.T.Kh đăng lên báo Phụ nữ thời đàm (phố Hội Vũ)?** ở phần giữa với câu… đề nghị cho in lại ba bài thơ độc nhất vô nhị của bà,để chúng ta cùng thưởng thức ở cuối bài viết,chúng ta có thấy một điều gì đó bất thường không?Tại sao ông lại dùng từ độc nhất vô nhị ?Tại sao T.T.Kh có bốn bài thơ mà ông lại chỉ “liệt kê”có ba?không lẽ chỉ vì ba bài thơ đó được đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy thì mới có giá trị?Trong khi ở trên ông cũng đã khẳng định Bài thơ đan áo là của T.T.Kh?Hơn nữa chúng ta sẽ phải hiểu & lý giải thế nào đây khi Bài thơ cuối cùng của T.T.Kh cũng có câu,như một lời minh chứng cho điều đó?:
-Chỉ có ba người đã đọc riêng
Bài thơ đan áo của chồng em…
Phải chăng,đó cũng là một trong những cách “đánh lạc hướng” để không làm lộ sự liên quan của mình cũng như không để lộ T.T.Kh là ai sau khi ông đã cố gắng chứng minh rằng mọi lời đồn đoán từ trước đến nay (1990) để “gán ghép” cho một số nhà thơ là T.T.Kh hoặc là người yêu của T.T.Kh chỉ là những lời vô căn cứ & không đúng với sự thật?Bởi lẽ,nếu không có Bài thơ đan áo thì khó mà cắt nghĩa được vì sao T.T.Kh lại phải viết Bài thơ cuối cùng với lời lẽ khá là gay gắt như thế để làm gì?Còn nếu cho rằng là độc nhất vô nhị thì có lẽ chỉ có bài thơ đầu tiên Hai sắc hoa Tigôn mới xứng đáng được mang “danh hiệu” này vì muốn hay không chúng ta cũng phải thừa nhận là hay nhất trong số bốn bài thơ mà T.T.Kh để lại! …Vì vậy câu hỏi tại sao ông lại “lờ đi” Bài thơ đan áo ở cuối bài viết mà lẽ ra ông phải viết là đề nghị cho in lại bốn bài thơ độc nhất vô nhị của bà,để chúng ta cùng thưởng thức chỉ có thể được sáng tỏ nếu chúng ta hiểu & giải thích như trên mà thôi & thực chất tất cả những gì mà ông đã làm kể từ bài tùy bút vào mùa Thu năm 1939 đến nay cũng chỉ nhằm mục đích là để trả lại sự “trong sạch”cho người ông yêu-bà Vân Chung-T.T.Kh trước những lời đồn đại của người đời.Cho nên nếu bảo rằng đây chính là cuộc hành trình “dang dở” của nhà văn Thanh Châu cũng đâu phải là không có lý?...
2-Vì sao nhà văn Thanh Châu cũng không chịu tiết lộ ai là T.T.Kh?:
Ngày xưa T.T.Kh đã viết: -Cố quên đi nhé câm mà nín…như một lời giao hẹn giữa hai người,ngày nay (1994) bà Vân Chung cũng lại viết trong bức thư ngỏ đề ngày mùng 4 tháng 11: trải qua bốn mươi năm,cả hai bên đều đã an phận từ lâu,cả hai bên đều có bổn phận đối với gia đình mình. Và ông Thanh Châu cũng đã viết trong bài tùy bút khi xưa: Tôi thì tôi chưa được biết mặt,biết tên thực của T.T.Kh,tôi chỉ biết rằng đó là một người đàn bà đã viết nên được những vần thơ đẹp trong lúc thực thà cảm xúc.Còn muốn gì hơn nữa?Còn bây giờ (1990) ông đã gần như lặp lại: T.T.Kh là ai?Có lẽ ta cũng chẳng cần biết rõ đó là ai?Tôi không tin rằng ai đó tìm ra bà,nếu bà còn đã đáng bậc bà-không thể được bà sẵn lòng tiếp đón.Một người đã cố tình quên đi,đào sâu chôn chặt mối tình đau xót bất hạnh của mình mà có những bài thơ như thế,chỉ bộc lộ một lần rồi dập tắt hẳn không giống kẻ kém tài,kém đức chỉ mong có nổi bài thơ tình được lên báo,vì danh hay vì lợi.Đó chính là lời tự sự đầy trách nhiệm,đầy nhân cách chỉ có ở những người thực sự đã & mãi mãi yêu nhau trên thế gian này.Đó cũng chính là câu trả lời cho câu hỏi ở trên kia một cách đủ đầy nhất,ý nghĩa nhất khiến cho ta vô cùng trân trọng …
Bây giờ,chúng ta hãy cùng nhà văn Trần Đình Thu “ghé thăm” ông,nhà văn Thanh Châu vào một buổi chiều cuối thu nhạt nắng của năm 2003 trong một căn gác nhỏ ở quận Tân Bình-tp.HCM,một buổi chiều giống như ngày ấy năm xưa bà Vân Chung-T.T.Kh đã mô tả:Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc-Tôi chờ người đến với yêu đương…
“…Khi đó ông đang nằm trên giường bệnh,nói năng rất khó khăn nhưng vẫn cố gắng trả lời những câu hỏi tò mò của tôi.Dù phải chắp nối để nghe cho rõ câu chuyện nhưng tôi cảm nhận được sự thổn thức trong tim ông khi ông nhắc lại mối tình đã tan vỡ gần bảy mươi năm về trước.Có lẽ đó là lần đầu tiên ông tiết lộ vài chi tiết về mối tình bi thương ấy cho một người nghiên cứu như tôi nghe…Tôi đã đưa đích danh Trần Thị Vân Chung ra để hỏi,nhưng trong lòng tôi cứ sợ ông chối,không nhận mình là người yêu của bà Trần Thị Vân Chung…vì thế tôi đã lặng người đi khi ông gật đầu trước câu hỏi đó của tôi.Sợ ông nghe nhầm câu hỏi,tôi phải hỏi đi hỏi lại ba, bốn lần,ghi âm cẩn thận & ông vẫn gật đầu: “Vâng,bà Vân Chung & tôi có yêu nhau”.Sau câu trả lời đó của ông,tôi đi sâu vào chuyện tình & ông đã không ngần ngại kể cho tôi nghe một số tình tiết câu chuyện…Tôi sung sướng tột độ trước những thông tin từ tiết lộ chân thành này của nhà văn Thanh Châu.Cùng đi với tôi có nhà văn Nguyễn Khoa Đăng…Tôi ghé sát vào tai ông & hỏi(vì khi đó ông đã khá nặng tai rồi):- Trần Thị Vân Chung có phải là T.T.Kh không ạ? Hai,ba lần hỏi ông mới nghe rõ & ngó mặt đi chỗ khác:Không!Không phải!Bà Vân Chung không phải là T.T.Kh.Toàn bày vẽ chuyện.
Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng thất vọng ra mặt,nhưng tôi thì khác.Tôi không hề đón chờ câu trả lời “Vâng, Trần Thị Vân Chung chính là T.T.Kh” vào lúc này.Dù rằng tôi phải hỏi bằng được câu hỏi ấy.Câu trả lời,nếu có phải là lúc ông sắp sửa đi xa mãi mãi vào cõi vô cùng.Hoặc có thể là không bao giờ có câu trả lời ấy…”
Nhận định của Trần Đình Thu là hoàn toàn chính xác,với nhân cách & tình yêu sâu nặng mà hai người đã (và có lẽ mãi mãi vẫn dành cho nhau) trong trái tim không ngừng thổn thức để chờ một ngày nào đó có thể cùng nhau trên con thuyền ngược về dĩ vãng,ông Thanh Châu sẽ không bao giờ tiết lộ điều mà họ đã ước hẹn từ những năm xa lắm,ngày xưa…
Nhưng chúng ta cũng đừng nên thất vọng,vì như ông nói:- Toàn bày vẽ chuyện lại không phải là một lời phủ định,vì sao?.Theo nghĩa tiếng Việt thì “bày vẽ chuyện” chỉ là Đừng có mà nhiều chuyện,đừng có mà tò mò-thóc mach (chuyện của người khác)…Còn nói theo ngôn từ Miền Nam là :-Đừng có mà rách việc…Vậy,chúng ta còn mong gì hơn thế?
Nhà văn Thanh Châu-Ảnh chụp năm 2003
3-Bí ẩn cuối cùng về bút danh T.T.Kh: Có lẽ bút danh không xa lạ với loài Người kể từ khi xuất hiện chữ viết,nhất là đối với các nhà văn,nhà thơ,nhà báo v.v...Dĩ nhiên là chẳng có qui định nào về bút danh phải thế này hay phải thế kia mà hoàn toàn phụ thuộc vào mỗi cá nhân,ví dụ có người lấy tên con hay tên đệm (tên lót) của hai vợ-chồng hay người yêu làm bút danh,thậm chí lấy một cái tên nào đó chẳng liên quan gì đến tên thật của mình hoặc là dùng bút danh với mấy chữ cái viết tắt,thông thường là dùng chữ cái đầu của Họ-Tên đệm (lót) & Tên thường dùng...đấy là những nét chính của việc dùng bút danh mà chúng ta thường thấy,chưa kể trường hợp người dùng bút danh nếu không muốn cho ai biết "mình là ai" chỉ với mấy chữ cái chẳng theo thứ tự nào thì không biết đâu mà đoán...Ở các phần trên chúng ta cũng đã chứng minh được bà Trần Thị Vân Chung là nữ thi sĩ T.T.Kh!.Còn lại điều bí ẩn cuối cùng chính là cái bút danh này,bây giờ chúng ta hãy cùng nhau khám phá:Trước hết,đây là bút danh thuộc "dạng" dùng những chữ cái đầu tiên của Họ-Tên đệm (tên lót) & Tên thường dùng như chúng ta thường thấy,nhìn vào ảnh minh hoạ chúng ta dễ dàng nhận ra 2 chữ cái đầu là Họ (Trần)-Tên đệm (Thị) nhưng không có chữ V(Vân) điều này không khó để lý giải bởi lẽ khi tác giả đã cố tình dấu kín danh phận thì việc bỏ (thậm chí là dùng chữ khác hẳn) một tên đệm nào đấy là hoàn toàn dễ hiểu & chấp nhận được...nhưng rắc rối nhất lại là: -Tại sao cụm chữ Ch (Tên thường gọi) lại có thể là Kh? Để lý giải được điều này chúng ta phải ngược thời gian về cách nay hơn 100 năm trước,đầu tiên việc dùng tên đệm Thị là chỉ con gái & chữ Văn để chỉ con trai là truyền thống từ xa xưa của các Cụ còn các tên đệm (lót) khác (ví dụ như: Vân,Thuý...) lại đa phần rơi vào những gia đình khá giả ngày xưa (xin lưu ý: Đừng nhìn sự việc theo nhãn quan của ngày hôm nay mà hãy "đặt" mình trong bối cảnh xã hội cách nay trên-dưới một thế kỷ...) Lật lại lịch sử chúng ta cũng sẽ thấy rằng có khá nhiều tên gọi hay địa danh giữa người Việt và người Pháp "đá nhau" như thế nào xoay quanh hai chữ cái C & K (chữ trong ngoặc là người Pháp dùng) ví dụ: Bắc Cạn (Bac Kan)-Móng Cái (Mong Kay)-Lào Cai (Lao Kay) một trong những vấn đề lịch sử để lại như sau: Ngày 12/7/1907 toàn quyền Đông Dương Beau ký sắc lệnh thành lập tỉnh Lào Cai,đăng trên công báo Đông Dương số 1053 ra ngày 18/7/1907 (bản có dấu mang ký hiệu N 1053-mã lưu 400 hiện đang được lưu tại TT lưu trữ Quốc Gia tại Hà Nội) địa danh Lào Cai được chính quyền Pháp sử dụng trong các loại văn bản & con dấu chính thức lại viết & gọi là LAO KAY cho đến tháng 11/1950 (sau chiến dịch biên giới) chính quyền nước VNDCCH mới thống nhất đổi tên gọi là Lào Cai cho đến ngày nay.Trong tác phẩm "Đường Kach Mệnh" của Nguyễn Ái Quốc chúng ta đã thấy chữ C (cách) lại được viết thành chữ K (kach) nhưng có một điều chắc chắn là cụ Hồ không phải là người đầu tiên "nghĩ ra" để viết chữ C thành chữ K mà là do ảnh hưởng từ hệ thống hành chính & giáo dục thời thuộc Pháp...Ông Thanh Châu & Bà Vân Chung cũng từng theo học trong hệ thống hành chính & giáo dục ấy thì không thể không biết và không thể không bị ảnh hưởng…Phải chăng vì thế mà bà Vân Chung cũng "sáng tạo" viết chữ C tên mình thành chữ K & bỏ hẳn chữ Vân để tạo thành cụm chữ cái viết tắt T.T.Kh mà không để lộ Danh tính?
4-Nhìn lại “chặng đường” đã qua:
Chúng ta cũng vừa “đi” hết chặng đường tái khám phá bí ẩn:-Ai là T.T.Kh? & đã có thể mở toang được cánh cửa chứa đựng toàn bộ những điều bí mật từ hơn 70 năm qua để tất cả những ai quan tâm đến câu chuyện tình buồn này cùng được biết,cùng thấu hiểu,cùng tiếc nuối cho một mối tình đầy lãng mạn nhưng cũng vô cùng đớn đau của một thời dĩ vãng chưa thể lãng quên & chúng ta cũng có thể tin rằng đến đây điều bí ẩn Ai là T.T.Kh?sẽ chính thức được khép lại…
Kết thúc việc tái “khám phá bí ẩn” này chúng ta chắc chắn đã có được những dữ kiện sau:
A-Cũng như ông Thanh Châu,chúng ta đã chứng minh được rằng:-Mọi đồn đoán về các nhà thơ như Nguyễn Bính,Thâm Tâm hay Trần Thị Khánh.v.v…chẳng liên quan gì đến T.T.Kh!
B-Rõ ràng là khi truyện ngắn Hoa Tigôn của nhà văn Thanh Châu ra đời thì mới xuất hiện bài thơ Hai sắc hoa Tigôn của T.T.Kh & những bài thơ tiếp theo trong hai năm 1937-1938.Sự liên quan ấy đến nay cũng đã được “người trong cuộc”-nhà văn Thanh Châu xác nhận qua bài viết của ông.Như vậy cũng dẫn đến sự liên quan giữa hai tác giả là nhà văn Thanh Châu & Nữ thi sĩ ẩn danh T.T.Kh!
C-Từ điều đã biết về mối tình giữa ông Thanh Châu & bà Vân Chung do chính họ xác nhận.Chúng ta cũng đã chứng minh được rằng bà Trần Thị Vân Chung chính là Nữ thi sĩ T.T.Kh,bởi không ai có được một “Nhân thân”quá phù hợp & trùng khớp so với tình yêu ngoài đời thực như Bà, mà điều đó đến nay cũng đã được một “nửa kia” của Bà-nhà văn Thanh Châu gián tiếp thừa nhận.
D-Do hoàn cảnh lịch sử những năm chiến tranh 1954-1975 cũng như một số năm sau đó cho nên ở ngoài miền Bắc đa phần chỉ biết đến hai bài thơ của bà Vân Chung-T.T.Kh là:-Hai sắc hoa Tigôn & Bài thơ thứ nhất,ngược lại ở miền Nam suốt từ sau năm 1954 đến 1975 vẫn đều đặn xuất bản các tác phẩm văn-thơ của thời tiền chiến (giai đoạn 1930-1939) & kể cả giai đoạn sau đến năm 1945…
nên nguồn tư liệu nhờ thế mà không bị gián đoạn & cho đến hôm nay,chúng ta cũng đã biết được một điều chắc chắn là ngoài hai bài thơ nêu trên,bà Vân Chung-T.T.Kh còn có hai bài thơ nữa là: Bài thơ đan áo & Bài thơ cuối cùng như chính nhà văn Thanh Châu xác nhận,bởi ngoài “sự liên quan” ông còn là một thành viên trong tòa soạn Tiểu thuyết thứ bảy nơi đã đăng báo ba trong số bốn bài thơ đã dẫn vào hai năm 1937-1938!.
E-Đây là thể loại “điều tra” về văn học sử,chúng ta không thể trông đợi những người trong cuộc phải chính thức lên tiếng thừa nhận ai là T.T.Kh thì mới là điều xác tín vì như thế thì lại không đúng với nhân cách cũng như hoàn cảnh thực tế của họ!Chúng ta chỉ có thể nhận được sự thật ở họ một cách gián tiếp mà thôi,vì thế ta phải “đi đường vòng” bằng chính những sự kiện có thật ngoài đời-các tác phẩm của chính họ & của những người liên quan đến câu chuyện để từ đó phân tích,lý giải,phản biện & chứng minh nhằm tìm ra sự thật vốn có một cách thuyết phục nhất có thể,còn nếu vẫn nghi ngờ thì chính chúng ta sẽ lại phải chứng minh những điều ngược lại từ những tài liệu mà ta có!Bạn có phản biện được không?
VỀ NGUỒN GỐC TÀI LIỆU:
Những tài liệu có liên quan trực tiếp đến câu chuyện tình buồn này đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được trích dẫn qua những tác phẩm,bài viết hay thư tín của các tác giả đã được in ở những nhà xuất bản cũng như các tờ tạp chí,tờ báo có uy tín từ xưa cho đến ngày nay!.Tuy nhiên,có hai bài viết & tác phẩm cho đến nay chưa biết rõ chính xác đã được đăng ở báo nào? Đây là ý kiến của nhà văn Lại Nguyên Ân về vấn đề này gửi cho tôi khi loạt bài này được đăng trên trang Văn chương Việt
*Về bài viết của Bùi Viết Tân (đăng trong Tạp chí Văn nghệ kháng chiến số tháng 5 năm 1951)ông viết:-“…Tạp chí Văn Nghệ kháng chiến nào?Nếu là tạp chí Văn Nghệ của Hội văn nghệ Việt Nam, xuất bản tại Việt Bắc,thì tạp chí này không có số nào ra vào tháng 5/1951,cũng chưa từng đăng bài nào của tác giả Bùi Viết Tân suốt từ số 1(ra năm 1948) đến số 56(ra tháng 10/1954,là số cuối cùng in ở Việt Bắc).Nói rõ hơn:Sau số kép 27 & 28 (tháng 11 & tháng chạp năm 1950) Văn Nghệ đổi đề tài,trên thực tế là ngừng khá lâu; số 29 được ghi là “loại mới” ra ngày 15/8/1951 & trong năm 1951 chỉ ra thêm được 4 số nữa,tới số 34(ra ngày 15/12/1951)mà thôi.Vậy đào đâu cho thấy số ra vào tháng 5/1951?.Xin nhắc:-Toàn bộ tạp chí Văn Nghệ thời kháng chiến 1946-1954 của Hội văn nghệ Việt Nam đã được làm thành sưu tập,NXB Hội Nhà Văn in từ năm 1996 đến 2006 gồm 7 tập,do nhà báo Hữu Nhuận & tôi sưu tầm và biên soạn,bạn nào cần tìm bài vở xuất hiện ở thời kỳ đó,xin tìm sưu tập đó,hiện có tại các thư viện”
Câu hỏi được đặt ra ở đây là:-Liệu trong thời gian kháng chiến ngoài tạp chí của Hội văn nghệ Việt Nam xuất bản tại Việt Bắc còn có tờ tạp chí Văn nghệ nào khác,in ở Liên khu nào đó ngoài Việt Bắc hay không?và nếu không thì tại sao bài viết ấy ở đâu ra mà lại được các tác giả Thế Phong & Trần Đình Thu cũng như nhiều tờ báo sau này đăng lại? ví dụ như:-Tuần báo Văn nghệ của Hội nhà văn,tạp trí Kiến thức ngày nay v.v…
**Về bài thơ Bài thơ đan áo thì một “người trong cuộc” là nhà văn Thanh Châu viết(năm 1990): “Đã thế lại còn Bài thơ đan áo(1938).Ai đã đem bài thơ này của T.T.Kh đăng lên báo Phụ nữ thời đàm (phố Hội Vũ)?...” Nhà văn Lại Nguyên Ân cho biết về xuất xứ của mấy tờ báo,trong đó có tờ báo mà ông Thanh Châu vừa nhắc đến: “Phụ nữ thời đàm không hề đóng tòa soạn ở phố Hội Vũ bao giờ! Đây là tờ báo tư nhân của ông,bà Nguyễn văn Đa ở 11-13 phố sông Tô Lịch(nay là phố Hàng Lược) ban đầu hoạt động như một tờ nhật báo;số 1 ra ngày 8/12/1930; đến năm 1933 chủ nhân tờ này mời Phan Khôi làm chủ bút,đổi sang tuần báo,ra số 1 ngày 17/9/1933 kéo dài đến số 26(5/6/1934)sang năm 1938 một nhóm theo xu hướng Đệ tam quốc tế đã tục bản Phụ nữ thời đàm tại trụ sở 59 phố Hà Trung-Hà Nội,tờ này chỉ tồn tại được trong gần 4 tháng(25/8/1938-12/1938).
Trên thực tế,không hề có việc Phụ nữ thời đàm đăng bài thơ của T.T.Kh…Tờ báo có thể đã can dự việc đăng thơ T.T.Kh là tờ báo có tên Phụ Nữ đóng tòa soạn tại nhà số 7 phố Hội Vũ-Hà Nội,chủ nhiệm là bà Nguyễn Thị Thảo.Chính Nguyễn Vỹ đã làm biên tập cho tờ này nên khi làm bài thơ “Gửi Trương Tửu” mới có câu “còn tôi bưng thúng cho đàn bà…”(trích theo trí nhớ,có thể chưa chuẩn xác).Tờ này hiện không còn sưu tập nào lưu ở mấy thư viện lớn ở Hà Nội,nên ai nói căn cứ vào nó thì hẳn là nói dựa,lấy nguồn gián tiếp từ các bài hồi ức hoặc bài báo vu vơ nào đó,rất khó chuẩn xác.”
Như vậy ở đây phải chăng đã có sự nhầm lẫn giữa tờ báo Phụ nữ với Phụ nữ thời đàm vì quá lâu ngày của nhà văn Thanh Châu như chính ông đã viết:Nửa đêm chợt tỉnh anh Lư có còn nhớ nhiều không,với sức nhớ của người trên 70 rồi?...
Một câu hỏi nữa là nếu như Chính Nguyễn Vỹ đã làm biên tập cho tờ này (tức báo Phụ Nữ tòa soạn tại số 7 phố Hội Vũ-Hà Nội) thì tại sao khi viết câu chuyện “Thâm Tâm & Sự thật về T.T.Kh” (từ trang 297 đến trang 312) in trong cuốn “Văn-Thi sĩ tiền chiến”-Xuất bản lần đầu năm 1970-Tái bản năm 2007 ông lại không hề nhắc tới việc Bài thơ đan áo đã được đăng ở báo này vào năm 1938?. Phải chăng điều đó cũng là một dạng (trích theo trí nhớ,có thể chưa chuẩn xác) của nhà văn Lại Nguyên Ân?...Ông Hoàng Tiến trong bài viết năm 1989 có nhắc đến Bài thơ đan áo in ở báo Phụ nữ nhưng lại không cho biết trụ sở tòa soạn nằm ở đâu? Theo như kết luận của nhà văn Lại Nguyên Ân thì hiện nay tờ báo Phụ nữ này không còn được lưu trữ tại mấy thư viện lớn ở Hà Nội.Vậy nếu tờ báo này vẫn có thể có ở những nhà sưu tập cá nhân hoặc tại những thư viện nhỏ thì sao?vì vậy nếu cho rằng:… lấy nguồn gián tiếp từ các bài hồi ức hoặc bài báo vu vơ nào đó,rất khó chuẩn xác liệu có quá vội vàng?Hơn nữa nếu không có Bài thơ đan áo thì chắc chắn T.T.Kh sẽ không thể có Bài thơ cuối cùng để làm gì & chúng ta cũng không thể nào phản bác được sự liên quan “cơ hữu” với nhau giữa hai bài thơ nêu trên!...cho nên thực ra việc tờ báo nào đã đăng bài thơ này cũng không hề làm ảnh hưởng đến việc tìm ra sự thật về T.T.Kh!...nhưng dẫu sao việc tìm ra được tờ báo nào thực sự đã đăng tải nó cũng là một việc cần thiết nhằm trả lại một sự thật vốn có của một thời đã qua trong lịch sử báo chí và văn chương nước nhà…
*THAY LỜI KẾT:
Ngày 28 tháng 9 năm 2007 tôi gặp tác giả của “Giải mã Nghi án văn học T.T.Kh” Trần Đình Thu lần đầu,tác giả đã ký tặng vào cuốn sách …Trần Đình Thu chỉ kém tôi vài tuổi cũng coi là cùng một thế hệ,hai chúng tôi cũng còn gặp nhau vài lần nữa,chủ yếu là cùng bàn luận về cuốn sách cũng như về bà T.T.Kh,tôi có nêu lên vài thắc mắc về một số dữ kiện chưa được rõ lắm, Trần Đình Thu kể về cuộc nói chuyện với nhà văn Thanh Châu mà anh đã ghi âm lại,cũng như lần gặp bà Thư Linh người được ví như Nguồn sáng đầu tiên soi rọi vào một “cánh cửa” chứa đựng những bí ẩn bên trong mà sau đó Trần Đình Thu chính là người đã tìm ra chiếc “chìa khóa” để mở cánh cửa này,tuy nhiên có lẽ do lâu ngày “chiếc chìa khóa” ấy vẫn còn bị bám nhiều “bụi thời gian” nên hơi khó mở,nó giống như những thắc mắc mà tôi nêu lên chủ yếu là vì tác giả chưa chú ý phân tích,lý giải thật cặn kẽ cho đến tận cùng về nhiều sự kiện được đưa ra làm dẫn chứng,đặc biệt là những“bí ẩn” đằng sau việc tại sao những người trong cuộc lại phủ nhận mình là T.T.Kh...một cách thuyết phục.Khiến cho độc giả vô cùng hoang mang nhất là sau khi đọc hai lá thư ngỏ gửi từ Pháp về của bà Vân Chung nhân vật mà trước đó đã được tác giả chứng minh chính là Nữ thi sĩ “bí ẩn” T.T.Kh được đăng công khai trên một số tờ báo điều đó cũng dẫn đến sự “phản biện” khá gay gắt của một số tác giả như: -Thanh Hải viết trên báo Pháp Luật-tp.HCM số ra ngày Chủ Nhật 18-3-2007 hoặc từ nước ngoài (Việt Duy-Paris 20/3/2007-newvietart.com).v.v… Trong khi mục đích xuyên suốt của cuốn sách là để nhằm chứng minh một sự việc có thật đã xảy ra cho đúng với sự thật vốn có thì ngoài các sự kiện,các dẫn chứng phải là những Sự Thật thì việc phân tích,chứng minh,diễn giải của người viết phải lấy tiêu chí thuyết phục được mọi người làm yếu tố quan trọng nhất… Trần Đình Thu cũng hoàn toàn đồng ý với ý kiến đó.Tuy nhiên,dù còn tồn tại những điểm nêu trên thì cũng phải nói rằng anh đã làm được điều mà Thế Phong chưa làm được,chỉ riêng việc những “người trong cuộc” không có phản ứng gì đã là một chứng chỉ được “cấp” cho những cố gắng không biết mệt mỏi của Trần Đình Thu rồi (lưu ý là trong bài viết của tác giả Thanh Hải có cho rằng:-Sau khi tác phẩm “Giải mã nghi án văn học T.T.kh” ra đời thì bà Vân Chung cũng viết thư phản ứng,nhưng tác giả lại không đưa ra được bằng chứng là bức thư ấy đăng ở báo nào,ở đâu & ngày nào?...)…Tôi quyết định viết lại câu chuyện này xem như làm nốt phần việc còn lại là sắp xếp các sự kiện,dẫn chứng cho có lớp lang,dễ hiểu,lược bớt những phần trích dẫn dài dòng không liên quan đến câu chuyện từ những gì Trần Đình Thu đã có công phát hiện,thu thập trong cuốn sách của anh,ngoài ra dưới mỗi sự kiện hay những câu thơ đưa ra làm dẫn chứng tôi có thêm vào những phần bình luận, phân tích,diễn giải,chứng minh của mình sau khi xem lại nhiều lần các tài liệu liên quan mà tôi có hoặc những phân tích,chứng minh của Trần Đình Thu còn thiếu do chưa diễn giải đến tận cùng của sự việc hay còn bỏ sót khi viết cuốn sách nêu trên,nhất là từ lá thư của bà Thư Linh,hai lá thư ngỏ của bà Vân Chung cũng như bài viết cuối cùng của nhà văn Thanh Châu năm 1990…
Tôi cũng đã đến tìm chị Phạm Minh Chi (cháu gọi bà Vân Chung là bác ruột) tại 333/14/8 Lê Văn Sỹ-Q.Tân Bình-tp.HCM,nhưng rất tiếc là theo hàng xóm cho biết thì chị & gia đình đã đi xuất cảnh…ngày 28/5/2013 tôi điện thoại gặp bà Đ.T.M.Đ là chủ mới của căn nhà nêu trên (vì lần trước đến tìm thì bà ấy đi vắng) bà M.Đ cho biết gia đình bà mua lại căn nhà này từ năm 2003,vừa rồi có hai người con của chị Minh Chi từ Mỹ về có ghé thăm,xin được vào nhà như muốn tìm lại những kỷ niệm về một thời thơ ấu…
Trước & sau khi viết xong toàn bộ loạt bài này,tôi cũng đã gặp lại nhà văn Trần Đình Thu & cũng đã gửi đến anh như một “tặng phẩm”… Trần Đình Thu rất ủng hộ,anh bộc lộ nhiều dự định liên quan đến câu chuyện này cho ngày mai của mình…Câu chuyện tình buồn 75 năm về trước sẽ được đưa lên màn ảnh,kịch bản phim truyện “T.T.Kh-Hai sắc hoa Tigôn” do chính Trần Đình Thu viết,biên tập là nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân .Chúng ta cùng chờ đón để hòa mình vào với câu chuyện tình năm xưa là lúc bộ phim được hoàn thành vào một ngày không xa…
Khi viết loạt bài này thì nhà văn Thanh Châu đã trở về miền cực lạc được hơn 5 năm,ông mất ngày mùng 8 tháng 5 năm 2007 hưởng thọ 96 tuổi.Còn bà Vân Chung đến nay nếu còn cũng đã 94 tuổi,không biết bà có còn không,một mình trên thế gian này? Đời người như “bóng câu qua sổ” khiến cho ta không khỏi bùi ngùi khi chợt nhớ đến những vần thơ đớn đau thuở nào của bà Vân Chung-T.T.Kh và dường như cũng rất hợp để tiễn ông về với cõi hư không:
-Anh hỡi,tháng ngày xa quá nhỉ?
Một mùa thu cũ một lòng đau…
Bà Vân chung đã định cư tại Pháp từ năm 1986 nên chúng ta không có điều kiện biết được nhiều về bà,cầu mong bà tuổi già chân cứng đá mềm, sống vui vầy cùng con, cháu ở một chân trời xa tít tắp cho đến ngày theo qui luật muôn thuở của Trời-Đất…như ngày xưa Hoài Thanh-Hoài Chân khi viết lời giới thiệu về T.T.Kh cũng đã cảm thán rằng:“…Ai biết Con người vườn Thanh bây giờ ra sao?Liệu rồi đây người ấy có thể lẳng lặng ôm nỗi buồn riêng cho đến khi về nơi chín suối?... ”
Nếu có kiếp sau,xin cầu chúc cho ông,bà gặp lại & thành vợ thành chồng.Bởi vì họ xứng đáng có được một cái kết có hậu như thế với tình yêu đầu đời mang vẻ đẹp thật chân thành,thật nhân văn của tình người & cũng vô cùng lãng mạn như những bông hoa Tigôn bé nhỏ mang hình trái tim e ấp trước sân nhà người con gái đang yêu & được yêu,nhưng họ lại không thể cùng nhau đi đến đích cuối cùng, một bến bờ của hạnh phúc lứa đôi,mà vì thế đã tạo nên một tình khúc buồn suốt 75 năm qua trong cuộc đời này…
Ngày hôm nay,quan niệm “môn đăng-hộ đối” tuy không còn quá nặng nề như ngày xưa,nhưng cũng chưa hẳn là đã chấm dứt & cũng còn có ở đâu đây,những người vẫn phải đớn đau chia tay người yêu để theo chồng về nhà khác hay đưa người “không yêu” về nhà mình với rất nhiều lý do khác nhau,đôi khi cũng chỉ có mình họ biết với những nỗi niềm dấu kín trong tim & mang theo suốt cả cuộc đời…bởi vì Tình yêu đích thực thì ít lắm nhưng những tình cảm “gần giống” với tình yêu vốn lại rất nhiều.Phải chăng cũng vì thế mà ở trên thế gian này có không ít những mối tình dang dở giống như những vần thơ như khóc,như than của T.T.Kh thuở trước?...
Và tôi muốn dành tặng những trang viết này cho tất cả những ai ở trong hoàn cảnh như thế,xem như một lời an ủi chân thành nhất,bất kể họ là đàn ông hay đàn bà thì nỗi bất hạnh vì yêu mà không lấy được nhau,lấy nhau mà không có được tình yêu đôi lứa hoặc phải chấp nhận một tình cảm gần giống với tình yêu thì cũng có gì là khác nhau mấy đâu?...
Tp.Hồ Chí Minh tháng 7 năm 2012-Tháng 8 năm 2015
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1-Giải mã nghi án văn học T.T.Kh-NXB Văn hóa Sài Gòn-2007- tác giả Trần Đình Thu
2-T.T.Kh Nàng là ai?-NXB Văn hóa thông tin-2001-tác giả Thế Phong
3-Việt Nam Thi nhân tiền chiến-NXB Sống Mới-SG-1968-Nguyễn Tấn Long-Nguyễn Hữu Trọng
4-Thi nhân Việt Nam-NXB Văn học-2008- tác giả Hoài Thanh-Hoài Chân
5-Văn-Thi sĩ Tiền chiến-NXB Văn học-2007-tác giả Nguyễn Vỹ (in lại từ bản in năm 1970)
6-Thâm Tâm & T.T.Kh -NXB Hội nhà Văn-1991-tác giả Hoài Việt
7-Tuyển tập Nguyễn Bính-NXB Văn học-1986-tác giả Vũ Quốc Ái,Đỗ Đình Thọ,Quang Huy,Kim Ngọc Diệu
8-Thơ Thơ -Xuân Diệu-NXB Hải Âu Sài Gòn-1968
9-Đoạn tuyệt-NXB Hội Nhà văn-2008-tác giả Nhất Linh
10-Gánh hàng Hoa- NXB Hội Nhà văn-2006-tác giả Nhất Linh-Khái Hưng
11-Xin hãy kiểm tra lại các nguồn tư liệu-Trang Vanchuongviet.org-Lại Nguyên Ân.
12-Huyền thoại hoa Ti Gôn-NXB Hội Nhà Văn-2008-tác giả Ngọc Thiên Hoa