Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.080
123.138.441
 
Đặc điểm sân khấu Thời hội nhập quốc tế
Tuấn Giang

                             

 

1.Diễn biến quá trình hội nhập.

“Hội nhập quốc tế” (intemational integration), một khái niệm xã hội học hiện đại, xảy ra nhanh cuối những năm 70 thế kỷ XX, thời kỳ chuyển giao khoa học công nghệ vào các nước đang phát triển và trên toàn cầu. Sự hội nhập diễn ra từ khối các nước châu Âu nhen nhóm vào những năm 60 thế kỷ XX, nhằm chống lại nguy cơ một cuộc chiến tranh mới để bảo vệ hòa bình, xây dựng một liên bang kinh tế chính trị, quân sự mạnh.

Hội nhập quốc tế ra đời từ bản chất xã hội loài người làm thay đổi mối quan hệ tác phong lao động, ứng xử người với người, con người với tự nhiên xã hội. Tại Việt Nam diễn ra vào giữa những năm 90 thế kỷ trước, là tiến trình hòa hợp dân tộc, khép lại quá khứ ra nhập khối ASEAN ngày 28-7-1995.Tham gia liên minh mậu dich tự do AFTA năm 1996, gia nhập Wto ngày 11-1-năm 2007. Nhà nước mở cửa hội nhập giao thương, đổi mới cơ cấu kinh tế, phát triển thị trường hàng hóa là động lực hàng đầu thúc đẩy  hội nhập dưới nhiều hình thức, cấp độ khác nhau. Hội nhập trở thành mệnh lệnh thời đại mang lại lợi ích sống còn nền kinh tế, thể chế chính trị diễn ra nhiều thuận lợi, khó khăn thách thức, hậu quả trên đường hội nhập bộc lộ những yếu kém khắc phục vươn lên. Khái niện “hội nhập quốc tế”, một xu thế lịch sử nói đến chính trị, kinh tế mang tính hợp tác, liên kết xây dựng một cộng đồng các nước chung một mục đích. Hội nhập tác động sâu sắc sự hiểu biết, cảm thông những khác biệt, đoàn kết bên nhau nâng cao hưởng thụ giá trị văn hóa nghệ thuật, nêu cao ý thức dân tộc, ý thức cộng đồng khu vực. Nhưng hội nhập là tham gia hội nhập kinh tế, chính trị, mang theo hệ thống cấu trúc xã hội, văn hóa nghệ thuật đồng thời diễn ra trong tiến trình hội nhập xã hội. Hội nhập xã hội diễn ra quá trình hội nhập văn hóa nghệ thuật, mở cửa trao đổi giao lưu, giới thiệu các giá trị nghệ thuật dân tộc ra nước ngoài. Nền nghệ thuật các nước xâm nhập vào nước ta, giới trẻ nhanh chóng tiếp thu những giá trị nghệ thuật mới chủ yếu nền nghệ thuật Mỹ, một số ít các nước phương Tây. Trong phạm vi âm nhạc, sân khấu đa phần tiếp thu âm nhạc, sân khấu Mỹ, một số sân khấu Pháp, Australia…chưa tạo thành sức mạnh đổi mới toàn diện nền sân khấu. Vào những năm cuối thế kỷ XX, nhiều nước trên thế giới châu Âu, châu Á… bị nhận chìm trong nền âm nhạc, sân khấu Mỹ hóa. Từ đó, mỗi nước thoát ra tạo dựng nền âm nhạc, sân khấu mới dân tộc bản địa theo các trào lưu ca nhạc, sân khấu đương đại. Nền âm nhạc mới nước ta là một thực tiễn, thế hệ trẻ làm nên nền âm nhạc hội nhập các trào lưu: Pop, Rock, Rap, Hiphop, Dance, Techno, Blues… Những trào lưu nhịp điệu âm nhạc Mỹ tác động mạnh vào giới trẻ, đẫn đến đổi mới nền âm nhạc Việt Nam. Nền âm nhạc ấy, đổi mới phương thức sáng tác, hình thức cấu trúc tác phẩm, nội dung đề tài phản ánh hiện thực xã hội. Nền âm nhạc mới mang đặc điểm văn hóa, đời sống xã hội con người Việt Nam thời toàn cầu hóa. Mỗi tác phẩm cấu trúc âm thanh, hình tượng giai điệu dân tộc&thời đại. Những tác phẩm nền âm nhạc mới mang đặc trưng bản sắc ngôn ngữ âm nhạc dân tộc, nhịp điệu quốc tế, là sự đổi mới phương thức tư duy sáng tác, phương thức thể hiện nghệ thuật biểu diễn âm nhạc. Nền âm nhạc mới làm thay đổi thẩm mỹ, chuyển từ nghe sang: Nghe-Nhìn, sống động hòa đồng. Là sức mạnh nền âm nhạc đại chúng những năm đầu thế kỷ XXI, nền âm nhạc mới, ra đời những năm 90 cuối thế kỷ XX mang âm hưởng Việt Nam trong nhịp khúc, âm điệu con người thời đại mới. Khi mở cửa nghệ thuật múa rối nước giới thiệu ra nước ngoài được đề cao, các phường múa rối sống dậy mạnh, nhiều nhà hát múa rối nước tư nhân ra đời: Nhà hát Múa rối nước Cố Đô Huế, Nhà hát Múa rối nước Nha Trang, Nhà hát Múa rối nước Rồng vàng (TPHCM), Nhà hát Múa rối nước Nụ cười hoa, Nhà hát Múa rối truyền thống Nắng sông Hồng, Nhà hát Múa rối nước Đảo Ngọc, Phú Quốc. Nghệ thuật múa rối nước chuyên nghiệp làm mới truyền thống, sáng tác trò diễn, vở rối nước mới tư duy tổng hợp đa tầng,tiếp cận nhiều hình thức biểu diễn sân khấu, tạo hình con rối các nước phát triển làm giàu bản sắc văn hóa nghệ thuật dân tộc thời đại mới.

Hội nhập văn hóa nghệ thuật mang lại những thuận lợi phát triển sân khấu, ca nhạc dân tộc…nhưng nhiều khó khăn thách thức diễn ra trong quá trình hội nhập. Những khủng hoảng nghệ thuật trong môi trường xã hội do thay đổi quan hệ sản xuất, các trào lưu nhịp sống xã hội đòi hỏi đổi mới nghệ thuật theo nhu cầu công chúng thời đại.  Lớp công chúng xã hội mới thời hội nhập nghệ thuật toàn cầu, hướng đến các trào lưu nghệ thuật phương Tây làm thay đổi lối sống thẩm mỹ. Nhiều mực thước văn hóa thẩm mỹ, nghệ thuật dân tộc truyền thống bị phá vỡ gây rối loạn thị trường giải trí cực đoan sở thích vọng ngoại, coi thường nghệ thuật sân khấu dân tộc. Quá trình phát triển văn hóa nghệ thuật giai đọan hội nhập quốc tế, diễn ra mấy đặc điểm sau:

Đổi mới nhận thức thẩm mỹ các loại hình nghệ thuật.

Khủng hoảng công chúng nghệ thuật.

Cạnh tranh nghệ thuật tồn tại bằng khán giả tự nguyện.

Sự xâm nhập như bão táp các trào lưu nghệ thuật phương Tây, chủ yếu là sức mạnh nền nghệ thuật sân khấu, ca nhạc Mỹ thâm nhập chinh phục giới trẻ biến họ thành động lực tiên phong đổi mới nghệ thuật. Công nghệ thông tin, quảng cáo mang đến một phần giá trị ảo gây nhiễu thẩm mỹ công chúng, làm rối loạn thị trường nghệ thuật, xuất hiện nhiều khó khăn phức tạp quản lý, phát triển nghệ thuật, sân khấu dân tộc.

2.Những khó khăn mới.

Thời kỳ đầu mở cửa hội nhập, các môn nghệ thuật, sân khấu dân tộc diễn không người xem. Nhiều đoàn kịch nói, ca múa nhạc mới giải thể, tan giã từng mảng, khủng hoảng công chúng tưởng không đến hồi kết, các đoàn nhà hát sống nhờ bao cấp Nhà nước.

Giai đoạn đầu đổi mới hội nhập mang đến những khủng hoảng nghệ thuật, khó khăn lớn ám ảnh các môn sân khấu dân tộc: Cải lương, kịch nói, kịch hát dân ca, tuồng giải thể, tan rã. Tuồng chèo, các phường rối…bị những trào lưu nghệ thuật ngoại đánh gục người xem tiềm năng truyền thống bền vững, do các đoàn sân khấu, các phường múa rối tạo dựng nhiều thập kỷ qua. Các phường múa rối trước những thách thức thời hội nhập làm tan vỡ tục lệ người xem múa rối nước trải dài trên ngàn năm lịch sử, đến nay chưa thể lấy lại công chúng Việt đến xem múa rối nước. Hệ lụy này đánh mất thói quen công chúng đến xem sân khấu hằng đêm, tại các nhà hát nơi vui chơi giải trí. Hội nhập quốc tế mang đến nhiều khó khăn thách thức, làm mất phương hướng hoạt động các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp. Giai đoạn đầu đất nước mở cửa hội nhập, doanh nghiệp thua lỗ ngay trên sân nhà, hàng ngàn doanh nghiệp phá sản, hàng nội không người mua, doanh nghiệp mất phương hướng sản xuất. Các loại hình nghệ thuật đương đại: Kịch nói, nhiều đoàn ca múa nhạc giải thể, tan rã vì mất người xem, không thể doanh thu tồn tại. Hội nhập mang đến khủng hỏang đổ vỡ kinh tế, văn hóa nghệ thuật, công chúng lao vào vòng xoáy xã hội tiêu thụ kiếm tiền, tiêu dùng hàng cao cấp, xe máy, ô tô đời cao. Hội nhập khoảng cách giàu nghèo phân hóa nhanh, những người lao động nghèo khó mải lo kiếm sống chưa quan tâm đến nghệ thuật. Mặt khác những nhiễu loạn thẩm mỹ, giá trị ảo nghệ thuật thương mại choáng ngợp thông tin “hàng ngoại nhập”, công chúng đứng ngoài cuộc chưa lựa chọn. Những thách thức trước hiện thực mới, nghệ thuật múa rối đặc biệt các phường rối tưởng chừng nguy cơ tan biến chỉ còn tên gọi thương hiệu truyền thống, không ít phường bị xóa sổ, chẳng thể hoạt động biểu diễn. Các đơn vị sân khấu bước ra xã hội doanh thu tồn tại, nhận ra phương thức hoạt động nghệ thuật theo con người xã hội tiêu thụ. Mỗi đơn vị sân khấu đứng lên trước nền kinh tế hàng hóa, tìm cơ chế tiêu thụ sản phẩm. Hội nhập mang đến muôn vàn khó khăn thách thức các đoàn sân khấu, biểu diễn doanh thu, tiêu thụ sản phẩm. Bức tranh văn hóa nghệ thuật giai đoạn đầu hội nhập ảm đạm, le lói ánh sáng trước bình minh. Các đoàn sân khấu gắng gượng doanh thu, hoạt động tồn tại.  Làng quê Bắc Bộ chỉ ông bà già phụ nữ cày cấy, thanh niên trai tráng đổ xô ra thành phố, vọng ngoại, còn đâu người giữ nhịp sản xuất ruộng đồng. Tâm lý người nông dân làng quê biến động, ai lòng dạ nào nghĩ đến nghệ thuật dân tộc, khi nghèo đói như nước lũ đổ về. Thách thức sau đổi mới, toàn dân quay cuồng vật lộn, chạy theo nhịp sống xã hội tiêu thụ. Các loại hình nghệ thuật cạnh tranh nhau quyết liệt, tranh cướp sân bãi, người xem. Nhiều loại hình vui chơi giải trí mới ra đời, du lịch, nạn phim trưởng, video, karaoke, băng đĩa nhạc hải ngoại “ngập úng” các phương tiện giải trí. Mọi người ngồi tại nhà xem gì sẵn ấy, ánh sáng màu lung linh, hình ảnh sắc nét, những phương tiện nghệ thuật nghe nhìn hiện đại hút hồn công chúng…

Hội nhập mang đến những thay đổi chuyển động nhanh phương thức  hoạt động nghệ thuật, thẩm mỹ công chúng với nghệ thuật biểu diễn. Khó khăn thách thức nghiệt nghã thời hội nhập đưa nghệ thuật tồn tại đích thực vì người xem, sân khấu gắn với công chúng bằng giá cả thị trường... Bão táp phong ba thời hội nhập nhiều khó khăn, thuận lợi mới sân khấu phải thử nghiệm cùng nền kinh tế hàng hóa, con người xã hội tiêu thụ. Quá trình ấy, tạo ra những hé mở thuận lợi văn hóa nghệ thuật, kỷ nguyên kinh tế nghệ thuật cộng đồng xã hội chuyển động đổi mới.

3.Những thuận lợi phát triển sân khấu.

Hội nhập kinh tế tiền đề phát triển xã hội, thay đổi tận gốc mọi giá trị đời sống con người. Quá trình hội nhập kinh tế thay đổi quan hệ sản xuất, tạo dựng nền kinh tế phồn vinh, là cơ hội phát triển nghệ thuật. Đây một tâm điểm tạo ra những thuận lợi phát triển nghệ thuật.

Nhiều khó khăn thách thức mới, làm mất phương hướng hoạt động nghệ thuật, thẩm mỹ công chúng. Nhưng thời gian như phép màu thay đổi nền kinh tế đất nước, đời sống nhân dân bình quân thu nhập cao. Trước đổi mới, nhiều năm tăng trưởng kinh tế âm, mức thu nhập bình quân đầu người năm 1985 là 86 USD. Sau đổi mới đến năm 1992: 1.400 USD, Năm 2014: 2.000 USD, Năm 2015: 2.300 USD(Con số do GSO- Một trang web thương mại điện tử cung cấp). Kinh tế tăng trưởng nhanh sau đổi mới, là điều kiện nâng cao đời sống nhân dân chủ yếu người lao động thành thị, đối tượng chính hâm mộ các loại hình nghệ thuật. Đời sống người nông dân tương đối ổn định, dù nhiều vùng quê còn hiện tượng nông dân bỏ đồng ruộng đi làm ăn xa…nhưng bộ mặt nông thôn thực sự đổi mới. Theo con số do Bộ Văn hóa, Thể Thao&Du lịch công bố một năm có 8.000 lễ hội, các phong tục hội làng, nghi lễ tín ngưỡng phục hồi nhiều địa phương trên cả nước. Đây điều kiện sống dậy nhiều phường rối nước truyền thống. Sau đổi mới nhiều địa phương quan tâm thiết thực nghệ thuật dân tộc, bằng các thiết chế chính sách, chế độ tài khóa, cả cộng đồng quan tâm… Chỉ riêng con số lễ hội dân gian các làng quê mỗi năm tổ chức nhiều chưa từng thấy từ thời phong kiến đến trước đổi mới, là những con số mang thông điệp nền kinh tế làng quê no ấm. Tâm lý người dân bắt đầu ổn định trở về nguồn cội, trở về  bản ngã văn hóa nghệ thuật tâm thức hồn quê. Các phương tiện thông tin nghe nhìn hiện đại, tiện nghi sống giàu sang không còn khát vọng điên cuồng nghiệt ngã, cuốn hút số đông nhảy vào lửa như loài “thiêu thân” trước mùa lúa chín. Con người trở lại bản ngã Nhân, ngộ ra những điều không thể mất một thời vung phí lãng quên hồn quê Việt. Kinh tế đất nước tương đối ổn định, dù còn nhiều khoảng cách nhưng lòng người sáng. Dù hôm nay, đâu đó bạo lực tội ác gia tăng thì hội nhập quốc tế, đất nước mở ra những thuận lợi tạo điều kiện phát triển mọi mặt. Những thuận lợi thời hội nhập văn hóa nghệ thuật toàn cầu mang lại: Điều kiện kinh tế làng quê tăng trưởng, phục hồi lễ hội tín ngưỡng dân gian. Mở rộng giao thương sân khấu với cộng đồng các nước khu vực, trên toàn cầu. Nhiều hình thức sân khấu thế kỷ mới tràn vào: Kịch Hình thể, kịch Broadway, Kịch Đồng hiện, kịch Giả tưởng, kịch Kinh dị, kịch Trinh thám, kịch hiện thực tâm lý xã hội, nghệ thuật Sắp đặt…Tác động các trào lưu nghệ thuật toàn cầu, dẫn đến đổi mới nền sân khấu nước ta từ bao cấp tuyên truyền, chuyển sang nghệ thuật giải trí, thành sản phẩm hàng hóa tiêu thụ ngoài thị trường.

            Đất nước đổi thay, thành thị lung linh sắc màu văn hóa nghệ thuật, phố phường nhà gương lộng lẫy. Nông thôn nông nghiệp tăng trưởng kinh tế, ổn định lòng người. Thời bao cấp còn truyền tụng câu đồng dao mới: “Thứ nhất là loạn quốc ca, Thứ nhì loạn giá, Thứ ba loạn tiền, Bao giờ loạn gạo mới yên.”Sau đổi mới, bình quân thu nhập đầu người cao, bắt đầu “loạn gạo”. Gạo từ mua theo sổ sắp hàng, nay bày bán khắp nơi, câu sấm lan truyền không sai. Người dân chăm chỉ cần cù lao động, trở lại truyền thống dân tộc, lòng người ít chao đảo quay cuồng…Nhân dân lao động không còn lo ăn, họ yên lòng thâm canh trên trang trại nông gia. Toàn dân phục dựng những dáng hình văn hóa nghệ thuật, sân khấu dân tộc mai một trong chiến tranh loạn lạc, nay tỏa sáng. Nhờ khôi phục các hình thức nghi lễ cầu cúng dân gian, kinh tế ổn định, ngày nay có đội ngũ cung văn, hầu đồng hát hay, múa giỏi, nhập thánh hầu hết các đền chùa từ Lạng sơn đến Cố Đô Huế. Số thày cúng hát văn, hát hay, đúng nhạc ước tính gần 300 trăm người, gần 30 người sáng tác lời mới vào các điệu hát văn cũ (nguồn theo nhiều cô đồng tại đình chùa cung cấp). Ca trù phát triển 63 câu lạc bộ, 796 người hát múa ca trù, còn lại 12 nghệ nhân hát múa ca trù (nguồn Phòng tư liệu Viện âm nhạc). Múa rối nước phục hồi 16 phường, 08 nhà hát, 03 đoàn, trải dài từ đồng bằng Bắc Bộ lên Tây Nguyên đến Đảo Ngọc Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang (tư liệu tác giả cập nhật khảo sát thực địa).  Nhờ chính sách mở cửa hội nhập sâu rộng của Nhà nước đến các nước châu Âu, phương Tây: Pháp Mỹ, Thụy Sỹ, Australia…Các thể loại sân khấu lấy lại người xem truyền thống, từng nhà hát mở cửa sáng đèn ngày đêm suốt tuần. Hội nhập quốc tế dẫn đến mấy đặc điểm sân khâu:

Nền sân khấu giải trí, tự do sáng tác.

Ra đời sân khấu nghệ thuật thị trường.

Hình thành cơ chế tiêu thụ sản phẩm: Nhà sản xuất+Giá cả= người tiêu dùng.

Lâu nay nhiều người không nhắc đến câu bùa chú hộ mệnh: Xây dựng nền sân khấu, hoặc nền nghệ thuật Việt Nam : “ Tiên tiến-Đậm đà bản sắc-Dân tộc”. Nhà tuyên huấn phát hiện ra công thức trên, giống như một thời đề cao công thức: Dân tộc-Khoa học-Đại chúng! Thời kỳ kháng chiến trường kỳ gian khổ, giành độc lập giải phong dân tộc. Thời ấy đa phần mù chữ, phải diệt dốt, đề ra văn nghệ “Đại chúng” phù hợp thực tiễn văn hóa xã hội. Nhưng hệ lụy sau năm 1954 giành lại hòa bình, các đoàn Văn công nghệ thuật bị nghiệp dư hóa. Chuyên gia các nước Liên xô, Cộng hòa dân chủ Đức…xem biểu diễn xong, họ khuyên nên luyện tập thêm. Mãi đến năm 1958, Bộ Văn hóa thu gom các nghệ sỹ hạng sao, siêu sao thời kháng chiến do chuyên gia ngoại dàn dựng một chương trình đi nước ngoài biểu diễn được cổ vũ động viên. Thời nay, tự do sáng tác chẳng ai nghĩ đến công thức định sẵn, bởi không phải đề ra một “bùa chú” mà thành công. Bản thân mỗi tác giả là người con một dân tộc, đất nước, họ sáng tác tác phẩm nghệ thuật tự thân phản ánh bản sắc văn hóa, ngôn ngữ tâm thức xã hội thời đại. Hội nhập quốc tế làm thay đổi nhận thức tư duy, tạo ra nền nghệ thuật toàn cầu hóa, mỗi quốc gia dân tộc, vùng lãnh thổ, từng châu lục một tiếng nói nghệ thuật dân tộc bản địa đầy sắc màu văn hóa.

Đặc điểm sân khấu thời hội nhập quốc tế, hình thành nền sân khấu toàn cầu: Giao lưu-Đối thoại-Hội nhập. Hội nhập mang đến cơ hội thách thức nghệ sỹ rộng đường sáng tạo nghệ thuật, tác phẩm phản ánh đa chiều tâm tư, khát vọng con người xã hội đương đại. Hướng đến xây dựng nền sân khấu Việt Nam:  Đa sắc màu, dân tộc&thời đại.

         Ảnh Nhà hát: Sao Minh Béo. Vở Thi thể thứ tư-Tác giả: Mỹ Dung.

 

Hà Nội 27-9-2-15. 

Tuấn Giang
Số lần đọc: 3450
Ngày đăng: 16.10.2015
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
KHÁM PHÁ BÍ ẨN: AI LÀ T.T.Kh ? -7 (NHỮNG BÍ ẨN CUỐI CÙNG) - Đỗ Thế Cường
KHÁM PHÁ BÍ ẨN: AI LÀ T.T.Kh ?-6 - Đỗ Thế Cường
Võ Phiến, một vài chung quanh. - Đặng Phú Phong
Nẻo về của Ý - Võ Công Liêm
KHÁM PHÁ BÍ ẨN: AI LÀ T.T.Kh ? -5 - Đỗ Thế Cường
Nói về, một bài Kệ của Phật Giáo - Thái Quốc Mưu
Đôi điều với "Phỏng vấn với Đinh Linh" - Bùi Hoằng Vị
Nỗi lòng của con nhân ngày giỗ cha là thi sĩ - Lâm Bích Thủy
Bồ Đề Đạt Ma "Thiền Tổ đầu tiên" - Võ Công Liêm
Kierkegaard "Nhật ký của kẻ mê hoặc" - Võ Công Liêm
Cùng một tác giả
Đặc trưng xiếc (nghệ thuật)
Thực trạng xiếc. (đối thoại)
Tổng luận ca trù (nghệ thuật)
Hát Cung văn (văn hóa)