Bấy lâu nay trong đời sống văn hóa cộng đồng có xẩy ra một hiện tượng gọi là “đạo” văn ( ăn cắp văn ).Nói là văn nhưng ở các lĩnh vực khác như sân khấu, nhạc, điện ảnh…cũng có hiện tượng này. Nổi cộm gần đây mà dư luận lưu ý, được bàn bạc nhiều trên báo chí cũng như các trang mạng là hai bài thơ của Phan Huyền Thư và Phan Nguyễn Thường Đoan.
Bài thơ “Buổi sáng” cuả TĐ theo tác giả cho biết được viết năm 2000 và nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc cũng năm đó với tên bài hát “Cà phê Catina”, lấy tên địa điểm quán cà phê của anh lúc còn ở Tp Hồ Chí Minh mà T Đ thường đến uống cà phê và cho anh nghe lần đầu tiên bài thơ này. Về sau “Buổi sáng” in vào tập Đếm Cát.Còn bài thơ “Bạch Lộ” của PHT in năm 2014 với tên tập thơ Sẹo Độc lập và Hội Nhà văn Hà Nội trao giải 2015 . Nhiều người trong đó có PNTĐ cho là PHT “đạo” sáng tác của chị, nhưng PHT cho là cô viết trước từ 1996 nhưng in sau mà thôi, đã từng gửi bản thảo cho báo ở nước ngoài nhưng nay thất lạc. Hội VHNT Hà Nội trước sức ép công luận thu lại giải thưởng và PHT buộc ngỏ lời xin lỗi nhưng bản thân còn phân vân… Xin được bàn giải đôi điều.
Bài thơ của PHT có tựa đề khác, “Bạch lộ” theo Hán Việt từ điển có hai nghĩa: 1 - sương trắng, 2 - tiết cuối thu . Thơ cổ có câu “Kiêm gia thương thương /Bạch lộ vi sương” - Cỏ lau còn xanh tốt/ Mà móc trắng đã thanh sương ( Tân Phong) .Tên bài tuy có khác và một số câu chữ có khác nhưng nội dung bài thơ vẫn là tâm trạng của người phụ nữ buồn bã trong buổi sáng cô đơn vắng thiếu tình yêu.
Đi vào cụ thể, bài của PHT phần đầu thì giống hoàn toàn bài của PNTĐ nhưng phần sau thì khác . Chính bởi thực tế này mà có một số ý kiến khác nhau . Có mấy luồng ý kiến như sau:
- Đa phần xem PHT “đạo” bài thơ của PNTĐ, tất cả đều y chang từ chủ đề đến nhân vật trữ tình, ngôn ngữ, dù có biện bạch gì cũng không đảo ngược được.
- Một số xem bài cuả PHT là nâng cấp có sửa đổi bài cuả PNTĐ (Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo ).Theo họ khi so sánh hai bài đã liên hệ đến không gian và đặc điểm văn chương nghệ thuật thấy là, văn chương nghệ thuật thường có ảnh hưởng qua lại giữa các tác giả và các nền văn hóa , các câu thơ “Khóc là nhục rên hèn van yêu duối” nguyên là thơ Pháp , “Ta là ai như ngọn gió siêu hình” – thơ Anh, “Trước sau nào thấy bóng người / Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông” – thơ Trung hoa…Đó là những câu thơ chỉ ảnh hưởng giống ý nhưng lời khác, có loại sáng tác mượn cốt chuyện, tứ thơ làm sườn rồi sáng tạo thêm bằng ngôn ngữ riêng gọi là “phóng tác” . Bài thơ PHT phần đầu giống bản gốc là “đạo”, nhưng phần sau theo các nhà thơ Thanh Thảo và Nguyễn Trọng Tạo có khác và hay hơn “là nâng cấp có sửa đổi”, chúng tôi thấy có thể xem đây là “phóng tác”. Cách phân tích này có làm nhẹ đi phần nào cái lỗi lầm của PHT nhưng không thể đưa nó trở về cái sáng trắng ban đầu. Đây là cái việc mà nhà báo Huy Vinh mượn lời Hữu Thỉnh cho là “ nghịch dại” và NTT cho là mơ say "nuốt trọn một tứ thơ. "
- Có ý kiến cực đoan cho rằng, thời nào thơ văn cũng là “ đạo” của nhau, đặc biệt khi mà lý thuyết hậu hiện đại cho là tác phẩm ra đời dẫn đến“cái chết của tác giả”, những con chữ của tác phẩm là những sinh mệnh độc lập , ai cũng có thể vay mượn cho sáng tác của mình. Vấn đề là PHT có chấp nhận lý thuyết này hay không! Biết bao bài thơ người ta lấy nguyên bài cũ chỉ thay đổi vài chữ là đã có thể xem là của mình. “Với cái nhìn của giới chuyên môn, cái cách chơi hết mình không biên giới sở hữu, để cho con chữ tung hoành đến độ thẩm mỹ đạt đỉnh. Không bàn về ba cái trò bản quyền, sự đụng chạm mang tính đời! Bao giờ mới có một chiếu chơi đúng nghĩa như thế ?”( Loan Nguyễn - trang mạng xã hội (f) Nguyễn Trọng Tạo). Nhà thơ khác nói bóng: PHT nhảy ra tranh cãi là dại cứ im lặng là có người tranh luận cho.
Điểm qua các luồng ý kiến để thấy sự đa dạng của công luận. Đó là trên phương diện cá nhân nhưng liên quan đến cộng đồng ta thấy những năm gần đây trong nếp sống, nếp văn hóa cộng đồng có những suy thoái, đó là sự giả dối, là chủ nghĩa thực dụng , thói ham danh lợi , chuộng hư vinh, chuộng vật chất nên nảy sinh nhiều tệ nạn mà lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật không thể không chịu ảnh hưởng; nhiều tác giả trung uơng cũng như tỉnh lẻ thuộc nhiều loại hình nghệ thuật quên mất con đường mình đi, cái đạo cao cả mình thờ phụng, để rồi có thể ý thức hoặc vô thức lạc vào ngõ hẻm . Hiện tương PHT giúp chúng ta, người viết cũng như người đọc những bài học bổ ích./.
29/10/2015