Phiếm chữ nghĩa mà chơi
Mục đích của người viết bài nầy, là trích dẫn một vài đoạn viết sai (trong rất nhiều đoạn sai khác), của những học giả VIẾT SAI TRONG SÁCH.
Tôi không có ý chê bai hay khước từ giá trị công lao, của những vị như Giáo sư, Học giả Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Khắc Thuần… Vì họ đã đóng góp công sức to lớn cho văn học nước nhà.
Tôi chỉ tiếc, khi dịch Hán văn ra Việt ngữ họ thiếu bản gốc sách vở để tra cứu. Điều nầy làm phí phạm công lao, tài đức những vị ấy một cách oan uổng.
Xin trích dẫn chỗ sai chỉ để minh chứng: “Không ai có thể tránh khỏi sai lầm”. Còn mức độ sai lầm như thế nào là vấn đề khác. Nhưng viết sách giáo khoa mà sai lầm thì ảnh hưởng nghiêm trọng vô cùng. Vì, nó di hại cho nhiều thế hệ sau ta.
A. Sự Sai Lầm Của Học Giả, Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn Trong Bộ Sách Lý Thường Kiệt:
Trong cuốn “Lãnh Ngoại Đại Đáp” tác giả Chu Khứ Phi viết:
- “Binh sĩ nguyệt nhất canh, giả tắc canh chủng tự cấp. Tuế, Chinh nguyệt thất nhật, mỗi nhất binh chi tiền tam bách, trừu, quyên, bố các nhất thất. Binh sĩ nguyệt cấp hòa thập thúc. Nguyên nhật dĩ đại hòa phạn, ngư trả khao quân, cái kỳ cảnh thổ đa niêm hòa, cố dĩ đại hòa vi nguyên nhật chi khao!” (Trích: Lãnh Ngoại Đại Đáp. Qu. II. Ngoại Quốc môn - An Nam Quốc.)
Chữ Các trong các nhất thất ở đoạn văn trên nghĩa là mỗi loại (= một thứ)
Thế nhưng, trong cuốn Lý Thường Kiệt, của tác giả Hoàng Xuân Hãn, ghi chú tại phần “Binh Chế Đời Lý”, như sau:
- “Binh-lính một tháng đi phen một kỳ. Lúc rỗi thì cày cấy để tự cấp. Mỗi năm, ngày mồng 7 tháng giêng, mỗi tên lính được phát 300 đồng tiền và một tấm vải quyến (chữ quyếncó dấu sắc). Mỗi tháng mỗi người lính được cấp 10 bó lúa. Ngày đầu năm lại phát cơm nếp và cá mắm để khao quân”. (Chương II. Phần Đánh Chiêm Thành. Phần chú ở trang 71)
Trong khi, đoạn văn nguyên tác của Chu Khứ Phi, tô đậm ở trên, phải dịch như sau mới chính xác:
- “Binh sĩ cứ một tháng luân phiên một lần, mãn phiên về nghỉ thì cày cấy, trồng trọt để sinh sống. Vào ngày mồng 7 tháng Giêng mỗi năm, mỗi binh sĩ được cấp 300 tiền, các loại vải trừu (dệt bằng sợi tơ phế thải), quyên (chữ quyên, không dấu sắc - vải dệt thưa, sợi xấu), bố (vải bằng sợi cây đay, cây bố), mỗi thứ một tấm. Binh sĩ mỗi tháng được cấp 10 bó lúa. Ngày mồng 1 Tết thì làm cơm nếp, mắm cá khao quân - nói chung vùng đất đai của họ trồng nhiều lúa nếp, do đó mà khao quân bằng cơm nếp”.
Như vậy, Chu Khứ Phi viết trong “Lãnh Ngoại Đại Đáp” thì đến ngày mùng 7 tháng Giêng, mỗi người lính được cấp 3 thứ vải TRỪU, QUYÊN, BỐ, mỗi loại 1 tấm. (mỗi người được 3 tấm), tất cả đều là loại VẢI THÔ
Nhưng, Phần Ghi Chú đoạn văn đã dẫn trên đây, Giáo sư, Học giả Hoàng Xuân Hãn đã viết: “Mỗi binh sĩ được phát mỗi người một tấm vải Quyến.” Sai!
Nếu mỗi người lính được phát MỘT tấm vải Quyến, thì lấy đâu mà cấp? Vì, vải Quyến là loại lụa được dệt bằng tơ tốt nhất, rất mịn, rất mỏng, dành cho phụ nữ của giới giàu sang, đài các.
Điều nầy, chứng minh khi viết cuốn Lý Thường Kiệt, Giáo sư, Học giả Hoàng Xuân Hãn không có cuốn Lãnh Ngoại Đại Đáp của Chu Khứ Phi mà dựa vào bản dịch nào đó rồi suy diễn ra.
* Tham khảo:
- “Lãnh Ngoại Đại Đáp”, của Chu Khứ Phi
- “Lý Thường Kiệt”, của Hoàng Xuân Hãn
- “Hoàng Xuân Hãn”, của Học giả Minh Di
***
B. Trong cuốn Tuyển Tập Lê Quý Đôn, Học giả NGUYỄN KHẮC THUẦN, giải nghĩa SAI:
Nhà Xuất Bản Giáo Dục TP. Hồ Chí Minh ấn hành, Tuyển Tập Các Tác Phẩm Lê Quý Đôn, do Học giả Nguyễn Khắc Thuần biên soạn. Có đoạn như sau:
- “Bấy giờ, Gia Quốc Công Vũ Văn Mật làm Trấn Thủ ở Tuyên Quang vẫn theo chính sóc của Nguyên Hòa (7)
Và, Nguyễn Khắc Thuần chú giải:
“(7). Chính sóc của Nguyên Hòa nghĩa là theo Chính Sóc của ông Hoàng Đế có niên hiệu là Nguyên Hòa. Nguyên nghĩa, theo Chính Sóc nghĩa là theo lịch, đúng ra là tính thời gian theo niên hiệu. Tính theo niên hiệu nào là thần phục Hoàng Đế đặt niên hiệu đó”.
Trời! Đọc chú giải trên, ai hiểu, chết liền!
Trong khi, chữ CHÍNH (có dấu sắc) trong Chính Sóc, phải đọc là CHINH (không dấu sắc). Vì CHINH là NGÀY ĐẦU CỦA NĂM / SÓC là NGÀY ĐẦU CỦA THÁNG. Ngoài ra Ban Chinh Sóc là nhóm làm lịch. Chứ chẳng phải là Lịch mà Nguyễn KhắcThuần viết: “chính sóc nghĩa là theo lịch”. Sai!
Các triều đại thời xưa đều có Ban CHINH SÓC để làm lịch theo mệnh lệnh triều đình mà họ là tôi thần. Vì, có những triều đại sau, lấy ngày đầu năm (tức ngày Mùng Một Tết) khác với triều đại trước.
Tham khảo:
- Lý Thường Kiệt của Hoàng Xuân Hãn
- Tuyển tập Lê Quý Đôn của Nguyễn Khắc Thuần
- Nói Chuyện Học Thuật Bên Kia Bờ của Học giả Minh Di
***
Trọng điểm trong dịch thuật là phải dịch đúng từ, sát nghĩa, đúng với nguyên tác (bản gốc). Để đạt được điều đó các nhà Học giả hay Dịch giả phải có bản gốc. Và, phải thông thạo ngôn ngữ của quốc gia có ấn phẩm mình muốn dịch. Vô tình, lấy bản dịch của dịch giả từ nước khác (chẳng hạn như Anh-Hán, Hán- Pháp) rồi dịch lại thì không thể nào tránh khỏi sai lầm. Nguyên do, vì chính dịch giả nước đó khi dịch cuốn sách ấy chưa hẳn đã dịch từ bản gốc, hoặc có, nhưng họ thiếu căn bản Hán văn, ngoài ra, đa số đều phiên âm sai.
Khổ! Các nhà học giả, dịch giả của chúng ta không, hoặc ít quan tâm đến trọng tâm ấy. Buồn!
Atlanta, June 2, 2015