Bước vào vũ trụ thi ca là : ‘Đi vào cõi thơ theo lối ngẫu nhiên tao ngộ. Cơ duyên sẽ dun dủi, chẳng nên gò ép cưỡng cầu…những bài thơ đến rồi đi. Lời ‘nhận định’ cũng đi rồi đến.’(Tựa; Đi Vào Cõi Thơ của Bùi Giáng. Sàigòn 1969.) Nay chúng ta trở về với thơ để tìm cốt cách nhà thơ một cách đàng hoàng trong sáng mà bấy lâu nay đã hững hờ, thơ ơ lạc đường tình.Thi ca là ‘thiêng liêng’ của tâm hồn phải thấu suốt cái chân thiện mỹ của nó mới gọi là thơ, còn như ngâm nga qua loa thời vụ thì lạc lối mê hồn trận, đưa thơ vào cõi phù sa đắp đổi tạm bợ rồi vòng vo tam quốc: nào thế này, thế nọ, nào phải khóc, phải cười những thứ đó là ta bà thế giới, tạp-phí-lù không còn thi vị. Xin đừng đùa với thơ văn mà ngẫm để có cái tồn lưu nhân thế; nên truy điệu bằng lời thơ chân tình thì may ra mát ruột người dưới suối. Chớ đừng a-dzua, kể công, kể trạng làm chi vì tất cả là Nothingness/ Néant, là hư ảo. Răng rứa? Đem thơ ra mà ‘vọc’ không ngã ngũ vấn đề, bởi; thi ca là vô-nhiễm-thể ở cõi riêng; nó có một cái bất khả tư nghị trong đó. Rứa thì làm răng đây: xưa vịnh thơ, ngâm thơ để hòa nhập vào hồn như một thứ nghệ thuật tinh truyền, chắc lọc như nghệ thuật uống trà vậy. Một thứ thâm cung bí sử mà cứ hỏi cho ra lẽ thì đâu còn là thơ. Thơ ngày nay đã là khó với muôn hình vạn trạng huống hồ đọc thơ dịch. Dịch là hút tủy là mút. Mút cái tinh tủy sáng láng trong thơ. Hút được tủy thơ là cảm hóa thơ. Đấy là chất lượng thâm hậu. Ai làm thơ hay dịch thơ đều được cả. Nhưng nhớ cho thi ca tư tưởng là tư tưởng thi ca. Còn đòi cho được cái này, cái nọ là đứng ngoài vòng cương tỏa của thơ là hàm hồ, hàm chứa, ồn ào, ruồi muỗi ưa cho rộn đám với văn nhân. Cái đó là lạc hậu của thơ. Rứa thì dịch thơ có lạc hậu thơ? -Dịch là hút là mút là liếm chất thơ…Rứa thôi!
Giữa hai ngôn ngữ thơ Âu Á có một cái gì hở hang ‘cột nhổ đi rồi lỗ bỏ không’ (Hồ Xuân Hương) nửa thực nửa hư kể cả tân thi hay cổ thi đều lấy dịch để lấp ráp vào khoảng trống tâm hồn. Nhiệm vụ người dịch là mở, tuột để lộ thần chất thơ; làm răng cho thơ sướng là được ý thơ. Dịch là hòa ngập với thơ, thoát khỏi sự kiềm tỏa giữa người làm thơ và người dịch thơ; mà để đả thông. Chớ phải tự hào mà vung tay múa ngón đường đột thâm lạm ngôn từ. Cốt tạo cho thơ có một hân hoan của thơ.
Nhân cơ hội này dịch bài thơ Tây phương của nhà thơ nước Mỹ để tìm thấy cái tinh tủy của nó chứa cái chất gì trong con người phụ nữ như Thúy Kiều của ta. Trong hợp tuyển thi ca Âu Mỹ xưa nay có một thi nhân mang tên William Carlos Williams (1883-1963) là một y sĩ (medical doctor) mà còn là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Sanh quán và lớn lên ở Rutherford, New Jersey. Ông lạc vào mê cung thi ca Mỹ châu và viết đủ thứ văn chương nhưng lại thích đùa với thơ ca; kết thân một số thi nhân như Ezra Pound. Williams nhào vào trường phái ảo tưởng, một trào lưu tư tưởng thi ca tập trung cao độ vào thơ tự do, thơ không vần. Đặc biệt thể thơ tự do với hình ảnh vi diệu (vivid images). Cho dù thuở ban đầu thi sĩ đã ôm đầm bởi những nhà thơ đương đại và một số thi nhân sau thế chiến hai. Bước vào thơ Williams như kẻ quẩn, đôi khi giả vờ nửa điên, nửa khùng là một ngấm ngầm phát tiết để đi vào đốn ngộ. Một sự đốn ngộ giữa thơ và con người. Đọc và ngẫm bài thơ của chàng thi sĩ đa tình, bỏ việc lớn để đi vào vũ trụ thi ca đầy màu sắc. Phỏng dịch bài thơ này của nhà họ Williams:
Chân Dung của Mệnh Phụ
Đôi vế em là thân cây táo uốn mình
hoa táo nở ngát hương trời
Trời xanh? Xanh tận chân trời
ở đây họa sĩ đã vẽ đôi dép treo lơ lửng
của mệnh phụ . Em sụp lạy cúi đầu
là gió thoảng miền quê xa lắm - hoặc nơi đây là cơn gió hú
lạnh đôi chân mềm yêu dấu . lạ thay! có cái thứ gì nơi người nghệ sĩ
- đấy là điều em muốn hỏi tới . Ôi ; dưới lời năn nỉ ấy
là cung điệu nhả xuống , ta đưa em vào hạ trắng mùa hè
cỏ may vướng cả chân em
vỗ về vào bờ cát trắng
Bờ nào hởi em?
là cát dính bờ môi tôi đó
Bờ nào hởi em?
ngạc nhiên quá hay cánh hoa trước gió . Làm sao tôi hiểu được?
Bờ nào hởi em? Bờ nào?
Tôi chỉ nói một lời cánh hoa từ cây táo rụng xuống.
(1915)
Portrait of a Lady
Your thighs are appletrees
whose blossoms touch the sky
Which sky? The sky
Where Watteau 1 hung a lady’s
Slipper . your knees
Are a southern breeze – or
A gust of snow. Agh! what
Sort of man was Fragonard? 2
– as if that answered
anything . Ah, yes – below
the knees . since the tune
drops that way , it is
one of those white summer days
the tall grass of your ankles
flickers upon the shore –
Which shore? –
The sand clings to my lips –
Which shore?
Agh . petals maybe . How
Should I know?
Which shore? Which shore?
I said petals from an appletree.
(1915)
1. Họa sĩ Pháp Jean-Antoine Watteau (1684-1721).
2. Họa sĩ Pháp Jean-Honoré Fragonard (1732-1806).
Cả hai họa nhân chuyên vẽ cảnh tình yêu khỏa thân.
Nhà thơ Williams này muốn hoà âm điền dã như André Gide hay muốn xâm nhập vào cõi người ta của Saint-Exupéry hay đã thấm nhuần mùa xuân hương sắc của Gérard de Nerval mà phát tiết một bài thơ khác lạ, đượm chất thiên nhiên rất chi lạ lùng, tân kỳ ngắn gọn nhưng sâu sắc. Không cần văn hoa chữ nghĩa thêm chật đường, chật sá phá đi cảnh giới đang duy trì cái thẩm mỹ của ngôn từ. Muốn thực hiện rốt ráo giòng thi ca tư tưởng là phải phiêu bồng tư duy với William Carlos Williams thời mới thấu triệt chất thơ. Người dịch không còn phép tắc nào hơn để làm nên một bài thơ mà có hồn nhà thơ trong đó. Khó đạt được! Rứa thì làm răng bi chừ? Đã nói: dịch là hút tủy, là chấm mút, là liếm láp chất thơ như tinh thể lỏng thì may ra hoà nhập vào hồn thơ bằng không dịch là phá, là dzỗm không còn gọi là dịch thơ. Phá nhưng không phản; ở đây có hai nghĩa chớ đừng vơ đũa cả nắm mà lộn xộn, lạm dụng ngôn từ không chừng người ta cho là khoe khoang (vain) làm mất giá trị của sự thật về dịch. Đọc lại mấy chữ-thơ bát ngát của Williams xem người vẽ cái gì trong đó:
Xe Đẩy Màu Đỏ
liệu mà chất
vô đó
bánh xe đỏ
cút kít
lóng lánh rơi
dưới mưa
bên màu trắng
bầy gà.
(1923)
The Red Wheelbarrow
so much depends
upon
a red wheel
barrow
glazed with rain
water
beside the white
chickens.
(1923)
Nghe như có hơi Thiền. Rứa thì đâu cần chiếc áo cà sa mới có thiền thơ? Mọi biến cố xẩy ra trong con người qua mỗi chữ là một ngữ ngôn để đời; ‘thông minh vốn sẳn tại trời’. Rứa dịch thơ có tác động chi không? Có chơ! nếu không thì thè cái lưỡi ra làm chi. Là nếm chút hương thừa của thơ chơi vui thôi. Chớ làm sao mà chịu cho thấu với biển chữ mênh mông thiên điạ giới giữa cõi ta bà này ./.
(ca.ab.yyc. 25/11/2015)
Thơ dẫn từ: ‘The Harbrace Anthology of Poetry’ by Jon C. Stott / Raymond E. Jones & Rick Bowers. Harcourt Brace Canada 1998.
TRANH VẼ: ‘Người Đàn Ông Ngồi / Seated Man’ Khổ 12” X 16”.Trên giấy cứng. Acrylics+House-paint. vcl#25112015.