Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
1.021
123.367.525
 
Những năm tháng cuối cùng của Edgar Poe : Thi Sĩ Mỹ (1809 - 1849)
Vương Kiều

 

 

                         

 

 

                                                

            Tiếng tăm của Edgar Poe đã lên tới đỉnh cao, khắp nơi người ta bàn tán về hiện tượng Poe như là sự khởi đầu khai sinh nền văn học thần cảm của nhân loại, hai tác phẩm vang dội của anh là “ Con Quạ “ [The Raven ] và “ Con Rệp Vàng “ [ The Gold Bug ] được truyền tụng khắp nơi, dầu vậy những năm thành công nầy anh vẫn không thoát ra được bàn tay khắc nghiệt của định mệnh, tai họa vẫn theo đuổi anh bén gót, sự nghèo khổ vẫn không buông tha anh, anh tựa như con quay của định mệnh, phải quay đến tận cùng nổi đau trong kiếp sống cho đến hơi thở cuối cùng.

      Mùa xuân năm 1847 “ Con Quạ Đen “ mang tin báo từ cõi chết về với Edgar Poe. . .

      Năm năm chiến đấu với bóng tử thần, khi thì cái chết thấp thoáng ở cuối chân trời, khi thì hiện về trong ác mộng. . .thời gian ấy nhờ tình yêu của Poe, Virginia đã xua đuổi được bóng ma oan nghiệt, nhưng đầu xuân 1847 khi hương hoa tươi mới tỏa hương lên ngọn đồi nơi vợ chồng Edgar và dì Maria đang sống trong căn nhà yên tĩnh cũng là lúc đôi má hồng của Virginia ngã sang màu xanh tái, đôi mắt nhung long lanh của nàng yếu ớt như ngọn đèn hết bấc và đôi môi thắm hoa đào dần dần héo hắt, tử thần đã đột nhập vào cơ thể của nàng, khát vọng sống hết đời bên người chồng mà nàng yêu hết mực, cho dù bao nhiêu khốn khó nàng vẫn cam lòng. Bên ngọn đèn hiu hắt của đêm dài tịch mịch 30/1/1847, Edgar Poe ngồi bên giường nhìn Virginia lần cuối, xé lòng nhìn người vợ thương yêu mãi mãi ra đi trong đêm dài vô tận.

      Năm đó Virginia vừa tròn 24 tuổi, Poe kinh hãi khi nhớ mẹ nàng cũng mất năm 24 tuổi, người anh ruột Henry Poe cũng ra đi năm 24 tuổi, một sự trùng hợp đầy chất định mệnh số, điều đáng buồn là những năm chung sống hai vợ chồng không sinh hạ được đứa con nào cả ngoài những đứa con tinh thần bất tử của Edgar Poe.

      Triền miên trong nỗi đau, anh ngã bệnh trầm trọng, nửa sự sống dường như đã lịm tắt theo Virginia trong mộ tối, nửa sự sống còn lại như người hoang tưởng, anh có những triệu chứng phát điên, điều nguy hiểm là trái tim anh loạn nhịp đập, trong cơn mê nhiều khi anh mê sảng về quá khứ đau buồn, nhiều khi anh thảng thốt vì lời hứa với các nhà xuất bản, người ta sẽ nói đủ điều nếu anh chết lúc nầy.

      Tuy nhiên ý chí sáng tạo đã giữ gìn sự sống của anh, không một trở lực nào ngăn nổi sức mạnh ấy, dì Maria và nữ sĩ Shew đã chăm sóc cho Virginia trong năm tháng nàng ngã bệnh, bây giờ họ hết lòng với Edgar Poe, bằng mọi giá họ phải cứu sống anh, Edgar Poe dần dần hồi phục, dầu chưa khỏe hẳn, anh vẫn cầm bút khi bệnh chưa dứt.

      Mùa thu năm 1847 một trong những bài thơ hay nhất của anh xuất hiện : “ Elalume “, anh tiếc thương bóng hình Virginia, tình yêu của nàng vẫn là ánh sáng dẫn dắt anh đi, bài thơ “ Ulalume “ chất chứa nỗi đau mất người yêu, ám ảnh đầy hơi thở chết chóc.

      Sức lực của anh đã hồi phục, ước mơ ra một tạp chí văn chương vẫn thôi thúc lòng anh, nếu làm chủ được tạp chí thì trong vòng hai năm hy vọng cuộc sống sẽ hết lo lắng, cùng thời gian ấy tâm trí anh thường nghĩ về tác phẩm anh ấp ủ từ lâu mà chưa viết được.

      Ngày 3/1/1848 Edgar Poe diễn thuyết về trường ca “ Eureka “, theo nghĩa từ Hy Lạp là :” Tôi Đã Tìm Thấy “. Eureka ẩn chứa nhiều tư tưởng bí hiểm, nội dung là sự phát hiện có tính khoa học mà mãi về sau người ta mới khám phá ra được, Eureka là một toan tính giải thích về luật sinh tồn của địa cầu, thiên tài Edgar Poe là nhà tiên tri trên nhiều lãnh vực, ngay cả trong phạm trù khoa học, trí tuệ của anh đã lý giải được những hiện tượng mà sau nầy sự tiến bộ của nước Mỹ đã chứng minh điều ấy.

      Giữa lúc Mr. George Putman nhận xuất bản tác phẩm “ Eureka “ thì anh đi về thăm miền nam nước Mỹ để theo đuổi ước mong là xuất bản tạp chí “ Stylus “. Tháng 6/1848 anh về thăm quê hương Richmond, Richmond dường như đã phai nhòa trong anh từ lâu, nhưng Richmond bây giờ khi anh đã mất hết những gì anh có trong đời thì tiếng vọng quê hương như là tiếng gọi cuối cùng, ai hiểu được những gì đã xảy ra trong tâm hồn người nghệ sĩ lớn lao ấy ! ! Tác phẩm của anh, tài hoa của anh là một bí ẩn nhưng tâm hồn anh còn bí ẩn nhiều hơn thế ! Trong hồn anh những gì đã đi qua không bao giờ mất, chúng trú ẩn giữa linh hồn bao la của anh, giờ đây cái màu trắng biệt ly hiện ra trước mắt anh như những bóng ma của cõi tuyệt vọng. Edgar Poe trở về Richmond, trở về với thời thơ ấu, trở về với người mẹ nuôi Allen thương yêu, trở về với sương phụ Stanard mà thủa thiếu thời anh đã xúc động biết yêu ! Trở về với Elmira, mối tình đầu tươi thắm. Nhưng những người yêu thương anh ngày ấy, đã cho anh thật nhiều hạnh phúc thì chính giờ đây là những bóng hình cho anh thêm nỗi đau tuyệt vọng. . .Edgar Poe đi tìm cơn say. . .John Thompson, chủ bút tạp chí Southern-Literary-Messenger kể lại rằng : Edgar Poe ở lại đây ba tuần, uống rượu từ sáng tới tối và nói về tác phẩm “ Eureka “ mỗi đêm với bạn bè văn nghệ, nhiều người bạn can ngăn anh đừng uống nữa nhưng vô ích, họ phải tìm cách đưa anh về New-York rời xa vùng đất quỷ thần ấy, lúc đó John muốn anh viết cho tạp chí Messenger một vài bài nhưng rượu là sự thường trực của anh ở Richmond. . .”

      Mùa hè 1848 anh đến ở chơi nhà nữ sĩ Shew, người đã chăm sóc anh trong những ngày bệnh tật, đã lâu cảm xúc về ý tưởng một bài thơ làm anh xao xuyến, nhưng tiếng chuông nhà thờ đổ hồi đôi khi ngăn giòng tư tưởng, một hôm anh đặt bút định viết thì tiếng chuông vang lên, anh giật mình bỏ bút xuống nhìn Shew nói :

      -  Ôi ! Tiếng chuông ồn quá không viết được.

      Shew nhìn anh mỉm cười rồi cầm lấy cây bút dịu dàng viết lên trang giấy : “ Những Tiếng Chuông “ của Edgar Poe, phía dưới cô viết thêm “ Những chiếc chuông bạc xinh xinh”. Edgar xúc động, cảm hứng như được ý tưởng khơi nguồn, anh cầm lấy bút viết thực nhanh, vài câu thơ đã hiện lên giấy, anh ngừng lại nói :

      - Tôi không thể viết thêm được nữa.

      Shew tìm cách gợi ý lại : 

      - Gắng thêm vài dòng nữa . . .! Cô suy nghĩ một lát :

      -  Edy hãy tưởng tượng tiếng chuông đồng vang vọng đi. . .

      Cảm hứng dường như trào dâng, Edgar cầm bút, bài thơ dần dần hiện ra từng lúc, từng khi, anh chỉnh lại từng câu, từng chữ cho đến khi bài thơ hoàn thành. Tháng 11/1849 “ Những Tiếng Chuông “ vang lên trên tạp chí Sartain Union.

      Bài thơ “ Những Tiếng Chuông “ là sự kỳ lạ về sắc đẹp âm thanh, Edgar Poe đã kỳ diệu hóa tiếng chuông thành sắc đẹp mà khi đọc lên gây cảm xúc như một mùi hương có hình ảnh, bắt đầu là những tiếng chuông bạc vui tươi, rộn rã như tiếng chuông đám cưới rồi thi tiết chuyển về tiếng chuông báo động của đám cháy, âm thanh hối hả như tiếng kêu la hãi hùng vì ngọn lửa giữa đêm đen, bài thơ lại vang lên tiếng chuông u hồn từ cõi chết đầy nước mắt, đau thương…

      “ Những Tiếng Chuông ‘ đã nói lên cả cuộc đời Edgar Poe, từ niềm vui tuổi trẻ đến nuối tiếc những gì đã mất, cuối cùng là bi kịch của cái chết.

      Tình bạn sâu sắc giữa anh và nữ sĩ Shew cũng như nương tử Osgood đã đem đến cho anh niềm vui trong những tháng ngày lạnh lẽo ấy, đến nổi sự thân mật của họ gây nên điều tiếng thị phi, những kẻ xấu mồm nói rằng, giữa Edgar Poe và hai người đàn bà ấy có quan hệ xác thịt, nương tử Osgood rất khổ tâm vì điều nầy trong không khí gia đình, cuối cùng cô phải tránh người bạn thơ quý mến, nữ sĩ Shew sau nầy cũng chấm dứt sự thân mật với anh.

      Trong những tháng năm còn lại của cuộc đời, Edgar Poe vẫn dõi mắt kiếm tìm bóng hình người phụ nữ, ước mơ về cái đẹp vẫn thu hút anh trên con đường sáng tạo. Ngày 10/8/1848 anh đến Lowell, bang Massachusettes để diễn thuyết về đề tài : “ Thi Nhân Và Thi Ca Mỹ Quốc “, tại đây anh đã gặp Nancy-Richmond, hình ảnh của cô đã làm Poe xúc động, anh lại ước mơ. . .Mỗi lần đến Lowell diễn thuyết anh đều ghé thăm người phụ nữ ấy, tiếc thay người anh thầm yêu đã có chồng con, nên anh không thể vượt qua rào cản. Tình yêu của anh với Nancy liền xuất hiện trong tác phẩm về ngày đầu tiên anh gặp nàng, sự cô đơn và chất đa tình lãng mạng đã phát triển tài năng của Edgar Poe đi xa, trong một truyện ngắn anh viết từ “ Lãng Mạng “ và “ Đàn Bà “ đối với anh là một, anh nói rằng những gì mà đàn ông yêu đàn bà thì giản dị thôi ! Vì nàng là đàn bà, những năm tháng cuối cùng người phụ nữ nào còn đến trong đời anh chẳng phải vì một tình yêu đặc biệt nào cả, nhưng hết sức thuần túy vì những người nữ ấy mang sức hút của đàn bà.

      Sarah-Helen-Whitman nữ sĩ anh gặp năm 1845, họ là bạn của nhau từ lâu, thơ của cô anh rất thích, cô là sương phụ 45 tuổi, Edgar Poe kẻ cô đơn săn đuổi tình yêu, tình yêu đối với anh như là cái gì tuyệt đối mà người đạo sĩ suốt đời kiếm tìm, nó là sự sống lẫn cõi chết, là thiên đường lẫn địa ngục, diễm phúc thay cho kẻ được nó và ngược lại, cho dầu tình yêu đưa anh tới cõi nào anh cũng khám phá ra được bí ẩn của cuộc tồn sinh, đối với Edgar Poe tình yêu luôn là phút giờ đầu tiên, những bóng hình Stanart, Elmira, Virginia, Nancy-Richmond hay nữ sĩ Whitman mà anh đang yêu đều là ánh sáng khác màu sắc, họ là những đường tơ tổng hợp cung đàn âm thanh cuộc sống. Nữ sĩ Whitman bối rối khi anh tỏ tình, vì tuổi tác làm cô ngỡ ngàng, cô 45, còn anh 39, nhưng với Edgar Poe thời gian sau trước đâu nghĩa lý gì, khi anh yêu, anh chỉ biết con tim mình yêu chân thật và thơ luôn là phương tiện thông tin nổi lòng. Edgar gởi tặng Whitman bài thơ “ To Helen “ tình tứ, nữ sĩ đáp lại tiếng gọi của anh bằng một bài thơ trữ tình, chỉ thời gian ngắn khi họ yêu nhau, Edgar đã tỏ lời cầu hôn Whitman, cô đắn đo viết thư cho anh nói rằng : “ Nếu cô còn trẻ, sức khỏe và nhan sắc thì cô sẽ sống với anh cho đến chết, nếu cô theo tiếng gọi con tim mà lấy anh thì cô chỉ hưởng được hạnh phúc qua tháng ngày ngắn ngủi rồi tàn tạ. . .” Nhưng đó không phải là trở ngại làm cho cuộc hôn nhân bất thành, những lời vào ra về sự nghiện rượu của Edgar Poe đã làm Whitman ngập ngừng không quyết. Anh trả lời thư cô rằng : “ Những tật xấu của anh chỉ có trong những lúc tuyệt vọng.” Có lẽ thư anh chưa thuyết phục được cô, thế là trong một lúc hết niềm tin Edgar Poe đã uống thuốc độc tự tử, may thay bạn anh đã kịp thời cứu sống con người cô đơn tận cùng ấy, dầu vậy thuốc độc đã tàn hại cơ thể anh dữ dội. Sau ngày ấy anh lại về thăm nữ sĩ Whitman ở Provence, mối tình muộn màng nầy vẫn là mục đích của anh trong cuộc sống.

      Tháng 11/1848 Whitman đồng ý lấy Edgar Poe với điều kiện anh phải từ bỏ uống rượu, anh hứa với cô và ước hẹn hôn lễ sẽ cử hành vào ngày 22/12/1848, nhưng trước ngày cưới thì có một bức thư của kẻ tiểu tâm nào đó khuyên cô đừng lấy Edgar và xấu mồm nói rằng anh vẫn tiếp tục uống rượu, Whitman với bản chất sợ hãi của đàn bà, dẫu cô là người làm thơ có ít nhiều tiếng tăm nhưng cô vẫn không thoát ra được thói đời ràng buộc, thế là một lần nữa Whitman rút lại lời đính hôn chỉ vì lý do phàm phu ấy. Anh buồn bã viết thư cho Nancy, gọi cô là người phụ nữ hiền thục tuyệt vời của linh hồn anh, anh tâm sự với cô rằng : “ anh sẽ không bao giờ giao du với hạng đàn bà nữ sĩ ấy nữa, họ không tình cảm, không danh dự ngoại trừ nương tử Osgood cao thượng “

      Edgar Poe tiếp tục cuộc hành trình của người lữ hành cô độc, chỉ có bóng hình Virginia là nơi anh có cõi thường trú, bây giờ anh là người khổ hạnh đi tìm một quê hương, một vòng tay, một mái nhà. Và kẻ lữ hành cô độc không biết dừng lại ở nơi đâu ? Vì chẳng có bến bờ nào chờ đón anh cả, anh tiếp tục đi trong cô đơn với sự sáng tạo không ngừng. “ Hop Frog “ truyện ngắn xuất hiện ở Boston, tiếp theo là truyện “ Mollonta-Tauta “ tiếng Hy lạp có nghĩa là “ Những Điều Của Tương Lai “ , rồi Poe trở về với thơ “ Annabel Lee “, người đẹp trong thơ là Virginia muôn thủa của anh.

      Nương Tử Osgood nói rằng : “ Tôi tin Virginia là người phụ nữ anh yêu thương mãi mãi, anh đã kiếm tìm trong cõi đời mênh mông sau cái chết của nàng để hỏi xem cuộc đời còn có bóng hình nào yêu thương, cảm thông như người vợ của anh không ? Nhưng sự kiếm tìm của anh dường như vô vọng. Virginia đã chan hòa với anh trong đau khổ, hạnh phúc, trong cái xấu cũng như cái tốt, trong vinh quang cũng như tủi nhục, anh viết bài thơ “ Annabel Lee “cũng là viết cho linh hồn Virginia “.

                  Nhưng tình đôi ta thăm thẳm hơn tình yêu !

                 của những người sống trước đôi ta

                 của những người trí tuệ hơn ta. . .

                                                                Annabel Lee

      Đầu năm 1849 Edward Patterson chủ bút tạp chí “ Spectator “ khuyên Edgar Poe đừng xuất bản tạp chí “ Stylus “ nữa, ông sẽ chịu mọi phí tổn, tạp chí của ông sẽ giao cho anh hoàn toàn quyết định, Edgar Poe vui mừng, liền đánh điện báo tin anh sẽ đi Richmond để trao đổi công việc và mượn ông 50 dollars làm lộ phí.

      Một buổi sáng trên bến cảng New-York, dì Maria ôm hôn Edgar nói lời từ giã, trời hôm ấy sương mù loang tỏa bờ biển, nhìn ra khơi bỗng dưng dì Maria buồn lạ lùng, bà đang nắm lấy tay anh đây mà, đứa cháu thương yêu, đứa con chân thật đã chia xẻ đắng cay ngọt bùi suốt bao năm trời ! Edgar Poe thì thầm gọi bà bằng mẹ :

      - Mẹ đừng lo cho Edy ! Con vẫn mạnh khỏe đây nầy ! Con sẽ giữ lấy mình khi xa mẹ, rồi ngày kia con sẽ trở về. . .

      Dì Maria ôm hôn anh lần nữa như không muốn rời, bà đứng lặng nhìn anh bước xuống tàu, Virginia hiện lên trong lòng bà, Edgar Poe-Virginia đôi uyên ương huyền diệu, nhưng giờ đây đã gãy cánh, bà nhìn biển thẳm trước mắt, lo sợ cho chim uyên một mình không bay nổi sang bên kia bờ. Tàu đã nhổ neo, bóng Edy mờ dần trong màng sương đục, một giọt nước mắt rơi xuống trên má bà rồi con tàu chìm khuất trong giọt nước mắt ấy, Edgar Poe ra đi không bao giờ trở lại với bà nữa.

      Vào buổi sáng tháng 6 trên đường tới Richmond anh dừng chân ở Philadelphia, con người anh không hiểu có những biến cảnh gì trong nội tâm mà biến đổi hẳn, mái tóc anh bềnh bồng phiêu hốt vì gió sương mưa nắng, anh đang ở trong trạng thái nửa say nửa tỉnh, đó là trạng thái của kẻ sống giữa hai bờ, bên nầy là cõi mộng, bên kia là cõi chết, anh nói với Sertain chủ bút tạp chí Union nhiều điều hư hư thực thực rằng, có hai gã hung hãn anh gặp ở New-York đang âm mưu giết anh, rằng khi ở Philadelphia anh đã bị bắt vào tù vì tội xài bạc giả. . .thần kinh của anh đã mất bình thường. Ở nhà dì Maria trông ngóng thư anh từng ngày, nhưng rồi bà cũng nhận được thư, lời thư thật kỳ lạ khó hiểu chứng tỏ bệnh tình của anh khá trầm trọng. . .Rồi cuộc hành trình đưa anh về Richmond, quê hương yêu dấu và phũ phàng của anh. Elmira ! Anh phải đi tìm em nơi khu vườn hò hẹn, nơi em đã thề thốt : “ Em yêu anh ! Mãi mãi em đợi anh về ! “

      Bây giờ Edgar Poe mới thật sự trở về để con người mãi mãi chiêm ngưỡng anh.

      Một tối anh tìm đến nhà Elmira, chồng nàng đã chết, chẳng còn gì ngăn cách anh quay lại với người xưa, phút giây ngàn trùng xa cách thủa nàng lên xe hoa. . .Elmira tưởng chừng như anh hiện về từ quá khứ xa xưa, họ nhìn nhau ngậm ngùi xúc động, ngày họ yêu nhau Edgar Poe 16 tuổi, Elmira 15, bây giờ anh đã 40, cả hai đều giống nhau, họ đều lẻ bóng. Cuôc hạnh ngộ ấy, Edgar Poe vẫn ước mong cưới nàng như lời hẹn ước ban mai. . .Khi anh nói điều ấy, Elmira thoáng mỉm cười, nhưng thấy anh quá nghiêm trang, nàng tỉnh táo trả lời anh, anh nói với nàng :

      - Ước mong nầy anh đã nghĩ tới từ lâu, bây giờ chẳng còn gì ngăn cách chúng ta nữa.

      Nàng nhìn anh xót xa :

-        Nhưng bây giờ em chưa trả lời anh được, anh cho em suy nghĩ.

      Elmira có đồng ý lấy anh hay không, điều ấy không ai biết, nhưng có lẽ kết thúc là nỗi đau cho trái tim tan nát Edgar Poe. Ngày 27/8/1848 anh từ biệt Richmond, Elmira là người cuối cùng nhìn thấy anh đang trong tình trạng bệnh tật, những năm tháng sau nầy anh lang thang về đâu ? Sống như thế nào ? không ai biết.

      Thành phố Baltimore buổi sáng ngày 3/10/1849 tấp nập người đi về trên mọi nẻo đường, vì đó là ngày bầu cử, bác sĩ James Snodgres hôm ấy ở nhà, bỗng ông chăm chú nhìn tin báo khẩn cấp trên tờ “ Baltimore Sun “ “Có một người đàn ông đang bị bệnh trầm trọng nơi phòng phiếu đang cần gấp một bác sĩ, tên người ấy là Edgar Allen Poe “ Bác sĩ Snodgres là người quen biết Poe, tức tốc đến địa điểm bỏ phiếu ở 44 East-Lambert 5 Street, ở đây đám đông đang vây quanh một người ngồi trên ghế nồng nặc mùi rượu, áo quần rách nát, đầu đội chiếc mũ cũ nhàu, giày vớ xác xơ, đó là Con Quạ Đen Edgar Poe, anh liền được đưa tới bệnh viện Washington, các bác sĩ không phát hiện cơ thể anh có triệu chứng bệnh gì rõ rệt, tâm trí anh đang bềnh bồng ở một cõi nào đó, anh đang tìm về ngọn lửa quá khứ mong sưởi ấm trái tim giá lạnh của anh, bỗng trong cơn mê anh bật lên tiếng gọi: “ Reynolds ! Reynolds ! “ nhân vật đầu tiên trong tác phẩm của anh với những cuôc du hành kinh dị.

     Sáng sớm chủ nhật ngày 7/10/1849 Edgar Poe nằm yên, tỉnh táo tựa như anh vừa bay qua cơn bão dữ, “ Con Quạ Đen “ đang trên đường bay về vĩnh cửu, môi anh khẻ lay động, bình thản mở mắt nhìn lên cõi trên, anh thì thầm cầu nguyện Thượng Đế xin cứu vớt linh hồn khốn khổ của anh, hơi thở anh dồn dập, đứt quãng tựa như anh đang bay tới biên giới cõi âm, một lát sau mắt anh nhắm lại và Con Quạ Đen vĩnh viễn chấm dứt tiếng kêu thương trên cõi đời, “ Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc, đến hôn anh đến rửa vết thương tâm “

 

                                                                                                                                             

Vương Kiều
Số lần đọc: 2314
Ngày đăng: 30.11.2015
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chiếc giày đỏ - Trần Băng Khuê
Từ duy nhất - Nguyễn Hồng Nhung
Thầy Tôi Ông Trần Quý Tuệ - Trần Vấn Lệ
Ông sư… - Trọng Huân
Bán lý tưởng vì yêu - Trọng Huân
Sân ga u buồn - Trần Băng Khuê
Bão ngoài trời bão trong lòng - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Có một mùa tựu trường - Nguyễn Đức Tùng
Vượt Đại Tây Dương - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Hạnh phúc và bất hạnh - Chu Tất Tiến
Cùng một tác giả
Sơn ca (thơ)
Cô gái Huế (tạp văn)
Hàn ny (thơ)