TỰA
Đã có nhiều tác giả viết về Tú Xương qua nhiều khía cạnh. Người viết bài này chỉ xin góp một cái nhìn về nhà thơ “Tài cao phận thấp khí khí uất” (*) của chúng ta mà thôi.
Từ lâu, người viết hằng thắc mắc, không hiểu tại sao một con người chan chứa những ý tình cao đẹp như Tú Xương lại có thể “ăn chơi trụy lạc” như người ta nói và như chính ông đã viết được. Qua bài này, người viết sẽ thử cố gắng trả lời câu hỏi đó.
Người viết sẽ giới thiệu những tính chất căn bản nhằm phát họa thái độ của Tú Xương trước bản thân và cuộc đời. Bởi lẽ, sống là chọn lựa một thái độ, không có thái độ nào cả cũng đã là có một thái độ rồi.
Do đó, bài viết này sẽ được giới hạn trong việc tìm hiểu xem Tú Xương đã “xử kỉ tiếp vật”, đã ở đời ra làm sao và người viết trộm nghĩ rằng sự tìm hiểu này sẽ có một lợi ích nào chăng.
Viết tại E4, Đại Học Xá Nam Giao,
Huế, đêm 18 tháng 4 năm 1974
DẪN NHẬP
Nếu hiểu con người là một tinh thần nhập thể và nhập thế thì sống đối với con người, có nghĩa là sống với, sống cùng, sống trong, sống giữa và do đó, dù muốn dù không, con người phải đối diện với hai thực tại: thực tại cá nhân và thực tại xã hội.
Đối với thực tại cá nhân: trước hết, con người phải sống trong một xác thân riêng, với những ảnh hưởng tiên thiên khác nhau, nghĩa là có một quá trình hiện hữu dị biệt.
Đối với thực tại xã hội: cái xã hội không ngừng tác động trên từng cá nhân, con người hầu như là phải “chấp nhận” nó từ khi có mặt trên đời: xã hội thanh bình hay loạn lạc, đạo đức hay hư hỏng, tiến bộ hay lạc hậu, .v.v…
Con người chỉ còn một chọn lựa là cách thế hiện hữu của mình hay nói khác đi là cách thế đối diện với những thực tại nói trên. Sống không có nghĩa là thuận thụ, a tòng, hoàn toàn thụ động. Trái lại, sống còn có nghĩa là đối phó, hoạt động và lắm khi là phản động (chữ “phản động” ở đây không có nghĩa xấu, không phải là phản tiến hóa, phản tiến bộ).
Nhà thơ của chúng ta, Tú Xương, sinh trưởng trong hoàn cảnh đất nước bị ngoại bang thống trị. Những tập tục lễ nghi, những giá trị luân lí, đạo đức từ ngàn xưa đã bị lung lay và khuynh đảo. Bao nhiêu hình ảnh, sự việc diễn ra trước mắt, không thể ông không nhìn thấy. Mặt khác, nhà thơ còn có một hoàn cảnh cá nhân riêng: một người của lớp tàn nho, gia đình lại lâm vào sự quẫn bách và hầu như mọi lối thoát đối với ông đều đã bế tắc.
Chúng ta cũng nên hiểu rằng dù chạy trốn thực tại thì con người cũng đã đối diện với thực tại và chạy trốn chỉ là một cách thế, một thái độ trước thực tại đó. Dù sống trong lao tù con người vẫn phải đối diện bốn bức tường hay sống trong một tháp ngà ảo tưởng, con người vẫn phải đối diện với những gì mà ảo tưởng đó tạo ra.
Vậy thì sống bao hàm ý nghĩa là một thái độ đối diện, một cách thế “đứng trước” thực tại. Và trước một thực tại, con người sẽ hoặc chấp nhận nó, đề huề với nó hoặc tác động để đổi thay nó hoặc đứng xa mà nhìn ngắm, mô tả. Nhà thơ của chúng ta ở vào trường hợp này. Nhưng từ một quan điểm, từ một vị trí quan sát nào đó, sự mô tả cũng nhằm một sự tố cáo và cũng có nghĩa là một ước vọng cải tạo, đổi thay.
Vậy, khi khảo sát về thái độ của nhà thơ Vị Xuyên trước bản thân và cuộc đời, chúng ta phải có một quan điểm thích nghi. Quan điểm mà người viết chọn lựa ở đây là tình tự dân tộc và nhân loại. Người viết sẽ tìm cách hiểu nhà thơ, cảm thông với nhà thơ, nghĩa là trả lại cho nhà thơ cái gì là của nhà thơ.
I. TÚ XƯƠNG TRƯỚC BẢN THÂN
Nói đến nhà thơ Vị Xuyên, chúng ta nghĩ ngay đến một số phận hẩm hiu, một cuộc đời với toàn những thất bại và trắc trở. Bao nhiêu tài sản của cha ông để lại, Tú Xương đã “hiến dâng” cả cho khoa cử, nhưng rồi khoa cử lại phụ bạc ông một cách tàn nhẫn và trắng trợn.
Từ thuở 15 tuổi (1885), nhà thơ đã “tỏ tình” với khoa cử và cũng chính trong lần này, nhà thơ đã đón nhận sự hắt hủi đầu tiên. Hai lần thất bại nữa, đến năm 24 tuổi (1894), ông mới nhận được của khoa cử cái tú tài, cái tú tài vô dụng, nhưng đã làm khổ ông không ít và cũng chỉ có chừng ấy, dù sau đó Tú Xương đã đến với khoa cử bốn lần nữa; lần cuối cùng là năm 1906, để rồi năm sau (1907) nhà thơ vĩnh viễn từ giã cõi đời. Cũng chỉ bởi khoa cử mà con người đó đã phải “Van nợ lắm khi trào nước mắt” hay “Chạy ăn từng bữa mướt mồ hôi” (Than nghèo). Nhà thơ đã phải sống bám vào người vợ tảo tần “Năm nắng mười mưa …” suốt trọn cuộc đời. Tất cả sự thật này nhà thơ Vị Xuyên đã không một mảy may che dấu. Thi sĩ non Côi sông Vị đã quay cái nhìn vào chính mình, ông không ngừng tìm cách xác định con người ông trong cuộc đời.
Mặc dù, từ thế kỉ XIX, các văn nhân nho sĩ nước ta đã có nói đến cái tôi thay vì cái ta chung chung như trước, nhưng không ai nói nhiều và nói kĩ như Tú Xương.
Bằng thơ phú, nhà thơ đã tự họa một bức chân dung với đầy đủ các chi tiết. Tuy nhiên không phải nhà thơ chỉ mô tả phần ngoại diện, trái lại ông còn chiếu rọi “đôi mắt” vào tận các hang cùng, ngõ hẻm của tâm hồn mình. Có thể nói nhà thơ đã cố tìm một bút pháp hay một ngôn từ để diễn tả cho trọn vẹn, chính xác những gì ông nhận thấy khi trực diện với chính bản thân.
Thiết tưởng chúng ta nên tìm hiểu một vài tính chất căn bản trong cái nhìn tự phản của nhà thơ. Vì qua sự tìm hiểu này, may ra chúng ta có thể tìm thấy được một cách đúng đắn, phần nào tâm trạng và chí hướng của nhà thơ Vị Xuyên.
1. Tú Xương, một người thành khẩn
Đây là đặc điểm trước hết trong cái nhìn tự phản của nhà thơ. Thành khẩn với người đã là khó và không mấy ai có thể thực hiện một cách trọn vẹn, thành khẩn với chính mình lại càng khó hơn. Thành khẩn với chính mình có nghĩa là tự khách quan hóa để nhìn ngắm, phê phán chính mình. Thật chưa có tác giả nào viết về bản thân và cuộc đời mình một cách trắng trợn, chân thành đến … sỗ sàng như nhà thơ Vị Xuyên.
Ta cũng nên nói ngay ở đây là không phải tác giả không biết đến liêm sỉ và không trọng liêm sỉ, không coi liêm sỉ là một vấn đề thiết yếu. Nhà thơ cũng không hề tìm cách nói quanh co để giấu che bớt sự thật hay để văn chương hóa. Trái lại, nhà thơ đã phô bày không úp mở, gạn lọc, ông còn muốn tô đậm nét nữa là khác. Ta nên hiểu sự nói thật của ông là một trực tính tự nhiên và cũng là sự liêm khiết của kẻ hiểu biết.
Hơn nữa, ông lại chính là nạn nhân, là người trong cuộc đã gánh chịu bao nhiêu bất hạnh, trắc trở: nạn nhân của một bản chất nghệ sĩ ngông nghênh, nạn nhân của một buổi giao thời và trực tiếp, gần gũi nhất là nạn nhân của nghèo túng và hỏng thi. Vậy thì nói ra, dĩ nhiên là nói trong niềm tin sẽ được nghe, được thông cảm, cũng là cách làm cho vơi bớt đi những “ngổn ngang trăm mối trong lòng” đó.
Tuy nhiên, ta cũng không thể tin hoàn toàn tất cả những gì ông đã nói ra vì lắm khi ông đã phóng đại một hình ảnh hoặc cường điệu hóa một ý tưởng, nghĩa là chúng ta nên hiểu văn chương như một cái cớ, một công cụ, văn chương không phải là một biên bản điều tra của cơ quan an ninh. Văn chương cũng như chiếc thuyền, ta chỉ sử dụng nó để sang sông và ta sẽ không mang nó lên người khi đã đạt được mục đích.
Để ý như thế, chúng ta sẽ có thể đến gần sự thật hơn. Mặt khác, về nhân vật ngôi thứ nhất tôi, ta, min, tớ, ông mà nhà thơ tự xưng, ta phải hiểu rằng đó chỉ là một nhân vật mà thôi. Vì ai cấm nhà thơ đứng vào vị trí của một người khác để tự nói ra ý nghĩ, tình cảm, tâm tư của “mình”. Nhà văn có thể “là” bất cứ ai miễn là họ có văn tài để diễn tả: văn chương không phải là sự thật mà là cái có vẻ thật. Nhà văn phải làm thế nào để thể hiện được những đặc tính khả xúc, và đó chính là sự thành công của một nhà văn.
Trong trường hợp nhà thơ của chúng ta, Tú Xương, ta phải thận trọng khi phê phán về nhân cách, đạo đức của ông và không có lí do gì để chúng ta dựa vào những lời bông đùa, bỡn cợt của ông để có một quan niệm, một kết luận vì quan niệm cũng như kết luận đó sẽ không tránh khỏi hàm hồ, vụ hình thức, sai lầm.
Xem lời tự giới thiệu trong bài “Tự cười mình” hay trong bài phú “Thầy đồ dạy học” ta thấy cái dáng vẻ bên ngoài đã được nhà thơ phát họa rõ ràng:
Ở phố hàng Nâu có phổng Sành,
Mặt thì lơ láo, mắt thì nhanh (Tự cười mình I)
Râu rậm bằng chổi
Đầu to tày giành (Thầy đồ dạy học, phú, bài I)
Quần áo rách rưới
Ăn nói xô bồ (Thầy đồ dạy học, phú, bài II)
Thật thì mặt ông có “lơ láo” vì ông đã kinh qua bao nhiêu thất bại ê chề, nhận chịu bao nhiêu đớn đau, bất trắc, ông muốn tìm một người tri kỉ chăng? Vậy thì chúng ta còn đợi gì mà không mở rộng lòng mình để cảm thông với nhà thơ vì đôi mắt sáng của ông đang nhìn về phía chúng ta, mời gọi chúng ta lắng nghe.
Nhưng nhà thơ đâu có “Râu râm bằng chổi đầu to tày giành”, nhà thơ thực ra râu thưa và đầu thì nhỏ thôi. Vậy thì, đây chỉ là một cách “đùa” cho vui, mong xoa dịu những nỗi ê ẩm, chán ngán trong lòng và ông đùa thật dai vì ông đã đau đớn quá nhiều. Ta nên hiểu đây là phản ứng của một bản chất cá nhân riêng. Trước một thất bại, cá nhân con người có thể phản ứng bằng nhiều cách: hoặc chìm đắm trong đau đớn, gặm nhắm những nỗi thất vọng để rồi đi đến suy nhược, lụn bại tinh thần hoặc cười xòa, xem như không đáng quan thiết đến để cho nguôi ngoi, phai lạt bớt tính chất quan trọng của sự kiện mà ngày nào ta đã xem là quan trọng và ta đã đặt vào nó tất cả hi vọng để tự hóa giải với chính mình, tìm cho mình một lối thoát, một an ủi.
Yves Berger đã nhận thấy rằng: “Văn chương bao giờ cũng chỉ là một nỗ lực tự giải thoát cá nhân” (3). Tuy nhiên, cái bi đát sẽ lộ liễu, ta sẽ thấy rõ ràng là nhà thơ đã cười ra nước mắt.
Phải chăng thất bại có to lớn đấy, nỗi đớn đau có dằn vặt mình đấy, song nhà thơ vẫn còn yêu đời và còn ham sống nên ông can đảm bộc bạch tất cả cái gì riêng tư của mình mà không sợ ai cười chê hay mai mỉa. Ông đã tự khách quan hóa chính mình để mà “tự trào”, tự cười mình.
Thế thì, Tú Xương, tôi, ta, ông, min, tớ … chỉ là một nhân vật, không hoàn toàn trùng hợp với ông Tú Xương ngụ tại nhà số 280, phố Đình Hữu, làng Vị Xuyên, huyện Mĩ Lộc, tỉnh Nam Định trong những năm từ 1870 đến 1907, tức là phố hàng Nâu nối liền với phố hàng Song, khu Đình Hữu, thị xã Nam Định bây giờ (năm 1974). Nhận định như thế, chúng ta sẽ tránh được lầm lẫn khi phê phán về giá trị đạo đức, phẩm hạnh của nhà thơ.
Ta có thể đặt câu hỏi là tại sao quần chúng lại truyền tụng câu ca dao nói về xuất xứ và bản chất của nhà thơ rằng:
Vị Xuyên có bác Tú Xương
Quanh năm ăn quịt chơi lường mà thôi (4).
Ta thấy rằng, một người ăn nói hoạt bát, vui vẻ và lại hay bỡn cợt, bông đùa như Tú Xương thì người ta làm thân với ông chẳng khó khăn gì và rồi “giỡn với chó, chó liếm mặt” (5), họ sẽ cùng ông pha trò và sự kiện được mô tả chắc chắn sẽ không trung thực với sự thật bao giờ. Có lẽ, đôi khi vì kẹt lắm, nhà thơ đã mua chịu hay mượn mõ ít nhiều và rồi quên đi nên không trả như có lần ông đã hỏi mua sực tắc:
Sực tắc mày rao đã điếc tai,
Tiền thì không có biết vay ai?
Mày ơi bán chịu tao vài bát,
Sáng mai tao trả một thành hai. (Bảo người bán sực tắc)
Chỉ chừng ấy người ta có thể phóng đại ra, vì dư luận có thể biến một con muỗi thành một con voi và hơn thế nữa! Do đó, sự kiện mà người ta nói là “Quanh năm ăn quịt chơi lường mà thôi” đó chỉ để đùa, để triêu chọc Tú Xương hơn là mô tả một sự thật.
Mặt khác, một người đã lên án, chỉ trích gay gắt những thói hư tật xấu của người đời, đã không tiếc lời phỉ báng mọi tệ trạng của xã hội mình, không thể là kẻ như những kẻ mà mình đã chỉ trích, lên án đó.
Hơn nữa, Tú Xương còn có một tâm trạng u uất đối với quê hương đất nước, có một nhiệt tình yêu mến cách mạng, kính trọng các nhà chí sĩ (đối với Phan Bội Châu, Tú Xương đã bày tỏ một sự hâm mộ và tôn kính sâu xa) thì không thể nào nhà thơ lại làm những việc thiếu ý thức và không mấy tốt đẹp như vậy.
Tuy nhiên, ta cũng phải công nhận rằng với bản chất của một nghệ sĩ ngông nghênh và cái “phẩm giá” của kẻ sĩ, nó đã tạo ra ở Tú Xương cái tính hào phóng, bất cần và ông thành thật cho biết:
Cho hay công nợ là như thế
Mà vẫn phong lưu suốt cả đời (Tự cười mình, bài II)
hoặc:
Kiết cú như ai cũng rượu chè (Năm mới)
Đấy phải chăng là một phản diện tâm lý tất nhiên của một con người muốn chối bỏ thực tại này, hoàn cảnh cũ để vươn tới, tiếp xúc một thực tại khác, hoàn cảnh mới. Chắn chắn là ước muốn thay đổi đó sẽ không bao giờ có thể thành sự thật nếu vẫn cứ “phong lưu suốt cả đời” và “như ai cũng rượu chè”.
“Xấu che tốt khoe”, đó là cái gì thường tình nhân thế, vậy mà nhà thơ của chúng ta dám nhìn thẳng vào sự thật, nhìn thật kĩ và mô tả nó thật tỉ mỉ nữa là khác. Kiểm điểm lại sự nghiệp, gia thế, ông thấy:
Ba luống vườn hoang bán sạch rồi,
Gạo cứ bữa ăn, đong bữa một. (Than nghèo II)
Người bảo ông cùng mãi
Ông cùng thế này thôi
Vợ lăm le ở vú
Con tấp tênh đi bồi
…
Khách hỏi nhà ông đến,
Nhà ông đã bán rồi. (Than cùng)
Một tuồng rách rưới con như bố, (Mùa nực mặc áo bông)
Còn gì thật hơn, còn gì thấm thía và cảm động hơn và nếu ai đã một lần khốn khó sẽ thấy hai câu thơ sau đúng một cách … tuyệt đối:
Van nợ lắm khi trào nước mắt,
Chạy ăn từng bữa mướt mồ hôi. (Than nghèo)
Gia thế càng xuống dốc, càng quẫn bách thì khoa cử lại như toa rập để đẩy ông vào bước đường cùng. Công danh, sự nghiệp, nhân phẩm, tất cả thảy đều phải đi qua cổng trường thi. Nhưng khoa cử phụ bạc thì mọi công trình xây dựng cho chính bản thân cũng như xã hội đều tiêu tan.
Chính vì nền giáo dục theo lề thói phong kiến lạc hậu, quá khe khắt đã bóp nghẹt và bóp chết đi biết bao nhân tài, biết bao kẻ giàu thiện chí. Hơn nữa, nền giáo dục khuôn mẫu, từ chương đó cũng chẳng tạo ra được những người có sáng kiến kinh doanh, thực nghiệm và thực dụng. Thế mà phải chìu lụy nó, không thể qua mặt nó bởi lẽ nếu không thì:
Trăm năm thân thể có ra gì (Buồn thi hỏng)
Và nhà thơ, người đã đón nhận từ thất bại này đến thất bại khác, hầu như cứ mỗi lần đi thi là mỗi lần ông hỏng thi, hơn ai hết, ông đã thấm thía trọn nghĩa của sự đớn đau, cay đắng, chua chát, tủi hổ:
Đau quá đòn ghen,
Rát hơn lửa bỏng.
Hổ bút, hổ nghiên,
Tủi lều, tủi chõng. (Hỏng thi khoa Canh tí)
Bụng buồn còn muốn nói năng chi,
Đệ nhất buồn là cái hỏng thi.
…
Tám khoa chưa khỏi phạm trường qui (6) (Buồn thi hỏng)
Để có một ý niệm chung, ta thấy rằng Tú Xương đã làm thơ không phải để chạy trốn thực tại, không phải để mơ mộng thoát ly. Trái lại, nhà thơ của chúng ta bám chặt lấy cái thực tế phũ phàng, bi đát của mình và nói ra như một tâm sự, lời nói vì thế có sự tiềm ẩn của một mong ước cảm thông, chia sẻ và đi thẳng vào tâm hồn người nghe. Ông đã quá thành khẩn, thì chúng ta còn trách ông vào đâu nữa!
Mặt khác, có người cho rằng Tú Xương ăn chơi trụy lạc và mạt sát ông thậm tệ vì họ không nhìn thấy cái tế nhị trong lời thơ cũng như thực chất của những lời thơ đó hoặc giả họ muốn tìm một “đồng minh” chăng, muốn dối mình chăng, điều đó hãy để cho họ tự trả lời. Nhận định về các quan niệm lệch lạc này, ông Trần Thanh Mại đã có cái nhìn khá sắc bén khả dĩ lột mặt nạ của những kẻ ngụy tín nói trên:
“Mấy quan niệm sai lầm này kể ra cũng có nguồn gốc sâu xa của nó, có nguyên nhân của nó. Trước hết, nó xuất phát từ quan điểm thực dân và phong kiến, bù nhìn, thường ghét và sợ những con người như Tú Xương. Nó xuất phát từ âm mưu của chúng muốn xuyên tạc sự thật về nhà thơ, muốn bôi nhọ đời sống thanh cao và tâm hồn trong sạch của nhà thơ, đấy là thủ đoạn của thực dân pháp và tay sai (7) vào khoảng những năm 30 của thế kỉ này, hòng phủ nhận hoặc xóa mờ giá trị hiện thực sâu sắc của thơ văn Tú Xương và đánh tan, hay ít ra cũng giảm bớt lòng hâm mộ của công chúng đối với nhà thơ” (8).
Sau hết, hẳn chúng ta phải công nhận rằng Tú Xương có một cốt cách hơn người, có một ý thức cao độ về sự liêm khiết. Nhà thơ đã chẳng quanh co chối từ hay biện hộ cho những nhược điểm của mình. Trái lại, ông đã thành thật phơi bày tất cả trước mắt chúng ta. Hơn thế, ông còn dùng ngôi thứ nhất (chỉ chính mình) để cười đùa và tự tố cáo. Điều này có nghĩa là Tú Xương đòi hỏi sự tự giác của những kẻ không mấy tốt đẹp quanh ông. Và đây cũng là một cách xỏ xiên nhằm nhắc khéo người khác để họ có dịp tự vấn, tự nhìn ngắm lại chính mình, hầu có thể không tiến sâu vào lối đi không lấy gì làm tốt đẹp của họ.
Mặt khác, ta thấy rằng những bài thơ bông đùa của Tú Xương là nhằm một hài tính, cốt để mua vui. Do đó thực tính của những bài thơ đó không có là bao, khác hẳn với giọng thơ u hoài, trang trọng khi ông tỏ lộ tâm tình của mình đối với quê hương, đất nước hay đối với những con người mà nhà thơ ngưỡng mộ, tôn kính.
Tuy nhiên, gạt ra ngoài tính cách cười đùa cũng như việc sử dụng nhân vật ngôi thứ nhất để nhắc nhở, chê trách người đời một cách khéo léo đó, nhà thơ đã thành khẩn tỏ bày tất cả những gì riêng tư của mình khiến cho thơ văn của ông có một cảm xúc tính mãnh liệt, đi thẳng vào tâm hồn người đọc. Ta có thể nói rằng giá trị thơ văn cũng như giá trị làm người của Tú Xương khởi đi từ chính lòng thành khẩn đó.
2. Tú Xương, một người phá chấp
Phá chấp nghĩa là đã chấp nhận tất cả, đã xem tất cả là có đó dù rằng nó không hợp với chủ trương, tư tưởng cùng mong ước của mình chăng nữa. Phải là một con người đã thâm hiểu ý nghĩa cuộc đời và thân phận làm người, vượt lên trên mọi thành kiến, xu hướng và nhất là phải có một đảm lực phi thường mới có thể độc lập với chính mình và với người khác. Cũng như đã có một con đường rõ rệt, chính đáng mới có thể không sợ sẽ bị hiểu lầm, không sợ những lời mai mỉa, khen chê.
Đặt vấn đề này, ở đây, chúng ta không có ý đề cao nhà thơ Tú Xương vì có nghĩa lí gì đối với người đã vội vã và sớm sủa giã từ cuộc đời? Khen chê đối với ông, một kẻ đã vĩnh viễn về với yên lặng không còn là cái gì quan trọng. Chúng ta chỉ cố gắng để hiểu nhà thơ một cách đúng đắn hơn mà thôi.
Trước hết, chúng ta phải nhận rằng nhà thơ Vị Xuyên đã có một ý thức cao độ về sự liêm khiết nên ông đã không tự dối lừa mình cũng như đã không phĩnh phờ người khác, vì thế mà khi nghe người đời bông đùa:
Vị Xuyên có bác Tú Xương,
Quanh năm ăn quịt chơi lường mà thôi. (9)
thì không những ông không oán hận, không đính chính mà hơn thế ông còn đẩy đến cực độ, cụ thể hóa bằng sự kiện:
Cao lâu thường ăn quịt,
Thổ dĩ lại chơi lường (10).
Chúng ta đừng vội kết luận là ông đã “bất cố liêm sỉ”! Nghĩ như thế thì thật đơn giản và cũng thật dễ dàng nhưng chưa chắc đã đúng với sự thật, không phải nhà thơ Vị Xuyên đã gồng mình để nói như thế. Trái lại, ông đã thật tỉnh táo, sáng suốt nữa là khác. Ta thấy rằng một người đã suốt đời nâng niu, gìn giữ cái giá trị mà mình tôn thờ:
Danh giá nhường này không nhẽ bán,
Nhân duyên đến thế hãy còn theo. (Nghèo)
và đã thấu hiểu thói đời thường khen chê vì một lợi riêng nào đó hay ít ra cũng cảm thấy yên hàn và có ảo tưởng rằng mình không tội lỗi hoặc tội lỗi của mình cũng không đến nỗi trầm trọng lắm:
Kẻ yêu người ghét hay gì chữ,
Đứa trọng thằng khinh chỉ vị tiền. (Thói đời)
thì những điều đồn đãi đó có gì đáng kể đâu. Vậy thì nói cho tệ hại hơn như thế có ý nghĩa gì? Phải chăng là để bày tỏ một sự bất chấp và muốn nói rằng giá trị của một con người không phải là cái gì ngoại tại mà chính là những gì con người đó đã thể hiện trong suốt cuộc sống của mình. Và nhà thơ của chúng ta đã thể hiện bằng việc từ chối sự giúp đỡ của thực dân để có cơ kiếm tiền, ông đã bất chấp cả cái nghèo mà ít ai có thể cưỡng lại được:
Người bảo ông cùng mãi,
Ông cùng thế này thôi:
Vợ lăm le ở vú,
Con tấp tểnh đi bồi. (Than cùng)
Xem thế, những bày tỏ của ông không phải để cầu xin một sự thương hại, chắc chắn một người tự trọng như ông sẽ chẳng khoái gì nếu không nói là e dè, ghê sợ điều đó nữa là khác. Chẳng qua như nhận xét của Hàn Xương Lê (Hàn Dũ) đời Đường “Đại phàm vật bất đắc kì bình tắc minh” (vật hễ không được thỏa mãn ắt phải kêu lên) mà thôi. Và tiếng kêu, ở đây, là tiếng kêu của một con người đại diện cho loài người. Đây là lời báo động của một con người đang bị những thực tế phi nhân chèn ép. Tiếng kêu đó nhắc nhở chúng ta một tình tự nhân loại cũng như cái thân phận làm người và qua thơ văn Tú Xương chúng ta còn nghe thấy tiếng kêu của một kẻ đau lòng vì đất tổ, quê cha đang bị ngoại bang dày xéo, đồng bào đang phải lầm than khốn khổ. Nhà văn Đặng Thai Mai nhận xét:
« Trong văn chương các nhà nho nước ta, nước Tàu xưa nay, chả có cò gì nhạt nhẽo hơn là các thứ văn thơ thù tạc những bài phú lục, tán tụng ông nọ bà kia. Tưởng nếu đem mà đốt cho hết những thứ văn nước ốc ấy đi, thì văn học của một nước, tư tưởng của nhân loại cũng không vì thế mà gầy gò, ốm yếu đi tí nào. Nếu khối óc của nhà văn không có những luồng sóng bất bình, nếu tâm hồn của những kẻ cầm bút không cảm thấy những nỗi đau đớn, thiếu thốn của kiếp người, những điều mong mỏi thiết tha của thời đại, nếu không lĩnh hội được tính cách luôn luôn biến thiên của thế giới, của nhân sinh, nếu như đối với hiện tại với tương lai không có một yêu cầu, một hi vọng, tin tưởng gì, thì cái thứ văn mơn trớn béo tốt như đẫy thịt, trơn như tản trán hói của nhà trưởng giả, cũng chỉ là một “văn chơi” mà thôi, chả có ý nghĩa gì là văn học (11).
Sở dĩ người viết phải trích dẫn dài dòng vì muốn nói rằng giá trị thơ văn Tú Xương là ở chỗ nó thể hiện được tình tự nhân loại và dân tộc, gắn liền với thực tế bản thân và thực tế của quê hương, đất nước.
Lại nữa, cũng vì muốn đi đến cái thực chất của sự kiện, nhà thơ đã đập vỡ cái hình thức bưng bít ngụy trang để nhìn thấy chân diện mục của nó. Chúng ta thấy Tú Xương đã không giản đơn chấp nhận cái hình thức bên ngoài. Trái lại, ông còn đòi một nội dung thật nữa:
Khăn khăn áo áo thêm rầy chuyện,
Bút bút nghiên nghiên khéo giở tuồng. (Đêm hè)
Vậy, cái lí tưởng đối với nhà thơ phải là: một nội dung tốt được gói ghém bởi một hình thức đẹp. Tuy nhiên, nhà thơ cũng thấy được rằng loài người có kẻ thánh thiện, nhưng cũng có kẻ tội lỗi và đối với hạng trung bình, mỗi người đều có hai phản diện tương khắc: thánh và tội.
Người biết điều, liêm khiết, bao giờ cũng có cái nhìn công bình sáng suốt, không ngụy tín, không tự ái hay bảo thủ. Dám nói sự thật không phải để được khen là can đảm, là hơn người, nhưng là để xứng đáng mình là kẻ biết sống và biết nhận định hay không. Phải là người có sức mạnh nghị lực mới gạt bỏ được những tiếng thị phi, bất chấp mọi đố kị, xem thường mọi khen chê.
Nhận định như thế, chúng ta thấy rằng nhà thơ chẳng e dè gì nữa mà không dùng ngôi thứ nhất (chỉ chính mình) như một nhân vật, để cười đùa. Ta nói rằng đây cũng là một phương thức hiện tthực, hiện thực trong chiều hướng phản tỉnh, nó dễ dàng tố cáo cũng như vạch trần những cái xấu, cái rỡm của cuộc đời.
Và, ta cũng nên nhớ rằng hiện thực không phải là thú thực, khai thực và nghệ thuật cũng không phải là nói thẳng, có sao nói vậy và nếu hiểu hiện thực là nói thẳng, có sao nói vậy, thì không bao giờ văn chương có thể là văn chương thiện thực. Bởi lẽ ngôn ngữ văn chương là ngôn ngữ ám chỉ, ngôn ngữ gián tiếp.
Do đó, ta thấy rằng Tú Xương phải có một niềm tin vững chắc ở những giá trị mà mình tôn thờ. Từ đó, ông có thể múa bút tứ tung, miễn sao những gì ông viết ra, nó phục vụ đắc lực cho chủ đích tố cáo những tệ trạng của xã hội ông đang sống mà thôi. Tú Xương đã sống một cuộc đời, tuy không quang vinh, không dọc ngang vùng vẫy, nhưng thật đẹp. Sở dĩ ông chỉ tri mà không hành, đúng ra Tú Xương đã hành theo cách thế của một nhà thơ văn, vì sức ông chỉ có chừng ấy hay nói khác đi bản tính cũng như sự chọn lựa của ông đã khiến ông không phải là một mẫu người hành động hiểu như là một kẻ trực tiếp tác động nhằm cải tạo cuộc đời.
Tuy nhiên, nhà thơ đã sống thật với những gì mình nghĩ, một điều đáng nói là Tú Xương đã có một ý thức về tha nhân, vượt lên trên cái nhận thức ấu trĩ, chỉ biết có mình, vị kỉ và tự mãn. Nhà thơ của chúng ta không thể sung sướng, không thể vui được khi con người còn khổ đau, dân tộc còn bị chà đạp, rẻ khinh.
Thật vậy, có gì đáng vui, có gì đáng hãnh diện khi ngoại bang, kẻ đô hộ, xem dân mình như trâu ngựa và bất công áp bức còn dẫy đầy:
Người đói ta đây cũng chẳng no,
Cha thằng nào có tiếc không cho
Họ đầy đọa mãi dân cày cuốc, (Gặp người ăn xin)
Nhà thơ đã có một ý thức cao độ về sự liên đới, nếu không như lời nguyện của Phật Di Lặc rằng ngài chỉ thành Phật khi cả thảy chúng sinh thành Phật, nhà thơ Vị Xuyên cũng chỉ vui buồn với dân nước, cùng với bao con người quanh ông mà thôi.
Do đó, Tú Xương đã bất chấp cả tù tội, cái chết có thể đến mình một cách dễ dàng, ông đã can đảm giấu giếm các nhà cách mạng như Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ trong nhà mình. Ta thấy rằng hai người, Phan Bội Châu và Tú Xương, đã chia sẻ công việc với nhau: một đàng dùng mưu trí, vũ lực để thu hồi chủ quyền, độc lập; một đàng dùng văn thơ để chỉnh đốn lòng người (dĩ nhiên Phan Bội Châu cũng dùng thơ văn để cổ vũ, động viên, khích lệ lòng yêu nước và ý chí quật khởi). Nhà thơ Vị Xuyên đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, hăng hái trong việc tố cáo, phê phán xã hội, lột trần mọi hình thức ngụy trang của nó.
Dù sao đi nữa, dù kịch liệt chỉ trích, cực lực phê phán, nhà thơ cũng thâm cảm và nhận thấy rằng tất cả đều đáng thương. Kẻ thù thực dân dù có tàn ác, đè nén bóc lột đến đâu thì cũng chỉ vì họ chưa có một ý thức bình đẳng, chưa có một ý thức về tha nhân, họ còn ở trong một trình độ nhận thức con nít, thấp kém chỉ biết ta mà chưa biết người. Đấy hẳn không hoàn toàn là lỗi ở họ, mà lỗi ở chế độ thực dân và phong kiến đã bưng bít, che đậy không cho người ta thấy đâu là sự bình đẳng giữa người với người. Bởi thế, nhà thơ đã tỏ ra quảng đại, không chấp nhất:
Những là thương cả (12) cho đời bạc,
Nào có căm đâu đến kẻ thù. (Hỏi mình)
Vì thành khẩn khi nhìn vào chính bản thân mình và nhờ có một tâm hồn phóng khoáng, không chấp nê, Tú Xương đã tự tạo cho mình một luật sống, một cách thế xử kỉ tiếp vật và cũng nhờ đó nhà thơ có một ý thức rõ rệt về bản thân cũng như thấy được bổn phận và trách nhiệm của mình đối với gia đình, xã hội, quê hương, đất nước.
3. Tú Xương, một người phản tỉnh
Luật lệ chỉ có ý nghĩa khi nó là luật lệ mà chính cá nhân ý thức và chấp nhận. Thế nên kỉ luật tự giác là kỉ luật lí tưởng nhất.
Hẳn chúng ta phải công nhận rằng Tú Xương có một lương tri vững vàng và một điểm linh quang chói sáng, nó khiến ông biết ... nhiều quá: biết về mình và biết về người, biết rõ hoàn cảnh riêng tư của ông cũng như hoàn cảnh của quốc gia, dân tộc.
Dòng máu nho gia đạo lí tiềm tàng trong ông và sự cảm nhận bén nhạy của một tâm hồn nghệ sĩ đã tạo cho ông một cốt cách, một thái độ đáng cho ta suy ngẫm. Mặc dù ông đã không tích cực góp sức vào việc thúc đẩy bánh xe lịch sử, nhưng mỗi người một việc, ta đã không thể luận hơn thua giữa con ngựa kí, ngựa kì với một con kiến, thì ta cũng phải nhìn nhà thơ Vị Xuyên với những đóng góp riêng của ông. Phần thi ca hiện thực phê phán của Tú Xương có một giá trị nhân bản, một giá trị cải tạo không phải là nhỏ.
Vậy thì cái gì đã giữ Tú Xương lại, khiến ông không cộng tác với thực dân và tay sai trong khi cơ hội đã có (người ta chịu giúp ông) và cái gì khiến ông yêu mến cách mạng, kính trọng những con người tranh đấu cho độc lập, tự do của dân tộc? Phải chăng đấy là cái lương tri của một con người chưa bị đánh mất và cái ý thức về nhân phẩm, về giá trị làm người chưa hề bị khuất lấp trong ông. Như thế, luật sống của nhà thơ là luật người đối với người trên tiêu chuẩn bình đẳng và trách nhiệm. Đối với bản thân, Tú Xương thường xuyên tự vấn:
Trải mấy mươi năm vẫn thế ru?
Rằng khôn? Rằng dại? Lại rằng ngu? (Hỏi mình)
Rồi ông suy luận, tra hỏi thế nào là dại, thế nào là khôn:
Thế sự đua nhau nói dại khôn,
Biết ai là dại, biết ai khôn ?
Khôn nghề cờ bạc là khôn dại,
Dại chốn văn chương ấy dại khôn
Mấy kẻ nên khôn đều có dại,
Làm người có dại mới nên khôn.
Cái khôn ai cũng khôn là thế,
Mới biết trần ai kẻ dại khôn. (Dại khôn)
và ông “tự đắc”:
Ta nghĩ như ta có dại gì.
Ai chơi, chơi với, chẳng cần chi. (Tự đắc)
Rõ ràng Tú Xương là một con người có óc độc lập, biết phán xét và biết tự chủ. Ông có nô lệ chăng là “nô lệ” người vợ đảm đang hết lòng vì chồng vì con mà nhà văn Trần Thanh Mại gọi là “một vị thiên thần” ấy thôi.
Thật vậy, nhà thơ đã sống bám vào bà Tú để có thể đứng thẳng ở giữa cuộc đời, để có thể mai mỉa những kí, những thông … mà bao người ao ước. Sự thật này nhà thơ đã nhìn nhận một cách thẳng thắn:
Tiền bạc phó cho con mụ kiếm, (Tự hỏi mình)
Hỏi ra quan ấy ăn lương vợ, (Quan tại gia)
No ấm chưa qua vòng mẹ đĩ (Hỏi mình)
Biết thế, nhà thơ cảm thương vợ vô cùng, nhưng lối thoát thì không có, mọi việc đều do thực dân lèo lái, ông không thể làm kẻ thừa hành để phản dân, hại nước. Tuy vậy, ông vẫn phải lo thi cử. Đây là một điểm trông có vẻ mâu thuẫn đối với ông. Nhưng ta có thể thấy rằng chẳng qua ông chỉ muốn làm vui lòng người vợ đã quá khổ cực vì ông:
Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi (nơi) quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông. (Thương vợ)
và nhất là đối với tấm chân tình của bà, khi ông ốm đau, bà đã không ngớt nguyện cầu:
Chỉ bền một nén tâm hương nguyện, (Đang ốm nghe vợ khấn)
Vì thế, Tú Xương thấy mình có lỗi với vợ, thấy mình như là đồ bỏ đi, vô tích sự:
Bác này mới thật thái vô tích:
Sáng vác ô đi tối vác về! (Vô tích)
Nghĩ vậy, có lúc ông tự trách mình:
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không! (Thương vợ)
Để bù đắp lại những khổ nhọc của vợ, nhà thơ lại đi thi. Nhưng chưa biết là khi đỗ đạt ông sẽ làm gì với mảnh bằng đó. Dù sao, ta cũng không thể nói một cách vô căn cứ, hàm hồ, rằng ông cố sao cho đỗ đạt cốt chỉ để vinh thân phì gia như bao con người khác.
Liệu một người yêu mến cách mạng, kính trọng các nhà chí sĩ tranh đấu cho độc lập, tự do của dân nước, có thể nào can tâm làm tay sai cho ngoại bang chăng? Có một điều chắc chắn và gần gũi nhất là nhà thơ muốn làm vui lòng vợ cũng như cha mẹ, họ hàng:
Anh lăm le bia đá bảng vàng cho vang mặt vợ, (Văn tế sống vợ)
Mở mặt quyết cho vua chúa biết
Đua danh kẻo nữa mẹ cha già. (Than thân chưa đạt)
Điều này cho ta thấy rằng tình nghĩa của ông đối với gia đình thật gắn bó. Tú Xương bao giờ cũng chỉ có thể vui khi mọi người khác cùng vui, nhất là những người thân yêu. Thành công trong việc thi cử, nếu có đối với ông thật chẳng nghĩa lí gì khi không có sự san sẻ của cha mẹ, vợ con. Và biết đâu khi đã đỗ đạt, có được cái thế ăn nói, ông lại không giúp ích cho đời nhiều hơn. Các ông Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, … cũng phải lo thi cử để có thể vận động dân chúng, để có thể nói cho dân chúng tin. Làm sao có thể lơ là với khoa bảng khi nó như là một tín hiệu đối với tất cả mọi người. Hơn nữa, Tú Xương cũng đã hiểu rõ bước đi của thế hệ mình:
Đạo học ngày nay đã chán rồi, (Than đạo học)
Nào có ra gì cái chữ nho,
Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co. (Chữ nho)
Xem thế, ta không thể kết luận rằng thi cử là cứu cánh cuối cùng của Tú Xương và nhất là ta không thể nói một cách hàm hồ là ông gắng gỏi cho đỗ đạt cốt để vinh thân phì gia mà chẳng qua Tú Xương đi thi vì không biết làm gì khác hơn thôi.
Nhưng dù sao, ta cũng phải công nhận rằng nhà thơ chẳng tìm ra lối thoát để giải quyết những vấn đề của chính mình. Với sự thành khẩn, với cái tri thức liêm khiết, Tú Xương đã dám nhìn thẳng vào thực trạng của đời ông và ông đã ý thức được tất cả những khiếm khuyết, sai hỏng của cuộc đời đó, nhưng cũng chỉ chừng ấy mà thôi. Thành ra đó là sự trở ngại và là sự mâu thuẫn lớn khiến cho nhà thơ khổ tâm không ít. Ta có thể nói Tú Xương là nạn nhân của một tri thức. Ông đã phóng tầm hiểu biết của mình đi quá xa trong khi năng lực và thực tế vẫn cầm chân ông một chỗ.
Về sinh kế, nhà nho nghèo vẫn còn giữ quan niệm cổ hủ, trọng văn khinh nghiệp, nghĩa là coi kiến thức và kinh sử thánh hiền là quí còn các sinh hoạt khác thì không xứng đáng, coi mưu sinh không phải là trí thức. Thế nên, cho đến ngày từ giã cuộc đời, nhà thơ vẫn lang thang, đói khổ, nhờ vã vào người bạn đường tận tụy hết mình cho chồng con.
Một đôi khi phẫn chí, nhà thơ có ý nghĩ:
Muốn bỏ văn chương học võ biền (Thói đời)
Chẳng kí không thông cũng cậu bồi (Than nghèo)
Nhưng chẳng qua đó chỉ là một lời mai mỉa thâm trầm, làm sao ông có thể “bỏ văn chương học võ biền” để làm một tên khố đỏ, khố xanh hà hiếp dân chúng hay làm một tên tay sai cho phường cướp nước khi nhà thơ đã chẳng vì đống tiền mà bán rẻ lương tâm:
Tiền dẫu hết, hết rồi lại có,
Chữ bất nhân tạc đó không mòn,
Ai ôi giữ lấy lòng son!. (Đồng tiền)
Cũng có khi nhà thơ tìm cách thoát li thực tại:
Gần chùa gần cảnh ta tu quách,
Cửa Phật quanh năm vẫn áo sòng. (Mùa nực mặc áo bông)
Và đây cũng chỉ là ý nghĩ thoáng qua, một sự thoát li có tính chất bốc đồng mà thôi. Nó chỉ phản ánh le lói sự chống đối của con người bị khép chặt trong một hoàn cảnh.
Nếu muốn tìm một bài học cho bản thân thì đối với Tú Xương, chúng ta chẳng có gì đáng học hỏi. Nhà thơ Vị Xuyên đã không cách mạng được cuộc đời ông, quanh đi quẩn lại ông vẫn ở trong một sự bế tắc, không lối thoát, thế tung hoành ông đã chẳng tìm ra hay cùng lắm một sinh hoạt nào đó để giúp vợ con nâng cao mức sống gia đình, ông cũng không đương nỗi.
Một điểm mà người ta có thể khen phục ông, và cũng để đánh giá con người ông là nhà thơ họ Trần có một tâm hồn phản tỉnh: ông đã tự nhận diện, tự phê phán, tự lột trần bằng tất cả tự tín. Ông đã không ngụy tín, đã không dối lừa mình cũng như không phĩnh phờ người khác. Đấy chính là cái liêm khiết đáng cho ta suy ngẫm.
Phải chăng cái bản chất con người ông, hoàn cảnh của bản thân và xã hội không cho phép ông xông xáo với đời, tranh đấu vẫy vùng một cách quyết liệt. Nhưng dù sao ta cũng có thể cảm thông với Tú Xương một con người thành khẩn và phản tỉnh, đã biết nhìn nhận tất cả những khuyết điểm của mình. Lời bày tỏ của nhà thơ vì thế mang tính chất của một tâm sự. Tâm sự luôn luôn là tiếng nói xuất phát từ chỗ trũng sâu nhất của lòng người, là tiếng nói trung thực nhất của tâm tư. Nhưng tâm sự chỉ nhằm nói lên, bày tỏ, không dễ dàng dẫn tới hành động.
Trong một đêm khuya vắng lặng, lúc cõi tâm linh nhà thơ lắng đọng, trong ngần, nhà thơ đã thầm hỏi:
Tình này ai tỏ cho ta nhỉ!
Tâm sự năm canh một ngọn đèn? (Dạ hoài)
Thật chẳng còn gì thiết tha và cảm động hơn vì đấy là sự thật.
Vả lại, sự đóng góp giá trị của Tú Xương là chính ở phần thi ca hiện thực, phê phán, có tác dụng cải tạo xã hội, chỉnh đốn nhân tâm, thế đạo không phải là không quan trọng như sẽ được tìm hiểu sau đây.
II. TÚ XƯƠNG TRƯỚC CUỘC ĐỜI
Tú Xương là một nhà thơ. Điều đó hẳn chúng ta đã công nhận vì ông đã viết nên những bài thơ thật, những bài thơ có sức rung động lòng người. Nhưng trước hết, Tú Xương là một con người và là một con người thì phải sống giữa cuộc đời và sống với con người. Hẳn nhiên, một người đã tuyệt đối dứt bỏ mọi liên hệ với người thì sẽ không còn là người nữa và thiết tưởng con người đó cũng không đáng để cho ta phải nhọc công bàn đến.
Đằng này, nhà thơ của chúng ta, Tú Xương, đã sống một cuộc đời thật gắn bó và thiết thân với người cũng như với quê hương đất nước. Mối liên hệ đó ở nhà thơ Vị Xuyên, ta thấy chẳng khác mối liên hệ môi - răng. Xã hội, cuộc đời trước mắt Tú Xương đã không phải là cái gì bàng quan, xa cách. Trái lại, nhà thơ đã gắn chặt đời mình vào đó. Mọi đổi thay, diễn biến, mọi hình ảnh, âm thanh, sắc màu, ... của cuộc đời đó đều có tác động vào tâm tư nhà thơ.
Điều này đưa đến một câu hỏi: “Nhà văn có thể nào thoát li khỏi xã hội mình đang sống để thực hiện tác phẩm của mình một cách vô thưởng vô phạt, nhất là có thể nào làm ngơ trước những ưu tư của thời đại, trước những rên xiết, khổ đau của tha nhân chăng? (13). Trả lời câu hỏi này tức là trả lời cho câu hỏi đâu là sứ mệnh nhà văn.
.
Những người có công với quê hương dân tộc, có công với nhân loại, được chúng ta ngưỡng mộ, tôn sùng. Các vị cứu tinh như Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Huệ … đời đời được dân tộc nhớ ơn, các tác giả « Đoạn trường tân thanh », « Chinh phụ ngâm », … đời đời được chúng ta yêu mến. Vì sao? Vì việc làm, công trình, tác phẩm của các vị ấy thấm đượm tình dân tộc, tình nhân loại.
Nhà văn, nếu muốn được đón nhận cái vình dự đó, không thể nào lìa xa con người để thu mình sống một cuộc đời vị kỉ. Tác phẩm của họ sẽ không được đồng loại đón nhận nếu nó không nhằm làm đẹp cho cuộc đời.
Tú Xương sống giữa một xã hội hỗn loạn, đất nước trong tay người ngoài, dân tộc lầm than, khốn khổ. Trước cảnh đó, nhà thơ Vị Xuyên đã dùng vũ khí của mình, ngòi bút, để bắn, đánh vào những điều phi nhân, những khổ ải bất công, những đồi trụy … Nói chung là những cái xấu, cái rỡm của xã hội nhằm tố cáo, vạch trần trước lương tâm và lương tri con người, để kêu đòi một sự cải tạo, chỉnh đốn. Trên cương vị một nhà văn, nhà thơ, đây là một thái độ dấn thân tích cực. Vì người cầm bút không phải bao giờ cũng có thể bày tỏ những chống đối của mình.
Nhà thơ của chúng ta, Tú Xương, đã chấp nhận mọi đe dọa, thử thách cũng như nguy hiểm đến bản thân ông để có thể nói lên, tố cáo cái xấu và kêu đòi cái tốt đẹp cho cuộc đời, cho quê hương, đồng bào của ông.
Ta có thể tìm hiểu một vài sắc thái, đặc tính căn bản trong thái độ đối kháng, tố cáo của nhà thơ. Thiết tưởng khi tìm hiểu như thế, chúng ta sẽ có thể nhận xét đúng đắn hơn về giá trị phần thi ca hiện thực phê phán của Tú Xương.
1. Tú Xương, một người thẳng thắn
Trước một thực tế phũ phàng, không phải ai cũng có thể nhìn thẳng vào nó để hiểu rõ nó, hiểu đúng nó và rồi tìm phương cải thiện hay kêu đòi cải thiện. Bởi lẽ sự phũ phàng, cái gì đã là “chướng tai gai mắt” thì nó chẳng còn an ủi và khích lệ, nhất là khi niềm tin vi chính không còn sống mạnh trong tâm tư con người. Không phải bao giờ, con người nói chung, nhà thơ, nhà văn nói riêng, cũng có thể nói thẳng, nói thật. Trái lại người ta dễ có thái độ ngụy tín để có thể tự hóa giải với lương tâm của mình, nhất là khi việc bày tỏ ngay thật đó sẽ đem đến cho mình một đe dọa, một hiểm nguy.
Sở dĩ nhà thơ Vị Xuyên có thể hình thành được những bài thơ hiện thực sống động, có khả năng tố cáo mạnh mẽ vì ông đã xem xã hội, cuộc đời như một sân khấu. Nhà thơ đã đến với cuộc đời như là người đi xem diễn tuồng ở hí trường, thành ra ông có cái nhìn khách quan và bao quát như trong một bài thơ tứ tuyệt ông viết:
Nào có ra chi cái lũ tuồng
Cũng hò, cũng hét, cũng y uông.
Dẫu rằng dối được đàn con trẻ,
Cái mặt bôi vôi nghĩ cũng buồn. (Hát tuồng)
Thật vậy, xã hội Việt Nam nói chung, Nam Định nói riêng thời Tú Xương, là một xã hội hỗn loạn. Chủ nghĩa thực dân là một hình thái xấu xa mặc dù nó đã cố gắng tự biện chính hoặc ẩn nấp dưới những chiêu bài nọ kia. Nó đã làm hư hỏng con người có khi đến vong thân mất gốc để nó dễ thao túng, trục lợi. Lại nữa, vua quan Việt Nam lúc bấy giờ chỉ còn là một cái bung xung, hữu danh vô thực, bất lực và đầy dẫy những tệ trạng, … Thử hỏi xã hội đó có khác gì một nơi diễn tuồng?
Nhưng không phải Tú Xương chỉ nói một cách xa xôi, bóng gió như thế. Trái lại, ông đã vạch trần chỉ trỏ một cách thẳng thắn, cụ thể và nhiều khi thật chi tiết nữa là khác.
Có ai yêu mến quê hương thắm thiết như Tú Xương, con sông Vị Hoàng bị lấp vì hiện tượng đoạt giang, nhà thơ đã đau lòng không ít cho sự đổi thay đó. Đêm đêm ông vẫn hằng thao thức, nghĩ tưởng về dòng sông ấy:
Sông kia rày đã nên đồng,
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai.
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai,
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò. (Sông lấp)
Thế mà nhà thơ vẫn không thể dấu che những sự thật đã xảy ra trên quê hương yêu dấu của ông. Chắc hẳn ông phải đau lòng lắm khi “vạch áo cho người xem lưng”, chỉ cho người ta thấy những điều bất như ý, những xấu xa, những tệ hại nơi chôn nhau cắt rốn của mình:
Có đất nào như đất ấy không ?
Phố phường tiếp giáp với bờ sông
Nhà kia lỗi phép, con khinh bố,
Mụ nọ chanh chua, vợ chưởi chồng.
Keo cú người đâu như cứt sắt,
Tham lam chuyện thở những hơi đồng.
Bắc Nam hỏi khắp người bao tỉnh,
Có đất nào như đất ấy không ? (Đất Vị Hoàng)
Câu thơ được lặp lại theo phép “thủ vĩ ngâm” ở đây (có đất nào như đất ấy không) không phải vì nhà thơ thiếu chữ mà đây là tiếng kêu than tức tối của một người đã hết tình với quê hương. Lời tố cáo của ông, do đó, không phải là một lời tố cáo suông, nó còn là một sự kêu đòi, một sự mong mỏi và đợi chờ … Bởi lẽ người ta chỉ lo âu, băn khoăn đến một cái gì đó khi người ta đã đặt một tin tưởng, một kì vọng, một mong ước nào đó ở nó.
Dẫu vậy, Tú Xương vẫn phải nói ra những sự thật, những sự thật không tốt đẹp gì nơi quê hương của ông, hẳn đây là một bổn phận, một sự thẳng thắn khổ đau của thi sĩ.
Hơn thế nữa, Tú Xương có khi chẳng ngần ngại, úp mở, nói thẳng ra sự thật một cách trắng trợn với những tên họ rõ ràng:
Ở phố hàng Song thật lắm quan!
Thành thì đen kịt, Đốc thì lang.
Chồng chung vợ chạ kìa cô Bố,
Đậu lạy quan xin nọ chú Hàn. (Phố hàng Song)
Thật vậy, mỗi dịp cuối năm là cơ hội cho những kẻ giàu có bỏ tiền ra mua địa vị, chức trước cho dù mình có bất tài vô tướng. Đây là một lề thói đã trở thành tập quán trong các thời vua chúa hư hỏng ngày trước. Và cho đến ngày nay, giữa xã hội chúng ta cũng chưa hẳn đã gột sạch. Câu thơ của Tú Xương chắc rằng sẽ trở nên bất hủ cho đến khi nào xã hội vẫn còn có những bất công, tham nhũng, …:
Nó lại chúc nhau cái sự sang,
Đứa thì mua tước, đứa mua quan. (Năm mới chúc nhau, bài II)
Nhà thơ Vị Xuyên, về phương diện mô tả, tố cáo cái xấu, cái rỡm của xã hội, phải được nhìn nhận là hơn hẳn nhà thơ Yên Đỗ (Nguyễn Khuyến) vì Tú Xương đã dám vạch mặt, chỉ tên từng nhân vật, từng mẫu người một cách không sợ sệt, thẳng thắn, chẳng hạn: một ông huyện dốt nát mà làm chủ khảo một trường thi, một ông đốc học chỉ có tài ăn chơi, ông huấn đạo kiêu kì, ông tiến sĩ học dở mà thi đậu, ông tri phủ Xuân Trường hay ăn hối lộ, ông ấm xấu tướng mà phong lưu … ông sư mà vẫn phạm tội bị tù như kẻ bất lương, ông cò đất Hà Nam quá khe khắc đã bị nhà thơ chưởi khéo, cho ăn đồ dơ và còn nhiều hạng bình dân hư hỏng, tham lam, kiết cú khác trong rất nhiều bài thơ.
Ta phải công nhận rằng Tú Xương quả đã gan lắm mới có thể thẳng thắn tố cáo những kẻ có thế lực, quyền hành. Phải chăng nhà thơ đã có một đức tin. Ông tin tưởng mãnh liệt vào công lí, vào một lẽ phải mà ông đã nhìn thấy. Sở dĩ ông đã dám bất chấp mọi hiểm nguy có thể đến với mình vì lương tâm và lương tri của ông không cho phép ông dửng dưng, mặc kệ với những khổ đau, những bất công của xã hội. Nhà thơ thấy đó như là một trách nhiệm bó buộc ông phải nhận lãnh: tố cáo những tệ trạng của xã hội và kêu đòi cải thiện. Giá trị làm người của Tú Xương khởi đi từ sự thẳng thắn của ông đối với cuộc đời vì không dễ gì “thẳng” giữa một xã hội không còn đâu là công lí, không còn đâu là lẽ phải. Nếu không là phi thường thì ít ra Tú Xương cũng là một con người khác thường.
Ta thấy rằng Tú Xương làm thơ không phải để tiêu khiển, chạy trốn thực tại, xa lánh cuộc đời, trái lại, ông làm thơ để sống với cuộc đời, sống cho cuộc đời. Thơ văn của ông là những nhát dao chém vào bao thói hư, tật xấu của con người. Tú Xương là một thi sĩ, hẳn nhiên. Nhưng hơn thế, ông còn là một chiến sĩ chiến đấu cho một lí tưởng. Thái độ thẳng thắn của nhà thơ Vị Xuyên còn là một điều liêm sỉ, bởi lẽ ông đã dám chấp nhận sự thù ghét, nếu có, của những hạng người mà ông tố cáo chỉ trích. Ông đã không lừa mị họ bằng những lời ve vuốt, tán tụng.
Tuy nhiên, ta thấy rằng Tú Xương không phải là người làm đạo đức dạy đời, cũng không xướng ngôn cho một chủ thuyết mô phạm, ông chỉ thấy bất bình mà nói lên thôi.
Trong một thời buổi có nhiều giao động mạnh giữa mới và cũ, bao nhiêu nền nếp kỉ cương được áp dụng từ xưa bỗng lung lay nghiêng ngả, bao nhiêu thị hiếu người đời chỉ đổ xô đi tìm vật dục, thì hẳn nhiên phải có nhiều điều trái tai, gai mắt, nhiều xấu xa hơn tốt đẹp khiến cho bất cứ ai còn có chút lương tri đều phải thấy bất bình. Và nhà thơ Vị Xuyên đã chưa đánh mất phần lương tri đó nên ông đã mạnh dạng tố cáo, lên án tất cả những gì mà qua cái lương tri ấy ông thấy không thể nào chấp nhận được.
Thật vậy, nhiều khi sự thẳng thắn của Tú Xương là một bộc phát tự nhiên, nó như là một phản ứng lí hóa vậy. Nhận xét như thế, ta sẽ thấy được thực chất của nhà thơ Vị Xuyên: tâm hồn ông quả là trong trắng và vô tư. Tú Xương tố cáo những thói hư tật xấu của người đời không vì một ác ý nào cả, có lẽ vì thế mà người ta sẽ lặng yên nhận chịu và để cho ông chỉ trích, vì họ thấy rằng ông xứng đáng làm việc đó. Và có lẽ họ còn kính phục ông nữa là đằng khác. Chẳng hạn một người ngây thơ, không biết vợ mình dan díu với kẻ khác, bực lòng quá, nhà thơ đã phải kêu hắn ra mà nói:
Thọ ơi mầy có biết hay chăng?
Con vợ mầy kia xiết nói năng!
Vợ đẹp, của người không giữ được,
Chồng ngu mượn đứa để chơi nhăng. (Để vợ chơi nhăng)
Hay một tên công tử nghênh ngang, ra điều sang trọng lắm, hắn ta có ngờ đâu là làm thế chỉ tổ cho người ta cười chê vì mẹ nó chẳng tốt đẹp gì. Không cầm lòng được, ông phải kêu nó mà nhắn nhủ:
Thôi đừng điếu tráp nghênh ngang nữa,
Thằng tiểu Phù Long nó chưởi mầy (14). (Thằng tiểu Phù
Long).
Còn gì bộc trực, thẳng thắn hơn, nhưng không phải Tú Xương chỉ thẳng thắn đối với những hạng bình dân mà ngay cả đối với những viên chức, những ông cử, ông hàn cũng bị đả kích một cách không kiêng dè:
Sơ khảo khoa nầy bác cử Nhu,
Thực là vừa dốt lại vừa ngu.
Văn chương nào phải là đơn thuốc,
Chớ có khuyên xằng chết bỏ bu. (Ông cử Nhu)
Sống thẳng là sống nguy hiểm nhưng là sống đẹp, chỉ có những loài đại thụ mới dám vươn mình lên sống thẳng và mới dám đón nhận bão táp từ bốn phương. Tú Xương đã không uốn cong ngòi bút của mình để xu phụ theo các thế lực, hầu mong vinh thân phì gia. Trái lại, nhà thơ đã thẳng thắn nói ra sự thực, tố cáo một cách mạnh mẽ những bất công, thối nát, những hư hỏng, xấu xa của xã hội mình. Ông đã sống, nếu không trọn vẹn thì cũng đã đạt đến một cao độ, theo tôn chỉ của một nho gia: “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất (giàu sang không ham hố, nghèo khó không đổi thay, uy vũ không khuất phục)”. Phải chăng nhà thơ Vị Xuyên đã luôn nhìn lên vùng ánh sáng, những hình ảnh cao đẹp của đạo lí, của truyền thống dân tộc và xem đó như là những lí tưởng dẫn đạo cho một cuộc đời đáng sống.
2. Tú Xương, một người trung thực
Chúng ta hẳn đã biết rằng một nhà thơ hiện thực không phải là người sao chép thực tại một cách máy móc. Làm như thế chắc chắn là họ sẽ phản bội thực tại hay nói cách khác đi họ sẽ « hiện thực » một cách lệch lạc, sai lầm. Bởi lẽ cái thực chất, cái bản chất không phải bao giờ cũng sẵn sàng phơi bày ra trước mắt.
Xã hội thời Tú Xương là một xã hội hỗn tạp, vàng thau lẫn lộn. Ngay chính chế độ thực dân là cái lò sản xuất những bình phong, những chiêu bài để che đậy, ngụy trang (15). Và trong buổi giao thời đó thì khó mà phân biệt người hiền, kẻ ngu, người chân, kẻ ngụy, … vì có biết bao nhiêu người “đục nước béo cò” hay “thừa nước đục thả câu”. Nhà văn phải có một cặp mắt tinh đời mới hi vọng nhìn thấu suốt được, qua cái lớp vỏ hào nhoáng, lịch sự, hiền lành, … tốt đẹp đó, một thực chất không tốt đẹp gì. Bởi thế cho nên một nhà văn, muốn hiện thực một cách sâu sắc và trung thực, phải chọc thủng mọi bình phong, mọi mặt nạ, loại bỏ mọi hình thức đánh lừa. Có như thế, nhà văn ấy mới làm công việc tố cáo một cách đúng mức, nghĩa là có trung thực hay không.
Trước hết, đối với việc thi cử, được tổ chức tưng bừng nhất là khoa Đinh dậu (1897), Toàn quyền Paul Doumer vừa qua nhận chức, ông ta muốn biểu dương một khí thế như là để trấn áp bao người còn ôm ấp mộng của Kì Đồng - Nguyễn Văn Cẩm trong mưu đồ khởi nghĩa. Quan cảnh học trò thi với lều chiếu đã được nhà thơ Vị Xuyên phát họa rất sắc nét. Có thể là sĩ tử ăn mặc tề chỉnh (ít ra là tề chỉnh theo thời gian tính của nó), gọn gàng nghĩa là không “lôi thôi” và quan trường thì hô hét ầm ĩ đến khủng khiếp chứ không “ậm ọe”, nhưng nhà thơ đã dùng những từ ngữ đó để diễn tả họ, bởi lẽ Tú Xương đã thấy rõ một sự bế tắc, một sự quờ quạng, cùng đường của họ. Thi cử có rầm rộ cho lắm rồi cũng chẳng đi đến đâu, nước mất và dân tộc vẫn phải chịu cảnh nô lệ:
Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,
Ậm ọe quan trường miệng thét loa. (Lễ xướng danh khoa Đinh dậu, 1897).
Thực thế, biểu tượng của sự nô lệ là đây:
Long cằm rợp trời quan sứ đến,
Váy lê quét đất mụ đầm ra. (Lễ xướng danh khoa Đinh dậu, 1897).
Trong một bài thơ khác, hình ảnh lại càng sống động hơn, sự kiện lại càng chua chát hơn. Nhà thơ Vị Xuyên đã mô tả một cảnh tượng mà mới nhìn qua ta thấy không khỏi phì cười, nhưng sau đó ta sẽ thấy chẳng còn gì thấm thía, xót xa, bi đát hơn nữa:
Một đàn thằng hỏng đứng mà trông,
Nó đỗ khoa này nó sướng không?
Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt,
Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng. (Giễu người thi đỗ)
Thực chất ở đây là những kẻ đỗ đạt đó tưởng là vinh dự lắm, tưởng họ sẽ giúp dân, giúp nước, ai ngờ họ, với áo mũ cân đai, thập thò dưới sân trong khi thê thiếp của các quan lại thực dân ở trên ghế cao và … không thèm quay mặt về phía họ, nghĩa là không có một tương giao nhân vị nào cả.
Trung thực mà người viết muốn nói ở đây là lột tả được thực chất, bản chất của sự kiện, nghĩa là trước hết nhà văn phải ý thức được nội dung ẩn tàng của vấn đề cũng như cứu cánh của nó để truyền đạt lại cho người đọc. Và Tú Xương đã ý thức được bước đi của hàng sĩ tử đỗ đạt kia nên ông đã nhủ với họ rằng:
Câu văn đắc ý đừng nguây ngẩy,
Chén rượu mềm môi chớ gật gù. (Dặn học trò thi)
vì:
Nhân tài đất bắc nào ai đó?
Ngoảnh cổ mà trông lại nước nhà. (Lễ xướng danh khoa Đinh dậu, 1897).
và Phan Bội Châu, người mà Tú Xương vô cùng ngưỡng mộ, đã nói rõ hơn ý nghĩa trên:
Giang sơn đã mất, mình khôn sống,
Hiền thánh đâu còn, học cũng hoài.
(Giang sơn tử hĩ, sinh đồ nhuế,
Hiền thánh liêu nhiên, tụng diệc si) (16).
Ta thấy Tú Xương đã thành công vì trước hết ông không bóp méo sự thật, ông đã diễn tả quan cảnh trường thi vô cùng rộn rịp, tưng bừng. Nhưng ông còn đặt sự kiện vào hoàn cảnh quê hương, dân tộc trong chiều hướng đi tới của lịch sử. Do đó, ông đã phản ánh một cách trung thực những gì mà mà ông muốn diễn tả, bày tỏ với người đọc.
Riêng đối với các thói hư tật xấu, nhà thơ Vị Xuyên đã không ngần ngại vạch trần sự thật, nhưng trước hết ông ca tụng họ, đưa họ đến một giá trị như là họ tưởng, rồi nhà thơ mới đặt một câu hỏi xem tài ba, sự hữu ích của họ là đâu. Bấy giờ sự thật sẽ nổ tung, mọi manh giáp ngụy trang không còn sức dấu che nữa. Đấy là nói về các trò đồng bóng dị đoan mà trong đó ẩn dấu nhiều điều đồi phong bại tục: sự hư hỏng của các sư sãi chẳng hạn. Như đã nói, trước hết nhà thơ tỏ ra biểu đồng tình với họ:
Khen ai khéo vẽ sự lên đồng,
Một lúc lên ngay sáu bảy ông.
Sát quỉ ông dùng thanh kiếm gỗ,
Ra oai bà giắt cái khăn hồng.
Cô giương tay ấn tan tành núi,
Cậu chỉ ngọn cờ cạn rốc sông. (Lên đồng)
Nhưng rồi nhà thơ mới nhỏ nhẹ hỏi họ rằng:
Đồng giỏi sao đồng không giúp nước,
Hay là đồng sợ súng thần công? (Lên đồng)
Với câu hỏi đó, Tú Xương đã đánh thức những người đang mê, đã làm tỉnh trí những người đang mộng. Thì ra, họ chẳng có tài cán gì như họ tưởng, họ chỉ quay cuồng trong một trò mê muội hay tệ hại hơn là nhờ trò “ảo thuật” đó, các ả “gần gũi” được các sư :
Thấp thoáng bên đèn lên bóng cậu,
Thướt tha dưới án nguýt sư ông.
Chị em thủ thỉ đêm thanh vắng
Chẳng sướng gì hơn lúc thượng đồng (Ông sư và mấy ả lên đồng)
Tú Xương đã tỏ ra vô cùng trung thực khi ông diễn tả, cùng một lúc, hình thức và thực chất, song nhà thơ đã không dừng lại ở hình thức, ông đã vượt qua nó. Do đó, ông đã tố cáo trước công luận bằng cách chỉ cho người ta thấy cái thực chất. Giả sử nhà thơ chỉ mô tả cái hình thức thì ông đã vô tình phản lại tất cả và như thế hẳn ông đã không phản ánh được sự kiện một cách trung thực.
Một điểm đáng cho chúng ta chú ý là nhà thơ luôn luôn tỏ ra băn khoăn về việc giải phóng dân tộc, về việc cứu nước. Tú Xương bao giờ cũng như thấy có một câu hỏi ám ảnh mình không dứt, “Làm như thế, có cứu nước được không?”, khi ông nhìn vào mọi sinh hoạt của người khác. Điều này còn giúp ta khẳng định rằng Tú Xương không thể nào là một người ăn chơi truy lạc vì tâm hồn ông bao giờ cũng được chiếm ngự bởi những tư tưởng vì dân tộc, vì quê hương.
Mặt khác, không những nhà thơ Vị Xuyên chỉ diễn tả một cách trung thực những xấu xa hư hỏng của xã hội. Trái lại, còn trung thực với những gì tốt đẹp nữa. Trong một bài văn tế làm hộ cho bà Phạm Tuấn Phú tế chồng, nhà thơ đã tỏ ra ngưỡng mộ người quá cố vì quả thực ông Phạm là một nhà nho có tâm huyết, có cốt cách, đạo đức, ta hãy đọc một đoạn:
Con thơ vợ dại, sống càng thương mà chết lại càng thương.
Cửa vắng nhà thanh, nghĩ cũng khổ mà nói ra cũng khổ.
Cầu Trời cầu Phật, nào thiếu cầu đâu,
Tại thuốc tại thầy, hay là tại số.
Nhớ chàng xưa
Cháu giống con giòng
Người kim chất cổ.
...
Trừ ông cử, ông tú, ông đồ chi ngoại, phường ngựa xe, điếu tráp ít chơi
Lấy câu văn, câu thơ, câu phú làm vui, thú cờ bạc rượu chè chẳng mộ. (Văn tế làm hộ bà Phạm Tuấn Phú tế chồng).
Ta thấy rằng tâm hồn Tú Xương quả như một tấm gương, cái gì được chiếu rọi qua đó đều có một phản ánh rõ ràng, thực và giả lại được phần minh. Cái gì tốt đẹp sẽ có một phản ánh tốt đẹp, cái gì bề ngoài trông tốt đẹp mà bên trong xấu xa sẽ cũng có một phản ánh đúng như thế.
Qua phần trình bày giản đơn ở trên, chúng ta có thể rút ra một vài nhận xét. Trước hết, một nhà văn muốn hiện thực xã hội một cách sâu sắc và trung thực không phải anh ta chỉ “chụp ảnh” cái xã hội đó là đủ, nghĩa là nhà văn không phải chỉ cần liệt kê tất cả những gì đập vào giác quan của mình. Trái lại, nhà văn phải phân tích, xong rồi phải chọn lựa những khía cạnh đặc biệt, thiết yếu cần phải được hiện thực. Chính ở sự chọn lựa đó, chúng ta thấy được phần nào chủ trương và thái độ của nhà văn.
Hơn nữa, nhà văn còn gởi gắm những suy tư chín chắn của mình cũng như những nhận xét sắc bén riêng. Có như thế, nhà văn mới có thể cung hiến cho người đọc những dữ kiện để họ có thể thấy được những mặt trái, mặt sau của sự kiện và đấy chính là vấn đề then chốt đánh giá trình độ hiện thực, phê phán, tố cáo của một nhà văn.
Mặt khác, nhà văn dù khách quan đến đâu trong việc mô tả, nhà văn cũng vẫn là một con người, sống trong một hoàn cảnh, một xã hội, nhà văn cũng vẫn có những trách nhiệm đối với xã hội đó như mọi người khác.
Ở đây, nhà thơ Vị Xuyên không những chỉ phản ánh trung thực những sự kiện xã hội, ông còn kí thác vào thơ văn tâm sự và chí hướng của mình. Điều này có nghĩa là nhà thơ hiện thực không phải chỉ để hiện thực , mô tả một thói hư tật xấu không phải chỉ để mô tả mà thôi. Trái lại, nhà thơ đã bộc lộ một cách kín đáo chủ trương, quan niệm cũng như lí tưởng dẫn đạo của chính mình.
Tú Xương đã ý thức được trách nhiệm của chính ông trong khi cầm bút mô tả xã hội, vạch trần những tệ đoan, tố cáo những điều phi nhân, những giả trá, những lố lăng, mê muội của xã hội mà ông đang hiện diện trong đó.
Ta thấy rằng nhà thơ của chúng ta, Tú Xương, đã chẳng những trung thực với sự kiện được diễn tả, trung thực với thực chất của chúng, Tú Xương còn trung thực với chính mình, cũng như trung thực với những nguyện vọng, mong ước của con người nói chung và người Việt Nam nói riêng trong một giai đoạn đen tối của lịch sử dân tộc.
Qua hai đặc tính thẳng thắn và trung thực vừa được trình bày ở trên, Tú Xương xứng đáng được gọi là chứng nhân của một giai đoạn lịch sử Việt Nam thời thuộc Pháp.
3. Tú Xương, một chứng nhân
Không phải ai cũng có thể là một chứng nhân tốt cho một thời đại, một giai đoạn lịch sử nào đó. Bởi lẽ ngoài cái vốn kiến thức sâu rộng để có thể hiểu được các nguyên nhân xa gần của một sự kiện, kẻ đảm nhận vai trò này còn phải có một vài đức tính khác không kém thiết yếu.
Trước hết, chứng nhân phải là một người trung thực, phản ánh sự kiện một cách đúng đắn và phải là một người can đảm, dám nói lên sự thật một cách thẳng thắn.
Mặt khác, chứng nhân cũng cần phải có khả năng hiểu vấn đề, hiểu mặt trái, mặt sau của nó để có thể đưa ra những nhận xét xác đáng. Riêng đối với nhà văn, họ còn phải có khả năng sáng tạo và sử dụng ngôn ngữ sao cho thích hợp, diễn tả được trọn vẹn ý tưởng của mình, nói khác đi là làm sao có thể gởi đến người đọc tất cả những gì mà nhà văn muốn gởi đến họ.
Nhà văn không phải là một viên biện lý, nhà văn sử ngôn ngữ một cách gián tiếp. Ngôn ngữ đối với nhà văn như một chiếc cầu, nhà văn phải “bắc cầu” thế nào để cho người đọc có thể đi đến đích. Vì rằng sự thật nhiều khi bị giấu che, một vết bẩn tự nó là một kháng tố chống lại lòng yêu cái thanh khiết. Do đó, một nhà văn, muốn hiện thực để tố cáo những hư hỏng, xấu xa của xã hội, phải có một ý thức sâu sắc về cái tốt đẹp. Có như thế nhà văn mới vững tin ở việc mình làm và đấy chính là tiềm năng, nội lực mà nhà văn cần đến để có thể hoàn thành sứ mệnh của mình một cách tốt đẹp.
Chúng ta cần thấy rằng mọi hình thức ngụy trang, đơn giản cũng như tinh vi, phức tạp, đều là vũ khí của kẻ yếu.
Trước nhất, một người không đủ sức gìn giữ thỏi vàng mình có, người ấy phủ lại bằng đất, bằng vôi chẳng hạn. Đấy là trường hợp có chính nghĩa mà lại không có sức bảo vệ cái chính nghĩa của mình. Trường hợp “Mẹ Mốc” của nhà thơ Yên Đỗ (Nguyễn Khuyến), nàng đã tự che giấu nhan sắc để tránh bất trắc trong việc đi tìm chồng của nàng.
Nhưng không phải chỉ có những kẻ thế cô lực thiểu như vậy mới sử dụng “nghệ thuật” ngụy trang, mà cả đến những kẻ đứng ở thế mạnh, thế tấn công, thế chủ động cũng vẫn sử dụng đến “nghệ thuật” này. Đây là khi kẻ mạnh nói trên lại yếu kém về mặt lí luận, khi mà họ không có chính nghĩa, phản lại lương tâm và lương tri con người: trường hợp thực dân Pháp ở Việt Nam. Người Pháp mở trường học với khẩu hiệu phát triển văn hóa, nâng cao dân trí, họ hô hào việc học chữ quốc ngữ (chữ Việt ABC) nhưng thực chất là họ muốn tìm người cộng tác, chọn lựa tay sai đắc lực để khai thác “thực dân” mà thôi. Hoặc giả, người Pháp thiết lập bệnh viện với chiêu bài bảo vệ sinh mạng cho người dân, nhưng chủ đích sau cùng và chính yếu của họ là nhằm duy trì nhân công cho các hầm mỏ, đồn điền mà họ đang cần.
Xem thế, một chứng nhân lí tưởng phải là người biết phân tích vấn đề để có thể hiểu rõ những ẩn tàng sâu kín bên trong. Hiện thực không phải chỉ là phơi bày mà phải là phơi bày chân lí.
Bây giờ, chúng ta thử xét xem Tú Xương đã thực hiện sứ mệnh chứng nhân của ông tới một mức độ nào.
Chúng ta biết rằng một quốc gia thịnh suy phần lớn được quyết định bởi đường lối giáo dục của quốc gia đó, tổ chức giáo dục phải phù hợp với sự phát triển các tài năng mới để mọi người có thể đóng góp vào việc xây dựng thịnh vượng, tiến bộ chung. Việc học hành thi cử của ta lúc bấy giờ, thời Tú Xương, chẳng những không nhằm vào đường thực dụng, chỉ vụ từ chương với những thi, phú… mà còn có những luật tắc phi lí, những bất công ở chốn trường thi để rồi chẳng chọn được người hiền tài ra giúp dân, giúp nước. Trái lại, những kẻ bất tài vô tướng lại đỗ đạt. Có lẽ họ nhờ một phép phù nào đó (?). Nhà thơ của chúng ta, Tú Xương, thấy thế không những ngạc nhiên, ông còn sửng sốt kêu lên:
Cử nhân cậu ấm Kỉ!
Tú tài con đô Mĩ!
Thi thế mà cũng thi!
Ối khỉ ơi là khỉ! (Than sự thi)
Thử hỏi những người như thế khi họ nắm giữ các chức vụ điều hành, hướng dẫn, họ sẽ đưa dân tộc, đất nước đi về đâu. Phải chăng là đưa đến diệt vong. Nhưng dù sao Nho học cũng mang chứa trong lòng nó những tư tưởng đạo đức cao đẹp. Nhà Nho dù tỏ ra bất lực trước hoàn cảnh mới, vẫn giữ được cái khí tiết, cái cốt cách, cái liêm sỉ khiến họ không thể nào đi ngược lại nguyện vọng của quốc gia, dân tộc. Thực dân đã hiểu như thế, chúng đã cho cải đổi việc học, việc thi và giáo dục bây giờ chỉ tạo ra những tay sai đắc lực cho mưu đồ khai thác trục lợi của thực dân:
Đỗ đâu hết cả nhà thông kí
Phần của nhà nho có một li (Bảo nhau đi thi)
Giáo dục cứ trên đà đi xuống, thực dân Pháp đã tận dụng mọi hình thức ru ngủ và không quên sử dụng tiền bạc, vật chất để mua chuộc. Người ta không còn học để sống một cách đáng sống mà chỉ học sao để hái ra tiền:
Đạo học ngày nay đã chán rồi,
Mười người đi học chín người thôi.
Cô hàng bán sách lim dim ngủ,
Thấy khóa tư lương nhấp nhổm ngồi.
Sĩ khí rụt rè gà thấy cáo,
Văn chương liều lĩnh đấm ăn xôi. (Than đạo học)
hoặc:
Nào có ra gì cái chữ nho,
Ông Nghè ông Cống cũng nằm co.
Sao bằng đi học làm ông Phán,
Tối rượu sâm banh sáng sữa bò. (Chữ nho)
Đọc thơ Tú Xương, dù bài nào cũng pha vẻ bông đùa, ta thấy có một sự ngao ngán tràn trề, một cái gì chua chát, lần thấm vào nơi thẳm sâu trong lòng ta. Phải chăng nhà thơ đã u hoài, ray rứt nhiều lắm, khổ đau, tức tối nhiều lắm mới hạ sinh những đứa con với vẻ mặt của thằng hề mà lòng thì chứa đầy cay đắng.
Từ đó, chúng ta có thể thấy rõ nỗi lòng của nhà thơ trước tiền đồ dân tộc, trước hướng đi của quê hương. Nhà thơ mô tả sự thật và ông đã đau đớn bởi chính những sự thật mà ông đã nhìn thấy, đã “hiểu” vì ông chưa đánh mất tình tự con người nói chung, tình tự con người Việt Nam nói riêng.
Và xã hội trong âm mưu đầu độc của thực dân, những lố lăng kể sao cho xiết, mỗi lần bắt gặp những “chướng tai gai mắt”, nhà thơ đã chẳng đặng đừng ghi lại những nét đơn sơ mà đầy đủ tính chất hợm hĩnh, giả hình, dối trá, ti tiện của nó. Ta có thể kể ra một số đề tài hay đúng hơn là những sự việc trái ngang đã đập vào nhãn quan của nhà thơ, khiến ông đã phải bật cười lên trong khi lòng ông xót xa, đau đớn không biết là bao nhiêu: “Tiến sĩ giấy”, “Chế ông đốc học”, “Giễu ông đội C”, “Chế ông huyện D”, “Bỡn ông ấm Kế”, “Bỡn ông Bát”, “Sư ở tù”, “Bợm già”, “Lấy lẻ”, “Làm lẻ thứ tư”, “Lên đồng”, … và rất nhiều những bài thơ “chế”, “bỡn” khác của nhà thơ đối với bao hạng người hư hỏng trong xã hội.
Chúng ta đã phải nhận rằng nhà thơ đã mang nặng trong ông một nỗi thao thức triền miên rằng thế nào là một con người đúng với ý nghĩa của nó. Chính vì thế mà Tú Xương đã không ngừng nhận định, phê phán về lẻ phải trái của người đời. Tú Xương luôn luôn đứng trên quan điểm đạo đức để xem cái nào là cao đẹp để đề cao, cái nào là xấu xa, đồi trụy để “chế”, “bỡn”, “đùa”, “giiễu”, … làm thế phải chăng Tú Xương muốn có một xã hội tốt đẹp hơn, muốn có những lòng người chân thiện hơn và phải chăng đấy là cái xã hội trong đó gồm những con người mà nhà thơ hằng ngưỡng mộ và cầu mong cho tất cả loài người trong một trở thành toàn diện sẽ là:
Chúc cho khắp cả hết trong đời
Vua quan sĩ thứ người muôn nước
Sao được cho ra cái giồng người! (Năm mới chúc nhau, bài V)
Xã hội bệ rạc, hư đốn là vậy, nhưng không phải nhà thơ chỉ nhìn thấy có thế. Tú Xương còn nhìn về tương lai của đất nước, ngày mai của dân tộc và rồi ông gióng giã những hồi chuông báo nguy, thức tỉnh lòng người.
Chúng ta biết rằng thực dân Pháp, khi đã gần xây được cơ sở, guồng máy cai trị của họ ở Việt Nam và với chủ trương thực dân, họ đã cố gắng bằng mọi phương tiện để khai thác, vơ vét càng nhiều càng tốt, tài nguyên trên đất nước này. Paul Monet, một người Pháp không thực dân, đã tố cáo những tàn ác của thực dân, và đây là câu chuyện trong một đồn điền: Họ giết chúng tôi từng bọn 5, 6 người, và bao giờ cũng báo cáo với tòa án. “Chết vì sốt rét” không những người cu li không phải chết vì sốt rét. Họ bị giết như là lũ chó sói, vì họ chỉ là một đàn cừu ngoan ngoãn …bọn chủ đồn điền ở đây tàn ác không thể tưởng tượng được. Họ làm vua ở đây và không phải theo một luật pháp nào ngoài sở thích của họ. Họ coi chúng tôi như loài vật, con nai, con hươu, con chó, con mèo. Và giết chúng tôi như giết thú vật, họ đánh đập chúng tôi bằng những gót giầy sắt, không còn cho chúng tôi kêu ca, hoặc biểu lộ sự đau đớn bằng nước mắt … (17).
Thật vậy, thực dân đồng nghĩa với “duy lợi”, thực dân chỉ biết có thực dân, chỉ biết có ta mà không biết có người. Do đó, có việc làm tàn ác nào mà họ chẳng làm khi nó có “lợi”
Tú Xương trong bài “Lo xa” đã bày tỏ sự lo ngại của ông trước nạn diệt chủng và âm mưu của thực dân trong việc dọn con đường bể để chuyên chở tài nguyên của ta về nước họ.
Giống người có nhẽ sạch sành sanh
Núi non đào mãi lâu dần đổ
Sông bể khơi đường mãi cũng vênh. (Lo xa)
Qua thơ văn Tú Xương, chúng ta thấy lại những khuôn mặt nham nhở, những mẫu người “bất cố liêm sĩ” nhan nhãn đó đây trong xã hội ta thời thuộc Pháp, cũng như chính sách phi nhân, tàn ác của thực dân trên đất nước này. Nhà thơ Vị Xuyên đã là một chứng nhân khá quan trọng trong giai đoạn lịch sử đen tối của quê hương chúng ta hồi cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.
Tuy nhiên, ta cũng phải nhận rằng việc tố cáo của Tú Xương, nhất là đối với chính sách cai trị tàn ác của thực dân chưa lấy gì làm quyết liệt, mạnh mẽ cho lắm. Phải chăng vì sự kiểm soát gắt gao của chính quyền thực dân và nhất là bọn mật thám khiến ông không thể dễ dàng bày tỏ, nói ra tất cả những điều tai nghe mắt thấy. Dù sao, Tú Xương cũng đã lột trần được bộ mặt thật của xã hội ta thời bấy giờ và “thuốc đắng đả tật”, Tú Xương đã làm chùn bước bao kẻ sa đọa, đang đi vào tội lỗi, làm chùn bước bao kẻ toan cam tâm đảm nhiệm vai trò tay sai cho ngoại bang, phản bội quê hương, dân tộc và nhất là Tú Xương đã cảnh tỉnh quốc dân chớ quên cái nhục mất nước, cái nhục nô lệ bằng một giọng văn vô cùng chua chát và cay đắng nhưng cũng thật nồng nàn và tha thiết.
Và quả thật Tú Xương sống chỉ để làm một chứng nhân:
Sống lâu, lâu để làm gì nhỉ?
Lâu để mà xem cuộc chuyển vần. (Tự trào)
KẾT TỪ
Thi sĩ của chúng ta, Tú Xương, là một người khá cô đơn ở trong cuộc đời. Thuở sinh thời, nhà thơ đã chẳng có mấy ai là tri âm tri kỉ. Và mãi cho đến bây giờ đây, cũng chẳng mấy ai thấu rõ lòng dạ của Người. Nói thế, có người sẽ hỏi chúng ta: “Vậy chứ người đàn bà mang tên Phạm Thị Mẫn ấy không an ủi, chia sẻ với nhà thơ được một phần nào chăng?”. Vâng “vị thiên thần” đó đã vì ông trọn đời, đã cho ông tất cả và đến cả quên mình. Nhưng, chí hướng, hoài bão của nhà thơ thì người-đàn-bà-trọn-đời-hi-sinh-cho-chồng-con đó vẫn chưa thấu rõ. Hay có chăng, cũng chỉ mơ hồ cảm nhận mà thôi.
Ngày nọ, sau khi hình thành một tác phẩm, Tú Xương liền đem khoe với người bạn đời và chờ đợi lời phẩm bình, bà Tú chỉ bảo:
Thưa rằng hay thực là hay,
Chẳng hay sao lại đỗ ngay Tú tài!
Xưa nay em vẫn chịu ngài … (Tết dán câu dối)
Chỉ có thế sao! “đỗ ngay Tú tài” là “hay” sao? Thơ văn còn là máu huyết, tim óc, còn là chí hướng, mong ước, còn là nỗi u hoài, còn là niềm uất hận và còn là gì gì nữa chứ? Vì nếu chỉ có thế, những kẻ đỗ Cử nhân, Tiến sĩ còn “hay” biết chừng nào, còn cao cả hơn Tú Xương biết bao nhiêu. Do đó, bà Tú chỉ là người bạn đồng tâm của nhà thơ mà thôi và Tú Xương còn chờ trông một người bạn đồng chí nữa.
Đấy là chưa nói đến việc Tú Xương đã không thể thỏa hiệp được với thực tại, thỏa hiệp sao được khi thực tại đó dẫy đầy những xấu xa, những đê tiện, sung mãn những bất công, gian trá cho nên nhà thơ là khách bộ hành cô đơn giữa cuộc đời, giữa cái huyên náo của phố phường Nam Định.
Và cho mãi đến khi gặp được Phan Bội Châu (năm 1897), Tú Xương thấy như gặp được mộng ước của mình. Nhà thơ chờ đợi để được gặp nhà cách mạng Sào Nam chẳng khác gì Diogène ngày xưa thắp đuốc đi tìm để được gặp “con người” mà nhà hiền triết muốn gặp. Và giữa hai kẻ làm nên sự gặp gỡ đó, phải có một mối dây liên hệ ý nghĩa nào chứ? Phải chăng vì “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” mà họ đã gặp nhau và mãi mãi như được buộc ràng vào nhau.
Một điều ta có thể nói thêm là biết đâu khi cái chết không đến với Tú Xương một cách sớm sủa, Tú Xương đã chẳng tham gia cách mạng, đã chẳng sát cánh cùng với Phan Bội Châu trong mưu đồ giành lại độc lập tự do cho quê hương dân tộc.
Mặt khác, như trên đã nói, Tú Xương sống thật thiết thân với cuộc đời. Mọi vi động của cuộc đời đều có tác động vào tâm hồn vô cùng bén nhạy của nhà thơ. Vậy phải chăng chính vì lòng ưu thời mẫn thế, chính vì nỗi dằn vặt không nguôi, chính vì những tra hỏi bất tận về ý nghĩa cuộc đời, thế nào là con người đúng nghĩa và sống thế nào là xứng đáng … đã giết chết nhà thơ giữa cái tuổi đầy nhựa sống!
Và, đến đây, thiết tưởng chúng ta nên đọc, đọc thật kĩ những câu thơ vô cùng chân thành, tha thiết mà Tú Xương nhằm gởi gắm cho nhà cách mạng Sào Nam:
Mấy năm vượt bể lại trèo non,
Em hỏi thăm qua bác hãy còn. (Gởi Thủ khoa Phan)
Và càng chân thành, gắn bó, cấp bách, thiết tha hơn:
Ta nhớ người xa cách núi sông,
Người xa, xa lắm, nhớ ta không?
…
Khi nhớ nhớ cùng trong mộng tưởng,
Nỗi riêng riêng cả đến tình chung.
Tương tư lọ phải là trai gái,
Một ngọn đèn xanh trống điểm thùng. (Nhớ bạn phương trời)
Nhắc lại sự kiện trên đây, chúng ta có ý muốn nói rằng người ta sẽ có lí khi bảo nên hiểu Tú Xương qua hình ảnh người bạn và cũng là đối tượng mà Tú Xương mến phục, nể vì, ngưỡng mộ, tôn kính, … Đó là Phan Bội Châu. Kinh nghiệm để “biết” người này, bình dân Pháp đã diễn tả trong câu “Hãy nói cho tôi biết bạn thường giao du với ai, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là người như thế nào” (Dis moi qui tu hantes, je te dirais qui tu es). Thiết tưởng với lối xét người như trên, ta sẽ có thể tránh được sai lầm khi phán đoán về trường hợp của Tú Xương.
Sau hết, chúng ta thấy rằng cần phải có một quan điểm hợp lí, thích nghi khi nhìn vào văn chương, văn học trong thời kì mà nhà văn, nhà thơ không thể viết những gì mình muốn viết, khi mà tự do tư tưởng, tự do ngôn luận chỉ còn là “tự do” một chiều. Bởi lẽ kẻ mạnh đã sử dụng mọi hình thức ngụy trang để che đậy thực chất phi chính nghĩa của mình. Do đó, họ sẽ tạo một cái nhìn sai lạc về những gì bất lợi cho họ, những gì phản lại đường lối chủ trương phi nhân của họ.
Mặt khác, cần phải có một sự khảo đính và hiệu đính các sáng tác phẩm trong những giai đoạn này vì không nhiều thì ít những sáng tác phẩm đó đã bị kiểm duyệt, cắt xén hay sửa đổi, cũng như cần thiết phải sưu tầm và phổ biến những sáng tác phẩm đã bị xem là “quốc cấm”.
Trở lại trường hợp Tú Xương, chúng ta thấy rằng nhà thơ đối với mình đã không ngụy tín, đối với người, với cuộc đời đã chẳng xu phụ, a tòng. Nhà thơ đã thẳng thắn tố cáo tất cả, vạch trần tất cả những gì mà qua nhất điểm lương tâm và lương tri của mình, nhà thơ thấy bất bình.
Bằng sự thành khẩn và thẳng thắn, Tú Xương đã gây nên sự cảm mến và kính phục trong lòng chúng ta. Chúng ta chắc chắn sẽ không tự dối lừa mình để hiểu lầm về lòng khiết bạch, nỗi thiết tha với quê hương, dân tộc của nhà thơ.
Và hơn ai hết, nhà thơ biết mình, với bản chất nghệ sĩ ngông nghênh và kiêu bạc, sẽ dễ dàng bị ngộ nhận, nhà thơ đã nhắn nhủ:
Tình này ai tỏ cho ta nhỉ?
Tâm sự năm canh một ngọn đèn. (Dạ hoài)
Chúng ta có nghe Tú Xương nói gì không? Nhà thơ đã moi tim óc mình để làm thơ dâng tặng cuộc đời trong một mong ước duy nhất và chân thành nhất là đời sẽ đẹp hơn và người đời sẽ tốt hơn.
CHÚ THÍCH:
(*) Thơ của Tản Đà, Nguyễn Khắc Hiếu. Tản Đà Vận văn. Hà Nội, Hương Sơn năm 1952, trang 42.
(1) Thơ văn của Tú Xương được người viết trích dẫn đều theo bản hiệu đính của Trần Thanh Mại và Trần Tuấn Lộ trong “Tú Xương con người và nhà thơ”. Hà Nội, nhà xuất bản Văn Hóa, viện Văn Học, năm 1968 vì nhận thấy sự hiệu đính của các tác giả có giá trị.
(2) Theo sự tìm hiểu của các ông Trần Thanh Mại và Trần Tuấn Lộ, các tác giả này đã tiếp xúc cụ Trần Tất Đạt là con nhà thơ, cũng như các cụ già đồng thời với nhà thơ.
(3) Yves Berger, Chúng Tôi Không Phải Là Những Con Người Phản Bội. Express số 25-5-1964.
(4) Đây là câu ca dao mà quần chúng Nam Định truyền tụng lúc bấy giờ.
(5) Dùng câu tục ngữ này ở đây, người viết không có ý mạ lị đám người chơi bời với nhà thơ mà chỉ để diễn tả một sự kiện: “có qua có lại” giữa những kẻ bông đùa với nhau.
(6) Tú Xương đi thi từ khi 15 tuổi và tám khoa đó là: Ất dậu (1885), Mậu tí (1888), Tân mão (1891), Giáp ngọ (1894) (khoa này ông đỗ Tú Tài), Đinh dậu (1897), Canh tí (1900), Quý mão (1903) và Bính ngọ (1906). Tám khoa phải mất ít nhất là 21 năm và nhà thơ thọ không quá 37 tuổi.
(7) Một chính quyền cách mạng thật sự, đáp ứng được mọi nguyện vọng của dân nước, thiết tưởng phải xét lại các quan điểm phê bình, vạch trần mọi thủ đoạn bưng bít, che đậy hoặc bóp méo sự thật đã xảy ra trong dòng văn học công khai, được thực dân chấp nhận, bảo trợ và lèo lái (ghi chú của người viết).
(8) Tú Xương Con Người và Nhà Thơ, sđd, trang 36.
(9) Xem chú thích (4)
(10) Đây là hai câu thơ trong bài “Phú đắc” mà các tác giả “Tú Xương, Con Người Và Nhà Thơ” đã cho vào phần “Những bài có vấn đề tồn nghi”, nhưng thiết tưởng dù là của chính nhà thơ Vị Xuyên, thì hẳn đây là một cách trả lời đích đáng đối với dư luận.
(11) Đặng Thai Mai, Văn Học Khái Luận (Tài Liệu tham khảo dành cho Sinh viên Đại học Văn khoa Sài Gòn), trang 30-31.
(12) Người viết muốn nhấn mạnh.
(13) vấn đề chỉ đặt ra mà không giải quyết vì phạm vi bài này không cho phép. Mặt khác, nhà văn cũng có thể toa rập với những trào lưu phản động, thoái hóa, phi nhân và dĩ nhiên những kẻ đó sẽ bị đào thải.
14) Phù Long là tên chùa làng. Nói “thằng tiểu Phù Long nó chưởi” là vì nó dám dan díu với mẹ tên công tử, nó “đ. mẹ” tên công tử. Tú Xương Con Người và Nhà Thơ, sđd, trang 197, chú thích (3).
(15) Xin đọc Nguyễn Văn Trung, Chủ Nghĩa Thực Dân Pháp Ở Việt Nam: Thực Chất Và Huyền Thoại, Sài gòn, Nam Sơn năm 1963.
(16) Nguyễn Hiến Lê, Đông Kinh Nghĩa Thục, Sài Gòn, Lá Bối, năm 1968, trang 32.
(17) Trích dẫn theo Nguyễn Văn Trung trong Chủ Nghĩa Thực Dân Pháp Ở Việt Nam : Thực chất và huyền thoại. Sài Gòn, Nam Sơn 1963, trang 41.
SÁCH THAM KHẢO
01. Trần Thanh Mại và Trần Tuấn Lộ. Tú Xương Con Người và Nhà Thơ, Hà Nội, nhà xuất bản văn hóa, viện Văn Học, 1961.
02. Trần Thanh Mại. Trông Giòng Sông Vị, Sài Gòn, Tân Việt in lần thứ tư, 1956.
03. Hoàng Xuân. Trần Thế Xương Thi Tập, Sài Gòn, Anh Phương, 1960.
04. Lê Dư. Vị Xuyên Thi Văn Tập, Hà Nội, Nam Ký, 1931.
05. Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề. Việt Nam Ca Trù Biên Khảo, Sài Gòn, Tác Giả xuất bản, 1962.
06. Phan Văn Dật. Ông Tú Xương Với Câu Chuyện Thi Cử, Huế, tạp chí Đại Học, số 6, năm 1958.
07. Minh Văn và Xuân Tước. Luận Đề Trần Tế Xương, Sài Gòn, Sống Mới, 1971.
08. Trần Trung Viên và Hư Chu. Văn Đàn Bảo Giám, Sài Gòn, Mặc Lâm, 1969.
09. Thái Bạch. Thi Văn Quốc Cấm Thời Thuộc Pháp, Sài Gòn, Khai Trí, 1968.
10. Đặng Thái Mai. Văn Học Khái Luận. Tài liệu dành cho Sinh Viên Văn Khoa Sài Gòn, k.n..
11. Phan Bội Châu. Tự Phán, Huế, Anh Minh, 1956.
12. Nguyễn Văn Trung, Chủ Nghĩa Thực Dân Pháp Ở Việt Nam: Thực Chất Và Huyền Thoại, Sài Gòn, Nam Sơn, 1963.
13. Nguyễn Hiến Lê. Đông Kinh Nghĩa Thục, Sài Gòn, Lá Bối in lần thứ hai, 1968.
14. Dương Quảng Hàm. Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Sài Gòn, Trung Tâm Học Liệu, 1968.
15. Trần Trọng Kim. Việt Nam Sử Lược, quyển 2, Sài Gòn, Trung Tâm Học Liệu, 1971.
MỤC LỤC
- TỰA ……………………………………………………..03
- DẪN NHẬP……………………………………………...05
- I: TÚ XƯƠNG TRƯỚC BẢN THÂN………………… .07
1. Tú Xương, một người thành khẩn...……………..08
2. Tú Xương, một người phá chấp………………….18
3. Tú Xương, một người phản tỉnh………………….25
- TÚ XƯƠNG TRƯỚC CUỘC ĐỜI………………………33
1. Tú Xương, một người thẳng thắn………………...35
2. Tú Xương, một người trung thực………………...41
3. Tú Xương, một chứng nhân……………………...49
- KẾT TỪ………………………………………………….57
- CHÚ THÍCH……………………………………………..63
- SÁCH THAM KHẢO…………………………………...67
- MỤC LỤC……………………………………………….69