Tình dục là một trong những đề tài hết sức nhạy cảm, thách thức người sáng tác. Nếu nhà văn không tinh nhạy sẽ gây sự phản cảm, khó chịu đối với người đọc, bởi, ranh giới giữa cái thanh và cái tục vốn dĩ rất mong manh. Tiểu thuyết “Bàn tay nhỏ dưới mưa” của Trương Văn Dân thấm đẫm những trang viết nói về tình dục nhưng không sạn, không thô tục, không khiêu dâm. Xem yếu tố tình dục là phương cách biểu hiện cái đẹp của tình yêu, tác giả đã thể hiện khá thành công ý đồ nghệ thuật của mình: khám phá, khai thác những đam mê, khát vọng được sống và được yêu, làm nổi rõ bi kịch thân phận người phụ nữ trước cõi thế đầy cạm bẫy, chông gai. Nghĩa là, tác giả không khai thác yếu tố tình dục vì mục đích câu khách rẻ tiền mà trên tất cả là sự thể hiện nỗi niềm xa xót trước bi kịch thân phận người phụ nữ, qua đó, ngợi ca một tình yêu bất diệt và làm rõ giá trị đích thực của cuộc sống.
Theo Freud, hoạt động tình dục của con người có hai loại: tình dục bình thường và tình dục sa đọa. Tình dục bình thường là kiểu tình dục được thực hiện tự nguyện, hòa hợp, đồng điệu giữa hai người khác giới. Ngược lại, tình dục sa đọa là loại tình dục chiếm đoạt, bằng mọi giá để đạt được khoái cảm mà không cần biết tâm lí đối phương như thế nào, đối phương dễ rơi vào tình trạng khổ đau cả về thể xác lẫn tinh thần. Hành vi tình dục của người chồng thứ nhất và người chồng thứ hai đối với Gấm là biểu hiện của kiểu tình dục sa đọa, không bình thường. Cả hai đều tìm cách thỏa mãn dục vọng bằng mọi hình thức. Gấm trở thành kẻ bị chiếm đoạt, bị cưỡng bức, cưỡng hiếp. Gấm không hề có chút cảm xúc nào trong những cuộc chung đụng này. Người chồng thứ nhất thường có hành động đòi yêu trong lúc say. Gấm cảm thấy nhục nhã khi thân thể của mình bị chà đạp, bị coi thường. Vết nứt ấy ngày càng toác ra và rơi vào đỉnh điểm trong một đêm anh ta uống say, làm tình một cách thô bạo: “Một khuya anh say mèm, ngật ngưỡng về nhà, mỗi cử động là toàn thân lảo đảo. Môi dưới của anh ta trễ xuống. Nước dãi nhểu từng dòng. Anh ta giương cặp mắt lờ đờ, ngây dại áp sát vào mặt tôi khi tôi bước ra mở cửa. Tôi chưa kịp phản ứng thì anh đã đè ngửa tôi xuống sàn nhà, tụt quần thô bạo và phủ lên man rợ...” [28-29-BTNDM]. Hành động này như giọt nước tràn li, đổ đi tất cả những yêu thương của người con gái vừa bước qua tuổi dậy thì, vốn đã từng hi vọng anh ta sẽ là điểm tựa cho cuộc đời nhiều mất mát, cơ cực của mình, một cách dứt khoát. Hành động này biến anh ta thành kẻ khác, suy đồi về đạo đức lẫn nhân cách. Dẫu rằng, khi tỉnh rượu, anh ta có những hành động ăn năn, hối hận, nhưng tình yêu và tình dục sóng đôi trên nền tảng của sự tự nguyện chứ không phải sự áp đặt, cưỡng chế. Với Gấm, “...trong cuộc hôn nhân đầu, tôi đã sống như một sự trả ơn người đã cứu sống mình, chứ chưa có tình yêu. Rượu và túi tham sau đó còn cuốn trôi mọi tình cảm hời hợt. Rồi cái đêm bị phủ lên thô bạo đã làm tôi khiếp sợ mọi chung đụng giới tính. Cảnh ái ân trai gái chỉ khiến tôi cảm thấy dị ứng và không còn hứng thú” [63].
Cuộc hôn nhân thứ nhất kết thúc. Sự trống trải, đơn chiếc xen lẫn cảm giác lo lắng, sợ hãi khiến Gấm nhanh chóng tìm một bờ vai để dựa vào, để được cảm thông, chia sẻ. Nếu người chồng thứ nhất thường xuyên say sưa, bù khú với bạn bè và có những hành động khiếm nhã thì người chồng thứ hai lại là một kẻ “nhu nhược”, “thụ động”, ăn bám, sống “kí sinh”, ham chơi, nhác nhớn,... Gấm hiểu ra rằng: “... những gì kéo tôi đến bên anh ta chỉ là hành động đi tìm một điểm tựa, một sự bấu víu... của người đang chơi vơi giữa dòng đời... chứ đâu phải tình yêu” [25]. Nhưng Gấm chịu đựng tất cả, chấp nhận sống với anh ta chỉ vì muốn vớt vát, níu kéo hạnh phúc gia đình, vì bé Liên. Song, anh ta vẫn không để cho Gấm được yên. Anh ta thống lĩnh, cậy quyền hết thảy mọi việc, kể cả chuyện chăn gối: “Trong khi tôi tấm tức khóc vì nhục nhã, hắn lột nhanh quần áo và đè ngửa tôi xuống nệm. Trận làm tình, không, phải nói là cuộc hiếp dâm, diễn ra chóng vánh và kết thúc cũng nhanh chóng trong tiếng thở phì phò pha lẫn nước mắt của uất nghẹn [162]. Đau đớn thay, lần bị cưỡng bức này, Gấm có thai và bị sẩy thai mà không hề hay biết. Khi Gấm đang tìm cách để thoát khỏi mọi ràng buộc với anh ta thì đây là nỗi đau neo vào cuộc đời cô quá lớn! Dấn thân và chịu đựng những khổ đau, oan nghiệt như thế làm sao một người phụ nữ “mảnh mai” như Gấm có thể tồn tại trước chông gai cuộc sống, có thể “ngăn nổi định mệnh của đất trời”?
Như thế, ở cả hai người chồng mà Gấm từng tin tưởng, trao gửi tất cả tâm hồn và thể xác đều không mang đến hạnh phúc thực sự cho Gấm. Là người vợ, nhưng Gấm như kẻ bị quấy rối, bị ép buộc, ép dâm một cách nhục nhã, đớn đau. Đó là sự tra tấn về mặt thân xác chứ không hề mảy may có biểu hiện cảm xúc nào của tình yêu. Hay nói cách khác, đây là kiểu tình dục không có tình yêu. Cuộc sống chăn gối, lúc thì bị chồng ép buộc quan hệ trong lúc say, lúc thì bị vứt bao cao su vào mặt,... trở thành nỗi ám ảnh giày vò, nỗi kinh hoàng, ê chề trong cuộc đời Gấm. Phải chăng, nguyên nhân sâu xa, là do những cạm bẫy của xã hội khiến con người đánh mất chính mình, không làm chủ được bản thân? Sống trong môi trường ấy, họ chỉ biết tìm mọi cách để thỏa mãn ham muốn cá nhân, vô tâm, làm ngơ trước sự đau khổ của người bạn tình. Thực trạng đó như hồi chuông báo động sự xuống cấp của đạo đức. Con người bị tha hóa. Tình cảm, tình yêu dần bị mai một.
Nhân tố làm nên hạnh phúc trong đời sống vợ chồng, có thể nói không thể thiếu sự hòa điệu giữa tâm hồn và thể xác. Sự song hành giữa tình yêu và tình dục là điều cần thiết để giữ vững mái ấm. Tình yêu mang đến những ngọt ngào, say đắm. Nó làm cho kẻ đang yêu sẵn sàng từ bỏ tất cả, hi sinh tất cả chỉ vì người mình yêu. Tình yêu sóng đôi cùng tình dục. Tình yêu không thể thiếu tình dục, vì tình dục sẽ là lực đẩy đưa con người đạt tới những khoái cảm tột độ, thăng hoa xúc cảm, nâng đôi cánh cho tình yêu bay cao, bay xa. Mối quan hệ hòa hợp giữa tình yêu và tình dục là mối quan hệ bền vững nhất, đẹp nhất, lí tưởng nhất. Cho nên, tình dục cũng là cánh cửa quan trọng trong cuộc hành trình tìm về bản ngã của Gấm.
Gấm là nhân vật trung tâm của tác phẩm, đồng thời là người trần thuật. Cô tự kể lại, hồi tưởng cuộc sống của mình qua những trang nhật kí. Và qua giọng văn đầy cảm xúc, dạt dào yêu thương của nhân vật Anh, người tiếp lửa cho những tâm sự của cô trở thành một tác phẩm nghệ thuật, một lần nữa, cảm xúc được nhân đôi, người đọc thấu hiểu hơn những chuyển biến trong tâm hồn của Gấm, thấu hiểu được khát vọng khám phá bản ngã của Gấm, mà bấy lâu nay bị vùi lấp, kìm nén. Nhân vật Anh tuy đóng vai trò là cái nền, cái phông nhưng luôn song hành, xuất hiện trong mọi hành động, suy nghĩ của Gấm, bổ trợ để làm rõ cuộc đời và thân phận của Gấm. Trong ba người đàn ông bước vào cuộc đời Gấm, chỉ có Anh là người đưa đến sự viên mãn cả về tâm hồn và thể xác cho Gấm. Anh là niềm tin, là động lực, là câu chuyện của Gấm, giúp Gấm tìm lại con người của mình, ý thức về mình trước hành trình dằng dặc kiếm tìm hạnh phúc. Gấm “Từng tham gia khá nhiều vai diễn. Đã bay lên cao, la đà xuống thấp, đã nếm trải mọi thứ vinh nhục...” [231] của cuộc đời, cứ tưởng, số phận Gấm sẽ tàn úa theo những trăn trở, lo âu trước đường đời còn nhiều sóng gió. Thế mà, ý thức bản ngã từ cái ngày dứt bỏ hai người chồng càng mãnh liệt hơn khi Gấm gặp Anh. Gấm đã mạnh dạn, tự tin, rũ bỏ mọi phiền muộn, chủ động trong mọi tình huống, nhất là trong cách thể hiện tình yêu, tình dục theo nhu cầu cá nhân, theo tiếng gọi của tình yêu.
Một người phải kìm nén mọi cảm xúc để chống trả cuộc đời nhiều tủi nhục. Một người chịu nỗi đau quá lớn khi vợ con không thoát nổi định mệnh, sớm từ giã cuộc đời. Họ gặp nhau, đến với nhau, bù đắp, chia sẻ, lấp đầy những khoảng trống tâm hồn. Họ cuốn vào nhau, yêu nhau, gắn bó khăng khít. Tình yêu và tình dục đã gắn kết, xua tan nỗi cô đơn trong lòng họ bấy lâu nay. Gấm được tắm táp trong dòng chảy ấm áp, nồng nhiệt, cháy bỏng của niềm hoan lạc, hạnh phúc. Tâm hồn ấy như được hồi xuân, thể xác ấy như “cồn cào đói khát”, như “ngọn núi lửa yên ngủ bao năm, dung nham tuôn trào, sùng sục” trước tình yêu đắm say, chân thành, tinh tế của Anh. Tình yêu hôn phối “xác-hồn” ấy càng thêm mặn nồng, níu kéo hai con người đến bên nhau, vượt qua mọi pháp luật khô cứng, chỉ còn lại pháp luật của trái tim, của tâm hồn. Họ “tự nhiên yêu”, “ngang nhiên yêu”. Nơi nào có họ, nơi ấy hạt giống tình yêu, lòng yêu đời nảy nở. Tình yêu đã mang đến sức mạnh cho Gấm. Trong dòng chảy vô tận của nguồn yêu, Gấm chủ động thổ lộ tiếng gọi của trái tim: “Bằng tất cả yêu thương và sự thèm khát trong người đàn bà bấy lâu kìm nén, gìn giữ; bằng tất cả sự sung mãn và phát triển đang độ phì nhiêu nhất... tôi cùng anh hoà nhịp trong vũ điệu ái tình. Đắm đuối dìu nhau lên đỉnh điểm khoái cảm tột cùng. Hai thân thể quấn quýt nhau trong thứ ánh sáng của ngày mới, mang đầy màu sắc vừa hoang dã vừa linh thiêng của thuở hồng hoang. Cảm xúc và cảm giác, tất cả tuôn trào. Bởi chúng tôi ân ái bằng trái tim, vượt lên mọi cảm nhận thân xác. Và cứ thế chúng tôi yêu nhau, hút nhau như chỉ có một tâm hồn đơn nhất trong hai cơ thể; còn những lúc hơi thở hoà trong hơi thở, da thịt hòa lẫn trong nhau, chúng tôi chỉ còn lại một cơ thể cho hai linh hồn” [62].
Ngôn ngữ đẹp nhất, tuyệt vời nhất của tình yêu chính là ngôn ngữ thân thể. Thiếu nó, cuộc sống trở nên cằn cỗi, khô hạn. Những hình ảnh lõa thể và khơi gợi sự lõa thể được mô tả trong “Bàn tay nhỏ dưới mưa” rất tự nhiên, gợi cảm. Đường cong mềm mại của người đàn bà đang độ sung sức, viên mãn, biểu tượng vẻ đẹp mẫu tính, lan tỏa sức sống khắp không gian. Con người và thiên nhiên hòa vào nhau tạo nên một bức tranh ấn tượng, mê hoặc, huyền diệu. Cả vũ trụ như được tưới tắm trong dòng suối mát ngào ngạt hương yêu: “Ánh trăng như một làn sóng xanh tràn qua song, thả xuống nửa giường một vầng sáng. Những luồng sáng uốn lượn theo từng đường cong trên người Gấm. Thân thể nàng hiện lên như một vũ trụ, có đủ thảo nguyên bát ngát. Đồi núi ngút ngàn. Hương cỏ thơm tho.// Trong khung cảnh mơ màng đó, dường như tất cả hương nồng của trái đất đang trải rộng ra. Mùi hương nhài Gấm trồng ngoài cửa sổ toả ra thơm ngát, hoà với mùi thoang thoảng của những chiếc lá non mới nhú. Tất cả trộn lẫn, ướp vào hơi thở sâu của những chiếc hôn ngọt ngào. Cảm giác sắp được hiến dâng, tiếp nhận làm chúng tôi thấy vô cùng khăng khít.// Có một lúc tôi nhìn thấy ánh trăng. Hình như còn có một luồng sáng của nó phản chiếu từ chiếc gương trên tủ áo hắt lên tường một thứ ánh sáng mờ nhạt, ve vuốt hai thân hình trần trụi đang ôm chặt lấy nhau, bất động.// Gió ngoài cửa sổ mà tôi tưởng như gió đang thổi vào tai mình, rúng động toàn thân, làm bật lên những tia lửa đam mê cháy bỏng. Người tôi như bềnh bồng trôi giữa ánh trăng. Tôi ngậm lấy bầu vú của nàng theo bản năng của đứa bé thời thơ ấu vẫn thạo vú mẹ mình.// Tôi chiêm ngưỡng thân thể trắng ngần, ngà ngọc của Gấm như nhìn thấy một nửa thân thể của mình. Bàn tay nàng vuốt dọc từ bàn chân lên đùi, làm tôi có cảm giác là những sợi thần kinh xúc giác đang đê mê chuyển động” [393-394]. Bức tranh khỏa thân thuần chất của Gấm và Anh hôn phối với sự trong trẻo của ánh trăng, núi đồi bát ngát hương thơm,... nhân thêm niềm say mê, khát khao khám phá những bí mật của cơ thể trong niềm hoan lạc, si mê. Lúc này, cái tôi (Ego), trong chừng mực nào đó, đã để cho cái ấy (Id) bộc lộ bản năng vô thức. Thông qua những đòi hỏi xung năng của cái ấy, thông qua khoảnh khắc ngự trị của con người bản năng, tác giả thể hiện những đam mê, khát vọng tự nhiên, khơi gợi những thiên tính của con người thoát khỏi những ngụy biện giả tạo.
Những yếu tố sex xuất hiện nhiều trong tác phẩm nhưng không lặp, không nhàm chán. Mỗi lần đều đưa đến những cảm xúc khác nhau. Ví như, khi nói về bộ phận được che kín, ngôn từ của tác giả rất phong phú, bay bổng, lãng mạn, xóa tan cảm giác tục tĩu, tầm thường, nhớp nhúa: “Sự vẹn toàn của hai thân thể chúng tôi tuyệt vời đến nỗi khi đi vào trong nhau, tôi cảm giác như mình là chiếc rễ bám sâu vào lòng đất nóng và ẩm của nàng, để tình yêu lớn mạnh, vững chắc như cây cổ thụ trong vườn địa đàng” [13]; “Một lần đứng trên cao đỉnh, tôi đã ghì chặt anh vào lòng, nhìn đôi mắt khép kín và đôi môi mím chặt, tôi có cảm giác cái phần nhạy cảm nhất của anh cũng đang co thắt, lấp đầy tất cả cái phần sống của tôi đang bừng bừng vươn dậy” [69]; “Tôi không còn biết gì, toàn thân ngây dại, chỉ nghe tiếng trái tim mình đập liên hồi, theo cái nhịp gấp gáp của anh đang bóp thắt trong tôi” [95]; “Mãi sau tôi mới lau vùng bên dưới, có khi chạm khẽ vào phần dương tính đang thu mình như ngủ yên dưới chòm lông rậm.Tôi ngắm nhìn nó hiền hoà và mềm mại, không hiểu sao mà khi tỉnh thức, chỉ cần khẽ chạm là sinh lực cứ bừng lên, hối hả. Từ một khối mềm, nó vụt trở nên cứng cáp, hăm hở trao nguồn sống dạt dào” [96]; “Cảm giác trào dâng. Nhưng cả hai đều nằm yên. Ôm nhau. Bất động. Chỉ nghe hai phần giao tiếp đang sống. Lắng nghe tiếng thở, rung động nhẹ nhàng, thật êm dịu và đắm say, cảm nhận trọn vẹn khi hai phần nhạy cảm tiếp xúc qua hai lần vải” [131];... Nghĩa là, phần kín của hai người tình được “lõa thể” chừng mực, không gợi sự thô thiển, gây được xúc cảm nhất định trong lòng người đọc. Những cử chỉ âu yếm, vuốt ve cho đến giai đoạn cao trào, cực khoái rất tự nhiên, hòa điệu trong bản nhạc tâm hồn chứ không hoàn toàn chỉ là sự thỏa mãn bản năng tình dục. Hoặc trong một đoạn văn khác, hình ảnh đôi vú của Gấm rất gợi tình nhưng đầy ẩn ý. Bộ ngực của người phụ nữ là biểu tượng, vẻ đẹp mang thiên tính nữ, là bộ phận nhạy cảm tạo sự hưng phấn trong hoạt động tình dục của con người. Trong một lần ân ái, hai núm vú Gấm “như đông đặc khi anh đặt môi vào (...) rạo rực căng tràn sức sống. Cảm giác trào dâng” [131], lộ rõ niềm sung sướng, thỏa mãn của Gấm khi được trọn vẹn trong vòng tay của người đàn ông thực sự yêu thương mình. Hay như hành động “ngậm lấy bầu vú của nàng theo bản năng của đứa bé thời thơ ấu vẫn thạo vú mẹ mình” [394] của Anh đưa con người trở về bản nguyên ấu thơ đồng thời thể hiện lòng trân trọng, sự ngưỡng mộ đối với người mình yêu.
Đêm cuối cùng trong cuộc đời Gấm, cái chết vì căn bệnh nan y không hề làm Gấm suy sụp mà có chăng chỉ là cái chết tạm thời của thể xác, còn tâm hồn và tình yêu thì mãi mãi bất diệt. Đêm cuối cùng là bức tranh khỏa thân đẹp nhất của tác giả. Ở đó, mọi cảm xúc, tình yêu hồn-xác được đặt trong sự đối sánh, tương phản giữa sống-chết, giữa niềm vui-nỗi đau, hi vọng-thất vọng,... và hòa quyện trong vẻ đẹp của thiên nhiên: “Trong xúc cảm ngút ngàn, Gấm cưỡi lên người tôi. Nửa ngồi nửa quỳ trong một tư thế đặc biệt, cơ thể nàng nhẹ như bông. Thân hình nàng chuyển động nhịp nhàng trong một vũ khúc cực kỳ mê đắm. Hai tay tôi cuống quýt, ôm chặt, nửa như bám víu nửa như ve vuốt những phần nổi bật trên người nàng. Mông nàng uyển chuyển. Ngực nàng đong đưa. Tôi nghe thấy mùi vị của nụ hôn, nghe nhịp thở của nàng thay đổi. Càng lúc càng gấp gáp. Còn tôi nằm áp lưng xuống mặt nệm mà cảm giác như thân thể đang bềnh bồng. Cảm xúc còn mãnh liệt hơn, lúc Gấm không chuyển động mà dừng lại, khiêu khích. Nàng ngồi yên như đón lấy năng lượng từ ánh trăng và gió. Da thịt nàng ngời ngời chiếu sáng như một khối lân tinh” [394]. Từ ngữ gợi cảm, câu văn giàu hình ảnh, sinh động, ví von,... phô bày vẻ đẹp ban sơ, phồn thực. Một cuộc giao hoan trần tục, vượt khỏi mọi khuôn khổ, rào cản của cuộc đời, thoát khỏi những trăn trở, lo âu, day dứt, đớn đau đang cận kề; được tẩy uế, hướng đến sự thanh lọc, thanh tẩy tâm hồn, hướng đến giá trị nhân văn, thăng hoa vẻ đẹp nguyên thủy, tự nhiên nhất của con người.. Hai người tình tận hưởng trong nỗi đam mê, gấp gáp. Mỗi chuyển động của cơ thể kéo theo sự chuyển động của cả vũ trụ. Họ cuộn vào nhau, nhập vào nhau thành con sóng của nỗi si mê, giăng tỏa khắp mọi phía. Cũng giống như tiểu thuyết “Rừng Nauy” của Murakami, hướng người đọc nhìn mọi thứ dâm tính tràn ngập cuộc sống đương đại về phía thánh thiện, giúp thế hệ trẻ nhận ra thế nào là giá trị của tình yêu, của cuộc sống; trong “Bàn tay nhỏ dưới mưa”, thông qua tình dục, Trương Văn Dân một lần nữa khẳng định vẻ đẹp tự nhiên của tình yêu và gửi gắm triết lý đầy tính nhân văn, cao cả.
Ở đây, xin bàn thêm về cái chết của Gấm. Không phải là cái chết chấm dứt cơn đau, giải thoát bệnh tật càng không phải cái chết vì sự phấn khích của niềm hoan lạc khi dâng hiến tình yêu còn lại cho Anh trước khi ra đi mãi mãi. Bởi, cái chết của Gấm là cái chết thể xác chứ không phải cái chết của tâm hồn. Cái chết nhẹ nhàng, thanh sạch theo tinh thần Phật giáo. Chính trong ngưỡng cận kề giữa sống và chết đã giúp cô nghiệm suy, đúc kết giá trị cuộc sống. Chết để được tái sinh: “Cái chết đáng sợ, nhưng nghĩ cho cùng thì bản thân cái chết không đáng sợ bằng nỗi ám ảnh của nó. Và có lẽ sự sợ hãi sẽ mất đi khi ý niệm về bản ngã không còn. Hiểu được tấm thân tứ đại “còn duyên thì hợp, hết duyên sẽ lìa” thì cái chết là một điều tất yếu. Vì chính nhờ nó mà chúng ta mới có lúc dừng lại và đặt những câu hỏi đích thực hơn cho sự hiện hữu của chúng ta ở cõi đời này” [328]. Vấn đề cần bàn là tại sao một người phụ nữ như Gấm lại chịu nhiều thiệt thòi, phải đón nhận cái chết khi hạnh phúc đang tràn trề? Gấm chết khi cô mới tận hưởng niềm vui, hạnh phúc với Anh trong 3 năm (thời gian hạnh phúc quá ít ỏi so với những năm tháng đau khổ trước đây của cô). Cái chết ấy lại xoáy vào ta những câu hỏi đầy nhức nhối, xót xa. Thế đâu là nguyên nhân dẫn đến bi kịch này? Phải chăng, như chính tác giả đã từng đề cập, Gấm là nạn nhân của làn sóng toàn cầu hóa, môi trường ô nhiễm, khí hậu biến đổi, thực phẩm nhiễm độc, biến đổi gien, biến lương thực thành năng lượng,...? Nếu thế, cái chết của Gấm còn báo động cái chết của thời đại chúng ta khi cơn lốc toàn cầu hóa ngày càng quấn chặt con người trong nhịp sống phi nhân!
Trong chuyện phòng the, các cung bậc tình yêu và tình dục dần dần hé lộ như từng chiếc cúc áo được người tình mở ra một cách âu yếm, nâng niu, trân trọng. Họ hòa quyện tuyệt đối cả về thể xác lẫn tâm hồn. Họ yêu hết mình, sẵn sàng dâng hiến hết mình vì người mình yêu với những khát vọng đầy nhân bản. Có thể nói, những bức tranh khỏa thân giữa Gấm và Anh là những tuyệt tác nghệ thuật vĩnh cửu – nghệ thuật tuyệt đẹp nhất của tình yêu. Bởi, những đoạn văn cận cảnh giường chiếu trong “Bàn tay nhỏ dưới mưa” vẫn đảm bảo “tình dục an toàn”, không khiến người đọc quá ngập ngụa, vừa đủ để khơi gợi những đam mê, hấp dẫn trước vẻ đẹp thuần khiết, bản năng tự nhiên của con người, đồng thời yếu tố tình dục còn là cánh cửa giao cảm, đồng điệu về hồn –xác, đánh tan nỗi đớn đau, cô đơn của con người trước cuộc đời nhiều phiền muộn. Xét cho cùng, khát vọng sống của con người là yêu cầu giải phóng, muốn chiếm lĩnh cái cái tự do mà bao đời nay thượng đế đã ban phát. Tự do cho con người không chỉ đóng khung trong thân xác. Nô lệ tinh thần mới là sự nô lệ khủng khiếp, bởi nó tự bào mòn tình yêu thanh bạch của con người. Gấm là mẫu người ấy, luôn vươn tới. Một điển hình của tính cách con người biết đi đến cái đẹp mà tạo hóa đã sinh thành và sắp xếp.
Dưới góc nhìn của nhà văn, yếu tố tình dục là nghệ thuật đích thực, ẩn chứa vẻ đẹp của tình yêu, sự thánh thiện, cao cả của tâm hồn. Hay nói cách khác, đằng sau những cuộc hòa điệu giữa thể xác và tâm hồn ấy, tình người, giá trị cuộc sống thăng hoa. Gấm ra đi nhưng tình yêu của Gấm thì mãi mãi bất diệt: “Bởi trong đời người, mấy ai được hạnh phúc khi lìa bỏ cõi đời? Mấy ai đã sống hạnh phúc, chết bình an? Hoàn toàn hiến dâng thể xác và linh hồn cho người mình tuyệt đối yêu thương và ngưỡng mộ cũng là một thứ hạnh phúc không phải ai cũng được cơ may trải nghiệm” [408]. Đây chính là thông điệp về hạnh phúc, về tình yêu đầy nhân văn mà tác giả cuốn tiểu thuyết “Bàn tay nhỏ dưới mưa” muốn chia sẻ, gửi gắm đến độc giả. Đây cũng là chất liệu cần thiết để làm nên văn hóa tình dục trong tiểu thuyết “Bàn tay nhỏ dưới mưa”.
Đồng Hới, mùa mưa tháng sáu, 2015
TÀI LIỆU THAM KHẢO
-
Trương Văn Dân, Bàn tay nhỏ dưới mưa, NXB Hội Nhà văn, 2011.
-
S.Freud, Phân tâm học nhập môn (Nguyễn Xuân Hiếu dịch), Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1970.
-
Liễu Trương, Phân tâm học và phê bình văn học, NXB Phụ nữ, 2011.