Chẳng những là người dưng khác họ, nàng và tôi lại còn khác cả dân tộc: Tôi người Việt, nàng người Hoa. Nhưng có lẽ do cái họ Tạ nặng trăm ký cộng với khuôn mặt trắng trẻo, cặp mắt một mí của tôi nên nhiều người cứ lầm tưởng tôi là người Hoa "chính hiệu".
Ngay như hôm mới vào học, lúc thầy phụ trách lớp điểm danh đến tên họ của tôi, nàng đã nhìn tôi cười ý nhị. Chắc nàng nghĩ tôi là người "đồng văn đồng chủng" với nàng.
Vì thế, giờ ra chơi, lúc "sơ kiến" , nàng "nã" cho tôi một "tràng liên thanh" bằng tiếng Hoa:
- Nị thòng xán hảy pín xùy? (Quê của Tấn, bên Tàu, ở đâu?)
Tôi đớ người ra. Nàng hiểu lầm tôi rồi. Tôi vội trả lời:
- Ngộ không "piết" tiếng Hoa.
Nàng trách:
- Uả! Quên hết tiếng mẹ đẻ rồi hả?
Thấy nàng trách, tôi vội phân trần:
- Không, Ngộ không phải người Hoa.
Nàng cười khúc khích:
- Ngộ quá hén! Vậy mà tôi hiểu lầm nữa chớ! Trông Tấn giống y hệt người Hoa à!
Vâng, tôi chỉ được cái giống y hệt còn nàng mới là người Hoa "con nai vàng" chính hiệu. Ông cố ba đời nhà nàng trôi dạt qua Việt Nam từ hồi phong trào Nghiã Hòa Đoàn nổi lên bị đánh bại, và gia đình nàng đã phải tha phương nhiều nơi, cuối cùng mới đến lập nghiệp tại thị xã, nơi gia đình tôi sinh sống.
Nàng tên Phi Anh, họ Bành. Đó là tên họ trong khai sinh. Còn ở nhà, nàng được gọi là A Muối.
Có lần tôi đuà:
- Phi Anh chắc sẽ sống lâu.
Nàng nhướng cặp mắt một mí nhìn tôi:
- Tấn "coi tướng" được hả?
- Không. Chỉ căn cứ vào họ của Phi Anh thôi. Phi Anh biêt' cụ Bành tổ chứ?
- Biết.
- Cụ Bành tổ sống hơn tám trăm năm (!). Bành Phi Anh, con cháu cụ Bành, sống "xỉu xỉu" cũng hơn trăm năm. "Gien" di truyền mà!
- Ai là con cháu Bành tổ?
- Phi Anh không phải họ Bành đó chi?
- Ai mà biết. Cứ "chọc quê" người ta "goài"!
Chao ơi, nàng phát âm chữ "goài" nghe sao dễ thương lạ, các bạn ạ!
Lần hồi, tôi và nàng càng ngày càng trở nên thân thiết. Vì trong lớp, tôi ngồi sát phiá sau lưng nàng nên tình cảm cũng dễ... phát triễn. Nàng lại kém môn toán nên tôi thường khéo léo gây tình hữu hảo bằng cách lén "viện trợ" cho nàng những bài giải. Nàng nhìn tôi ra vẻ biết ơn. Từ biết ơn đến biết điều, có gì là xa xôi.
Rồi nàng mời tôi về nhà nàng chơi. Nhà nàng thì tôi đã biết từ lâu. Đó là hiệu thuốc "Quảng Sanh Đường" ở ngay trung tâm thị xã, kế cận con đường vào chợ. Tuy đã qua lại đây nhiều lần nhưng tôi chưa bao giờ dám vào. Lần này, lấy hết can đảm tôi tiến đến trước "phụ thân" nàng, cúi đầu chào rồi cất giọng oanh "thỏ thẻ" như con gái nhà lành:
- Thưa bác, cho cháu gặp Phi Anh?
- Gặp A Muối hả? "Tợi" một chút - Ba nàng quay vào phiá trong nhà, nói lớn:
- A Muối à! Có "pạn" "tến" chơi!
Nàng từ phiá sau chạy lên, nhìn tôi cười rạng rỡ. Nàng ân cần giới thiệu tôi với ba nàng rồi dẫn tôi đi qua một hành lang sực nức mùi cam thảo, quế chi, nhân sâm, thục điạ..
Tôi đảo mắt nhìn quanh: Nhà nàng trang trí theo lối Tàu, điểm xuyết vài ba bức tranh Thủy Mạc. Ở chính giữa là bàn thờ Quan công. Góc phòng, dưới sàn nhà, là một trang thờ nhỏ thờ Thần Tài, khói hương nghi ngút. Không khí ở đây có vẻ "Tàu Tàu" làm sao ấy, khiến tôi liên tưởng đến "không khí" trong các truyện Tàu tôi đã từng đọc. Tôi hình dung ra những khuôn mặt của các nhân vật: Khổng Minh, Lưu Bị, Quan Công, Tào Tháo, v.v...
Tôi đang nghĩ đến đây thì nàng đã pha trà mời tôi uống. Hương vị trà cúc thơm ngon nên tôi làm một hơi hết... ba tách lớn. Tôi khoan khoái nhìn nàng. Rồi tự dưng tôi nảy ra ý định học tiếng... Hoa. Tôi ngỏ ý với nàng. Nàng tươi cười:
- Một tuần hai buổi, "Tạ Tiên Sinh" đến đây nhé! Mình sẽ dạy miễn phí.
Được nàng nhận lời, tôi mừng như... trẻ được quà. Thật là "nhất cử lưỡng tiện". Tôi sẽ được học thêm tiếng Hoa lại vừa được... gần nàng. Ú xu xoa, hảo hảo!
Tôi về sắm vở, viết. Ban đầu nàng dạy cho tôi biết nhận mặt chữ. Được ít bữa, thấy học chữ viết khó quá, tôi năn nỉ:
- Thôi, Phi Anh dạy mình học đàm thoại đi. Chứ học chữ viết sao mà "thiên nan vạn nan".
Nghe tôi đề nghị vậy, nàng cũng dễ dãi chìu tôi. Và nàng bắt đầu dạy tôi theo lối "đàm thoại".
Tôi hỏi:
- Một, hai, ba nói saỏ
- Dách, dị, xám.
- Cho tôi ba cái bánh bao?
- Bỉ ngộ xám cố tài páo.
- Cám ơn cô?
- Tố chề mị
- Cô đẹp lắm?
- Nị hổ leng.
- Tôi yêu cô?
- Ngộ ái nị
Tôi nhìn nàng "tình tứ":
- "Nị hổ leng. Ngộ ái nị".
Nàng đỏ mặt:
- Đừng nói "tầm pậy, tầm pạ". Học đi.
Tôi "cà khiạ":
- Ấy! Ngộ ái nị mà nị không ái ngộ thì ngộ ái ngại!
- Tấn nói cái gì thế? Đứng đắn không thì bảo. Tôi cho nghỉ học à!
- Xin "sư mẫu" bớt giận. Vì lúc trưa...
Nàng ngạc nhiên nhìn tôi:
- Vì lúc trưa... sao?
- Vì lúc trưa "đệ tử" ăn nhằm phải môn "ngưá" nên bây giờ mới ngưá miệng... nói "pậy".
Nàng bật cười:
- Chời ơi! Cái "ông này"!
Để diễn tả sự ngạc nhiên hoặc thích thú nàng hay dùng tiếng "chời ơi" nghe dễ thương lắm các bạn ạ!
Và thế là, một tuần hai buổi, tôi đến "thọ giáo" cùng nàng. Có hôm, thay vì học, tôi phải tạm thời "phụ tá" giúp nàng trong công việc bán thuốc vì "phụ thân" nàng đi vắng. Tôi thấy nàng sử dụng "dao cầu, thuyền tán" thật "thần sầu".
Nàng vưà đọc đơn thuốc vưà chọn dược liệu, hai bàn tay thoăn thoắt, xắt ra, tán nhỏmột cách thành thạo. Có lẽ nàng đã thực thụ được truyền "y bất" của Hoa Đà, Biển Thước. Còn lúc nàng tính tiền, tối "lác" mắt luôn. Nàng "gẩy" bàn tính lách cách lẹ làng như làm ảo thuật. Vậy mà không sai một "ly ông cụ" nào.
Ngoài tài sử dụng "dao cầu, thuyền tán", nàng lại còn thành thạo cả môn "bắt mạch", "bốc thuốc".
Tôi nghe nàng bảo với một chị còn trẻ:
... Khí huyết không đều, con người thường sinh ra mỏi mệt... chị hãy dùng một thang "-Diều kinh bổ huyết". Chị về sắc ba chén còn hai, mỗi ngày uống một lần...
Nàng "phán" với một ông cỡ tuổi "ba mươi bốn rưỡi":
- Ông nên dùng thêm "Hải cẩu bổ thận hoàn" để bồi lại sinh lực. Một tuần ông sẽ thấy hiệu nghiệm...
Tôi phục nàng luôn.
Sau khi "thọ giáo" với nàng được ba tháng, tiếng Hoa của tôi đã kha khá. Một hôm tôi bảo nàng:
- Phi Anh dạy mình hát bài Hoa đi. Mình sẽ hát trong dịp liên hoa văn nghệ đấy! Được hôn?
Nàng "pằng lòng" cái một. Và nàng dạy cho tôi bài "Xiện Diện Wang Xì" tức bài "Muà thu lá bay", bản nhạc cùng tên với bộ phim do nữ tài tử Chân Trần đóng với Đặng Quang Vinh. Tôi đã coi phim này nhiều lần. Và lần nào tôi cũng khóc sướt mướt nên khi nghe nàng dạy bài này, tôi khoái hết "biết".
Từ đó, ngày nào, đi đâu tôi cũng nghêu ngao: "... Pù xứ táo way lẹo xâm mộ. Yâu xâu tao way yao sừ wo. Wo mây thiên tao chay xì cao. Quài can châu ai tì xí mồ..."
Tôi quyết tập luyện bài này thật "nhuyễn" để "trổ tài" trong dịp liên hoan văn nghệ cuối năm. Lúc đó các bạn tôi sẽ "lác" mắt. Và nàng cũng sẽ "khâm phục" tài nghệ của tôi. Cứ nghĩ đến đó thôi, tôi đã thấy "khoan khoái" cả người.
Thường khi con người lo lắng thái quá hay dễ bị vấp. Cũng như một thí sinh, trước ngày thi, bài vở dù đã thuộc nằm lòng, như vì quá lo quá nên quên luôn. Ấy, mới có câu "học tài thi phận".
Tôi cũng vậy. Dù đã "nhuyễn nhuyễn" bài "Xiên diện wang xi" nhưng khi lên sân khấu hát đến đoạn "... Yâu Xâu tao way ya xừ wo..." tự dưng tôi quên lửng. Tôi "lạnh" người. Tôi "phăng" bậy: "... Ngộ ái nị mà nị không ái ngộ. Nị không ái ngộ thì ngộ ái ngại..."
Dưới sân khấu, nghe tôi hát đến đây, mấy thằng bạn "trời đánh" của tôi huýt sáo la lớn: "Ê! tào lao". "Tào lao" hát "bậy à!" Tôi chết điếng cả người. Xong bài hát, tôi tụt lẹ xuống sân khấu. Tôi đưa mắt tìm nàng nhưng nàng đã "biệt vô âm tín". Tôi biết nàng đã giận tôi. Nàng cho rằng tôi đã "bôi bác" nàng, vì thế tôi đến nhà nàng trổ tài... trách ngược:
- Hôm nọ, mình hát sai cũng vì Phi Anh đó chớ!
- Sao lỗi tại tôi?
- Thì khi hát, Phi Anh ngó mình chăm chăm làm mình khớp. Cũng như một võ sinh, lúc ra diễn võ, có "sư phụ" đứng "thị phạm" một bên làm sao diễn nổi. Phải chi Phi Anh đừng ngó mình!
- Đừng "xạo" ông ơi!
Tôi biết rằng, nàng nói như thế, nghĩa là nàng đã hết giận tôi.
Muà hè năm đó, tôi và nàng cùng rớt kỳ thi Trung học. Vì nhà nghèo, tôi không có điều kiện để tiếp tục học lại. Tôi xin đi làm công cho một đại lý hãng nước mắm.
Cũng cùng năm đó, gia đình nàng chuyển vào sinh sống ở Chợ Lớn. Trước hôm đi, nàng ngồi bên tôi khóc sướt mướt. Tôi biết rằng nàng đã "yêu" tôi đậm đà, tha thiết. Nhưng vì theo tập tục của người Hoa, họ ít khi gả con gái họ cho con trai người Việt, trừ phi người con trai đó giàu sang hoặc có điạ vị cao trong xã hội, mà tôi lại chỉ là một người làm công nghèo. Vì thế, mối tình của tôi với nàng chỉ là mối tình... "cơn gió thoảng".
Bây giờ, mỗi lần đi nghe ca nhạc ở một tụ điểm nào đó trong thành phố, thỉnh thoảng nghe một ca sĩ hát lại bài hát "Muà thu lá bay", dù bằng bản tiếng Việt, tôi cũng không tránh khỏi bồi hồi xúc động nhớ đến nàng: Tôi khẽ thầm nhắc tên nàng: "Bành ơi, bây giờ em ở đâu?"