Tôi được ưu ái đọc Bàn tay nhỏ dưới mưa (BTNDM) của nhà văn Trương Văn Dân (TVD) khi sách còn bản thảo. Bàn tay nhỏ dưới mưa là một bài ca về tình yêu, tình người. Lối kể chuyện như tâm tình của người bạn về nhân tình thế thái của cuộc sống nhiều màu sắc, nhiều khía cạnh, nhiều cạm bẫy. Quan niệm sống và yêu trong thế thế giới nội tâm của con người chứa chan nỗi ngọt ngào và đắng cay. Với góc nhìn đầy tính nhân văn, tác gỉa báo hiệu về tương lai, kinh tế sẽ phát triển đối nghịch với văn hóa. Một thế giới hiện sinh phát triển và phát triển, tàn phá và tàn phá về môi trường, bào mòn tâm thức.
Con người sẽ biến thành rôbốt, mất dần niền tin, mất dần sự rung cảm trước cái đẹp, mất dần sự giao thoa của nhịp sống mà thiên nhiên huyền diệu ban tặng hàng triệu năm nay. Nhưng nó sẽ biến mất chỉ trong vài thập kỷ. Sự tàn phá của con người là sự tàn phá lớn nhất, tàn phá một thế hệ chỉ trong chớp mắt của lịch sử đó là chiến tranh - thứ chiến tranh - toàn cầu hóa.
Việt nam sau ngàn năm Bắc thuộc vẫn giữ nguyên giọng nói, giữ nguyên đặc trưng văn hóa Việt. Nhưng chỉ trong vài chục năm, Việt nam đã trở thành một nền văn hóa bị lai tạp giữa Á đông và phương Tây, giữa Nam và Bắc bán cầu , giữa châu Âu và châu Á. Bản sắc dân tộc bị cào xới, bào mòn.
Quan niệm về tình yêu, cuộc sống, gia đình bạn bè cũng thay đổi. Mối quan hệ hàng hóa len lỏi trong phương thức giao tiềp, trong tình người, trong đối thoại với lịch sử...
Tác giả kể chuyện như không phải chuyện của Gấm, của người con gái, mà kể về nhân tình thế thái, về nổi xót xa thân phận của con người muôn thuở.
Tôi thích giọng văn của anh. Tôi đọc mà như gặp lại người bạn thân lâu ngày gặp lại. Bạn vẫn như thưở trước dù thời gian có làm thay đổi hình hài nhưng giọng nói còn nguyên bản. Bạn vẫn giữ cách nhìn của người Việt, giữ được nét tiềm ẩn cổ xưa trong câu chữ, trong ngôn ngữ thể hiện. Cấu trúc truyện giản dị, mộc mạc, không lai tạp từ ngữ, không nhần lẫn cách nhìn trong sự phản chiếu của lăng kính đời sống. Cấu tứ và cách điệu ngôn ngữ đối lập với cách hành văn cách tân nhưng người đọc dễ tiếp nhận, dễ hiểu.
Vốn sống là nguyên liệu để nhà văn làm nên chiếc bánh đúc, bánh gai, cơm hến ...trong văn chương. Nó không lòe loẹt trên tấm trải bàn có gatô, bích quí, gà rán .. nhưng nó là hồn quê, là nét Việt, là món ăn truyền thống, là bản sắc văn hóa.. . là tiếng Việt.
Đọc sách, tôi cám ơn anh, một người xa đất Việt 40 năm mà viết được như vậy thì quả là hiếm.
Nha trang tháng 11 năm 2011