Du Tử Lê. Photoby Triet Tran
Tiểu Sử: Du Tử Lê sinh năm 1942 tại Hà Nam. Năm 1954, theo gia đình di cư vào miền Nam. Ông là cựu học sinh trường Chu Văn An, Trần Lục rồi đại học Văn Khoa Saigon, nguyên sĩ quan QL/VNH cũ. Ông làm việc tại cục Tâm Lý Chiến trong vai trò phóng viên chiến trường, trước khi làm Thư ký tòa soạn nguyệt san Tiền Phong. Năm 1969, Du Tử Lê theo học khóa tu nghiệp báo chí tại thành phố Indianapolis, tiểu bang Indiana. Ông định cư tại Hoa Kỳ tháng 5 năm 1975 (sau biến cố 30 tháng 4-1975). Khởi sự làm thơ rất sớm, từ năm 1953 tại Hà Nội, với nhiều bút hiệu khác nhau, bút hiệu Du Tử Lê được dùng chính thức từ năm 1958 trên tạp chí Mai.
ĐÃ XUẤT BẢN:
(Tính đến tháng 9 năm 2015.)
1. Thơ Du Tử Lê, thơ. Tác giả xuất bản, 1965.
2. Tình khúc tháng mười một, thơ. Nhân Văn xb, 1965.
3. Năm sắc diện, năm định mệnh, ký sự nhận định. Tao Đàn xb, 1965.
4. Tay gõ cửa đời, thơ. Nguyễn đình Vượng xb, 1967.
5. Chung cuộc, tập truyện, viết chung với Thảo Trường. Trình Bày xb, 1969.
6. Mắt thù, truyện dài. Văn Uyển xb, 1969.
7. Ngửa mặt, truyện dài. Đại Ngã xb, 1969.
8. Vốn liếng, một đời, truyện dài. Đại Ngã xb, 1969.
9. Qua hình bóng khác, truyện dài. Khai Phóng xb, 1970.
10. Mùa thu hoa cúc, truyện thiếu nhi. Mây Hồng xb, 1971.
11. Sân trường mắt biếc, truyện thiếu nhi. Mây Hồng xb, 1971.
12. Chú cuội buồn, truyện thiếu nhi. Mây Hồng xb, 1971.
13. Hoa phượng vàng, truyện thiếu nhi. Mây Hồng xb, 1971.
14. Mắt lệ cho người, truyện dài. Sống Mới xb, 1972.
15. Ở một đời riêng, truyện dài. Tân Văn xb, 1972.
16. Thơ Du Tử Lê (1967-1972,) thơ. Gìn Vàng Giữ Ngọc xb, 1972.
(Giải thưởng văn chương toàn quốc, bộ môn thơ, 1973) Tái bản 1984 tại Hoa Kỳ.
17. Lục bát Du Tử Lê, thơ, Con Đuông Cần Thơ, XB, 1973.
18. Mùa hoa móng tay, tập truyện. Tân Văn xb, 1973.
19. Với nhau, một ngày nào, truyện dài. Ngạn Ngữ xb, 1974.
20. Đời mãi ở phương đông, thơ. Gìn Vàng Giữ Ngọc xb, 1974.
21. Một chỗ cuối sông tương, truyện dài. Mây Hồng xb, 1975.
22. Tan theo ngày nắng vội, tập truyện. Tủ sách Vh Nhân Chứng xb, 1984.
23. Thơ tình, thơ. Tủ sách Vh Nhân Chứng xb. In lần thứ 4 1987.
24. Ở chỗ nhân gian không thể hiểu, thơ. Tủ sách Vh Nhân chứng tái bản 1989.
25. Đi với về, cũng một nghĩa như nhau, thơ. Tủ sách Vh Nhân Chứng tái bản 1994.
26. Du Tử Lê, Tác giả & tác phẩm #1, nhiều tác giả. Đời xb, 1992.
27. Tôi với người, chung một trái tim, truyện vừa. Thiên Nga xb, 1992.
28. Chấm dứt luân hồi: em bước ra, thơ. Tủ sách Vh Nhân Chứng xb, 1993.
29. Nhìn nhau chợt thấy ra sông núi, thơ. Tủ sách Vh Nhân Chứng xb, 1994.
30. Em và, Mẹ và, Tôi là một nhé, tùy bút. Tủ sách Vh Nhân Chứng xb, 1994.
31. Chỗ một đời em vẫn để, dành, tùy bút. Tủ sách Vh Nhân Chứng xb, 1995.
32. Sông núi người thơm nỗi nhớ nhà, thơ. Tủ sách Vh Nhân Chứng, xb, 1996.
33. Chỉ như mặt khác tấm gương soi, thơ. Tủ sách Vh Nhân Chứng, xb, 1997.
34. Du Tử Lê, Tác giả & tác phẩm # 2, nhiều tác giả. Tủ sách Vh Nhân Chứng, xb, 1997.
35. Tiếng kêu nào bên kia thời tiết, tập truyện. Tủ sách Vh Nhân Chứng, xb, 1997.
36. K. Khúc của Lê, tuyển tập thơ phổ nhạc. Thân hữu DTL Hoa Thịnh Đốn, xb, 1998.
37. Du Tử Lê, Tác giả & tác phẩm # 3, nhiều tác giả. Tủ sách Vh Nhân Chứng xb, 1998.
38. Hoa nào tin quả đắng đến không ngờ!!!, thơ. Tủ sách Vh Nhân Chứng xb, 1999.
39. Tôi, ấu thơ và, mẹ, tùy bút. HT Productions xb, 2000.
40. Vì em, tôi đã làm sa di, thơ thiền tính. Tống Châu Canada, xb, 2001.
41. Du Tử Lê, Tác giả & tác phẩm, # 4, nhiều tác giả. HT Productions xb, 2002.
42. Mẹ về biển đông, thơ. HT productions xb, 2002.
43. Toàn tập thơ Du Tử Lê I (1964-1975,) thơ. HT Productions xb, 2002.
(Gồm tất cả những thi phẩm được ấn hành tại Việt Nam. Gần 400 trang.)
44. Người nhón gót, thả điều chưa nói hết, tùy bút. HT Productions xb, 2002.
45. Qua môi em: tôi thở biết bao đời, thơ thiền tính tập 2. HT Productions xb, 2004.
46. Tuyển Tập Thơ Tình Du Tử Lê (1956-1975) Văn Nghệ (VN)
47.Giờ điểm danh cuối cùng, của những cậu học trò trên sáu mươi tuổi, tùy bút. HT productions xb, 2006.
48. (Nếu cần,) hãy cho bài thơ một tên gọi!?!, thơ. HT Productions xb, 2006.
49. Toàn tập thơ Du Tử Lê II (1975-1993,) thơ. HT Productions xb, 2007.
(Gồm 5 thi phẩm được ấn hành tại Hoa Kỳ. 500 trang.)
50. Du Tử Lê / 50, nhiều tác giả: Tư liệu, nhận định, đời thường DTL. Hội VHKHVN/ Houston, TX, Xb. 2007 (nhằm Vinh danh 50 năm thơ Du Tử Lê.)
51. Mất hay còn, chưa hẳn khác nhau đâu!?! (thơ thiền tính tập 3). HT Productions.
(Với 23 bức tranh minh hoạ của họa sĩ Đinh Cường .) HT Productions xb, 2008.
52. Lại chuyện vãn, (lần này, ít thôi,) với bệnh ung thư. thơ. HT Productions xb. 2008.
53. Năm chữ du tử lê và, 9 bài thơ, mới. HT Productions.
(với 31 tranh minh họa của hoạ sĩ Đinh Cường), thơ. HT Productions. 2009.
54. Giữ đời cho nhau - Tùy Bút (minh họa Nguyễn Đình Thuần). HT Productions. tháng 9-2010
55. Trên ngọn tình sầu - Tùy Bút - (minh họa Duy Thanh). HT Productions. tháng 9-2011.
56. Xương, thịt đời sau, máu rất buồn - Tùy Bút - HT Productions, tháng 6- 2012.
57. Biệt Khúc - Thơ - HT Productions, tháng 2- 2013.
58. Toàn tập thơ thiền tính và, những bài thiền tính khác. HT Productions, tháng 8 -2013.
59. Tuyển tập thơ Du Tử Lê. 1957-2013. Khổ lớn, hard cover, 550 trang. Nhà xuất bản Người Việt Books & Amazon. Tháng 11-2013.
60. Giỏ hoa thời mới lớn, Tuyển tập thơ. Khổ lớn. Giấy đặc biệt. Phụ bản màu, tranh Lê Thiết Cương. Hội Nhà Văn & Liên Việt Books XB. Tháng 2-2014.
61. Tôi với người, chung một trái tim, Tuyển tập Thơ, Văn, Nhạc (phổ thơ), Họa. Nhà XB Sống & Amazon, tháng 9-2014.
62. Phác họa toàn cảnh sinh hoạt 20 năm VHNT miền Nam, Cuốn 1. Nhà XB Người Việt Books & Amazon, tháng 12-2014.
63. Lục bát yêu thương / Du Tử Lê. Khổ lớn, dày trên 200 trang. Nhà XB Sống & Amazon, Tháng 3-2015.
64. Với nhau, một ngày nào, truyện dài tái bản. Khổ lớn, dày trên 300 trang. HT Productions & Amazon XB - tháng 3-2015.
65- Sơ lược 40 năm VHNT Việt (1975-2015). Quyển 1. Khổ lớn, dày trên 700 trang. HT Productions & Amazon XB - Tháng 4-2015.
66- Sơ lược 40 năm VHNT Việt (1975-2015). Quyển 2. Khổ lớn, dày 544 trang. HT Productions & Amazon XB - Tháng 4-2015.
67- Tuyển tập thơ Du Tử Lê 1957-2015. Khổ lớn. Dầy 715 trang. HT Productions & Amazon XB - Tháng 9-2015.
*
DU TỬ LÊ: Không có họ, tôi không có thư tình.
Đặng Phú Phong (ĐPP): Thưa nhà thơ Du Tử Lê, để câu chuyện giữa chúng ta có được không khí thân mật hơn, tôi xin phép được gọi nhà thơ bằng Anh. Là một thi sĩ nổi tiếng từ thời VNCH còn non trẻ. Cho đến nay, tên tuổi của anh đã bay khỏi tầm vóc quốc gia, có mặt trong sách giảng dạy trong một số Đại học Mỹ. Với một tầm vóc lớn như vậy, tôi muốn hỏi trong thơ, anh đã phản ánh cuộc chiến 20 năm như thế nào? Vết thương chiến tranh trong anh, được diễn đạt trong thơ, có còn tồn tại cho đến thời điểm hiện nay?
Du Tử Lê (DTL): Thưa anh Đặng Phú Phong, tôi thiết nghĩ, bất cứ ai trưởng thành và sống trong giai đoạn cuộc tranh 20 năm ở miền Nam, như chúng ta thì, dù chiến tranh đã chấm dứt 40 năm, nhưng “vết thương” (chữ của anh) vẫn tồn tại anh à. Có khác chăng là nó ẩn tàng ở một dạng khác. Tôi thí dụ, dạng “vết thương tâm lý” hay “vết thương tâm thần”, chẳng hạn.
ĐPP: Trong thơ về chiến tranh của anh có một bài khi được nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc, nó đã bay vút lên một cách thần kỳ, trở thành top hit. Nhưng, nó lại một bản nhạc tình vừa thật lãng mạn vừa thật buồn, vì nhạc sĩ Anh Bằng chỉ dùng những câu thơ nói về tình yêu là một phần nhỏ trong bài dài trên trăm câu. Bản nhạc này đã góp phần không nhỏ trong việc nhiều người cho rằng anh là một nhà thơ chuyên về lĩnh vực thơ tình. Anh thấy có cần lên tiếng, một giải thích, chẳng hạn như trong thơ anh có rất nhiều chủ đề lớn khác, về chiến tranh, về thân phận,về tôn giáo, về tình mẹ, về tình bằng hữu, về nhân bản, về tính dục…?
DTL: Cảm ơn anh câu hỏi này. Đúng là thơ tôi viết nhiều về tình yêu. Nhưng chúng không chỉ thuần túy là tình yêu lứa đôi. Mà, xin hiểu tình yêu trong thơ của tôi theo nghĩa rộng nhất của danh từ này.
Là người theo dõi thơ của tôi, tương đối khá đầy đủ, hẳn anh cũng đã thấy, thơ của tôi dành cho những đề tài mà anh mới nêu ra, như chiến tranh, thân phận, tôn giáo, bằng hữu, tình mẫu tử, thậm chí cả lãnh vực tính dục v.v... chiếm một thị phần không nhỏ trong lộ trình thi ca của tôi.
Sự kiện mọi người quen nhìn tôi như một người chuyên làm thơ tình, cũng dễ hiểu thôi anh. Vì, hầu hết những nhạc sĩ phổ nhạc thơ tôi, họ đều chọn những bài, hoặc những đoạn thơ nói về tình yêu đôi lứa.
Tuy nhiên, cũng có một số nhạc sĩ đã soạn thành ca khúc những bài thơ không thuần túy là thơ tình đôi lứa... Như cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, với các ca khúc như “Khi tôi chết, hãy đem tôi ra biển”, “Đêm, nhớ trăng Saigon” hoặc, “Quê hương là người đó”; nhạc sĩ Trần Duy Đức với “Nhớ lại trong đêm nay”; nhạc sĩ Lê Văn Thành (ở Canada) với “cõi mẹ về” hay, “Thương mẹ đã lưng đồi”; nhạc sĩ Nguyên Bích (ở Houston” với “Xin rửa tội tôi” hay “Hãy bảo tôi”; nhạc sĩ Anh Việt / Trần Văn Trọng (ở San Jose) với “Bay suốt đời chưa thấy được mình”, hoặc Linh mục, nhạc sĩ Nguyễn Huy Tưởng với “Em vô nhiễm” v.v...
Riêng với báo chí và sách vở của các tác giả ngoại quốc thì hầu hết những bài thơ của tôi được các báo như Los Angeles Times, New York Times đề cập, đều là những bài thơ tôi viết về chiến tranh.
Ở những cuốn sách phê bình, biên khảo tiêu biểu như cuốn “Understanding Vietnam” của GS. Neil L. Jaimeison hay, cuốn “La Rage d’Être Vietnnamien” của ký giả Jean Claude Pomonti (Paris) khi viết về tôi, họ cũng chỉ trích dẫn, phê bình những bài thơ tôi viết về chiến tranh miền Nam, trước tháng 4-1975.
Cũng thế, tất cả những giáo sư ở các đại học như Harvard, Yale, Berkeley, George Mason... dùng thơ của tôi để giảng dạy cho sinh viên, họ cũng chọn những bài thơ phản ảnh chiến tranh hoặc xã hội... Chứ không phải là những bài thơ tình thuần túy, thưa anh.
ĐPP: Nhân việc anh đề cập đến giáo sư ở các đại học như Harvard, Yale, Berkeley, George Mason... dùng thơ của anh để giảng dạy cho sinh viên. Xin anh vui lòng nói thêm về những bài đã dịch ra Anh, Pháp ngữ này. Chẳng hạn như họ có liên lạc với anh để tìm hiểu sâu hơn…?
DTL: Thưa anh, cho tới hôm nay, hầu như không một giáo sư nào liên lạc với tôi trước hoặc sau khi họ chuyển dịch thơ tôi qua một ngôn ngữ khác. Thậm chí, họ cũng không biết tôi sinh năm nào nữa. Họ chỉ phỏng đoán và biết chắc rằng tôi...chưa chết. Tôi vẫn còn sống mà thôi!!!
Điển hình như trong bộ “World Poetry – An Anthology of Verse from Antiquity to Our Time” (xin tạm dịch là “Tuyển tập thi ca thế giới – Từ thời thượng cổ tới thời hiện đại của chúng ta” do nhà W.W. Norton & Company, New York – London tái bản năm 1998 – Sách dày 1,338 trang, khổ lớn, bìa cứng (hard cover).
Ở “Part VIII”, tựa đề “The Twentieth Century (1915- ); trang 1133, phần thơ Việt Nam Thế Kỷ 20, họ chọn 6 tác giả VN (theo thứ tự trong sách) là Tú Mỡ, Thế Lữ, Đỗ Tấn, Du Tử Lê, Ha Thi Thao và Le Ngoc Diep thì, bài thơ “What I Leave to my son” của tôi, in nơi trang 1136 – Ngay dưới tên tôi “Du Tu Le” là hàng chữ: “(b.c. 1940)” – Tôi có hỏi một vài học giả về hai chữ tắt “b.c” thì, họ cũng không rõ lắm. Họ bảo hai chữ đó, có thể hiểu là “phỏng đoán sinh trong thập niêm 1940”...
Thêm một thí dụ khác nữa, cũng xin thuật lại, để bổ túc thêm cho câu hỏi của anh, để anh rõ hơn là:
- Thứ Bảy ngày 16 tháng 4 năm 2005, tôi được mời nói chuyện về thơ của tôi ở đại học Harvard University, Building Winthrop JRC, Winthrop House, do hai tổ chức The Institute For VietNamese Culture & Education, and Harvard Vietnamese Association đồng tổ chức (có bán vé).
-Sau phần thuyết trình và trả lời những câu hỏi của cử tọa, bước xuống, tôi bị chặn lại bởi Dr. Hồ Huệ Tâm Tài, giáo sư chính thức của Harvard, (trưởng nữ của cố học giả Hồ Hữu Tường). Bà là một trong số những giáo sư Harvard, tham dự buổi nói chuyện này.
Sau khi tự giới thiệu, Dr. Hồ Huệ Tâm Tài cho biết, bà có chọn dịch một bài thơ trong tập “Thơ Tình / Love Poems” của tôi sang tiếng Anh, để dạy cho sinh viên theo học môn Lịch sử Xã hội học do bà phụ trách.
Tóm lại, nếu hôm đó, Dr. Hồ Huệ Tâm Tài không dự khán buổi nói chuyện của tôi và, bà không chặn tôi lại thì tôi cũng không hay biết chút gì về việc một bài thơ của tôi đã được bà chuyện dịch sang Anh ngữ để giảng dạy...
ĐPP: Tôi có biết cô Trần Thị Như Ngọc làm luận án thạc sĩ, ngành Lý Luận Văn Học, trình tại Đại học Quốc Gia Hà Nội tháng 10 năm 2008. Thưa anh, cảm nghĩ của anh về việc này như thế nào?
DTL: Thưa anh Đặng Phú Phong, cá nhân tôi hoàn toàn bất ngờ khi được biết sự việc ấy. Tôi sẽ không hay biết chuyện này, nếu Thạc sĩ Trần Thị Như Ngọc không công bố công trình của cô trên Internet, khoảng giữa năm 2009.
Câu trả lời rất thẳng thắn của tôi là: Tôi rất trân trọng công trình nghiên cứu về thơ của tôi của Thạc sĩ Trần Thị Như Ngọc. Tôi cũng trân trọng việc Giáo sư, Tiến sĩ Diệu thị Lan Phương, “Người hướng dẫn khoa học”, tức bảo trợ cho luận án của cô Trần Thị Như Ngọc. Tôi cũng rất trân trọng việc làm của Hội Đồng Giám Khảo...
Bởi vì nếu Hội Đồng Giám Khảo không chấp nhận luận án của Trần Thị Như Ngọc thì GS, TS Diệu Thị Lan Phương cũng chẳng thể can thiệp được cho sinh viên của bà.
Hơn thế nữa, trong phần kết luận, Hội Đồng Gíam Khảo còn ghi rõ: “Khả năng ứng dụng thực tiễn: Tài liệu giảng dạy và nghiên cứu” (sic).
(Mã số luận văn Trần Thị Như Ngọc, lưu trữ tại Đại Học Quốc Gia Hà Nội là: 60 22 01 20)
Tôi hy vọng sau Thạc sĩ Trần Thị Như Ngọc, sẽ có nhiều nghiên cứu sinh trẻ khác, tiếp tục nghiên cứu về nền văn học của chúng ta, dù tác giả đó là ai, ở đâu... thưa anh.
ĐPP: Nhà thơ Đỗ Quý Toàn nhận xét rằng thơ của Du Tử Lê “có những câu thơ thành ngôn ngữ hằng ngày…” Và, chính tôi cũng được nghe nhiều lần những câu “Ở chỗ nhân gian không thể hiểu” hay “ Đi với về, cũng một nghĩa như nhau”… trong những câu chuyện hằng ngày với mọi người. Đây có phải là một nỗ lực của anh trong việc làm mới thơ? Như muốn có những thành ngữ mới, cụm từ mới, ngôn từ mới bổ sung thêm cho tự điển?
DTL: Thưa anh, nếu có một chủ tâm nào đó, nơi những câu thơ của tôi mà anh mới nêu ra, nhân nhận định của nhà thơ Đỗ Quý Toàn thì, đó là chủ tâm thi ca hóa một số lãnh vực phức tạp, vi tế trong đời thường của chúng ta, như câu “ở chỗ nhân gian không thể hiểu”. Hoặc mang tính triết lý với câu “đi với về, cũng một nghĩa như nhau”.
Mặc dù đó là những câu thơ đã sớm trở thành “thành ngữ mới” (cũng như câu thơ “Tan theo ngày nắng vội” của tôi...) - - Vậy mà vẫn có người viết báo, “dạy bảo” tôi, đại ý: “‘Đi với về không thể cùng một nghĩa được. Bởi vì ‘đi’ là đến một nơi nào đó. Còn ‘về’ là trở lại nơi đã ra đi...”
Một người bạn chỉ tôi đọc bài này, xong, lắc đầu than “Thế này thì chỉ có nước ‘bó tay” mà thôi. Tôi nói, nên tội nghiệp cho “tác giả”. Bởi vì trình độ văn chương của người ấy vẫn còn ở mức độ 2 + 2 là bốn!!!
Người viết bài đó không đủ sức để hiểu rằng, khi tôi viết “đi với về, cũng một nghĩa như nhau’ thì, tôi chỉ muốn nói: “Thành / bại”, “được / mất”, “sống / chết” Hoặc “hạnh phúc hay khổ đau”... cũng như nhau. Nó là hai mặt của một đồng tiền. Nó mang tính triết lý. Tất cả do cái tâm của chúng ta phản ứng trước sự việc mà thôi!
ĐPP: Cũng trong ý định làm mới thi ca này, anh có thể giải thích về vai trò của dấu gạch chéo / (slash), nhiều dấu chấm, dấu phết trong câu thơ của anh? Ý tưởng này bắt nguồn từ đâu? Có sự phản biện đối với việc làm này của anh không?
DTL: Thưa anh, dấu gạch chéo (slash) tôi dùng trong thơ văn của tôi, cách đây cũng đã trên dưới 20 năm. Nó bắt nguồn từ suy nghĩ của tôi từ khi còn rất trẻ trước câu nói của một nhà văn tây phương, cho rằng: “Độc giả là tác giả thứ hai”. Lớn lên, càng ngẫm nghĩ, tôi càng thấy khẳng định đó, không đúng. Với tôi, câu nói ấy chỉ có tính cách “mị” độc giả!!!
Tôi thí dụ, thưa anh: Khi chúng ta đọc một tác phẩm của cố nhà văn Mai Thảo (hay bất cứ của một nhà văn Việt Nam hoặc ngoại quốc nào khác,) chúng ta sẽ rơi vào một hai tình trạng: Thích hoặc không thích. Chúng ta không có quyền thay đổi (tham dự), dù chỉ một dấu phết trong truyện của ông. Tôi ví nó một ngôi nhà đã hoàn tất phần xây cất.
Nhớ lại đi, anh Đặng Phú Phong. Có phải tất cả những lần đi mua nhà, anh chỉ có thể bằng lòng hay không với cấu trúc đã sẵn như thế của ngôi nhà định mua... Anh không thể thay đổi vị trí phòng này, phòng kia. Anh cũng không thể di chuyển cái cột nhà đi một nơi khác... Nói đơn giản hơn, một tác phẩm khi tới tay người đọc, thì nó cũng giống như một phần ăn tối đã được làm sẵn. Một thứ “Ready Dinner Meals” vậy.
Từ băn khoăn vừa kể, cách đây nhiều chục năm, khi họa sĩ Khánh Trường cho tôi chiếc computer cũ, 286, để tôi tập làm quen với computer. Tôi thấy trên keyboard có một cái dấu chưa từng xuất hiện trong lãnh vực văn phạm căn bản của con người là dấu gách chéo /Slash. Tôi chợt nẩy ra ý nghĩ, tại sao mình không thử dùng dấu slash này, sau một chữ hay một cụm từ, như một ký hiệu, thông báo cho người đọc biết rằng, với những chữ nằm sau dấu slash, người đọc tôi có thể di dời chúng đến một vị trí khác, trong câu thơ hay văn, tùy theo ý thích của họ.
Thí dụ, đã lâu tôi viết:
“Rừng / tôi / sâu / thở nốt chân trời/”.
Trong câu thơ 7 chữ này, với 4 dấu slash, ý tôi minh thị cho người đọc biết rằng, nếu họ muốn chủ từ của 1 câu thơ phải là một nhân xưng đại danh từ, thì họ có thể di dời chữ “tôi” lên đầu câu. Khi ấy, câu thơ sẽ là:
“Tôi, rừng sâu, thở nốt chân trời”.
Cũng vậy, thưa anh. Nếu có độc giả thích chủ từ một câu thơ là một cụm từ, thì họ có thể di rời cụm từ “thở nốt chân trời” để mở đầu câu thơ. Khi ấy, câu thơ sẽ là:
“Thở nốt chân trời rừng tôi sâu”.
Lại nữa, nếu anh Phong muốn mở đầu câu thơ bằng một tính từ, dùng như một danh từ thì, anh sẽ có câu thơ (cho riêng anh) là:
“sâu rừng tôi thở nốt chân trời”.
Có phải anh mới hỏi tôi là tại sao chọn dấu slash mà không phải là một dấu nào khác?
Thưa anh, về phương diện văn phạm, tất cả mọi dấu trong cấu trúc một mệnh đề của câu văn, chúng đều đã có những vai trò cố định. Tôi không thể sử dụng bất cứ một dấu nào đã có, như phẩy, chấm, chấm than, hai chấm... để thực hiện sự đổi mới của mình!!!
Mà, tôi cũng không thể không có một ký hiệu nào, để bạn đọc hiểu ý tôi muốn. Tựa như ra đường, nếu không có đèn đỏ, hay bảng hiệu stop ở những ngã tư (không có đèn) làm sao những người lái xe biết để mà ngừng lại. Do đấy, việc tôi phải sử dụng dấu slash cũng chỉ như một ký hiệu cần phải có mà thôi.
Về những dấu phết có nhiều trong thơ, văn của tôi thì tôi đã chủ tâm sử dụng kể từ giữa thập niên 1960, ở VN. Mục đích là ngắt lại nhịp đi của câu văn hay thơ. Những dấu phết ấy, cho câu văn hay thơ một nhịp chỏi (syncope) như trong âm nhạc. Riêng mỗi dấu chấm, thì cho độc giả thấy chữ hoặc một cụm từ viết sau dấu chấm, là một mệnh đề độc lập. Nhờ thế mà một câu thơ của tôi, tuy chỉ có ít chữ, nhưng nó vẫn có thể có nhiều hơn một mệnh đề. Và câu thơ trở nên phong phú hơn... Tôi tin thế!
Anh hỏi về cái gọi là “phản biện”, khiến tôi nhớ, cách đây cũng đã gần 20 năm, một ông ký tên Nguyễn Tường Phong, ở thành phố New Orleans, viết một thư ngắn cho tuần báo Saigon Nhỏ, nội dung nói, tôi chưa học hết lớp đệ lục khi dùng hai dấu phết trong câu thơ “Em và, mẹ và, tôi là một nhé”. Chẳng những thế, sau đấy, tôi còn dùng câu thơ này làm tựa đề chung cho một tập tùy bút, ấn hành năm 1994.
Tôi nghĩ, cũng nên kể với anh rằng, trước khi cho đăng thư của độc giả Nguyễn Tường Phong nào đó, tòa soạn Saigon Nhỏ đã rất lịch sự, nhờ anh Trần Duy Đức (khi ấy đang là nhân viên báo Saigon Nhỏ) điện thoại cho tôi, thông báo nội vụ. Và, hỏi tôi, có đồng ý để báo Saigon Nhỏ phổ biến thư kia, cùng với phần trả lời của tôi? Tôi trả lời, xin cứ đăng. Riêng cá nhân tôi, không thấy có điều gì để nói với ông Phong đó!
May mắn thay cho tôi, hôm nay mọi chuyện đã khác...
Nhân đây, anh cho tôi được gửi tới người đọc nào “dị ứng” với quá nhiều loại dấu khác nhau trong thơ, văn của tôi thì xin hãy coi như không có những dấu ấy. Khi đó, câu thơ hay văn của tôi, sẽ trở lại bình thường, như tất cả những câu thơ, văn bình thường khác.
ĐPP: Rất nhiều bài viết của nhiều tác giả phân tích về sự ngắt nhịp mới mẻ trong thơ lục bát cũng như cách chẻ chữ để thêm hay nhấn mạnh nghĩa của câu thơ. Ở đây tôi chỉ hỏi thêm: Có phải công việc này là phản lực tự nhiên của một người vì đã viết quá nhiều hay là một nỗ lực làm mới ngôn ngữ, phá vỡ rào cản suy nghĩ ước lệ?
DTL: Cám ơn anh Phong đã cho tôi câu trả lời khá chính xác nằm ngay trong câu hỏi của anh là “...nỗ lực làm mới ngôn ngữ, phá vỡ rào cản suy nghĩ ước lệ”. Tôi chỉ xin thêm:
- Lục bát là thể thơ đặc biệt của Việt Nam, với niêm luật được xây dựng trên căn bản nhịp 2 chẵn: 2-2-2 (cho câu Sáu). Và 2-2-2-2 (cho câu Tám) Hoặc nhịp đều: 3-3 (cho câu Sáu). Và 4/4 (cho câu Tám).
Chính vì tính chất êm ả, mượt mà như một dòng suối êm đềm, một giải lụa tha thướt mà, thời xa xưa, ông bà, cha mẹ chúng ta đã dùng lục bát để ru con.
Nhưng, thời của tôi là thời chiến tranh, bất trắc! Không ai có thể biết trước được điều gì sẽ xẩy đến, nên tôi nghĩ, phải cho lục bát một nhịp chảy khác. Gập ghềnh hơn.Dằn xóc hơn... Có thế, nó mới phản ảnh đúng thực tế thời đại. Khỏi từ đó, tôi đã dùng dấu phết để cho lục bát của tôi, những nhịp lẻ. Chấm dứt cái êm ả, mượt mà không còn thích hợp với thời thế đảo điên, bất trắc!
Người sớm nhất, nhận ra chủ tâm thay đổi nhịp đều ở lục bát của tôi là nhà ông Nguyễn Hưng Quốc. Ông này viết nỗ lực cách tân thể lục bát của tôi, trong cuốn “Nghĩ về thơ” do nhà Văn Nghệ, Cali, ấn hành năm 1989.
Nhiều năm sau, trong tuyển tập “Lục Bát Tình – 501 Tác Gỉa” do nhà xuất bản Đồng Nai, Saigon, xuất bản năm 1997, ngay nơi bài “Thay Lời Tựa” trước khi vào tuyển tập, đại diện nhà xuất bản, ông Trần Hữu Dũng cũng đã ghi nhận nỗ lực cách tân thể lục bát của tôi...
ĐPP: Anh thường thú nhận là một người nhút nhát, tuổi thơ của anh chẳng xanh, chẳng hồng chút nào, thêm nữa việc sở hữu và rồi cắt bỏ ngón tay “thừa”. Đó có phải là nguyên nhân để anh trốn vào cõi thơ? Và nó đã ảnh hưởng như thế nào trong cả thơ và đời sống?
DTL: Như anh đã nhận ra, chính cái mặc cảm sáu ngón tay nơi bàn tay phải của tôi mà suốt một tuổi thơ, tôi đã ẩn núp vòm tối cô độc của mình, rồi tôi lẩn trốn tôi, trong sách báo, chữ nghĩa khi tôi còn rất nhỏ, sau đó hầm trú ẩn của tôi thi ca! Bước lên trung học, nhờ trở thành một Hướng đạo sinh của đoàn Tây Hồ mà, tôi mạnh dạn hơn, tự tin hơn, trước khi ngón tay dư thừa của tôi, được cắt bỏ.
Hiện tại, dù đã ngoài 70 tuổi, tôi thấy tôi vẫn không xóa nhòa được phản ứng nhút nhát, lúng túng trước người lạ, đám đông. Tôi nghĩ thói quen giấu tay trong túi quần ở tôi, đã trở thành quán tính! Đôi khi tôi tự thấy mình thiếu lịch sự khi cứ đút tay vào túi quần, trong một số trường hợp...
ĐPP: Trong thơ anh người Nữ đóng vai trò như thế nào? Tại sao: “Em Và, Mẹ Và, Tôi Là Một Nhé”?
DTL: thưa anh, tất cả những người nữ tôi có trong thơ của tôi, ngoài vai trò người yêu, nguồn sống của tôi, họ còn mang hình ảnh của mẹ tôi. Tôi muốn nói, tôi yêu, kính mẹ tôi hơn bất cứ một điều gì có trên đời này! Tôi mất bố khi khi tôi chưa đủ ba tuổi. Mẹ tôi là bóng mát lớn nhất của tuổi thơ tôi. Chưa kể, mẹ tôi đã ở vậy, nuôi chúng tôi, khi bà còn rất trẻ. Tôi nhớ hơn một lần tôi từng kể lại trong thơ, văn của mình rằng, để trụ vững, nuôi con, mẹ tôi phải thường xuyên làm cho mình xấu đi... Bà cũng thường xuyên khấn nguyện vong linh bố tôi, giúp cho bà có đủ nghị lực để nuôi bày con nên người...
Suy rộng ra, tôi nghĩ, những người đàn ông yêu, quý mẹ, thường là những người rất trân trọng phụ nữ...
Sau khi biết chuyện mẹ tôi rồi, anh Phong có còn thấy cần tôi phải trả lời câu hỏi: “Tại sao: ‘Em Và, Mẹ Và, Tôi Là Một Nhé’” nữa không?
ĐPP: Anh có ấn hành một tập thơ với tựa là Thơ Thiền Tính. Tại sao là Thơ Thiền Tính mà không là Thơ Thiền? Tôn giáo giữ vai trò trong thơ của anh như thế nào?
DTL: Thưa anh, tôi cho là, không bao giờ chúng ta có thể có cái gọi là... “thơ thiền”! Mà chúng ta chỉ có thể có những bài thơ mang... tính thiền mà thôi. Bởi vì căn bản của Thiền là vô ngôn. Nên một khi thiền đã nói ra được bằng lời thì nó không còn là... Thiền nữa. Thực chứng thiền là một hành trình cô độc, tự chứng. Giống như không ai có thể tu giúp cho người khác. Dù chúng ta có rất nhiều bài viết, sách vở luận về Thiền (như bộ Thiền Luận của tác giả Daisetz Teitaro Suzuki) hoặc, giải thích Thiền là gì? Thiền hữu ích ra sao, nếu chúng ta chịu thực hành “Thiền” của Thiền sư Nhất Hạnh, cùng nhiều tác giả khác... Nhưng tất cả vẫn chỉ là những luận, giải về Thiền, chứ không phải là Thiền.
Ngay những thiền sư đã chứng ngộ, trước khi viên tịch, các ngài cũng chỉ để lại cho đời sau một số bài “Kệ”. Mà không phải những là những bài thơ...Thiền.
Với tôi, ngôn ngữ Việt Nam thật phong phú, giầu có...Nhưng người Việt mình cũng rất “vô tư”, tùy tiện sử dụng sự phong phú, giầu có này một cách vô trách nhiệm!
Tôi muốn nói, chúng ta có một số người làm thơ cố đem vào trong thơ họ một số câu chữ đã thành sáo ngữ như “sát na, ta bà, sắc sắc, không không...” Cùng một số hình ảnh đã “cliché”, đã chết khô như hình ảnh “thiền sư chống gậy lên đồi... Thiền sư chống gậy xuống núi” Thiền sư ngồi tựa gốc cây nhìn ngắm gió, trăng, mây, nước, hoa lá, cây cành...” Rồi gọi đó là ... “Thơ Thiền”!!!
Tôi có được đọc khá nhiều những cuộc đời của một số Thiền sư chứng ngộ Thiền. Họ có một đời sống nghiêm ngặt, khắc kỷ ngặt nghèo ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Tôi không được biết một Thiền sư nào có một đời sống nhàn nhã, suốt ngày “vô tư” chống gậy lên núi, rồi lại chống gậy xuống đồi, xuống suối ngồi chơi cả ngày lẫn đêm như trong một số bài thơ... “Thiền” của chúng ta!
Trở lại chuyện mấy tập thơ “Thiền tính” của tôi, tôi không biết đó là “thuận duyên” hay “nghịch duyên”? Khi đầu năm 2000, anh Nguyên Khôi (cũng là chỗ quen biết với anh Phong), ở Dallas (người chủ trương tạp chí Pháp Âm), bất ngờ gọi cho tôi, đề nghị tôi gom lại mấy bài thơ...Thiền để anh ấy in thành sách. Tôi nói, tôi đâu có bài thơ...Thiền nào đâu!? Nhưng anh ấy quả quyết là tôi có và, đã từng đọc rồi. Tôi thoái thác, bằng cách bảo rằng, nếu có chăng nữa, cũng không đủ để in thành một tập... Anh Nguyên Khôi nói, vậy thì tôi hãy làm thêm và, anh ấy chờ!...
Hơn nửa năm sau, anh Khôi gọi hỏi tập thơ...Thiền của tôi đến đâu rồi?
Trước tấm lòng tha thiết và, kiên nhẫn của anh Nguyên Khôi, tôi đành phải nói với anh, xin cho tôi thêm một thời gian nữa.
Đầu năm 2001, tôi chuyển cho anh Khôi một ít bài thơ có tính thiền. Tôi chọn tựa đề chung cho tập thơ là “Vì em, tôi đã làm Sa Di”, với lời dặn: Xin ghi rõ là thơ “Thiền Tính”. Anh Khôi đồng ý.
Vì số thơ tôi có quá ít. Nếu thẳng thét in ra, thì nó sẽ chỉ được khoảng 40, 50 trang là cùng. Nên anh Khôi đã cho lay out thật rộng. Nhiều trang chỉ có 4 câu. Cuối cùng, với bài “Tựa” khá dài của Nguyên Khôi, tập thơ dầy... 104 trang, khổ nhỏ - - Do nhà xuất bản Tống Châu ở Canada, xuất bản. Tạp chí Pháp Âm, ở Texas, tổng phát thành.
May mắn, tập thơ mỏng đó, được độc giả (đa số là độc giả Pháp Âm) đón nhận.
Vì thế, ở những năm kế tiếp, tôi có cho in thêm 2 tập thơ Thiền Tính khác nữa là “Mất hay còn, chưa hẳn khác nhau đâu”; và, “Qua môi em, tôi thở biết bao đời”
Bài “Qua môi em, tôi thở biết bao đời” của tôi ra đời sau khi tôi đọc một đoản văn của Thiền sư Nhất Hạnh, viết cho một Thiền-sinh nhỏ tuổi của ông.
Đại ý, ông nói, khi ông cầm lên bàn tay nhỏ bé của Thiền sinh này, ông thấy, ông không chỉ xúc chạm tới hiện kiếp của em mà, qua làn da của em, ông thấy như ông đã cảm nhận được bao nhiêu đời kiếp trước của em nữa.
Anh Phong đừng ngạc nhiên, khi nghe tôi kể lại chuyện này. Vì một số người không hiểu, đã đặt câu hỏi, tại sao thơ Thiền tính gì mà, lại lãng mạn, đắm đuối đời thường đến như vậy?!?
Sau khi in ba tập thơ Thiền tính, một số độc giả và, bằng hữu, đề nghị tôi gom lại, in chung thành một tập (cũng mỏng thôi), cho những ai muốn sưu tầm đủ 3 tập. Đó là lý do ra đời của cuốn “Thơ Thiền Tính Toàn Tập”, 12 năm sau. Toàn tập này , do cơ sở HT Productions ấn hành năm 2013; với bìa là bức tranh nhan đề “Ta nguyên hình giọt nước” của tôi, trong bộ tranh sưu tập của kỹ sư Nguyễn Ngọc Bảo, nguyên chủ tịch Hội VHKHVN, ở Houston, TX...
Về câu hỏi ảnh hưởng Tôn giáo trong thơ của tôi, thưa anh, tôi có thể trả lời anh ngay rằng, Tôn giáo (không phân biệt) là bước đến cuối cùng của thơ tôi đó, anh Phong à.
ĐPP: Ý tưởng xuất hiện, nhà thơ nắm bắt và thực hiện. Sự sáng tạo nằm trong thời gian này. Tứ thơ, cái đẹp văn chương cũng hình thành trong lúc này. Người làm thơ nếu xử dụng kinh nghiệm để bắt ý, chọn lời thì thường chỉ tạo ra những bài thơ “nghe quen quen”. Như vậy, thưa anh, với hàng ngàn bài thơ ngày-càng-mới của thi sĩ Du Tử Lê đã sáng tác như thế nào để được như thế?
TL: Ô! Anh Đặng Phú Phong, cho bao giờ tôi gặp phải một câu hỏi khó trả lời như câu anh mới dành cho tôi. Tôi thực sự lúng túng, không biết phải bắt đầu từ đâu? Thế Nào?
Tuy nhiên, tôi xin mở đầu phần trả lời câu hỏi này, bằng sự kiện: Năm 1972, báo K.H. chuyển cho tôi câu hỏi của nhà thơ Chu Ngạn Thư (hiện cư ngụ tại Bình Dương VN). Câu hỏi đó là: Có bao nhiêu phần trăm sự thật trong thơ của tôi?
Tôi đã trả lời rằng “sự thật” trong thơ của tôi, chiếm tới 70% - Tôi không có thói quen... “hư cấu”. Những gì tôi viết xuống đều là những phần đời riêng của tôi. 30% còn lại dành cho việc thêm, bớt để khi bài thơ được phổ biến, mang hình hài một bài thơ, chứ không phải là một cái gì khác.
Tôi muốn nói, những bài thơ của tôi khác nhau nhờ những mảnh đời riêng xúc dộng riêng của tôi. Không vay mượn. Không tưởng tượng...
Thứ đến, từ nhiều chục năm qua, tôi có mấy thói quen sau đây:
Tôi note xuống những cảm nhận, hình ảnh chợt đến với tôi. Như hiện nay, trên bàn làm việc của tôi, trong một tờ “pad note”, tôi ghi:
- Nến -> Thánh đường (và)
- Quỳ gối -> cầu nguyện.
Sau đấy, có thì giờ, tôi ghi lại trong book-note của tôi, chi tiết hơn:
+ Nến = biểu tượng được dùng trong hầu hết các tôn giáo, trong tất cả các buổi lễ. Ngọn lửa, lấp lánh, vươn lên như muốn tương thông với thượng giới.
+ Quỳ gối = biểu tượng thành kính, dâng lên Thượng Đế, lời cầu nguyện hay niềm tin lặng lẽ nhưng, bất biến của một tín đồ.
Trong Book-note tôi cũng ghi lại những câu thơ, những hình ảnh, ý tưởng mới, lạ, chợt đến với tôi, ở dạng quặng mỏ, trong lúc tôi đang phải làm việc khác.
Lâu lâu, khi có thì giờ, đọc lại và, khi thấy sự khai triển / develope đủ chín mùi thì, cộng với cảm hứng đến trong giây phút nào đó, tôi sẽ dùng chúng làm xương sống cho bài thơ.
Trong book note, tôi cũng một số trang riêng cho:
Những chữ mới (chưa có trong tự điển). Tôi gọi đó là “những con chữ đường phố”.
Những chữ đã chết, hiểu theo nghĩa không mấy ai còn nhớ hoặc sử dụng. Những ghi lại này, với mục đích làm sống lại những con chữ chết đó, thưa anh.
Khi tôi thấy một chữ hay, một cụm từ nào đó thích hợp với ngữ-cảnh của bài thơ nào đó, tôi sẽ dùng chúng – và gạch bỏ ngay, để tránh lập lại.
Tóm lại, một cách đơn giản: Bài thơ là gì? Nếu không phải là tổng hợp của hai yếu tính: Hình ảnh hay tư tưởng cộng với chữ và nghĩa.
Tôi vẫn xin nhấn mạnh rằng, căn bản những bài thơ của tôi, luôn là những gì rút ra từ phần đời riêng của tôi. Hay hoặc dở, tôi không biết. Nhưng chắc chắn nó là của riêng tôi. Và, nó cũng không lập lại chính nó. Muốn được thế, tôi nghĩ, người làm thơ phải có nhiều phần đời phong phú, cả thực tế lẫn tinh thần.
ĐPP: Nói về Du Tử Lê mà không đề cập đến văn xuôi của anh, tôi cho là một thiếu sót lớn. Tính đến thời điểm này- tháng 10 -2015- anh đã phát hành 24 ấn bản văn xuôi; trong đó gồm 8 cuốn truyện dài, 4 truyện thiếu nhi, 4 tập truyện ngắn, 1 tập ký sư, nhận định và 6 cuốn tùy bút; chưa kể đến 2 bộ: Phát Họa 20 Văn Học (1954-1975) và Sơ Lược 40 Năm VHNT Miền Nam (1975-2015). Thật là một số lượng không thể nói là ít được. Một cách sơ lược, xin anh cho biết nguyên nhân và hành trình của anh đến với truyện dài, truyện ngắn cũng như số phận của những cuốn truyện này? Anh có nghĩ rằng truyện của anh không thuyết phục được nhiều độc giả bằng thơ nên anh được mọi người trao tặng danh hiệu là Thi sĩ? Và, nói theo Mai Thảo: “Và Du Tử Lê, trong cái thể thơ càng ngày càng lấp lánh, càng ngày càng tuyệt diệu, và về nhất ở hải ngoại. Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ Áo Vàng, thơ vô địch. thơ về đầu.
“Cái chức vụ đứng đầu đó khó ai có thể thay thế được.”
(Trích “Du Tử Lê, 50 Năm” do Hội Văn Hóa Khoa Học Houston, TX xuất bản tháng 10 năm 2007)
DTL: Cũng như một số nhà thơ khác, khi cảm thấy thơ bất lực, thơ bị giới hạn trước những vấn đề thuộc về tâm cảm, thời thế, đất nước, thì họ thường tìm đến với văn xuôi, nếu có khả năng. Chưa kể thực tế người đọc ở miền Nam cũng như ở hải ngoại hôm nay, văn xuôi (nói chung) vẫn dễ bán hơn thơ.
Vì thế thời trước tháng 4-1975, hầu hết các nhà xuất bản từ lớn đến nhỏ, đều hỏi mua bản quyền truyện hoặc tùy bút của tôi... chứ không phải thơ anh à.
ĐPP: Tôi có đọc 6 tập tùy bút của anh. Theo tôi đó là những tập tùy bút thật cảm động, đầy chất thơ, có thể lấy nước mắt của độc giả. Và đặc biệt! Vâng, đặc biệt là vì, như một kết nối giữa quan-hệ-quê-hương-gia-đình-tình-yêu-bằng-hữu-chiến-tranh của anh với gia tài thơ mà anh đã sáng tác. Nó nói thêm một điều là anh có một vốn sống thật phong phú. Từ tùy bút bước sang hồi ký là một khoảng cách thật gần. Anh có dự định viết hồi ký Du Tử Lê, một cuốn hồi ký đặc biệt là đầy thi tính?
DTL: Cảm ơn nhận xét khá sâu sắc này của anh Đặng Phú Phong. Tất cả các tập tùy bút của tôi có thể nhìn như một thứ Semi – autobiography – Một loại Bán-hồi-ký hay Tự- sự-kể - - Chứ không phải là tùy bút đi ra từ tưởng tượng hoặc, hư cấu.
Có dễ như anh đã nhận biết, đời sống riêng của tôi, có quá nhiều bi kịch, quá nhiều tai họa... Tình yêu cá nhân, tình yêu đất nước, bằng hữu... trong đời thường, cũng cho tôi rất nhiều hàm-lượng; đến mức độ, tôi thấy tôi không thể không ghi lại, như một lời cảm ơn – dẫu cho đó là những lời cảm ơn muộn màng, gửi đến những người liên quan tới những phần đời không đầm ấm của riêng tôi!
Về việc viết hồi ký thưa anh, sinh thời nhạc sĩ Việt Dzũng từng đề nghị tôi viết hồi ký với bản quyền phải nói là rất lớn, với tôi. Tiếp theo là anh Lê Ngọc Ngoạn (từng là chủ nhà in lớn), cũng gợi ý tôi viết hồi ký về cuộc đời mình... Nhưng cho đến hôm nay, tôi vẫn còn ngần ngại!!!
Tôi quan niệm, một khi viết hồi ký thì phải đặt trọng tâm vào những dữ kiện thật, ở mặt xấu nhất của nó. Nếu thế thì hồi ký của tôi, ít nhiều cũng sẽ làm buồn lòng một số người...
Vì thế, nếu cho tới lúc chết, tôi không viết hồi ký thì xin anh hiểu cho:
“Tôi không muốn mang muộn phiền tới cho một số người nào đó!”
ĐPP: Gần đây nhất (2015) anh cho ấn hành hai bộ sách “Phác họa 20 năm VHNT miền Nam 1954-1975” (2 cuốn) - - Và “Sơ lược 40 năm VHNT Việt 1975-2015” (2 cuốn) - - Cộng chung 4 cuốn gần 3000 trang, khổ lớn – Đây là một việc làm, trước hết là dài hơi, tốn nhiều tâm huyết chỉ để, như anh đã viết là để “Tóm lược 60 năm VHNT Việt”. Anh đã hài lòng với 2 bộ sách này chưa? Anh có lời nói thêm nào nữa chăng?
DTL: Trong khả năng giới hạn của mình, tôi xin thú thật rằng, tôi có hài lòng với bộ sách 4 cuốn đó. Tôi hài lòng trong ý nghĩa, hy vọng những ghi nhận sơ lược của tôi về 60 năm VHNT Việt, rồi đây, sẽ được các nhà phê bình văn học, các nhà nghiên cứu nghệ thuật sẽ dùng chúng như một loại sách tham khảo, hay đọc thêm nào đấy...
ĐPP: Tôi nhớ năm 2011, những bức tranh ký tên Du Tử Lê với những tựa tranh toàn là những câu thơ, hay chí ít là những cụm từ đầy chất thơ được trình làng và được rất nhiều người đón nhận. Xin anh cho biết nguyên do nào đã đưa anh đến với hội họa? Và đến lại muộn như vậy?
DTL: Vâng, thưa anh, tôi hiểu câu hỏi của anh có ba phần: phần dùng thơ của mình cho tranh. Nguyên do tôi đến với hội họa và, lý do nào khiến sự tìm đến kia lại muộn màng quá vậy!
Về câu hỏi nhỏ thứ nhất thì, trước khi thực sự đứng trước giá vẽ (nghiệp dư) tôi đã nghĩ, nếu vẽ, tôi sẽ chọn con đường chuyển thể (transform) thơ của tôi qua đường nét và màu sắc. Đó là cách duy nhất để tôi sẽ không có thể “sỏ nhầm giày” của những họa sĩ thứ thiệt, đa số là những bằng hữu tôi hằng quý mến. Thứ đến, lý do tôi đến với Hội họa, nói ra anh đừng cười... nó khá... “miễn cưỡng” anh à.
Số là nhiều chục năm trước, những lúc rảnh rỗi, không biết làm gì, thỉnh thoảng tôi lại nghuệch ngoạc một vài hình tượng gì đó, bà HT, người bạn đời của tôi, chắc thấy... “đặng” nên đã lưu giữ chúng.
Thế rồi cách đây gần 10 năm, sau khi tôi bị mổ lần thứ hai vì bệnh ung thư ruột, chắc vì muốn tôi mất qua nhiều “energy” cho việc viết lách, nên nhà tôi đã khuyến khích tôi nên vẽ... “cho vui”. Tôi không nghĩ mình có thể vẽ được, nên cứ nại cớ này, cớ kia, để lẩn trốn. Cho tới dịp Lễ Độc Lập Hoa Kỳ cách đây hơn 4 năm, nhà tôi cương quyết bắt tôi phải...”bắt đầu”. Không cho tôi lẩn trốn nữa. Người hướng dẫn tôi tới tiệm Arts Supply ở gần ngã tư đường Westminster và Edwards, là họa sĩ Nguyễn Đình Thuần. Anh chỉ tôi mua một vài dụng cụ, cần thiết. Riêng cá nhân anh cho tôi một dao vẽ cũ, một bình nhỏ “Lindseed Oil”, có công dụng pha loãng sơn dầu trước khi vẽ, nếu cần. Và, tôi đã... “lên đường” với mấy tuýp mầu, vài cái cọ và một hai con dao vẽ... như thế.
- Đúng là tôi bước vào cuộc chơi với màu sắc, dường nét quá muộn màng! Khi tôi đã gần 70 tuổi. Nhưng, may mắn cho tôi, ngay ở bước khởi đầu lớ ngớ kia , tôi đã được một số bằng hữu nhiệt tình khuyến khích.
Tôi không biết anh có còn nhớ không? Khi một số tranh đầu tiên của tôi được treo lên bức tường ngoài patio ở vườn sau, thì anh và Đặng Hiền là hai người đầu tiên, ghé thăm và...“ngắm nghía”.
Sau đó, trở về, anh cũng là người đầu tiên viết cho tôi một bài về tranh của tôi, với nhan đề tới nay, tôi vẫn còn nhớ là “Màu xanh vàng phai trong tranh Du Tử Lê”.
Nhà thơ Đặng Hiền thì chụp bức “Chẳng gió nào thổi nữa” (tôi lấy từ câu thơ “trái tim ta như rừng / chẳng gió nào thổi nữa”; để in nơi trang bìa tạp chí Hợp Lưu số 115 (báo giấy) đề tháng 8, 9 &10 2011. Chính những khuyến khích đầu tiên đó, đã dắt tay tôi đi tiếp con đường tạo hình gập ghềnh của mình.
Sau đấy tới phiên các bạn khác, như anh Trần Hoài Thư ở New Jersey, anh Nguyên Khôi ở Dallas... cũng khuyến khích tôi vẽ bằng cách in tranh tôi nơi bìa của tạp chí Thư Quán Bản Thảo, và bìa báo Pháp Âm...
Anh chị nhạc sĩ Đăng Khánh / Phương Hoa là hai người bạn đầu tiên, tổ chức cho tôi cuộc triển lãm cá nhân cực kỳ “hoành tráng” ở Houston, Texas, ngày 7 tháng 10 năm 2012 v.v...
Có một chuyện, tôi nghĩ cũng nên kể lại anh nghe... cho vui! Đó là từ khi tôi “dấn thân” vào cuộc chơi... “cho vui” thì người hà tiện lời khen nhất lại chính là bà H.T. Rất hiếm khi nhà tôi ngỏ lời khen. Nhà tôi luôn luôn nhìn tranh của tôi với đôi mắt “cực kỳ” khe khắt.
Hơn một lần tôi nghe vài bạn tôi thuật lại rằng, nhà tôi nói, nhà tôi không thể khen để tôi, để tôi tránh cho tôi... “lên trời... ngồi!!!”
Brochure triển lãm tranh Tranh Du Tử Lê trang bìa Hợp Lưu
ĐPP: Vừa làm thơ vừa vẽ, anh thấy được tương quan như thế nào giữa thi ca và hội họa?
DTL: Vào sâu cuộc chơi rời tôi mới hiểu thấu câu nói “Thi trung hữu họa” và, “Họa trung hữu thi”.
Cá nhân tôi không thấy một “lấn cấn” nào giữa thi ca và hội họa. Trái lại, những gì tôi không thể nói rõ ràng hơn trong thơ, thì màu sắc và đường nét gíup tôi cụ thể hóa một cách... “rực rỡ”. Hai lãnh vực này bổ khuyết cho nhau một cách tuyệt vời, theo tôi.
ĐPP: Nếu có một sự đánh giá, anh tự thấy sự biến chuyển, thu thập, và ảnh hưởng, nếu có, một trường phái, một họa sĩ nào trên con đường hội họa của anh?
DTL: Có lẽ vì tôi không được đào luyện chính quy từ một trường ốc hội họa nào, mà chỉ là một tay ngang cầm cọ, cho nên, tôi thích tất cả các trường phái. Từ Baroc, Dã Thú, Đa Đa qua tới biểu tượng, Hiện thực, Siêu thực... Ngay cả trường phái Op-Art (Thị Giác) còn được biết dưới tên Three –Dimensional, tôi cũng thích vô cùng. Về các họa sĩ thì tôi thích nhiều người lắm anh. Từ Edouard Manet, Rambrandt, Van Gogh, Picasso, tới Johannes Vermeer, Edward Munch, Diego Rodríguez, hay Jack Vettriano, Whisler, Mikhail Vrubel v.v... Tôi không nhớ hết để kể với anh!
Nhưng thích nhất với tôi vẫn là Leonardo Da Vinci, thơ mộng, và Salvador Dali, cực kỳ dữ dội!
ĐPP: Một câu hỏi mà từ nãy giờ có lẽ độc giả đang chờ đợi, và, phần tôi cũng không thể bỏ qua, là về những mối tình của anh. Thưa anh, anh có thể cho biết những cảm nghĩ rất thật về những mối tình của mình? Có thể gọi là “nhiều” hay không? Anh có thể công khai được bao nhiêu phần trăm về những mối tình ấy? Những phần trăm ấy là…?
DTL: Anh Đặng Phú Phong, anh lại hỏi tôi một câu hỏi quá khó. Nó đụng chạm trực tiếp tới lãnh vực rất nhậy cảm. Lãnh vực tình cảm.
Không biết anh và quý bạn đọc có hài lòng hay không (?) Nhưng sau đây là những gì tôi có thể nói:
- Thứ nhất, bản chất tôi là người nhút nhát, rụt rè, hay ngượng ngập... Có thể vì mặc cảm từ thuở ấu thơ với bàn tay có tật của mình!
- Vì thế. Hầu hết những cuộc tình có trong đời tôi thì, tôi không phải là người chủ động!
- Về số lượng nhiều hay ít, tôi cho là tùy quan niệm của mỗi người. Nhưng tôi đã nguyện với trời đất, với chính mình rằng, nếu có kiếp sau, tôi sẽ sống khác đi, nghiêm cẩn hơn.
Còn ngay bây giờ, điều tôi có thể nói ở đây, một cách thẳng thắn rằng, tôi rất biết ơn tất cả những người phụ nữ đã đi qua đời tôi. Họ là tố chất, là nguồn hứng khởi của tất cả những bài thơ tình của tôi, từ khởi đầu, đến hôm nay.
Không có họ, tôi không có thơ tình. Cũng như những khuynh hướng thơ khác. Thậm chí thơ chiến tranh, thơ quê hương, đất nước, bằng hữu, xã hội, đời thường...
Như lúc nãy, tôi đã trả lời anh Phong rằng, thơ của tôi đi ra từ đời sống tình cảm riêng của cá nhân tôi. Điều đó có nghĩa, mỗi người nữ hay mỗi cuộc tình đều cho tôi một chân trời gần như biệt lập - với hạnh phúc / khổ đau riêng. Với hãnh diện, mặc cảm riêng ở nhiều tầng, cấp khác nhau.
Vì thế, cũng là tình yêu, nhưng ở tôi, không trường hợp nào, giống trường hợp nào! Ngay cả kết cuộc có là những nhọc nhằn, cay đắng chia ly... thì sự kiện đó, ở tôi cũng không hề đồng dạng. Mỗi hoàn cảnh một khác... Tôi muốn nói, chúng cho tôi những vết thương với độ sâu, đậm khác nhau. Như những game màu khác nhau trong tranh vẽ vậy.
- Về mức độ công khai trong văn chương của tôi thì tùy hoàn cảnh, điều kiện...Tôi muốn nói tới sự tế nhị cần thiết, của mỗi cuộc tình mà tôi cho phép mình tái hiện bao nhiêu phần trăm. Gia, giảm hoặc chuyển hóa bao nhiêu phần trăm, để giữ gìn cho người bạn cũ.
Thậm chí, có những trường hợp tôi đã phủ nhận hoàn toàn chuyện tình hay những năm, tháng tôi chung sống với ai đó, khi người đó cho biết, người bạn đời hiện tại của họ, không chịu đựng nổi sự thật...
Tôi không biết có phải nhờ thế mà mỗi bài thơ của tôi là một nhân dạng, một chân dung khác hẳn nhau chăng?./
Trích trong “Bên Kia Con Chữ & Nghệ Thuật”
Chương Văn xuất bản 2015.