Hà Quảng tên thật Đoàn Văn Khánh, sinh ở Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), lại có duyên ở Đức Nhuận (Mộ Đức, Quảng Ngãi); phát hành ba tập thơ: Con sóng tình yêu (2010), Thao Thức (2013), Mưa hoang (NXB Văn học, 2015).
Tôi gặp anh khá tình cờ, do một người bạn ở Hội văn học nghệ thuật địa phương giới thiệu. Từ đó, mỗi lần nhớ quê rong chơi, lại cà phê với anh.
Lần mới đây, anh trân trọng tặng tôi tập thơ Mưa hoang tại quán cà phê Nhà cổ.
Đọc đến trang 27, tôi thấy phải viết đôi dòng về Mưa hoang.
Có điều gì giữa em và biển
Sao lòng anh nôn nao
Có phải em là biển
Để anh hoài khát khao?
(Trước biển, tr 26-27)
Em là biển, hay biển là em, một sự ám ảnh cháy bỏng, một câu hỏi khó có lời giải. Tôi tự tra vấn: thơ anh như một cây xanh, vậy cảm hứng từ mạch nguồn nào? Có phải dòng sông Vệ, cánh đồng lúa vàng, hay biển, nhưng trên hết rễ từ đâu, nhận từ nhựa nào. Có phải ẩn dấu chính là tình yêu và kết dệt chúng, có phải: em, người đã nuôi nấng thơ anh. Dù trên bình diện nào, người đọc cũng dễ gần thơ anh, như hơi thở của cuộc sống cần mẫn, như một chiều quê hương rạ thơm lừng. Tôi thích khi dịu dàng, biển và em “trầm ngâm suy nghĩ”, lúc giận nhau, biển và em “cuồng si dông bão”. Thơ như một sự mời gọi, một tiếng vọng, tiếng thét, khiến người đi muốn trở về để nghe “biển cất cao tiếng hát”. Hãy bước tiếp vào vương quốc “Mưa hoang” đang mở ra nhiều thứ hay hay. Ta sẽ gặp mưa Đồng Cát:
Chiều Đồng Cát loang tím
Gió sông Thoa tràn về
Em xa mờ heo hút…
(Chiều mưa Đồng Cát, tr 30, 31)
Ta trôi theo nỗi hắt hiu ngạt ngào trong “ly cà phê chờ đợi/ tí tách từng giọt rời” với hy vọng lặng lẽ vào “cõi miền mờ ảo”, biết đâu em còn nghĩ đến ta? Cũng như có lần ta từng mong “Thời gian đừng qua mau” để em ở lại, em ngồi đó dù dòng Trà nước đầy, nước cạn, thu đi, thu về trong tiếng tích tắc buông lơi. Nhưng rồi em đi, lại “gieo vào lòng anh / nỗi nhớ” không hình, không ảnh mà vồ vập như con sóng làm ta chơi vơi, biết trách ai, hay chỉ trách “mấy chú ve sầu”:
Sao chiều nay không cất lên tiếng hát
Gọi ngàn yêu thương khi trời đất chuyển mùa.
(Nỗi nhớ, tr 34, 35)
Thực sự nỗi nhớ lặp đi, lặp lại, xuất hiện như sợi chỉ xuyên suốt tập thơ, trở thành “dông bão lòng anh”. Hà Quảng là thế, trầm tư, buồn nhớ chảy vào trong, vì thế thi sĩ biết lắng nghe, chờ đợi, chịu đựng, đó chính là mạch nguồn kết nên thơ anh, tạo nên cái hồn thu hút, hấp dẫn.
Em có nhặt chút nhớ thương còn sót lại
Trên tàng cây khi trời đất chuyển mùa.
(Bao điều chưa nói, tr 36, 37)
Có thể, phải nhớ lắm, thương nhiều, Hà Quảng mới viết những dòng tâm phục: “anh cảm thấy cô đơn, cô đơn trong câu thơ”(Bão từ phía em), cô đơn trong mối quan hệ với em, không phải cô đơn theo kiểu “siêu hình”, không phải cô đơn như một “hữu thể đơn độc”, theo tôi. Và chính anh cũng đã tự giải thích:
Tình yêu sao lạ quá
Không sắc vị mùi hương
Không ngải bùa mộng mị
Sao tơ lòng vấn vương?
(Bên kia nỗi nhớ, tr 40, 41)
Hà Quảng nói về một điều rất cũ nhưng luôn luôn mới, anh đã thời sự hóa một đề tài vĩnh cữu: tình yêu. Phải tinh lắm thi sĩ mới bộc bạch:
Anh lắng nghe âm thanh của gió
ngàn âm thanh vọng từ con tim
ngàn âm thanh gieo vào
nỗi nhớ trào dâng.
(Em vẫn là em, tr 55).
Trong cơn khát yêu em: “Anh muốn trở thành giọt nước/ trước mắt em/ trong cơn khát…” (cơn khát mắt em, tr 61).
Uống mà vẫn khát, càng uống càng khát, có khi anh đuối trong mắt em mà anh không biết, không hay, để đến một ngày thức dậy, anh nói ra thơ, viết ra thơ, ngồi ở đâu cũng làm thơ. Thơ đến với anh như khí trời và nhờ vậy anh bình thản, tin tưởng và như chưa bao giờ thấy hư hao. Ai đó bảo thơ Hà Quảng “có cớ”, tôi thêm vào thơ anh “có duyên”, cái duyên đằm thắm, nồng nàn, không vồ vập, vội vàng, mà trào dâng như sóng vỡ.
14-2-2016