2. HÒ KHOAN LỆ THỦY, MỘT LOẠI THỂ DÂN CA ĐẶC SẮC.
Trên mảnh đất này, trong gian khó của cuộc sống đã hình thành những hình thức sinh hoạt văn hóa phong phú, đặc sắc. Một phong cách riêng của đất miền Bình – Trị - Thiên. Khác với những nơi khác, dân ca là thú tiêu khiển, thậm chí chỉ phục vụ cho một giai tầng cao của xã hội ở chốn cung đình, ở cửa nhà quan. Vậy nên, mới có cách diễn xướng chỉ của một nhóm nghệ nhân với không gian biểu diễn có quy ước. Còn ở Lệ Thủy, hò khoan là của mọi người lao động, gắn liền với lao động, ai cũng có thể tham gia, càng đông càng rạo rực.
Từng làn điệu, từng câu ca lung linh như ngọc, mềm mại như dãi lụa đào, duyên dáng như bông hoa e ấp trước gió, chuyên chở ở trong đó biết bao tâm tư, nếp nghỉ, đạo lý, nhân duyên. Chúng nằm trong từng câu của thể lục bát, song thất lục bát ý nhị, mượt mà, ai cũng có thể nhớ, có thể cảm. Nó quyện trong khói lam chiều của mái tranh quê, cây da, bến nước, trăng thanh, gió mát êm đềm của mỗi thôn cùng, xóm nhỏ.
Từ bao đời nay, hầu hết những câu hò đã được nâng niu giữ gìn sau lũy tre xanh, trau chuốt thêm, sáng tạo thêm. Làm cho nó ngày càng lung linh, ngày càng phong phú. Cứ đọc, cứ nghe về nó ta cảm nhận được tâm hồn, tư tưởng, khát vọng của cha ông và cũng là khát vọng của chính mình.
Đã từ lâu, chúng ta đã nghe nhiều, đọc nhiều về ca dao dân ca Việt Nam. Biết nhiều về dân ca Bình Trị Thiên da diết, mượt mà, nồng nàn tình yêu. Song chúng ta chưa biết nhiều về hò khoan Lệ Thủy. Cũng đã có một số chuyên khảo về dân ca miền Trung, một số sưu tầm, nghiên cứu về hò khoan Lệ Thủy. Song vẫn chỉ dừng lại ở sưu tầm các bài hò là chính, chưa nói hết được đặc trưng phong phú về nội dung, làn điệu, diễn xướng, lớp lối của hò khoan. Vì vậy, để thấy được hết cái hay, cái đẹp của hò khoan thì cũng nên làm rõ về nó.
2.1 Mô tả về hò khoan Lệ Thủy.
Hò khoan là một trong những bộ phận cấu thành của dân ca miền Trung nói chung và dân ca Bình Trị Thiên nói riêng. Do đặc điểm truyền khẩu và tính tương đồng về văn hóa, chúng ta có thể bắt gặp hò khoan ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Bình Định… song nó cũng đã có những biến tấu nhất định về giai điệu hoặc cách diễn xướng. Ngay cả trong phạm vi của tình Quảng Bình, hò khoan vẫn là đặc trưng của Lệ Thủy, vùng chiêm trũng, sông nước. Ở Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên, Minh hầu như không có hò khoan.
Hò khoan Lệ Thủy là một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian, xuất hiện trong quá trình lao động sản xuất. Vì vậy, hò khoan là một hình thức sinh hoạt văn hóa mang tính tập thể rất cao. Thường thì một, hoặc một vài người lĩnh xướng còn đám đông đế, xố, phụ họa theo những cách thức riêng của từng làn điệu. Thông thường người đế, xố, phụ họa là đám đông có mặt, bao gồm già trẻ, gái trai hoặc những người cùng lao động, sản xuất, không có giới hạn số lượng, nên hiệu ứng đám đông hưng phấn rất mạnh.
a, Quy ước tổ chức
Trong hò khoan, người ta quy ước rõ kiểu cách tham gia của từng thành viên. Bao giờ cũng có “hò cái” và “hò con”. Khi hò, hò cái là người “lĩnh xướng”, còn hò con là người “xố”. Mỗi câu hò thường thì chỉ có một người lĩnh xướng, còn người xố thì có thể một hoặc tất cả đám đông có mặt, người ta gọi là “hội xố”. Điều này rất thú vị vì tính quần chúng của nó và nó thu hút đám đông rất mạnh mẽ, tạo ra hiệu ứng rất rộn ràng.
Trong tổ chức hò khoan có hai hình thức sinh hoạt tự phát và tự giác. Hình thức tự phát thường diễn ra trong quá trình lao động. Bên này, bên kia có thể cách nhau một con sông, một quãng đồng, một thửa ruộng. Bên này hò thì bên kia xố và ngược lại. Tuy nói là tự phát, có nghĩa là không có sự chuẩn bị trước nhưng hễ cứ xướng lên là người khác có thể vào cuộc được ngay. Vì rằng những làn điệu hò và cung cách xố đã định hình trong tiềm thức của người dân Lệ Thủy. Thậm chí, tùy khung cảnh và quy mô giao tiếp người ta có thể lựa chọn làn điệu cho phù hợp. Nếu bạn hò chỉ một hoặc vài người thì người ta thường dùng mái ruỗi, mái ba, mái nện… Còn nếu bạn hò đông như là cả phường cấy, phường gặt thì người ta dùng mái xắp, mái chè. Cuộc hò có khi chỉ kéo dài trong vài chục câu hò cho vui vẻ. Bên này hò cái thì bên kia hò con, không có tính ganh đua.
Hình thức tự giác là các cuộc hò có địa điểm tổ chức cụ thể. Có khi đó là sân kho chứa lúa, sân đình, tụ điểm sinh hoạt của làng. Hò tự giác thường gắn liền với giã gạo. Trong cuộc hò tự giác thì có quy ước trình tự cuộc hò, có lớp lang hẳn hoi. Đi từ hò mời, hò chào, hò gần, hò giữa, hò xa cách, từ tạ. Những cuộc hò như vậy thường được tổ chức nhân dịp hội mùa, hội làng, hội đua thuyền cầu mưa hay những đêm trăng sáng, các bạn hò có nhu cầu giao lưu. Thường thì các cuộc hò tự giác có tính ganh đua quyết liệt. Bên nam thách đố bên nữ, làng này thách đố làng kia. Cuộc hò nhiều khi nóng lên do “cay cú”. Nhiều cuộc người hò có sự chuẩn bị chu đáo, không khí thi đua, ăn thua rõ rệt. Những lúc này cuộc hò trở thành điểm hẹn để trai gái giao duyên. Người già thì hưởng cái thú vui tao nhã, bác học của lời hò, kỹ thuật luyến láy, nhả âm. Các nghệ nhân thì tha hồ mà trổ tài, khoe giọng. Nhiều cuộc hò say mê, thâu đêm không dứt.
b, Diễn xướng trong hò khoan
Như đã nói, có đến hơn 20 hình thức lao động, sinh hoạt có diễn xướng hò khoan. Vậy diễn xướng là gì? Diễn xướng là tổng thể các phương thức nghệ thuật, cùng thể hiện đồng nhất giữa ca hát và hành động của con người theo chiều thẩm mỹ. Diễn xướng khác với biểu diễn, trình diễn và nó chỉ có trong sinh hoạt dân gian phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, môi trường sống. Diễn xướng liên kết, gắn bó mọi người có mặt. Biểu diễn thì có người diễn, người xem, người xem không tham gia vào biểu diễn. Còn diễn xướng thì cả người diễn và người xem tham gia cùng diễn với nhau.
Khi nghiên cứu về dân ca thì thấy rằng, các hình thức dân ca khác của các vùng miền đều có môi trường sinh hoạt mang tính cung đình, có sân khấu biểu diễn, trình diễn. Từ Chèo, Quan họ, Ví, Dặm, Xoan, Xẩm, Lý, Tuồng… ngoài bộ phận diễn xướng mang tính quần chúng đều có bộ phận biểu diễn mang tính sân khấu, cung đình. Riêng hò khoan chỉ gắn với môi trường lao động, môi trường sinh hoạt quần chúng nên nó chỉ có diễn xướng. Cả trong những trường hợp người ta tưởng như đó là biểu diễn như các cuộc hội thi hò khoan. Tuy có sân khấu, có tổ chức hẳn hoi nhưng diễn viên với quần chúng vẫn hòa nhập với nhau làm một trong vai trò của hò cái và hò con. Trong lịch sử thì cũng đã có một số nghệ nhân ở Huế tổ chức sân khấu hò khoan nhưng không tồn tại lâu. Do đặc điểm này nên hò khoan hình thành những “sân khấu” đặc biệt. Đó là những hình thức diễn xướng hò khoan. Có thể kể ra đây những hình thức diễn xướng của hò khoan để minh chứng. Theo kêt quả khảo sát, có gần 20 hình thức lao động khác nhau có diễn xướng hò khoan: chèo thuyền, giã vôi, nện đất, cất nhà, giã gạo, cấy lúa, gặt lúa, cày ruộng, đám cưới, đám ma, đánh cá, kéo gỗ, đẩy thuyền, đi ở, thợ nề, thợ mộc… Trong thời kháng chiến còn có hò địch vận. Tùy theo nhịp độ, phương thức lao động mà chọn làn điệu cho phù hợp. Cũng có thể trong một hình thức lao động đó có đến vài ba, hoặc cả năm làn điệu được diễn xướng. Người ta chuyển từ mái ruỗi sang mái xấp, mái ba, mái nện… rất uyển chuyển. Chẳng hạn, khi giã gạo chày đôi, tiết tấu chậm thì người ta dùng mái nện, nhưng khi chày tư thì tiết tấu nhanh gấp đôi người ta dùng mái xắp. Trong hò đưa linh, khi linh cữu còn để trong nhà người ta dùng mái ruỗi kể lể buồn đau. Khi đưa xuống thuyền chèo đưa lên núi người ta dùng mái nện. Lúc đặt quan tài xuống huyệt, lấp đất người ta dùng mái nện, mái xắp, mái chè. Sự kết hợp nhuần nhuyễn đến mức không chỉ có bạn hò mà con trâu kéo gỗ cũng biết lắng tai nghe đến đoạn dứt câu hò là nó giật mạnh, kéo gỗ đi băng băng.
Trong hò khoan, không có phân biệt diễn viên với khán giả. Chỉ có hò cái và hò con. Cái hò thì con xố. Và vai diễn này cũng không cố định. Lúc này họ là hò cái và lúc sau họ lại đóng vai hò con “tất cả đều là nghệ sỹ”. Cái cách diễn xướng này làm cho ai cúng sảng khoái.
Cách tổ chức và hình thức diễn xướng chủ yếu của hò khoan là hát đối đáp hai bên. Ít nhất cũng phải có hai người hát. Một bên hò, một bên xố. Ở những môi trường hò có tổ chức theo cuộc hát thì hò phải theo đúng từng “chặng” từ chào mời, vào cuộc giữa cho đến giã từ… Trong khi hò, tính ngẫu hứng sáng tạo là rất cao nên cách diễn xướng cũng thường rất sáng tạo.
c, Các làn điệu (nái)
Hò Khoan Lệ Thủy có 5 làn điệu cơ bản, (có tài liệu nói 6 làn điệu, 9 làn điệu) nhiều người gọi là “mái”. Mái là cách gọi mang tính dân gian, còn ở khía cạnh nghiên cứu thì phải gọi là làn điệu. Mỗi làn điệu (mái) có cấu thức âm nhạc riêng, đó là: mái xắp, mái nện, mái chè, mái ruổi, mái ba. Một số nhà nghiên cứu cho thêm mái nhì vào nữa thành 6 mái. Nhưng có lẽ mái nhì là hò Huế, nó rất phổ biến ở Huế. Và thường được diễn xướng khi chèo thuyền trên sông, không có lớp xố của bạn hò (hò khoan Lệ Thủy dứt khoát là phải có lớp xố). Có người cho thêm hò nậu xăm, hò khơi của đánh cá vùng biển, hò lĩa trâu trong lúc kéo gỗ trên rừng để tính thành 9 mái. Ở đây chắc có sự nhầm lẫn giữa làn điệu với môi trường diễn xướng. Kéo gỗ, đánh cá là hình thức lao động có diễn xướng hò khoan. Trong khi đánh cá người ta có thể hò mái ruỗi, mái ba…
Mỗi làn điệu có tiết tấu âm nhạc, cách ngắt câu, lớp xố khác nhau. Những tiết tấu và những quy ước diễn xướng đó có căn nguyên từ trong nhịp điệu, tiết tấu của lao động. Lúc dồn dập, khi khoan thai, lúc nhẹ nhàng, khi nặng nhọc. Nhiều khi những tiết tấu đó nhằm để tập trung động lực của đám đông mà ở mỗi người đơn lẻ không thể làm được, như khi đẩy thuyền qua chỗ cạn, khi chống chèo ghe lớn qua chỗ nước xiết, gió ngược, khi cất nhà.
Mái ruỗi, (còn gọi là mái rải, mái dài) thuộc nhóm những mái hò sông nước chậm rãi, khoan thai. Cấu trúc của nó phân thành ba câu, cứ sau một câu là có một vế xố. Nó rất gần với hò mái nhì ở Huế. Người ta thưởng thức mái ruỗi ở chất nghệ thuật của giọng hò, giai điệu trầm bổng và ý tứ sâu xa của lời hò. Mái ruỗi không cần phải đi theo lớp lang như chào, mời, hò gần, giã từ… mà đi vào hò gần luôn. Lời hò không bị khuôn phép trong phạm vi của lục bát hoặc song thất lục bát mà có thể dài ngắn tùy ý, vô chừng. Quy ước về cách đế, xố của hò con cũng có khác với các làn điệu khác. Đoạn lời xố của mái ruỗi chỉ có ba từ “ơi dô hò”. Nó như lớp sóng tiếp theo để đẩy cho lời hò của hò cái lên cao hơn, vang vọng thêm ra. Cảm nhận của người nghe rất mênh mông.
Cái hò: Chờ cho trọn nghĩa, ơ hơ hờ, nghĩa ơ hơ tình
Con xố: Ơi dô hò
Cái hò: Thiếp nguyện cùng chàng sông sâu đò nặng.
Chàng nguyện cùng thiếp biển vắng chùa linh.
Chứ thiếp đây cũng có nơi cung phụng ghé mình.
Lòng vẫn ôm duyên mà đợi, hô hơ hờ, cho trọn nghĩa tình.
Con xố: Ơi dô hò
Cái hò: Ơ mà nghĩa tình ngày xưa.
Con xố: Ơi dô hò.
Câu hò đầu của hò cái thường là song thất lục bát, hoặc song thất lục bát biến thể (do có những từ láy, từ đệm). Đôi khi chuyện hò kể lễ nên câu hò dài thêm. Câu hò thứ hai là vế thứ hai của câu tám sau cùng để cho hò con xố, sau đó là bắt vào câu mới.
Mái ba, cũng là một làn điệu gắn với sông nước, là mái hò tiêu biểu về tính linh hoạt trong ứng tác. Cách bố cục, phân câu, ngắt nhịp rõ ràng. Hò mái ba chủ yếu là thể lục bát hoặc biến thể của lục bát. Câu hò đầu là hai vế của hai câu năm, hai câu sáu hoặc hai câu bảy. Hai câu hò sau là hai vế của câu tám. Hò mái ba thường dùng khi thuyền nặng, đi qua những quãng sông chảy xiết, ngược nước, ở nơi đầm phá gió to. Lúc này, ngoài chèo ra còn phải có chân sào mạnh tay chống đẩy, nên tiết tấu loại hò này nhanh khỏe hơn, quãng ngân hơi ngắn hơn. Lời hò, tình ý cũng thắm thiết song rõ ràng hơn. Đế xố của hò con cũng gọn gàng dứt khoát hơn. Mặt khác, mái ba cũng thường được vận dụng trong hò đối đáp, giao duyên trong những gặp gỡ đông người, nên có những giai điệu gần với hò mái xắp, vui tươi, rộn ràng. Cách đế xố của hò con lặp đi lặp lại trong vế “hò là hô là khoan”. Nó như là chỉ để cầm chịch, giữ nhịp cho hành động lao động của đám đông. Ít có giá trị về âm nhạc.
Cái hò: Hô khoan, dù ai xuyên tạc lá lay, ta vẫn chung thủy, ơi hò
Con xố: Hò là hô là khoan
Cái hò: Chung ơ thủy, ơi hò,
Con xố: Hò là hô là khoan.
Cái hò: chớ đổi thay mà tội trời, ơi hò
Con xố: Hò là hô là khoan.
Đặc trưng của bài hò mái ba là thường chỉ có ba câu và không lệ thuộc vào niêm luật của lời thơ. Vì vậy hò cái rộng đường hơn, dễ phá cách hơn trong ứng tác. Để giữ nhịp cho hò con xố, hò cái thường dùng cụm từ đệm “ơi hò” ở cuối mỗi câu hò.
Mái xắp, là làn điệu hay dùng trong khi giã gạo. Vì vậy, ngoài tên gọi của nó nhiều người vẫn quen gọi là hò giã gạo. Thực ra hò mái xắp không chỉ diễn xướng trong môi trường giã gạo. Mà nó có thể có cả lúc cấy lúa, nện đất, đưa linh, nhất là trong các buổi gặp mặt đông người. Hò mái xắp có quy ước khá chặt chẽ. Kết cấu của một bài hò mái xắp có bốn vế theo thể song thất, lục bát. Câu hò đầu của mái xắp là hai vế song thất. Kế đó là một vế xố dài “hơ khoan ơi là hố khoan ơi hò khoan”. Tiếp đó là hai câu hò với hai vế xố ngắn “ơi là hố”. Câu hò cho vế xố ngắn thứ nhất được ngắt ở vế đầu của câu tám. Câu hò sau cùng là vế thứ hai của câu tám. Đôi khi để luyến láy phô diễn giọng hò người ta lặp lại vế đầu của câu tám. Xố dài như là sự hưởng ứng, khích lệ hò cái. Xố ngắn ngắn như là một nhịp đệm để hò cái phô diễn tài năng ứng tác, thúc đẩy sự sáng tạo. Nhịp điệu vui tươi của mái xắp rất phù hợp với bối cảnh giao duyên nên thường được tổ chức thành các cuộc hò tập thể. Một cuộc hò thường có lớp lang hẳn hoi, đi từ hò mời đến hò gần, hò giữa rồi hò xa cách, từ tạ. Cái đoạn sinh động nhất là hò giữa, ở đó bạn hò thi thố tài năng qua các lối hò đố, đâm bắt, xấc leo, hò ghễnh…tha hồ mà ứng tác. Quy ước về hò cái và hò con ở loại này cũng khá chặt chẽ. Tiết tấu nhanh, khỏe, vui tươi, rộn ràng.
Cái hò mở: Hôi khoan, xin mời các bạn xố con.
Con xố: Ơi là hố
Cái hò: Thiếp chờ chàng tấm phên hư nuộc lạt đứt,
Chàng chờ thiếp khi đắng nước, nghẹn cơm.
Con xố: Hơ khoan ơi là hố khoan ơi hò khoan
Cái hò: Ba trăng ơi là mấy mươi hôm
Mai nam vắng trước,
Con xố: Ơi là hố
Cái hò: Mai nam vắng trước chứ chiều nồm quạnh sau.
Con xố: Ơi là hố
Mái chè, được cấu trúc một đoạn ba câu với ba vế xố. Thường là thể thơ lục bát, trong đó câu tám được bẻ làm đôi cho hai vế xố. Cách hò mái chè đơn giản và ít khi phải thêm từ đệm lót. Tiết tấu của mái chè hơi nhanh, đều đặn. Thường thì mái chè được sử dụng khi làm những công việc nhẹ nhàng, không gian lao động nhỏ hẹp. Người ta chỉ lên bổng, xuống trầm theo một tiết tấu đều, nhẹ nhàng, hơi lưu luyến như lời chia tay, giã từ. Người hò có thể vừa làm việc vừa hò mà không ảnh hưởng gì đến công việc. Vì vậy, hò mái chè thường được diễn xướng khi đạp xe nước, đập đất trồng hoa màu trên đồng, nện nền nhà, nện sân. Tính cân đối khi hò và xố của hò cái và hò con làm cho người ta cảm thấy có đi có lại, giao duyên với nhau mà quên cả mệt nhọc. Cách xố của hò con là sự lặp lại của hai cụm từ “là hô là khoan” và “là bơ hò khoan”. Trong đó vế xố “là bơ hò khoan” ở giữa.
Cái hò: Mình về ta cũng theo về.
Con xố: Là hô là khoan
Cái hò: Sum vầy phu phụ,
Con xố: Là bơ hò khoan
Cái hò: Giàu nghèo ta có nhau.
Con xố: là hô là khoan
Thông thường trong một cuộc hò, để kết thúc, chia tay người ta thường dùng mái chè. Cái giai điệu có phần thỏa mãn, có phần luyến tiếc như buông một dấu chấm hết, hẹn gặp lại.
Mái nện, thường được hò khi chèo thuyền, khi cày ruộng hổi, khi đưa linh. Bởi vậy giai điệu hò chậm rãi, thong thả. Khác vơi mái chè, đều đều, cân đối, qua lại, mái nện có sự biến tấu trong diễn xướng. Lời hò thể song thất lục bát, chia làm hai câu không đều với hai lần xố. Câu một lời hò dài, lối diễn xướng như nói, như kể lể với vế xố dài “I bơ hò khoan”. Câu hai ngân lên như hát, lời ngắn với lời xố đơn “hố” nên gây được hiệu quả biến đổi thú vị, không nhàm chán như mái chè. Vào đầu mái nện bao giờ cũng có câu hò mở có tính tự tình. Câu hò cái và lời xố của hò con cũng rất dứt khoát, mạnh mẽ, có tính đồng tình để mọi người đòng lòng, hiệp sức cho công việc.
Cái hò: Là hỡi chàng ơi
Thiếp chờ chàng ba năm ni chặn.
Bữa thì nguyệt lặn, bữa sao mờ.
Bây chừ mới hiểu rỏ tri cơ
Chứ chàng yêu thương ơi mà có chốn, ơi hò
Con xố: I bơ hò khoan
Cái hò: Có chốn thiếp lại chờ, ơ hò
Thiếp lại chờ cho uổng công, ơi hò
Con xố: Hố
Rõ ràng, cách ngắt câu của hò cái cho bạn xố chỉ diễn ra ở câu tám sau cùng. Cách thức thêm vào những từ đệm, từ láy, nhấn nhá ở đây chủ yếu là để phô chất giọng, tạo hiệu ứng âm thanh. Vì vậy, mái nện luôn được thể hiện trong những câu hò tình tứ, thiết tha.
Tóm lại, hò khoan Lệ Thủy có năm làn điệu (mái) cơ bản như đã nói. Còn những mái hò được nhắc đến trong một số tài liệu như “nậu xăm”, “hò khơi”, “hò lĩa trâu” cấu thức âm nhạc, đế xố của nó chưa rõ ràng nên chúng ta cần nghiên cứu thêm.
d, Lối hò trong hò khoan
Trong quá trình phát triển, từ những làn điệu cơ bản đã nói, các nghệ nhân dân gian đã sáng tạo ra các “lối hò”. Lối hò, nói cách đơn giản đó là kiểu hò. Kiểu giao duyên, kiểu nhân nghĩa, kiểu điển tích, kiểu ghễnh ghẹo… Trong mỗi kiểu hò có thể có nhiều làn điệu. Các lối hò như những khuôn mẫu định sẵn để người ta thi thố tài năng. Hò khoan lúc này nó không còn chỉ dành cho lúc lao động nữa, mà nó đã trở thành những hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng sau những ngày lao động mệt nhọc, khi đồng áng rỗi vụ, nông nhàn. Sẵn có câu hò khoan, các bạn hò, trai thanh, nữ tú tụ họp với nhau nơi đình làng, dưới gốc đa để hò đố, hò ghễnh, xấc leo, đấu trí, giao duyên, trao đi, đổi lại. Người ta nhận ra nhau, người ta cảm nhau vì câu hò thông minh, vì giọng hò trong trẻo, vì cách đối đáp lưu loát, vì lời nhắn gửi ý nhị. Lúc này, hò khoan đã trở thành một thứ nghệ thuật trình diễn rồi, có tính ganh đua, ăn thua rồi. Có thể kể ra đây nhiều lối hò quy ước sưu tầm được trong dân gian: hò nhân nghĩa, hò nhân nghĩa xa cách, nhân nghĩa kết vấn, hò giao duyên, hò xa cách, hò xa cách kết vấn, hò đền ơn, hò đâm bắt, hò bồn ba, hò đố, hò xấc leo, hò đấu trí hò ghễnh, hò thợ mộc, hò lĩa trâu, hò Kiều, hò Tam Quốc, Lục Vân Tiên, Lưu Bình - Dương Lễ, Thoại Khanh – Châu Tuấn, hò đưa linh, hò lính mộ, hò bài chòi… Nội dung cuộc hò xoay quanh những chủ đề đó, lối đó mà ra đề, mà đối đáp, so tài thấp cao. Người ta nhận biết lối hò qua nội dung câu hò. Đủ thấy hò khoan không đơn giản chỉ là chuyện ứng khẩu với nhau theo thể thơ lục bát, song thất lục bát anh em, chàng nàng nữa mà hiểu biết về những tác phẩm văn học lớn, những điển tích đông tây. Lấy đó mà vận vào tình huống mà ứng đối, quả là uyên thâm, tài tình.
Tuy nhiên, qua khảo cứu thì thấy rằng cách phân chia lối hò như cách gọi tên nói trên là chưa đúng, chưa rạch ròi. Hay nói cách khác, chưa có tiêu chí cụ thể cho việc xác định lối hò. Vậy đâu là tiêu chí để xác định lối hò. Theo tôi, nên dựa vào nội dung tư tưởng của câu hò mà xác định. Chẳng hạn, lối hò nhân nghĩa là những câu hò có nội dung nói về đạo đức, lối sống, đối nhân xử thế. Hò giao duyên là những câu hò có nội dung thổ lộ, bày tỏ tình cảm của đôi lứa yêu nhau. Còn hò Kiều, Tam Quốc, Lục Vân Tiên, Lưu Bình – Dương Lễ… là việc mượn nội dung của các tích chuyện đó mà nói ý. Nó có thể vận dụng trong hò nhân nghĩa hoặc hò giao duyên. Hò lính mộ có nội dung tố cáo xã hội bắt phu, bắt lính. Hò đưa linh, có nội dung phục vụ cho đưa tang. Hò bài chòi là hò trong trò chơi bài tới giải trí. Sau này, trong quá trình phát triển ở Lệ thủy còn có lối hò địch vận, hò chống Mỹ. Thậm chí cụ thể hơn có hò tuyên truyền chống gián điệp.
Vì vậy, để rạch ròi hơn trong phân biệt lối hò chúng ta dựa trên tiêu chí cơ bản là chủ đề nội dung “cái tôi trữ tình” trong câu hò. Nói cách khác, câu hò ấy ý nói về cái gì? Từ đó có thể nhận diện các lối hò trong hò khoan có: Hò nhân nghĩa, hò giao duyên, hò đố, hò ghễnh, hò đâm bắt, hò bồn ba, hò đưa linh, hò bài chòi… Trong mỗi lối hò người ta có thể sử dụng nhiều làn điệu khác nhau.
2.3 Nhạc cụ cho hò khoan
Chỉ có trong các buổi diễn, thi thì mới dùng đến Nhị, Hồ, Sáo, Trống, Sanh… (bộ dây và bộ gõ của dân ca) còn thông thường, nhạc cụ cho hò khoan chỉ là những thứ đơn giản, gắn với công cụ lao động như chày giã gạo, mõ tre, sanh, gậy, mâm đồng, không có gì cả thì vỗ tay bắt nhịp… những thứ gì có thể tạo ra âm thanh cho “rập ràng” là được. Có một số thứ “nhạc cụ” rất độc đáo thường được người hò dùng đến một cách ngẫu hứng. Ví như, cặp chén uống trà, thứ vật dụng có sẵn trong các buổi giao lưu. Âm thanh lanh canh, lách cách của nó thật riêng biệt. Khi rung lên nó vang vang xao động khán trường, kích thích sự hứng khởi. Ví như, cái chày giã gạo, bạn hò dùng nó khắc nhịp, mỗi khi nhấc chày lên là gõ nhẹ xuống tang cối. Giã chày đôi thì nhịp gõ khoan thai người hò dùng làn điệu mái ruỗi, mái ba. Khi chày tư, nhịp chày dồn dập, tiết tấu nhanh, người ta dùng mái xấp, mái chè. Những đêm trăng sáng mở hội hò khoan, đứng bên này sông Kiến Giang vần nghe tiếng chày rập ràng vọng lại từ bên kia sông. Nó cuốn hút đến nỗi, không có đò ngang thì cởi áo bơi qua sông để dự cuộc hò. Người Lệ Thủy trước đây mỗi khi làm nền nhà, làm sân phơi bằng đất thường trộn thứ đất dẻo rải lên rồi dùng một đoạn gỗ được đẽo thành hình như con vịt, gọi là cái “bê” để vỗ mặt đất cho chặt, cho phẳng. Mỗi lần như vậy họ cũng lấy nhịp “bê” đất rập ràng cầm nhịp cho hò khoan. Có ai nghờ rằng khi chèo thuyền mà gặp cuộc hò khoan, người chèo thuyền lấy bàn chân dẫm mạnh xuống thuyền tạo thứ âm thanh như tiếng trống đùng đục, dùng mái chèo vỗ xuống nước mỗi khi bập chèo xuống bùm, bùm để làm nhịp đệm. Đến cả khi chôn cất người chết, đám âm công trong bộ đồng phục xanh, tay cầm dùi đầm đất, cất bước đi vòng quanh mộ, nhấc lên, nện xuống nhịp chày rập ràng tạo nhịp cho hò khoan. Tất cả, tất cả những gì là công cụ lao động đều trở thành “nhạc cụ” cho hò khoan. Cái độc đáo của hò khoan là chỗ đó. Nó là thứ sinh hoạt văn hóa của người lao động, gắn với lao động.