Tôi rất thích được thức dậy trong đêm để chuẩn bị khởi hành cho một chuyến đi. Màn đêm có một sự quyến rũ đặc biệt và dường như khi thành phố ngủ yên có nắm giữ một bí mật nào đó và sự huyền bí chỉ bị khám phá lúc mặt trời sắp mọc. Trong sự tĩnh lặng tôi có thể nghe được tiếng động rất khẽ của những người đang tất bật để chuẩn bị hàng cà phê hay thức ăn sáng cho những vị khách thức dậy sớm đang đi bộ thể dục quanh khu nhà. Trong bóng đêm lờ mờ đó tôi thường bị thu hút bởi những ánh đèn hay bởi những mùi vị phát ra từ những quán phở, quán hủ tiếu hay bún bò Huế
Thời điểm ấy tôi không bị những tiếng ồn giao thông trên đường phố hay những tiếng còi inh ỏi làm phiền ... và nhờ thế mà quên đi cái cảm giác khó chịu là đang sống trong một thành phố lớn và hiện đại.
Trong một không khí như vậy tôi đã chuẩn bị một chuyến đi về Quy Nhơn. Có lẽ đây là lần đầu tiên mà trong suốt cuộc hành trình, dù đêm trước ngủ rất ít mà tôi vẫn không thấy mỏi mệt. Ngược lại, nói một cách thành thật, tôi thấy mình vui và được cười đùa thật nhiều.
Thật rất khó kết nối được nhiều người và bảo họ bằng lòng thức dậy sớm ... dẫu biết là sau đó sẽ gặp để sống những phút giây vui vẻ bên nhau, quậy phá một cách dí dỏm và thông minh hoặc trao đổi về những ý nghĩ sâu lắng, nhẹ nhàng.
Tôi chợt hiểu ra rằng những người mà chúng ta gặp gỡ trong đời quan trọng biết bao, những người bạn gắn bó cùng ta suốt một thời gian dài hay có khi chỉ dừng lại trong những phút giây ngắn ngủi
Một bức hình, một câu chuyện giữa hai người hoặc thậm chí với những tranh luận bất ngờ không chờ đợi... tất cả đều là những kỷ niệm quan trọng và góp phần mang lại một ý nghĩa nào đó cho đời sống chúng ta.
Chuyến đi thật dài nên tôi đã có đủ thời gian để suy nghĩ và nhớ lại nhiều điều.Trong những điều ấy có câu chuyện của một người bạn thân ở Ý.
Nhiều năm trước, bị áp lực gia đình và công việc nên anh bị stress nặng, tâm thần rối loạn và bị ức chế tâm lý rất sâu. Rồi tuy không tin tưởng lắm nhưng nghe theo lời của một người bạn, anh đến gõ cửa phòng mạch của một bác sĩ tâm lý trị liệu để nhờ giúp tìm lại sự bình an.
Người bạn thân mến của tôi tưởng là mình sẽ trải qua vài giờ, nằm trên một chiếc giường trong phòng khám để kể về những nỗi lo âu của mình. Điều mà anh từng thấy qua các phim ảnh Mỹ hay các phim của đạo diễn Woody Allen, trong đó người bị trầm cảm nằm kể liên tục những khổ tâm của mình với bác sĩ tâm thần trả rất nhiều tiền nhưng không bao giờ giải quyết được vấn đề của mình.
Thế nhưng ông bác sĩ tâm lý lại đề nghị bạn tôi tham gia vào một trị liệu nhóm. Buổi chiều đầu tiên bạn hồi hộp đến phòng mạch, sẵn sàng tham gia vào nhóm trị liệu. Anh nhìn thấy có nhiều chiếc ghế đặt sẵn dựa vào tường trong một căn phòng, thế nhưng anh được mời ngồi xuống đất với các bệnh nhân khác. Nhà tâm thần học nói vài lời rồi ra lệnh... và ngay tức khắc bạn tôi chới với: Tất cả phải ngồi thành một vòng tròn và sau đó bắt đầu gào lên những âm thanh từ cổ họng cho thỏa thích.
Sau chừng 10 phút, căn phòng trị liệu giống như một chiếc cũi trong sở thú, âm thanh hỗn loạn như tiếng khỉ kêu, sư tử rống...và sau buổi trị liệu, toát mồ hôi vì gắng sức, tất cả đều trở về nhà cùng với những vấn đề mà trước khi đến phòng chữa trị họ đã mang theo; điều khác biệt là túi tiền đã rỗng.
Người bạn của tôi sau đó đã vượt qua cơn khủng hoảng tình thần va rối loạn tâm lý nhờ những buổi tâm tình với vợ và những bạn thân thiết, chắc chắn thành công hơn với những liệu pháp chữa trị tâm lý. Trên thực tế người xưa đã chữa trị sự trầm cảm, lo âu hay bấp bênh tâm lý bằng cách đối thoại tin yêu từ nhiều thế kỷ trước. Luôn luôn có một người anh, một cô em gái, một người bạn... hoặc nếu không tìm được ai trong gia đình, họ đến tìm một vị linh mục, một nhà sư, một người khôn ngoan và có uy tín trong làng... Nói chung là luôn có một người nào gần gũi mà họ có thể xin một lời khuyên.
Nhưng hiện nay nhiều chuyện đã đổi thay. Những điều vui thích và cho ta niềm vui dường như không dám để người khác quan tâm, nhằm tránh sự đố kỵ. Trong khi những lừa lọc và thù hận, nhất là trong quan hệ vợ chồng, những tranh chấp về quyền lợi và tiền bạc, của việc mua và bán những thứ, thường là không hiện hữu, những chuyện ngồi lê tọc mạch hay xấu xa thì được trao đổi thường xuyên đến thừa mứa.
Trong suốt cuộc hành trình với các bạn Quán Văn, tôi không hề nghe thấy những câu chuyện tầm phào và vô bổ ấy. Ngược lại, tôi thấy là tất cả đều ý thức về sự san sẻ cùng nhau những giây phút quý báu, dĩ nhiên mỗi người đều gánh vác sự nặng nhọc của mình trong đời, nhưng biết sống bằng một sự đơn giản, không quá khích, vì đã hiểu thế nào là những giá trị quan trọng, trong đó có tình bạn.
Thế là chúng tôi, như thể đã cùng tham gia vào một liệu pháp chữa trị nhóm, có đến năm ngày để thư giãn, cùng nắm tay nhau với nụ cười trên môi vượt qua những khó khăn bất ngờ: như vì cơn mưa nên không đốt được lửa trại ở Bãi Xếp, lội bì bõm trên đường phố ngập nước ở Nha Trang...
Và còn hơn thế, trong suốt cuộc hành trình, luôn có người nào đó bên cạnh và niềm vui được ở bên nhau đã giúp chúng tôi sống thật bình an và sảng khoái, hơn hẳn các loại thuốc hay liệu pháp trị liệu nhóm nào hiện hữu trên thế giới.
Sài Gòn tháng 12- 2015
Nguồn: tập san vhnt Quán Văn số 35 tháng 12-2015
Trương Văn Dân dịch ra tiếng Việt từ nguyên tác tiếng Ý : Terapia di gruppo
Nhóm Quán Văn trước bảo tàng Quang Trung ( Tây Sơn, Bình Định)
Anh em Quán Văn gặp mặt nhóm Hương Xưa và văn nghệ sĩ tại Quy Nhơn