Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.275
123.159.396
 
Góc trời Tam Đảo!
Phan Chính

 

            Rời sân bay Nội Bài, tôi lên ngay Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) với quảng đường dài 80 km nhưng phải trên chục cây số quanh co đèo dốc lên núi cũng thấy chút lạnh người. Ở vùng lõm cánh cung của dãy núi hùng vĩ có độ cao 900 mét, Tam Đảo đang buổi sương chiều lảng đảng che phủ những mái phố xây lưng chừng vách núi được gọi là thị trấn trong mây và có nhiều mỹ từ ngợi ca vẻ đẹp huyền ảo bởi cảnh quan thiên nhiên thơ mộng. Điều khác lạ với những địa danh du lịch biển, có bãi cát trẳng bên bờ sóng vỗ, bầu trời trong xanh thoáng đảng như quê Bình Thuận của tôi đang sống thì ở đây chỉ là một khu phố thu nhỏ tựa lưng dãy núi với ba ngọn núi cao trên 1.350m Thiên Thị, Thạch Bàn, Phú Nghĩa. Mỗi ngọn núi là những truyền thuyết đậm chất dân gian thuần hậu, Thiên Thị là chợ trời bởi trên núi có vạt đất rộng trở thành nơi tụ họp của người dân đưa sản vật rừng đến trao đổi mua bán, với Thạch Bàn thì có tảng đá lớn mặt phẳng bên cạnh là chùa Đồng Cổ và Phú Nghĩa còn gọi núi Rùng Rình với câu chuyện lá dong gói bánh chưng dâng Vua Hùng. Vào những ngày đẹp nắng, ba ngọn núi này nổi bật trên vầng mây trắng lửng lờ tựa như sóng biển, mang hình tượng ba ngọn đảo bồng bềnh nên có địa danh Tam Đảo là thế.

 

             Thị trấn Tam Đảo từ lâu đã nổi tiếng là khu nghỉ mát lý tưởng, không xa mấy với Hà Nội. Có khoảng 200 khách sạn, nhà hàng và biệt thự cao cấp tạo nên nét chấm phá rạng rở sắc màu trên nền lá xanh đại ngàn u tịch với nhiều truyền thuyết của một miền núi đầy mê hoặc. Ngay từ đầu tôi không nghĩ ra vì sao với một nơi địa hình lồi lõm không thể nào tìm được hơn nửa sào đất bằng phẳng và cư dân chỉ trên 700 người sống trong phạm vi 3 tổ dân phố vậy mà thu hút khách từ khắp nơi ngày càng đông mới là điều lạ? Có thể đây là một thị trấn nhỏ nhất nước ta nhưng hội tụ nhiều yếu tố rất đặc trưng làm thỏa lòng du khách. Sức hấp dẫn của khu nghỉ mát này là khí hậu quanh năm mát mẻ, trong lành không khác gì ở Sa Pa, Đà Lạt và đẹp nhất vào mùa hè. Liên hệ đến lịch sử khám phá vùng cao nguyên Đà Lạt của Alexandre Yersin vào năm 1893 để dựng nên thành phố du lịch lịch lãm lớn nhất phía Nam thì Tam Đảo cũng được Phủ toàn quyền Đông Dương để mắt khai thác làm nơi nghỉ dưỡng từ năm 1904, nhưng chỉ khoảng 100 căn biệt thự dành cho quan quyền, trưởng giả. Sau ngày Cách mạng tháng Tám 1945, chủ trương tiêu thổ kháng chiến để chống Pháp lấn chiếm, các biệt thự này hoàn toàn bị phá hủy tan hoang vùi dưới lòng đất, còn lại duy nhất ngôi nhà thờ đá, kiểu dáng kiến trúc Pháp cổ kính sừng sững dựa vào vách núi.Người dân cố cựu trong hoài niệm còn mãi bóng hình một Tam Đảo với bao lớp phế hưng, ngày ấy đây là ốc đảo sơn lam chướng khí. Những người tù khổ sai còng lưng chẻ đá, xây từng bậc thang cho các công trình, ngõ lối với thân phận có đi mà không có ngày về.

 

           Dù nhiều nhà phố hiện đại nhưng đường sá thị trấn chỉ đủ cho ô tô loại nhỏ lách nhau, đường cũng đan xen thành tầng theo địa hình. Càng lạ hơn, khắp cả thị trấn không có đặt tên đường bởi không có đoạn đường nào dài hơn trăm mét. Cứ vài chục mét là lên dốc xuống đồi, quanh co nhưng lại có nhiều ngã ba nối nhau, thật là lạ. Đây cũng là thị trấn với những ngôi nhà như tựa vào nhau và có nhiều con đường bậc thang thông với những con đường để rồi đỗ xuống phần trũng là phố ẩm thực với ngôi chợ nhỏ nằm trung tâm.

 

          Diện mạo Tam Đảo là khu du lịch thực sự chỉ vào cuối tuần hay các dịp lễ nghỉ. Giá phòng cao nhưng khó còn chỗ trống, không gian của thung núi như nhỏ lại bởi xe, người từ con đường độc đạo dưới núi dồn lên và dường như khách phần đông là giới trẻ. Nhưng ngày thường ở đây được trả lại sự tĩnh lặng, êm đềm để đón những làn sương bàng bạc. Có vẻ nhộn nhịp hơn là khu chợ lụp xụp về đêm, bếp than đỏ rực, thơm nức món nướng gà đồi, lợn mán, cá suối, xôi chim… là ẩm thực giàu hương vị miền cao. Chợ nhóm ban ngày thì có các loại thảo dược quý, được chào bán là có tác dụng trị bá bệnh hái từ núi rừng như: giảo cổ lam, loại ngâm rượu từ hột chuối rừng, táo mèo, sâm ngọc linh, tam thất, trà hoa vàng… và các loại đặc sản rau su su, măng rừng, chuối ngự… Ven thị trấn có nhiều lộ trình khám phá kỳ thú với các điểm du lịch như Thác Bạc, đỉnh Rùng Rinh, hồ Xạ Hương và các di tích công trình tháp truyền hình, nhà thờ cổ, đền Mẫu Thượng Ngàn, đền Đức Thánh Trần, đền Quốc Mẫu Âu Cơ… Gần hơn, các di tích mang giá trị lịch sử trong thời chiến với các căn hầm bí mật cũng là chỗ an toàn nhất đã gây cho du khách những cảm xúc bồi hồi khó quên.

          Tôi nghiệm ra,Tam Đảo đã biết khai thác lợi thế địa hình, môi trường thiên nhiên để làm nên một thương hiệu du lịch sinh thái độc đáo và quyến rũ. Nhưng tôi cũng thấy trong đó có sự lạm dụng quá nhiều vào thiên nhiên mà quên đi việc đầu tư, chăm sóc cảnh quan hoa cỏ, môi trường vệ sinh nội thị khu phố. Bờ suối cỏ rác nhớp nháp, từng bậc thang nhà thờ cổ vỡ vụn, công viên trước chợ, bãi đỗ xe xác xơ…

 

 

 

           Những khoảnh vườn rau su su mượt mà bám vào sườn dốc là đặc sản nhưng cũng rất lô nhô. Các công trình mới xây dựng cao tầng gần như bất kể không nằm trong quy hoạch phù hợp với không gian của một quần thể du lịch đặc thù.

 

                                                     ***

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phan Chính
Số lần đọc: 3262
Ngày đăng: 30.04.2016
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hai năm thi sĩ Chu Trầm Nguyên Minh biền biệt... - Trương Văn Dân
Trung tâm quốc tế Khoa học & Giáo dục... - Vũ Trọng Quang
Ghi chép FEBRUÁR- 2016 - Nguyễn Hồng Nhung
La Gi, xứ biển trăm năm! - Phan Chính
Đêm bềnh bồng tàu câu trên vịnh biển Botany - Phạm Nga
Bài tiễn biệt Đinh Cường - Lữ Quỳnh
Nhật ký hành trình: Đà Lạt, những ngày cuối năm - Trần Dzạ Lữ
Sydney ký sự - Trọng Huân
Ghi chép Oktober - 2015 - Nguyễn Hồng Nhung
Tôi Đâu Tháo Được Chiếc Gùi Trên Lưng Nàng - Nguyễn Hàng Tình
Cùng một tác giả
Dinh Thầy Thím (tạp văn)
Chị (thơ)
(thơ)
Du xuân Tà Cú (văn hóa)