Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.235
123.154.022
 
Cần sòng phẳng trước lịch sử và nghệ thuật!
Thế Thanh

 

( Nhân xem bộ phim Sống cùng lịch sử )

 

Tôi chỉ là một người làm khoa học tự nhiên yêu thích điện ảnh. Tôi đã xem Sống cùng lịch sử ngay khi phim mới ra lò, rồi sau khi phim bị la ó, được chiếu miễn phí, tôi lại xem lần nữa. Thời gian qua, có không ít lời phê phán bộ phim này hơi thái quá, bất công với những người làm phim. Nhưng tôi không có ý định tiếp thêm lời khen chê nào, bởi muốn có thêm thời gian cho sự cảm thụ rộng rãi hơn trong công chúng khán giả. Và tôi sẽ không viết bài này, nếu như không được đọc một số bài báo phỏng vấn đạo diễn NSND Nguyễn Thanh Vân - trong đó, ông đã như đấm vào ngực mình mà kêu lên: Hãy sòng phẳng với phim của tôi!

      Vâng, vì thế tôi đã cố gắng làm một người xem sòng phẳng. Chật vật lắm, tôi mới mượn được ổ cứng cóp phim này của một người trong đoàn làm phim SCLS để xem lần thứ ba. Và tôi thấy cần nói đôi điều cảm nghĩ của mình, biết đâu có thể có ích chút nào với những nhà làm phim đang đau đáu làm phim lịch sử, và với cả chính đạo diễn Thanh Vân nữa?

      Công bằng mà nói, đây là một phim khá công phu, hoành tráng, được xây dựng với không ít tâm huyết của những người làm phim chỉ được biết Điện Biên Phủ qua lời kể và sách báo- khá tương đồng với cảnh ngộ, tâm trạng của các nhân vật nam nữ thanh niên của phim "đi phượt" lên ĐBP!   

      Phim có một cái tứ không lạ, và sử dụng một ý tưởng có thể dựa theo tác phẩm "Suối thép" của nhà văn Sêraphimôvích (Liên Xô cũ): sau khi đoàn hồng quân đói khát rệu rã được chính ủy cố tình đưa đi qua một đoạn đường thử thách, gian khổ, đầy hy sinh của đồng đội, thì đoàn quân ấy như được tiếp thêm sức mạnh tinh thần ghê gớm, và họ đã trở thành một "suối thép" để chiến thắng quân thù. Những "thử thách" kiểu đó đặt trên vai mấy sinh viên trong phim (cả Tây cả Ta) để giúp họ trong khi có dịp hiểu về sự hy sinh dũng cảm của nhân dân, bộ đội VN ta, sẽ hiểu thêm về chính bản thân mình và từ đó trưởng thành. Điều này rất đáng khuyến khích, và cũng phù hợp với một quy luật mỹ học quan trọng từ thời Aristot- quy luật thanh lọc cảm xúc (Katarsit). Nhưng, cái hỏng của toàn bộ phim lại chính là ở cách xử lý thủ pháp mà tôi tạm gọi là Nhập vai & Đồng hiện để đạt tới hiệu quả mỹ học nói trên!

     Quy luật tâm lý thông thường, người ta thường chỉ "sống lại" với những gì mình đã được trải nghiệm. Còn trong phim, với những cảnh huống đã tạo ra, các nhân vật chỉ có thể tưởng tượng, được tiếp nhận lịch sử theo cảm nghĩ riêng, có vốn sống gián tiếp hỗ trợ. Nếu cũng lại trực tiếp nếm mùi khói lửa, đào hầm, v.v như của 60 năm trước thì nên để dành cho thể loại phim khoa học giả tưởng- kiểu các phim nước ngoài sau khi đọc thần chú, hoặc nhờ phương tiện kỹ thuật của thế kỷ 31, nhân vật có thể trở về quá khứ mấy trăm năm, hoặc tới tương lai vài thế kỷ! Đằng này, lại là một phim lịch sử đúng nghĩa từ tên phim tới những nhân vật có thật, như cách dàn dựng của người làm phim. Khi người xem đã không tin những gì đang diễn ra trên màn ảnh, mọi thông điệp định gửi gắm của nghệ sĩ chỉ là một thứ trò đùa!

      Các sự kiện có thực và các nhân vật anh hùng có thật trong đời như Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo, Phan Đình Giót lấp lỗ châu mai, Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng, v.v, và ngay cả hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp nữa, tuy được mô tả khá kỹ lưỡng & chi tiết trong phim, song vì vốn đã quá quen thuộc lâu nay, lại không nằm trong một ý đồ nghệ thuật xứng đáng, trong một cấu trúc phim cần phải có, nên đã trở thành những sự minh họa vốn đã có rất nhiều suốt hơn nửa thế kỷ qua dành cho các Sự kiện & Nhân vật LS. Minh họa cũng là một thể loại đáng quý, một việc làm rất tốt. Nhưng cả một bộ phim nghệ thuật sao lại chỉ làm công việc minh họa là chủ yếu? Mà lại minh họa một cách rời rạc, khá thô thiển! Hóa ra, nghề làm phim ở VN lại dễ thế sao? Thay vì những con người có thực của trận chiến "lừng lẫy năm châu", người xem -trong đó có tôi thèm thấy trên màn ảnh những nhân vật chiến sĩ vô danh của một trận đánh cụ thể, qua họ mà thấy được cái vĩ đại và khốc liệt của cả chiến dịch ĐBP, cả tài thao lược và tấm lòng thương dân thương lính của vị Tổng tư lệnh (chứ không phải những lời độc thoại dài lê thê, kể lể ngọn ngành mọi dự tính chiến lược cùng tâm tình của ông!). Có thế, mới thấy được công phu lao động và tài năng của người đạo diễn cùng các cộng sự! Có thế, trận ĐBP oai hùng mới có lý do đích đáng để sống lại với hôm nay, với một chiều kích cảm nghĩ mới trong một một bộ phim tốn kém khó mà làm lại được! Còn nếu định làm riêng phim chân dung về Tướng Giáp thì lại là chuyện khác, nếu phim hay, người xem việc gì phải băn khoăn mua vé vào rạp; và biết đâu nó sẽ bước chân vào giải thưởng của Hiệp hội báo chí nước ngoài tại Hollywood- như bộ phim làm về Tổng thống Lincoln từng dẫn đầu giải thưởng Quả Cầu Vàng lần thứ 70 của đạo diễn Steven Spielberg!

      Phim cũng có đôi trường đoạn giàu ý nghĩa, và khá cảm động, ví như mấy thanh niên ở trong hầm trú ẩn, và cô gái Pháp hát bài hát về tình yêu, trên đầu họ là những chiếc dù đang lửng lơ rơi xuống trận địa... Song chúng quá ít ỏi, lại bị lấn át bởi bao điều phi lý, gượng gạo, những hạt sạn lớn của phim. Xin chỉ nhặt ra đôi ba hạt sạn như thế. Khi cô gái Tây mới nói rằng, cô đang tìm hiểu số phận của người phụ nữ VN trong quan hệ với lính Pháp, chàng trai VN đã nổi đóa lên: "cô không được xúc phạm người VN!"? Nhân vật, hay người làm phim vô lý đây? Các thanh niên đang trên nhà sàn trò chuyện, một bà mẹ dân tộc Thái chăn trâu về. Rồi cận cảnh bà mẹ nhớ lại cảnh mình bị quan Tây cưỡng hiếp giữa trận pháo kích... Một trường đọan chơi vơi, chẳng ăn nhập gì với đường dây truyện phim, với tâm lý tính cách nhân vật chính! Cô sinh viên hiện tại xưng chị với cô gái năm xưa mặc quân phục, được cô ấy lên lớp cho một hồi những điều hiển nhiên nhưng làm cho khán giả lắc đầu vì sự ấu trĩ của đạo diễn phim: "Nếu không cầm súng, làm sao cứu nước, cứu nhà?". Tình tiết cô sinh viên lấy nước tiểu của mình cho anh bộ đội sắp chết uống cũng phản cảm thế nào ấy! Môtip "Mối tình tay ba" trong phim này- tuy có đỡ ngớ ngẩn hơn so với trong phim Ký ức Điện Biên của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn ( anh bộ đội và viên tù binh sĩ quan Pháp cùng thích một cô gái), song vì nó được tạo ra với ý đồ lộ liễu và trên cơ sở "hiện thực giả tưởng" đầy khiên cưỡng kia, nên câu nói của chàng trai: "Thế là anh đã mất em rồi sao?" và câu trả lời: "Nhưng chúng ta đã được rất nhiều mà" đã chỉ khiến người xem bật cười!

      Nếu cần sòng phẳng- như lời đạo diễn Thanh Vân, tôi nghĩ tất cả chúng ta cần sòng phẳng trước Lịch sử và sự thật Nghệ thuật. Ở đây, sự thật nghệ thuật chỉ có thể có được khi người làm phim trước hết không trở thành một học sinh thuộc bài LS có sẵn và bắt người xem sẽ giống mình, mà phải sáng tạo lại chúng theo những quy luật nghiêm ngặt của nghệ thuật; còn người xem (trong đó có nhà phê bình phim) thì không tán khéo những gì không có hay chưa đạt được trong phim. Đọc lại một số lời bàn luận về phim Sống cùng lịch sử , tôi thấy, trừ đôi ba người hình như có sẵn thành kiến nào đó với đạo diễn Thanh Vân (mà họ cũng có lý ít nhiều trong lập luận về phim), thì sự thất vọng của đại đa số người xem có thể thông cảm được, có thể giải thích được. Đạo diễn, và một số người bênh vực ông không thể lấy cái chiêu bài: đã làm xong nhiệm vụ lịch sử ( thực chất là nhiệm vụ giải ngân tiền thuế của Dân), hoặc cái lý do không có kinh phí để quảng cáo, để lấp liếm cho những non nớt, yếu kém, bất cập trong một tác phẩm điện ảnh, dù thuộc loại phim "lễ lạt" đi nữa, nhưng không may đã trót được gọi là Nghệ thuật...

 

 

Thế Thanh
Số lần đọc: 3783
Ngày đăng: 30.04.2016
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Triết lý yêu trong thơ tình Xuân Diệu - Cao Thị Hồng
Muốn đổi mới thơ cần đổi mới cảm thức của nhà thơ - Từ Quốc Hoài
Tôi và Bàn Tay Nhỏ Dưới Mưa - Ngô Thị Mỹ Lệ
Phân tích tâm lý thuộc triết học tự nhiên - Võ Công Liêm
Kinh Tuyến Bắc Giải của Henry Miller* - Võ Công Liêm
Nét đối lập độc đáo với hình tượng biển trong một nhạc phẩm phản đề: Đừng Ví Em Là Biển - Bùi Đức Hào
Cái Tôi và cái Tôi thuộc về mình - Võ Công Liêm
Bản lĩnh của sự lựa chọn - Hoàng Vũ Thuật
Không có Thượng Đế - Võ Công Liêm
Về bản in lần đầu bài thơ "Bẽn lẽn" của Hàn Mặc Tử - Nguyễn Hùng