Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
816
123.366.495
 
Tấn thảm kịch tình yêu trong bối cảnh toàn cầu hóa
Nguyễn Văn Thành

 

 

         (Nhân đọc tiểu thuyết  Bàn tay nhỏ dưới mưa của TVD, cty vh Phuong Nam-Nxb Hội Nhà văn, 2011)  

 

 

                                  

Trong thế giới sách xô bồ, đa tạp hiện nay, để tìm ra một cái gì đọc được thật khó biết bao! Nhất là với quan tâm của người làm sân khấu điện ảnh đi tìm những cốt truyện và nhân vật của văn xuôi để có thể chuyển thể sang lĩnh vực nghe nhìn đang rất khát kịch bản… Vậy mà, lâu lắm rồi tôi mới có cơ hội thả mình đọc một mạch tiểu thuyết Bàn tay nhỏ dưới mưa của Trương Văn Dân. Một cái tên ít được dư luận biết đến. Đọc xong, thấy tâm trí mình bị xáo trộn bởi nhiều câu hỏi đặt ra đan xen những với những gì từng trải nghiệm. Rồi nảy sinh nhu cầu đọc lại cuốn sách ngẫm lại những đoạn làm mình băn khoăn… Phải chăng đấy là dấu hiệu của những tác phẩm văn học không tầm thường?

Niềm băn khoăn đầu tiên là tiểu thuyết này dường như không gì khác hơn là tấn thảm kịch tình yêu đẫm lệ vốn quá quen trong nghệ thuật xưa nay. Như mọi câu chuyện tình của đời thực và nghệ thuật, nhân vật chính bao giờ cũng là hình ảnh chàng nàng với những liên quan giữa họ cùng hoàn cảnh … Vậy mà tại sao Bàn tay nhỏ dưới mưa lại làm tôi xao xuyến đến bất yên? Mà đâu phải riêng tôi, không ít bạn đọc khác cũng bày tỏ những ấn tượng tương tự! Điều này thúc dục tôi tìm cách lý giải nguyên nhân. Ngoài lý do, bất kỳ câu chuyện tình bất hạnh nào cũng dễ làm ta xúc động, mủi lòng. Bàn tay nhỏ dưới mưa còn đáng chú ý ở cách kể lại, cách trình bày lại một cốt truyện quá quen thuộc bằng cung cách tương hợp mang tính nghệ thuật, tạo sức truyền cảm vừa da diết vừa gợi suy nghĩ, vốn là yếu tính của một tác phẩm nghệ thuật đích thực.

Mở đầu, tác giả hóa thân vào vai chàng để thuật lại câu chuyện tình của chính mình. Một người đàn ông đứng tuổi từng có gia đình yên ấm nhưng không ngờ vợ con bị cướp đi sinh mạng do tai nạn. Người đàn ông ấy đang sống trong cô đơn buồn khổ vì sự mất mát không gì bù đắp nổi, thì giữa chiều mưa bụi, bất ngờ chứng kiến nỗi bất hạnh của một thiếu phụ trẻ bị cả gia đình chồng cũ hắt hủi, xua đuổi thậm chí hành hạ khi cô về thăm con. Sự đồng cảm với nỗi bất hạnh đã dẫn dắt họ tìm đến nhau mong mỏi biết đâu sẽ bù đắp cho nhau. Và phép màu thời gian đã tạo cơ hội để hai con người vốn xa lạ kia xích lại gần mà thông cảm sẻ chia những khao khát cháy bỏng về hạnh phúc vẫn nung nấu thầm lặng trong góc khuất tâm hồn họ. Những lý do hiển nhiên và thường tình này khiến cuộc tình muộn màng ấy đem lại cho cả hai những phút dây kỳ diệu chạm tay tới hạnh phúc.

Nhưng đúng vào lúc câu chuyện đang diễn biến suôn sẻ như mong đợi của chàngnàng mà cũng là của chúng ta thì một sự cố bất hạnh khác phũ phàng ập đến. Một lần nữa cho thấy thêm khó ai trong cõi nhân gian đầy bất trắc có thể thoát khỏi tai họa luôn phủ bóng mỗi phận người một cách nghiệt ngã. Người đàn bà đẹp đầy quyến rũ với những xúc cảm tình yêu thương dào dạt làm thức dậy những rạo rực nóng bỏng trong thể xác dâng trào để hân hưởng hoan lạc của tình yêu thì lâm trọng bệnh qua đời! Người đàn ông còn trơ lại với nỗi nhớ, nỗi đau về sự mất mát không gì lớn lao. Không chỉ đau đáu hình dung lại hình bóng của người đàn bà đã mất mà khao khát sống lại trọn vẹn quan hệ chung đụng máu thịt giữa chàng nàng trong khi cả hai cùng dìu nhau đạt tới đỉnh cao của sự hòa hợp giữa tâm hồn và thể xác trong khoảng thời gian hạnh phúc ngắn ngủi đã vụt qua. Người đàn ông bất hạnh ấy không muốn thụ động triền miên hoài niệm, tưởng tượng lại những hình ảnh của quá khứ mà chủ động tìm cách tái hiện lại cái đã qua bằng tiếng nói nghệ thuật. Hy vọng với sức mạnh kỳ lạ của văn chương có thể ghi lại vừa chi tiết vừa sống động những gì trải nghiệm bên người đàn bà đích thực của mình. Đây cũng là một cách thế tự nhìn lại mình, soát xét lại cuộc sống chung của hai người. Đồng thời giúp chàng khám phá từ thân xác đến tâm hồn phong phú linh động mà biến chuyển không ngừng lúc thế này lúc thế khác đến mức gần như là bí ẩn của nàng. Một người con gái sinh ra và lớn lên trong gia đình có điều kiện vật chất lại may mắn được trời ban cho nhan sắc, hứa hẹn tương lai. Giống như nhiều phận người khác sống giữa thời khói lửa loạn ly khiến cho gia đình êm ấm của cô phải chịu đựng bao nhiêu tai họa mà tan nát. Rồi liên tiếp rơi vào bất hạnh trong hai cuộc hôn nhân nhầm lẫn do vội vàng và thụ động tìm chốn an ủi ở hai người đàn ông chưa xứng đáng để rơi vào nghịch cảnh của một người thiếu phụ đơn thân xuôi ngược mưu sinh nuôi mình và nuôi con. Với sức sống kỳ lạ, người con gái mang tên Gấm ấy đã gắng gỏi tìm mọi cách trụ vững rồi vượt lên làm lại cuộc đời. Cho tới khi bước gần tới lằn ranh của tuổi 40, chớm sang dốc bên kia của vòng đời, người thiếu phụ còn xuân sắc ấy mới gặp được nửa thứ hai lý tưởng.

 

Ngỡ rằng từ đây cuộc đời Gấm sẽ rẽ sang một bước ngoặt mới sáng sủa hơn như  bù trừ công bằng của số phận nhưng sự đời trớ trêu  luôn đi ngược mọi mong đợi của bất kỳ ai một lần nữa bóp nghẹt niềm hy vọng thường tình và chính đáng của người đàn bà nhan sắc ấy. Đúng vào lúc hạnh phúc của Gấm với người đàn ông đích thực đang say sưa và cuống quýt tận hưởng khoảnh khắc đỉnh cao hiếm hoi vì đạt tới sự hòa hợp giữa rung động tâm hồn với đụng chạm thân xác thì căn bệnh ung thư quái ác ăn sâu vào tế bào phổi cướp đi sinh mệnh cô! Nỗi bất hạnh đó không chỉ làm kinh hoàng, chới với đến thảng thốt người tình của Gấm mà cũng làm chính độc giả bàng hoàng.

Càng day dứt với những kỷ niệm của tình yêu đã mất trong tư cách người còn sống, chàng nhận sứ mệnh bằng mọi cách có thể tái hiện lại cuộc tình của họ bằng ngôn ngữ tiểu thuyết như một sự thách thức với sự nghiệt ngã của cái chết đồng thời cưỡng chống lại sự vô cảm của dòng thời gian.

 

Và để tái hiện lại sống động, chân thật đến mức khả tín trong toàn bộ những chi tiết cụ thể mối quan hệ giữa hai người yêu nhau, người đàn ông còn sống đã lựa chọn đứng sang một bên nhường chỗ cho người đã khuất bước ra tiền diện lên tiếng tự bày tỏ về bản thân cùng những xúc động mà cuộc tình đã tác động đến  mình như thế nào. Nghĩa là, tác giả ở đây đã để cho người kể lại câu chuyện  ẩn mình đi để phục nguyên lại những trang nhật ký chân thật, nóng hổi của Gấm qua cái nhìn, xúc cảm cũng như  cách diễn đạt của  người trong cuộc  đầy nữ tính mà lúc nào cũng nồng nàn  khao khát tràn trề muốn được đốt cháy bản thân mình trong sự dâng hiến tự nguyện với người mình yêu!

 

Mặt khác, phải thấy rằng trong khoảng thời gian người đàn ông vắng mặt vì đi công tác xa, Gấm còn lại một mình sống trong nỗi khắc khoải và âu lo bởi  nhạy cảm ghê gớm  khiến cô tiên cảm được những tín hiệu khẩn cấp càng lúc càng rõ rệt  trong từng tế bào không ngừng gậm nhấm, tàn phá, hủy diệt cơ thể cô. Nhất là khi căn bệnh ung thư  đã hiện hình thành những cơn đau quặn thắt không thể chịu đựng nổi đưa Gấm mấp mé bờ vực sống chết. Điều đó đẩy Gấm rơi vào trạng thái hoảng loạn lúc mê lúc tỉnh, khi tuyệt vọng toan tìm cách tự hủy mình, khi cố bấu víu vào hi vọng le lói... Trạng thái bấn loạn này người ngoài cuộc khó có thể hình dung và diễn tả, bởi thế người đàn ông trong tư cách đứng ra kể lại câu chuyện sẽ cảm thấy bất lực khi tái hiện nó đành chọn cung cách để bạn đọc tiếp xúc thẳng vào tiếng lòng của Gấm. Hơn nữa trong tình thế đau đớn như vậy nếu người kể  chuyện trực tiếp miêu tả lại những cung bậc cảm xúc và tinh tế thấm đẫm tính nhục cảm khi đôi lứa ân ái, thậm chí còn có thể rơi vào  bất nhẫn gây phản cảm!

 

 Về phương diện thi pháp truyện kể có thể thấy rằng tác giả Trương Văn Dân ngay từ đầu đã dùng nhân vật người đàn ông thay mình kể lại câu chuyện để mang tính khách quan. Nhưng khi tình tiết câu chuyện động chạm đến người đàn bà – Gấm – thì một lần nữa người đàn ông đang kể chuyện lại chủ động nhường chỗ cho người đàn bà lên tiếng tự bộc lộ những điều riêng tư nhất khi đang hân hưởng hoan lạc lẫn khi vật vã giằng xé trong tình huống bi đát. Sự thay đổi điểm nhìn thuật chuyện đem lại cho tác phẩm không chỉ tính chân thật của sự tái hiện mà còn tạo nên tính linh hoạt với nhiều sắc thái trần thuật khác nhau. Đến lượt mình, mỗi giọng kể xuất phát từ một điểm nhìn riêng sẽ phối hưởng với nhau tạo thành tính đa giọng điệu của tiểu thuyết Bàn tay nhỏ dưới mưa. Phải chăng đây là một nỗ lực đáng ghi nhận của tác giả trong chiều hướng dùng nhân tố cách kể lại câu chuyện như thế nào để làm mới lại một mô típ chuyện tình bất hạnh đã gần như quá quen nhàm trong nghệ thuật xưa nay. Tác giả Trương Văn Dân ở đây dường như có ý thức vận dụng thủ pháp của nghệ thuật hiện đại, thậm chí phần nào còn tiếp nhận cả tinh thần hậu hiện đại trong nghệ thuật dựng chuyện một cách thích hợp và có mức độ để làm mới lại một câu chuyện tình bất hạnh thường xảy ra trong đời sống. Hay chí ít, tác giả cũng làm khác lạ hóa một câu chuyện  rất cũ bằng cách kể lại nó dưới nhiều điểm nhìn và giọng kể khác nhau để tránh đi sự đơn điệu.

 

Đẩy suy nghĩ đi xa hơn tôi thú vị nhận ra rằng hành vi chọn lựa việc  phục nguyên lại dấu ấn của tình yêu  trong Bàn tay nhỏ dưới mưa còn là một cách thế cho thấy lý do tồn tại của một tác phẩm văn chương như là nỗ lực của con người tận dụng  khả năng ngôn ngữ tiểu thuyết để có thể vĩnh cữu hóa những phút giây huyền diệu mà mong manh thoáng chốc của tình yêu đôi lứa, những khoảnh khắc trong đó con người sống đã đầy nhất, trọn vẹn nhất thân phận làm người của chính mình giữa cõi tạm. Điều này chính là biểu hiện sự chiến thắng của nghệ thuật trước nguy cơ quên lãng của thời gian. Con người bằng khả năng sáng tạo nghệ thuật có thể lưu lại dấu ấn của chính mình dưới hình thức tác phẩm nghệ thuật đích thực chắc chắn sẽ còn lại ngay cả khi tác giả của nó mất đi…

 

Ngay ở phương diện miêu tả tình yêu, Bàn tay nhỏ dưới mưa cũng có những phát hiện đáng chú ý mà nếu đọc lướt qua chúng ta sẽ để nó vuột qua một cách đáng tiếc. Mới hay hành vi đọc và tiếp nhận cũng là một hoạt động tinh thần nghiêm túc, tham gia cộng hưởng với sáng tạo nghệ thuật, với chủ thể nghệ sỹ tiếp tục nối dài câu chuyện được kể lại với chính dòng đời đang trôi. Dường như giữa tình yêu đích thực và sáng tạo nghệ thuật trong cảm nhận và miêu tả của Trương Văn Dân có mối tương tác kỳ diệu. Cả hai phía bổ sung và thúc đẩy nhau nhưng lại thống nhất ở phương diện trở thành nhân tố động lực có tính đà sống làm kích hoạt, thăng hoa chiều kích con người trong tư thế dám vượt lên, dám thoát khỏi khuôn khổ mà số phận đã an bài, đã mặc định dưới hình thức cụ thể cứ dính chặt, ám sâu vào từng cá thể con người cả hình hài lẫn nội tâm theo con đường vạch sẵn khi sinh ra cho đến khi trút hơi thở cuối cùng.

 

Người tình đích thực của Gấm trong Bàn tay nhỏ dưới mưa, nhân vật không có tên gọi một cách cố ý mặc dù lại có đầy đủ tiểu sử chi tiết với nghề nghiệp ổn định, thậm chí có hẳn dáng nét hình hài và diện mạo tâm hồn đầy quyến rũ làm Gấm say mê. Anh ta thực sự là một phận người với những nỗi đau và mất mát cụ thể không gì bù đắp nổi của kẻ thua cuộc giống hệt như Gấm nhưng rất khác cô bởi không sống buông trôi mà có ý thức để nhận biết và dám tỏ thái độ trước nghịch cảnh. Còn người thiếu phụ trẻ vốn là người bình thường trong tất cả những toan tính nhỏ nhặt hàng ngày luôn sống với thiện cảm và ác cảm, luôn đối diện với cái mà cô cho rằng sai hoặc đúng nên khó tránh khỏi nhỏ nhen, khó tính. Thậm chí đằng sau vẻ nhẫn nhịn im lặng của cô thấp thoáng tính cao ngạo phớt đời đầy khinh mạn. Nhưng may mắn được kỳ ngộ với người tình đích thực và có phần lý tưởng hóa nên cô đã hoàn toàn lột xác, trở thành một con người khác hẳn, mọi giác quan trở nên bén nhậy hơn, cách cảm xúc, cách nhìn cuộc đời và con người độ lượng hơn, cận nhân tình hơn, biết lắng nghe và trân trọng từng biểu hiện nhỏ bé, thoáng qua của thế giới xung quanh. Ngay cả với các thành viên gia đình chồng cũ từng đối xử cay nghiệt với mình, bây giờ Gấm cũng không thấy hằn thù, coi rẻ mà biết tha thứ, thông cảm... Hơn thế nữa, như một phép lạ, tình yêu được đáp lại còn làm Gấm trẻ đẹp ra từ dáng vóc đến tâm tính; hay chính niềm hạnh phúc và sự bình yên của nội tâm tỏa ra rạng rỡ trong ánh mắt, làm sống động toàn bộ con người đang không ngừng chuyển biến. Điều này hiển nhiên đến mức, Gấm tung tăng bước đi trên đường đã làm không ít đàn ông ngoái nhìn đầy thèm muốn! Người tình của Gấm thì càng lúc càng say mê ngắm nhìn đường nét thân thể trần trụi của cô không biết chán như đang chiêm ngưỡng kỳ quan tạo hóa. Không dừng lại ở đó, tiểu thuyết Bàn tay nhỏ dưới mưa còn dành những trang viết đặc tả những cảnh làm tình nồng nhiệt của hai người, tạo sức cuốn hút mạnh mẽ bạn đọc mà không rơi vào gợi dục tầm thường. Tác giả Trương Văn Dân như người nghệ sỹ đi trên dây cùng lúc vừa không rụt rè né tránh khi chạm đến chuyện sex vốn vẫn bị cấm kỵ ở nước ta lại đồng thời không rơi vào tùy tiện buông thả dễ gây phản cảm mỗi khi viết cặn kẽ đến lõa lồ những pha chăn gối cuồng loạn nhằm chiều nịnh bản năng để giữ được sự thanh sạch mang tính thẩm mỹ khi đề cập trực diện nhu cầu đụng chạm thân xác vốn thường tình và rất con người trong tình yêu đôi lứa. Xin được trích dẫn một trong những đoạn văn của tác phẩm phân tích cảm giác pha lẫn cảm xúc khi hai cơ thể quấn vào nhau, được chính Gấm ghi lại trong nhật ký của mình:

“ Quan hệ giưã tôi và anh ngày càng thêm khăng khít. Dần dà, khi biết những bí ẩn của cơ thể nhau, con đường dẫn đến đỉnh cao xúc cảm ngắn dần nên những lần đắm mình trong say mê tuyệt đỉnh càng dầy. Lần ái ân sau, luôn đậm đà hơn lần trước. Ngọt ngào và cảm động biết bao… Thương anh lắm, cơ thể tôi phản ứng chậm chạp nhưng chẳng những không phiền mà anh còn kiên nhẫn chuẩn bị và chờ đợi tôi để cả hai cùng bay bổng trong nhau. Một lần đứng trên cao đỉnh, tôi đã ghì chặt anh vào lòng, nhìn đôi mắt khép kín và đôi môi mím chặt, tôi có cảm giác cái phần nhậy cảm nhất của anh cũng đang co thắt, lấp đầy tất cả cái phần sống của tôi đang bừng bừng vươn dậy.

Khi thấy toàn thân tôi run lên anh thì thầm vào bên tai tôi: Chúng mình xứng đáng được hưởng những ân sủng tình yêu, bù lại những gì định mệnh đã tước đi.”( trang 69)

   Trong hoàn cảnh ấy Gấm ngày càng trí tuệ hơn, thánh thiện hơn từ bỏ hẳn những thói quen dễ dãi tầm thường đã hằn nếp. Thậm chí ngay sở thích, thị hiếu vốn là những gì rất cá nhân, rất bảo thủ đến khó lý giải thường bướng bỉnh chống đối lại với sự áp đặt, chí dẫn nhưng với thời gian bằng sự tinh tế và lịch lãm người tình lý tưởng đã làm Gấm thay đổi để cô đồng thanh tương khí với người mình yêu, khiến cả hai vươn tới sự hòa đồng nhất thể hiếm có. Điều này đã được Gấm hồn nhiên kể lại một cách sung sướng:

“ Trước đây tôi rất thích xem tivi nhưng từ khi quen nhau anh chỉ cho tôi xem rất hạn chế. Anh nói tivi làm mất khả năng suy nghĩ và giết chết trí tưởng tượng. Nó không kích thích sự sáng tạo vì âm thanh và hình ảnh đều có sẵn. Nó thay đổi cơ bản cách làm việc của não bộ. Đối mặt hàng ngày với lượng thông tin khổng lồ từ âm thanh, hình ảnh, phim, âm nhạc… Trí não con người trở nên giống mấy cái kho lưu trữ, có thể  có nhiều thông tin nhưng đánh mất khả năng tư duy sâu sắc và đào sâu các vấn đề.

Khởi thủy tivi như một cửa sổ nhìn ra thế giới, còn hôm nay nó có thể cho thấy nhiều điều, nhưng không hẳn là sự thật. Chúng ta đang ở trong thời cai trị nghe nhìn và quyền lực hoàn toàn nằm trong tay kẻ nào có thể quyết định và sở hữu những phương tiện đó. Điều cốt lõi của chính sách này là sự xuất hiện bề ngoài, nên dù có nhiều thông tin, nhưng không hẳn những hình ảnh ấy đều minh bạch và vô tư. Bị tắt tivi mấy lần mới đầu tôi cảm thấy tự ái vì cái tôi của mình bị tổn thương nhưng về sau ngẫm lại thì thấy anh có lý. Tôi nhận ra trên tivi có rất ít chương trình đáng xem”. ( trang 85, 86)

Ở đây tôi nói thêm một điều vốn chỉ là ý kiến cá nhân muốn trao đổi lại với tác giả. Phải chăng trong sự thay đổi cách nhìn, cách nghĩ, cách cảm của Gấm dưới tác động trực tiếp của người yêu, theo tôi phần nào cô đã làm mất đi chủ kiến của riêng mình, hùa theo người yêu. Chẳng hạn Gấm tán thưởng quá nồng nhiệt kiểu lý sự cực đoan của người yêu khi anh ta đào hố sâu ngăn giữa hai trạng thái biểu lộ tình cảm là làm tình khác một trời một vực với cái gọi là âu yếm, như sau :

“ - Em biết không? Loài người khác loài vật không đói cũng ăn. Không khát  cũng uống. Và mùa nào, lúc nào cũng có thể làm tình được. Người ta có thể dễ dàng ăn ngủ, làm tình với nhau nhưng rất khó âu yếm nhau. Bởi làm tình là thực hiện bản năng, nếu không có ràng buộc về văn hóa hay đạo đức thì có thể làm lúc nào cũng được. Với ai cũng được. Nhưng âu yếm, đơn giản là một cái nắm tay, một nụ hôn, một vòng tay ôm ấp…. thì rất khó làm nếu không có tình cảm. Chỉ là tiếp xúc nhẹ nhàng, nhưng lại khó thực hiện nhất. Tuy va chạm đơn giản nhưng đó mới là sự tiếp xúc xác thịt sâu sắc nhất, cả người nhận lẫn người cho đều có cảm giác êm ái. Bởi người ta truyền cho nhau cả tấm lòng.

             Tôi lắng nghe anh mà như nuốt lấy từng lời. Những ý tưởng khác thường ấy, trước đó tôi chưa bao giờ nghĩ đến.” (trang 150)

            Ở một chỗ khác trong tiểu thuyết này tôi càng không thể tán thành với Gấm khi cô nồng nhiệt chia sẻ sự phân biệt quá tách bạch giữa cái gọi là trái tim và bộ não như là biểu tượng giữa tình cảm và lý trí như quan niệm của người cô yêu. Thậm chí anh ta còn tỏ ra đề cao thiên lệch trái tim trong khi hạ thấp bộ não với nhận định đầy quả quyết rằng:

            “ Trái tim là cơ quan quan trọng. Còn bộ não chỉ là cơ quan lừa dối. Nó phát sinh cái ác và che đậy cái ác tài tình.’’ ( trang 111)

            Tôi bỗng nhớ đến sự phân biệt tinh tế, sâu sắc và đầy minh triết, khi đại văn hào Nga Lep -Tôn -xtôi nhận xét về M. Gorki, là một nghệ sỹ mà “ trí tuệ của trí tuệ thì luẩn quẩn, nhưng trí tuệ của trái tim thì sáng suốt ... ’’. Sự phân biệt này dường như báo trước xu hướng tâm lý học hiện đại xuất hiện ở mấy thập kỷ cuối thế kỷ XX, hướng chú ý vào các vấn đề xúc cảm, tình cảm của con người, không còn hiểu về trí tuệ phiến diện xem coi đó đơn thuần là trí tuệ lý trí mà quên rằng các xúc cảm, tình cảm cũng là môt dạng trí tuệ vô cùng quan trọng để con người mang vác toàn vẹn tính người. (Xem Deniel Goleman trong sách “Trí tuệ xúc cảm“  – L INTELLIGENCE EMOTIONELLE, bản dịch tiếng Việt, NXB Khoa học Hà Nội, 2002)...

            Ngoài vài điểm bất đồng như vậy, nhìn chung tôi cho rằng việc diễn tả quá trình Gấm được cảm hóa và hoàn thiện mình trước tác động của người yêu và của tình yêu chân chính là có sức thuyết phục. Sức mạnh tình yêu do sự hòa hợp giữa hai con người đã chắp cánh cho Gấm bay cao. Từ chỗ ít chú ý dến sách vở, Gấm say mê đọc sách tìm thấy cái hay của sách. Hơn thế từ chỗ Gấm chưa từng làm quen với việc cầm bút đến chỗ say mê viết như một nhu cầu nội tâm để giải bày trên trang giấy những suy tư, xúc cảm riêng tư nhất của mình vốn khó chia sẻ với người khác bằng lời lẽ. Càng viết, ngòi bút Gấm càng thành thạo vì xuất phát từ trái tim đau đớn thổn thức của mình trước những nghịch cảnh mà chính cô lâm vào khiến cho những trang viết như thế mang tầm vóc của một nghệ sỹ của ngôn từ. Có lẽ vì thế mà người yêu của cô khi đọc lại nó đã đi đến chọn lựa dùng những trang nhật ký- di bút của Gấm làm thành nội dung chính của tiểu thuyết Bàn Tay nhỏ dưới mưa. Chính vì thế khi đọc tác phẩm này tôi có cảm giác đây là bản tự thuật của Gấm về cuộc đời đầy sóng gió và bất hạnh của cô trong tấn thảm kịch tình yêu mà cô là nhân vật chính.

 Theo dõi diễn biến gấp gáp của câu chuyện tình trắc trở này khi nó đi gần đến kết thúc, tôi càng lúc càng cảm nhận rõ nét hơn hoàn cảnh xã hội hay đúng hơn không khi thời đại bao phủ và chi phối quyết liệt lên số phận của hai nhân vật chính cũng như một số nhân vật khác chỉ hiện ra thoáng chốc. Trong chiều hướng này, tiểu thuyết Bàn tay nhỏ dưới mưa còn gửi đến bạn đọc một thông điệp đáng suy nghĩ đó là, mặc dù phản ứng của các nhân vật đáp trả lại tác động của môi trường xung quanh ràng buộc họ khác nhau như thế nào thì bất kỳ ai dù muốn dù không dù có ý thức hay vô ý thức cũng không thể đứng ngoài những ba động thời thế nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

             Nội dung của tiểu thuyết Bàn tay nhỏ dưới mưa về một phương diện nhất định có thể tóm tắt lại ở hai thái độ khác nhau trước bối cảnh toàn cầu hóa mà các nhân vật đang sống. Nếu Gấm, người đàn bà đẹp, thông minh, nhạy cảm gặp quá nhiều rủi ro, trắc trở trong gia đình riêng khiến cô mất dần niềm tin vào cuộc đời vào con người, toan tính quay lưng lại với thế giới bên ngoài mà trở nên mê mụ đi cằn cỗi lãnh đạm đến mức vô cảm với đồng loại thậm chí giảm thiểu tối đa những nhu cầu thiết yếu của tồn tại để sống như một loại thực vật thì tình yêu chân chính đã góp phần hồi sinh khiến cô khám phá ra bản thân mình và từ đó hình dung đầy đủ hơn về thời thế mà có một thái độ bình tĩnh hơn, lạc quan hơn trước đời sống... Ngược lại với Gấm, người yêu của cô tuy cũng trải qua những nghịch cảnh đau đớn nhưng ở anh luôn giữ được mối liên hệ với thời cuộc và đồng loại xung quanh nên vẫn không ngừng tìm cách vượt lên và hướng tới mục đích làm cho cuộc sống của con người ngày càng tốt đẹp thêm lên. Chính vì thế trong vai trò của một nhà báo bám sát đời sống thời sự, của đất nước mình và rộng ra là của thế giới nói chung, anh đau đáu với những ý tưởng, đề xuất đầy tính nhân bản, lên tiếng cảnh báo cho mọi người nhận ra những nguy cơ đang làm tổn hại đến môi trường sống, đến hệ sinh thái của trái đất trước những hệ lụy mang tính tiêu cực của xu thế toàn cầu hóa, của xu hướng điên cuồng chạy theo dục vọng tích lũy tiền bạc và của cải bằng mọi giá đang thực sự là một hiểm họa nhỡn tiền. Những ý tưởng nhân bản nồng nhiệt ở anh và cả ở những người bạn bè đồng trí hướng với anh chẳng hạn như của nhân vật Thuận, một bác sỹ già đã về hưu có hiểu biết sâu rộng về vấn đề này... đã thực sự khai mở cho Gấm một cách nhìn mới, một cách nghĩ mới về thời đại toàn cầu hóa và tác động ghê gớm của nó đến từng số phận con người trong đó có chính bản thân cô. Theo suy nghĩ của tôi sự thay đổi này của Gấm mới là một bước ngoặt lớn trong nhận thức cũng như trong toàn bộ thân phận cô, nó có ý nghĩa nâng Gấm từ một người con gái bất hạnh bình thường trở thành một nhân vật mang trong mình những dấu ấn của thời đại hôm nay. Điều này khiến cho tấn thảm kịch tình yêu mà cô là nhân vật chính được kể lại trong tiểu thuyết Bàn tay nhỏ dưới mưa mang được những nét mới, những dấu ấn đương đại của một mô típ tình yêu tưởng như đã quá cũ...

               Từ cách nhìn nhận như vậy, hay đúng hơn cách đọc như vậy về tiểu thuyết Bàn tay nhỏ dưới mưa tôi thấy rằng những đoạn hay nhất, cuốn hút nhất, gợi thức trong tôi nhiều suy tư nhất là những trang thể hiện trạng thái cận kề trước cái chết vì căn bệnh ung thư quái ác của thời đại mà Gấm phải gánh chịu. Đó là những trang trong sự bấn loạn đến mất tỉnh táo, Gấm như sống trong ảo giác vì thấy hiện lên cả một bầy gián đáng sợ không biết từ đâu lúc nhúc ùa ra trong căn nhà mang đầy những kỷ niệm về hạnh phúc mới được tận hưởng. Những con gián như những bóng ma càng lúc càng ùn ùn hiện ra bóp nghẹt cô, kỷ niệm về những hạnh phúc mà cô vừa có được dường như tan biến đi trước sức mạnh ghê gớm của loài côn trùng đáng sợ này.(Trang 247-248). Hoặc những trang đặc tả Gấm bình tĩnh lại trước nỗi hoảng loạn của cái chết cay nghiệt do bệnh hoạn đang đến gần khiên cô lên xe máy lao đi về phía Bình Qưới ngoại ô thành phố trong một buổi chiều. Trong khoảnh khắc này, Gấm vụt có một dáng dấp và suy cảm thật khác lạ đến phi thường khi đối diện với cảnh hoàng hôn bên bờ sông và hướng ánh mắt lên bầu trời cao rộng mênh mông lúc bóng tối đang dần đậm đặc, xóa mờ tất cả... ( Trang 355-359). Với tôi đó là những trang văn đáng đọc nhất, gợi suy nghĩ nhất và xúc động nhất của tác phẩm này. Hơn thế nữa nó còn cho thấy mối liên hệ giữa tình yêu, sự sống và cái chết với bối cảnh của thời đại toàn cầu hóa hiện nay... Bề ngoài tưởng như là những nhân tố xa lạ đối với nhau nhưng đã được tiểu thuyết Bàn tay nhỏ dưới mưa khéo léo nối kết lại trên cơ sở của một tấn thảm kịch tình yêu vốn đã quá quen thuộc của con người ở mọi thời và mọi nơi. Căn bẹnh ung thư của Gấm có liên quan từ những hậu quả khôn lường của biến đổi khí hậu, của tâm lý chạy theo lợi nhuận tối đa làm hủy hoại môi trường sinh thái, sự gia tăng của việc mất an toàn thực phẩm, nạn ô nhiễm nguồn nước, không khí vào hùa với nhau càng lúc càng đe dọa đến báo động sự sống của con người trên Trái Đất... Đó là những bất an lớn mang tính thảm họa đang thách thức thế kỷ XXI của chúng ta… Có thể ai đó cảm thấy rằng sự nối ghép giữa câu chuyện tình yêu này và những vấn nạn đặt ra từ thời đại toàn cầu hóa có phần gượng ép thiếu tự nhiên. Hoặc chưa thật đồng tình với tác giả khi dường như quá nhấn mạnh đến phương diện tiêu cực của toàn cầu hóa để cất lên mội hồi chuông cảnh báo! Những cảm giác đó phần nào là có thể chia sẻ, rất đáng để Trương Văn Dân suy nghi trong những sáng tác sắp tới… Nhưng với tôi khi đọc đi đọc lại tác phẩm này, thấy nổi lên ấn tượng trong khi diễn tả tấn thảm kịch tình yêu tác giả tỏ ra dụng công và ngọt ngào hơn do biết vận dụng khéo léo biện pháp nghệ thuật của việc thay đổi điểm nhìn kể chuyện thì sang phần sau của tác phẩm nối tấn thảm kịch tình yêu với tác động tiêu cực của xu thế toàn cầu hóa lại cố ý chọn lựa biện pháp tư liệu của truyền thông báo chí cùng với những bình luận ngoại đề mang tính chính luận nên khó trảnh khỏi tính chất khô khan và nhất là những vấn đề, suy luận chưa toát lên từ thân phận của nhân vật, cũng là nguyên nhân làm giảm đi sức truyền cảm thấm thía mà phần thứ nhất của tác phẩm đã phần nào đạt được. Dẫu sao tiểu thuyết Bàn tay nhỏ dưới mưa trong hiện trạng của nó, theo tôi vẫn là một cuốn sách hấp dẫn đáng đọc đáng suy ngẫm trong bối cảnh toàn cầu hóa đang chi phối hiện nay.

 

Hà Nội những ngày nóng của tháng 6-2015

 

 

 

Nguyễn Văn Thành
Số lần đọc: 3359
Ngày đăng: 05.05.2016
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cần sòng phẳng trước lịch sử và nghệ thuật! - Thế Thanh
Giác tâm trầm tịch cõi thi ca - Tâm Nhiên
Triết lý yêu trong thơ tình Xuân Diệu - Cao Thị Hồng
Muốn đổi mới thơ cần đổi mới cảm thức của nhà thơ - Từ Quốc Hoài
Tôi và Bàn Tay Nhỏ Dưới Mưa - Ngô Thị Mỹ Lệ
Phân tích tâm lý thuộc triết học tự nhiên - Võ Công Liêm
Kinh Tuyến Bắc Giải của Henry Miller* - Võ Công Liêm
Nét đối lập độc đáo với hình tượng biển trong một nhạc phẩm phản đề: Đừng Ví Em Là Biển - Bùi Đức Hào
Cái Tôi và cái Tôi thuộc về mình - Võ Công Liêm
Bản lĩnh của sự lựa chọn - Hoàng Vũ Thuật