“Từ thời niên thiếu, tôi đã có ham muốn mãnh liệt hơn hết thảy:
sắp xếp được tất cả những dữ kiện vào các định luật phố quát nào đó.”
(C. Darwin)
“Mang cái nhớ đi qua tháng ngày
Viết trường ca để lại mai sau”
(Đình Thu)
Mục lục
I. Mở đầu
II. Những lời bất cập về trường-phái-nhóm trong thi ca Việt hiện đại và đương đại
III. Đến sự hiện đại hóa thơ Việt từ “trường phái trường ca Việt”: Nhận thức và thực hành
III.1. Quan niệm về tính trường ca và việc lập danh sách tác giả, tác phẩm trường ca Việt Nam
III.2. Bước đầu phân loại tác giả, tác phẩm trường ca Việt Nam -
Sáu danh sách phân loại tác giả trường ca theo Thế hệ, Khuynh hướng, Phương thức, Nội dung, Cảm hứng, Ảnh hưởng
IV. Tạm kết
• •
I. Mở đầu
“Hiện tượng trường ca Việt Nam”. Khái niệm và nội hàm, từ năm 1980 đến nay đã được quan tâm trong nhiều nghiên cứu, phê bình, tọa đàm, thậm chí trong cả hội nghị, về thơ Việt Nam hiện đại nói chung và về trường ca nói riêng.[1]
Nhưng đến Hội thảo này, tất cả vẫn dường như nhiều tiếng-vỗ-của-một-bàn-tay[2]?
Cột mốc “sau 1975” đã, đang và sẽ là cột đỉnh trên đường biên chính trị, xã hội, văn hóa, đời sống Việt Nam chừng nào đất nước mang hình chữ S của chúng ta còn bị lâm trận hoặc bị đe dọa, ám ảnh bởi chiến chinh khiến giang sơn phân đôi.
Theo thiển ý, xét trong hơn một thế kỷ vừa qua của thời kỳ văn học Hiện đại bắt đầu từ khoảng những năm đầu tiên của thế kỷ XX, thì mốc lịch sử 1975 - Tổ quốc thống nhất có ý nghĩa toàn diện (nội dung tư tưởng, hình thức nghệ thuật, hệ giá trị mĩ học, phục vụ thời cuộc…) và nhất là phạm vi ảnh hưởng (tính quốc tế hóa) hơn cả, so với bốn mốc còn lại[3]: 1932 - Thơ mới; 1945 - Cách mạng mùa Thu; 1954 - Đất nước chia đôi bởi Hiệp định Genève.
Và, cũng chính từ sau năm 1975 dòng trường ca Việt Nam phát triển đến độ sung mãn nhất của nó, từ nội dung tư tưởng đến hình thức nghệ thuật, từ tư duy thể loại đến ảnh hưởng văn học.
Xét về cả thời gian (lịch đại) lẫn thời cuộc (thời đại), với giai đoạn lớn 40 năm từ sau 1975 đến thời điểm hiện tại, giới nghiên cứu và dư luận đã tương đối nhất quán khi chia nó thành ba giai đoạn nhỏ: 10 năm hậu chiến (1975 - 1986); 10 năm Đổi mới (1986 - giữa những năm 1990); 20 năm hậu Đổi mới (giữa các năm 1990 - hiện nay).
Và, dòng trường ca Việt Nam thăng hoa trong giai đoạn đầu, phân hóa và đa dạng trong hai giai đoạn sau.
Chất liệu cho nội dung chính ở đây tuy được trải rộng suốt khoảng 90 năm từ thời Thơ mới 1932-1945 đến nay. Nhưng về thực chất, “hiện tượng trường ca Việt Nam” có vùng hoạt động trong khoảng 40 năm 1960-2000: thời điểm lịch sử 1975 ở quãng giữa với khoảng 15 năm trước và 20 năm sau đó. Tức là, từ khoảng năm 1960 (miền Bắc ổn định trong đường lối Xã hội chủ nghĩa và chuẩn bị nhập cuộc chiến[4], miền Nam sắp vào giai đoạn chiến tranh trên quy mô lớn[5]) đến khoảng năm 2000 (thời điểm giai đoạn hậu Đổi mới chuẩn bị đạt thành tựu).
Dấu mốc 1960 có được do chúng tôi chọn ba điểm khởi phát của hiện tượng trường ca Việt Nam; đó là tác giả Văn Cao với tác phẩm Những người trên cửa biển - 1956; Hoàng Cầm, Tiếng hát người quan họ - 1956; và Thu Bồn, Bài ca chim Chơ Rao - 1962.
Về phạm vi và địa lý văn học của Tham luận: Mọi khu vực sinh hoạt và sáng tác thơ ca tiếng Việt, từ trung tâm, chính thống đến tất cả các ngoại vi, phi chính thống (hải ngoại, lề trái…) Thế nhưng, họ - các tác giả và tác phẩm trường ca xuất hiện và trưởng thành từ sau 1975 - là những “chính chủ” đã làm ra và đang quyết định hiện tình trường ca Việt Nam.
Đó là lý do thuyết phục nhất khiến bài viết được dành cho Hội thảo.
II. Những lời bất cập về trường-phái-nhóm trong thi ca Việt hiện đại và đương đại
Theo một số hướng chính của tiến trình văn học và nghệ thuật Đông Tây kim cổ, sẽ không khó rút ra vài điểm thường gặp ở các chủ nghĩa/trường phái/khuynh hướng/trào lưu tiêu biểu, quen thuộc.
Chúng tôi muốn đúc kết ở 6 điều kiện sau đây với một trường phái/khuynh hướng/trào lưu văn nghệ: 1. Số lượng nhất định các văn nghệ sĩ (thường có một người đứng đầu/đại biểu) cùng theo đuổi một khuynh hướng tư tưởng hoặc một phương pháp hành động riêng biệt và lần đầu tiên (bộc lộ qua một loại tuyên ngôn nào đó); 2. Cơ sở lý thuyết/lý luận cùng các phản biện cần thiết để thể hiện tư tưởng qua thực hành sáng tạo; 3. Phương tiện truyền bá (báo chí, diễn đàn, dư luận); 4. Không gian địa lý và thời gian trình diễn tác phẩm quan trọng; 5. Chịu sự cạnh tranh/sức ép/đàn áp của khuynh hướng, hệ tư tưởng/mỹ học khác; hoặc ảnh hưởng từ cuộc canh tân/cách mạng/cải tổ của thời đại, xã hội, của nền văn nghệ đó; 6. Tạo dấu ấn trong lịch sử văn nghệ ở phạm vi nào đó bằng quan điểm, tác phẩm, nhân vật, sự kiện điển hình.
Nói gọn, trên dòng chảy tri thức và sinh hoạt văn hóa loài người, các trường phái văn nghệ sinh ra là để... chết. Chết khi hết vai trò. Và lưu lại trên sân sáng tạo của ngôi nhà nhân loại một viên gạch mang tên mình.
Nói về trường/phái/nhóm thơ theo cùng thi pháp, phong cách… Hơn một thế kỷ qua ở phương Tây, nhất là Pháp, Mỹ đã từng rực lên biết bao mặt-trời-thơ nhỏ to.
Ở Pháp đầu thế kỷ XX tỏa sáng toàn cầu là các nhóm thơ Thất Tinh (Pléiade), Thi Sơn (Parnasse), những trường phái Tượng trưng Mallarmé, Siêu thực Bréton... Nước Nga với nhóm thơ Pushkin, nhóm thơ Vị Lai (Ego-Futurists), những trường phái thơ hình tượng Blok, trường phái thơ Lermontov-Pasternak... Từ giữa thế kỷ XX, Hoa Kỳ rực rỡ với hàng tá mặt-trời-thơ: trường phái Black Mountain, trường phái San Francisco, các nhà thơ thế hệ Beat, trường phái New York... Ngay cả xứ Trung Hoa, cuối thế kỷ trước tỏa sáng nhiều vùng sáng thơ riêng lẻ. Chỉ trong một bài viết nhỏ[6] chúng ta đã thấy: đây trường phái thơ Mông Lung, kia nhóm thơ Đất Quê Mới (Tân Hương thổ thi phái), kìa nhóm thơ Quật Khởi (Quật khởi thi quần)…
Các trường phái nghệ thuật ở phương Tây thành quả hơn ở phương Đông, phần vì họ mang tinh thần tôn trọng tự do cá nhân - sản phẩm của văn hóa phương Tây - vào sinh hoạt nghệ thuật nhóm phái, khuynh hướng. Tất nhiên còn vài lý do khác, như bài bản, nhà nghề, kỷ luật, biết chịu nhau… Rất ít sinh hoạt trường phái văn nghệ Việt thực hiện đúng tiêu chí coi nghệ thuật là mục tiêu tiền phong. Nó khó nhận ra vì những nhà cách tân ấy thường là nạn nhân cụ thể của một sự mất tự do nào đó. “Thi ca đã chọn chúng ta!” Độc quyền làm tiền vệ, độc tài cách canh tân - đó vẫn là lề lối làm việc của đa số trào lưu nghệ thuật Việt lâu nay. Thói xếp chiếu trên khoanh chiếu dưới đã làm thui chột nhiều ý muốn sáng tạo của những người không đồng hội đồng thuyền. Ngồi-xuống-cùng-làm-một-cái-gì. Đó là thao tác khó đầu tiên tạo nôi cho một nhóm văn hữu cùng sinh đẻ trên đó.
Dẫu thế, thơ Việt từ sau thời Thơ mới tới thời hiện đại rồi hậu hiện đại, cũng đôi lúc lấp lánh các vì sao lạ, dự phần soi tỏ bầu trời thơ ca nước nhà.
Trước 1975, cả hai khuôn viên văn nghệ nổi tiếng là nhóm thơ Bình Định 1936-1945 (đưa tới trường thơ Loạn) và nhóm Sáng Tạo 1956-1965 đều không là các tập hợp văn học về thi pháp có tính cách mạng mỹ học như hai nhóm Xuân Thu Nhã Tập 1939-1942 (lý thuyết và thực hành) và nhóm Dạ Đài (với tuyên ngôn Tượng trưng 1946, được Hội thảo quốc tế 2006 của Viện Văn học Việt Nam[7] xem xét - có lẽ lần đầu tiên? - như một thi phái Việt chưa kịp thực hành).
Sau 1975, có hai khuynh hướng nhóm-phái tập thể có ý thức, gây ảnh hưởng mạnh nhất như là “trường thơ” và có một khuynh hướng cộng đồng vô thức.
Từ năm 2000 đến nay, nhóm thơ Tân hình thức Việt (không xưng danh chính thức, tụ điểm là Tạp chí Thơ và nhà thơ Khế Iêm ở California) qua lý thuyết, thực hành cùng hoạt động (diễn đàn, xuất bản, “phe phái, chủ soái”) đã gây tiếng vang đáng kể trong văn giới và báo chí từ ngoài nước lan tới trong nước. Mới nhất, như một xác nhận tương đối chính thức về học thuật và dư luận, đó là Hội thảo “Thơ Tân hình thức Việt - Tiếp nhận và sáng tạo”[8] do Tạp chí Sông Hương (Huế) tổ chức trong các tháng 9&10/2014 qua 3 buổi tọa đàm tại Huế, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội với kỷ yếu cùng tên “bao gồm các tiểu luận của nhiều nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng Việt Nam (…) và tiểu luận của các nhà nghiên cứu thế giới, các nhà thơ Tân Hình thức hàng đầu của Mỹ (…)”[9]
Như thế, bằng trường phái Tân hình thức Việt, có thể nói không e ngại, lần đầu tiên lịch sử văn học Việt được chứng kiến một trào lưu thi ca có lý thuyết rất bài bản, có diễn đàn - xuất bản sôi nổi, có thời gian thử thách, có ảnh hưởng dư luận và nhất là có thực hành với một số tác giả, tác phẩm thành công, rộng khắp trong và ngoài lãnh thổ quốc gia.
Tức là, ít nhất đến thời điểm này, trường phái Tân hình thức Việt đã rất đạt ở hầu khắp 5 điều kiện đầu trong danh sách 6 điều kiện nêu trên cho một trường thơ; điều kiện thứ 6: khắt khe mà nói cũng là đạt (mà tất nhiên cũng cần thẩm định của thời gian). Trong môi trường lý luận, phê bình và sáng tác văn nghệ Việt lâu nay chưa có tập quán trường/phái/nhóm, đây nên được xem là bước chuyển đổi lớn. Theo cảm nhận riêng, hạn chế của loại hình thơ này là ở chỗ - về bản chất thi ca và hình thức trình bày (viết, đọc) - nó khó có thể tham dự như là “chính thi” trên nền thơ Việt, nếu như nhận thức và thực hành về ngôn ngữ, cú pháp tiếng Việt vẫn như hiện nay. Nói nôm, như một loại “đặc sản” hợp số ít thi cảm của người viết và người đọc, thơ Tân hình thức chưa thể là quảng đại.
Ra đời 2001, nhóm thơ Mở Miệng, tạo tiếng tăm cùng tai tiếng trên nhiều báo chí, trang mạng văn nghệ trong-ngoài nước các năm 2003-2006; còn lác đác nhưng chủ yếu ở các vấn đề ngoài thơ tới khoảng 2010; về sáng tác và hoạt động văn học kể như đã (tạm) ngưng, và rộ trở lại trong dư luận các năm 2013-2014[10]. Ý nghĩa của nhóm thơ này hiển lộ mạnh bạo ở giá trị thời cuộc, tính văn hóa chính trị và thái độ phản biện văn nghệ - xã hội; về giá trị nghệ thuật (tính văn học, chất thơ) ít được tán đồng trong dư luận chung, còn phải cần đến sự lên tiếng của thời gian.
Cũng từ khoảng năm 2000, một khuynh hướng - thành cao trào với đúng nghĩa của nó - mang tên Hậu hiện đại, được thực hiện ở văn học Việt, nhất là thơ và tiểu thuyết, trong lẫn ngoài hình chữ S, với ngót cả trăm tác giả, dịch giả, phê bình, nghiên cứu gia từ tài tử, ngoài lề cho tới nhà nghề, chính thống; từ bộc phát cho đến bài bản. Ban đầu từ ngoại vi rồi tới trung tâm, từ ngoài nước lan vào trong nước.
Về đại trà, cả ở trung tâm lẫn ngoại vi, khuynh hướng Hậu hiện đại Việt vẫn chưa được đông đảo giới sáng tác, phê bình và độc giả nhìn nhận đàng hoàng, như một dòng văn-học-thật. Họ coi đó như các cách dị ứng xã hội bằng chữ nghĩa, phá lối văn chương truyền thống, chuẩn mực. Gọi chung, một thứ giả-văn-học.[11]
Nhiều cái kẹt cho cả hai bên tác giả - độc giả. Ít nhất: Một là, vì không là trường phái, lối viết hậu hiện đại không có phương pháp luận ổn định và nghiệm đúng cho mọi tác giả, cho mọi tác phẩm của một tác giả; tức là không có chuẩn để bàn sự hay-dở về nghệ thuật. Hai là, quan niệm logic rất thường trực “Cũ người mới ta”. (Riêng vụ này thì không công bằng. Thuận lý mà bất tình! Là nơi có sở đoản về học thuyết, đương nhiên châu Á và Việt Nam sẽ mãi đi sau phương Tây trong các trào lưu, nhóm phái. Nhưng, về mặt thực dụng và hiệu ứng sáng tạo: Hậu hiện đại Mỹ đi vào thoái trào là chuyện của người Mỹ; dân Việt bay lên cao trào hậu hiện đại Việt lại là chuyện của ta.)
Xã hội Việt, văn học Việt chắc còn dai dẳng đeo đẳng với các điều kiện Hậu hiện đại 10-15 năm nữa. Nó bị/được ràng buộc/thúc đẩy bởi các điều kiện chính trị, văn hóa và nhất là kinh tế của Việt Nam khi mà TPP có nhiều cơ hội làm “đổi mới” xứ sở này.
Sau Chiến tranh lạnh, văn chương Âu-Mỹ ít có các trường phái đoạt soái thi đàn, như từng nở rộ thời đầu và giữa thế kỷ XX. (Hoàng kim là các năm 1970, dòng hậu hiện đại Mỹ cũng bị phân hóa theo các dòng chính khác nhau trên văn đàn.) Và có thể sẽ như thế nửa thế kỷ nữa? Lý do: tri thức và cảm thức loài người (dường như vẫn tụ tập ở Hoa Kỳ, không về mặt địa lý) trong kỷ nguyên a-còng đang chẳng cần triết học, tư trào của các thứ triết lý thuần khiết như trước.[12] Mà thi ca là triết học cất cánh, bay vào hoặc bay ra trái tim người.
Văn hóa nào cũng có thơ ca làm tinh hoa. Từ lâu chúng ta thường an phận văn hóa Việt không có luận thuyết theo quan niệm phương Tây.
Trong bốn nhóm-trường thơ Việt Nam xứng danh nhất mà chúng tôi đề xuất (nhóm thơ Bình Định/trường thơ Loạn, nhóm Xuân Thu Nhã Tập, nhóm Dạ Đài và nhóm Tân hình thức) thiển nghĩ rằng, nhóm Xuân Thu Nhã Tập đến nay duy nhất có lý thuyết thơ hài hòa Đông Tây và thực hành đủ thuyết phục về chất-thơ. Thế nhưng trên thực tế vẫn bị xem là không thành quả: trái thơ Xuân Thu Nhã Tập hậu thế khó ăn nổi, chỉ nên ngắm và tôn thờ.
Cũng trong 15 năm qua, chưa kể giới phê bình, nghiên cứu mà cả dư luận chính thống và đại chúng hầu như chưa “ghé mắt trông coi” tới một vài khởi xướng và thử nghiệm các cách thức làm thơ Việt mà chưa/không được trở thành “trường phái” hoặc trở nên có lý luận của một số tác giả độc lập. Như “Lý thuyết Cấu” của nhà thơ Khải Minh[13]; các phương cách, kỹ thuật mới về “Thơ phụ âm” của nhà thơ Đặng Thân[14]; về “Thơ thực hiện” của nhà thơ Nguyễn Tôn Hiệt[15]. Và như của một số nhà thơ riêng lẻ khác mà hầu hết đều mang vác các yếu tố hậu hiện đại.
Chúng ta cần có những chương trình nghiên cứu hệ thống và thực dụng về các hướng đi mới-lạ-khác của thơ ca Việt Nam mà trước đây nó chưa đi hết, đến nay nó chưa đi tới.
Cuối cùng ở bài này (mà thật ra phải là đầu tiên ở đâu đó) là về một vầng chói sáng trong thơ Việt, lan tỏa trên văn đàn nửa thế kỷ nay, nhưng chưa ở đâu chính thức nêu nó thành danh, định nó nên vị: Trường-phái-trường-ca-Việt-Nam!
III. Đến sự hiện đại hóa thơ Việt từ “trường phái trường ca Việt”: Nhận thức và thực hành
Về mặt lý thuyết thể loại, không gì rõ ràng như nhà nghiên cứu văn học người Mỹ Rosmarin khẳng định: “Thể loại được định danh một cách tiện ích nhất là một công cụ giải bình, là cách hữu lý và uy lực nhất để minh định giá trị của một văn bản văn chương.”[16]
Tìm hiểu kỹ dòng thơ trường ca Việt với quan niệm thể loại như một thi pháp, cảm hứng chủ đạo như một phương pháp, chúng tôi tâm đắc với nhận định có tính phát hiện từ nhà nghiên cứu - phê bình Chu Văn Sơn rằng, “về thể loại, sự bùng nổ của trường ca có lẽ là hiện tượng đáng kể nhất của thơ Việt Nam từ nửa sau thế kỷ 20 đến giờ”![17]
Qua nhiều năm quan tâm và với 6 năm nay, sau luận điểm “trào lưu trường ca Việt Nam như là một trường phái sáng tác”[18], các danh sách tác giả và tác phẩm trường ca Việt Nam đã được cập nhật liên tục trên nhiều trang mạng ở trong và ngoài nước.
Ngay sau khi khảo cứu công bố ở năm đầu tiên, nhà nghiên cứu văn học Trần Thiện Khanh từng có Lời dẫn như sau:
“Trường ca là một thể loại có đóng góp đáng kể vào sự phát triển của tư duy thơ Việt Nam hiện đại. Thế nhưng, sự quan tâm đến nó, cả ở phương diện văn học sử lẫn lý luận thể loại lại có phần muộn mằn, lẻ tẻ. Cho đến nay [2010] mới chỉ có Tuyển tập trường ca (Nxb Quân Đội Nhân Dân, 1997) là cung cấp được cho độc giả một cái nhìn tập trung về văn bản thể loại này. Trong Lời nói đầu của tuyển tập đó các tác giả biên soạn nhận định: ‘Trường ca là thể loại chiếm tỉ lệ nhỏ, (…) mười trường ca được tuyển chọn trong cuốn này (…) là những trường ca tiêu biểu cả về nội dung lẫn hình thức cũng như bối cảnh lịch sử tác phẩm ra đời’. Như vậy số lượng trường ca được chú ý ở đây còn ít, lại chủ yếu là các trường ca sáng tác trong khoảng 30 năm, tính từ Bài thơ Hắc Hải (1958) của Nguyễn Đình Thi đến Gọi nhau qua vách vúi (1987) của Thi Hoàng. ‘Vùng trường ca’ đến nay vẫn còn nhiều chỗ trống, cần có người tâm huyết lục khảo lại, chọn tuyển công phu hơn, nhất là thể hiện được cái nhìn khái quát, công bằng hơn nữa về diễn tiến của thể loại này..”[19]
Mục tiêu của Tham luận, đó là từ nhận thức và thực hành sáng tác qua một hệ thống tác giả và tác phẩm trường ca Việt Nam kể từ thời Thơ mới đi đến sự khẳng định rằng, trong quá trình hiện đại hóa thơ Việt, điều mang danh “trường phái trường ca Việt” là không thể thay thế.
Nếu theo 6 điều kiện cho một trường phái/khuynh hướng/trào lưu nói chung vừa nêu ở Chương II thì, một cách tương đối, dòng trường ca Việt hơn 50 năm qua gần như không đạt 2 điều kiện đầu (lại là 2 điều kiện tiên quyết), rất tốt qua 2 điều kiện giữa, và ở 2 điều kiện cuối phải nói là… tuyệt vời!
Hãy nhìn nhận sự phát triển thể loại trường ca Việt Nam đã diễn ra một cách khác thường và đa dạng tới mức hóa thân thành một “thi pháp chung”! Hãy đánh giá cảm hứng trường ca Việt Nam tuôn trào rất chủ quan về sáng tạo nghệ thuật nhưng có định hướng theo thời thế giống một “phương pháp chung”! Chúng ta sẽ dễ bề thể tất 2 điều kiện đầu mà bù đắp bằng 2 điều kiện cuối.
Bà đỡ cho trường phái trường ca Việt? Ấy là sự thúc bách của thời đại, là trách nhiệm của thi sĩ-chiến sĩ, thi sĩ-công dân. Ấy là cái sinh tử của chiến tranh (như được dẫn lại nơi Chú thích 5, khi đặt cọc mốc mở đầu cho trường phái này vào khoảng năm 1960), là cuộc đổi đời nghệ thuật (trong các giai đoạn hậu chiến và Đổi mới 1975-1995 và khoảng đầu của hậu Đổi mới khoảng năm 2000).
Ai trong chúng ta không tự hỏi: Đã từng có nền văn học nào trên thế giới mà thể loại trường ca đạt tầm vóc về nghệ thuật, tư tưởng, số lượng tác giả và nhất là tác dụng xã hội - đất nước, như dòng trường ca chiến tranh Việt Nam 1963-1975 và hậu chiến 1975-1986 không?
III.1. Quan niệm về tính trường ca và việc lập danh sách tác giả, tác phẩm trường ca Việt Nam
Đây đang là cơ sở cho một đề tài không dễ dàng - bởi hẳn là lần đầu tiên - đề cập khái niệm “tác gia trường ca Việt Nam” và phân loại, nhận định có hệ thống, toàn diện loại hình này trong văn học Việt Nam hiện đại.
Theo thống kê đang có, về số lượng, từ thời Thơ mới tới nay (cập nhật 26/4/2016), là khoảng 450 tác giả Việt Nam đã viết ít nhất một trường ca hoặc một bài thơ dài mang ý nghĩa tương đương, với tổng số khoảng 1182 tác phẩm gọi chung là “trường ca hiện đại” (thường gọi tắt “trường ca”).
Một cách tương đối, có thể xem Huy Thông là tác giả trường ca Việt Nam đầu tiên với tác phẩm nổi tiếng Tiếng địch Sông Ô ra đời năm 1935, còn Hữu Đạt là tác giả mới nhất với Cuộc chiến mười ngàn ngày (Nxb Công An Nhân Dân, 2015), và tác phẩm mới nhất là Hoàng đế Quang Trung (Nxb Thuận Hóa, 2016) của Hoàng Bình Trọng.
Các yếu tính của thể loại để phân biệt trường ca giữa các tác phẩm thơ khác luôn là nan đề trong cả sáng tác lẫn lý luận văn học đương đại, ở Việt Nam và trên thế giới. Thơ trường ca, cùng với tiểu thuyết, là hai hình thức nghệ thuật ngôn từ có sự tổng hợp thể loại; đến mức “quên” thể loại!
Với dòng thơ trường ca Việt hiện đại và đương đại của hơn ngàn tác phẩm lớn nhỏ được sinh hạ từ gần nửa ngàn tay bút theo nhiều quan niệm, đề tài, phong cách, thế hệ thì lý giải của nhà lý luận văn học người Nga Tynhianov thật thích đáng:
“(..) hãy thử định nghĩa khái niệm ‘trường ca’, tức một khái niệm về thể loại. Tất cả mọi cố gắng đưa ra một định nghĩa thống nhất đều không đạt được. (…) Thể loại không được nhận ra, nhưng dù sao trong nó vẫn còn giữ được những yếu tố đủ để cái gọi là ‘không phải trường ca’ là một trường ca. Và sự ‘đủ’ này - không phải những thứ thuộc ‘nền tảng’, hay những nét lớn riêng biệt, mà là những cái thuộc thứ hạng, dường như chúng phải thế và dường như chúng không định tính cho thể loại. Cái cần để thể loại được coi là thể loại, trong trường hợp này, là ‘độ lớn’”.[20]
Không ai khác, chính nhà trường ca Việt Nam đầu tiên của thời hiện đại, trong một báo cáo tại hội nghị khoa học như là lần đầu tiên về trường ca ở Việt Nam được tổ chức tại đại học lớn nhất quốc gia, cũng nhìn nhận rằng “độ dài của trường ca là một yếu tố thuận. Độ dài góp phần cấp trọng lượng cho chất tráng của thi ca”.[21]
Phải chăng nhờ tự mang trong mình sự bất định thể loại, trường ca đã là một trong những Đứa Con kỳ khôi - già xưa nhất, tươi lạ nhất và hoành tráng nhất - của Người Mẹ Văn Chương?
Bằng quan niệm mới về thể loại, và trong sự cẩn trọng thông lệ cho một công việc phân định không thể tránh được độ bấp bênh nào đó, nay đề nghị một số tiêu chí, khi thành lập danh sách, cũng như phân loại tác giả, phê bình tác phẩm.
Với trường ca, và các loại hình tương tự (sử thi, anh hùng ca, ngâm khúc, diễn ca, trường thi…), thường không khó lắm để nhận dạng qua cấu trúc và dung lượng, dù được viết theo khuynh hướng nào: cổ điển, hiện đại hay hậu hiện đại. Riêng với thơ dài có tính trường ca - điểm mới của khảo cứu này[22] - quả là không dễ định vị! Chúng tôi cho rằng tác phẩm Sầm Sơn trường hận của tác giả Nam Trân là bài thơ dài có tính trường ca được viết sớm nhất, vào năm 1932, trước khá lâu so với bài trường ca Việt Nam đầu tiên của thời hiện đại là Tiếng địch Sông Ô nói trên.
Đến nay, trong tổng số 450 tác giả, có 322 tác giả trường ca và 128 tác giả thơ dài có tính trường ca: trung bình mỗi tác giả đã viết hơn 2.5 tác phẩm có tính trường ca. Những con số biết nói, vừa có ý tượng trưng vừa mang nghĩa cụ thể!
Ở đây, “trường ca” và “thơ dài có ý nghĩa tương đương” bao gồm các loại hình văn vần - trừ truyện thơ và tất nhiên cả kịch thơ - mang dung lượng lớn với phương thức tự sự hay trữ tình, cấu trúc có hoặc không có cốt truyện, câu chuyện.
Trong các sáng tác đó, tính trường ca được thể hiện hài hòa qua: a) Thể tài: mang tinh thần và nội dung không của từng cá thể hay giữa các cá thể, mà thuộc về giá trị chung - đất nước, quê hương, nhân loại, dân tộc, cộng đồng - trong một chủ đề nhân văn có ý nghĩa xã hội rộng lớn. (Đây nên được xem như kim chỉ nam về tư duy thể loại trên bản đồ nghệ thuật thơ có tính trường ca); b) Chất liệu hiện thực: trạng thái nhân thế và trạng thái sử thi có thể độc lập hoặc hoán chuyển; c) Cảm hứng: ấn tượng chấn động, cảm xúc cao sâu; d) Giọng điệu, tư duy thẩm mĩ: mạnh hoặc nhanh, hùng ca hoặc bi ai hoặc hài hước, với chủ đích lôi cuốn với thái độ chủ quan; e) Cấu trúc và thủ pháp: sử dụng một số hình thức, kỹ thuật của “trường ca chuẩn tắc” (chương, khúc, đoạn, pha trộn thể loại, đa ngữ điệu, cân bằng các giá trị đối lập…); f) Dung lượng: Khoảng 750 chữ trở lên (có thể ít hơn, tùy ý nghĩa từng bài).
Và biên khảo này mạnh dạn dùng một tên gọi mới, không thuộc về thể loại mà với ý biểu tượng, như một sự vinh danh: Tiểu trường ca.[23] Đó là các thi phẩm có: Dung lượng hơn một bài thơ bình thường (tùy theo ý nghĩa từng bài, có trường hợp đặc biệt); Thi pháp mang tính trường ca; Tác giả đã quen thuộc; Và nhất là, từng tạo tiếng vang trong dư luận xã hội và môi trường văn học, mang dấu ấn thời đại, lịch sử…
Trong bài Trường ca Việt Nam: Tác giả và tác phẩm (thông tin về đường dẫn ở dưới bài này) phần III là toàn văn các danh sách tác giả, tác phẩm trường ca Việt Nam (cập nhật 26/4/2016).
Danh sách số 1: 450 tác giả và 1182 tác phẩm trường ca và thơ dài Việt Nam.
Danh sách số 1a: 450 Tác giả trường ca và thơ dài Việt Nam.
Danh sách số 1b: 322 Tác giả trường ca Việt Nam.
Danh sách số 1c: 128 Tác giả thơ dài có tính trường ca Việt Nam.
Danh sách số 1d: 1182 Tác phẩm trường ca và thơ dài Việt Nam.
Danh sách số 2: Những bài thơ như là “tiểu trường ca” Việt Nam (Phác thảo: 112 tiểu trường ca Việt Nam với 81 tác giả).
Do lấy tính trường ca làm đích, ở đây phân biệt hai loại: thơ dài có tính trường ca và thơ dài không có tính trường ca. Sắp tới, sẽ hoàn thiện Danh sách số 2 (Những bài thơ như là “tiểu trường ca” Việt Nam), và hy vọng sớm công bố Danh sách số 3 (Tác giả thơ dài tiêu biểu Việt Nam).
Dường như vẫn còn một dấu hỏi luôn neo trong đầu mỗi người ham thích tìm hiểu sinh hoạt sáng tác văn học: Tổng số các nhà thơ Việt, từ thời Thơ mới đến nay, khoảng chừng bao nhiêu? (Tại đây có thể tạm dùng cách xác định riêng về “nhà thơ”: Đó là tác giả của những sáng tác thơ được đánh giá, lưu giữ trong một cộng đồng nhất định. Và tất nhiên tiêu chí “nhà thơ Việt Nam hiện đại” phải chặt chẽ hơn so với ở các trào lưu, thể loại như dòng trường ca Việt Nam).
Ở tầm hạn hẹp, bằng phương pháp thống kê, chúng tôi ước tính: Tất cả có lẽ là khoảng 2000 nhà thơ Việt Nam hiện đại? Tóm tắt hai cách định lượng: Một, ngoại suy từ một số danh sách chuẩn, hoặc tương đối chuẩn, như: hơn 400 nhà thơ Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (trong tổng số 1110 hội viên); Tư liệu 785 nhà thơ tiêu biểu thế kỷ 20 (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam cinet.gov.vn); kỷ yếu Nhà văn Việt Nam hiện đại (Nxb Hội Nhà văn, 1997-2010; trannhuong.net); Danh sách tác giả thơ của những trang mạng văn học quan trọng ở trong và ngoài nước như vanvn.net, vanviet.info, nhavantphcm.com.vn, thivien.net, vanchuongviet.org, phongdiep.net, trannhuong.com, thica.net, tienve.org, damau.org, gio-o.com, talachu.org, newvietart.com, chimviet.free.fr, vi.wikipedia.org, và của một số tạp chí văn học quan trọng ở hải ngoại như Hợp Lưu, Văn Học, Tạp Chí Thơ, Văn, Việt... Hai, suy diễn theo số lượng tác giả trường ca và thơ dài mà biên khảo này đang có (với các chọn lựa khác nhau có thể vuông tròn thừa thiếu trên thực tế là 400 tác giả) và theo 6 danh sách tương đối quen thuộc (45 tác giả trong Thi nhân Việt Nam / Hoài Thanh - Hoài Chân; 200 tác giả trong Thơ Việt Nam thế kỷ 20 / Hội Nhà văn Việt Nam; 321 tác giả thơ tình 1954-1975 miền Nam Việt Nam / gio-o.com; 100 bài thơ Việt Nam hay nhất thế kỷ 20 / Trung tâm Văn hóa Doanh nhân; 100 bài thơ chọn lọc thế kỷ 20 / Gia Dũng; và Thi nhân Việt Nam hiện đại, 2006 - Tuyển tập chân dung văn học 152 nhà thơ Việt Nam hiện đại / Thái Doãn Hiểu).
Cuối cùng, chúng ta rút ra được tỷ lệ vàng 1/5 cho số các thi sĩ sáng tác theo phong cách trường ca trên tổng số các nhà thơ nói chung. Như là một thi duyên: bàn tay có 5 ngón tay thơ thì người Việt mình dành 1 ngón cho thơ trường ca!
Lại phải tự hỏi: Hiện tại trên thế giới liệu có nền thơ ở một quốc gia nào khác, của một dân tộc nào khác, có tỷ lệ các “nhà trường ca” cao và lạ như ở Việt Nam?
III.2. Bước đầu phân loại tác giả, tác phẩm trường ca Việt Nam
Xin trình dẫn trước nơi đây một số danh sách (sơ bộ) phân loại tác giả trường ca Việt.
Vài ghi chú:
a. Do cần làm gấp theo yêu cầu từ Ban tổ chức Hội thảo và thiếu thông tin của khá nhiều tác giả, một số danh sách chưa thể đầy đủ theo thống kê đang có. Nên sẽ được hoàn thiện trong những lần cập nhật trên các báo mạng từng đăng tải các phần trước của khảo cứu.
b. Quy ước:
Tên in nghiêng là các tác giả chỉ viết thơ dài có tính trường ca;
Trong một phân loại nào đó, rất tương đối, các tác giả được xếp theo thứ tự năm sinh; các tác giả chưa có thông tin chính xác để sau cùng và sau dấu “;”
c. Về việc phân loại các tác phẩm: do khả năng tiếp cận các tác phẩm bị hạn chế bởi số lượng cũng như chất lượng tác phẩm, tạm thời sẽ chỉ có thể thực hiện trên những sáng tác tạo ảnh hưởng hoặc có đặc điểm (khác/mới/lạ). Và hẹn trong dịp tới...
d. Cũng có thêm danh sách tác giả phê bình - nghiên cứu trường ca Việt.
Phân loại tác giả trường ca trên dữ liệu các danh sách 450 tác giả và 1182 tác phẩm (cập nhật 26/4/2016) theo Thế hệ, Khuynh hướng, Phương thức, Nội dung, Cảm hứng, Ảnh hưởng:
DANH SÁCH SỐ 4.1 (theo phân loại Thế hệ - Độ tuổi)
• Trước thế kỷ XX:
Nguyễn Ái Quốc (sách), Trần Tuấn Khải (sách), v.v…
• 1900s:
Vân Đài (sách), Khương Hữu Dụng (sách), Nam Trân, Lê Đại Thanh, v.v…
• 1910s:
Thái Can, Lưu Trọng Lư (sách), Thanh Tịnh, Bàng Bá Lân, Đoàn Văn Cừ (sách), Trần Huyền Trân, Huyền Kiêu (sách), Huy Thông (sách), Thụy An, Vũ Hoàng Chương (sách), Xuân Diệu (sách), Yến Lan (sách), Hữu Loan (sách), Minh Tuyền (sách), Bích Khê (sách), Nguyên Hồng (sách), Nguyễn Bính (sách), Trinh Đường (sách), Huy Cận (sách), Nguyễn Viết Lãm (sách), v.v…
• 1920s:
Chế Lan Viên (sách), Đinh Hùng (sách), Tố Hữu (sách), Nghiêm Xuân Hồng, Anh Thơ, Tế Hanh (sách), Quang Dũng (sách), Hoàng Cầm (sách), Hoàng Yến, Nông Quốc Chấn (sách), Văn Cao (sách), Đào Anh Kha, Đỗ Xuân Oanh, Nguyễn Đình Thi (sách), Đặng Đình Hưng (sách), Trần Dần (sách), Phan Vũ (sách), Xuân Hoàng, Vũ Anh Khanh, Tạ Hữu Yên (sách), Phù Thăng, Viễn Phương (sách), Việt Phương (sách), Tất Vinh (sách), Lê Đạt (sách), Giang Nam (sách), v.v…
• 1930s:
Lưu Trùng Dương, Cung Trầm Tưởng, Dương Tường (sách), Phùng Quán (sách), Huy Dung, Nguyên Sa (sách), Thái Giang, Vân Long (sách), Trúc Chi (sách), Hoài Anh (sách), Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Nhược Pháp (sách), Thế Phong (sách), Nguyễn Bùi Vợi (sách), Thế Mạc, Duyên Anh, Ngô Kha (sách), Thu Bồn (sách), Tạ Vũ, Thanh Tùng (sách), Thanh Tâm Tuyền (sách), Võ Văn Trực (sách), Hoàng Anh Tuấn (sách), Trúc Cương, Ngô Văn Phú (sách), Trần Văn Nam, Nguyễn Đăng Thường (sách), Nguyên Hồ (sách), Nguyễn Xuân Thiệp, Viên Linh (sách), Đỗ Quý Toàn, Nhã Ca (sách), Trần Tuấn Kiệt (sách), Lữ Huy Nguyên (sách), v.v…
• 1940s:
Phạm Thiên Thư (sách), Kiệt Tấn (sách), Bùi Minh Quốc (sách), Lê Anh Xuân (sách), Nguyễn Vũ Tiềm (sách), Khuất Đẩu, Nguyễn Thanh Hiện (sách), Vũ Quần Phương (sách), Duy Phi (sách), Gia Dũng, Phạm Công Thiện, Phạm Tiến Duật (sách), Cao Đông Khánh (sách), Bằng Việt (sách), Trần Vàng Sao (sách), Luân Hoán, Đào Cảng, Nguyễn Nguyên Bảy (sách), Hoàng Cát, Hoài Quang Phương (sách), Mã Giang Lân (sách), Anh Vũ (sách), Dung Nham (sách), Hữu Thỉnh (sách), Du Tử Lê (sách), Hoàng Hưng (sách), Nguyễn Hữu Nhật (sách), Trần Nhương (sách), Hoàng Bình Trọng (sách), Điền Ngọc Phách (sách), Xuân Quỳnh (sách), Nguyễn Khoa Điềm (sách), Nh. Tay Ngàn, Thi Hoàng (sách), Trần Quốc Minh (sách), Kiều Văn (sách), Ngọc Bái (sách), Lê Văn Ngăn, Lê Huy Quang (sách), Anh Ngọc (sách), Phùng Khắc Bắc (sách), Trần Ninh Hồ, Vương Trọng (sách), Trần Vũ Mai, Đặng Tiến Huy, Trần Nhuận Minh (sách), Phạm Ngà (sách), Vương Anh (sách), Vũ Duy Thông, Phan Quế, Thanh Quế, Hoàng Vũ Thuật, Phan Cung Việt, Ngô Văn Tao, Phạm Đình Ân, Thanh Thảo (sách), Đoàn Huy Giao, Đoàn Minh Đạo, Trần Mạnh Hảo (sách), Nguyễn Khắc Phục (sách), Nguyễn Trọng Tạo (sách), Từ Nguyên Tĩnh (sách), Lê Văn Vọng, Hồ Bá Thâm (sách), Kim Chuông (sách), Đỗ Nam Cao (sách), Lưu Quang Vũ (sách), Nguyễn Đức Mậu (sách), Y Phương (sách), Nguyễn Thái Sơn (sách), Nguyễn Hiếu (sách), Hoàng Trần Cương (sách), Nguyễn Duy (sách), Vũ Xuân Độ (sách), Lý Phương Liên (sách), Trần Thị Thắng, Nguyễn Thụy Kha (sách), Văn Lê, Lê Thị Mây (sách), Đỗ Hoàng, Trần Nghi Hoàng (sách), Bế Kiến Quốc, Ngô Minh, Trung Trung Đỉnh, Lê Huy Mậu (sách), Nguyễn Thị Lâm Hảo; Đỗ Văn Bình (sách), Phạm Văn Sau (sách), Quỳnh Thi, Huệ Thu (sách), v.v…
• 1950s:
Đỗ Trung Lai, Đỗ Minh Tuấn (sách), Hoàng Quý (sách), Lê An Thế, Ngu Yên (sách), Chân Phương, Vĩnh Quang Lê (sách), Trần Hoàng Vy, Nguyễn Minh Khiêm (sách), Nguyễn Đình Chiến (sách), Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Lương Vỵ (sách), Nguyễn Việt Chiến (sách), Phan Tấn Hải, Thái Viễn Phương (sách), Mạnh Lê (sách), Phạm Công Trứ, Võ Chân Cửu, Thái Hải, Vũ Thành Chung, Hữu Đạt (sách), Thế Dũng (sách), Đỗ Kh., Vũ Xuân Tửu (sách), Trần Trung Đạo, Trần Anh Thái (sách), Uyên Nguyên, Mai Văn Phấn (sách), Nguyễn Thị Thanh Bình, Đỗ Trung Quân, Đỗ Quyên (sách), Thường Quán, Phạm Sỹ Sáu (sách), Nguyễn Hoài Phương, Nguyễn Hữu Quý (sách), Nguyễn Tôn Hiệt, Trần Xuân An (sách), Đông La, Inrasara (sách), Nguyễn Quang Thiều (sách), Nguyễn Hoàng Đức (sách), Trần Đăng Khoa (sách), Nguyễn Trọng Văn (sách), Nguyễn Quốc Chánh (sách), Mai Nam Thắng (sách), Nguyễn Ngọc Phú (sách), Văn Công Hùng (sách), Lê Quang Sinh (sách), Trần Tiến Dũng, Nguyễn Linh Khiếu, Nguyễn Anh Nông (sách), Dương Thuấn (sách), Lê Minh Quốc (sách), Nguyễn Hưng Hải; Ngọc Thiên Hoa, v.v…
• 1960s:
Dương Kiều Minh (sách), Nguyễn Thanh Mừng (sách), Nguyễn Chí Hoan, Hồng Thanh Quang, Lê Anh Dũng, Đặng Thân, Nguyễn Bình Phương (sách), Hồ Đăng Thanh Ngọc, Phan Hoàng (sách), Phan Nhiên Hạo, Đinh Thị Như Thúy (sách), Lê Vĩnh Tài (sách), Nguyễn Trung Bình (sách); Lê Nghĩa Quang Tuấn, v.v…
• 1970s:
Tam Lệ, Lê Ngân Hằng, Nguyễn Hữu Hồng Minh (sách), Phùng Văn Khai, Phan Trung Thành (sách), Khánh Phương, Nguyễn Hoàng Anh Thư, Miên Di, v.v…
• 1980s:
Mai Anh Tuấn, Lê Hưng Tiến (sách), Vi Thùy Linh (sách), Nguyễn Thế Hoàng Linh (sách), Thạch Trung Tuệ Nguyên, Trịnh Sơn, Lưu Mêlan, v.v…
DANH SÁCH SỐ 4.2 (theo phân loại Khuynh hướng - Trào lưu)
▪ Trường ca Truyền thống - Sử thi[24]:
Nguyễn Ái Quốc, Huy Thông, Xuân Diệu, Minh Tuyền, Đinh Hùng, Nguyễn Nhược Pháp, Nguyên Hồ, Nguyễn Bùi Vợi, Phạm Thiên Thư, Kiệt Tấn, Hoàng Bình Trọng, Ngọc Thiên Hoa, Nguyễn Thị Lâm Hảo, Lê Quý Anh, Trần Đăng Khoa, v.v…
▪ Trường ca Hiện đại[25]:
Chế Lan Viên, Tố Hữu, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Trần Dần, Ngô Kha, Thanh Tùng, Nguyễn Thanh Hiện, Phạm Tiến Duật, Cao Đông Khánh, Hữu Thỉnh, Du Tử Lê, Nguyễn Khoa Điềm, Thi Hoàng, Anh Ngọc, Trần Vũ Mai, Trần Nhuận Minh, Thanh Thảo, Hoàng Trần Cương, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Thụy Kha, Trần Nghi Hoàng, Đỗ Minh Tuấn, Hoàng Quý, Vĩnh Quang Lê, Trần Anh Thái, Uyên Nguyên, Mai Văn Phấn, Vũ Xuân Tửu, Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Quang Thiều, Inrasara, Lê Minh Quốc, Dương Thuấn, Nguyễn Thanh Mừng, Đinh Thị Như Thúy, Phan Hoàng, Lê Hưng Tiến, Phan Trung Thành, v.v…
▪ Trường ca Hậu hiện đại[26]:
Đặng Đình Hưng, Trần Dần, Dương Tường, Nguyễn Đăng Thường, Ngu Yên, Đỗ Kh., Đỗ Quyên, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Anh Nông, Nguyễn Linh Khiếu, Đặng Thân, Lê Vĩnh Tài, v.v…
DANH SÁCH SỐ 4.3 (theo phân loại Phương thức - Phong cách[27])
▪ Trường ca Tự sự:
Huy Thông, Khương Hữu Dụng, Tạ Hữu Yên, Xuân Hoàng, Nguyên Hồ, Thu Bồn, Nguyễn Đăng Thường, Trần Tuấn Kiệt, Lê Anh Xuân, Kiệt Tấn, Hoài Quang Phương, Nguyễn Khắc Phục, Văn Lê, Hồ Bá Thâm, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hưng Hải, v.v…
▪ Trường ca Trữ tình:
Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Tố Hữu, Đinh Hùng, Hoàng Cầm, Nguyễn Đình Thi, Phan Vũ, Ngô Kha, Thu Bồn, Hoàng Anh Tuấn, Tô Thùy Yên, Nguyễn Thanh Hiện, Nguyễn Nguyên Bảy, Phạm Tiến Duật, Phạm Công Thiện, Du Tử Lê, Nguyễn Khoa Điềm, Trần Vũ Mai, Nh. Tay Ngàn, Trần Nhuận Minh, Lê Văn Ngăn, Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Việt Chiến, Trần Anh Thái, Uyên Nguyên, Mai Văn Phấn, Nguyễn Quang Thiều, Lê Minh Quốc, Dương Kiều Minh, Nguyễn Thanh Mừng, Đinh Thị Như Thúy, Lê Vĩnh Tài, Phan Hoàng, Vi Thùy Linh, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Trịnh Sơn, Lưu Mêlan, v.v...
▪ Trường ca Hỗn hợp:
Yến Lan, Thu Bồn, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Bính, Huy Cận, Thái Giang, Tạ Vũ, Hữu Thỉnh, Thi Hoàng, Anh Ngọc, Lê Huy Quang, Ngọc Bái, Hoàng Trần Cương, Trần Mạnh Hảo, Thanh Thảo, Y Phương, Nguyễn Đức Mậu, Vũ Xuân Độ, Nguyễn Thụy Kha, Ngu Yên, Vĩnh Quang Lê, Thế Dũng, Vũ Xuân Tửu, Phạm Sỹ Sáu, Nguyễn Quang Thiều, Inrasara, Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Hoàng Đức, Lê Anh Dũng, Lê Vĩnh Tài, v.v…
▪ Trường ca Nhân sinh:
Lưu Trọng Lư, Thụy An, Xuân Diệu, Bích Khê, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên, Đinh Hùng, Đỗ Xuân Oanh, Đặng Đình Hưng, Lê Đạt, Dương Tường, Thái Giang, Ngô Kha, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Nguyễn Đăng Thường, Trần Tuấn Kiệt, Phạm Thiên Thư, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Thanh Hiện, Nguyễn Nguyên Bảy, Trần Vàng Sao, Phạm Công Thiện, Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Thi Hoàng, Nh. Tay Ngàn, Trần Nhuận Minh, Phạm Ngà, Nguyễn Hiếu, Ngô Văn Tao, Hồ Bá Thâm, Thanh Thảo, Hoàng Trần Cương, Đoàn Minh Đạo, Lý Phương Liên, Trần Nghi Hoàng, Lê Thị Mây, Lê Huy Mậu, Ngu Yên, Đỗ Minh Tuấn, Hoàng Quý, Nguyễn Minh Khiêm, Chân Phương, Vĩnh Quang Lê, Nguyễn Lương Vỵ, Thế Dũng, Trần Anh Thái, Mai Văn Phấn, Vũ Xuân Tửu, Uyên Nguyên, Inrasara, Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Anh Nông, Dương Thuấn, Nguyễn Linh Khiếu, Lê Minh Quốc, Dương Kiều Minh, Đinh Thị Như Thúy, Lê Vĩnh Tài, Tam Lệ, Lê Ngân Hằng, Phan Trung Thành, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Trịnh Sơn, Lưu Mêlan, v.v…
▪ Trường ca Triết lý - Luận đề:
Minh Tuyền, Chế Lan Viên, Đào Anh Kha, Việt Phương, Ngô Kha, Nguyễn Thanh Hiện, Thi Hoàng, Trần Nhuận Minh, Thanh Thảo, Hồ Bá Thâm, Ngu Yên, Đỗ Quyên, Nguyễn Linh Khiếu, Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Nguyễn Thế Hoàng Linh, v.v…
▪ Trường ca Tiếu hài:
Ngu Yên, Phạm Công Trứ, Đỗ Kh., Vũ Xuân Tửu, Nguyễn Anh Nông, Lê Vĩnh Tài, Phan Trung Thành, Lê Hưng Tiến, Nguyễn Thế Hoàng Linh, v.v…
▪ Trường ca mang tính kịch-trữ tình:
Hoàng Cầm, Thu Bồn, Nguyễn Hoàng Đức, v.v…
DANH SÁCH SỐ 4.4 (theo phân loại Nội dung[28] / Đề tài - Cảm hứng[29])
▪ Trường ca Chiến tranh:
Khương Hữu Dụng, Trần Huyền Trân, Nguyên Hồng, Chế Lan Viên, Tố Hữu, Xuân Hoàng, Tạ Hữu Yên, Viễn Phương, Phan Vũ, Giang Nam, Lưu Trùng Dương, Ngô Kha, Thu Bồn, Lê Anh Xuân, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Thi Hoàng, Anh Ngọc, Hữu Thỉnh, Trần Nhương, Vương Trọng, Ngọc Bái, Phùng Khắc Bắc, Trần Vũ Mai, Hồ Bá Thâm, Thanh Quế, Trần Nhuận Minh, Thanh Thảo, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Trọng Tạo, Từ Nguyên Tĩnh, Nguyễn Đức Mậu, Y Phương, Nguyễn Thái Sơn, Trần Thị Thắng, Văn Lê, Lê Thị Mây, Đỗ Trung Lai, Mạnh Lê, Trần Anh Thái, Phạm Sỹ Sáu, Nguyễn Hữu Quý, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Anh Nông, Nguyễn Ngọc Phú; Nguyễn Minh Khang, Tô Nhuần, v.v…
Trường ca Hậu chiến:
Thu Bồn, Viên Linh, Tô Thùy Yên, Du Tử Lê, Trần Vàng Sao, Cao Đông Khánh, Anh Ngọc, Nguyễn Hữu Nhật, Thanh Thảo, Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Duy, Hoàng Trần Cương, Vũ Xuân Độ, Nguyễn Thụy Kha, Văn Lê, Trần Anh Thái, Đỗ Trung Quân, Văn Công Hùng, v.v…
▪ Trường ca Thời đại - Đất nước - Sự kiện:
Trần Tuấn Khải, Khương Hữu Dụng, Lưu Trọng Lư, Bàng Bá Lân, Trần Huyền Trân, Huyền Kiêu, Huy Thông, Vũ Hoàng Chương, Xuân Diệu, Yến Lan, Hữu Loan, Nguyễn Bính, Minh Tuyền, Huy Cận, Nguyễn Viết Lãm, Chế Lan Viên, Tố Hữu, Văn Cao, Đỗ Xuân Oanh, Nguyễn Đình Thi, Trần Dần, Phan Vũ, Tạ Hữu Yên, Hoàng Cầm, Hoàng Yến, Trinh Đường, Đinh Hùng, Tế Hanh, Nông Quốc Chấn, Nguyên Hồ, Vũ Anh Khanh, Viễn Phương, Việt Phương, Tất Vinh, Giang Nam, Lưu Trùng Dương, Phùng Quán, Vân Long, Nguyên Sa, Nguyễn Bùi Vợi, Ngô Kha, Thu Bồn, Tạ Vũ, Thanh Tùng, Duyên Anh, Thanh Tâm Tuyền, Võ Văn Trực, Ngô Văn Phú, Viên Linh, Tô Thùy Yên, Lữ Huy Nguyên, Thái Giang, Kiệt Tấn, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Thanh Hiện, Mã Giang Lân, Duy Phi, Cao Đông Khánh, Phạm Tiến Duật, Trần Vàng Sao, Hoài Quang Phương, Trần Văn Nam, Anh Vũ, Du Tử Lê, Hữu Thỉnh, Vương Trọng, Xuân Quỳnh, Nguyễn Khoa Điềm, Thi Hoàng, Ngọc Bái, Trần Vũ Mai, Lê Văn Ngăn, Anh Ngọc, Trần Quốc Minh, Trần Nhuận Minh, Lê Huy Quang, Thanh Thảo, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Trọng Tạo, Kim Chuông, Hồ Bá Thâm, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Duy, Nguyễn Thái Sơn, Y Phương, Hoàng Trần Cương, Nguyễn Thụy Kha, Lê Thị Mây, Đỗ Trung Lai, Đỗ Minh Tuấn, Hoàng Quý, Nguyễn Anh Tuấn, Lê Quý Anh, Nguyễn Đình Chiến, Thái Hải, Vĩnh Quang Lê, Thế Dũng, Trần Anh Thái, Mai Văn Phấn, Nguyễn Thị Thanh Bình, Nguyễn Hữu Quý, Bùi Chí Vinh, Vũ Xuân Tửu, Hữu Đạt, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều, Inrasara, Văn Công Hùng, Lê Quang Sinh, Nguyễn Ngọc Phú, Nguyễn Linh Khiếu, Nguyễn Thanh Mừng, Lê Anh Dũng, Phan Hoàng, Trịnh Sơn, v.v…
▪ Trường ca Lịch sử dân tộc - nhân loại (Sử thi hiện đại):
Nguyễn Ái Quốc, Huy Thông, Huy Cận, Vũ Hoàng Chương, Minh Tuyền, Trinh Đường, Đào Anh Kha, Trần Tuấn Kiệt, Kiệt Tấn, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Thanh Hiện, Bùi Chí Vinh, Inrasara, Mạnh Lê, Nguyễn Hưng Hải, Tam Lệ; Hồ Đắc Duy, Phạm Văn Sau, Ngọc Thiên Hoa, Nguyễn Thị Lâm Hảo, Nguyễn Khánh Toàn; v.v…
▪ Trường ca Thế sự - Đời thường - Tâm lý:
Vân Đài, Thái Can, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên, Đặng Đình Hưng, Nghiêm Xuân Hồng, Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Anh Tuấn, Ngô Kha, Thanh Tâm Tuyền, Thế Phong, Tô Thùy Yên, Nguyễn Đăng Thường, Trần Vàng Sao, Nhã Ca, Dung Nham, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Thanh Hiện, Nguyễn Nguyên Bảy, Phạm Công Thiện, Cao Đông Khánh, Du Tử Lê, Xuân Quỳnh, Nguyễn Xuân Thiệp, Thi Hoàng, Nh. Tay Ngàn, Trần Nhuận Minh, Đoàn Huy Giao, Nguyễn Hiếu, Thanh Thảo, Hoàng Trần Cương, Lý Phương Liên, Trần Nghi Hoàng, Huệ Thu, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Lương Vỵ, Nguyễn Minh Khiêm, Ngu Yên, Đỗ Minh Tuấn, Phạm Công Trứ, Vĩnh Quang Lê, Đỗ Kh., Vũ Xuân Tửu, Bùi Chí Vinh, Nguyễn Thị Thanh Bình, Đỗ Quyên, Nguyễn Hoài Phương, Nguyễn Hoàng Đức, Inrasara, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Quốc Chánh, Trần Tiến Dũng, Nguyễn Linh Khiếu, Dương Thuấn, Lê Minh Quốc, Dương Kiều Minh, Đặng Thân, Phan Nhiên Hạo, Lê Ngân Hằng, Lê Vĩnh Tài, Phan Trung Thành, Lê Nghĩa Quang Tuấn, Nguyễn Hoàng Anh Thư, Vi Thùy Linh, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Thạch Trung Tuệ Nguyên, Trịnh Sơn, Lưu Mêlan, v.v…
▪ Trường ca Nhân vật - Anh hùng - Lãnh tụ (Trường ca Anh hùng):
Vân Đài, Thanh Tịnh, Đoàn Văn Cừ, Huyền Kiêu, Huy Thông, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Nhược Pháp, Tố Hữu, Hoàng Cầm, Anh Thơ, Lê Đạt, Xuân Hoàng, Viễn Phương, Giang Nam, Nguyên Hồ, Phùng Quán, Nguyễn Bùi Vợi, Thu Bồn, Võ Văn Trực, Ngô Văn Phú, Lê Anh Xuân, Hoài Quang Phương, Du Tử Lê, Hoàng Bình Trọng, Kiều Văn, Điền Ngọc Phách, Trần Vũ Mai, Lê Huy Quang, Thanh Thảo, Nguyễn Khắc Phục, Hồ Bá Thâm, Lê Thị Mây, Trần Thị Thắng, Nguyễn Đình Chiến, Đỗ Minh Tuấn, Thái Viễn Phương, Vĩnh Quang Lê, Thế Dũng, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Anh Nông, Nguyễn Hưng Hải, Đặng Thân, Trịnh Sơn, v.v…
▪ Trường ca Vùng đất - Biển đảo - Thiên nhiên:
Yến Lan, Tố Hữu, Hoàng Cầm, Vân Long, Thế Mạc, Thu Bồn, Viên Linh, Nguyễn Vũ Tiềm, Lữ Huy Nguyên, Nguyễn Thanh Hiện, Hoài Quang Phương, Duy Phi, Phạm Công Thiện, Du Tử Lê, Hữu Thỉnh, Nguyễn Hữu Nhật, Trần Nhương, Anh Vũ, Anh Ngọc, Trần Quốc Minh, Đặng Tiến Huy, Lê Huy Quang, Vương Trọng, Trần Nhuận Minh, Nguyễn Hữu Viện, Phan Quế, Nguyễn Trọng Tạo, Trung Trung Đỉnh, Từ Nguyên Tĩnh, Kim Chuông, Hồ Bá Thâm, Y Phương, Vũ Xuân Độ, Mai Trinh Đỗ Thị (cùng Nguyễn Nhã), Văn Lê, Lê Huy Mậu, Nguyễn Việt Chiến, Thái Hải, Nguyễn Minh Khiêm, Vũ Xuân Tửu, Mai Văn Phấn, Inrasara, Nguyễn Hữu Quý, Phạm Sỹ Sáu, Nguyễn Trọng Văn, Dương Thuấn, Văn Công Hùng, Lê Quang Sinh, Nguyễn Ngọc Phú, Nguyễn Linh Khiếu, Dương Kiều Minh, Nguyễn Thanh Mừng, Lê Anh Dũng, Đinh Thị Như Thúy, Thạch Trung Tuệ Nguyên, v.v…
▪ Trường ca Văn hóa - Giáo huấn - Tâm linh:
Khương Hữu Dụng, Chế Lan Viên, Hoàng Cầm, Trần Tuấn Kiệt, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Vũ Tiềm, Hồ Bá Thâm, Nguyễn Thanh Hiện, Trần Nhuận Minh, Ngu Yên, Nguyễn Linh Khiếu, Đặng Thân, Tam Lệ, Nguyễn Hữu Hồng Minh; Ngọc Thiên Hoa, v.v…
DANH SÁCH SỐ 4.5 (theo phân loại Dấu ấn - Ảnh hưởng)
▪ Ảnh hưởng thời cuộc - xã hội:
Nguyễn Ái Quốc, Trần Tuấn Khải, Hữu Loan, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Trần Dần, Tô Thùy Yên, Nguyễn Khoa Điềm, Ngô Kha, Du Tử Lê.
▪ Ảnh hưởng nghiên cứu - học thuật:
Tố Hữu, Thu Bồn, Thanh Thảo.
▪ Ảnh hưởng cơ chế - truyền thông: Tố Hữu.
▪ Ảnh hưởng sau cột-mốc-khoảng-1960 trước 1975: Thu Bồn.
Ảnh hưởng sau 1975: Hữu Thỉnh.
Ảnh hưởng sau Đổi mới 1986: Thanh Thảo.
Ảnh hưởng sau hậu Đổi mới: Trần Anh Thái.
▪ Dấu ấn đa thể tài:
Chế Lan Viên (14), Ngô Kha, Nguyễn Thanh Hiện, Trần Nhuận Minh, Thanh Thảo, Ngu Yên.
▪ Dấu ấn cải cách thể loại:
Đặng Đình Hưng, Trần Dần.
▪ Dấu ấn phong cách - ngôn ngữ:
Tố Hữu, Chế Lan Viên, Hoàng Cầm, Trần Dần, Cao Đông Khánh, Ngô Kha, Thi Hoàng.
▪ Dấu ấn trường phái thơ: Minh Tuyền[30] (Thi chủ/đại biểu của trường phái thơ triết học Việt Nam thời Tiền chiến).
▪ Dấu ấn lối viết lạ:
Hữu Đạt, Tam Lệ.
▪ Dấu ấn quốc tế: Chế Lan Viên.
▪ Dấu ấn dung lượng một trường ca hiện đại: Nguyễn Linh Khiếu.
▪ Dấu ấn số lượng tác phẩm:
Tố Hữu (12), Chế Lan Viên (28), Hoàng Cầm (10), Thu Bồn (13), Ngô Kha (9), Tô Thùy Yên (10), Nguyễn Thanh Hiện (15), Trần Vàng Sao (10), Thanh Thảo (17), Hoàng Trần Cương (9), Nguyễn Thụy Kha (9), Hồ Bá Thâm (14), Nguyễn Minh Khiêm (13), Ngu Yên (20), Nguyễn Thị Thanh Bình (10), Đỗ Quyên (22), Nguyễn Quang Thiều (14), Dương Kiều Minh (11), Lê Vĩnh Tài (26), Lê Ngân Hằng (15), Nguyễn Thế Hoàng Linh (10), Trịnh Sơn (10).
▪ Dấu ấn chuyên tâm:
Đỗ Quyên, Lê Vĩnh Tài.
Trong Danh sách số 1 đã ghi chú tên các tác giả nữ và tác giả ở ngoài nước.[31]
▪ Tác giả nữ: Tổng số khoảng 33.
▪ Tác giả ở ngoài nước: Tổng số khoảng 54.
▪ Tác giả ở miền Nam trước 1975: (tổng số khoảng 30)
Trần Tuấn Khải, Vũ Hoàng Chương, Nghiêm Xuân Hồng, Bích Khê, Đinh Hùng, Hoàng Anh Tuấn, Thế Phong, Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng, Duyên Anh, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Viên Linh, Đỗ Quý Toàn, Nhã Ca, Nguyễn Đăng Thường, Trần Tuấn Kiệt, Kiệt Tấn, Nguyễn Thanh Hiện, Trần Văn Nam, Cao Đông Khánh, Phạm Công Thiện, Dung Nham, Nguyễn Xuân Thiệp, Trần Dạ Từ, Phạm Thiên Thư, Du Tử Lê, Nh. Tay Ngàn, Hoàng Ngọc Tuấn, Võ Chân Cửu, v.v…
DANH SÁCH SỐ 5 (theo phân loại tác giả phê bình – nghiên cứu)
▪ Tác giả thảo luận - phê bình - nghiên cứu - lý luận:
Hoài Thanh, Phạm Huy Thông, Xuân Diệu, Nguyễn Viết Lãm, Vũ Đức Phúc, Bùi Văn Nguyên, Lê Đình Kỵ, Phong Lan, Nguyễn Văn Hạnh, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Bao, Hà Minh Đức, Đỗ Văn Khang, Thu Bồn, Phạm Ngọc Cảnh, Yến Nhi, Trần Đình Sử, Từ Sơn, Lê Lưu Oanh, Vũ Văn Sỹ, Hà Quảng, Mã Giang Lân, Vũ Tuấn Anh, Thiếu Mai, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Vương Trọng, Hồng Diệu, Ngô Thế Oanh, Anh Ngọc, Mai Hương, Lại Nguyên Ân, Trần Nhuận Minh, Dục Tú, Tôn Phương Lan, Vũ Duy Thông, Thanh Thảo, Nguyễn Tiến Hải, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Đức Thiện, Nguyễn Văn Dân, Bích Thu, Lê Văn Khoa, Khuất Bình Nguyên, Phạm Quang Trung, Lý Hoài Thu, Phạm Quốc Ca, Nguyễn Đức Tùng, Trần Anh Thái, Lê Minh Quốc, Trương Đăng Dung, Đỗ Quyên, Trần Ngọc Vương, Nguyễn Hữu Quý, Inrasara, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hòa, Văn Giá, Nguyễn Thanh Tú, Nguyễn Anh Nông/ Kim Diệu Hương, Đà Linh, Nguyễn Hưng Hải, Lưu Khánh Thơ, Chu Văn Sơn, Nguyễn Đăng Điệp, Đỗ Trọng Khơi, Trần Thị Minh Hiền, Phạm Thuận Thành, Nguyễn Thị Liên Tâm, Linh Nga Niê Kdăm, Mai Bá Ấn, Đặng Thân, Trần Thiện Khanh, Nguyễn Thanh Tuấn, Đỗ Thu Thủy, Diêu Lan Phương, Hỏa Diệu Thúy, Nguyễn Thanh Tâm, Đỗ Thị Thu Huyền, Đoàn Minh Tâm, Đoàn Ánh Dương, Bùi Thị Minh Ngọc, Hà Thị Liên; Phạm Văn Sỹ, Hồi Thanh, Đào Thị Bình, Nguyễn Xuân Cổn, Nguyễn Hồng Nhung, v.v…
▪ Tác giả luận án tiến sĩ: Võ Quang Nhơn, Nguyễn Thị Liên Tâm, Mai Bá Ấn, Diêu Thị Lan Phương, v.v…
IV. Tạm kết
Trường-phái-trường-ca-Việt-Nam là đặc sắc và Việt tính!
Đó đã không là một tập hợp có chủ định, có đường hướng của nhóm các thi sĩ chung phương pháp, quan niệm theo một nhóm-phái thông thường. Mà là phản ứng dây chuyền sáng tạo đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu có ý thức của từng nghệ sĩ - dù ở bên các lằn ranh chính trị và thời thế khác nhau, thậm chí đối địch nhau - hòa cùng cảm xúc tráng ca của đất nước và sử thi của dân tộc trong một thời đại bi hùng của nhân loại nửa cuối thế kỷ XX.
Qua thập niên đầu thế kỷ XXI, con sông trường ca Việt cũng trở mình về hướng toàn cầu theo tâm thức chung của văn học Việt Nam và thế giới, từ thể tài, cấu trúc đến giọng điệu, ngôn ngữ, dù không còn tính xung kích của một hiện tượng văn học trong độ nóng bỏng thời cuộc chiến tranh và hậu chiến. Mà quả quyết trở về như một rẽ nhánh văn chương bình thường trong một kỷ nguyên không lửa đạn đầy sự khác thường.
Dùng cách nói của văn sĩ Monterroso[32], chúng ta - những độc giả và tác giả trường ca Việt Nam - dường như thường ở tâm trạng: “Thức dậy, (con khủng long) trường ca vẫn còn đó!”
Thúc đẩy các khuynh hướng, trào lưu thơ Việt đương đại chính là cách đúng nhất và nhanh nhất trong khi hiện đại hóa một dân tộc thi sĩ, một đất nước thơ, một nền thi ca giàu bản sắc hướng ra nhân loại.
Vì một lưu vực thi ca Việt trên cơ sở của lý luận, của phương pháp, trong đó có dòng trường ca Việt!
Trễ nhưng tới lúc, chúng ta không thể treo mãi vấn đề hiện-tượng-trường-ca-Việt-Nam giống một “công án thiền”, như nêu ở mở bài. Thiết thực và tha thiết, dù khó tránh sai sót, chúng tôi muốn gửi tới Hội thảo những điều phân tích và minh họa nói trên. Cùng một lời chót, làm đích của tham luận: Cần có một hội thảo khoa học quốc gia về Trường ca Việt Nam, như là lần thứ hai, nếu tính từ hội nghị đầu tiên đã 33 năm qua? *)
Canada & Việt Nam
1/12/2009; 7/7/2010; 20/3/2016 (cập nhật 26/4/2016)
Đỗ Quyên
------------
*) Đây là bản toàn văn tham luận Hội thảo “Thế hệ nhà văn sau 1975”, Đại học Văn Hóa Hà Nội 28/4/2016. Trong tham luận này nhiều phần từ 5 bài sau đây được sử dụng với tu chỉnh:
1- Đến trường phái thơ Việt từ cảm thức hậu hiện đại Việt, Tham luận “Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài”, Hà Nội 4-10/1/2010; Tạp chí Sông Hương số 257 - 7/2010, tapchisonghuong.com.vn 30/7/2010;
2- Vòng vo về trường-phái-nhóm thơ Việt từ cảm xúc hậu hiện đại Việt, vanchuongviet.org 21/12/2009;
3- Trường ca Việt Nam: Tác giả và tác phẩm (cập nhật liên tục trên nhiều báo mạng trong 6 năm qua; như: vanvn.net 27/9/2012, vanhoanghean.com.vn, vietvan.vn, chimviet.free.fr, khoavanhoc.edu.vn 18/3/2015, vanviet.info 28-29-30/4/2015);
4- Muốn thơ mình: chuẩn mực của phóng túng và phóng túng của chuẩn mực (Tập sách phỏng vấn Thơ đến từ đâu - Nguyễn Đức Tùng, Nxb Lao Động, 2009, phần Đỗ Quyên; Kệ Sách eBook, 2012; bản cũ: talawas 8/8/2006).
5- Nhìn nhận nhanh phê bình thơ Việt hậu Đổi mới; Tham luận Hội thảo “Thế hệ nhà văn sau 1975”, Đại học Văn Hóa Hà Nội 28/4/2016; vanviet.info 19, 21, 23, 26/4/2016.
**) CÁO LỖI & TRI ÂN:
Hai thế kỷ trước, danh nhân Bùi Huy Bích từng răn dạy: “Làm thơ khó, tuyển thơ càng khó” - (“Tố thi nan, tuyển thi vưu nan”).
Ngoài một số ít tác giả là thi hữu đã cung cấp trực tiếp tác phẩm, nguồn tham chiếu chính của chúng tôi là các trang mạng; một phần vì hiếm có cơ hội cập nhật sách báo in ấn ở Việt Nam. Thành thật cáo lỗi về thiếu sót, nhầm lẫn chắc chắn sẽ có ở nhiều mặt (tiêu chí tuyển chọn, vấn đề văn bản và xuất bản…) Rất mong nhận được ý kiến đóng góp cũng như thông tin về tác phẩm, tác giả thơ trường ca Việt Nam.
Chân thành cảm tạ những cộng tác, giúp đỡ vô giá của các tác giả và độc giả, các thi sĩ và nghiên cứu gia, độc lập hay trong các cơ quan, tổ chức văn học, ở trong và ngoài nước; cũng như những báo chí, trang mạng đã giới thiệu khảo cứu về tác giả và tác phẩm trường ca Việt Nam.
Xin ghi nhận tấm thịnh tình từ:
Các bạn văn đầu tiên đã đọc và cổ vũ, như nhà lý luận - phê bình Trần Thiện Khanh và các nhà thơ Khế Iêm, Mai Văn Phấn, Trần Anh Thái, Nguyễn Đức Tùng; Các nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu như Nguyễn Anh Nông, Diêu Lan Phương, Đặng Tiến Huy, Duy Phi, Hoàng Thư Ngân, Nguyễn Hữu Quý, Trần Nhuận Minh, Nguyễn Anh Tuấn, Từ Nguyên Tĩnh, Hàn Thủy, Đỗ Minh Tuấn, Nhật Tuấn, Vũ Ngọc Dung, Nguyễn Hoàng Đức, cùng nhiều tác giả, độc giả khác đã có những thông tin, trao đổi quý báu kể từ sau danh sách đầu tiên chỉ với 122 tác giả[33], mà đáng kể nhất là có được 30 tác giả cùng khoảng 50 tác phẩm nhờ tham khảo thống kê của nhà nghiên cứu - phê bình Mai Bá Ấn.
Đặc biệt, nhà thơ Trần Quốc Minh đã nhiệt thành giới thiệu, công phu sao chép trích lược tác phẩm cần thiết, khi liên lạc với một số tác giả ở Hải Phòng - một vùng đất từng sản sinh “trường phái thơ Hải Phòng” thời những năm 1970-1980, trong đó có dòng trường ca đặc sắc với khoảng 30 tác giả. Cũng vậy, với thông tin và trích dẫn bài vở chọn lọc, nhà văn Nguyễn Tiến Hải, từ nguồn tư liệu phong phú của quân đội, đã tận tình bổ sung nhiều tác giả, tác phẩm, cùng các sáng tác đang hoàn thành từ các trại sáng tác.
Cuối cùng là nhà phê bình Văn Giá đã gợi ý hình thành và thúc đẩy bài tham luận này.
***) CHÚ THÍCH - TRÍCH DẪN - THƯ MỤC CHÍNH[34]:
[1] Một số sự kiện văn học dành riêng cho trường ca ở Việt Nam:
• Các năm liên tiếp 1980-1983 đã có nhiều cuộc hội thảo sôi động về trường ca. 1980: Hội thảo về Trường ca của báo Văn Nghệ; 1981: mục Trao đổi về trường ca xuất hiện trên Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội; 1982: Tạp chí Văn Học số đặc biệt 6-1982 đăng lại nhiều tham luận công phu từ các nhà nghiên cứu văn học về trường ca; 1983: Hội nghị khoa học (có lẽ lần đầu tiên?) về Trường ca của Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
• 2005: Cuộc thi sáng tác trường ca với đề tài “Bác Hồ của chúng ta” do tuần báo Văn Nghệ phát động.
(Xem Nguyễn Thị Liên Tâm, Trường ca về thời chống Mỹ trong văn học hiện đại Việt Nam, Luận án tiến sĩ Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, 2009, zbook.vn 9/12/2013; Vũ Văn Sỹ, Trường ca trong hệ thống thể loại thơ Việt Nam hiện đại, in lại trong Mạch nguồn thơ thế kỷ, Nxb Khoa Học Xã Hội, 2005).
• Năm 2009: Toạ đàm về trường ca của Trần Anh Thái tại Viện Văn học Việt Nam về tuyển tập Trường ca Trần Anh Thái, Nxb Hội Nhà Văn, 2008.
• Năm 2010: Hội thảo về trường ca Đồng Hới khúc huyền tưởng của Thái Hải do UBND thành phố Đồng Hới tổ chức.
[2] Công án thiền “Thế nào là tiếng vỗ của một bàn tay?” theo truyền thuyết là công án nổi tiếng nhất của nhà sư Nhật Hakuin Ekaku, với lời nhắc: nếu vẫn chưa nghe được tiếng của một bàn tay thì tất cả chỉ là vô ích.” (bachhac.net).
[3] Mời xem thêm một ý mới và rất khác của Nguyễn Bá Thành so với quan niệm lâu nay: “(…) thơ Việt Nam 1945-1975 là một nền thơ phát triển rực rỡ nhất, tự do nhất, nhiều thành tựu nhất. Phong trào Thơ mới 1932-1945 xét cả về số lượng cũng như chất lượng nghệ thuật, xét cả ý nghĩa của thơ đối với đời sống tinh thần của xã hội, xét trên phương diện loại hình tác giả, loại hình nhân vật trữ tình và hình tượng trung tâm, cũng như xu hướng hiện đại hóa về ngôn ngữ và biểu tượng thi ca… không thể nào so sánh với thành tựu thơ 1945-1975”.
[Theo Bùi Việt Thắng; Thơ Việt Nam 1945-1975 nhìn từ hai phía, vanvn.net 15/3/2016, trong đó có nhận định về cuốn sách mới ra của Nguyễn Bá Thành (Toàn cảnh thơ Việt Nam 1945-1975, chuyên luận, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016): “Có thể nói lần đầu tiên thơ Việt Nam giai đoạn 1945-1975 được nhìn nhận như một thực thể thơ thống nhất, đa dạng và phức tạp bởi thời tiết chính trị và những biến thiên lịch sử trong thời đại bão táp 30 năm cách mạng và chiến tranh, trong bối cảnh đất nước bị chia cắt dằng dặc 21 năm trời, trong cùng một thời kì mà trên cùng lãnh thổ tồn tại nhiều chính thể khác nhau, loại trừ nhau.”].
[4] Toàn bộ tác phẩm Bài ca mùa xuân 1961 của Tố Hữu, được xem như bài thơ dài có tính trường ca, cũng góp phần xác định cột-mốc-khoảng-1960 của hiện tượng trường ca Việt Nam không chỉ ở nghệ thuật thi ca mà còn qua nội dung bao quát xã hội và con người miền Bắc lúc đó, như các câu: “Chào 61! Đỉnh cao muôn trượng/ (…) Mà cuộc sống đã tưng bừng ngày hội (…) Kế hoạch năm năm. Mời những đoàn quân (…) Một chuyến tàu chuyển bánh đi xa/ Tiếng xình xịch, chạy dọc đường Nam Bộ (…) Nghe tiếng mõ và nghe tiếng súng/ Miền Nam dậy, hò reo náo động! (…) Miền Bắc thiên đường của các con tôi!”.
[5] Chiến lược Chiến tranh đặc biệt (1961-1965) của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa dẫn đến Chiến tranh cục bộ do quân đội Mỹ thực hiện trong giai đoạn 1965-1967 của Chiến tranh Việt Nam (1955-1975) có mục tiêu chính là “dùng ưu thế hỏa lực, công nghệ và quân số của lính viễn chinh Mỹ để đè bẹp quân Giải phóng miền Nam, đồng thời dùng không quân đánh phá miền Bắc nhằm bảo vệ chế độ Việt Nam Cộng hòa, thiết lập ảnh hưởng lâu dài của Mỹ lên miền Nam Việt Nam.” (vi.wikipedia.org).
[10] Qua sự kiện văn hóa - giáo dục được gọi là “Vụ Nhã Thuyên”/Luận văn Đỗ Thị Thoan.
[11] Nói cho ngay, trong đó cũng có không ít cái quả thật là giả-văn-học!
Ý kiến phê phán mới nhất trên trang mạng cộng đồng, và có lẽ cũng mạnh và đàng hoàng nhất, là của nhà phê bình - nghiên cứu văn học Thụy Khuê trong bài mở đầu cho một công trình dài hơi và cần thiết [Phê bình văn học thế kỷ XX (Kỳ 1 - Ý thức phê bình), vanviet.info 7/4/2015]:
“Đối với Việt Nam (…) Sau thời gian dài khép kín với thế giới Tây phương, đến thời Đổi mới, kinh tế được mở cửa, hàng hoá ùa vào trong đó có cả văn chương.” (…) Lý thuyết Hậu Hiện Đại được một số người trình bày như một chân lý tân kỳ, có nhiệm vụ ‘chỉ đạo cho sáng tác’. Tình trạng này đã làm rối loạn giới sáng tác, nhất là đối với các nhà văn trẻ có tài, mới bước vào đời văn, chưa hiểu rõ các quy luật sáng tạo, đã vấp phải bóng ma Hậu Hiện Đại (…) gây áp lực gián tiếp, ép buộc người viết trẻ lúc nào cũng phải viết cho ‘mới’ cho ‘hậu hiện đại’, khiến họ hoảng loạn, chùn bước (…) Một số khác lại hiểu ‘hậu hiện đại’ là sốc, là xếch, là dám viết những dâm ô, thô tục, dã man, tàn bạo, chưa ai viết, v.v…”
“Cần phải nói rõ rằng: các lý thuyết văn học phần lớn chỉ để tìm hiểu sáng tác chứ không chỉ đạo cho sáng tác. (…) Những cái gọi là phong trào hay trường phái là do những người làm văn học, chủ yếu những người viết văn học sử, đặt tên để gọi những trào lưu đã xuất hiện trong khoảng thời gian nào đó, như trào lưu cổ điển, trào lưu lãng mạn, trào lưu siêu thực (…) Nhà văn nhà thơ có thể đưa ra những bản tuyên ngôn hay quy luật sáng tác cho phong trào mà họ làm chủ soái, như Breton với siêu thực và Alain Robbe-Grillet với tiểu thuyết mới, tuy nhiên đó cũng chỉ là những quy ước, với siêu thực là ‘sáng tác trong mơ’, với tiểu thuyết mới là ‘truyện không có chuyện’ và các tác giả trong cùng một trường phái cũng vẫn hoàn toàn sáng tác theo chủ ý của mình.”
“Ra đời năm 1979, cho đến nay, [Hậu Hiện Đại] chưa có một ảnh hưởng nào có thể gọi là thực tiễn trong sáng tác văn học. (…) Nhưng được đại học Mỹ thổi phồng trước tiên và sau đó nó chạy đi khắp thế giới như một cái ‘dịch’. (…) Triết thuyết của Lyotard chỉ nổi lên một thời như một cái mốt, và sau đó bị bỏ rơi ở Pháp (…) Nhưng ảnh hưởng của nó đã đi quá xa, sang Mỹ, sang Nga, đến nước ta, và đi vào mọi ngõ ngách, chỗ nào cũng thấy hơi hướm hậu hiện đại, thậm chí có những bài phê bình đem cả các tác giả từ Vũ Trọng Phụng đến Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, v.v... vào danh sách hậu hiện đại!”
[12] Ở bài tiêu biểu về thơ hậu hiện đại Mỹ, Paul Hoover cho rằng “trong các loại thơ mới, có công chúng lớn nhất là phong trào Beat”. (Thơ Hậu hiện đại Mỹ, Hoàng Hưng dịch, talawas.org). Chưa thấy ai trong danh sách của Hoover được coi như Allen Ginsberg - người làm thay đổi giọng điệu thi ca Mỹ; nhưng thi pháp đọc miệng của nhóm Beat, tiêu biểu là Ginsberg, lại không gần gũi với các nhà thơ hậu hiện đại Việt.
Và chúng tôi cũng lờ mờ hiểu vì sao trong tài liệu quan trọng, chuyên nghiệp dù rất đại chúng về văn chương Mỹ được phổ biến trong Chương trình Thông tin Quốc tế - Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ 11/1998 - thuộc trang mạng Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, ở chương 7 (VanSpanckeren, K.; Phác thảo văn học Mỹ) trong phần về thi ca phản truyền thống Hoa Kỳ 1945-1990 đề cập đến các trào lưu, trường phái tiền phong (Thế hệ Beat, Black Mountain, New York, San Francisco, siêu thực, hiện sinh, thơ Ngôn ngữ, thơ Tự thú, thơ Trình diễn, thơ Tân hình thức) lại không hề nhắc tới vấn đề hậu hiện đại, ngoài duy nhất một chữ “Hậu hiện đại” rất yếu ớt lúc bàn về những hướng mới trong thơ ca Mỹ với các nhà thơ ngôn ngữ, trong khi - tất nhiên - chương 6 dành riêng cho trào lưu Hiện đại 1914-1945.
[19] Trích dẫn tiếp đánh giá của Trần Thiện Khanh, chúng tôi mong được thứ lỗi về sự thất thố của mình:
“Nhìn từ những yêu cầu, đòi hỏi như thế, chúng tôi xin giới thiệu những nỗ lực tìm hiểu khái quát các ‘hiện tượng trường ca’ từng xuất hiện trong lịch sử văn học Việt Nam của tác giả Đỗ Quyên. Có lẽ chưa từng có một cuộc tổng kiểm duyệt nào về một thể loại văn học, với quy mô đồ sộ như trường ca? Ở một góc độ nào đó, có thể nói, chính anh cũng là một tác giả tiêu biểu trong việc tìm tòi thể nghiệm cách tân trường ca ở nước ngoài (đã sáng tác 13 trường ca, 5 bài thơ dài). Cuộc lục khảo và hệ thống hóa có quy mô lớn lần đầu tiên về các hiện tượng trường ca này có thể xem là cuộc đi khai vỡ thêm những miền đất mới đầy hào hứng của anh, đồng thời cũng là sự trở về vùng đất quen thuộc của người trong cuộc giàu tâm huyết. Hy vọng, sau dịp này, tác giả Đỗ Quyên sẽ nhận được sự ủng hộ nhiệt thành hơn nữa của nhiều tác giả, độc giả.” (Đỗ Quyên và Trường ca Việt Nam, PV Toquoc.vn, vanhocquenha.vn 13/9/2010; x. vietvan.vn).
[20] Iurii Tynhianov; Hiện tượng văn học, Đào Tuấn Ảnh dịch, Tạp chí Nghiên Cứu Văn Học số 12-2005, phebinhvanhoc.com.vn 23/5/2012.
[21] Phạm Huy Thông; Trường ca, báo cáo tại Hội nghị khoa học về Trường ca tại Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1983; Tạp chí Văn Học, 1-1983 (x. Nguyễn Thị Liên Tâm; bđd).
[22] Về tương quan giữa thơ dài và trường ca:
Nguyễn Thị Liên Tâm (bđd) đã tổng kết ý kiến của giới phê bình - nghiên cứu, trong đó bài của Mã Giang Lân (Thử phân định giữa ranh giới trường ca và thơ dài, Tạp chí Văn Học số 5&6/1988) có lẽ, cho tới nay, đã tìm hiểu căn bản nhất về vấn đề tiên quyết và hóc búa này.
Ở phần Phụ lục có trích vài ý kiến cá nhân của người viết. Hy vọng sớm có một tiểu luận riêng tương xứng với ý nghĩa tiên quyết của vấn đề trong toàn bộ khảo cứu đang làm, song cũng không hy vọng tìm ra - dù rất chủ quan - “tiếng nói cuối cùng” cho quan hệ thơ dài và trường ca hiện đại. Bởi tính bất-định-thể-loại của cái gọi là trường-ca đã quyết định tất cả!
[23] Như vậy, về dung lượng và nội dung nghệ thuật ở đây phân biệt 3 loại sáng tác thơ Việt Nam có tính trường ca trong thời hiện đại: “trường ca”, “thơ dài có tính trường ca” và “tiểu trường ca”. Rất thú vị khi đã vô tình na ná với cách mà thi hào người Nga S.A. Esenin từng tự đặt tên riêng để phân loại các thi phẩm của mình: “thơ”, “trường ca nhỏ” và “trường ca lớn”. (x. Từ “Toàn tập S.A. Esenin đến “Bách khoa thư Esenin”, Blog nguyentrongtao 12/6/2015, cafesangtao.vn).
[24] Nếu Hegel đòi hỏi 3 phương diện thiết yếu làm nên trường ca sử thi là dân tộc, thời đại và tính nhân loại thì “lịch sử nửa sau thế kỷ 20 đã mở ra một bối cảnh của ba phương diện ấy. Nửa sau thế kỷ 20. Thơ Việt Nam được mùa trường ca. Nhất là sau năm 1975.” (Khuất Bình Nguyên; Trường ca nửa sau thế kỷ XX, vanhoanghean.com.vn 9/1/2016);
Và cũng theo Hegel, “tình huống phù hợp nhất với sử thi là xung đột trong trạng thái chiến tranh” và “chỉ có những cuộc chiến tranh giữa các dân tộc xa lạ đối với nhau thì mới có tính sử thi.” (Hoàng Mạnh Hùng; Sử thi và tiểu thuyết sử thi, khoaspnv.vinhuni.edu.vn 19/3/2015).
[25] “Trường ca hiện đại phát triển với xu hướng nguyên tắc trữ tình lấn át nguyên tắc tự sự.”; “Trường ca là ca nhưng trường ca hiện đại đòi hỏi chất thơ.” (Hoàng Ngọc Hiến; x. Mai Bá Ấn; Trường ca Thu Bồn - Thể loại và cấu trúc; vanchuongviet.org 13/2/2012);
“Trường ca hiện đại vận động và phát triển theo hướng trữ tình hóa yếu tố tự sự, cốt truyện giảm dần, xúc cảm cá nhân thường gắn liền với những chấn động lịch sử lớn lao.” (Mai Bá Ấn; bđd).
[26] Xem thêm phần Phụ lục có vài ý kiến cá nhân của người viết về trường ca hậu hiện đại.
[27] “Tương quan giữa nguyên tắc trữ tình và nguyên tắc tự sự là một vấn đề trung tâm của thi pháp trường ca.” (Hoàng Ngọc Hiến; bđd);
“Trường ca là hình thức thơ tự sự, ít nhiều dựa trên phương thức tự sự.” (Bùi Văn Nguyên và Hà Minh Đức; x. Mai Bá Ấn; bđd);
“Đường đi của sử thi là sử thi đến tiểu thuyết. Còn thơ trữ tình là cái nôi của thơ dài và trường ca.” (Mã Giang Lân; x. Mai Bá Ấn).
[28] “Trường ca là một thể loại lớn với hai nghĩa: có dung lượng lớn và mang nội dung lớn.” (Hoàng Ngọc Hiến; bđd);
“Nội dung của trường ca thường gắn liền với các phạm trù thẩm mĩ về cái đẹp, cái hùng, cái cao cả.” (Bùi Văn Nguyên và Hà Minh Đức; bđd).
[29] “Tính chất ‘tầm cỡ’ của thể loại trường ca là ở ‘dung lượng cảm hứng’ (…) Một cảm hứng lớn như vậy chỉ có thể xuất hiện ở một thời đại cách mạng. (Trần Ngọc Vương; x. Mai Bá Ấn, bđd);
“Trường ca là kết quả sự mở rộng dung lượng phản ánh và quy mô cảm xúc của thơ trữ tình.” (Vũ Văn Sỹ; x. Mai Bá Ấn, bđd);
“Theo nguồn cảm hứng, tạm thời có 3 nhánh: trường ca anh hùng ca; trường ca cảm thức cá nhân trên nền nhân sinh; và trường ca thời cuộc - đời thường.” (Đỗ Quyên; Ghi nhận về một thi cảm trường ca tươi lạ, vanvn.net 22/8/2012).
[31] Về các mối quan hệ giữa giới tính (nam-nữ), địa phương tính (Bắc-Trung-Nam), địa chính trị - xã hội (miền Bắc-miền Nam trước 1975, trong nước-ngoài nước) với tác giả và tác phẩm trường ca Việt Nam hiện đại và đương đại, chúng tôi vẫn đang tìm hiểu và sẽ trình bày qua một bài viết riêng.
[32] Nhà văn tiếng Tây Ban Nha Augusto Monterroso, người Guatemala, được xem là có truyện cực ngắn ngắn nhất và nổi danh nhất thế giới, mang tựa đề Con khủng long (El dinosaurio). Nội dung truyện như sau:“Thức dậy, con khủng long vẫn còn đó.” (Hoàng Ngọc-Tuấn chuyển ngữ).
[33] X. diendan.org 7/7/2010.
[34] THƯ MỤC CHÍNH - Cùng với các nguồn trích dẫn nêu trên, dưới đây là một số tài liệu tham khảo khác:
• Chế Diễm Trâm; Quan niệm của nhóm Dạ Đài và cách tân bước đầu của thơ Trần Dần, vanchuongviet.org 18/6/2013.
• Diêu Thị Lan Phương; Thể loại trường ca trong văn học hiện đại Việt Nam, Luận án tiến sĩ Đại học Quốc gia Hà Nội 15/6/2011; phần Những thể loại văn vần có dung lượng lớn như là tiền đề của tư duy về hình thức.
• Đỗ Quyên; Thi pháp Nguyễn Quang Thiều: Nhìn từ dòng-thơ-cần-giải-thích-giá-trị, Kỷ yếu Hội thảo “Thơ Việt Nam hiện đại & Nguyễn Quang Thiều”, Nxb Hội Nhà Văn, 2012; nhavantphcm.com.vn 24-25-27/6/2012.
• Hà Li, Lưu Nguyễn, Phi Hà; Ba bài viết về tập trường ca Lòng hải lý, trieuxuan.info 21/7/2011.
• Hà Quảng; Về các khuynh hướng phát triển trường ca Việt, vanvn.net 6/9/2011.
• Inrasara;
Thơ Việt, từ Hiện đại đến Hậu hiện đại, inrasara.com;
Đổi mới, các trào lưu thơ Việt ở đâu, về đâu?, inrasara.com 21/12/2015;
Thơ Việt hành trình chuyển hướng say, Nxb Thanh Niên, 2014.
• Nguyễn Văn Dân; Trường ca với tư cách là một thể loại mới, Tạp chí Sông Hương số 230 - 4/2008, tapchisonghuong.com.vn 16/4/2008.
• Nguyễn Minh tường thuật; Tọa đàm về trường ca của Trần Anh Thái, viet-studies.info 15/6/2009.
• Phan Nhiên Hạo chủ trì bàn tròn; Văn chương hôm nay nhìn từ ngoài lề, litviet.com 5/9/2009.
• Trần Thiện Khanh phỏng vấn; Đối thoại về trường ca và trường ca Việt Nam hiện đại, Tạp chí Thơ số 11/2009, vanhocquenha.vn 17/9/2010.
PHỤ LỤC
Vài ý kiến cá nhân của người viết Tham luận về sự khác nhau giữa trường ca và thơ dài, trường ca hậu hiện đại, tính địa phương của trường ca, thi pháp và tâm lý sáng tác trường ca:
“Mảng trường ca, ‘các anh bên lý luận-phê bình’ đang bỏ trống. Còn nữa, các bạn ‘ở các tỉnh phía Nam’ của nền văn học Việt Nam hình như cũng bỏ quên loại hình này. Xin đưa ra hai ví dụ. Vị chủ nhà xuất bản to thứ nhì miền Nam trước 1975, lớn thứ nhứt hải ngoại khi làm cuốn sách nọ cho tôi, trên bìa sau tôi ‘dọa’ sắp in một tập trường ca, đã hỏi: ‘Thế anh cũng viết nhạc à?’ Lại có bạn ở Mỹ, còn xuân xanh, tài thơ đang vang danh đó đây, đã trao đổi cùng tôi: ‘Trường ca là cái gì vậy? What are its elements? Is there a length limit? Topic specification?’ Nói cho ngay, trong Nam thường gọi trường ca là ‘trường thi’. Còn chữ ‘trường ca’ thì dành cho các tác phẩm âm nhạc có tầm vóc như Hội Trùng Dương, Đóa hoa vô thường, Bầy chim bỏ xứ (…)
Bài thơ dài, trường ca, kịch thơ và tiểu thuyết thơ - Ôi, những anh chị em cùng mẹ (thơ) khác cha (truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch)!
Nói luôn: trường ca và một bài thơ dài khác nhau chứ… Cả hình thức lẫn dung lượng. Về hình thức, trường ca cho đến nay gì thì gì cũng có cấu trúc khá rõ, từa tựa tiểu thuyết: chương hồi, diễn tiến, tình tiết, chun chút kịch tính, thậm chí có cả tuyến nhân vật, đối thoại. Dấu hiệu dễ nhận ra ở một trường ca là phần mở và phần kết ‘long trọng hóa vấn đề’ hơn so với ở một bài thơ dài. Về dung lượng: bài thơ bình thường là cầu tre, bài thơ dài như cầu gỗ là cùng, còn trường ca thì là ‘cầu Long Biên (vừa dài vừa rộng bắc ngang sông Hồng/ Tàu xe đi lại thong dong/ Bộ hành tấp nập đi về thảnh thơi’.) Tứ thơ, âm điệu, nhất là giọng thơ - gọi cho mạnh là nhịp chảy - là các nét chung của hai loại này. Tôi đoán rằng những ai đã viết thơ dài ngon lành đều có thể viết trường ca (…)
Có thể kể ra các bài thơ dài nổi danh mang sức vóc trường ca. Thủy mộ quan (Viên Linh), Đánh thức tiềm lực (Nguyễn Duy), Bài thơ Hắc Hải (Nguyễn Đình Thi), Những người trên cửa biển (Văn Cao), Nước non ngàn dặm (Tố Hữu), Thơ bình phương - Đời lập phương, Trận tuyến này cao hơn cả màu da, Thời sự hè 72 - bình luận, Phác thảo cho một trận đánh một bài thơ diệt Mỹ (Chế Lan Viên)… Có những tác giả như cố ý không viết trường ca nhưng thơ, rồi nhiều bài thơ dài của họ tôi cứ đọc như các trường ca vậy. Đó là Chế Lan Viên, Uyên Nguyên, Hữu Loan…
Cho dễ hình dung về dung lượng, sẵn trong máy, tôi dẫn ra số lượng chữ trong một số bài. Bài thơ dài: Nguyễn Duy, Nhìn từ xa Tổ Quốc - 1.096 chữ, Kim Mộc Thủy Hoả Thổ - 1.224 chữ; Tố Hữu, Việt Bắc - 1.062 chữ; Trần Dần, Nhất định thắng - 1.788 chữ; Nh. Tay Ngàn, Nỗi Liên đen tối vô cùng - 2.025 chữ.
Trường ca, tiểu thuyết thơ: Mai Văn Phấn, Người cùng thời - 7.535 chữ; Đặng Đình Hưng, Ô mai - 8.256 chữ, Trần Dần, Jờ Joạcx - 5.032 chữ; Đỗ Quyên: Đống chữ - 8.548 chữ, Buồn muộn cùng thế kỷ - 11.623 chữ, Biển đỡ (chưa hoàn thành) - 6.751 chữ. Nếu đặt “Trung Quốc đông dân Thơ thời gian của Đỗ Quyên với 19.064 chữ bên cạnh bài thơ 6 chữ của Dương Tường - chắc là bài thơ ngắn nhất thế giới – ‘Tôi đứng về phe nước mắt’, ta có định nghĩa khác về trường ca: thể loại văn học lấy chữ đè… thơ!”
”Khi viết trường ca, so với những tác giả khác, cụ thể là các tác giả thời chiến tranh 1965-1975 ở miền Bắc và hậu chiến 1975-1985 từng tạo ra một trường phái trường ca Việt Nam, tôi cũng thấy mình có ‘phương pháp, quy ước’ này nọ khác với họ. Độ mươi năm, qua cả tá trường ca, năm ba bài thơ dài, tôi không sao tường minh cái gọi là ‘tiêu chí’ cho mình. Tất nhiên, thây kệ nó thôi. Mình viết ra trường ca chớ có phải ‘ngâm kíu chường ka’ của mình đâu! Rồi, ào ào một dạo ba bốn năm nay, ngoài này và trong nước, rộ lên vụ hậu hiện đại (postmodernism), tôi mới tủm tỉm cười với hai bàn tay của mình khi thấy vô tình mà – càng về sau – mình cũng làm theo lối hậu hiện đại như… người lớn!
Đó là: không có trung tâm chủ đề; tính đại tự sự hầu như không hiển lộ; phân mảnh từ hình thức đến nội dung; người đọc trường ca không nên coi nó là một tác phẩm độc lập mà chỉ là một ‘mảnh’ của một ‘mảng’ nào đó trong kinh nghiệm thơ ca, văn học, văn hóa hay xã hội của mình; tính truyện không có, tính chuyện thì lấy lệ; cấu trúc hờ, có chương hồi cũng như không; liên văn bản như là những cú nhảy dù; chất văn xuôi và chất thơ có thể ăn nằm với nhau khi hứng; không câu nệ bất kỳ hình thức, thể loại nào từ cổ điển tới tân kỳ, tu từ và phi tu từ có thể làm bạn, các thủ thuật cắt dán, nhại nhái ăn nhậu cùng ca dao, tục ngữ; có những phân mảnh không mang một ý nghĩa nhất định; giữa các trường ca khác nhau cũng không có cấu trúc nhất quán; v.v… Gọi là vô tình vì mình không đọc lý thuyết gốc, không theo dõi, không hòa nhịp với khuynh hướng sáng tác đó; còn thì cả con người chúng ta - từ tóc đỉnh đầu đến gót bàn chân – đã và đang sống trong cái điều kiện hậu hiện đại (postmodernity) rồi! Tuy nhiên, về loại hình căn bản của trường ca, tôi cũng không hoặc chưa ra ngoài cái ‘kinh điển’ của nó: có nội dung và ý nghĩa xã hội nào đó. Nói rộng, về thể loại văn học, tôi không/chưa tới cái phá thể, xa như ở Trần Dần, Đặng Đình Hưng; gần nhất như ở Nguyễn Thúy Hằng.
(…) Tôi cũng nghĩ mình phóng túng về tinh thần và hên ở chỗ đã đem được cái đó vô trường ca. (…) Không rõ bộ môn tâm lý học sáng tạo văn học đang ở thành tựu nào? Riêng quan hệ giữa ‘trường ca’ và ‘nhà thơ phóng túng về tinh thần’: một câu hỏi tạm treo ở đây. Tôi hơi hơi nghi ngờ về quan hệ tỷ lệ thuận của chúng. (…) Lúc viết các đoạn phóng túng, vượt biên, tôi coi nó như một bài thơ độc lập. Đôi khi ham vui, kéo thành một trường ca con; mà anh gọi là tiểu đoạn trường ca. Đó là một trong vài thủ pháp tôi từng xây dựng. Mấy tháng trước, coi trên Tiền Vệ, được biết Dương Kiều Minh đánh giá một trong những đặc thù ở trường ca Trên đường của Trần Anh Thái cũng trùng ý đó: Trường ca trong trường ca. Thực ra, đọc trường ca của nhiều người, tôi cũng có cảm giác ấy. À, ‘trường ca trong trường ca’ thì bình thường vậy, mà sao khi nói ‘tiểu thuyết trong tiểu thuyết’ các nhà phê bình coi bộ trang trọng lắm?
Với thể loại trường ca: làm tân làm tiến toàn bộ nó là chuyện to như con voi! Maia ‘thì ở nước Nga’ mà Trần Dần, Hữu Loan, Phùng Quán, Lê Đạt và nhiều nhà thơ lớn khác ‘vẫn thấy rất là Việt Nam’, đến mức trường ca Maia, phong cách Maia đã được Việt hóa rất ô-kê. Nhưng, nói cho ngay, các bậc tiền bối đó chưa thoát ra được cái bóng của ‘những đám mây mặc quần’. Có thể chỉ ra những câu, đoạn ‘made in’ Trần Dần, Hữu Loan, Phùng Quán, Lê Đạt theo ‘license’ của Mayakovsky. Trong sáng tạo, đó là chuyện kế thừa tất nhiên. Nêu vậy chỉ để bật tung cái khó của thay đổi, làm mới thi pháp trường ca. Mà Lão núi của Lê Đạt; Mùa sạch, Jờ Joạcx của Trần Dần là ba ví dụ nhãn tiền.”
[Đỗ Quyên; Trích lược (có nhuận sắc) trả lời phỏng vấn của Nguyễn Đức Tùng, sđd].
HẾT
(Bản đầy đủ - cập nhật 26/4/2016 )