Tham nhũng thối nát và bất bình của dân chúng dẫn tới một trong những thời kì náo loạn nhất của Trung Hoa. Liệu nó có xảy ra lần nữa?
http://thediplomat.com/2016/05/how-far-is-china-from-another-cultural-revolution/
07 tháng Năm, 2016
Yang Hengjun *
Hiếu Tân dịch
Image Credit: Poster quảng cáo Cách mạng Văn hóa trên Shutterstock.com
Có nhiều lí thuyết khác nhau giải thích tại sao Mao Trạchđông phát động Cách mạng Văn hóa. Nhưng có một sự nhất trí chung: Mao cảm thấy chế độ của ông ta bị đe dọa, và phải giữ lấy quyền lực đã rơi vào tay ông ta chỉ sau mấy thập niên đấu tranh vũ trang. Tại sao Mao cảm thấy ông ta đang mất kiểm soát? Có phải ai đó đang gập rút chuẩn bị một cuộc chính biến? Có phải ông ta thấy một cuộc nông dân nổi dậy đang đến gần – là cái đã lật nhào hết triều đại này đến triều đại khác trong hàng ngàn năm? Hay ông ta bị đe dọa bởi các cường quốc đế quốc và xét lại? Tôi tin rằng trong đầu óc ông ta có tất cả những lo lắng này, nhưng không cá nào có tầm quan trọng quyết định.
Trước Cách mạng Văn hóa, Mao đã tự lập bản thân ông ta như một lãnh tụ tối cao trong con mắt của dân chúng. Cho dù ông ta có muốn nâng cao vị thế của mình hơn nữa, thì đấy cũng không phải lí do để khởi động một cuộc cách mạng với những hậu quả tàn khốc đối với xá hội và văn hóa Trung Hoa. Trong khi đúng là mỗi triều đại Trung Hoa ở những thời điểm nhất định bị đe dọa bởi những cuộc nông dân nổi dậy và những cuộc bạo loạn vũ trang, thì đấy cũng chính là cách mà Mao cướp chính quyền lúc ban đầu. Đó là lí do tại sao sau khi thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa năm 1949 Mao lập tức tước vũ khí nông dân thông qua những chính sách kinh tế và tuyên truyền. Là người hăm hở đọc lịch sử Trung Hoa, Mao hiểu các hạn chế của nông dân Trung Hoa – trừ một điều là họ sống trong thống khổ cùng cực qua nhiều thế hệ, đến mức phải bán cả con đẻ của mình đi để có miếng ăn, mặt khác, những người nông dân tốt bụng và nhút nhát rất hiếm khi dám nổi dậy. Nghĩ rằng Mao cảm thấy bị đe dọa bởi các cường quốc đế quốc và xét lại là ngớ ngẩn; cứ cho là Mao đã từng nghĩ một cách sai lầm rằng Mỹ và Liên Xô có thể xâm chiếm Trung Quốc, thì ông ta cũng không bao giờ sợ một sự kiện như thế.
Tôi không có ý định biện hộ cho Mao. Tôi chỉ muốn đưa ra một nghi ngờ cái ý tưởng cho rằng Mao sử dụng Cách mạng Văn hóa để bảo vệ chế độ của ông ta chống lại những mối đe dọa từ bên ngoài. Có thể dễ dàng cho rằng Mao chỉ là đầu óc hẹp hòi, rối loạn nhân cách, hay một kẻ bị lão suy khi qua tuổi 70 – như thế thì chẳng cần tranh luận làm gì. Nhưng điều đó chẳng phải là hơi quá tiện lợi sao? Dù sao, những phong trào chính trị tương tự như Cách mạng Văn hóa của Mao đã diễn ra trong hầu hết các nước trong phe Xã hội chủ nghĩa, dù ở qui mô nhỏ hơn. Điều này có nghĩa là chúng ta không thể chỉ tập trung vào nhân cách của Mao, mà phải kết hợp nó với cái nhìn sâu hơn vào môi trường thể chế để nhận ra mục đích chính của Cách mạng Văn hóa. (Vì đây không phải là lĩnh vực sở trường của tôi, nên tôi xin mượn nội dung dưới đây từ những điều mà các học giả nhất trí.)
Như một cha già của nước Trung Hoa mới, Mao gắn bó với chế độ của ông ta hơn bất kì ai. Khi cảm thấy bị đe dọa, tất nhiên ông ta sẽ nhảy dựng lên để tự vệ. Nhưng mối đe dọa này phải đến từ bên trong chế độ, từ trong số những đồng chí của ông. Nếu nó chỉ giới hạn trong những cá nhân nhất định, Mao có thể dễ dàng đối phó với nó bằng những biện pháp khác. Tuy nhiên, ông đã phát động Cách mạng Văn hóa. Đó là bởi vì, theo đánh giá của Mao, mối đe dọa cho chế độ của ông ta và địa vị của ông ta không chỉ là người giữ chức chủ tịch nước, Lưu Thiếukỳ, hoặc một vài “phần tử tư sản,” mà là một số lớn đảng viên đã trở nên có cảm tình với chủ nghĩa tư bản. Lúc này Mao hiểu rằng chế độ của ông ta không còn có thể tự cứu bằng những biện pháp thông thường nữa.
Là một kẻ duy tâm, Mao đã bị cắt đứt liên hệ với thực tiễn Trung Hoa và thế giới từ sau 1949. Ông ta thuộc lịch sử Trung Hoa như lòng bàn tay của mình, nhưng có xét đoán rất kém về tương lai của Trung Hoa và thế giới. Hơn nữa, ông ta hiểu thấu cái yếu của chính chế độ của ông ta. Ông ta nhận ra chế độ của ông ta đang mục ruỗng từ bên trong, và ông ta thấy các đồng chí của mình đang tận dụng thành qủa của cách mạng – đó là sự xa rời lý tưởng của ông ta. Liệu ông ta có nên chờ đợi đến lúc nhân dân chán ngấy tham nhũng thối nát và buộc phải xuống đường để lật nhào cái chế độ mà ông ta đã tự tay dựng nên không?
Đây đã là hình mẫu lặp lại trong suốt lịch sử Trung Hoa, vả Mao sẽ không để cho nó xảy ra. Nhưng chế độ của Mao về cơ bản không có khả năng nhổ bật rễ tầng lớp tinh hoa chính trị tham nhũng. Nhiều phong trào mà Mao khởi xướng sau 1949 đã có rất ít hiệu quả. Sau đó Mao phải nghĩ ra một chiến lược mới – huy động dân chúng ở dưới đáy đánh tầng lớp quan liêu trí thức trung lưu.
Mao hiểu rõ rằng khi một chế độ mục nát từ bên trong, thì cuối cùng nhân dân sẽ xuống đường để quét đi chính cái văn hóa tham nhũng ấy. Nhưng khi điều ấy xảy ra, thì kẻ thù của nhân dân không còn chỉ là những quan chức tham nhũng, mà là cái chế độ đã sinh ra và dung dưỡng nạn tham nhũng ấy. Liệu Mao có nên ngồi yên nhìn điều ấy xảy ra không? Không đợi để nhân dân khởi động một cuộc cách mạng, Mao quyết định tự mình chủ mưu cuộc cách mạng ấy, và, dưới sự lãnh đạo của chính ông ta, vô hiệu hóa các phần tử tham nhũng và tư sản trung lưu. Đó là trận đánh để bảo vệ chế độ của ông ta, bằng cách trở thành lãnh đạo của một phong trào dân đen “tự phát” .
Điều xảy ra sau đó là Đại Cách mạng Văn hoá Vô sản. Tuy nhiên một số Hồng Vệ binh bây giờ đã già có thể cảm thấy luyến tiếc cuộc cách mạng “tự phát” ấy, họ thật ra không hơn những con rối do Mao giật dây. Trong suốt cả cuộc Cách mạng Văn hoá, Mao là người duy nhất không mất kiểm soát đối với bước ngoặt của các sự kiện.
Hầu hết các đánh giá về Cách mạng Văn hoá ngày nay đều nhất trí ở một điểm: đó là thảm họa của nhân dân Trung Hoa. Nhưng chúng ta cũng có thể hỏi một câu hỏi khác - nếu không có một thảm hoạ như thế liệu chế độ Mao có thể tồn tại nổi không? Nếu chúng ta theo con đường của Liên Xô hoặc Đông Âu, liệu chúng ta có thể xây dựng “chủ nghĩa xã hội mang mầu sắc Trung Hoa” không?
Giới tinh hoa chính trị bị Cách mạng Văn hoá nhằm vào và một số học giả dường như có quan điểm cho rằng Trung Hoa có thể đã có tình hình tốt hơn nhiều nếu không có những phong trào do Mao phát động sau năm 1949 và cuộc Cách mạng Văn hoá tiếp theo sau. Nói cách khác, hàng trăm triệu nhân dân Trung Hoa đơn giản bị Mao lừa phỉnh. Dù điều này có thể khoái lỗ tai những người chịu đau khổ trong Cách mạng Văn hoá, nó không phải là sự đánh giá có thể đứng vững về giai đoạn lịch sử này. Tôi phải hỏi, sau khi Mao chết và được cất giữ ở Quảng trường Thiên An Môn, thì ai là người dẫn dắt hàng trăm triệu người Trung Hoa, và chúng ta đang đi về đâu vậy?
Hầu như tất cả các nước xã hội chủ nghĩa đều đã trải qua những phong trào chính trị tương tự như Cách mạng Văn hoá của Mao, nhưng không nước nào quá khích như vậy. Phải chăng đó là lí do để Trung Hoa là cường quốc xã hội chủ nghĩa quan trọng duy nhất còn lại ngày nay? Một số người gợi ý Trung Hoa được cứu bởi những cải cách và phát triển kinh tế, nhưng đơn giản lập luận này không thể đứng vững. Thậm chí trong những giai đoạn thành công nhất của các cuộc cải cách, Trung Hoa vẫn còn tụt sau Liên Xô và nhiều nước Đông Âu về mức sống. Tôi không khẳng định điều gì to tát cả. Tôi chỉ muốn nói rằng liệu Cách mạng Văn hoá có phải là một thảm họa tùy thuộc điểm nhìn không. Nó là thảm họa đối với nhân dân Trung Hoa cũng như đối với nền kinh tế và di sản văn hóa của đất nước này. Nhưng nếu bạn nhìn nó từ điểm nhìn sự ổn định của chế độ, thì kết luận có thể sẽ không đơn giản như thế.
Phán xét lịch sử sau khi nó xảy ra rồi thì dễ. Bây giờ có một quan điểm phổ biến rằng kinh tế Trung Hoa lẽ ra có thể mạnh hơn nhiều, và mức sống của nó đã có thể cao hơn, nếu không vì Cách mạng Văn hoá. Nghe có vẻ đúng, nhưng Trung Hoa năm 1966 không có khó khăn gì sao? Cách mạng Văn hoá đã xảy ra từ hư không chăng? Các thiết chế trước Cách mạng Văn hoá đã cởi mở hơn, tân tiến hơn, đại diện cho dân nhiều hơn chăng? Trước đó chúng ta đã có một xã hội tốt đẹp hơn chăng? Người ta có thể đòi hỏi không có sự lạm dụng quyền lực khiến nhân dân phẫn nộ chăng?
Dựa trên các nghiên cứu của tôi, các quan chức thời ấy cực kì đồi bại vì quyền lực của họ và thờ ơ với những đau khổ xung quanh họ. Vậy hệ thống xã hội trước Cách mạng Văn hoá có hiệu quả hơn chút nào trong việc kiềm chế lạm dụng quyền lực, chênh lệch giàu nghèo, và tham nhũng hơn ngày nay không? Trong trí nhớ của tôi, một bí thư công xã nhân dân ngày đó giống như một ông vua con, tận dụng phụ nữ dưới cái cớ “công tác tư tưởng,” hưởng thụ đặc quyền không thể tưởng tượng được đối với những người còn lại. Trung Hoa có thật là một xã hội lí tưởng trước Cách mạng Văn hoá không? Hay nó chỉ lí tưởng cho các quan chức tham nhũng và tầng lớp tinh hoa chính trị ấy, những kẻ sau đó trở thành mục tiêu cho cơn phẫn nộ của nhân dân trong Cách mạng Văn hoá?
Tính chất dã man của Cách mạng Văn hoá che mờ mắt chúng ta cái đen tối tồn tại trước nó. Trong khi nhiều cái đã bị chôn vùi trong lịch sử, chúng ta biết Trung Hoa hiện nay đang ở đâu. Trung hoa ngày nay hơn rất nhiều so với năm 1966, nhưng một nỗi luyến nhớ Mao của dân đen đang tăng lên. Nhiều người trẻ nói rằng nếu Mao quay trở lại, họ sẽ phát động một cuộc Cách mạng Văn hoá khác. Họ sẽ lần lượt lôi cổ từng tên quan chức tham nhũng xuống, và dẫm đạp lên xác chúng.
Những người trẻ đang kêu gọi một cuộc Cách mạng Văn hoá khác có thể ít hiểu biết về những gì xảy ra hồi đó. Đó không phải là lỗi của họ, mà là lỗi của xã hội và những thiết chế của chúng ta. Chúng ta không được ủng hộ để phản ánh về cuộc Cách mạng Văn hoá những ngày đó; nếu chúng ta đã làm thế thì có lẽ chúng ta đã đạt được một số tiến bộ nào đó. Đối với phần lớn người Trung Hoa, khi họ nghĩ về Cách mạng Văn hoá, trong tâm trí họ hiện hình đầy những khẩu hiệu và những cảnh làm nhục công khai. Chủ tịch Trung Quốc chết một cái chết thảm hại. Vợ ông buộc phải đeo chiếc vòng cổ làm bằng những quả bóng bàn. Nhà của bí thư tỉnh bị cướp bóc. Thống đốc phải đeo cái bảng ghi rõ tội trạng sau lưng. Các chi tiết của cuộc sống đồi bại bị bóc trần trước công chúng. Các ủy viên ban chấp hành [Trung ương] Đảng khắp trong nước bị làm nhục. Tài sản ở nhà của họ, gồm vàng bạc, các tác phẩm nghệ thuật có giá trị bị cướp đoạt. Trí thức cũng là mục tiêu. Các quan chức phải dọn ra khỏi các biệt thự của họ, một số mất người hầu, một số mất tài xế. Con cái của các “phần tử tư sản” trong một nước có mức sống thấp nhất thế giới bị tước hết đặc quyền đặc lợi, bị Hồng Vệ Binh đánh đập tàn nhẫn.
Đây có phải là những gì thuộc về Cách mạng Văn hoá không? Nếu bây giờ bạn hỏi một người Trung Hoa trung bình bạn gặp trên đường phố, xem họ có sẵn sàng cho một cuộc Cách mạng Văn hoá khác không. Tôi có thể nói với bạn điều này: không chỉ họ sẵn sàng cho một cuộc Cách mạng Văn hoá khác, lần này họ sẽ bắt tất cả bọn quan chức tham nhũng dàn hàng ngang, và hành hình bọn chúng.
Ngay cả những trí thức sống quá cách biệt không chịu những phiền toái với lớp dân cư Trung Hoa thấp hơn cũng hiểu rằng nếu có một cơ hội như thế, nếu Cách mạng Văn hoá tái diễn dưới hình thức này hay hình thức khác, thì hàng trăm triệu người Trung Hoa đang vật lộn để sống còn sẽ không chút do dự, đưa tất cả các quan chức, từ một bộ trưởng đến một thị trưởng ở địa phương, ra sỉ nhục nơi công cộng, nếu không phải lên máy chém. Ý chí cách mạng của họ sẽ không thấp hơn chút nào so với ý chí được thả ra trong Cách mạng Văn hoá. Họ thậm chí sẽ tự biện hộ theo cách này: “Lần trước chúng tao đã bị Mao bịp, và biến thành những con tốt đen của lão; lần này thì vì chúng tao!”
Tình trạng khó chịu mà những năm 1966 phải đối mặt vẫn còn tồn tại hôm nay, bởi vì các thiết chế xã hội của chúng ta đã không thay đổi nhiều. Những xấu xa tồi tệ mà một người Trung Hoa bình thường hồi đó cũng biết không chỉ còn đến ngày nay, mà thậm chí còn nghiêm trọng hơn nhiều. Cái thất vọng mà Mao cảm thấy vào thời ấy cũng đang làm điên đầu các lãnh đạo hôm nay.
_______________________________________________________
* Yang Hengjun là một học giả Trung Hoa độc lập, nhà văn, blogger. Ông đã từng làm việc trong Bộ Ngoại giao Trung Hoa và là ủy viên cao cấp tại Hội đồng Atlantic ở Washington, DC. Yang nhận bằng tiến sĩ (Ph.D) từ Đại học Công nghệ Sydney, Australia.