Chiều tối hôm qua (17/5/2016), tôi nhận được điện thoại của nhà thơ Lê Văn Sơn - Chủ tịch Hội VHNT Quảng Ngãi báo tin Trầm Thụy Du- Tổng biên tập Tạp chí Sông Trà đã đột quỵ và đang cấp cứu tại bệnh viện.Tôi đang chuẩn bị đi Hà Nội họp chưa ghé thăm anh được. Xin giới thiệu bài viết này như một lời cầu mong anh sớm qua cơn nguy kịch để tiếp tục sóng bước với nàng thơ.
*
Sinh năm Ất Mùi (1955), Trầm Thụy Du (Dương Thành Vinh) xuất hiện trên văn đàn Quảng Ngãi từ thời phổ thông trung học trước 1975 và chung thủy với thơ cho mãi đến bây giờ. Xuất hiện sớm, nhưng tác phẩm của anh cho đến nay vẫn rất khiêm tốn, chỉ gồm 3 tập thơ: Vĩ cầm xanh (2006), Khúc hoài niệm (2010) và Thắp lên miền nhớ (2014).
Nhan đề 3 tập thơ đã phần nào phác họa được diện mạo thơ Trầm Thụy Du: Khúc đầu là màu xanh tuổi thơ của tiếng vĩ cầm trong trẻo; khúc giữa là những hoài niệm về tuổi thơ, về tình yêu; và khúc sau, những hoài niệm lại được tiếp tục đẩy lùi thêm về tầng quá vãng tận cùng để cố thắp lên một miền nhớ xa thăm thẳm bên trong của kiếp con người. Chính vì thế, bên cạnh những tà áo trắng trong veo, những trò tinh nghịch và những mộng mơ của tuổi học trò trong thơ thời còn đi học:
Gió thao thức gọi mùa qua rất khẽ
Cỏ mướt xanh trên vạt nắng lưng đồi
Em dịu dàng như lá mới tinh khôi
Đôi vạt áo bay trắng trời thương nhớ
Anh bối rối bước thầm theo dáng nhỏ
Dòng sông trôi mờ khói sóng dưới kia
Một bóng thuyền trôi lờ lững nghiêng che
Như lơ đãng chở mùa theo con nước (Một khúc ca xuân),
càng xa rời tuổi thơ, Trầm Thụy Du càng sống bằng hoài niệm.
Đó là những hoài niệm về những “mùa xưa” của tuổi học trò:
Cho tôi về lại mùa xưa
Con đường xôn xao bước gió
Bướm bay đậu vào trang vở
Mực nhòe vết nhớ trong tay (Về lại mùa xưa).
Những kỷ niệm tuổi thơ đã được thời gian phủ lớp khói sương mờ hối tiếc:
Sương khói bay mờ sông nước quê
Cỏ xanh vời vợi cuối triền đê
Con nghé chiều xuân kêu gọi mẹ
Chợt nhói lòng ta một nẻo về (Mười năm gió bấc).
Hoài niệm về những cuộc tình mong manh khói mây:
Dấu chân từ tiền kiếp
Còn in giữa chốn này
Em muôn đời không biết
Tình mong manh khói mây (Mong manh mây khói).
Những lời à ơi ru tình vọng về từ quá vãng:
Lời ru đong đầy kỷ niệm
À ơi! Nỗi nhớ vơi đầy
Gặp em lặng thầm cúi mặt
Câu thơ vàng úa trên tay (Về lại mùa xưa).
Và một quê nhà trong quá vãng tuổi thơ có vầng trăng khuya làm minh chứng, nhất là trong tâm trạng của kẻ tha phương:
Bên dòng xe cộ ngược xuôi
Ung dung quán cóc ta ngồi uống bia
Nói chuyện nọ xọ chuyện kia
Cùng thương một mảnh trăng khuya quê nhà (Gặp bạn ở Sài Gòn).
Dường như bàng bạc trong tâm trạng Trầm Thụy Du là nỗi tiếc nhớ khi tuổi thơ vuột mất. Đó là tâm trạng dần tàn của những chiếc lá thu phai, muốn níu lại trên cành nhưng không thể nào ở lại:
Mùa thu vừa ngang qua ngõ
Em đừng gọi chú bằng anh
Có điều chi như nỗi nhớ
Ngồi nghe lau lách quanh mình (Gửi lá thu phai).
Do mải mê du thơ về quá khứ để hiện thực chỉ còn là hoài niệm, nên dù có viết về chủ đề nào, thơ Trầm Thụy Du vẫn cứ được phủ lên bởi một lớp sương khói mơ màng, bảng lảng, chợt hiện chợt tan như chiếc lá diêu bông vô thực mà người yêu cứ mải mê tìm:
Anh chỉ tìm em
Không tìm lá Diêu Bông
Ơi cô gái Cor môi thơm lừng rượu đoak (Về Tây Trà).
Là những “mơ mộng” ngay cả trong rộn rã ngày xuân với những điệu Kalêu gợi tình chan chứa:
Cầm tay em nghe hạnh phúc lên ngôi
Một ngày mới đang bừng lên sức sống
Em H’re đôi mắt nâu mơ mộng
Dấu tình tôi trong điệu hát Kalêu (Hương xuân phố núi).
Vì lẽ đó, ta gặp trong thơ Trầm Thụy Du rất nhiều những “lá úa”, “thu phai”, những “cơn gió” thổi minh minh mang mang vào “cõi mộng”, vào cả những giấc chiêm bao:
Tình tang cơn gió heo may
Níu chân cõi mộng cuối ngày
chiêm bao (Ba lý đầu xuân).
Viết “Xuân ca” nhưng thơ Trầm Thụy Du ít nghiêng về phía tưng bừng, vẫn cứ mãi là những bâng khuâng, hoài niệm. Nói với phố phường đông đúc mà vẫn là những lời “hư không” giữa “muôn trùng mưa đổ” giữa những “cơn gió mênh mông”. Và vì thế, với xuân phố phường, Trầm Thụy Du mãi mãi “chào xuân” bằng “tiếng lạ”:
Mai ta về phố
Mở lời hư không
Mưa đổ muôn trùng
Chào em tiếng lạ
Chiều níu tay nhau
Dường mênh mông gió (Xuân ca)
Bên cạnh những khúc hoài niệm, vốn là một nhà báo láu lỉnh, thơ Trầm Thụy Du còn đậm nét bởi những tiếu-lâm-thơ, nghịch-ngợm-thơ. Có lẽ là âm ba của cái tinh nghịch tuổi học trò đã chìm vào vô thức, khi gặp hiện thực đời, bất chợt tuôn ra thành thơ một cách tự nhiên. Đó là trò “nói lái” đặc sản miền Trung:
Rồi nhắm mắt xuôi tay về Truông Ổi
Trôi uổng đời theo nhịp trống di quan (Tất nhiên).
Là những ngôn ngữ đời thường tinh nghịch:
Bạn mời đi uống bia ôm
Quờ tay đụng phải chiều hôm quê nhà
Vợ còn lụi cụi chợ xa
Một mình ngồi tính đồng ra đồng vào (Tự vấn).
Tếu táo cho vui với đời vậy thôi, chứ cái còn lại trong thơ Trầm Thụy Du chính là những hoài niệm đẹp và buồn về những điều đã qua trong cuộc nhân gian chộn rộn. Càng về già, những hoài niệm ấy bắt đầu có chiều hướng nghiêng về phía vô thường, phảng phất những câu kinh nhà Phật:
Chim tha cành giác ngộ
Hát chia buồn nhân gian
Em buông lời cáo phó
Mưa hồng bay lạnh chân (Xuân kinh).
Dù đậm chất mơ mộng, bảng lảng khói sương, nhưng thơ Trầm Thụy Du không thoát tục mà gắn chặt với những buồn vui của đời sống thường ngày. Mỗi vần thơ anh đều được xuất phát từ hiện thực tươi rói sự sống đã được chưng cất lên bằng hoài niệm của chính mình:
Ê… hê, con suối chảy
Ngát thơm hương rượu cần
Ấm nồng môi sơn nữ
Khuya dấu niềm bâng khuâng (Đêm Ca dong)