Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.113
123.141.882
 
Về bài thơ cổ "Nam quốc sơn hà"
Yến Nhi

 

*

             Bài thơ “Nam quốc sơn hà” là tác phẩm nổi tiếng, rất quen thuộc với bạn đọc Việt Nam, gần đây khi đưa vào Sách Giaó khoa- Ngữ Văn lớp 7, đã có nhiều ý kiến trao đổi về việc tuyển chọn bản dịch tương ứng. Vấn đề khuấy động dư luận bạn đọc không dừng lại ở vấn đề dich thuât mà lan sang vấn đề ý thức tự cường dân tộc, vấn đề học Sử, vì từ lâu bài thơ này được xem là bản Tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất của dân ta. Bài thơ được các nhà thơ nổi tiếng dịch, được các Gs đầu ngành tuyển chọn và bình chú, dẫu vậy chúng tôi vẫn muốn thưa thêm một số chỗ chưa được thoả mãn, còn ít băn khoăn.

            Nguyên tác bài thơ: (chép theo Đại Việt sử ký toàn thư )

Nguyên bản chữ Hán:

南國山河

南 國 山 河 南 帝 居

截 然 分 定 在 天 書

如 何 逆 虜 來 侵 犯

汝 等 行 看 取 敗 虛

Bản phiên âm Hán-Việt:

Nam quốc sơn hà

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,

Tiệt nhiên phận định tại Thiên thư.

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

     

            Trong chuỗi các tác phẩm văn học gắn liền với lịch sử dựng và giữ nước của dân tộc mà đời sau gọi là “thiên cổ hùng văn” như Quốc tộ ( thời Tiền Lê), Hịch tướng sĩ, Bạch Đằng giang phú, Đoạt sáo Chương Dương ( thời Trần), Bình Ngô đại cáo ( thời Lê), tất cả làm nên một chuổi ngọc văn chương trung đại thì Nam quốc sơn hà ( thời Lý) có một chỗ đứng rất cao mà cho đến nay ánh sáng nội dung tư tưởng, cũng như sức cảm hoá của nó vẫn vô cùng mãnh liệt.

           Trước hết cần phải đặt bài thơ trong bối cảnh nó ra đời để dễ đi tiếp các phần sau. Bài thơ tương truyền được tướng quân Lý Thường Kiệt  cho đọc trong các miếu thần vào đêm sắp diẽn ra trận đánh bên sông Như Nguyệt vào thế kỷ 11 để đe doạ quân Tống, làm suy sụp tinh thần bọn giặc tạo điều kiện cho quân ta tiêu diệt. Bài thơ từ đấy mang một miếu hiệu “thơ Thần”. Bài thơ nói với quân thù , bằng ngôn ngữ của chúng , muốn làm sụp đổ tinh thần chiến đấu của giặc trong trận chiến lúc đó, nhưng nó mở rộng phạm vi ý nghĩa như một sấm ký về vận nước được truyền tụng mãi về sau. Được gọi “tuyên ngôn độc lập” vì tính khái quát và bề cao, bề rộng của nó.

Chúng tôi xin được bàn hai vấn đề:

1/ Về tác giả bài thơ, cho đến nay có một vài ý kiến xem bài thơ không phải của Lý Thường Kiệt , nhưng không có xác định chính thức ai là tác giả bài thơ! Chúng ta chỉ biết tác giả bài thơ như một truyền thuyết. Như vậy con đường đi đến hôm nay của bài thơ là, từ một bài thơ khuyết danh được thần linh hoá, rồi sau đó lại cá biệt hoá với cái tên truyền thuyết Lý Thường Kiệt . Con đường đi trong tâm thức cộng đồng, nó tồn tại như một ngoại sử, một truyền thuyết. Như vậy nó cũng đủ đẹp chinh phục tâm thức người đọc, truyền đời này sang đời khác, không nhất thiết phải có khẳng định cụ thể nào hết. Cứ truyền thụ cho các em : Tương truyền bài thơ này là của Lý Thường Kiệt,  không nên chua thêm “…có người cho rằng bài thơ không phải của Lý Thường Kiệt…” với những nghi vấn này nọ, để một khoảng trống tưởng tượng cho các em nghĩ đến vị đại danh tướng, đến sự tự cường của dân tộc , bài thơ thêm phần lung linh trong tâm trí các em . Khi cái sự thực ngoài dời chưa được xác định rõ ràng thì cái sự thực tồn tại trong tâm hồn cộng đồng ta cần tôn trọng.

2/ Vấn đề thứ hai quan trọng hơn , nên chọn bản dịch nào cho hay và chính xác để đưa vào Sách Giáo khoa. Đã có nhiều bản dịch khá công phu của nhiều dịch giả rất đáng trân trọng , tuy nhiên mối liên quan giữa hai vấn đề dịch sát nghĩa và dịch toát lên thần thái bài thơ vẫn còn một khoảng cách mà cái chính đọng lại ở một số từ Hán chuyển sang từ Việt có nhiều nghĩa chưa thật thoát. Chúng tôi nghĩ phải đặt “chữ” trong câu và “câu” trong linh hồn toàn bài. Dịch phải lột tả được tối đa tinh thần bài thơ không quá câu nệ vào tình tiết. Bài thơ không chỉ khẳng định sự tất thắng của một trận đánh mà còn là lời tuyên ngôn khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của dân tộc ta.

 Vài vấn đề cần lưu ý:

- Không nên nghĩ ở các nhà trường khác nhau thì chọn bản dịch khác nhau, đại học khác phổ thông. Cách hiểu , sự hướng dẫn có thể khác, nhưng bản dịch chọn lựa phải đúng, hay và chỉ là một, là tấm gương của nguyên tác. Đối tượng chính cùa bài học vẫn là nguyên tác.  Dịch nguyên tác thật chính xác  để truyền đạt nội dung ý nghĩa cho học sinh là quan trọng, bài thơ dịch chỉ là góp phần phụ hoạ thêm, bản dịch hay phải đúng cái thần của bài thơ gốc chứ không dừng lại ở từ ngữ.

- Các bài của các tác giả soạn sách nói nhiều, khá rõ các vấn đề liên quan , ngoại vi, nhưng cái chính yếu của bài thơ là:  vấn đề tác giả, cũng như nghĩa các câu thơ và bản dịch cần lựa chọn vẫn còn nhiều chỗ chưa thoả đáng, đáng tiếc các báo, như thói quen trước một vấn đề nhiều tranh luận thường chọn cách khép lại, bỏ ngõ ai hiểu sao cũng được...Theo chúng tôi nghĩ, trước những vấn đề như thế này  it nhất cũng cần có một bài tổng quan về các ý kiến trao đổi, cần gói lại những nét chính, giúp người đọc dễ nắm được vấn đề.

  Về nguyên tác , theo cách hiểu thông thường nên chọn bản nào có sớm nhất và ở nguồn đáng tin nhất, thường đó là những bản thuộc chính sử. Ở đây là Đại Việt sử ký toàn thư.

 Nhiều từ Hán Viêt trong bản này có vài chỗ hơi khó chuyển nghĩa. Thời gian đã lâu, nhưng may thay bài thơ là một danh tác sống lâu trong tâm thức cộng đồng nên sức sống, ý nghĩa của nó không phai mờ, luôn gắn với hoàn cảnh sâng tác, từ một chiến công lừng lẫy của dân tộc, nội dung bài thơ sau mấy trăm năm vẫn y nguyên giá trị và ý  nghĩa. Nó không rơi vào trường hợp những sáng tác tam sao thất bản, xuất xứ không rõ ràng, để trường liên tưởng người đọc quá mở rộng nhiều khi tạo nên những phức tạp, biến đổi hẳn nghĩã ban đầu của sự vật.                 

 - Câu thứ nhất, vướng víu ở hai chữ “đế cư ”. Có ý kiến cho rằng, từ chỗ chúng xem mình là quận, huyện, nay mình xưng vua như vua của chúng, chữ “đế” ở đây thể hiện sự tự tôn dân tộc xem địa vị vua mình ngang với địa vị hoàng đế Trung Hoa, không thể thay từ khác được. Xét trên góc độ từ gốc Hán và sử Trung Quốc thì  trong dãy thứ tự cấp bực “đế”, “vương”, “hầu”..., “đế” thứ bậc cao nhất , là vua nước lớn, “vương” là vua nước nhỏ, chư hầu, ngang với tôn thân vương triều. Đó là cách phân chia quan hệ đẳng cấp áp dụng trong nội bộ  Trung Hoa, ở Việt Nam không có lệ đó, ở Việt Nam danh xưng “vua” là miếu hiệu chỉ người quyền lực , địa vị cao nhất trông coi giang sơn, đất nước.  Xưng “Nam đế” là để nói với giặc bằng ngôn ngữ của chúng ở thứ bậc cao nhất, thực ra “Nam đế” là “vua nước Nam”, dịch ngược, xuôi : từ Hán ra Việt, việt ra Hán,“đế” là “vua”, “vua” là “đế”. Ta chẳng viết “Hoàng đế Gia Long” cũng như “Vua Gia Long”, “Vua Quang Trung” cũng như “hoàng đế Quang Trung” đó sao!

       Ở câu thơ này sự  bàn cãi còn xoay quanh chữ “ cư ” . Trên phương diện từ gốc Hán, các vị đã nêu lên hai cách phân tích mà nhiều bài viết nêu lên: một, “ cư ” là “ở”, hai, “cư ” là “ngự trị”. Theo chúng tôi, còn một nghĩa nữa mà từ điển của Đào Duy Anh nêu lên “ cư ” là “giữ”, “giữ lấy” (  Đào Duy Anh - Hán Việt từ điển - NXB Trường Thi, Sài Gòn 1957, tr136). Có thể suy rộng ra là giữ gìn, trông coi, bảo vệ…

       Bài thơ, trên cương vị đại diện cho cộng đồng, chủ thể có thể là Lý Thường Kiệt  thay cho nhà vua, nói với giăc, dùng chữ “ở” , hay “ngự trị”  đều có vẻ ép , nó hoặc nhỏ bé, hoặc không đúng tư thế, hành trạng của nhà vua, dân thì “ở” chứ vua thì không thể nói thế, “ngự”  thì nói về vị trí chứ không rõ trách nhiệm. Theo chúng tôi hiểu, “cư ” ở đây  nên nghiêng về nghĩa mà cụ Đào Duy Anh nói tới, “cư ” là trông coi, gìn giữ, nhà vua thay mặt cho cộng đồng trông coi giữ gìn giang sơn, đất nước, dùng chữ “coi” là đạt hơn chữ “ở”. Câu thơ dịch thoát “Sông núi nước Nam vua Nam coi…” thuận tai, giàu Việt tính hơn “Sông núi nước Nam Nam đế ở…”

                  - Câu thứ hai: “Tiệt nhiên phận định tại thiên thư”. Chữ “phân định” khác với “phận định”. Đây không nói về biên giới, về địa phận, mà chữ “phận” này trong tiếng Việt nghĩa sâu rộng hơn, “phận” là phần riêng của mỗi người đã được tạo hoá ban cho, đã được định sẵn, chỉ việc vua nước Nam cai quản đất nước Nam là việc trời định đoạt vĩnh hằng rành rành, quyền làm chủ đó không đổi thay được. Câu thứ hai , cũng nên đặt nó trong sự liền nghĩa với câu thứ nhất , nói về sự trông coi đất nước của vua nươc Nam , điều đó “sách trời” đã ghi, đã định sẵn. Sách cũ dịch  “Vằng vặc sách trời chia xứ sở” theo chúng tôi không liền nghĩa với câu đầu nói về vai trò của vua nước Nam được “sách trời” định rõ, khiến người đọc hiểu nghiêng về phía cho là câu thơ nói về sự phân chia biên giới, điều đó chúng tôi đã nói ở trên kia không đúng với tinh thần bài thơ .. Câu này dịch : “Rành rành định phận tại sách trời” là sát nghĩa. Bài thơ này nói nhiều đến “trời” đến vai trò của” vua”, nên đặt nó vào cái thế giới quan đương thời để mà hiểu cái nghĩa lý  đằng sau chứ đừng “ hiện đại hoá” nó đi. Thời ấy “Trời” là uy quyền thiêng liêng nhất, cao nhất là qui luật bất khả xâm phạm và việc vua là nước, nước là vua , vua trông coi đất nước là thay dân chứ không có việc duy tâm hay đề cao phong kiến gì hết!

                 - Câu 3 : Câu thứ ba cũng vậy , liền mạch với hai câu trên . Đặt câu thơ trong cuộc sống tâm linh đương thời, việc trời đã định, sách trời đã ghi, việc vua nước Nam trông coi giang sơn đất nước này mà câu thơ trên đã nêu lên là chân lý là qui luật không gì thay đổi , mới thấy câu thơ này nhấn mạnh cái ý lũ giặc “trái mệnh trời”, đi ngược lại mệnh trời là vô đạo, là không thể tồn tại, nếu quên đi cái ý trái mệnh trời ( nghịch lỗ) chỉ dịch “sang xâm phạm” là bỏ sót ý quan trọng và câu thơ này không liền mạch với câu thứ hai. “Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm” nếu chỉ dịch “Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm” là không đủ nghĩa , nên dịch “Giặc kia trái mệnh sang xâm phạm”.

                 - Câu cuối “Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”, như trên đã phân tích bài thơ khẳng định sự bất khả xâm phạm của chủ quyền Việt Nam, chứ không phải chỉ thắng trong trận đánh này, dịch “lũ giặc bị đánh tơi bời”  hay “nhất định tan vỡ” là đúng nhưng chưa  thoát cái ý thơ: mọi ý đồ xâm lấn, mọi cuộc xâm lăng đất nước giang sơn này sẽ bại vong! Nên dịch “thủ bại hư ” là “chuốc lây bại vong”, mạnh hơn , sâu sắc hơn. Tầm khái quát của bài thơ cũng cao hơn, nó hé mở sự trường tồn của dân tộc, đất nước! Có lẽ chính bởi ý nghĩa này mà có tac giả đề cao xem bàì thơ này là Bản “Tuyên ngôn độc lập” (*) lần  thứ nhất của dân tộc ta.

Xin giới thiệu toàn bài dịch  :

SÔNG NÚI NƯỚC NAM

Sông núi nước Nam vua Nam coi

  Rành rành phận định  tại sách trời

  Giặc kia trái mệnh sang xâm phạm

   Chúng mày chuốc lấy bại vong thôi .

 

                 Xin giới thiệu thêm hai bài thơ dịch liên quan để bạn đọc liên hệ so sánh.

 

SÔNG NÚI NƯỚC NAM

1.

Sông núi nước Nam vua Nam ở

Rành rành định phận tại sách trời

Cớ sao  lũ giặc sang xâm phạm

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời

( Bản dịch Trần Trọng Kim)

                          2.

Sông núi nước Nam vua Nam ở

Vằng vặc sách trời chia xứ sở

Giặc dữ cớ sao phạm đến đây

Chúng mày nhất định phải tan vỡ

( Lê Thước và Nam Trân – SGK Ngữ văn 7)  ./.

 

04 /2016

 

                ----(*) GS Huỳnh Lý chủ biên - Giảng văn (tập1)” - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1960

 

Yến Nhi
Số lần đọc: 4591
Ngày đăng: 20.05.2016
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trầm Thụy Du - Hoài niệm tuổi thơ và những khúc tình buồn - Mai Bá Ấn
Giá trị truyện cổ tích “Con chim bìm bịp”. - Tuấn Giang
Nhìn nhận nhanh phê bình thơ Việt hậu Đổi mới - Đỗ Quyên
Vũ Hải Đoàn "Chơn chất đất và tơ non cỏ" - Mai Bá Ấn
Ngô Minh - Ngựa đá và những bông hoa cỏ - Từ Sâm
Dòng sông Mẹ trong tâm thức một người con đất Việt - Nguyễn Anh Tuấn
Bàn tay nhỏ dưới mưa - Lam Hồng
Một bài thơ hay của Hoàng Vũ Thuật - Từ Sâm
Tiếp nhận truyện Kiều từ góc nhìn triết học hiện sinh trong phê bình Văn Học ở miền Nam trước 1975 - Trần Hoài Anh
Đọc Mưa Hoang của Hà Quảng - Bùi Minh Vũ
Cùng một tác giả
Ban Mai (thơ)
Thế sự nhàn đàm (tiểu luận)
Cúc xưa (phê bình)