http://thediplomat.com/2016/05/the-case-for-lifting-the-us-vietnam-arms-embargo/
Prashanth Parameswaran
May 20, 2016
Hiếu Tân dịch
Có lí do mạnh mẽ để Mỹ dở bỏ cấm vận vũ khí sớm hơn thay vì muộn hơn.
Tàu ngầm Kilo-class của Nga mà Việt Nam hiện đang vận hành.
Ảnh: Wikimedia Commons
Trước chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama tới Việt Nam cuối tuần này, các quan chức Hoa Kỳ – ít nhất là công khai – nói họ còn chưa quyết định lần này có dỡ bỏ toàn bộ lệnh cấm vận vũ khí cho Việt Nam, đã được nới lỏng năm 2014, hay không. Mặc dầu việc dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận này chỉ còn là vấn đề thời gian trong bối cảnh quan hệ đối tác toàn diện Mỹ Việt đang nảy nở, có lí do mạnh mẽ nên giải quyết nó dứt điểm sớm hơn chứ không phải muộn hơn.
Trong mấy năm qua Việt Nam đã nổi lên như một nước có vai trò ngày càng trung tâm trong chiến lược Châu Á Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, mặc dù những thách thức dai dẳng suốt hai thập niên trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Chắng hạn về kinh tế, Hà Nội là một trong chỉ bốn nước Đông Nam Á tham dự hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ dẫn đầu và là đối tác quan trọng trong những sáng kiến địa phương cũa Mỹ đang tiến hành, như Sáng kiến vùng Hạ sông Mekong (LMI). Còn về quốc phòng, Việt Nam đang trên tuyến đầu cuộc tranh chấp ở biển Đông, đã không chỉ là một thành viên của những sáng kiến then chốt của Mỹ như Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á (MSI), mà còn cộng tác với Hoa Kỳ trong việc tăng cường đóng góp vào an ninh toàn cầu trong những lĩnh vực như gìn giữ hoà bình.
Mặc dầu thế, một cấm vận những vũ khí sát thương – để lại trong hồ sơ của nhiệm kì tổng thống Bill Clinton khi bắt đầu bình thường hoá – vẫn còn nguyên, dù đã được nới lỏng tháng Mười năm 2014. Mặc dù đang lan truyền một dự đoán là chính quyền Obama cuối cùng có thể dỡ bỏ hoàn toàn, hôm thứ Năm Ben Rhodes một trong những cố vấn thân cận nhất của tổng thống, nói với các nhà báo rằng chưa có quyết định nào, và Obama sẽ đưa ra những nét lớn về cách chính quyền của ông tiếp cận vấn đề cấm vận trong cuộc họp với các quan chức Việt Nam trong chuyến đi.
Dù chính quyền lựa chọn tiến hành theo cách nào, rõ ràng việc dỡ bỏ cấm vận này sẽ thúc đẩy mối quan hệ về cả về biểu tượng lẫn thực chất. Về mặt biểu tượng, như các quan chức Việt Nam đã nhiều lần chỉ ra, việc dỡ bỏ sẽ là một dấu chỉ rằng các mối quan hệ đã được hoàn toàn bình thường hóa, và nếu nó được thực hiện trước khi Obama hết nhiệm kì, nó sẽ giống như câu chuyện kể rằng chính quyền này đã ưu ái mối quan hệ Mỹ-Việt, đặt quá khứ sang một bên và nhìn về tương lai – thông qua việc giải quyết các hậu quả chiến tranh hoặc mở ra một trường Đại học Fulbright mới ở Việt Nam.
Nhìn rộng hơn, nó còn là lí lẽ mạnh mẽ khác trong chính sách đối ngoại của chính quyền Obama, là có thể đạt được tiến bộ ngay cả trong những mối quan hệ trước đó có nhiều thách đố. Như Rhodes mô tả, trong một sự kiện diễn ra ở Trung tâm An ninh Mới của Hoa Kỳ ở Washington D.C. đầu tuần này, một phần lớn chính sách đối ngoại của chính quyền Obama đã được xác định bằng việc theo đuổi những cơ hội trước đây chưa được khai thác để có tiến bộ trong những mối quan hệ quan trọng – như có thể thấy trong thương lượng hạt nhân với Iran, bình thường hóa các mối quan hệ với Cuba, và hứa hẹn nhiều hơn với Myanmar. Mặc dầu những mối quan hệ với Việt Nam đã được bình thường hóa từ năm 1995, tuy nhiên việc dỡ bỏ cấm vận là hiện thực hóa một cơ hội trước đây chưa được khai thác như thế.
Về thực chất, việc dỡ bỏ cấm vận sẽ mở đường cho Hoa Kỳ có thể bán vũ khí cho Việt Nam. Mặc dầu Việt Nam đã sớm có lịch trình để nhận đội tàu tuần tra Metal Shark do Mỹ chế tạo, Hà Nội có khả năng mua những căn cứ (platform) tàu biển và máy bay để dùng cho quốc phòng. Bán vũ khí không chỉ là cơ hội tiềm tàng về kinh tế cho các công ty Mỹ, mà còn là cơ hội chiến lược cho Washington tham gia đầy đủ hơn vào việc xây dựng khả năng của Việt Nam, đến lượt mình Việt Nam lại có thể đóng góp nhiều hơn cho an ninh thế giới. Thượng nghị sĩ John McCain, cựu tù binh chiến tranh ở Việt Nam trong một thời gian dài phản đối các mối quan hệ gần gũi hơn, đã tóm tắt rất hay khi ông nói trong một tuyên bố hôm thứ Tư rằng “chúng ta không thể yêu cầu đối tác của chúng ta đóng góp nhiều hơn trong khi tiếp tục tiến hành hạn chế trực tiếp mức độ đóng góp của họ.”
Dỡ bỏ cấm vận cũng củng cố vị trí thương lượng của Mỹ để tìm kiếm phát triển hơn nữa mối quan hệ quốc phòng song phương từ Hà Nội. Với ý nghĩa của chuyển động này từ phía Mỹ, sẽ có khích lệ hơn cho Việt Nam xem xét các đề xuất của Washington để thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ quốc phòng vốn trước đây đã bị gạt bỏ, bao gồm những cam kết hải quân và thương mại quốc phòng như một phần của tuyên bố chung về mối quan hệ quốc phòng do hai bên kí năm ngoái trong chuyến thăm nước này của Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter.
Nói cho rõ, những hợp đồng lớn về quốc phòng và chuyển giao có thể phải mất thời gian bởi vì chúng còn tùy thuộc vào những nhân tố khác, trong đó có việc để cho Việt Nam quen thuộc hơn với những thủ tục mua bán của Mỹ, tương quan với những đối tác quốc phòng truyền thống khác như Nga. Và cũng sẽ là không thực tế nếu mong đợi một sự biến chuyển đột ngột về phương hướng chiến lược của Việt Nam với Washington, chính sách ngoại giao đa phương của Hà Nội cũng như mối lo ngại của nó về nước Trung Hoa láng giềng đang giận dữ. Khi chính quyền này đã chủ thể hoá một cách đúng đắn, đây không phải là một phần của cái chiến lược chịu đựng Trung Hoa, mà của hàng loạt bước tiến giúp nuôi dưỡng một Việt nam mạnh và vững có khả năng tự bảo vệ và đóng một vai trò lớn hơn trong khu vực và trên thế giới. Khi các cuộc thương lượng cuối cùng được thực hiện, những căn cứ này, kết hợp với những cố gắng xây dựng năng lực khác như MSI, có thể giúp tăng cường hoạt động liên hợp và tạo ra những hiệu ứng phối hợp nhịp nhàng khác trong các quan hệ quốc phòng Mỹ-Việt.
Lý lẽ chính của những người phản đối dỡ bỏ cấm vận vũ khí là một sự dỡ bỏ hoàn toàn sẽ phản lại những quan ngại kéo dài về hồ sơ nhân quyền của Việt Nam. Chắc chắn rằng đấy là một nhân tố trong những tính toán của Mỹ về bước đi giải quyết dỡ bỏ cấm vận, nó đã là như thế trong nhiều năm và vẫn còn tiếp tục. Các nhóm hoạt động nhân quyền cũng đã chỉ ra một cách đúng đắn những thí dụ đáng lo ngại về vi phạm trong mấy tuần gần đây trước cuộc bầu cử quốc hội vào ngày 22 tháng Năm, trong đó có việc ngược đãi những người biểu tình sau một thảm hoạ môi trường liên quan đến đầu độc cá. Nói rộng hơn, những chuẩn mực của những lí tưởng và những mối quan tâm của Mỹ có ý nghĩa không chỉ đối với mối quan hệ Mỹ-Việt, mà cho cả chương trình nhân quyền của Mỹ ở phạm vi tổng quát hơn.
Nhưng cũng đúng là những tiến bộ trong lĩnh vực này sẽ luôn là nhích dần lên, bởi bản chất của chế độ của Việt Nam, và nếu thúc đẩy Hà Nội quá mạnh và quá bất công về vấn đề này, thì sẽ chỉ làm trầm trọng thêm mối nghi ngờ kéo dài, hơn là cải thiện nó. Đúng như Mỹ có vấn đề với nhân quyền ở Việt Nam, Hà Nội cũng có những quan ngại của nó – tuy không đúng chỗ – về những âm mưu của Mỹ lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa của nó thông qua “diễn biến hoà bình”. Bất kì một đánh giá nào của Mỹ về hồ sơ nhân quyền của Việt Nam cần phải công bằng và thực tế trong việc ghi nhận cả những tiến bộ Hà Nội đến lúc này đã đạt được, cũng như những thách đố vẫn còn trong bối cảnh môi trường chính trị nội bộ của nước này. Đây không phải là sự đầu hàng mà là thỏa hiệp – một thành tố cần thiết trong bất cứ mối quan hệ đối tác nào.
Hơn nữa, cho dù chính quyền có quyết định dỡ bỏ cấm vận, thì vẫn còn những biện pháp để Hoa Kỳ sử dụng đòn bẩy lên Việt Nam đối với những mối quan ngại hợp lí của Mỹ về nhân quyền. Chắng hạn một điểm thường bị bỏ quên trong cuộc tranh cãi phân cực này là, cho dù cấm vận được dỡ bỏ hoàn toàn, giống như với việc dỡ bỏ một phần, cần có một quá trình khởi động để bất kì cuộc chuyển giao vũ khí tiềm năng nào có thể thật sự cất cánh, điều này theo luật pháp Hoa Kỳ cần được quốc hội thông qua. Điều này cho Hoa Kỳ ràng buộc vấn đề nhân quyền với những vụ mua bán cụ thể. Cũng có những đòn bẩy khác bên ngoài cấm vận, cái rõ ràng nhất là TPP, trong đó cũng có những đòi hỏi về nhân quyền, vì Việt Nam đã phải tiến hành nhiều cải cách trong các lĩnh vực như lao động để đáp ứng các tiêu chuẩn của hiệp định.
Một số người – kể cả những người ủng hộ việc cuối cùng sẽ dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận – cho rằng bây giờ mà làm việc đó là quá sớm. Họ chỉ ra sự kiện là có sự chống đối quan trọng trong những nhóm của quốc hội trên cơ sở nhân quyền, như thể hiện rõ trong những phát biểu trong các buổi điều trần gần đây cũng như những bức thư từ những nhà làm luật gửi trước chuyến thăm này. Mặc dầu việc dỡ bỏ hoàn toàn là quyết định chính sách của Bộ Ngoại giao sau những cuộc thảo luận giữa các cơ quan và tham khảo với quốc hội, chính quyền có thể có lí do chiến lược của mình để không muốn thúc đẩy nó lúc này. Với một số nhà làm luật đã phản đối việc Việt Nam trở thành thành viên TPP vì nhiều lí do khác nhau, chính quyền có thể lựa chọn đợi đến sau kì họp cuối cùng của nhiệm kì tổng thống khi cuộc bỏ phiếu quyết định vào TPP được tổ chức, trước khi loan báo việc dỡ bỏ hoàn toàn, Michael Green, cựu cố vấn hàng đầu Nhà Trắng và là chuyên gia dài hạn về châu Á, nói trong một bản tin ngắn hôm thứ Ba.
Mặc dầu có những xem xét về pháp lí về việc hoãn lại dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận, cũng có lí do về sự cần kíp – tất nhiên, từ ý nghĩa của việc động thái này được làm trong chuyến thăm của tổng thống tới Việt Nam, không nên xem thường. Nếu làm sớm, các lợi ích về tính biểu tượng và thực chất của việc dỡ bỏ sẽ diễn ra bên trong bối cảnh một quyết định của Toà Trọng tài Thường trực ở Hague về vụ Philippine kiện Trung Hoa về Biển Đông được chờ đợi từ lâu tại (PCA), sẽ đến trong vài tháng tới. Nó sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Trung Hoa, rằng với những hành động làm mất ổn định của nó – bao gồm việc đặt giàn khoan trong vùng biển Việt Nam năm 2014 – Bắc Kinh đang làm cho các nước xích lại gần hơn với Hoa Kỳ, và ngăn chặn nó hữu hiệu hơn.
Dỡ bỏ cấm vận lúc này còn cho chính quyền Obama nhiều thời gian hơn để theo sát những hạng mục khác trong quan hệ quốc phòng Mỹ-Việt, trước cuộc chuyển giao cho tổng thống Hoa Kỳ kế tiếp vào tháng Giêng năm 2017. Như tôi đã nhấn mạnh trước, có một việc cấp bách là Obama và đội ngũ của ông – vốn đã cam kết mạnh mẽ với Đông Nam Á – hoàn tất càng nhiều càng tốt chương trình hành động dự định của họ ở khu vực này, trước khi rời nhiệm sở. Ngoài Hillary Clinton ra, không có gì bảo đảm rằng bất kì một ứng cử viên tổng thống nào sẽ nhất thiết biểu thị cùng một cách nhìn về Đông Nam Á. Thật vậy, với một tổng thống kế tiếp phải đối diện với một thế giới náo động và phân mảnh hơn - với một Nhà nước Hồi giáo nguy hiểm, Trung Đông sôi sục, nước Nga nổi lên, châu Âu ẻo lả và nền kinh tế toàn cầu yếu ớt – có lẽ sẽ ít tập trung hơn vào các nước Đông Nam Á như Việt nam, ngay cả nếu quan hệ song phương tiếp tục có tiến bộ.
Tất nhiên, còn có những cách để phân tách sự khác nhau về vấn đề này. Chính phủ có thể quyết định, chẳng hạn, nới lỏng hơn nữa lệnh cấm vận nhưng không dỡ bỏ hoàn toàn, hay lúc này có thể loan báo một vài cuộc giao dịch dưới quyết định dỡ bỏ một phần, và để lại việc thay đổi chính sách cho sau này. Tuy nhiên, điều không thể tranh cãi là, cho dù có dỡ bỏ hoàn toàn, Washington vẫn có thể vừa thực hiện những lợi ích tượng trưng và thực chất, vừa giải quyết những mối lo ngại hợp lí của một số người. Và kết quả là, sẽ có ít lí do để di vật này còn lại nguyên chỗ cũ, khi mà cả hai phía cùng nhìn về tương lai.