Nhà thơ Lê Thị Kim (phải) và Họa sĩ Nguyễn Thị Tâm.
·
Nguyễn Thị Tâm (1) là nữ hoạ sĩ vẽ tranh lụa nổi tiếng gốc người Nam bộ. Năm 1958, họa sĩ tốt nghiệp khóa 2 của trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định về sơn dầu. Năm sau (1959), Nguyễn Thị Tâm đỗ thủ khoa khóa Sư phạm Hội họa. Nặng lòng với quê hương, Nguyễn Thị Tâm xin trở về dạy Mỹ thuật tại trường Nữ trung học Lê Ngọc Hân - Mỹ Tho. Sau khi lập gia đình (với họa sĩ Nguyễn Long Sơn), Nguyễn Thị Tâm sang dạy tại trường nữ trung học Đoàn Thị Điểm - Cần Thơ. Năm 1972 chị về công tác lại trưởng Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn (nay là Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh), đảm nhận họa phần Bố cục và Trang trí cho đến năm 1984, xin được nghỉ công tác ở trường học để dành thời gian nghiên cứu thêm về tranh lụa và mở lớp tư dạy vẽ tại nhà. Gần 60 năm hoạt động ngành mỹ thuật trong đó có trên 10 năm gắn bó với tranh lụa, họa sĩ tham gia gần 100 cuộc triển lãm cá nhân, tập thể và hơn 20 cuộc triển lãm riêng về tranh lụa trong và ngoài nước: Pháp, Mỹ, Đức, Thụy Sĩ, Bỉ, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Lào, Kampuchia …. Tranh của họa sĩ được lưu giữ trưng bày trang trọng tại nhiều nơi : Bảo tàng Vatican (Italia), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, Bảo tàng Hội An. Ngoài ra, nữ họa sĩ Nguyễn Thị Tâm còn được sách Kỷ lục Việt Nam công nhận là họa sĩ vẽ tranh lụa nhiều nhất. Nguyễn Thị Tâm là hội viên hội Mỹ thuật Việt Nam, và họa sĩ cũng từng là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Họa sĩ nữ TP. Hồ Chí Minh và là Phó Chủ tịch hội Họa sĩ nữ Quốc tế (INWAA-Việt Nam).
Nguyễn Thị Tâm sinh ra tại Mỹ Tho, một vùng đất văn nghệ phì nhiêu của Nam bộ từng lưu lại dấu ấn cuộc đời của nhiều thi nhân nghệ sĩ nổi tiếng : ông hoàng thơ tình Xuân Diệu trong thời kỳ làm việc tại sở đoan (quan thuế) trước 1945 và nghệ sĩ nhân dân Phùng Há (Trương Phụng Hảo) trong mối tình đẹp nhưng đầy nước mắt với Bạch công tử Lê Công Phước - George Phước… Mỹ Tho (còn gọi là Định Tường, nay là Tiền Giang) là một tỉnh lẻ cheo leo nơi một ngả ba sông Tiền buồn tênh ngày đêm rì rào sóng vỗ, còn phảng phất nét nông thôn điền dã – Đó là một thị trấn cách xa thành phố Sài Gòn hơn 50 cây số : “Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ/Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu” nhưng lại giàu truyền thống văn hóa nghệ thuật. Là người con thứ sáu trong một gia đình 11 người con nhưng về sau mỗi người theo một ngành nghề khác biệt nhau. May mắn được thừa hưởng ‘dòng máu nghệ thuật’ của thân phụ, Nguyễn Thị Tâm say mê hội họa, gắn bó với bút cọ sắc màu ngay từ khi còn là một cô bé ngây thơ mới bước chân vào trường học. Khi mới lên 5 tuổi, Nguyễn Thị Tâm theo cha mẹ lên sống ở Sài Gòn, một thành phố văn hóa lớn, thuận lợi cho ước mơ theo đuổi con đường nghệ thuật của mình. Tốt nghiệp hai bằng Mỹ thuật, sau nhiều thập niên đứng lớp hết mình dạy hội họa cho học trò, cô giáo hội họa Nguyễn Thị Tâm nhiều lúc vẫn cảm thấy canh cánh trong lòng một nỗi băn khoăn diệu vợi. Cô giáo Tâm hằng nhớ lại : Thầy Lê Văn Đệ (2), một họa sĩ tài hoa - hiệu trưởng trường Mỹ thuật cũng là giáo sư trực tiếp hướng dẫn Nguyễn Thị Tâm về chuyên môn có lần đã chân thành gợi ý là chị có khả năng đặc biệt về tranh lụa “Em vẽ lụa rất tốt ! Em nên theo đuổi việc vẽ lụa, đừng bỏ qua một nghệ thuật truyền thống của Việt Nam.” Do vậy, sau khi chị đã trải qua một chặng đường dài bằng phẳng yên lành đứng lớp từ lúc mới ra trường, năm 1984, bất chợt như ngộ lại một điều nghĩ đã chín muồi trong tâm thức, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Nguyễn Thị Tâm quyết định xin nghỉ dạy ở nhà trường dù đó là nơi chị có nhiều kỷ niệm với
1
thầy cô đáng kính ngày trước và học trò thân yêu của mình trong những năm qua. Bởi lẽ cô giáo muốn được thật sự rảnh rang ở nhà, dành nhiều thì giờ nghiên cứu sâu thêm nghệ thuật vẽ tranh lụa, đồng thời tự do hướng dẫn học trò theo đuổi ngành mỹ thuật năng khiếu mặc dù bản thân mình đã từng tốt nghiệp về tranh sơn dầu. Lý do sâu xa khiến họa sĩ mạnh dạn rẽ sang con đường mới tìm tòi, phát huy thêm nghiệp vụ vẽ lụa xét ra là chính đáng, hợp lý hợp tình. Vì lẽ, bản tính người Việt Nam nhất là phụ nữ vốn cần cù, dịu dàng và đôn hậu nên rất thích hợp và dễ dàng cọng hưởng với bút pháp tinh tế và phong cách nhẹ nhàng đặc thù của tranh lụa. Dù trong tự tấm lòng sâu kín, chị vẫn trân trọng các bậc nghệ sĩ tài năng tiền bối đáng ngưỡng mộ: Bùi Xuân Phái (1920-1988), nhà danh họa sơn dầu (oil painting) với những tác phẩm ấn tượng về phố cổ Hà Nội, Nguyễn Gia Trí (1908-1993), họa sĩ sơn mài (lacquer painting) nổi tiếng cả nước và thế giới, danh họa Nguyễn Phan Chánh (1892-1984) là người nghệ sĩ tạo hình bậc thầy lần đầu tiên mang vinh quang về tranh lụa (silk painting) cho nền mỹ thuật nước nhà.
Tách rẽ sang con đường nghệ thuật đã bình tĩnh chọn lựa và đem hết tâm huyết theo đuổi trong nửa chặng đường sau cuộc đời, Nguyễn Thị Tâm dồn trọn hồn cốt mình cho tranh lụa bên cạnh việc đầu tư cho thế hệ trẻ tin cậy gắn bó, tiếp bước theo thầy. Vững vàng kiến thức về tranh lụa, Nguyễn Thị Tâm bắt đầu tìm đề tài mới lạ, vạch hướng đi tới cho một kỹ thuật tân kỳ và một phong cách, bút pháp sáng tạo. Họa sĩ không lo thiếu những chủ đề vì non sông gấm vóc đầy dẫy cảnh trí xinh đẹp hữ tình: cảnh nhà cửa ở nông thôn với những chiếc cầu ngang vắt vẻo bắc qua sông rạch; cảnh bến nước với ruộng vườn, lũy tre bờ đất, ruộng lúa đầm sen. Còn biết bao cảnh tượng đồng quê yên lành với hình ảnh những chú mục đồng nghêu ngao ngồi hát trên lưng trâu, cảnh sông rộng trời xa với từng đàn chim bay về tổ trong bóng hoàng hôn…Và còn nữa những đề tài về khung cảnh sinh hoạt hồn nhiên của nhân dân sống an cư lạc nghiệp trong không khí thanh bình thịnh vượng của nước nhà.
Điểm nổi bật làm mọi người không quên ở họa sĩ Nguyễn Thị Tâm trước tiên là nghệ sĩ đã dám mạnh dạn cách tân kỹ thuật vẽ tranh lụa. Gác lại ngoài tai dư luận không đúng của những người không am hiểu mỹ thuật và mọi lời thị phi cố ý do lòng đố kỵ, Nguyễn Thị Tâm vững bước đi lên trên hướng đi nghệ thuật đã chọn. Với đồng nghiệp và học trò, họa sĩ bình tĩnh, cặn kẽ và chân tình giải thích thao tác nghiệp vụ nghệ thuật, có tính trí tuệ mà không ngẫu hứng như người nghệ sĩ tính tình nhạy cảm. Không phải là Nguyễn Thị Tâm muốn phá vỡ kỹ thuật vẽ tranh lụa truyền thống đã có từ bao lâu nay. Việc làm của họa sĩ thực sự hoàn toàn mang tính sáng tạo đáp ứng đúng phong cách của người nghệ sĩ. Theo kỹ thuật vẽ tranh lụa cổ điển, với mảng màu trắng ở nền tranh, người ta thường vô tư để lụa trơn mà không phủ lên màu trắng. Nguyễn Thị Tâm, từ tư duy nghệ thuật đã làm khác đi nên bị các đồng nghiệp phản ứng. Họa sĩ Tâm ôn tồn giải thích :” không sử dụng màu trắng, qua thời gian, lụa sẽ bị ố vàng, không còn giữ được trung thực sắc màu trinh nguyên ban đầu theo ý muốn của tác giả (3). Dùng màu trắng để thêm tuổi thọ cho tranh lụa. Không máy móc, ước lệ trong cách làm, người vẽ tranh lụa cần nghĩ đến hiệu quả chung cuộc là giữ được vẻ mượt mà, óng ả và chất thơ mộng của bức tranh qua thời gian”.
Có dịp xem tranh lụa (4) Nguyễn Thị Tâm, khách thưởng ngoạn cũng dễ băn khoăn trước những bức tranh mà họa sĩ gọi là tranh “nền trắng”. Trường hợp lạ khá ấn tượng này,
Nguyễn Thị Tâm bộc bạch : có lần chị đi thực tế vẽ tranh ở Sapa. Đang lúc chị ngồi trao đổi với một người bạn thì mây trắng trên không trung bỗng ngùn ngụt kéo tới, dìm mất hai người trong biển mây ngàn trắng xóa khiến bóng hai người khi ẩn khi hiện trong mây. Lúc ấy, họa sĩ
2
Tâm cảm giác như mình lạc vào động tiên, một cõi thiền sắc sắc, không không, vô cùng thoát tục. Do vậy, tranh mới được lấy tên là “nền trắng”, một chủng loại tranh đặc sản của họa sĩ Nguyễn Thị Tâm trong đó tác giả chủ yếu chỉ giữ lại đường nét sắc màu cốt lõi minh họa cho chủ đề mà gác lại mọi chi tiết rườm rà không cần thiết – Một bài học kiệm lời học được từ các bậc cao tuổi già giặn trải đời mà họa sĩ may mắn được gặp trong đời.
Khi mà lập trường kỹ thuật kiên định, kiến thức đã tích lũy và bút pháp vững vàng, họa sĩ Nguyễn Thị Tâm tác nghiệp với một phong cách phóng khoáng rất nghệ sĩ tính ! Như ý thức được quỹ thời gian sáng tác không phong phú, mặc cho thên hạ dèm pha, họa sĩ không ngừng đi tìm đề tài sáng tác. Chẳng khác nào nữ họa sĩ Đặng Ái Việt đã cưỡi xe Chaly rong ruổi cả ba miền đất nước để vẽ chân dung những bà mẹ anh hùng, với một vuông lụa, bó cọ và những hủ màu, bước chân lãng tử của nghệ sĩ Nguyễn Thị Tâm không ngại có mặt bất cứ nơi đâu, miễn là có đề tài và cảm hứng, để sáng tác. Ở Việt Nam quê hương, chị rong ruổi khắp nơi, từ Móng Cái đến Cà Mau để sáng tác. Khi thì họa sĩ thì thầm với sen ở cánh đồng mênh mông Đồng Tháp, lúc được bồng bềnh với mây trắng ở Sa Pa hay trầm mặc trước Phố Cổ Hội An hoặc tâm hồn bay bổng tự hào bên Hồ Gươm với chùa Một Cột, cũng có lúc được trở lại một góc quê nhà yên lành để thư thái hồn nhiên cầm cọ…
Cảm nhận về họa phẩm của Nguyễn Thị Tâm nhất là tranh lụa, trước tiên họa sĩ hiệu trưởng Cao đẳng Mỹ thuật Lê Văn Đệ, cũng là giáo sư hướng dẫn trực tiếp, xác nhận chị có năng khiếu về vẽ tranh lụa. Nguyễn Thị Tâm nghe theo lời thầy dạy và đã thành công rạng rỡ trong khoảng thời gian chỉ hơn 10 năm tập trung công sức theo đuổi con đường vẽ lụa. Cả những họa phẩm sơn dầu Nguyễn Thị Tâm trưng bày chung trong phòng triển lãm cũng phảng phất phong cách tranh lụa vốn là sở trường của nữ họa sĩ. Nhìn lại tranh lụa và cả tranh sơn dầu của Nguyễn Thị Tâm, ngưởi thưởng ngoạn thấy rõ, trên cơ sở khuynh hướng hiện thực (realism), họa sĩ đã lấy sen làm đề tài chủ đạo. Hình ảnh một loài hoa không xa lạ với nhiều người nhưng sen đến với họa sĩ đúng thời điểm như một cơ duyên. Hoa sen đủ sắc màu phô vẻ đẹp thanh cao của người quân tử từ hình thái đến phẩm chất từ khi hoa còn nhú trong búp non xanh cho đến lúc cánh hoa nở trọn đủ đầy “ gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Mỗi màu sắc của sen là một biểu tượng cao quí : màu hồng thành tựu, màu trắng trinh nguyên, màu xanh hy vọng và màu vàng của nhị hoa tượng trưng cho vẻ đài trang quí phái. Do vậy người ta tôn vinh sen là “quốc hoa”, là “vương hậu hoa” thật là chí lý khôn cùng. Làm lạ hơn các họa sĩ khác, Nguyễn Thị Tâm vẽ tranh với một kỹ thuật tân kỳ, táo bạo khiến nhiều đồng nghiệp của chị phải thắc mắc. Nhất là vấn đề họa sĩ giải quyết những mảng trống trong tranh lụa hoặc những bức tranh lụa nền trắng. Phong cách tác nghiệp của Nguyễn Thị Tâm rất phóng khoáng thoải mái, chị đi vẽ như đi dạo chơi và trong lòng không để ý chút nào đến dư luận từ những người không hiểu, không làm nghệ thuật : đàn bà gì cứ nhong nhong ngoài đường phố suốt ngày mà không ở nhà trông nom việc gia đình cho chồng con ! chỉ có những người đồng điệu, cùng lý tưởng mới hiểu và đánh giá đúng chân tài của họa sĩ. Nói một cách triết lý theo nhạc sĩ phản chiến một thời Miên Đức Thắng : những bức tranh siêu giá trị đã sử dụng màu sắc tự nó như một thứ ngôn ngữ mà không cần ngôn ngữ giải thích cũng như cao nhất trong những bản nhạc là nhạc có âm mà không lời ! Riêng danh họa Nguyễn Trung (5) đã xem “Nguyễn Thị Tâm là một trong những tên tuổi rất khó tìm trong giới nữ làm nghệ thuật tại thành phố Hồ Chí Minh. Chị sáng tác không mệt mỏi, những bức tranh lụa của nữ họa sĩ lấy nguồn cảm hứng từ thiên nhiên, không khí trong tranh bàng bạc tinh thần Á Đông, với vẻ duyên dáng thầm lặng, màu sắc trong tranh được tiết chế, gần gũi với tranh thủy mặc”.
Do kỹ thuật cách tân, mang tính chất khai phá, thiết kế bố cục thông thoáng và nội
3
dung thiên về tư duy hướng nội, khơi gợi tình cảm nhẹ nhàng cao quí ở người xem, hoặc nắm bắt những chủ đề thiên nhiên tĩnh lặng (sen), nhiều người đã có lý khi bảo trong tranh lụa Nguyễn Thị Tâm lung linh không khí thiền và đạo. Riêng tôi nhận thấy tác phẩm Nguyễn Thị Tâm, qua bút pháp tinh tế điêu luyện, cách chuyển màu mượt mà, tranh lụa của họa sĩ thấm đẫm chất thơ : “trong họa có thơ” (họa trung hữu thi), đậm tính nhân văn, cách nói rất gần gũi với quan niệm “thi trung hữu họa” (trong thơ có họa) của người xưa. Thực ra trong khu vườn mỹ thuật từ trước đến nay vốn đã hiếm hoi những cây cọ nữ. Nếu họa sĩ Trương Thị Thịnh tài sắc một thời, tốt nghiệp khóa I trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định, nổi tiếng vẽ chân dung sơn dầu thì Nguyễn Thị Tâm có thể coi là nữ họa sĩ độc đáo về tranh lụa vẽ hoa sen hiện nay ở Việt Nam. Suốt cuộc đời của họa sĩ Nguyễn Thị Tâm, của người cha yêu hội họa có nét vẽ tài hoa và hầu hết những thành viên trong gia đình chị từ chồng đến bốn trong năm đứa con đều hoạt động trong môi trường phụng sự nghệ thuật. Đây là một trường hợp vô cùng đặc biệt trong lịch sử mỹ thuật không chỉ trong nước nhà mà cả thế giới cũng chưa từng thấy. Còn nữa, Nguyễn Thị Tâm cũng là một họa sĩ năng động, hào hiệp trong một xã hội không ít người nặng nhiều về vật chất thực dụng mà thiếu vắng tình người. Hẵn là nghệ sĩ đã ngộ ra được điều này và mong được san sẻ với đồng bào, tha nhân. Gác lại một bên chuyện kinh tế gia đình cho một đàn con đông và vấn đề tiền nong lo cho người chồng nghệ sĩ bệnh hoạn thường phải chạy thận, họa sĩ hết ngược xuôi đây đó vẽ tranh, đã phải dành chút giờ nghỉ ngơi ít ỏi còn lại, bươn bả đi bất cứ nơi đâu để làm công tác từ thiện : cảm thông, chân tình tặng quà cho các em mồ côi hay khuyết tật đáng thương, những nạn nhân bất hạnh bị nhiễm chất độc màu da cam… hoặc những cụ cô đơn, nghèo đói không nơi nayương tựa. Đó là chân dung của một Nguyễn Thị Tâm họa sĩ say mê hội họa, xem suốt cả cuộc đời mình không đủ cho niềm đam mê vẽ cho đến lúc cuối đời, chị còn muốn được chết trên giá vẽ của mình.
Chưa cần thiết phải nói đến khối gia tài tác phẩm mỹ thuật phong phú, đồ sộ đã được thẩm định phẩm chất qua hơn 100 cuộc triển lãm tranh lụa (và sơn dầu) trong và ngoài nước, tôi nghĩ, cuộc đời cống hiến hết mình và cường độ hoạt động nghệ thuật và xã hội mạnh mẽ,cao đẹp của Nguyễn Thị Tâm cũng đã là một tác phẩm mỹ thuật lớn, đáng được trân trọng hơn cả những bức tranh lụa bậc thầy giá trị nghìn đô (!) trong những mùa triển lãm của nữ họa sĩ.
04.2016
* (1) Nguyễn Thị Tâm (sinh năm 1936)
(2) Họa sĩ Lê Văn Đệ ( 1906-1966, gốc người Bến Tre, làm việc tại Sài Gòn), tốt nghiệp thủ khoa khóa I trường
Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (nay là trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội) do họa sĩ người Pháp Victor
Tardieu (1870-1937) sáng lập (cùng một họa sĩ Việt Nam : Nam Sơn) và làm hiệu trưởng. Khóa đầu tiên
của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ( École Supérieure des Beaux-Arts de l’Indochine), lấy 8/400
ngưới. Lê Văn Đệ cùng với Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh), Lê Phổ, Nguyễn Phan Chánh, Mai Trung
Thứ, Lê An Phan, Công Văn Trung và George Khánh. Là hiệu trưởng đầu tiên của trường Quốc gia
Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn (1954-1966), họa sĩ Lê Văn Đệ là người chịu trách nhiệm trang trí cho lễ đài tại
quảng trường Ba Đình – Hà Nội ngày chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập : 2/9/1945
(3) Điều này khiến tôi (ĐT) nhớ lại, có một họa sĩ vẽ truyền thần rất khéo tay được nhiều người biết tại Cần
Thơ, cũng vướng vào trường hợp này. Những bức tranh họa chân dung của tác giả lúc đầu trông rất có
thần, nhưng để lâu ngày cũng không tránh khỏi bị nổ lốm đốm tại những mảng nền trắng mà họa sĩ không
phủ luôn lên bằng màu (trắng)!
(4) Ở phạm vi bài viết này, tác giả (ĐT) chỉ bàn về tranh lụa của Nguyễn Thị Tâm, dù họa sĩ cũng đã sở hữu
nhiều tranh sơn dầu và ký họa có giá trị nghệ thuật.
4
(5) Danh họa NguyễnTrung, gốc người Sóc Trăng, học trường Phan Thanh Giản, Cần Thơ (cùng thế hệ với
Các giáo viên họa sĩ Nguyễn Thanh, Nguyễn Đồng và Lê Tấn Lộc. Nguyễn Trung là một trong những họa sĩ
chủ trương thành lập Hội Họa sĩ Trẻ trước đây tại TP. HCM. Anh đã đoạt nhiều giải mỹ thuật danh giá với
bút pháp vẽ chân dung thiếu nữ độc đáo. (Xem tạp chí Kiến Thức Ngày Nay Xuân Bính Thân số 916 : Bài :
Xem Tranh Tết, đi tìm dấu xưa (ĐT) và tạp chí Hồn Việt Tân niên Bính Thân số 101 - Bài : Tranh Mộc bản
5
-