(Hồ Thế Hà)
Khởi nguyên từ thơ, bản chất là một hồn thơ, nhưng Hồ Thế Hà tự vượt qua thơ để khẳng định tên tuổi trên văn đàn là một cây bút lý luận, phê bình. In nhiều sách tiểu luận - phê bình, nhưng PGS.TS Hồ Thế Hà vẫn đều đặn in thơ, vẫn chung thủy với thơ. Để đến tập thơ thứ tư “Thuyền trăng”, người đọc bắt gặp một hồn thơ Hồ Thế Hà với dáng nét rất riêng.
Nhà giáo, nhà nghiên cứu - phê bình Hồ Thế Hà đọng lại trong lòng bao thế hệ sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh với đôi kính cận nghiêm cẩn, mái đầu dần trắng theo thời gian cùng một tư duy khoa học khái quát và nhạy bén. Nhưng cái thói ưa phiêu bồng, xê dịch, ham chơi của một nhà thơ lại chính là điều mà những người thân quen, gần gũi với Hồ Thế Hà nhận ra nhanh nhất và dễ gần gũi nhất. Thậm chí, có nhiều người còn thắc mắc, Hồ Thế Hà ham chơi là thế, cuộc vui nào cũng có, cuộc nhậu đêm nào cũng say sau, về sau bạn bè… không hiểu ông làm việc lúc nào mà viết được nhiều công trình như thế! Ở đây, hình như, trong thẳm sâu cỗi nguồn, Hồ Thế Hà có một chút gì đó hao hao Bùi Giáng (học như chơi, làm việc như chơi, làm thơ cũng như một cuộc chơi). Từ những cuộc chơi phiêu lãng ấy, ta có một Hồ Thế Hà thơ. Thơ tự bản thể, tự vô thức. Và một khi thoát ra khỏi cái từ trường tư duy logic của một nhà khoa học tỉnh táo để đi về phía những cơn say, những mộng mị, chiêm bao, người đọc mới nhận ra ở Hồ Thế Hà những bài thơ hay thực sự. “Thuyền trăng” đã chở hồn thơ Hồ Thế Hà vượt thực-tại-ý-thức, neo lơ lửng phía sông-Ngân-vô-thức.
1. Huyền hồ bóng dáng
Đọc thơ Hồ Thế Hà, người đọc luôn bị đẩy về phía siêu thực của những hình ảnh thực để rồi sau đó bàng hoàng nhận ra một thực tại phía bề sau, phía bề sâu bản chất hơn và cũng nghệ thuật hơn nhiều. Chính vì lẽ đó mà ta bắt gặp trong thơ Hồ Thế Hà rất nhiều “bóng” và “dáng”, kể cả bóng dáng của những thực thể đã được hư ảo hóa:
Những thiên thể lung linh màu sắc
Bồng bềnh theo dáng thuyền trăng (thuyền trăng).
“Thuyền trăng” đã là hư ảo, cái “dáng thuyền trăng” lại càng rất huyền hồ, bởi cái dáng ấy được phản chiếu, quang phổ từ những sắc màu lung linh của muôn “thiên thể” giữa trời cao. Cái giọng “khản đặc” của người mẹ già gọi con, là rất thực, vậy mà rồi, Hồ Thế Hà đã đẩy cái “âm thanh” ấy về phía của “nỗi nhớ” con (tức đã tạo nên khoảng cách không gian và thời gian giữa mẹ và con) nên người đọc vẫn cứ nghe tiếng gọi như phát ra từ phía muôn trùng, từ nỗi nhớ thương vọng lại ở cõi thẳm sâu của tận đáy lòng. Tiếng gọi rất thực đã biến thành siêu thực. Cái hiện tượng cụ thể đã hóa thân trong cái bản chất trừu tượng của ngút ngàn nỗi xa cách, nhớ mong:
Ấy là âm thanh của Mẹ
Khản đặc gọi con trong nỗi nhớ (mẹ).
Cả cái “đường kim vụng về” rất cụ thể trong bàn tay run run khâu vá “vụng về” của người mẹ tuổi 90 cũng được nhà thơ đẩy về phía huyền hồ trong “dáng ngồi bào thai của mẹ”. “Tuổi 90” là cụ thể, nhưng khi nói “mắt mẹ đã về chiều” cùng cái “dáng bào thai” thì thật sự đã “nhòa hóa” về phía của cảm-nhận-vô-thức:
Một đường kim vụng về khi mắt mẹ đã về chiều
Ôi dáng ngồi bào thai tuổi 90 của Mẹ! (mẹ).
Cái “bầu vú ngọt ngào của Mẹ”, cái “bào thai” trong lòng mẹ là cụ thể, nhưng cái cụ thể đó sẽ chỉ làm nên một hình hài Phùng Quán, còn cái “sự tái sinh như định số” từ cái “dáng bào thai” huyền hồ kia mới biến Phùng Quán thành “một cậu bé mộng mơ” để trở thành một thi nhân trường cửu:
Sự tái sinh nào như định số
Từ dáng bào thai, từ bầu vú ngọt ngào của Mẹ
Cho ông thành cậu bé mộng mơ… (cảm thức Phùng Quán).
Đôi lúc, Hồ Thế Hà cũng nói đến hình hài cụ thể, nhưng rồi lại tự đánh lạc, làm thất lạc nó để đưa vào cõi mộng, chìm trong trăng nước mơ hồ, và… chính cái hình hài mơ hồ ấy lại một lần nữa lên “đỉnh Ngự” cao xa “soi mình vào sông” để tất cả trở nên thêm một lần hư ảo:
Người đi lạc hút hình hài
Mơ tàn canh mộng ra ngoài tàn canh
Ngủ đi trăng nước mặp tình
Mai lên đỉnh Ngự soi mình vào sông (nến tình).
Cái hư ảo đem “soi mình vào sông”, nhưng dòng sông đã vỡ ra từng mảnh, và, cho đến lúc này thì… sông cũng “không còn hình dáng”, cho nên, cái “soi mình” vào nó cũng theo những mảnh vỡ biến tan chỉ còn thấp thoáng huyền hồ một mảnh hồn thơ phía mù tăm vô thức:
Những mảnh vỡ dòng sông
Đỗ ra biển thành mảnh vỡ không hình dáng (những mảnh vỡ).
Tưởng nhìn thấy một người “trầm ngâm trên vệ cỏ” cụ thể chỗ bờ sông, nhưng không, đó chỉ là “mơ thấy”, và trong giấc mơ ấy, Hồ Thế Hà lại nhìn ra phía “hư vô” có “Dòng sông êm soi bóng mây trời”:
Mơ thấy mình trầm ngâm trên vệ cỏ
Dòng sông êm soi bóng mây trời (hư vô).
“Trót hẹn” với bạn bè (có ý thức vì sợ lở hẹn), tự rời xa kinh thành Huế về với Phá Tam Giang tưởng để được thả hồn trên mênh mang nước, để ngắm con đò; nhưng không, Hồ Thế Hà lại đi “tìm” mà không ngắm. Cũng không phải “tìm” sông nước, tìm đò mà lại “tìm trong bóng nước”. Từ đó, người khách đã hẹn kia không còn tỉnh táo để đứng nguyên phía khách quan chiêm ngưỡng Tam Giang mà tự biến mình thành “ngư phủ” trên Phá Tam Giang, nhưng là “ngư phủ không hồn”. Tất cả nhòa bóng trong, hòa làm một trong một Tam Giang mờ ảo:
Trót hẹn tôi ngược Tam Giang
Tìm trong bóng nước đò ngang chút buồn
Tôi làm ngư phủ không hồn
Không buông cần trúc, không còn tỉnh say (ngược phá Tam Giang).
Nói chi đến khoảng cách gần giữa Huế và Tam Giang, cả đến khi rời nước đến tham quan ở xứ sở xa xôi của “những người đàn bà che mặt”, Hồ Thế Hà vẫn không đi sát thực tế để tham quan, tìm hiểu lịch sử vùng đất, con người, mà đẩy họ lùi xa ra, để những người đàn bà ấy chỉ còn là những “bóng đen lặng thầm”. Từ đó, nhà thơ lặng vào bên trong, tìm ánh sáng từ phía “trái tim” họ, lắng lòng vào “khát vọng quẫy đạp” của chính cái sâu thẳm bên trong để… không phải để kéo cái mạng che mặt cụ thể xuống mà là để “Mở toang bóng mờ tôn nghiêm độc ác”, dìu họ đi dưới “ánh trời mơ ước”. Chính cái tiềm ẩn bên trong ấy đã khiến thơ Hồ Thế Hà neo lại được nơi xứ sở xa lạ, mênh mông kia những câu thơ mang tầm khát khao nhân loại:
Có lẽ trong bóng đen lặng thầm
Những người đàn bà nhận ánh sáng từ trái tim mình
Với khát vọng quẫy đạp
Mở toang bóng mờ tôn nghiêm độc ác
Để được đi dưới chói chang ánh trời mơ ước!
(những người đàn bà che mặt).
Nghĩa là, thơ Hồ Thế Hà ít đứng về phía cụ thể mà luôn đi về phía mông lung; ít đứng nhìn bên ngoài mà thường lắng vào bên trong; ít đứng phía ngày mà luôn thích đứng về phía của đêm sâu:
Có ánh mắt khép lại phía ngày
Phía bóng đêm ai đang tập nói cười! (không đề).
Ít đứng về phía vui mà gia nhập phía buồn; ít đứng ở nỗi nhớ mà lặng vào cõi nhớ; ít đứng phía thực mà luôn đi về phía “ảo ảnh nhạt nhòa”:
Có một bài thơ day dứt điệu buồn
Khách lại đến rồi đi như ảo ảnh…
Có một cánh trâm giấu vào cõi nhớ
Cho tàn đêm ai nhòa nhạt lối tìm (tản mạn).
Ít đứng phía nói cười mà đứng về im lặng; không choáng sắc, chỉ thoảng hương:
Mãi vọng âm từ im lặng
Mãi thoang thoảng hương từ âm thầm
Mãi lung linh sắc màu từ bóng đêm (cảm thức Trịnh Công Sơn).
Không thấy người, chỉ thấy bóng:
Tôi đã thấy bóng anh đổ trên trang giấy
Trong phòng văn khuya lạnh mưa xuân
(người hầu chuyện tiền nhân).
Không đứng phía đời thực mà tìm về phía “tâm linh siêu hình”:
Từ sâu thẳm đại dương và từ cao xanh bầu trời vọng lại
Con người đã kịp nhận ra không có thượng đế siêu hình (trở về tâm linh).
Không nghe gió thoảng ngang qua hoặc từ trời thổi xuống mà chỉ nghe âm thanh gió vọng lại, vọng lên từ một hư vô:
Nghe trong âm thanh gió
Lời thì thầm từ bi
Vọng lên từ xác mục
Vọng lại từ hư vô (trong xác lá bồ đề).
Tất cả đó đều được neo lại ở phía của những bóng dáng huyền hồ, ảo ảnh của cảm nhận từ vô thức. Chính nỗi ám ảnh đã lặng vào vô thức ấy mà mỗi khi ùa ra thành thơ, lý trí không kiểm soát nổi, chỉ riêng tập “Thuyền trăng”, Hồ Thế Hà đã sử dụng đến 22 lần các từ “bóng”, “dáng, “hình” và “soi”…
2. Hư ảo vầng trăng
Trăng ngự giữa trời. Trời thì cao xa. Trăng cũng cao xa. Nhưng dẫu sao vẫn là vầng trăng thực thể của thái dương hệ. Chính vì thế, Hồ Thế Hà không miêu tả vầng trăng mà hư ảo hóa thành “thuyền trăng”. Chiếc thuyền ấy lại “trôi trong” và “neo” sào giữa dòng Ngân hà bồng bềnh hư ảo. “Thuyền trăng” đã hư ảo lại “neo giữa” hư ảo “thiên hà” thì đúng là, lại thêm một lần hư ảo:
Bốn chiều không gian khép lại
Lạc giữa màn đen hai ngôi sao xa
Trôi trong bồng bềnh hư ảo
Thành chiếc thuyền trăng neo giữa thiên hà
(thuyền trăng).
Cho dù là “lỡ” tay, Hồ Thế Hà còn dám đem bản thể mình cầm vầng trăng “đánh rơi vào đáy nước”. Mà một khi vầng trăng rơi vào đáy nước thì thực ra cũng chỉ là cái bóng trăng hư ảo mà thôi. Đúng như Nguyễn Khắc Thạch đã gọi Hồ Thế Hà “ôm bóng trăng mà ngỡ là trăng”(1). Đã tự ôm cái bóng trăng trong đáy nước thì chuyện đi vay cái không đâu để rồi “mắc nợ với bơ vơ” cũng là một lẽ tất nhiên:
Tôi lỡ đánh rơi vầng trăng vào đáy nước
Để bây giờ mắc nợ với bơ vơ (mắc nợ).
Trong trạng thái vô thức ấy, Hồ Thế Hà đã tự “phân thân” để nghe hoa “ru” bằng “hương”, “soi” mình “bằng trăng”, “xóa” hình hài thật bằng tình yêu của em. Hơi thơ cứ phảng phất xa vời, lâng lâng, bay bay của giây phút phân thân, thoát hình hài đi về hư ảo:
Hoa sữa nồng nàn ru tôi bằng hương
Hồ Tây gọi mời soi tôi bằng trăng
Tình yêu lứa đôi xóa tôi bằng em (phân thân)
Chính mình tự lưu lạc mình, rồi tự đi tìm mình, soi bóng mình giữa mênh mông muôn trùng “biển trời sông nước”, “ngắm mình” qua khói sóng, “ngất ngưởng vọng” mình giữa cao ngất Ba Vì, mênh mang mình giữa Hồ Tây, vọng tưởng mình cùng ánh trăng khuya… đã khiến tất cả cảnh vật nhòa đi, chỉ còn mường tượng mình từ vô thức với những dòng thơ đọc lên nghe rợn ngợp cô đơn:
Ông đi tìm ông, soi ông qua sông nước biển trời
Tóc râu trắng ông lên chòi ngắm sóng
Ngất ngưởng vọng Ba Vì, Hồ Tây và Trăng…
(cảm thức Phùng Quán).
“Ai gọi ta rờn rợn” hàng đêm? Chính là vô thức gọi, chiêm bao chờn chợn gọi khiến vầng trăng vỡ vụn giữa cơn mơ. Vầng trăng bị “xé vụn” trong hư ảo cơn mơ, tưởng cụ thể nhưng té ra đó là sự vỡ vụn ở phía cảm nhận của vô thức thơ:
Đêm đêm ai gọi ta rờn rợn
Giấc mơ xé vụn vầng trăng (hư vô).
Cũng vì lẽ đó mà trong cuộc bể dâu trần thế, cái sự “nhớ về” của Hồ Thế Hà cũng tan hòa bàng bạc trong trăng, nỗi nhớ mơ hồ sương khói:
Nhớ người thuở ấy Lưu hương ký
Tìm đến Tây Hồ tôi hỏi trăng…
Trách chi dâu bể dương gian ấy
Hương khói còn thơm Cổ nguyệt đường!
(Hồ Xuân Hương).
Nhớ Hồ Xuân Hương thuở “Cổ Nguyệt đường” xa xưa cũng thế, nhớ Nguyễn Xuân Hoàng - người bạn thơ đương đại của mình vừa lìa đời cũng thế. Tất cả tan hòa trong bóng trăng, mà trăng lại soi “bên giếng lạnh” nên nỗi nhớ cứ vời vợi xa xôi, rờn rợn nỗi cô đơn của kiếp thi nhân:
“Tóc mẹ ngàn lau” bên giếng lạnh
“Quỳnh hương” lặng lẽ bóng trăng soi!
(khóc Hoàng).
Chôn đi, gửi trả một mối tình, ắt hẳn là một cuộc tình đau. Nếu chôn đi hoặc gửi trả xuống mồ thì địa điểm được xác định cụ thể, Hồ Thế Hà lại gửi mối tình xuống dòng sông. Sông Hương lững lờ trôi, “vầng trăng lữ thứ” trôi trên sông. Tình hư ảo, sông hư ảo, vầng trăng soi vào sông lại càng hư ảo. Tiếng ca hờn trách không phải vọng lên từ sông mà lại vẳng từ “phía thượng nguồn”. Hư ảo chìm trong hư ảo, hữu thức hóa thành vô thức:
Có một mối tình vừa gửi xuống dòng Hương
Lời thề nguyện tròn vầng trăng lữ thứ
Có một tiếng ca như trách phía thượng nguồn
Theo con nước dùng dằng xa bờ bãi (tản mạn).
Nhà thơ tự nhận mình bị bỏ “bùa mê”, nhưng thực ra khi còn biết tự nhận “bị bỏ bùa”, nghĩa là còn rất tỉnh. Nhưng không, dù có thú nhận là “tỉnh ra” thì chính giây phút tỉnh ấy, Hồ Thế Hà lại lạc vào cõi mông lung của bề sâu vô thức giữa “sáu bề không gian”. Chính vì thế, “bóng trăng tan” trong cõi hư ảo ấy đã tự mình hòa vào hư vô cho vơi bớt nỗi buồn thân phận:
Hóa ra tôi bị bùa mê
Tỉnh ra lạc giữa sáu bề không gian
Động chèo cho bóng trăng tan
Cho tôi cùng với Tam Giang đỡ buồn!
(ngược phá Tam Giang).
Thả hồn theo trăng, nhưng không nhìn trăng, tả trăng tự trời cao bằng mắt mà dường như Hồ Thế Hà chỉ tả vầng trăng “mọc” trong chính tâm thức mình. Với thống kê lên tới 26 từ “trăng” xuất hiện trong tập “Thuyền trăng”, tôi có cảm giác, trăng đã ám vào Hồ Thế Hà. Dường như ở đây có sự khởi phát từ những công trình nghiên cứu chuyên sâu về Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử cùng cái gốc gác Bình Định của nhà nghiên cứu, nhà thơ Hồ Thế Hà. Và… dường như Đỗ Lai Thúy cũng đã hoài nghi: “Không hiểu sao, trăng, với các nhà thơ Bình Định, bao giờ cũng mang tính ám thị. Có thể, đây là vấn đề địa-tâm thức”(2).
3. Và… Những mộng mị tình
Thơ tình đương đại đang tiến mạnh đến xu hướng “thông tục hóa” của trường phải “giải sex” để có thể “phản ánh” đúng bản chất tình yêu của hiện thực đương đại. Nhưng với Hồ Thế Hà, hình như cái “hiện thực tình yêu đương đại” ấy chẳng mảy may tác động đến sáng tác của mình. Chí ít là trong tập “Thuyền trăng” này. Đọc thơ Hồ Thế Hà, ta có cảm giác anh thể hiện cảm thức tình yêu nhiều hơn là bộ mặt tình yêu. Chính vì thế, thơ tình Hồ Thế Hà thường được đẩy về phía của những cơn mơ, những mộng-mị-tình tiềm ẩn trong vô thức. Hình dáng hai người yêu nhau chỉ mơ hồ là “hai bóng trắng” ở một không gian thần tiên nào đó. Cũng chẳng thấy ở đây một vòng tay ôm, một nụ hôn cụ thể nào cả, chỉ huyền ảo một đóa hồng mở cánh trong chiếc “thuyền ái ân” hòa lẫn với trăng. Và giữa xứ sở bản nguyên ấy, họ trao nhau “nụ yêu” trong chớp sáng của trời cao, khi “ánh chớp” tan biến đi thì “nụ yêu” cũng “vỡ tan” theo, chỉ còn “treo giữa không gian” cái dáng hình ảo mờ của tình yêu ấy:
Bỗng hiện ra hai bóng trắng
Nhấp nhô như những thiên thần
Và một đóa hồng dịu êm mở cánh
Thuyền trăng thành thuyền ái ân
Nụ yêu trao sáng lên ngàn ánh chớp
Vỡ tan treo giữa không gian (thuyền trăng).
Chính vì lẽ đó mà bàng bạc trong “Thuyền trăng” là những cơn mơ, là cõi mộng với tần suất xuất hiện rất đậm đặc (20 lần) cùng những “Đào Nguyên”, “Thiên Thai” của “hương” thơm, của âm nhạc. Mà khi tình đã biến thành mộng thì đó chính là nỗi ám ảnh từ vô thức của những cuộc tình đã qua, đã thành quá vãng:
Ta đi trong lá, tìm trong mộng
Thơm thảo mùa hương ngát Tây Hồ
Đào Nguyên gặp chốn Thiên thai cũ
Người xưa tương ngộ bến trăng mơ! (bến trăng mơ).
Hết cảm thức tình yêu ở “Đào Nguyên”, “Thiên Thai” của Văn Cao tiền chiến lại đến vườn “Địa đàng” của Trịnh Công Sơn thời chiến. Tất cả đều chìm trong “mưa xám”, “hạ trắng”, “mây hồng”; trong “mê lộ bốn mùa”; giữa “mênh mông tình buồn”, “dạ lan tương hợp” và “rong rêu mộng mị” của một cái gì đã vuột qua, bay mất:
Người ru mưa xám hạ trắng mây hồng
Bốn mùa mê lộ còn tìm cố nhân
Cho ai ngồi khóc tình buồn mênh mông
Thiên thai, Địa đàng giờ đã hư không…
Tương hợp một trời dạ lan
Rong rêu một trời mộng mị…
(cảm thức Trịnh Công Sơn).
Trong tình yêu, Hồ Thế Hà muốn “dìu em” cũng chỉ là hành động của “vòng tay chiêm bao” vô thức, tự “phân thân” giữa thế giới của “hương” trong màn “đêm ảo huyền”, “có có không không” (sắc sắc không không):
Lại dìu em trong vòng tay chiêm bao
Hoa sữa nồng nàn hôn tôi bằng hương
Hồ Tây ảo huyền ôm tôi bằng đêm
Tình yêu muộn phiền có tôi bằng em! (phân thân).
Cái “Mùa ái ân” mà Hồ Thế Hà đến “muộn” cũng dệt bằng những “phập phồng hương” vương theo “dọc miền ký ức” của một thế giới “mờ ảo khói sương” cho dù nhà thơ có nói cụ thể bị “mắc nợ” bởi hương “hoa sữa” hay địa điểm cụ thể “Tây Hồ” thì vẫn là cái mùa tình yêu được cảm nhận từ thẳm sâu vô thức đầy hương hoa, mờ ảo của một thế giới mang tính tượng trưng:
Tôi dẫu muộn màng may còn đến kịp
Mùa ái ân hương cốm phập phồng
Hoa sữa thơm dọc miền ký ức
Thơm sang Tây Hồ mờ ảo khói sương (mắc nợ).
Giữa không gian Đà Lạt, địa điểm cụ thể ở đây có thể là thắng cảnh “Thung lũng tình yêu” nổi tiếng, nơi đây nhà thơ có “tình cờ gặp” lời ngỏ yêu của ai đó… nhưng tất cả đều được “nhòa hóa” trong “chiều cuối thu”, “trong sương mù”, trong “hương” hoa tương tư của “một trời lãng du” mộng mị:
Tình cờ tôi gặp cuối chiều mùa thu
Lời yêu ai thả lẫn trong sương mù
Vòng tay thung lũng một trời lãng du
Mùa anh đào rót hương vào tương tư! (Đà Lạt).
Rất khó tìm trong thơ Hồ Thế Hà một thứ tình yêu cụ thể. Thế giới tình yêu ở đây không hề bị một mảy mảy vướng tục phổ biến của thơ tình đương đại, cũng lại không hề có cái ngây thơ vụng dại hoặc kể cả màu sắc dục vọng của tình yêu Thơ Mới. Đó là thế giới của những mộng-mị-tình được vớt lên từ những cơn mơ. Đúng như nhà thơ tự vấn và tự trả lời:
Bỗng vụt hiện niềm thiên lương bừng sáng
Phải giấc mơ nâng cánh giấc mơ?
Ta lênh đênh trong sáu bề khải ngộ
Vừa tỉnh cơn mơ hồn đã hư vô! (hư vô)…
*
* *
Dường như tất cả những “thao thức thơ”(3) để trăn trở với đời đều được Hồ Thế Hà “áp vào giấc mơ”, để trong mơ bật lên tiếng thơ vọng về từ phía sông-Ngân-vô-thức:
Tôi đành áp nỗi thao thức vào giấc mơ
Trong mơ bật lên thành tiếng
Tiếng của vô thức hiện về (những câu hỏi).
Chính vì vậy, mà “âm thanh” thơ Hồ Thế Hà là âm thanh vọng lại từ “tiền kiếp”, “từ cõi vô minh”:
Nghe như chính âm thanh của mình
Từ tiền kiếp, từ cõi vô minh (những câu hỏi).
Nghĩa là, những bài thơ có tứ (thơ hay) của Hồ Thế Hà là những “tứ thơ” thơ đã được gạn lọc “qua bùn, đất và nước” của hiện thực cuộc đời, rồi được đẩy về phía vô thức của chập chờn những cơn mơ. Hồ Thế Hà “tin” như thế:
Tôi tin, tứ thơ chập chờn trong mơ
Thì thầm trong chồi biếc và tiếng dế
Trong ngưng lặng của trăng non và giọt sương
Những tứ thơ đã qua bùn, đất và nước…
(những tứ thơ tìm lại).
Đọc qua ba tập thơ đầu, đến tập “Thuyền trăng” này của Hồ Thế Hà, chúng ta cũng vững tin như thế!
------------------
CHÚ THÍCH:
(1). Nguyễn Khắc Thạch, “Ôm bóng trăng mà ngỡ là trăng”, Lời Bạt tập thơ Thuyền trăng của Hồ Thế Hà, Nxb Văn học, 2013
(2). Đỗ Lai Thúy, “Thuyền trăng hay là sự mơ mộng thi ca!”, Lời Tựa tập thơ Thuyền trăng của Hồ Thế Hà, Nxb Văn học, 2013
(3). Tên cuốn sách Tiểu luận - Phê bình của Hồ Thế Hà