Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.256
123.155.756
 
Khổ qua
Trung Trung Ðỉnh

 

Chỉ là một câu chuyện về tình bạn thời hậu chiến. Vậy mà có thắt, có mở, có tiến, có lùi, có hoà bình, có gay cấn… Cái gọi là “chủ nghĩa” mặc cảm được đẩy đến cao trào. Ngôn ngữ đối thoại như được chép ra từ một chiếc camera gắn giữa trán nhân vật. Thật đến nỗi một trong hai nhân vật chính đúng ra phải để ở ngôi thứ nhất (tôi), như thể chính tác giả là người trong truyện vậy.

                                                                                            VPL

 

Thông nhận được tin con gái đỗ đại học sớm nhất nhà, bởi mấy ngày nay anh không thể làm gì. Làm gì cũng chỉ tưởng tượng ra cảnh nghe tin con bé trượt. Nó trượt thì anh là người phải có thái độ thế nào để cả nhà khỏi căng thẳng. Hồi con bé chưa đi thi anh vẫn khích lệ nó bằng câu chuyện "bác Bình bạn bố". Rằng con vào đại học, ở Hà Nội đã có bác Bình lo. Nhà bác rộng, vợ bác cũng làm cô giáo như mẹ con, lại chỉ có mỗi anh Tũn, tức là anh Trung đấy. Anh Trung học năm thứ tư trường Y, còn bác Bình làm phóng viên nhà báo, tính tình phóng khoáng, dễ gần, lại quan hệ rộng, lúc nào nhà cũng cồ khách, tuyền khách sang trọng, con mà ở đấy thì học hỏi được nhiều. Ngày xưa bố với bác Bình cùng tiểu đội, từng ra sống vào chết với nhau. Bác vẫn bảo bố, anh em mình sống dược qua khỏi chiến tranh là may rồi, hơn thế, lại có vợ đẹp con khôn, nhà cao cửa rộng, hỏi còn mong gì hơn? Bao giờ con mày vào đại học thì ra đây, tao lo cho một đứa, như lo cho con tao vậy. Cánh mình con cái ít, nhất thiết phải lo cho chúng nó học hành chu đáo. Cứ tưởng câu nói ấy chả biết đến bao giờ mới thành, thì nhoáng một cái, đúng là nó đã đến đây rồi. Con cái Thơm nhà tao ú ớ thế mà đỗ cả hai trường, theo mày nên cho nó học trường nào? Trường Khoa học xã hội nhân văn để sau này trở thành nữ ký giả, nữ văn sĩ hay trường Ngoại thương thành nhà kinh tế, doanh nhân, đối ngoại. Tuỳ mày đấy Bình ạ. Bác cháu mày bàn bạc với nhau rồi quyết. Tao chỉ việc đem con bé ra "nộp" cho mày, mày đừng lo thiếu gạo. Gạo nhà tao có mà cả nhà mày ăn nữa cũng thừa sức. Phải đấy, tao sẽ "cống" cho mày một đôi gà trống thiến, một yến cá và một lô đu đủ, chuối, mít, vườn nhà tao mùa nào thức nấy, mày cứ mời nhóm bạn cũ chúng mình đến đánh chén linh đình một bữa, đâu có đó. Rồi thì hàng tháng tao lo khoản nào mày cứ nói thẳng. Tao bảo con bé, ở nhà bác Bình coi như ở nhà mình. Sáng ngày ra, con gái con lứa phải biết ý mà dậy trước, cơm cháo thế nào có bác gái hướng dẫn, kẻo rồi mày mà ngủ trưa như dưa khú, như chè hâm lại. Tính bác Bình ít nói, nhưng rất nghiêm. Con mà lơ tơ mơ, bác ấy rèn cho ra bã! ra bã cũng được Bình ạ. Con cái chúng mình phải rèn mới nên người. Nó mà hư, mày cứ rèn cho tóe khói, cho lên bờ xuống ruộng hộ tao. Tao đứng về phía mày. Cả vợ tao nữa, tao cũng bảo với cô ấy. Con cái Thơm nhà mình được ở với bác Bình coi như quá yên tâm. Coi như nó ở với bố mẹ. Hơn cả bố mẹ, vì bác áy có thể làm thầy nó chứ như mình đây, chỉ có công đẻ chứ dạy dỗ cái khoản văn hoá là hơi bị khó rồi. Nó trình độ hơn mình thì còn dạy dỗ cái gì? Nhưng không sao, các cụ chả bảo, con hơn cha là nhà có phúc đấy thôi? Rõ ràng là nó hơn đứt mình!

 

Anh đã đôi lần ra Hà Nội, tới nhà Bình cùng mấy bạn đồng ngũ thời đánh Mỹ "tụ tập". Có thể nói không còn chê vào đâu được. Vợ Bình tên là Thuý Sinh, cô giáo dạy giỏi vặn cấp Quốc gia, mới được phong nhà giáo ưu tú, lại con một vị tướng, tất nhiên "cụ" đã nghỉ hưu và tất nhiên, "các cụ" ở nơi biệt thự của "các cụ", bọn thằng Bình cái Sinh ở nhà riêng của chúng nó. Những trận ăn nhậu ở nhà Bình của nhóm bạn bè thời chiến tranh bao giờ cũng được Sinh chuẩn bị cực kỳ cầu kỳ, cực kỳ chu đáo. Nem công, chả phượng thì không có chứ nem gà, dò gà, chim quay, chim cu xanh nướng, gà tần, yến xào, nộm ngó sen, thịt đùi, thịt hoẵng, thịt nai, thịt hươu, muốn là có ngay. Cá chim, cá thu, cá gì cũng có. Tôm hùm, tôm he, tôm sú, kính thưa các loại tôm. Rượu Tây, rượu Tầu: rượu cao hổ cốt, cao trăn, chân gấu, mật gấu, chao ôi là trân trọng kính mời các loại rượu!

 

Nhưng cái cách đón liếp anh em thì phải nói là Sinh rất dễ dãi và thoải mái, không hề có cảm giác ngăn cách gì. Cánh bạn bè lính tráng lâu ngày gặp nhau bất kể sang hèn, giầu nghèo, cấp trên, cấp dưới, mày tao búa xua, ăn to, nói lớn, cười vỡ nhà, đi lại huỳnh huỵch, thuốc lào rít xoe xoé, nhổ phì phì. Nhà mày nền đá hoa bóng loáng hả? Cánh tao sống nhà quê tự nhiên nó quen rồi, có gì thông cảm, mai cô chú dọn dẹp. Được phục vụ các anh là vinh dự tự hào lớn, hiểu chưa? Cả năm quấy nhau một trận cho ra quấy, ăn thua mẹ gì!

 

Tóm lại là tụ tập ở nhà Thông hay nhà Bình, hay nhà đứa nào cũng thế, anh em đều được đón tiếp tự do, vui vẻ. ở chốn quê như nhà Thông thì "các con giời thành phố" tha hồ ra ao câu cá, đứa leo dừa, trèo ổi, đứa theo mẹ Thơm ra chợ quê khuân về đủ thứ, ầm cả làng, rộn cả xóm một đêm, một ngày, mãi trưa hôm sau mới rút. Cả hội làm hẳn một chú cầy tơ, Thông ra tay trổ tài cùng cậu Phong em vợ, cũng lính tráng một thời, một thời ba lô lộn ngược xuôi tầu Bắc Nam, nay trụ lại được vững chãi trên bốn chân của cái "quán cây còn", nổi danh nhất vùng. Cậu Phong nó có nghề chuyên nghiệp bày biện tinh tươm bẩy món, rượu nút lá chuối nhá. Cơm gạo tám xoan nhá. Cá chép rán vàng khươm nhá. Mắm tôm, mắm tép mẹ Thơm nó làm, mở nắp âu ra thơm lừng nhá. Các chú thích gì nữa nào? Lá mơ lông đầy dậu. Rau nhà anh là rau sạch cỡ quốc tế nhổ ở vườn về, giũ giũ ba cái dưới cầu ao, lên giếng tráng đi ba lần nữa là có thể luộc, xào hay ăn sống vô tư, không phải lo thuốc sâu thuốc rầy, nếu chú nào thích anh bảo mẹ Thơm buộc vào xe cho mỗi chú vài cân khoai sọ. Gớm, ở thành phố kiếm đâu ra loại khoai sọ tiến vua, củ nhỏ mà tròn vo, vỏ khô, ruột vàng, ăn vào đến đâu biết đến đấy. Lại còn rượn hũ, nếp cái hoa vàng, trứng gà ri hai chục hạ thổ sáu tháng, vừa moi lên, mở nút đã nghe thơm lừng, uống rượu này có say mới gọi là say, cứ êm ru, quắc cần câu, nói thật, rượu Tây chỉ quý hơn mỗi cái đắt tiền chứ còn chất lượng ấy à, nhất định phải gọi khoản này của Thông bằng cụ. Cả vùng bây giờ chỉ còn có Thông và Hàn bên Phù Đổng là làm được. Bí quyết gia truyền chứ đâu phải chuyện đùa? Nhiều người tưởng đơn giản, khi ủ rượu, cứ cho trứng vào rồi hạ thổ. Đến ngày bới lên, mở nút mới hoảng tâm tinh vì mùi trứng thối! Nghĩ đến cái ngày còn ở trên rừng với nhau, nhiều lúc Thông lại muốn bỏ hết mọi việc đi tìm chúng nó, cùng nhau chén chú chén anh cho thoả. Cái hội lính tráng vô sừng vô sẹo của Thông kể cũng buồn cười. Cấm anh nào chịu làm em. Xưng hô với nhau tuyền anh anh chú chú. Vậy mà con anh nọ đều phải gọi anh kia là bác. Thực ra đâu có ai quy định gì, nhưng nó cứ tự nhiên như thế. Đối với Thông, những lúc gặp chuyện gì buồn, chuyện gì khó chịu, chỉ muốn có chúng nó ở bên, để cùng bàn bạc, giải quyết. Năm ngoái vợ thằng Hiệp trên Lào Cai bị mấy con buôn chuyến lừa ba chục triệu, điện xuống, lập tức Thông Hàn Bình Trưởng có mặt. Công nhận thằng Bình nhà mình giỏi. Nó quen cả công an tỉnh người ta, rồi đến tận đồn biên phòng heo hút nó cũng có bạn quen giúp đỡ, không những lấy được tiền về cho thằng Hiệp mà anh em còn được người ta cám ơn chiêu đãi, cho xe con đưa đi tham quan. Kể ở đời cũng lắm chuyện không ngờ. Ai ngờ cái thằng Bình vật vờ ốm yếu nhất tiểu đội, sốt rét lên sốt rét xuống, ăn không nên đọi, nói không nên lời, đánh chác thì cũng vào loại bình thường, nhưng được cái không có biểu hiện gì sợ chết. Tất nhiên, sợ chết như tay Điệp, nghe pháo nổ nhảy vô bụi le, đến lúc hết pháo bị kẹt, ra không được thì nói làm gì. Đằng này thằng Bình chỉ mỗi tội chậm như rùa. Làm gì nó cũng rờ rẫm, tỉ mẩn. Đi phục kích với nó nhiều khi phát cáu vì cái thói rù rờ ngắm lên, ngắm xuống của nó. Chạy địch càn, địch đuổi sát đít, nó vẫn cứ đuỳnh huỳnh buộc lại quai bồng, sửa lại quai dép, rồi còn lau báng súng bóng lộn. Thúc nó, nó lại còn lý sự, rằng chết có số, vội mà làm gì? Đánh nhau với bọn Mỹ bom đạn nhiều, ta vội là mắc lừa chúng đấy. Cứ túc tắc đì đọp là nó sợ! Tóm lại không hiểu vì sao cái thằng Bình hâm lại hoá ra tay đắc dụng nhất trong số anh em sống sót trở về. Tất nhiên hồi ấy ai cũng quý nó vì nó là thằng duy nhất có bằng tốt nghiệp phổ thông. Té ra cu cậu cũng là tay có chí, mơ trở thành nhà văn đấy ạ! Hồi ấy nó cứ tẩm ngẩm tầm ngầm ghi nhật ký suốt từ năm sáu tám đến tận bẩy nhăm, được đúng một hòm đại liên chữ li nhi lít nhít, bố thằng Tây tra từ điển cũng không đoán ra được. Anh em gọi nó là Bình hâm, hoá ra chính cái "hâm" của nó đã làm nên nó bây giờ. Không có cái hòm chữ "hâm tỉ độ" ấy thì nó không thể thành nhà báo, nhà văn Quốc Bình, lại càng không thể lấy được nàng Thuý Sinh con gái cưng của vị tướng lừng danh, Tư lệnh trưởng Quân khu. Nó bảo số nó may. Anh em nhất trí, mừng cho mày!

 

 

° ° °

 

"Không bốn, tám bẩy bốn ba bốn một bốn", đó là số điện thoại nhà riêng của Bình. Thông thuộc làu. Anh tạt vào bưu điện xã, gọi ngay cho các bạn, báo tin vui. Thằng Trưởng, thằng Hàn, thằng Hiệp, thằng Phi ở thành phố có điện thoại thậm chí có cả di động. Mấy tướng nhà quê như Thông đây thì xin chào thua. Thông gọi cho Bình trước tiên. Quái lạ, người ta thông báo số máy này không có thật. Một lần, hai lần, ba lần vẫn thế. Thông gọi cho Hàn, mới biết nhà Bình đã bán và mua chỗ khác. "Không bốn, chín ba, chín ba, bảy một ba". Thì "không bốn, chín ba, chín ba, bảy một ba". Chuông reo. Một lần. Hai lần. Ba lần. Có người nhấc máy. Thông vội Alô ai đấy ngay! Đằng kia cũng alô tôi đây. Bình đấy à? Bình đây, ai đấy? Còn ai nữa tao đây, Thông đây. Thông đấy à, có chuyện gì mà mày gọi vào giờ này? Giờ này là giờ nào? Một giờ trưa. Một giờ trưa thì sao? Giờ nghỉ trưa. Mày đang ở đâu? ở đâu kệ tao, Thông thấy cáu với thái độ lạnh nhạt của Bình, nói. Con cái Thơm nhà tao đỗ cả hai trường rồi. Thế à? Số máy bưu điện chỗ mày gọi là bao nhiêu để tao gọi lại. Không cần! Nói lằng nhằng mấy chục ngàn đấy bố ạ. Mày khinh tao không có tiền à? Không phải. Tao muốn tiết kiệm cho mày. Quên ông đi, ông khinh bọn nhà quê chúng tôi không có tiền chứ gì? Thông! Mày làm sao thế Chả làm sao cả. Tin vui con tao đỗ đại học mà "thế à" như chằn có gì xả ra. Thôi vậy!

 

Thông buông máy, người giận run lên. Anh đứng tựa vào tường, thở! Khỉ thật, tại sao mình lại đi gọi điện cho thằng chó ấy nhỉ? Hắn tưởng hắn làm to, nghe nói lên đến chức phó tổng biên tập gì đó, anh em ai cũng mừng cũng vui cho hắn. Nhưng hắn lại nghĩ hắn to quá, dám hạch sách anh em? "Có chuyện gì mà mày gọi vào giờ này?". Một giờ trưa! Giờ nghỉ trưa! Nghe mới ngứa tai làm sao. Mày có làm tướng thì dưới mắt cánh tao mày vẫn chỉ là thằng Bình hâm Bình hấp thôi, hiểu chưa? Mày tưởng không có mày thì con tao chết dúi ở chốn quê mùa heo hút chắc? Còn lâu em ạ. Hãy chờ đấy! Mới hơn nhau một tý mà mày đã vênh mặt lên, chưa biết hậu vận ra sao đâu. Đùa!

 

Thông lụi hụi móc túi lầy tiền trả cho cô bưu điện. Cô ta nhìn anh có vẻ sợ sệt tò mò, nhưng không dám hé răng hỏi. Anh cảm thấy có phần áy náy hến nói: Công nhận ở đời không ai học được chữ ngờ!

 

Cơn giận đến bột phát tưởng rồi nó cũng qua nhanh, không ngờ, thỉnh thoảng cứ chợt nghĩ đến cái giọng ngái ngủ thờ ơ ấy, Thông lại cảm thấy trong đầu anh có cơn xoáy lốc, chỉ muốn gặp mặt thằng chó ấy, ngay, cho hắn một chưởng! Ngày xưa nói như đinh đóng cột là tao lo cho mày một đứa, cứ làm như sẵn sàng sẻ nửa cơ ngơi, nay mới báo tin mà hắn đã nói với cái giọng xa lạ thế. Đúng là vật đổi sao dời, lòng con người ta không đáy, lưỡi con người ta không xương thật? Tuy nhiên anh vẫn nén lòng, tự mình để mình biết, mình nuôi cái cục ấm ức ấy trồi lên tụt xuống, không kể ra cho vợ con bạn bè biết. Kể lể mà làm qué gì, kẻ thất phu ấy. Nó có lên đến giời thì cũng vẫn chỉ là tép riu trong đầu anh. Được! Anh nghĩ. Tao đưa con bé lên Hà Nội lo lắng cho nó "đoàng hoàng" đâu vào đấy rồi, sẽ nói chuyện" với chú mày?

 

 

° ° °

 

Quả thật, Thông còn mấy người bạn nữa, nhưng anh không báo cho ai biết khi dẫn bé Thơm ra Thủ đô. "Bố! Sao bố vẫn bảo ra Hà Nội con được đến ở nhà bác Bình, bạn chiến đấu của bố?". Bé Thơm lo lắng hỏi khi thấy anh dẫn nó đi theo mấy người mách mối tìm nhà trọ. Anh bảo Bình với lọ gì, việc mình mình lo, con ạ.

 

Có chỗ ăn ở ổn thoả, đoàng hoàng cho con bé rồi, anh dặn dò con đâu vào đấy từng việc, may mà nó gặp được con bạn cũng nhà quê lớ ngớ lần đầu lên Hà Nội trọ học, tuy học ở trường khác, nhưng hai trường gần sát bên nhau, nên hai đứa quyết định thuê chung một phòng làm anh yên tâm hẳn. Anh nhớ có lần đi buôn chè Thái thời bao cấp, anh đã nghỉ trọ ở nhà trọ gần ga, suýt nữa mất toi ba cân chè nếu không tình cờ gặp người kiểm soát hàng hôm ấy là tay sành uống loại chè tuyết. Anh biếu hắn ba lạng để cứu ba cân. Hôm nay ta lại tới đó trọ, anh phấn chấn nghĩ. Đúng là anh mải theo ý nghĩ thời quá vãng, nên đã quên mất rằng, anh đang sống trong thời đại mới. Cái góc phố gần ga chật chội hôi hám ngày ấy, bây giờ là một toà nhà dựng đứng lộng lẫy. Anh tất nhiên không phải hạng người ú ớ, nên sau khi xuống xe ôm, dù rất xót tiền, anh vẫn rút ra mười ngàn trả cho chú "xế", sau đó vào ngay một quán bia hơi Hà Nội gần đó, tự thưởng cho mình vài ly.

 

Đúng là dân thành phố sướng gấp vạn lần dân nhà quê thật. Quê anh bao giờ có được một quán bia thế này. Anh tính thôi, không trọ triếc gì nữa, vì vừa nghe mấy người gọi điện thoại di động cho nhau ở bàn bên, thông báo giờ tàu. Anh sẽ ngồi đây mấy tiếng, uống vài vại, sau đó lên tàu, ngủ.

 

Anh vừa ngồi uống bia vừa nghe chuyện ở bàn bên. Bàn bên cũng là mấy tay bạn cũ thời chiến tranh, tuyền nhắc chuyện sơ tán. Một người khách mới vào ngồi ghé bàn anh, uống vội một ly rồi đi. Một người nữa. Hình như cái bàn này là bàn dành riêng cho khách uống ghé, uống nhanh. Mặc, anh cứ ngồi. Chợt anh thấy cái máy điện thoại trên giá đồ của quầy hàng, một người khách tự tiện vào gọi. Một người nữa. Rồi một người nũa. Con số "không bốn, chín ba, chín ba, bẩy một ba" chợt loé lên trong đầu anh. Thì gọi, anh nghĩ và đứng lên, lại chỗ máy điện thoại, tự nhiên như nhiên, cứ bấm: "không bốn, chín ba, chín ba, bẩy một ba". Nhưng đầu dây bên kia người ta lại bảo số máy này không có thật. Anh bấm lại lần nữa. Cô bán bia nhìn thấy liền bảo, anh đừng bấm số không bốn nữa, ở đây là Hà Nội là không bốn rồi. Anh giật mình nhớ ra liền gọi lại. Alô, tôi Bình đây. Tự nhiên anh cảm thấy run, không phải giận mà là run? Alô, anh hắng giọng và nói. Tao định không gọi cho mày, nhưng... Mày đang ở đâu? Tao đang ở Hà Nội. Thế mày thuê tắc xi hay xe thồ tới tao đi, hết bao nhiêu để tao chịu. Cứ bảo lái xe đưa tới Ngã Tư Sở, tao ra đón, vì đường vào nhà tao lắt léo lắm. Thôi, khỏi phiền, mày làm gì cứ làm, tí nữa tao về quê rồi. Thế mày đang ở đâu tao đến đón vậy. Nói thật xe máy không có. Mà ô tô thì phiền chú lái xe, để nó nghỉ. Tao đang ở quán bia hơi Hà Nội. Chỗ nào? Chỗ A Một, sau ga. Được, tao đến ngay bây giờ.

 

Thông gọi hai ly bia, ngồi chờ. Tóm lại là vẫn không thể khác. Anh cảm thấy không vui cũng không buồn. Để xem thái độ của mày thế nào, anh nghĩ. Mày cậy mày lắm tiền hả? Mày khoe mày có tiêu chuẩn xe con chứ gì? Được. Tao là tao cứ ngồi đây, thằng nào tử tế thì tao chơi, vớ vẩn tao quên khẩn trương? Nào, vào đây! Anh đứng dậy, hơi ưỡn ngực khi thấy Bình tới. Bình đi xe ôm. Thế chứ, anh nghĩ và chìa tay ra khi Bình hồ hởi chạy lại. Hai người uống cạn ly. Gọi tiếp ly nữa, anh nói. Lại cạn. Mày tệ quá, Bình trách. Tại sao lên Hà Nội mà giờ này mới báo tao? Thì báo đấy thôi, Thông nói và gọi thêm lạc rang. Mày thế nào? Ôi giời, bận mù mịt suốt ngày. May hôm nay tao ở nhà, vì là thứ ba không phải duyệt bài trước khi đi in đấy. Mày thích ăn gì tao đãi? Tao ấy à? Tao lên đây không phải để xin ăn, Thông nói, cảm thấy trong người bắt đầu có cơn xoáy lốc! Mày nói cái gì thế Bình ngạc nhiên hỏi lại. Hay là mình về nhà tao có rượu ngon, có phòng riêng cho mày nghỉ, Thông đứng đậy, mặt sần sần:

 

- Tao biết mày giầu có rồi, Bình ạ. Không phải tao say, nhưng tao hỏi thật, động cái gì là mày cũng khoe tiền. Mày cậy mày có tiền mua tiên cũng được phỏng? Mua tiên được, nhưng chưa chắc đã mua được tình xưa nghĩa cũ đâu em ạ.

 

Bình sững sờ nhìn bạn. Rồi anh chợt nhận ra điều gì đó. Anh bình tĩnh lại, không cảm thấy giận mà lại thấy thương cho cái thằng Thông gàn này quá. Nó luôn luôn nói, anh em mình phải thương nhau, thằng nào làm được gì tốt thì phải biết mừng cho nhau. Vậy mà hôm nay nó trở chứng? Cho mày nói chán, Thông ạ. Rồi tao thế nào mày sẽ hiểu.

- Uống!

Thông đặt ly bia mới trước mặt Bình. Bình nghĩ nhanh, nếu cứ đà này nó sẽ say. Say sưa thì còn ra cái gì? Thôi ta đấu dịu.

- Uống thì uống, Bình nói. Uống xong ly này tao mời mày về nhà tao nghỉ, anh em mình uống với nhau cả đêm cũng được.

- Tao ra Hà Nội không phải để uống, Thông nói. Mày biết tao ra đây làm gì rồi, vậy mà mày lảng tránh, không hỏi han con bé lấy một nhời. Mày sợ tao gởi nó, phó thác cho mày chứ gì?

- Xin lỗi, Bình khoác vai Thông. Tao đúng là vô tâm. Thế cháu đâu rồi?

- Được mày hỏi đến thì nó đã ra trường đến nơi rồi.

Thông có vẻ thoả mãn khi nói được câu ấy.

- Tuỳ mày, Bình nhỏ nhẹ. Mày muốn nghĩ về tao thế nào cũng được.

Thông tự mãn:

- Đùa! Nhà quê chúng tao nghèo thì nghèo thật nhưng...

- Thôi, thôi, tao xin mày. Để tao gọi tắc xi, hai anh em mình về nhà tao chơi, mày muốn nâng lên quan điểm thế nào cũng được.

Quán bia đã vãn khách. Thông móc túi trả liền. Bình định ngăn lại, nhưng không dám, đành lấy điện thoại di động ra gọi xe.

- Được Thông nói. Về thì về. Nhưng đi bộ.

Lại thế nữa, Bình nghĩ. Thằng này điên rồi hay sao ấy nhỉ?

- Say thì uống thế chưa thể say, Thông nói rành rọt. Nhưng mày thích đi tắc xi, tao thích đi bộ. Chú chiều anh hay anh chiều chú, tùy! Cho chú chọn.

Cô bán bia thấy đôi bạn này có vẻ ngồ ngộ, liền tham gia:

- Tắc xi đến rồi kìa! Đừng sĩ hão, thiệt đó anh.

 

- Đến thì đến, Thông nói. Chị rót cho tôi một can đem về.

Bình ngăn lại. Cô bán hàng biết ý bảo em không có can. Hàng chúng em chỉ bán trong vài tiếng tại quầy.

Thông đành xách ba lô ngoan ngoãn theo Bình lên xe. Xe chạy vào rừng đèn đêm của thành phố.

 

° ° °

Thông đang nghĩ tới con gái. Chắc giờ này nó chưa ngủ. Chắc nó nhớ mẹ. Lần đầu xa quê là nhớ mẹ lắm. Có khi nó tưởng anh đã sắp về đến nhà rồi. Con bé bạn nó nom còn tồ hơn nó, ấy thế mà dám ra Hà Nội một mình. Cái ngày mẹ nó sinh nó xong, người ta bảo phải cắt dạ con, anh buồn đến ung nhọt mất cả tháng. Nhưng rồi thấy mẹ con nó phổng phao, bọn bạn cũ tới, đứa nào cũng mừng cho vợ anh "vượt cạn" an toàn. Con gái con trai đứa nào chả là con. Nhà thằng Bình đây được mỗi thằng con trai, vợ nó thừa sức đẻ mà nó đâu có đẻ nữa. Thằng Trưởng thì luôn mồm động viên anh: Trong rủi có may, trong may có rủi, ông ạ.

 

Cái thằng Trưởng ấy mới là thằng chân thành. Chân thành cho lắm nên mới chẳng leo được lên cái thang danh vọng nào. Nhưng mà chẳng danh lợi nào bằng được con ngoan, học giỏi, ra trường có nơi xin về làm việc ngay như hai đứa con gái nó. ở đời khôn ngoan chẳng lọ thật thà. Nhưng thật thà lại là cha mách qué...

- Nào, xin mời chú xuống xe, bây giờ thì tha hồ đi bộ.

Bình khoác tay Thông dẫn vào một cái ngõ nhỏ um tùm cây. Lại rẽ một cái ngõ sâu hun hút toàn những nhà hai ba tầng. Lại rẽ một cái bờ ao, vào một khoảng rộng đất trống vắng hoe rồi mới chui thêm một con hẻm nữa.

- Đây rồi, Bình vừa nói vừa mở khoá phía trong cánh cổng. Mày vào đây. Nhà tao coi như ở vùng sâu vùng xa của Hà Nội.

Thông theo Bình vào. Có một bóng điện mờ rnờ trong một khoảng rộng. Bình ghé tai nói nhỏ: Đây là phòng khách. Thông cảm thấy khó chịu vì thái độ rón rén của Bình. Tại sao nó dẫn bạn về mà lại cứ rón rén sợ vợ mất ngủ nhỉ? Đúng lúc Thông đang nghĩ thế thì Bình lại ghé tai bảo, bây giờ muộn rồi, nhà tao cô ấy ngủ để mai lên lớp. Còn thằng Trung thì nó đang đi thực tập. Vào đây!

- Đây là giang sơn riêng của tao, Bình khẽ khàng đóng kín cửa sau khi dẫn Thông vào một căn phòng hẹp. Và bật điện.

Thông bỏ ba lô, nhìn một lượt. Chỉ thấy toàn sách báo và sách báo. Đọc lắm thế này mà đầu óc vẫn ngu? Anh chua chát nghĩ mà cáu cho bạn. Lẽ ra nó phải dắt vợ xuống chào anh. Vợ nó phải vồn vã đón tiếp ngay từ cống, nếu nó điện thoại về, báo tin trước. Muộn thì muộn, chào nhau một câu, mời nhau chén nước, điếu thuốc, rồi ngủ, ai bắt tội phải thức khuya đâu mà nó cứ len lét như rắn mùng Năm thế?

- Nào, bây giờ thì tha hồ, Bình hồ hởi. Mày vào tắm một cái. Tao chuẩn bị đồ nhắm rồi anh em mình nhậu.

- Tao đến đây không phải để tắm! Thông bắt đầu gây sự. Mày sợ tao bẩn thì mày nói thẳng vào mặt tao, việc gì phải làm thế?

Bình hoàn toàn bị bất ngờ. Anh nắm tay bạn, kéo Thông ngồi xuống ghế:

- Không tắm thì thôi, Bình đấu dịu. Bây giờ mày thích uống rượu Tây hay rượu ta? Bia chai bia lon nhà tao lúc nào cũng có sẵn, tuỳ mày.

- Nếu mày nói tuỳ tao thì tao nói thật, Thông cầm quai ba lô đứng lên. Gặp nhau thế này là đủ rồi. Mày cho tao về!

- Ô kìa! Bình kêu lên. Về là thế nào? Mày phải ở đây với tao. Tao đã bảo mày thích gì tao cũng chiều.

- Tao chỉ thích về!

Bình cầm ba lô của Thông nhét vào trong tủ khoá lại:

- Mày điên à? Nửa đêm đến nhà bạn, chưa kịp hỏi han trò chuyện gì, mày đã đòi về là nghĩa làm sao?

- Tao kinh mày! Thông nói thong thả.

Bình ngớ người ra.

Thông hạ giọng, năn nỉ:

- Tóm lại là bây giờ tao chỉ còn xin mày một đặc ân.

- Đặc ân gì?

- Đưa ba lô cho lao và ra mở cổng cho tao về. Tao cám ơn tấm lòng vàng của mày!

Bình bắt đầu nóng mặt. Anh nắm vai Thông, ấn Thông ngồi xuống, nói:

- Tao hỏi thật, mày định đến đây để chơi với tao hay để hành hạ tao?

Im lặng.

- Tao cấm mày bây giờ không được đòi về. Bình tiếp. Còn nếu có gì không vừa lòng thì mày nói thẳng: Mày có phải là thằng hèn không?

- Vâng, tao nhà quê, tao hèn. Nhưng theo tao, mày nên lấy ba lô cho tao, mở cổng cho tao về!

- Mày là một thằng đểu! Bình giận run người. Tao tưởng lôi được mày về đây cho vui, nào ngờ mày cố chấp. Việc gì thì cũng phải nói ra người ta mới biết chứ?

- Thôi Bình ạ, tao đểu, tao hèn, tao ngu nữa, đủ chưa? Đấy, tao nói ra rồi đấy! Mày có mở cổng cho tao về không?

- Tao không cho mày về, Bình dằn chai rượu xuống bàn. Mày phải uống hết chai này với tao, rồi muốn ra sao thì ra.

Thông ngả người trên cái nệm Bình trải dưới đất. Bình rót rượu ra ly. Anh đưa cho Thông. Thông quay mặt vào giá sách. Bình uống cạn luôn cả hai suất.

- Mày khinh tao đến thế là cùng, Bình nói.

Thông chăm chú nhìn cái máy điện thoại để trên chiếc đôn gỗ ngay đầu nệm. Bình bảo:

- Mày gọi về cho bà xã đi.

Thông đủng đỉnh:

- Nhà tao làm gì có điện thoại.

- Thế mày thích gọi cho ai thì cứ gọi.

Thông nhớ ra nhà chú Bật hàng xóm có em bên Tây mới về, gắn điện thoại cho. Chú ấy chả ghi số vào tờ lịch bốc hôm sang chúc mừng con bé trúng đại học, đưa cho anh, và còn bảo bố con anh cứ tự nhiên, chú ấy phục vụ hai bốn trên hai bốn là gì? Chú ấy còn nhắc đi nhắc lại rằng: gọi đi trả theo giá cước bưu điện. Người ở xa gọi về miễn phí.

- Được. Mày lấy ba lô cho tao, tao có số.

Bình mừng vì bạn đã dịu. Anh mở lủ lấy ba lô đưa cho Thông.

Thông lấy ra mảnh giấy lịch ghi số, rồi cầm ống nghe, bấm máy.

Bình nghe rõ cả hai đầu đây:

- Alô. Ai đấy? Thông đây. Thông nào? Thông tôi chứ còn Thông nào? Chú Bật hay chú Kê đấy? Kê! Kê sang gọi mẹ Thơm hộ anh với. Hôm nào về trả lôi hai ngàn công gọi nhé. Mẹ mày, thì cứ đi gọi đi, ông cho rõ ba ngàn.

Im lặng. Thông cầm ống nghe ngửa mặt nhìn lên trần nhà. Hai con thạch sùng đang đuổi bắt nhau? Bình đưa cho Thông ly rượu. Thông xua tay.

Bình làm thân:

- Tí mày cho tao nói chuyện với mẹ Thơm nhà mày tí nhé.

Thông gật đầu.

- Từ chỗ máy này tới nhà mày bao xa?

- Độ nửa cây. Gần thôi mà.

- Hay mày cứ bỏ máy, tí gọi lại.

- Mày sợ tốn tiền à? Thông đốp lại ngay.

- Không. Nhưng để chờ máy như thế...

- Thì sao. Tao sẽ thanh toán, Thông nói.

- Vấn đề không phái ai thanh toán mà là lãng phí không cần thiết.

Thông đặt máy, xách quai ba lô, đứng lên:

Tao nghĩ một cú chờ bất quá mười lăm hai chục phút có đáng là bao. Mày tiếc với bạn thì bạn trả.

Anh lấy hai tờ mười ngàn từ trong cái ví da ra, để lên bàn, rồi nói:

- Thôi cũng gần sáng rồi. Mày mở cổng cho tao về. Kể từ nay coi như hai chúng mình không có nhau.

 

Bình nằm vật trên nệm. Anh cảm thấy đầu anh đang bốc hoả u u ong ong. Chợt anh vùng dậy, quỳ xuống chắp hai tay vào nhau vái lia lịa:

- Thôi tao chịu mày. Tao trăm ngàn lạy, tao lạy mày. Mày tha cho tao. Thông ạ. Mày đúng, tao sai. Tao nhận hết lỗi về tao. Tao mong mày ngồi xuống đây uống với tao một chén, rồi ngủ.

Có tiếng chân bước xuống cầu thang. Tất nhiên chỉ mình Bình là nghe thấy. Thông đứng tựa lưng vào tường. Có liếng gõ cửa. Bình vội mở:

 

- Em đấy à? Có anh Thông về chơi, khuya quá, anh không tiện gọi.

- Úi giời anh Thông! Sinh vồn vã. Thế mà em cứ tưởng mấy ông ở cơ quan anh ấy tới nhậu nhẹt văn thơ nên mới mặc kệ.

Rồi Sinh quay sang trách chồng:

- Lần sau có khách quý thế này, khuya thì khuya, anh cứ gọi em, em nấu nướng cho mà đánh chén với nhau.

Thông cảm thấy dịu lại:

- Bọn anh ăn ngoài quán rồi mà.

- Thế bây giờ hai ông ăn gì, tôi làm cho? Sinh săm sắn. Phở hay mì? Hay để em xào cho một đĩa mướp đắng với thịt bò mà uống rượu.

- Đúng rồi, Thông buột thốt. Mướp đắng. Miền Nam gọi là khổ qua đấy.

 

Ghi thêm : L.N.V gởi truyện ngắn với lời cám ơn tác giả và gởi cho em gái thi ở V.

Trung Trung Ðỉnh
Số lần đọc: 3093
Ngày đăng: 05.07.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hậu thiên đường - Nguyễn Thị Thu Huệ
Chiều vắng - Nguyễn Ngọc Tư
Hồng Sa Mạc - Mai Bửu Minh
Bà mẹ già và thúng khổ qua - Trang Thế Hy
Trễ tàu - Nguyễn Trọng Nghĩa
Chất liệu - Trang Thế Hy