Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
918
123.136.739
 
Đặc trưng ngôn ngữ nghệ thuật cải lương
Tuấn Giang

 

 

            1.Khái niệm và tính chất nội dung ngôn ngữ.

Mỗi loại hình, thể loại nghệ thuật tồn tại trước công chúng bằng một hình thức ngôn ngữ, nếu không có ngôn ngữ đặc trưng một hình loại nghệ thuật sẽ không tồn tại. Nhưng lâu nay, một số nhà nghiên cứu, đạo diễn danh tiếng lại nhận định: “Cải lương không có ngôn ngữ, tôi thấy nó tuồng, kịch nói, chèo, nhảy múa một tý”[1]. Câu nói này nhiều người gật gù tán thưởng, một số người không quên nhắc lại câu nói nổi tiếng khác của một đạo diễn: “Cải lương là cái dạ dày trâu”!

            Muốn xác định ngôn ngữ sân khấu, nghệ thuật cải lương cần tìm hiểu thống nhất khái niệm ngôn ngữ học đại cương, những thuộc tính ngôn ngữ, chất liệu tạo dựng loại thể, khả năng biểu hiện trình diễn trong môi trường xã hội. Qua đó, khái niệm ngôn ngữ là hệ thống ký hiệu thông tin, thể hiện bản chất đặc trưng từng loại hình ngôn ngữ ra đời từ cuộc sống là đối tượng mô tả, biểu hiện do một cộng đồng xã hội công nhận những thuộc tính ước lệ, quy ước mà thành. Ngôn ngữ là sản phẩm xã hội hoàn chỉnh, giúp ta phân loại thành các nhóm, loại hình ngôn ngữ. Đặc trưng ngôn ngữ biểu hiện trên hai mặt tương ứng giá trị ý tưởng thông tin ngữ nghĩa, sự thể hiện hình thức và nội dung. Tín hiệu âm thanh phát ra là của thính giác, hình ảnh thuộc về thị giác đẫn đến cảm xúc, nhận biết ngôn ngữ. Ngôn ngữ tiếng nói âm thanh là công cụ tư duy biểu hiện tâm sinh lý, tình cảm con người và động vật. Ngôn ngữ  loài người bao giờ cũng là một thiết chế của hiện tại, một phần sản phẩm quá khứ và sự biến đổi hướng đến thiết lập hệ thống mới. Ngôn ngữ mang tính biểu hiện:

                        Hệ thống ký hiệu thông tin.

                        Những biểu tượng hình ảnh cụ thể.

                        Hệ thống cấu trúc ngôn ngữ âm thanh, hình ảnh, động tác.

            Thuộc tính ngôn ngữ là chất liệu xác lập ký hiệu khác nhau, biểu đạt dưới nhiều hình thức thông tin. Từ đó, ngôn ngữ phân chia: Âm thanh tiếng nói, thuộc về văn hóa giao tiếp, âm thanh âm nhạc ngôn ngữ một loại hình nghệ thuật, màu sắc ngôn ngữ hội họa, động tác hình thể ngôn ngữ loại hình sân khấu nghệ thuật biểu diễn, cấu trúc khuôn hình, hành động, thuộc ngôn ngữ điện ảnh…

            Giá trị của ngôn ngữ là biểu hiện khái niệm, diễn đạt bằng những nhân tố vật chất cụ thể gắn với tư duy trìu tượng, tổ chức thành hệ thống ký hiệu: Âm thanh, hình ảnh, văn tự…Mỗi loại thể ngôn ngữ một phương thức biểu hiện, tạo thành  chuỗi giá trị khác nhau biểu đạt cuộc sống muôn màu.

 

2.Ngôn ngữ sân khấu, ngôn ngữ cải lương.

Ngôn ngữ sân khấu, hình thành ra đời từ thực tiễn các thể loại nghệ thuật biểu diễn, mỗi thể loại một cấu trúc thiết chể ngôn ngữ riêng. Tổng quan nghệ thuật biểu diễn ra đời một loại hình ngôn ngữ, đó là ngôn ngữ nghệ thuật sân khấu. Ngôn ngữ sân khấu nằm trong mối liên hệ cấu trúc ngôn ngữ các thể loại: Tuồng là ước lệ, tượng trưng, chèo cách điệu, ước lệ, kịch nói cách điệu hiện thực, cải lương là gì?

Ngôn ngữ cải lương thuộc loại nghệ thuật sinh sau, liệu có “rây cà ra rây muống”? mỗi thứ một tý! Quả nghệ thuật cải lương là một “cái dạ dày trâu”, tử nhận định này người ta đã kịch nói hóa cải lương, kịch cắm bài ca cải lương, cải lương opera…Nếu không tìm ra một đặc phẩm ngôn ngữ cải lương, nghệ thuật sân khấu cải lương sẽ không còn bản sắc văn hóa tính bản địa, một thể loại dân khấu dân tộc phương Nam. Thật may! Nghệ thuật cải lương mới ra đời, nếu tính quá trình từ nhạc đờn ca tài tử Nam Bộ vào năm 1910, Mỹ Tho có Ban Tài tử Nguyễn Tống Triều[2] cùng nhiều ban tài tử sáu  tỉnh Nam Bộ. Lúc đầu ca nhạc tài tử một hình thức chơi tài tử, tùy hứng không chuyên nghiệp, sau đi vào đời sống tinh thần nhân dân thành nhạc phong tục, nhạc lễ, nhạc thưởng thức thẩm mỹ. Những ban nhạc tài tử Nam Bộ còn ảnh hưởng nhạc lễ, nhạc phong tục, khi diễn vui chơi thưởng ngoạn, lối ca hát gò bó, người hát ngồi hoặc đứng hát. Một lần diễn ở Vũng Liêm, cô Ba Đắc hát nghe bà con nói: “Hát có ra bộ mới hay”! Thế là cô Ba Đắc đưa ca nhạc tài tử lên sàn diễn, mới lạ hấp dẫn. Qua các hình thức cách tân hòa nhạc thính phòng, hát phong tục, hát biểu diễn dẫn đến ra đời trò diễn xướng dân gian: Ca ra bộ. Đây là bản gốc hình thành ra đời sân khấu, nghệ thuật cải lương. Lớp diễn carabo đầu tiên ở huyện Cái Thia, cô Ba Đắc một mình thủ ba vai: Bùi ông, Bùi Kiệm, Nguyệt Nga, là một trò diễn xướng dân gian, một người độc diễn mang năm thành tố nghệ thuật dân gian. Nhưng từ đây đã hình thành một lớp kịch cải lương, sau này ông Phó Mười Hai ở Vĩnh Long  cho ba người thủ vai: Bùi Ông, Bùi Kiệm, Nguyệt Nga (trích trang 33 sách đã dẫn) do các tài tử diễn công chúng hào hứng đón nhận. Từ lớp diễn ấy nhiều người hưởng ứng, ông Phó Mười Hai đưa gánh hát lên sài Gòn diễn tạo dư luận công nhận là một hình thức nghệ thuật mới. Đến năm 1918, ra đời sân khấu cải lương. Sân khấu cải lương diễn gì?

Cái bản ngã cải lương này xin đừng đánh mất: Sân khấu cải lương do ông Trương duy Toản chuyển thể từ truyện Kiều bê nguyên xi sang cải lương diễn ba đêm mới hết. Theo một kịch bản: Đối thoại, chuyển bài ca, trở về đối thoại... Chỉ đơn giản thôi nhưng làm nức lòng người xem, còn ông Năm Tú, người có công đặt tên một thể loại sân khấu là: Cải lương! Trương biển hiệu : “Gánh hát cải lương Năm Tú”. Ông còn cấm không ai được lấy tên “Cải lương”, đó là bản quyền tác giả.

Ngôn ngữ cải lương chính thức ra đời, xuất hiện từ cái gốc ban đầu, là trò diễn xướng dân gian: Carabo. Loại thể ngôn ngữ này đến nay không đổi trong cải lương, là: Ca và Bộ.

Ca trong cải lương có hai loại nghệ nhân thương gọi: Ca-hát cải lương.

 Ca: Là ca bài bản cải lương. Bài bản là hệ thống những bản nhạc sáng tác trong sân khấu cải lương. Bài bản những bản nhạc kinh điển nhịp phách rõ ràng, nếu có piêu hát nói ngâm ngợi đôi chút lại trở về nhịp điệu quy phạm. Làn điệu những điệu hát  dân ca, làn hát vào cải lương, không có nhip hoặc hình thức hát nói gối vào bài ca.

Hát: Hát làn điệu và bài hát mới du nhập vào cải lương.

Đặc điểm ca hát cải lương trong nhiều tình huống sân khấu thường ra bộ. Bộ cải lương khác bộ trong tuồng.

Bộ tuồng theo niêm luật, trình thức trụ bộ biểu diễn vũ đạo tuồng mang đặc trưng ước lệ, tượng trưng khúc triết gẫy gọn biểu cảm bản sắc văn hóa, nghệ thuật kinh điển...

Bộ cải lương đơn giản, ra bộ minh họa hiện thực lời ca, động tác ngôn ngữ biểu diễn mang tính nội tâm giao tiếp khán giả. Người diễn viên ca đến đâu, lời ca nói gì được minh họa bằng điệu bộ bày tỏ nỗi lòng, tâm trạng tình cảm nhân vật, hoặc bày tỏ hành động cách điệu hiện thực để khán giả hiểu rõ bối cảnh nhân vật. Ca và bộ một hình thức ngôn ngữ cải lương, không giống bất cứ một thể loại ngôn ngữ nghệ thuật biểu diễn nào, nhờ đó cải lương phát triển hòa vào dòng chảy nhịp sống nghệ thuật đương đại.

3.Sự phát triển ngôn ngữ cải lương.

Từ quy phạm hệ thống ngôn ngữ cải lương: Ca-Bộ. Bộ là cách điệu hiện thực, tạo ra một chỉnh thể thống nhất ngôn ngữ nghệ thuật sân khấu cải lương. Khái niệm “chữ Bộ ở Nam Bộ, trước thế kỷ XIX không có. Chữ Bộ chỉ xuất hiện vào những năm đầu thế kỷ XX từ sân khấu cải lương( Trích trang 47-Nghệ thuật cải lương-Tuấn Giang-NXB-Đại học Quốc gia THHCM-tháng 6-2006).

Sân khấu cải lương tồn tại, phát triển ngôn ngữ điệu bộ ngày càng hoàn thiện hệ thống ký hiệu biểu cảm mỹ học nghệ thuật vì người xem. Những quy pham ngôn ngữ cải lương: Ngôn ngữ kịch bản văn học, ngôn ngữ nhân vật nghệ thuật biểu diễn, ngôn ngữ phục trang, mỹ thuật đạo cụ sân khấu, ngôn ngữ âm nhạc, ngôn ngữ múa cải lương.

 

Ngôn ngữ cải lương ra đời từ trò diễn xướng dân gian tiến lên sân khấu cải lương, từng bước hoàn thiện hệ thông cấu trúc ngôn ngữ nghệ thuật sân khấu. Sự hoàn thiện đầu tiên ngôn ngữ văn học kịch, kịch bản cải lương lúc ra đời chưa có sáng tác mới. Các tác giả chuyển thể dựa vào truyện thơ: Truyện Kiều, Lục Văn Tiên, là những áng văn mẫu mực cổ điển Việt Nam. Từ nương nhờ văn học cổ điển, các tác giả tạo dựng ngôn ngữ văn học kich bằng sáng tác mới phản ánh hiện thực xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX. Sang năm 1920, những sáng tác cải lương xã hội đến 1024 cải lương diễn tuồng Tầu. Đây là ngôn ngữ văn học kịch cải lương hoàn thiện hai hình thức: Ngôn ngữ văn chuyển thể cải lương. Ngôn ngữ văn học kịch bản sáng tác cải lương. Sân khấu cải lương xuất hiện hai loại kịch bản: Ngôn ngữ văn chuyển thể, cấu trúc kịch bản bằng ngôn ngữ văn học sáng tác mới. Từ đó, mỗi giai đoạn lịch sử xã hội, phát triển hoàn thiện một loại ngôn ngữ văn học kịch.

Sau kịch bản, sự hoàn thiện ngôn ngữ nghệ thuật biểu diễn là: Bộ. Diễn ra bộ minh họa hiện thực, tiến lên biểu cảm ngôn ngữ hành động cải lương. Giá trị sâu sắc bản chất nghệ thuật ngôn ngữ hành động diễn cải lương với các thể loại ngôn ngữ sân khấu khác, là hành động tâm lý. Đây là bản sắc văn hóa, nghệ thuật diễn cải lương dân tộc và truyền thống. Nếu đạo diễn quên, hoặc cố tình đánh mất loại ngôn ngữ hành động tâm lý, là đánh mất nghệ thuật cải lương. Khi xuất hiện tình huống mâu thuẫn xung đột đến tột cùng sự tan vỡ… sân khấu kịch là ngôn ngữ hành động: Đập phá, bắn giết, tan nát đau thương…Tuồng là hành động bạo liệt, chết chóc bi hùng.Với cải lương từ đỉnh cao xung đột ấy, rơi xuống hành động tâm lý. Cải lương không xuất hiện ngôn ngữ hành động hiện thực đời sống, nó ra đời bằng bài ca tâm trạng than khóc, bày tỏ nỗi lòng, thân phận con người, số kiếp hẩm hiu. Tôi chỉ biết than thân trách phận, bỏ trốn hiện thực nước mắt đầm đìa đẫm lệ xót xa…Đây đúng tên gọi nghệ thuật bằng hai chữ: Cải lương! Chúng tôi không hành động quyết liệt , hay bạo liệt như kịch nói hoặc tuồng. Dù chúng tôi cũng hành động không khoan nhượng, nhưng chỉ là hành đồng tâm trạng, tâm lý con người tình cảm lâm ly than khóc canh trường…Ngôn ngữ biểu diễn cải lương cũng hoàn thiện qua mỗi giai đoạn lịch sử mang tâm lý, tình cảm con người xã hội đương đại.

Ngôn ngữ mỹ thuật phục trang sân khấu cải lương, theo đó mà hoàn thiện đặc trưng ngôn ngữ thể loại sân khấu. Phục trang luôn tân thười, đi sát hơi thở nhịp sống thời đại, nếu cải lương tuồng cổ thì phục trang cải lương màu sắc nhẹ hơn màu sắc tuồng. Gam màu, hay tông màu cải lương: Sử dụng gam lạnh, hài hòa kim tuyến, kim sa óng chuốt, bình dị trang nhã, phù hợp tổng thể sân khấu ảo giác. Phương pháp sân khấu cải lương tả thực, cách điệu mỹ lệ hóa hiện thực.

Âm nhạc, ngay khi diễn vở Kim Vân Kiều, bài Oán ngôn ngữ âm nhạc chủ đạo sân khấu cải lương, đến năm 1920 bài Dạ cổ hoài lang sánh đôi cùng điệu Oán, sang năm 1928, bài Cổ bản nhịp bốn. Vào năm 1936, bài Vọng cổ nhịp tám lên ngôi. Năm 1945, Vọng cổ nhịp 16 ra đời hoàn thiện ngôn ngữ âm nhạc cải lương. Âm nhạc của  tâm lý tình cảm, tâm tư con người sống nội tâm, suy tư mộng tưởng…Đây là những khác biệt ngôn ngữ âm nhạc cải lương.

Ngôn ngữ múa cải lương, một đặc phẩm nghệ thuật tình cảm tâm trạng trữ tình. Ngôn ngữ múa: Hệ thống động tác tay, chân mang tính cách điệu ra bộ. Đặc tính nghệ thuật tinh xảo, ngón tay điệu bộ mô tả, minh họa tình cảm nhân vật. Như các loại thể ngôn ngữ phối hợp trong nghệ thuật cải lương: Âm nhạc, mỹ thuật phục trang, múa, hành động tâm lý nhân vật…Ngôn ngữ nghệ thuật cải lương phát triển, thiết lập hệ tiếp biến nghệ thuật từ các loại hình ngôn ngữ nghệ thuật đương đại. Âm nhạc Vall, Tango, Rock, rap, hip hop…Múa cũng tương tự theo hướng: Cải lương hóa. Nghệ thuật tổng hợp ngôn ngữ sân khấu cải lương luôn là sự gắn kết hài hòa, biểu cảm nghệ thuật cách điệu hiện thực, mỹ lệ hóa tự nhiên. Đó là tông màu tổng hợp nghệ thuật cải lương.

4.Tam kết.

Đặc trưng ngôn ngữ sân khấu cải lương nằm trong tổng thể các loại hình ngôn ngữ phù trợ, hợp thành sân khấu cải lương. Nhân định có vẻ khách quan khoa học, nhưng cái nào là bản thể cốt lõi đặc trưng chủ đạo ngôn ngữ sân khấu cải lương? Đây là sự nhận diện bản sắc văn hóa sân khấu nghệ thuật cải lương, không nhận diện đúng sẽ mãi mãi đi xa nguồn cội cải lương.

Mọi sự bắt đầu từ gốc, cái lý tự nhiên sinh ra bản thể ngôn ngữ là phản ánh nội dung đặc trưng ngữ nghĩa. Muốn biết đặc trưng ngôn ngữ cải lương không thể xuất phát từ cái đương thời hưng thịnh, hoặc các loại hình nghệ thuật phù trợ, bởi nó bị chi phối tử chủ thể ngôn ngữ. Ngôn ngữ nghệ thuật cải lương mang tính đặc trưng sân khấu là: Ca-Bộ. Ca và bộ, là hai bộ phận cấu thành đặc trưng ngôn ngữ cải lương. Hai hình thức ngôn ngữ: Ca và bộ chi phối toàn bộ hệ thống ngôn ngữ nghệ thuật phù trợ sân khấu cải lương. Khi nghệ thuật cải lương phát triển tiếp nhận nhiều loại hình ngôn ngữ nghệ thuật đương đại, cần bảo tồn đặc trưng ngôn ngữ cải lương. Đây là cái gốc phát triển nghệ thuật, bản sắc văn hóa cải lương trước nhịp sống nghệ thuật toàn cầu hóa.

 

                                                           Hà Nội 2-6-2016.



[1] Tại buổi trao đổi Khoa học Viện Sân khấu ngày 14-6-2002.

[2] Theo Lịch sử Cải lương-Tuấn Giang-NXB Sân khấu năm 2008.

 

Tuấn Giang
Số lần đọc: 7014
Ngày đăng: 09.06.2016
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ca nhạc sân khấu cải lương Những tương đồng khác biệt - Tuấn Giang
Cô Bảy Phùng Há – từ cuộc đời đến sân khấu - Trần Trung Sáng
Lịch sử cải lương 10- hết - Tuấn Giang
Lịch sử cải lương 9 - Tuấn Giang
Lịch sử cải lương 8 - Tuấn Giang
Lịch sử cải lương 7 - Tuấn Giang
Lịch sử cải lương 6 - Tuấn Giang
Lịch sử cải lương 5 - Tuấn Giang
Lịch sử cải lương 4 - Tuấn Giang
Lịch sử cải lương 3 - Tuấn Giang
Cùng một tác giả
Đặc trưng xiếc (nghệ thuật)
Thực trạng xiếc. (đối thoại)
Tổng luận ca trù (nghệ thuật)
Hát Cung văn (văn hóa)