Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
922
123.197.097
 
Vũ điệu Lam - Điệu ca của nỗi buồn (Nhân đọc tập thơ của Bạch Diệp - Nxb Văn Học 2011)
Hoàng Vũ Thuật

 

 

Thủ pháp nghệ thuật và hiệu ứng mỹ cảm là thước đo năng lượng sáng tạo của nhà thơ. Mỗi bài thơ một số phận, khi chìm khi nổi, khi ẩn khi hiện, có thể được chào đón hồ hởi, cũng có thể thách thức cay nghiệt.

Hôm qua anh vừa dựng lên cái hàng rào
Những cọc gỗ cắm vào đất nâu
Cho em biết giới hạn của chúng ta có thể
Sự im lặng như cử chỉ khước từ niềm hân hoan mong đợi
Khoảng trống làm hố chôn kí ức và nỗi khát
Dưới chân em vườn chiều tả tơi
(Lời khẩn cầu)

Đây là một ẩn dụ về thân phận, hay một cảnh báo về sự gãy đổ từ một không gian tự do đang bị ràng buộc bởi giới hạn? Thông điệp bài thơ quả là thách đố người đọc, tùy người đọc cảm nhận theo tâm trạng của mình. Hai câu thơ đầu: Sáng nào em cũng vấn tóc soi gương/ Sẽ có một ngày mới với mặt trời và lời cầu khẩn, được nhắc lại bằng cách đảo đôi chút ở hai câu kết thúc: Em vấn tóc và chải đầu mỗi sáng/ Ngày mới đến với mặt trời và lời cầu khẩn, khiến người ta nhớ tới bài thơ "En-xa ngồi trước gương'' của A-ra-gông với đôi câu thơ được nhắc đi nhắc lại, tạo hình tượng vững tin luôn hiện ra trong đời ông: Suốt ngày dài ngồi ngay chỗ gương soi/ Nàng đang chải mái tóc vàng óng ả…rồi: Suốt ngày dài ngồi ngay trong trí nhớ/ Nàng nhìn xa trong lòng tấm gương soi cho tới lúc: Và tóc vàng khi nàng đến ngồi đây/ Chải ánh lửa không một lời thổ lộ. Khác chăng giữa hai bài, một bên lời cầu khẩn tha thiết và bên kia sự điềm tĩnh lạ lùng.

Bạch Diệp tìm đến thơ không vì cái đích yêu thơ, rồi làm thơ. Chị sử dụng thơ như một không gian riêng biệt để ẩn náu cho cuộc đời mình, một kiểu chạy trốn tâm tưởng. Bạch Diệp không muốn ai biết về mình, không muốn ai thấy mình, không muốn ai hiểu mình: Bạn bè muốn em cất giùm những bí mật của họ/ còn bí mật của em…Nhưng càng im lặng, dấu mình, càng chua xót: Sự lặng im/ Đá tôi lăn long lốc dưới chân niềm vui…Cào cấu, bóp nghẹt chùm trái xanh đắng chát. Và chị tìm cách thoát thân, bay ra khỏi màn đêm đen ngòm, trớ trêu thay: Đêm tối và bình minh là hai kẻ song hành, đồng lõa.

Tình yêu trong thơ Bạch Diệp là thứ tình yêu trĩu nặng u hoài, khởi nguyên từ đau đáu khát vọng về một đời sống thực, thích được ghen tuông, thèm chút hương trấu đốt đồng/ ngai ngái mùi thơm rạ lúa của tuổi thơ, nâng niu vẻ đẹp tự nhiên mong manh em và nắng/ mới như là hôm qua, được nhìn mình với gương mặt thánh thiện, như một người bình thường trong thế giới rộng lớn này:

Chán lắm rồi những cái mặt nạ
Phải mang vác suốt cả ngày cả đời
Xin đừng níu giữ tôi
Cho tôi bay với những giấc mơ
Nỗi đau vỡ ra từng mảnh
Dưới nắng vàng chấp chới
Thành nụ cười trinh nguyên
(Chân dung)

Nhưng cuộc đời vốn ẩn chứa bên trong những nghịch lý, phi lý, hệt như ốc đảo cô đơn, càng tận tụy, thủy chung với nó, càng xa vời mờ mịt đắng cay. Càng chống trả bao nhiêu thì sợi dây vô hình càng thít chặt bấy nhiêu. Tại sao vậy? Tại sao với con người này cuộc sống là niềm vui, là trái ngọt, với kẻ khác lại như con dao bén sắc gọt dần đi con tim tràn ngập yêu thương, mơ mộng? Đến nổi: Em dậm gót chân trên dãy phố lát đá nâu/ Mặt đường rớm lệ/ Em vò cánh hoa nhỏ trên tay/ từng ngón tay chảy máu/ Em khóc đầy một dòng sông…Những câu thơ thoáng màu sắc siêu thực ẩn chứa tự đáy lòng niềm ẩn trắc.

Hầu như đời sống đang diễn ra xung quanh không theo chiều thuận trong đôi mắt chị. Đám rước của lễ hội nhộn nhịp ngang qua, bao giờ cũng đầy ắp tiếng cười, mà sao anh ngang qua đời em chỉ là nước mắt, để rồi kết cục:

Đám rước anh qua đời em
Vắng bặt tiếng cười
Gió, lá khô
(Đám rước mùa đông)

Đôi khi người thơ liều lĩnh vùng vẫy như con quỷ nhỏ muốn quay lưng đóng sầm cánh cửa/ mặc ngày xao xác gió/ ta cười với đêm, giải tỏa cho mình trước cơn bão táp định mệnh. Nhưng rồi đâu lại vào đấy, nhàm chán và cũ kĩ.

Thơ Bạch Diệp là thứ thơ cất lên từ nội tâm, từ một trạng thái khủng hoảng, một tinh thần day dứt, vô vọng.

Cuộc đời dẫu không ưu ái, nhưng không vì thế mà chị lên án nguyền rủa. Tiếng thơ như tiếng kêu khắc khoải của loài chim quốc, lời phản tĩnh của kẻ hiền chân, sự nuối tiếc của một tâm hồn trắng trong. Đôi khi chị cật vấn và lý giải: sao người ta không thể dừng đâu đó quá lâu/ cứ vội vã như mùa đã hết/ em ước một khoảng không/ trắng sạch trong em từng ý nghĩ. Ngần ấy, cũng đủ làm người ta thương cảm, chấp nhận cái lẽ khả nhiên của đời sống, dù rằng:

không thể nào dừng lại 
trước sức hút sự rơi
(Khi yêu)

Nỗi đau đã nảy nở sáng tạo, làm nên cái hư ảo, vô thức, siêu hình trong một số câu chữ: Mặt đưòng rớm lệ, Em khóc đầy một dòng sông, Đất rắc ngàn hạt sao dưới chân, Em ngủ ấm áp trong túi áo anh, Vết chân đau từng viên gạch cũ, Mặt đất phập phồng trút hơi thở…Đó là những cộng cảm bản năng ban đầu không dễ gì có được.

Những câu thơ như thế không được nhiều, xét về phương diện nghệ thuật cũng chưa thật đắt và mới, nhưng đó là dấu hiệu của sự lật trở, có ý thức trên bước đường tìm kiếm. Lại nữa, vốn ngôn ngữ, hình ảnh của Bạch Diệp cảm giác có lúc tưởng chừng hẫng hụt. Như đã nói ở trên, chị đến thơ với mục đích làm nơi ẩn náu, hóa giải cho những ẩn ức là chính. Bạch Diệp thường khiêm tốn, chữ nghĩa tôi không nhiều, đó là những gạch xóa, phác thảo về một bức tranh chưa hoàn thiện. Chị cũng không muốn công bố thơ của mình với tư cách một tác giả, như các nữ nhà thơ khác. Nhưng nhờ khích lệ của bạn bè làm thơ cùng lứa, sự động viên của người thân, giúp chị vững tâm hơn.

Vũ điệu lam, tập hợp từ một số in rải rác trên Sông Hương, Văn Nghệ Trẻ, Nhật Lệ…Nhiều bài xuất hiện lần đầu, còn giữ được cái chất hồn nhiên trong trẻo, nguyên bản của tập thơ, là món quà tinh khôi gửi tới độc giả. Tôi tin Vũ điệu lam sẽ mang đến hương vị mới, một điệu ca buồn của tình yêu, neo đậu được trong lòng người đọc.

 

Đồng Hới, 28 / 10 / 2009

 

Hoàng Vũ Thuật
Số lần đọc: 2005
Ngày đăng: 30.06.2016
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những bước gió trong trường ca của Phan Hoàng - Hoàng Thụy Anh
Quê nghèo, nghèo đến xót xa cõi lòng - Nguyễn Bàng
Đọc bài thơ "Quê nghèo" của Đặng Xuân Xuyến - Chử Văn Long
Ẩn tượng bàn tay nhỏ trong mưa (Đọc tiểu thuyết Bàn tay nhỏ dưới mưa của tác giả Trương Văn Dân) - Chế Diễm Trâm
Đi tìm người thấu hiểu hay sự đồng cảm trong thơ nhân đọc - Từ Sâm
Đọc bài thơ " Bạn Quan" của Đặng Xuân Xuyến - Chử Văn Long
Về bài thơ cổ "Nam quốc sơn hà" - Yến Nhi
Trầm Thụy Du - Hoài niệm tuổi thơ và những khúc tình buồn - Mai Bá Ấn
Giá trị truyện cổ tích “Con chim bìm bịp”. - Tuấn Giang
Nhìn nhận nhanh phê bình thơ Việt hậu Đổi mới - Đỗ Quyên
Cùng một tác giả
di sản (thơ)
HVT LÀ AI (tạp văn)
Tháp (thơ)
noel (thơ)
đắng (thơ)