Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.116
123.145.035
 
Một cách "đọc lại" truyện Kiều (Đọc Từ Hải và Ẩn sĩ - Hiếu Tân)
Chế Diễm Trâm

 

           

Nhà văn Hiếu Tân vốn là Kỹ sư cơ khí động lực nhưng lại khá xông xáo trên trường văn trận bút: sách dịch ra mắt đều đều [mà toàn sách “khó tiêu”]; chuyên mục Nhìn ra thế giới trên trang mạng Vanchuongviet.org, mà có lẽ, ngoài ông, chắc cũng không mấy ai hăng hái đảm đương, bởi tính chất phải “kịp thời” và phải “nóng bỏng” của nó. Và, ông còn viết truyện ngắn và tản văn. Tập Từ Hải và Ẩn sĩ của ông là tập truyện ngắn và tản văn – Nxb Văn học, 2011. Tôi đã đọc đi đọc lại với mong muốn phản đối và “bắt bẻ” được tác giả. Song, càng đọc, càng thấy cuốn hút vào cuốn sách bàng bạc chất đối thoại này.

            Tập sách gồm hai phần: truyện ngắn (11 truyện) và tiểu luận (2 bài). Trong đó, có hai truyện (Từ Hải và Ẩn sĩ, Thúy Kiều với người khách lạ) và một tiểu luận (Đọc lại Truyện Kiều) có mối dây liên hệ mật thiết. Dường như tác giả dùng truyện để hình tượng hóa tiểu luận, và lấy tiểu luận để lý giải truyện ngắn. Tất cả đều để thuyết minh cho tư duy nghệ thuật của tác giả về cách tiếp nhận - đồng sáng tạo với tác giả Truyện Kiều.

*

            Mấy trăm năm nay, bao thế hệ người Việt Nam và nước ngoài đã đọc Truyện Kiều, đọc tiếp và đọc lại Truyện Kiều, nghĩ thêm và cả nghĩ lại Truyện Kiều… Tập sách này cũng không nằm ngoài văn mạch cảm tiếp về tuyệt tác của dân tộc theo cách nghĩ, cách nhìn và cách diễn đạt của tác giả.

            Trước hết, ta có thể cảm nhận rõ tình nghệ sĩ của nhà văn Hiếu Tân dành cho thiên tài thi ca Nguyễn Du qua Truyện Kiều với một thao tác tuy không mới nhưng được thực hiện cẩn trọng – thao tác so sánh. Ông luôn phản biện những ai vì quá yêu Nguyễn Du mà gán ghép công sáng tạo cho Nguyễn Du tất thảy. Ông chứng minh rằng, về cốt truyện, Nguyễn Du hầu như theo sát Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân. Cách lập luận của Hiếu Tân là: làm gì có chuyện “Nguyễn Du đã để cho Kiều thế này, Nguyễn Du đã chọn cho Kiều thế kia”, vì đơn giản là “Thanh Tâm tài nhân đã chọn rồi”.

            Tác giả đơn cử bốn đoạn, ở đây tôi xin ghi lại một đoạn, đoạn tả cuộc đối thoại Kiều – Kim:

            “Kim Vân Kiều truyện: “Dĩ lang ái thiếp chi cách ngoại, cố hàm tu dĩ tương tòng, nhược bất cập vu tiết hiệp, sử thiếp vong tình thượng khả lược thi nhan đối quân tử. Nhược tất dĩ thiếp thụ nhục chi thời giả nhục thiếp, thị phi ái thiếp dã, cừu thiếp dã”.

            (Chàng yêu thiếp lối bên ngoài, thì thiếp cố gượng theo chàng, nếu không đến nỗi suồng sã quá trớn, không đến nỗi để thiếp quên tình, thì thiếp có thể mở mặt hầu quân tử. Còn như cứ lấy những điều thiếp đã bị nhục trước đây để sỉ nhục thiếp thì không còn là yêu thiếp nữa, mà là thù thiếp đấy).

            Chỗ này Đoạn trường tân thanh viết thế nào:

            Những như âu yếm vành ngoài

Còn toan mở mặt với người cho qua

Lại như những thói người ta

Vớt hương dưới đất, bẻ hoa cuối mùa

Cũng nhơ dở nhuốc bày trò

Còn tình đâu nữa chỉ thù ấy thôi!”

Từ thao tác so sánh đó, Hiếu Tân đi đến nhận xét kết luận: “có thể thấy Nguyễn Du dịch khá sát nguyên bản của Thanh Tâm tài nhân. Tôi không đồng ý với những người cho rằng Nguyễn Du đã phóng tác ra Truyện Kiều.”

Vậy đâu là giá trị đích thực của Truyện Kiều theo tác giả Từ Hải và Ẩn sĩ? Trong tiểu luận Đọc lại Truyện Kiều, tác giả viết: “Cùng một ý tưởng mà một bên thì cục mịch, thô vụng; một bên thì ý nhị rõ ra ngôn ngữ của người có tâm hồn, và có học”, “Cái khác ở đây là cái khác giữa một câu chuyện kể thường với một kiệt tác văn chương, khác về chiều sâu tâm lý, khác nhau giữa thơ và cái không thơ.” Và “trước mỗi nhân vật, mỗi cảnh ngộ, Nguyễn Du đều bày tỏ bộc trực hay thâm thúy thái độ của mình, và những tâm cảm ấy qua lời thơ mà truyền vào người đọc, người nghe”.

Chẳng hạn, Hiếu Tân bình về tài phân tích, miêu tả tâm lý của ngòi bút cụ Nguyễn Du qua hành động, thái độ nàng Kiều trong hai trường hợp. Lần nàng từ chối Kim Trọng:

Trong cả đoạn thơ 22 câu (từ câu 501 đến câu 522) “Thưa rằng đừng lấy làm chơi … Còn thân còn một đền bồi có khi” – lời nàng Kiều ngăn Kim Trọng giống như một bài thuyết giảng đầy chữ nghĩa, ta thấy nàng là người có suy tư sâu sắc chứ không chỉ nặng tình mà nhẹ lý như có người nhận xét. Cũng là theo những ước lệ về “chữ trinh”, “bố kinh”, “tòng phu” nhưng thấu đáo hơn, nàng cốt giữ tình yêu cho vẹn toàn, những chữ “chán chường”, “rẻ rúng” cho thấy cái từng trải, nhìn xa của một cô gái mới chớm tuổi “cập kê” đã không hoàn toàn là “vị thành niên” nữa”.

Còn trong đêm tân hôn với Mã Giám Sinh: “Về phương diện tình dục, trong suy nghĩ của Kiều, không phải bao giờ cũng chỉ đơn giản một chữ “không”. Trong đêm tân hôn “trớ trêu” với Mã Giám Sinh, Kiều đã hối tiếc: “Biết thân đến bước lạc loài, nhị đào thà bẻ cho người tình chung”, cái ý nghĩ thầm kín nhưng rất táo bạo – ước vọng quyền tự do, làm chủ đối với thân xác của mình – nhất định sẽ bị các nhà đạo đức Khổng giáo kết tội là hư đốn, vì cam chịu và vâng phục mới là chuẩn mực đạo đức mà họ đề ra cho người nữ. Trong hành vi này, Kiều có nét điển hình của người phụ nữ phương Đông: yêu thiên về cho - hiến tặng, không màng nhiều đến nhận - thụ hưởng. Đây cũng là một nội dung chữ TRINH của nàng, ham muốn tình dục được dẫn dắt, định hướng bằng lý trí hơn bản năng.

Từ hai trong số nhiều trường hợp như vậy, tác giả đi đến kết luận: “Để ý đến tính nhất quán trong hành vi, ngôn ngữ, tâm lý của nhân vật Thúy Kiều […] ta càng thêm thán phục thiên tài Nguyễn Du”.

Ngoài ra, có thể thấy, đóng góp nữa của Từ Hải và Ẩn sĩ là cách viết phê bình bộc lộ khí chất của một tác giả dám nói, dám chịu trên tinh thần công khai, cộng với những nhận xét tinh tế và cẩn trọng, đã thêm một cách “đọc lại” kiệt tác Đoạn trường tân thanh – cách đọc mang tính đối thoại - bác bỏ dũng cảm: “Một số lý luận gia “có tinh thần chiến đấu” muốn đi đến một kết luận khái quát đậm màu chính trị, mà Xuân Diệu là một trường hợp điển hình. Trong “Bản cáo trạng cuối cùng trong Truyện Kiều”, chúng ta được thấy mối cảm thương trái khoáy và nhầm chỗ, bởi vì cái “sáng tạo thêm rất lớn” của Nguyễn Du không phải ở “bản cáo trạng cuối cùng” do Xuân Diệu tưởng tượng ra một cách nực cười vì nó không đúng, mà ở hình tượng một nàng Kiều độc đáo, sâu sắc mà sự lựa chọn đã nâng nàng lên cao hơn tầm nghĩ của hàng “nữ nhi thường tình”. Điều đó có được chính là nhờ tài nghệ ngữ ngôn của một Nguyễn Du trác việt.”

*

Cũng trên tinh thần đi tìm tiếng nói riêng của tập truyện ngắn và tản văn Từ Hải và Ẩn sĩ, tôi chú ý hai truyện ngắn và một tiểu luận [đã nêu ở trên]. Dường như tác giả Hiếu Tân rất ưu tư về nhân vật Từ Hải trong mối quan hệ với Thúy Kiều cùng với hệ lụy: anh hùng sao qua nổi ải mỹ nhân? Ở chỗ này, ngòi bút tác giả viết khá cân nhắc với cái nhìn tỉnh táo đến hơi sắc lạnh, công tâm đến hơi tàn nhẫn. Tác giả tuy trân trọng Từ nhưng xót xa cho Từ biết bao!

Với truyện Từ Hải và Ẩn sĩ, Hiếu Tân để cho mưu sĩ kỳ tài Phàn Cự đưa ra cho Từ Hải hai bảo bối trong hai giai đoạn của cuộc đời Từ. Lần thứ nhất, Từ một mình một ngựa đến từ biệt Phàn để ra đi ngược xuôi cho phỉ chí, Phàn chỉ khuyên: “Giữ lấy mình”. Nửa năm sau, trong tay Từ đã có năm ngàn tinh binh và một dải đất lớn kéo dài mấy huyện, Từ đến gặp Hàn cùng với “một người đàn bà đẹp như ngọc, nhưng trong vẻ duyên dáng yêu kiều vẫn hằn một nét buồn thẳm sâu” – Vương Thúy Kiều, Phàn chỉ nói: “Hãy biết mình”!

Bởi thế, từ khi biết “sự tình trong quân” của Từ, nhất là qua cuộc báo oán của Kiều đối với “mấy con mụ chủ chứa, mấy thằng ma cô và một bà vợ cả hay ghen” – chỉ có bấy nhiêu đấy thôi mà Kiều đã “điều một ngàn quân, chia làm hai ngả dưới quyền hai viên tướng” và “trận máu đổ đầu rơi rùng rợn” “làm sởn gáy dân chúng quanh vùng” – Phàn không khỏi “lắc đầu ngao ngán” và quyết tình: “Buồn thay, ngay từ lúc này ta đã nhìn thấy trước cái kết cục không hay. Nhưng thôi, dù hay dù dở, sự nghiệp của Từ chẳng còn đáng để ta bận tâm nữa rồi.”

Bi kịch Từ Hải đã được Hiếu Tân, qua nhân vật Phàn Cự, gọi tên là “bi kịch chưa tự biết mình nên không giữ được mình”, bi kịch người anh hùng đã để sự nghiệp tan tành vì quá tin tưởng người vợ yêu – người mà “lòng nhân hậu thì đã rõ ràng, nhưng vì quá thành công trong việc làm cho đấng phu quân tin vào cái “tài” của mình mà khiến cho mọi sự trở nên rối bét.

Với nhân vật Từ Hải, ngòi bút Hiếu Tân viết tuy không dễ nhưng nhanh, bởi có gì phải khó khăn để diễn tả tấc lòng một người anh hùng chí khí rạch ròi, trái tim yêu ghét cũng rạch ròi nên đã phạm phải sai lầm chết người? Cái chết Từ Hải, theo tác giả Hiếu Tân, là kết cục được báo trước!

Còn với nhân vật Thúy Kiều – nguyên nhân bi kịch Từ Hải – ngòi bút ông, dày công hơn, tuy rằng chỉ là thận trọng sửa sang trong cách viết, còn quan điểm về nhân vật thì khá rõ và nhất quán. Ở truyện Từ Hải và Ẩn sĩ, thái độ của Phàn cư sĩ lần đầu diện kiến với Kiều có thể làm người đọc sửng sốt:

Qua cách thù tiếp của chủ nhân, người đàn bà lịch lãm này hiểu ngay rằng ông ta không ưa mình: đôi mắt ông ta như xoáy vào tâm can, thế mà lời lẽ thì lại rất văn hoa kiểu cách. Về phần Từ, chàng chưng hửng khi thấy bạn không mấy tán thưởng văn tài của người vợ yêu mà chàng rất đỗi kiêu hãnh. Nhưng đó không phải là cái chính. Lúc chỉ có hai người, Từ đùa rằng đã không chỉ theo đúng lời khuyên của bạn (hãy giữ mình) mà còn làm được hơn thế nữa! Phàn chỉ nói: Anh lầm! Nhưng trong bụng nghĩ: “Than ôi, đem cái tâm của mình mà sánh với tâm của Kiều, Từ đã tự rút ngắn mình đi biết bao nhiêu. Giữ mình ư? Trọn vẹn làm sao được, một khi còn chưa tự hiểu được mình?”.

Với truyện Thúy Kiều với người khách lạ, tác giả bắt đầu bằng mấy vần thơ của Tản Đà thi sĩ:

Đôi hàng nước mắt đôi làn sóng

Nửa đám ma chồng, nửa tiệc quan,

Tổng đốc ví thương người mệnh bạc

Tiền Đường chưa chắc mả hồng nhan.

như một cách ngầm đối thoại với độc giả về nhân vật Vương Thúy Kiều.

Toàn bộ câu chuyện xoay quanh tình huống tỉnh thức của Kiều về “cuộc đời cũ, cuộc đời phía bên kia” gắn với công - tội khi hồi tưởng đoạn đời sống với Từ, khi khuyên Từ ra hàng và nhất là sau khi Từ Hải chết.

Thì đây, công của nàng chỉ bấy nhiêu đây thôi: “Tôi từng nghe, lúc đầu, nhờ có bà, trong tướng phủ, những đội quân ô hợp của Từ dần dần trở thành nền nếp, việc ra nghiêm lệnh cấm bắn giết hà hiếp dân lành, dân chúng đều biết, đó là nhờ ơn của bà. Tôi đã có lúc nghĩ bà là lương tri của Từ Hải.”

Còn cái chưa được - cái mất của Kiều đầu tiên đó là cuộc báo ân báo oán, “có cảnh đầu rơi máu chảy, giữa thanh thiên bạch nhật, mà phu nhân ngồi làm chủ”. Ngay Kiều khi nhớ lại cũng phải thừa nhận: “Tôi nghĩ đó là một nỗi ô nhục lớn, không ai bắt mình phải chịu, mà do chính mình gây ra”.

Dưới ngòi bút phân tích sắc, lạnh vào tận cùng vấn đề, nhà văn Hiếu Tân chỉ ra nguyên nhân sai lầm chết người đó của Kiều là do… Từ Hải – một “con người hành động, ít suy nghĩ, ưu tư”!

 Hãy nghe lời người khách lạ phân tích: “Nếu Từ Hải không mạnh đến thế, tự do của bà sẽ nhỏ hơn. Tự do vừa đủ là tự do tối thiểu và chính đáng: đó là tự do làm người đúng nghĩa một con người, đồng thời không xâm phạm tự do của người khác. Kẻ có tự do quá mức, tự do vô tận, chính là kẻ đi cướp tự do. Kẻ có quyền trong tay thường tưởng mình quá tự do: thực ra họ đã cướp đoạt tự do của người khác mà có.

Có nghĩa là, nếu Từ Hải không “bên ngoài thì kiêu dũng nhưng khi thường lại hồn hậu ngây thơ như đứa trẻ”, không trao cho Kiều cái quyền được tự do đền ơn trả oán; nếu Từ Hải không để cho Kiều mượn oai hùm của mình thì Kiều đã không có cơ hội “hả hê”, “nhỏ mọn” bắt những người đã từng đày đọa mình phải rạp mình, dập đầu chịu tội và rơi đầu. Như thế, vì quá yêu Thúy Kiều, Từ Hải đã để nhầm chỗ trái tim. Đó là bi kịch đánh mất mình của Từ Hải.

Đỉnh điểm của bi kịch Từ là đã nghe lời Kiều ra hàng. Tác giả Hiếu Tân nhận thấy sự không đồng điệu trong tâm tư sâu kín của hai người vốn được bạn đọc mấy trăm năm nay mặc nhiên thừa nhận là “tâm phúc tương tri”:

Với Từ Hải: Dọc ngang nào biết trên đầu có ai

Thì nàng có câu: Ai ai cũng đội trên đầu xiết bao

Với Từ Hải: Vào luồn ra cúi công hầu mà chi

Thì nàng đã có lý lẽ: Công danh ai dứt lối nào cho qua

v.v…

Thật là ông nói gà bà nói vịt.”

Hoặc:

Từ Hải: Bó thân về với triều đình / Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu?

Kiều: Cũng ngôi mệnh phụ đường đường / Nở nang mày mặt rỡ ràng mẹ cha.”

Thì ra, Từ và Kiều là “hai hướng suy nghĩ ngược chiều nhau về cùng một khía cạnh của vấn đề: viễn cảnh của giải pháp ra hàng. Cuối cùng thì chàng đã nghe nàng và…ra hàng, và chết! Nếu lần này Từ Hải quyết đoán hơn và không nghe cái tâm sự nữ nhi thường tình kia, thì  sự nghiệp của Từ chưa biết thế nào, […] có thể cũng sẽ tan vỡ nhưng mối tình hai người chắc không chia lìa, và cái ước nguyện: “thà cùng sống chết một ngày với nhau” chắc có cơ thực hiện được”.

Sai lầm nữa của Kiều là khi Từ Hải đã chết, nàng đã “lê mình dưới chân Hồ Tôn Hiến”, “cầu xin sự thương hại nơi Hồ Tôn Hiến, thậm chí còn có thể trở thành thê thiếp của hắn” để sau này nghĩ lại, chính Kiều cũng thấy đó là “nỗi ô nhục lớn nhất từ khi cha mẹ sinh ra, là lúc cúi mình cầu xin ấy”.

Bi kịch quãng đời Kiều gắn liền với người anh hùng Từ Hải, trong lý giải của Hiếu Tân, là bi kịch “u mê mù lòa”, không tự chủ hành vi, ý nghĩ của mình nữa, không còn là mình nữa, vì thế “thật đáng thương”, thậm chí còn “tệ hơn cả hơn cả cái chết”!

*

            Trong tập Từ Hải và Ẩn sĩ có một tác phẩm ngắn tưởng chừng không gắn kết với nội dung luận bàn của tiểu luận này nhưng tôi khó có thể bỏ qua, vì hình như nó phản ảnh khá rõ quan điểm sáng tác của tác giả Hiếu Tân: Nô tài thi sĩ.

Ban đầu, tôi ngờ ngợ: Nô tài thi sĩ phải là một tạp văn mới đúng, vậy nhưng tác giả xếp nó vào truyện ngắn! Đọc kỹ, tôi thấy có một nhân vật được gọi là “”. Nô tài thi sĩ là nhân vật tưởng như hư cấu, hóa ra hoàn toàn có thật, 100% là sự thật, thật bằng xương bằng thịt. Đừng có tưởng tác giả bịa ra nhé. Và đừng có tưởng “” là số ít, là ai đó, là không có ta trong đó. Trong cái thời “đồng thanh đồng phục về tư tưởng”, sự nô lệ về tư tưởng, không dám phản biện những quan điểm của các quan chức văn nghệ không phải là không có.

Vì thế, tôi cho rằng, Từ Hải và Ẩn sĩ  [trong đó có hai truyện ngắn và một tiểu luận về Truyện Kiều] là cách nhà văn Hiếu Tân bộc lộ quan niệm, quan điểm về bệnh “nô tài văn sĩ”, ngay cả khi tiếp nhận một tác phẩm vào hàng kinh điển, tưởng chừng như không còn gì để bàn lại nữa như Đoạn trường tân thanh của đại thi hào Nguyễn Du. Nhất là khi xung quanh nó đã có rất nhiều những công trình nghiên cứu của người đi trước, đặc biệt là những bài “viết như phán” của một [một vài] tác giả nổi tiếng nào đó.

Thâm thúy, cá tính thay ngòi bút Hiếu Tân với Từ Hải và Ẩn sĩ!

 

Tháng 6 / 2016

Chế Diễm Trâm
Số lần đọc: 3171
Ngày đăng: 04.07.2016
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vũ điệu Lam - Điệu ca của nỗi buồn (Nhân đọc tập thơ của Bạch Diệp - Nxb Văn Học 2011) - Hoàng Vũ Thuật
Những bước gió trong trường ca của Phan Hoàng - Hoàng Thụy Anh
Quê nghèo, nghèo đến xót xa cõi lòng - Nguyễn Bàng
Đọc bài thơ "Quê nghèo" của Đặng Xuân Xuyến - Chử Văn Long
Ẩn tượng bàn tay nhỏ trong mưa (Đọc tiểu thuyết Bàn tay nhỏ dưới mưa của tác giả Trương Văn Dân) - Chế Diễm Trâm
Đi tìm người thấu hiểu hay sự đồng cảm trong thơ nhân đọc - Từ Sâm
Đọc bài thơ " Bạn Quan" của Đặng Xuân Xuyến - Chử Văn Long
Về bài thơ cổ "Nam quốc sơn hà" - Yến Nhi
Trầm Thụy Du - Hoài niệm tuổi thơ và những khúc tình buồn - Mai Bá Ấn
Giá trị truyện cổ tích “Con chim bìm bịp”. - Tuấn Giang
Cùng một tác giả
Tạ Ơn (truyện ngắn)
Mép Nước (truyện ngắn)
Mỏng Như Cánh Chuồn (truyện ngắn)
Bìm bìm mãi tím (truyện ngắn)
Cái cột điện (truyện ngắn)
Họ Chế (tiểu luận)
Chạp yêu (truyện ngắn)