(Tập thơ Cỏ của Hồ Việt Khuê, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam- do Nxb Hội Nhà văn vừa phát hành đầu tháng 7/2016)
Nếu mãi có cái nhìn quen thuộc với Hồ Việt Khuê là một nhà báo với những bài phóng sự điều tra nổi tiếng trên báo Tiền Phong hay là tác giả của các tập truyện ngắn viết cho tuổi thơ, cho thuở mộng mơ… thì dễ vô tình với dòng thơ hồn nhiên về tình yêu lãng đãng một thời.
Từ trong góc khuất của tâm hồn bất chợt hiện ra một bóng dáng đến ngẩn ngơ nhưng anh vẫn nhủ với lòng mình “Anh sẽ đợi như kiếp nào vẫn đợi/ Dù muộn màng dù tóc đã phai thu/ Bởi tình yêu không bao giờ có lỗi/ Ta đợi nhau một nụ hôn đầu”(trong Tình Yêu Không Có Lỗi Bao Giờ). Thật là tinh tế nhưng bằng ngữ điệu dung dị mà như ru như mật ngọt khi nhắc lại chuyện ngày xưa tưởng rất đỗi bình thường, nhưng đặt mình là người trong câu chuyện tình đó mới thắm thía nỗi đau nỗi xót dường nào. Anh nhớ lại: “Em và Đà Lạt nhớ miên man/ Trong mưa da diết tình như đã/ Héo rũ lòng tôi những muộn màng” (trong Muộn Màng). Thời trẻ trong tình yêu là hoa là mộng, Hồ Việt Khuê cũng chết điếng một cách dễ thương: “Lửa vội tắt khi thư còn nửa mảnh/ Thương tình tôi ngọn lửa cũng đau” (trong Những Tờ Thư Cũ). Ngọn lửa mà cũng biết đau, quả là nỗi đau còn hơn cả buốt giá hơn cả tái tê, nhưng với thời gian để rồi còn trong ký ức: “Một thời anh mộng xa xăm/ Đêm nay anh mộng được cầm tay em”. Trong anh tình yêu thơ ngây như cỏ mượt, chỉ một giọt sương thôi cũng làm “rưng rưng hương tưởng nhớ” bởi sâu kín trong anh một bóng hình có thể là thật, có thể chỉ là một thoáng hương tình trễ muộn:“ Mùa sau xuân vườn Trinh/ Bài dở dang biến tấu/ Thức trong ta mộ tình” (trong Khúc Biến Tấu Mùa Xuân”.Có lúc anh dặn mình mạnh mẽ “Thưa em, anh vẫn khù khờ/ Yêu ai tin cả vu vơ đất trời/ Tin rằng tình bạc như vôi/ Thành quy luật vẫn chừa đôi đứa mình” (trong Thưa Em) nhưng người đọc vẫn cảm nhận nỗi xót xa đâu đó.
Không phải đến bây giờ tôi mới đọc được những bài thơ trong tập “Cỏ” này, gọi là tác phẩm thơ đầu tay của Hồ Việt Khuê, mà thơ anh xuất hiện rải rác trên các trang thơ của nhiều tạp chí văn nghệ, tuyển tập rất bề thế từ nhiều năm trước đây. Năm 1973, trên một tạp chí văn nghệ ở Miền Nam, với bút hiệu Hồ Tà Dôn, lúc đó anh 21 tuổi đã có những câu thơ rất đẹp: “Giận đời ghê cứ mưa, mưa/ Hồn tôi đã ướt chưa vừa người sao/ Có mưa, mưa ướt đôi đầu/ Đừng mưa ướt một mình tôi đau lòng” (trong Chiều Đụt Mưa Ở Chợ Mũi Né). Hồ Việt Khuê đã định hình cái tên của mình trên 4 tập truyện ngắn Chiếc áo bà ba cổ trái tim, Chia tay Đồi Dương, Biển ngọt ngào, Hoa mai nở đúng giao thừa và hàng chục truyện ngắn thể loại 1200 chữ trên báo Tuổi Trẻ chủ nhật những năm gần đây dù với một phong cách viết mang tính liên hệ đời sống xã hội hay cho thế giới tuổi thơ cũng đượm đầy sự hồn nhiên tươi rói trong anh. Thơ Hồ Việt Khuê qua tập “Cỏ” coi như là một cõi riêng của nỗi niềm, hay theo cách nói “chuyện bây giờ mới kể” cũng không sai!