Hình ảnh từ Google
*Tóm lược nội dung tham luận
1.Khái niệm gia đình học.Nguồn gốc hình thành gia đình.
2.Mô hình gia đình truyền thống Việt Nam.
Nội dung, trình bày gia phong, nề nếp văn hóa ứng sử, luật tục gia đình truyền thống của người xưa.
3. Mô hình gia đình thời kinh tế thị trường.
Nội dung: Điểm qua các loại mô hình gia đình. Giới thiệu những trào lưu lối sống thời hội nhập từ ngoài tác động vào giới trẻ, phá vỡ mô hình gia đình truyền thống thiết lập mô hình gia đình mới, du nhập lối sống ứng sử thời toàn cầu hóa.
4.. Lối sống gia đình thời đại mới.
Lối sống tiện nghi, thực dụng trong xã hội tiêu thụ, hướng đến giản pháp xây dựng gia đình bền vững an sinh xã hội.
*Kết luận: Gia đình là điểm tựa hạt nhân phát triển con người.
1.Nguồn gốc gia đình.
Gia đình, là nhóm thành viên quan hệ huyết thống hoặc ngoài dòng máu, sống chung dưới một mái nhà theo trật tự quy ước do người đứng đầu đặt ra mang tính truyền thống lịch sử gia tộc. Gia đình nơi đáp ứng nhu cầu sinh hoạt mỗi thành viên, cấu trúc xã hội cộng đồng riêng biệt của một nhóm người. “Gia đình[1]( Family), một công cụ liên hệ con người với xã hội, hình thành sớm trải qua quá trình phát triển lâu dài”.
Gia đình, hình thành từ hai yếu tố âm dương: Nam+nữ. Mỗi con người một giới tính khác nhau, qua hôn nhân do cộng đồng xã hội công nhận hợp thành sự phát triển gia đình. Vì là một nhóm xã hội, nên cấu trúc gia đình gồm các thành viên: Ông bà, con cháu, chắt, chút… cả những người trong hoặc ngoài huyết thống được gia đình nuôi dưỡng tuân theo nền tảng giáo dục là một gia đình. Mỗi thành viên gắn bó tự nguyện theo quan hệ trách nhiệm, quyền lợi như câu: “Máu chảy đến đâu ruồi bâu đến đấy”, hay “Mẹ đau con xót”! “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Dưới các triều đại phong kiến Việt nam, gia đình do xã hội công nhận hình thành lịch sử các dòng tộc. Mỗi dòng tộc viết gia phả gia đình để lại lịch sử tiếng thơm cho con cháu đời sau, nhìn gương cha ông mà học tập vươn lên xứng danh con cháu Lạc Hồng. Đây là mô hình cấu trúc gia đình truyền thống người dân Việt, trải ngàn năm lịch sử để lại gương sáng muôn đời. Ngày nay, quan hệ gia đình từ hôn nhân do Nhà nước công nhận, nhưng không quên những mối quan hệ khác: Hàng xóm, láng giềng, gia tộc, cộng đông dân cư công nhận. Vì thế, lâu nay còn giữ tục: Giạm ngõ, hỏi cưới. Dù hôn nhân giữ làm nền tảng gia đình, nhưng đã có những thay đổi trong khái niệm gia đình học. Xuất phát từ thay đổi cấu trúc xã hội Việt Nam, khái niệm gia đình học mở rộng nội dung: Gia đình, hộ gia đình. Đây là những thay đổi cơ bản khái niệm gia đình học truyền thống. Hộ gia đình có thể là những cặp vợ chồng do hôn nhân hình thành gia đình, nhưng nhiều khi hộ gia đình là người độc thân, một nhóm nữ, nhóm nam sống với nhau không quan hệ huyết thống gia tộc. Dù sống chung dưới một mái nhà nhưng hộ gia đình hiểu thành một khái niệm: Nhóm người, một người, nhiều người sống tập thể theo quy ước tương đối nhường nhịn nhau cùng tồn tai. Mỗi thành viên biết dẹp bớt cá tính tự do, ham muốn sở thích cá nhân khép mình vào nội quy sống tập thể. Khái niệm hộ gia đình thay đổi ngữ nghĩa từ chữ hộ, khác chữ gia đình. Hộ[2] gia đình đã trở thành phổ biến không phải gia đình, từ điều kiện kinh tế, lao động học tập, một nhóm người ghép ở chung do cơ quan quản lý nhân khẩu và dân số. Khái niệm hộ gia đình, còn nhiều ý kiến kháu nhau không đồng nghĩa với quan niệm xã hội học gia đình. Hộ gia đình mở ra một trật tự gia đình không quan hệ huyết thống, không sinh con vẫn tạo ra một hình mẫu gia đình: Hai ông bà đơn thân sống dưới một mái nhà, một đôi nam nữ sống thử mà chủ hộ là nam, hoặc nữ đứng ra bao bọc một người, giữa họ là quan hệ “vợ chồng” nhưng không hôn thú, chẳng cần ai công nhận…Thời kinh tế mở, nhiều mô hình gia đình học mới xuất hiện, gia tăng các hoạt động xã hội gia đình hạt nhân tồn tại, phát triển theo nhu cầu kinh tế, đời sống tình cảm cá nhân mỗi con người.
Khái niệm gia đình học Việt Nam từ truyền thống đã thay đổi theo cấu trúc xã hội, phát triển nhiều mô hình gia đình. Mô hình gia đình truyền thống bị phá vỡ, thiết lập nhiều nhóm xã hội chung sống dưới một mái nhà. Mô hình gia đình xã hội học Việt Nam cần tìm lại mực thước truyền thống dân tộc để bảo tồn, phát triển văn hóa con người mới, xây dựng mô hình gia đình thời kinh tế thị trường tồn tại bền vững.
2.Mô hình gia đình truyền thống việt Nam.
Gia đình truyền thống Việt Nam tồn tại trên ngàn năm lịch sử, sống theo quan hệ huyết thống dòng tộc. Xã hội Việt Nam xưa còn tồn tại hai chế độ: Mẫu hệ và phụ quyền. Hiện nay, các dân tộc Tây Nguyên đa số đồng bào theo chế độ mẫu hệ như người KHo, EDe, Ra Glai, Người Chăm… một số người Brâu, Khơ Mú theo song hệ. Người Việt theo phụ quyền, người đàn ông đứng chủ gia đình thường quyết định mọi công việc.
Trong bài viết này, xin bàn riêng mô hình gia đình truyền thống người Việt theo chế độ phụ hệ, người chồng toàn quyền quyết định công việc trong gia đình mọi người phải nghe theo. Người con Trưởng trong gia đình, là người cao tuổi nhất gọi là Tộc trưởng, hoặc Trưởng họ. Mô hình gia đình truyền thống từ ba đời, gọi là Tam đại đồng đường, tiếp đến Tứ đại, Ngũ đạị. Thông thường ba đời sống chung dưới một mái nhà, theo đạo đức gia phong từng gia đình có gia pháp theo phương cách giáo dục riêng, các giai tầng: Hạng thượng lưu, trung lưu, hạ lưu. Những người hạ lưu tầng lớp nông dân lao động ít học, sống theo “đất lề quê thói” , ít đi xa khỏi lũy tre xanh. Dưới các thời đại xã hội phong kiến Việt Nam hầu hết là nông dân, tầng lợp tiểu thương, nho học rất hiếm, nền giáo dục gia phong chủ điểm ảnh hưởng nho giáo, Phật giáo. Số đông người nông dân học thấp, đa số không biết chữ nhưng truyền thống văn hóa ứng xử gia đình, xã hội lại văn hóa, văn minh đôn hậu tình người. Xã hội ngày nay, nhiều người phải tu tâm học hỏi văn hóa lối sống, nghệ thuật ứng xử hình mẫu gia đình truyền thống người Việt xưa. Phong tục người Việt ra đời từ các hình mẫu gia đình, gia tộc để lại nhiều châm ngôn giáo dục nhân cách con người văn hóa, kinh nghiệm sống: “Đói cho sạch, rách cho thơm”, “Rế rách phải giữ lấy lề”, “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”, “Mất bò mới lo làm chuồng”, “Trứng để đầu đẳng”, “Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”… Người nông dân Việt Nam xưa để lại dấu ấn một nền văn hóa hình mẫu gia đình phong giáo, nền nếp gia phong xây dựng con người hướng thiện. Nhiều tập tục văn hóa đến nay nếu bỏ đi, là đánh mất bản tính người dân đất Việt. Người nông dân ngàn đời sống khép mình trong lũy tre làng, hình thành lệ thức văn hóa tâm linh, kinh nghiệm sản xuất canh nông trồng lúa, hoa màu, ra đời cấu trúc hệ thống các loại hình nghệ thuật sông nước vùng đồng bằng gắn với tục lệ gia đình. Mô hình gia đình học truyền thống người Việt, tồn tại nhiều tục lệ văn hóa: Cúng giỗ tổ tiên, giạm ngõ, hỏi cưới, quan hệ tình làng nghĩa xóm: “ Sớm lửa tối đèn có nhau”, “Tiếng chào cao hơn mâm cỗ”, hoặc “Có đi có lại, mới toại lòng nhau”… Những mối quan hệ văn hóa ứng xử, lối sống gia đình ghi lại nhiều câu phong dao hình thành hệ thống giáo lý gia đình thiết chế nền tảng đạo đức xã hội. Các gia đình dựa trên nên tảng luân lý đạo đức lưu truyền từ đời này sang đời khác, giáo dục con cháu sống tôn ty trật tự có nghĩa vụ được hưởng quyền lợi. Gia đình nào có người vi phạm luật tục bị người làng kinh rẻ, xấu hổ không dám đi ra đường. Người dân xưa rất biết trọng danh dự, không ai dám tự ý làm bừa, coi thường dư luận, vi phạm gia phong, hương ước sống luật tục làng xã.
Mô hình gia đình truyền thống Việt Nam hiện nay còn tồn tại những khu phố cổ Hà Nội, một số làng cổ các vùng quê. Mô hình ấy biểu thị trong một gia đình còn tồn tại: Tam đại Đồng đương, Tứ đại Đồng đường…Nhiều gia đình ba đời phổ biến: Ông bà, con cháu sống chung trong một gian nhà, hoặc ngôi nhà có sân vườn, hàng cau, cây khế bờ ao, giếng thơi, cây mít, nhà ngói sân gạch. Những gia đình bậc trung lưu này, họ giáo dục con cháu bài bản nghiêm khắc, dạy từng “Lời ăn, tiếng nói”, văn hóa ứng xử làm người. Sao cổ phương gọi là “lời ăn”, bởi trước khi ăn phải có nhời. Người con dâu, con đẻ (là con gái) thường ngồi hai bên đầu nồi cơm, khi bê bát cầm đũa lên phải mời ông bà cha mẹ. Khi ăn không được gắp trước bất kể món nào, ông bà cha mẹ gắp xong mới đến lượt con trai, con gái, sau cùng mới đến con dâu. Gia đình người Việt coi trọng bữa cơm, bao giờ cũng phải đợi đủ người mới ăn. Con dâu không ngồi ăn cơm với bố chồng, có gia đình con dâu và người ở ăn sau cùng ở dưới bếp, không được ăn cơm trước bố mẹ chồng…Mỗi giai đình một luật lệ giáo dục con cháu riêng, phân biệt ngôi thứ mang tính phong kiến. Nhưng từ những nét văn hóa truyền thống này, các gia đình xưa đã ngăn chặn nhiều hành vi tội ác, giữ cho mái ấm tình thương, xóm làng hòa thuận, vợ chồng hạnh phúc trăm năm. Các gia đình hiếm, hoặc không diễn ra những vụ to tiếng xô sát, làm hàng xóm mất ăn, mất ngủ, bị tra tấn như thời nay ở nhiều khu tập thể.
Mô hình gia đình truyền thống Việt Nam để lại một hệ thống văn hóa ứng xử, giáo dục lối sống làm người chăm chỉ, cần cù nhẫn nại, biết tôn ty trật tự-Hành xử văn hóa. Mô hình gia đình ấy phát triển cùng nền kinh tế xã hội nông nghiệp, hình thành nhiều đức tính nhân cách con người Việt Nam: Thật thà, chân tình đôn hậu, tốt bụng, nhân ái bao dung. Những người sinh ra trong môi trường gia đình gia giáo, họ thừa hưởng nhiều đức tính truyền thống con người hướng thiện, xã hội vui khỏe bình an.
3.Mô hình gia đình thời kinh tế thị trường.
Nền tảng mô hình gia đình truyền thống Việt nam không mất đi, nhưng đang bị phá vỡ thất truyền hệ thống giáo dục tôn ty trật tự nếp sống văn hóa. Sự hội nhập kinh tế văn hóa, nghệ thuật toàn cầu đang quốc tế hóa gia đình, làm biến đổi lối sống văn hóa đạo đức con người, xuất hiện nhiều mô hình gia đình thời đại mới. Đây là nguyên nhân ra đời các hình thức sinh hoạt đối nghịch mô hình gia đình truyền thống. Thời hội nhập quốc tế hóa tất cả: Hàng hóa theo mã vạch, âm nhạc hát chung Rock, Rap, Hiphop, EDM, nhà chung cư cao tầng, thẻ từ…Dù hội nhập quốc tế hóa gia đình, vẫn còn nét riêng mỗi gia đình, các quốc gia dân tộc mang bản sắc gia tộc khác biệt.
Sự phát triển như vũ bão các khu kinh tế công nghệ cao, chuyển các làng quê bỗng chốc trở thành người thành phố. Văn hóa văn minh đô thị chưa ra đời kịp bước chuyển từ làng lên thành thị, mọi sự giao lưu tiếp nhận không cơ bản thiếu nền móng tri thức. Lớp người mới cùng một lúc tiếp nhận nhiều chiều văn hóa ứng xử: Văn hóa đô thị, văn minh “dân chủ phương Tây”, văn hóa gia đình truyền thống đứt gãy trở thành cổ hủ, không đáng lưu giữ quan tâm. Đây là nguyên nhân đẫn đến con người hành động mất phương hướng, cực đoan tội lỗi gây ra nhiều tệ nạn xã hội. Muốn thực hiện tự do dân chủ tại các nước phát triển Mỹ và phương Tây, họ có cả hàng trăm năm thực hiện sửa đổi luật pháp, lối sống hành vi con người đến nay còn tiếp tục chỉnh sửa để phù hợp thực tiễn đời sống xã hội. Đất nước ta mới thoát ra từ nông nghiệp lạc hậu, sau đổi mới, kinh tế chắp vá, nhiều đứt gãy văn hóa truyền thống, đòi hỏi “tự do dân chủ” là điều không tưởng. Trình độ dân trí còn phải nâng cao nhiều cùng nền kinh tế thị trường, người dân mới đủ bản lĩnh tiếp thu văn hóa văn minh phương Tây thời hội nhập. Một thực tiễn chứng minh sự tiếp thu lối sống giới trẻ từ nước Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản vào Việt Nam. Các trào lưu sống những năm đầu thế kỷ XXI:
Emo: Mọi việc khác người không cần chuẩn.
Xăm đá (tattooed rock).
Trào lưu tự hành xác (mortify).
Trào lưu Confes Sion (Thú tội).
Sống bụi ( Hippy-Yup Pie).
Trào lưu tự xướng ( Sello Tapesel Fies).
Trào lưu Keepcalmand do Something (Hãy bình tĩnh…)
Trào lưu Kiyomi ( Hát nhảy đường phố)…
Chỉ trong hai năm 2013-2014, giới trẻ Việt tiếp nhận 40 trào lưu lối sống mới. Năm 2015-2016 trên 30 trào lưu sống thâm nhập giới trẻ Việt: Hôn trộm (Kiss theft) , Xem ảnh đoán tuổi, Cô dâu tám tuổi, Cô dâu ngàn tuổi, Nhái thương hiệu, Thời trang Váy, cài khuy trắng phía trước, Đồng âm khác nghĩa, Võ Mỵ Nương, Hôn nhân đồng tính…Những trào lưu sống mới náo loạn giới trẻ, nhiều biến thái tiêu cực như tự hành xác cắt sẹo trên tay, xăm mình bẩn thỉu, trào lưu Thú tội, biến thái kể chuyện hài hước trêu trọc thày giáo…Những trào lưu lối sống này tràn vào xã hội Việt Nam phá vỡ đạo đức, lối sống dân tộc chăm chỉ dịu hiền, cần cù nhẫn nại… ở lớp người mới, biến họ thành kẻ kinh đời khác người, chuẩn không cần chỉnh…Đây là nguyên nhân dẫn đễn các cuộc hôn nhân vội vã, sống tạm, sống ngoài giá thú, ly hôn phổ biến ở mọi lứa tuổi: Tuổi teen, U40-50, tuổi 70-80 xã hội xưa không có, nay lại tan đàn sẻ nghé. Ly hôn, là một trong các nguyên nhân thay đổi mô hình gia đình. Từ văn hóa lối sống đến phát triển kinh tế thị trường, đô thị hóa nông thôn ra đời nhiều mô hình gia đình thời kinh tế văn hóa thị trường thời toàn cầu hóa.
Mô hình gia đình thời kinh tế thị trường diễn ra phổ biến tại Hà Nội, các vùng quê đổi mới. Trong các xã hội truyền thống Việt Nam, người phụ nữ sinh đẻ nuôi con, đảm việc gia đình, họ không thể ly hôn tự do bởi như một điều cấm kỵ thuộc về nhân cách người phụ nữ. Bây giờ họ tự do lựa chọn, ly hôn tự do từ tiếp nhận lối sống xã hội, kinh tế thực dụng thời nay. Giai đoạn phát triển kinh tế thị trường làm thay đổi tân gốc nền tảng gia đình, vị dụ tại xã Xuân La, xã Xuân Đỉnh, trước kia một gia đình tam tứ đại đồng đương, ông bà con cháu, chắt sống dưới một mái nhà rộng 300m2, nửa hoặc một ha. Nay mở đường, con cháu đòi chia nhà, chia đất chiếm giữ mặt đường mở hiệu kinh doanh… xuất hiện mô hình gia đình mới. Gia đình thời kinh tế thị trường nhiều biến đổi các mẫu:
1.Mô hình gia đình một vợ một chồng, một hoặc hai con- không ông bà, anh em dưới một mái nhà.
2.Ông bà già đơn thân, hoặc hai ông bà già tự chăm sóc nhau- Con cháu ở chỗ khác. Gia đình nào cha mẹ biết ăn ở công bằng thì chủ nhật, tháng đôi ba lần con cháu về thăm đầy nhà liên hoan vui nhưng ông bà mệt đủ đương. Gia đình nào cha mẹ đối sử bất công, con để bố mẹ chết thối, tại không ít khu tập thể sảy ra hiện tượng trên, từ Bắc vào Nam. Ngoại Bắc, khu tập thể Thanh Xuân Nhà C1, phố Lê văn Hưu nhiếp ảnh Từ Linh...
3. Mô hình gia đình sống ngòai giá thú xuất hiện mọi lứa tuổi, về mặt hôn nhân gia đình không được pháp luật Nhà nước công nhận nhưng hiện tượng này đang diễn ra khá nhiều trong xã hội đương đaị.
4. Mô hình gia đình động tính…
5. Gia đình nhóm, gọi là hộ gia đình.
Gia đình thời kinh tế thị trường thay đổi căn bản hình mẫu gia đình truyền thống Việt Nam tại các khu công nghiệp, thành phố, vùng nông thôn đô thị hóa. Những thay đổi tận gốc nền tảng văn hóa gia đình Việt Nam truyền thống, làm băng hoại nhân cách lớp người xã hội thời kinh tế thi trường. Họ sống thực dụng trong xã hội tiêu thụ, thiếu trang bị văn hóa đạo đức truyền thống sống “tự do dân chủ” ngoài vòng pháp luật dẫn đến các tệ nạn xã hội. Hình mẫu gia đình hiện nay đang diễn ra nhiều bất ổn, nhưng lối tư duy thành tích, người quản lý gia đình chưa thay đổi. Một số dự án ở địa phương: Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam từ năm 2010 đến 2020, báo cáo thành tích nổ như pháo hoa ngày tết, toàn lời có cánh bay xa. Nhưng vào thời gian ấy lại xuất hiện một nghịch lý: Thành tích đạt gia đình văn hóa tăng cao, thì nạn bạo lực vợ con, người làm thuê… lan rộng khắp cả nước nêu trên các phương tiện phát thanh truyền hình như một lời kêu gọi ngăn chặn hình vi bạo hành gia đình. Xin hãy thông tin chung thực, nhìn thẳng vào sự thật để sửa chữa, khắc phục những tiêu cực xã hội hiện nay. Giáo dục thế hệ trẻ đầu tiên từ nền tảng văn hóa gia đình, sau mới đến xã hội, đoàn thể quần chúng, chính quyền. Gia đình là hạt nhân phát triển con người xây dựng xã hội tương lai.
4.Lối sống gia đình thời đại mới.
Lớp người thời kinh tế thị trường sống tiện nghi, thực dụng, tốc độ, thức ăn nhanh: Macdonald, cơm văn phòng, hàng hiệu, mốt siêu thị thời trang…Đây là lối sống thường trực giới trẻ hôm nay, đa phần nghĩ về mình tiến đến chủ nghĩa “Mackeno”-Vô cảm. Tuy vậy, những hình ảnh gương người tốt còn nhiều, các phong trào “Làm sạch biển”, “Đi bất cứ nơi đâu Tổ Quốc cần”, “Hiến máu cứu người”, “Sống vì cộng đồng”, “Cặp lá yêu thương”… nhưng chưa thành bão cuốn đa số giới trẻ bay theo.
Lớp người mới quen đòi hỏi hưởng thụ, thích lao động ít công sức thời gian lại thu tiền nhiều, đây là con đường dẫn đến tội phạm các tệ nạn xã hội. Những mẫu người nghiêm túc, họ làm gì? Vùi đầu học tập, chạy đua bằng cấp, chạy đua quan chức, chạy đua kiếm tiền. Số khác đắm mình cơ bạc đỏ đen, ăn nhạu say xỉn, tạo sicandan làm người nổi tiếng. Cái rế rách phải giữ lấy lề nay tan thành mây khói, họ sống bất cần đời. Bởi Tôi đang sống! Tôi tồn tại: “Cứ sai đi vì cuộc đời cho phép”, tuyên ngôn lời một bài hát giới trẻ phát trên truyền hình. Nếu cứ nói nhiều đến hiện tượng tiêu cực nhiều người không muốn nghe, bởi sẽ là kẻ phá đám, nhưng hãy nhìn thẳng vào sự thật để tìm ra giải pháp xây dựng gia đình hạnh phúc, không chạy theo thành tích, khuyên dạy những lời giáo điều không phù hợp lớp người trẻ hôm nay. Nên giải pháp xây dựng gia đình hiện nay là:
1.Nâng cao văn hóa dân trí các bậc cha mẹ, con cháu từ mẫu giáo đến tuổi học đường.
2.Giáo dục phát huy truyền thống văn hóa ứng sử gia đình truyền thống Việt Nam, từ các áng ca dao trong tuổi trẻ học đường và gia đình.
3.Nhà nước hoàn thiện các luật: Luật bình đẳng giới, luật gia đình, luật dân sự… tiếp theo chống bạo lực toàn xã hội bằng hành động cụ thể thực hiện nghiêm pháp luật mới ngăn chặn hiện quả.
Thực hiện các giải pháp nêu trên, là xây dựng chiến lược phát triển gia đình Việt Nam bằng hành động cụ thể: Lập các dự án dạy nghề, phát triển trí tuệ tuổi trẻ nâng cao tinh thần học tập, nghiên cứu khoa học. Động viên khen thưởng kịp thời nhân tố tích cực các gia đình con cháu thành đạt, xây dựng phát triển mô hình gia đình văn hóa, văn minh thời kinh tế thị trường. Phát triển mô hình gia đình Việt Nam truyền thống, dân tộc và thời đại, vì một môi trường xã hội lành mạnh. Gia đình[3] là điểm tựa hạt nhân cùng môi trường xã hội phát triển nhân cách, tài năng trí tuệ con người thời đại.
Hà Nội 14-6-2016.
[1] Trích trang 12 sách Giáo trình Giáo dục gia đình, Nguyễn Văn Tịnh chủ biên và Ngô công Hoàn do Trưỡng Đại học Quốc gia Hà Nội phát hành năm đầu năm 2016.
[2] Khái niệm: Hộ gia đình xuất hiện 1964, theo pháp luật quy định tại khoản 6, điều 29 trong luật Nghĩa vụ quân sự. Tại điều 106 trong Bộ luật Dân sự năm 2005.
[3] Nguồn bài viết tham khảo: Wikipp DiA, TRung tâm thông tin Triển lãm Giảng Võ, Website Xã hội học gia đình, Văn hóa học (Http://WWW.vanhoahoc.vn, tác giả khảo sát thực tiễn một số tỉnh: Hà Nội, Quảng Bình, Cà Mau. Website các diễn đàn văn hóa gia đình tại TPHCM-Hà Nội.