Nơi ấy có núi. Nơi ấy có sông. Nơi ấy có đồng lúa và nơi ấy có cô bé đội rơm về nhà tìm lúa sót. Hơn năm mươi năm qua, thỉnh thoảng trong những đêm ngủ sâu, Bảy Thưởng đã mơ thấy lại tất cả. Đôi khi là núi Sam - ngọn núi gắn liền với tuổi thơ của ông. Đôi khi là sông Hậu với bờ bãi và chiếc cầu quen thuộc của thuở ông còn bì bõm tập bơi. Đôi khi là cô bé mà gương mặt tuy không còn rõ nét nhưng ánh mắt cười trong veo, đằng sau những cọng rơm thò ra khỏi chiếc thúng trên đầu lùa thùa phủ xuống trán cô bé, thì cứ hiện lên rõ mồn một. Chỉ những lúc ngủ thật say và lòng thật thanh thản, Bảy Thưởng mới lại thấy những hình ảnh đẹp ấy trong chiêm bao. Và những lúc sau đó, khi giật mình tỉnh giấc, ông cảm thấy dễ chịu - giống như vừa được an ủi; ông lại cảm thấy nuối tiếc như có gì đó vừa đánh mất. Cái được và cái mất rất mong manh - có thật và không có thật. Tất cả với ông đều đã xa vời. Tất cả đều đã là ký ức. Rồi ông thấy buồn, một nỗi buồn man mác. Lẽ thường là vậy! Người ta không biết quý những gì mình đang có và chỉ khao khát, tiếc nuối những thứ mình đánh mất hoặc ngoài tầm tay với của mình.
Núi Sam và sông Hậu đã hào phóng cho ông mọi cảm xúc về một thiên nhiên kỳ vĩ: về đá, về cây, về cát, về nước, về đồng thấp, sông sâu, núi cao… Nhưng bây giờ, ông đã xa. Còn cô bé ngày xưa thì ông đã không hề biết gì, cả tên họ của cô và nơi ăn, chốn ở. Ông thấy tiếc là sao hồi ấy ông đã vô tình, không thăm hỏi; để mãi sau này, khi nhớ về cô bé, ông chỉ biết có thúng rơm mà cô đội trên đầu và ánh mắt cười của cô bộc lộ niềm vui. Với thúng rơm đội về ấy, ông có thể hiểu là cô bé đã làm giống như việc làm của những người nghèo đi mót lúa thường lang thang trên những cánh đồng vừa gặt hái. Còn niềm vui trong mắt cô bé, cho đến bây giờ, ông vẫn không phân giải được rõ ràng. Có phải cô bé vui vì kiếm được thúng rơm mang về cùng những hạt lúa sót và phải chăng, cô muốn chia sẻ niềm vui nhỏ nhoi ấy với ông, một người bạn nhỏ tuổi, dù không quen biết, mà cô bất chợt gặp gỡ trên đường. Năm mươi năm, dù đường đời ông đã trải qua mọi nỗi gian lao - thảnh thơi, vui - buồn, sướng - khổ, ông vẫn cảm thấy có sự rung động đặc biệt mỗi lần nhớ đến ánh mắt và niềm vui mà năm xưa cô bé đã tình cờ trao gởi cho ông.
Đã gần suốt cuộc đời mình, trên mọi chặng đường đời, Bảy Thưởng vẫn mong có lần gặp lại cô bé năm xưa. Cô bé đã lớn dần lên trong tâm tưởng theo sự trưởng thành của Bảy Thưởng. Có thể, cô bé đã trở thành thiếu nữ. Có thể, cô đã lấy chồng, sống đời làm vợ, làm mẹ như bao nhiêu người phụ nữ bình thường khác trong cuộc đời này. Có thể, cô đã theo chồng sang xứ khác và đời cô có thể như cánh lục bình theo dòng sông Hậu chảy mãi về xuôi. Sóng gió cuộc đời đã đưa cô đến bến bờ nào và chừng ấy thời gian, cánh lục bình trên sông bao lần trổ bông tím ngát? Cô có lần nào chợt nhớ đến ông, người bạn nhỏ năm xưa - người mà trong một lúc bất chợt cô muốn được chia xẻ nỗi niềm? Bảy Thưởng đã nhiều lần trở lại cánh đồng mùa gặt năm xưa. Ông lần theo hướng đi của cô bé về làng nhỏ bên chân núi Sam. Cô bé lớn lên, còn sống ở đó hay không? Cái làng núi nhỏ vẫn cứ mênh mông để ông không bao giờ tìm gặp cô bé ấy - không gặp lại được - tựa như trong kiếp này, hai đứa trẻ năm xưa chỉ có duyên gặp nhau một lần trong dịp tình cờ.
Núi Sam xưa vẫn thế. Ngọn núi vẫn thân quen với Bảy Thưởng, nằm như con sam già vắt qua biển lúa. Mỗi lần trở về, mãi tận ngõ đường vào Châu Đốc, dù còn ở cua "trái ấu", Bảy Thưởng đã nhìn thấy dáng núi nằm mà lòng rộn rã nỗi niềm khó tả. Núi Sam của ông hiền lành thế kia, đẹp đẽ dường kia! Núi Sam như bảo vật mà tạo hoá đã ban cho ông, cho đất nước và con người Châu Đốc. Núi Sam đã cùng với bao thế hệ người nơi đây làm nên lịch sử. Núi Sam cũng đã trải qua bao nỗi thăng trầm như số phận một đời người.
Học lãnh sơn của thời xa xưa "… rành rành chân núi trắng phau, trọi trọi ngọn tre xanh ngát. Cảnh núi trở nên tươi đẹp, sừng sững vút lên, ngắm dòng sông biếc bên bờ cau, ruộng vườn bao quanh chân núi. Hơi lam tuôn cuốn lẫn khói nấu cơm. Chùa chiền trên đỉnh, hương toả, mây hồng. Thật không kém cảnh trung chân… Ánh sáng sương tan, bóng chiều tà sáng rọi. Cây rậm khoe xanh. Cỏ là đà khoe thắm. Bụi sạch trên đường. Lên cao ngắm nghía dòng sông trải lụa; khách qua đường buông chèo nhàn ngoạn tay trỏ non xanh…" Thật là một cảnh sắc thanh bình mà các tiền nhân của gần hai trăm năm trước đã ghi chép lại về núi Sam trong văn bia đặt ở lăng mộ nằm bên chân núi. Đó là thời ông Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại phụng mệnh triều đình nhà Nguyễn về vùng biên thuỳ Châu Đốc khai hoang, mở ấp, tổ chức đắp đường, lập chợ, đào kinh Vĩnh Tế dài gần cả trăm cây số để nước nguồn sông Hậu thông thương đến tận biển Tây. Ngày ấy, Bảy Thưởng chưa có mặt trong cuộc đời này. Ngày nay, Bảy Thưởng hoài niệm cảnh cũ, người xưa vẫn là niềm ngưỡng vọng của kẻ hậu sinh đối với các bậc tiền bối đã từng dày công, hạng mã vun bồi sông núi, gầy dựng cơ đồ.
Núi Sam của Bảy Thưởng, một thời, đã từng xanh tươi như vậy. Nhưng núi Sam xưa của Bảy Thưởng, một thời, cũng đã từng bị banh da, xẻ thịt, oằn oại, đau đớn trước hoạ ngoại xâm. Dưới ách thống trị của Lang - Sa, núi Sam cũng đã chịu số phận nô lệ như những người dân mất nước. Những chủ hầm đá, cả thực dân và địa chủ trong nước, tự do thi nhau đục khoét núi Sam, không màng đến cảnh quan thiên nhiên, không nghĩ đến việc bảo tồn môi sinh, chẳng thương tiếc vốn quý mà trời đất đã tạo nên dành cho con người ở vùng đất này trong cõi đời này. Họ cứ tận lực khai thác núi Sam, miễn sao "đá tốt, cát ròng trắng tinh" của núi Sam làm cho túi tiền của họ ngày càng thêm đầy, thêm lớn. Chỉ có tiền bạc và quyền lợi của các chủ hầm đá và bọn cầm quyền thực dân xâm lược là càng lúc càng chất cao như núi. Còn núi Sam xanh tươi thuở xưa ngày càng thêm những vách đá trắng hếu phơi mình, nham nhở, lở loét mà thôi. Làng núi và những người dân nghèo ở làng núi mỗi lúc càng thêm xơ xác, điêu tàn. Tuổi thơ của Bảy Thưởng đã biết thế nào là "đá nát, vàng phai" trước nỗi đau của núi Sam. Tuổi thơ của Bảy Thưởng cũng từng hiểu được thế nào là đói nghèo, bần cùng, lam lũ của những kiếp người làm phu phá đá. Và ngày ấy, vào thời gian khổ ấy, Bảy Thưởng đã như thấy mình với cô bé nghèo đội rơm về nhà tìm lúa sót là một; cả hai cùng có một niềm vui khi mót được từng hạt lúa sót từ những nắm rơm rơi vãi trên cánh đồng lúa chín đang mùa.
Sau đó, Bảy Thưởng đã lên đường. Cuộc trường kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm đã cuốn hút lấy Bảy Thưởng và những cháu con làng núi. Tất cả đã ra đi, nhập vào cuộc chiến đấu chung của toàn dân tộc, "thề quyết tử cho tổ quốc quyết sinh" và riêng những người con cháu của đất này còn quyết có một ngày để làng núi thoát cảnh lầm than, để núi Sam của họ lại được thanh bình với phong cảnh sông núi hữu tình tươi đẹp như xưa, như thuở đầu các tiền nhân mới khai hoang, lập ấp. Trong những ngày kháng chiến gian lao ấy, bao cháu con của làng nghèo núi Sam đã ngã xuống. Phút cuối của cuộc đời mình, có thể họ đã nghĩ về ngọn núi thân thương - nơi họ đã phải xa và là nơi họ đã từng thương nhớ, mong về - núi Sam. Lão sam già nua gò lưng nén chịu đau thương, chờ đợi, mong ngóng từng đứa trẻ thân quen lao vào chinh chiến đã lâu không về, đã lâu không thể cận kề cùng lão thủ thỉ buồn vui.
Bây giờ đất nước đã hoàn toàn được giải phóng, không còn bóng giặc ngoại xâm.Họ về đây, những cháu, con của làng núi Sam đã vì nghĩa bỏ mình. Họ tề tựu nằm đó, bên chân núi Sam, sáng ngắm mặt trời lên từ phía sông Hậu êm chảy, ngọt lành; chiều ngoảnh nhìn vầng dương lặn xuống đằng sau đỉnh núi chập chùng, hùng vĩ của dãy Thất Sơn xanh, xa thẳm ở chân trời. Họ đã yên nghỉ với vô cùng trời đất. Còn lão Sam của họ và của Bảy Thưởng được phủ thêm ít bụi thời gian - vài chục năm, trăm năm - giờ đây đang yên lành, trầm tư chờ xem những thế hệ đời nay và mai sau làm những việc cần làm để xoa dịu các vết thương, bù đắp lại những nỗi đau trước đây của lão Sam và của bao số phận người ở làng núi nhỏ, nghèo này.
Sông Hậu, vào mùa lụt hàng năm, mênh mang sóng nước. Sông đỏ quạch phù sa của dòng Mékong ở thượng nguồn đổ xuống, từ từ dâng, đầy lên, đầy dần lên rồi lênh láng tràn bờ. Bấy giờ, khắp các cánh đồng, sông ngòi, kinh rạch, mương máng, đường xá, sân bãi đều trắng màu nước bạc. Không còn biết đâu là bờ bến. Không còn thấy đâu là đất ấm. Không còn giới hạn nơi chốn nong, sâu. Cứ thế, mùa lụt lặng lẽ về, chui vào từng ngõ ngách cuộc đời, hoà với vạn vật một nhịp sống đầy nước nôi suốt ba, bốn tháng liền.
Thuở còn thơ, mỗi năm, cứ đến mùa nước nổi, sông Hậu tràn bờ, Bảy Thưởng lại thấy xôn xao, vừa mừng vừa sợ. Cậu bé sợ vì nỗi sóng nước mênh mông. Cái lực vô hình của bao la ấy tuy không ầm ào, dữ dội nhưng nó có thể hớp thần hồn, thần vía của cậu bé vừa mới biết bơi ở độ tuổi lên tám, lên mười. Sau này, khi đã lớn khôn, Bảy Thưởng không còn cảm giác sờ sợ ấy nữa. Cũng như bao nhiêu người sinh sống ở vùng đất trũng thấp của đồng bằng sông Cửu Long này, hình như cơ địa của sự sinh tồn trong người Bảy Thưởng đã thích ứng với hoàn cảnh; đến nỗi, ông thấy mùa lụt hàng năm trở thành tất yếu - giống như một cố tật của thiên nhiên mà ông và mọi người ở đây đã quen chấp nhận; hoạ chăng, nếu đất trời thiếu vắng cố tật ấy thì mới là sự lạ trong đời. Bấy giờ, Bảy Thưởng và mọi người lo toan nhiều hơn, về mọi nỗi: đường xá để đi lại, nhà ở khỏi hư hại, trường học để trẻ nhỏ không bị gián đoạn học hành, mưu sinh cho người nghèo trong mùa nước nổi, chuẩn bị để gieo trồng vào mùa nước giựt cho kịp lịch thời vụ… và xa hơn nữa là làm sao cho những mùa lụt kế tiếp ít bị thiệt hại hơn, sống ổn định hơn, đàng hoàng hơn.
Cũng mãi đến sau này, khi phải sống có trách nhiệm với bao nhiêu vai trò trong gia đình và xã hội, Bảy Thưởng mới nhận ra niềm vui, nỗi buồn thời niên thiếu của mình là hết sức hồn nhiên. Bảy Thưởng nhớ lại, thuở ấy, cậu bé đã vui mừng xiết bao khi thấy cá linh non từng đàn đông nghẹt theo con nước đổ về sông Hậu, toả đi các nhánh sông ngòi, kinh rạch. Cậu bé chỉ biết mừng vì thấysông nhiều cá chứ không hề nghĩ và biết đó là nguồn thực phẩm nhiều đạm cho bữa ăn của người nghèo sau suốt mấy tháng thiếu hụt của mùa khô. Con cá linh lớn dần, cũng tràn đồng theo nước nổi. Đến mùa gió bấc lao rao, nước chớm giựt, cá linh lại theo nước ra sông. Từng đàn, từng đàn, cá già, có con trọng bằng ngón tay trỏ, có con lớn hơn ngón tay cái của đàn ông, lội thành luồng ra sông. Người đặt vó ven sông, gặp luồng cá linh nhiều, cất một lần được đến vài giạ cá. Cá linh vẩy trắng, ánh bạc, soi sói nhảy trong vó dưới nắng; nếu không nghĩ đến miếng ăn của người đời thường để chỉ nhìn ngắm cảnh sắc ấy thôi rồi thả chúng đi thì con cá linh cũng mang lại cho con người một cảm thụ tuyệt vời. Nhưng nhất thiết, người ngư dân phải đánh bắt chúng; đong giạ, đong thúng, cân ký bán chúng cho các bạn hàng buôn lẻ ở chợ hoặc bán cho các chủ hãng làm nước mắm; hoặc bán cho các chủ buôn chuyên nghiệp làm thành một thứ đặc sản quý hiếm "mắm linh".
Ở đời, chẳng phải ai cũng có niềm hạnh phúc và cảm thụ được những điều kỳ thú của thiên nhiên. Bảy Thưởng may mắn được sinh ra và lớn lên ở vùng đất đầu nguồn sông Hậu nên mới được tận hưởng mọi cảm giác thú vị về những đàn cá linh đông ken, những láng bông súng bạt ngàn, những đám điên điển vàng rực ở các cánh đồng vào mùa nước nổi. Sông Hậu về xuôi, giống cá linh ít đi, ra gần biển thì không còn nữa. Ay là bởi vì, khi những đàn cá linh đổ về sông Hậu, người ở đầu nguồn đánh bắt đã gần hết; cá linh lại là loại cá nước ngọt nên khi theo dòng xuống gần tới vùng nước lợ giáp với nước mặn của miệt biển thì chúng dội ngược trở về nguồn. Cây điên điển cũng vậy, sông Hậu càng về xa, hướng về phía biển, thì không còn môi trường thích hợp cho loại cây này. Vì thế mà cây bông điên điển cũng trở thành một sắc thái riêng của vùng trũng thấp Đồng Tháp - An Giang, xa hơn chút nữa là Thốt Nốt, Ô Môn mà thôi.
Bảy Thưởng lớn lên, tham gia kháng chiến, do yêu cầu công tác, cứ xuôi sông Hậu mà đi xa. Ông lấy vợ, sinh con cũng ở nơi xa ấy. Khi đất nước được hoà bình, thống nhất, độc lập, ông nhận nhiệm vụ tiếp quản đơn vị hành chánh cũng ở nơi ông công tác. Nơi đó, không xa Châu Đốc lắm nhưng cũng không thể gọi là gần vì phải vượt qua mấy mươi cây số đường đi. Ông và vợ con ông định cư, sinh cơ lập nghiệp cũng ở nơi ông nhận nhiệm vụ. Kết quả, Châu Đốc - đầu nguồn sông Hậu - đối với vợ con Bảy Thưởng không phải là "quê xứ". Chỉ có ông, chỉ riêng với ông thôi, "Châu Đốc quê xứ" là tha thiết nỗi niềm. Ông không thể trách vợ con của ông được. Họ sống đâu quen đó. Họ lại quen sống cuộc sống ở thị thành. Họ hoàn toàn xa lạ với những món ăn quê nghèo mà ông ưa thích từ hồi tấm bé như cá rô non, cá sặc non kho xả, ốc xào xả ớt, bông súng bóp giấm đường chấm cá linh kho lạt, bông điên điển nấu canh chua với cá linh tròn, bông điên điển xào mỡ tép hay cá linh nhúng giấm, cá linh nướng , cá linh kho mắm ăn với bông súng và bông điên điển… Chiều ý chồng, vợ ông đi chợ mua những thứ mà ông yêu cầu như cá linh, bông súng, bông điên điển, cá sặc, cá rô non… những thứ chỉ có trong mùa nước nổi, đem về nấu nướng theo sự hướng dẫn của ông; nhưng đối với bà và các con ông, đó là món ăn mà họ phải tập dần để quen khẩu vị. Tất cả những thứ ấy, đối với họ, không có kỷ niệm, không phải hồi ức. Họ không giống như ông.Ông đã thưởng thức những bữa ăn ấy bằng cả ký ức và cảm xúc của mình. Tất cả mùi vị của những món ăn ấy đều thân quen, thân quen đến nỗi làm ông xúc động mà rưng rưng nước mắt. Ông ăn bằng hoài niệm của cả tuổi thơ mình; và ông buồn vì không thể chia xẻ được mọi cảm giác và cảm xúc của mình với vợ con - những người thân yêu nhất của ông, gần gũi nhất với ông, đang cùng chung mâm, chung bữa với ông nhưng hoàn toàn xa lạ về niềm nhớ thương "quê xứ" của ông.
Đời là thế đó! Bảy Thưởng biết rằng mỗi người đều có những nỗi niềm riêng tư mà chẳng dễ gì chia xẻ cùng ai khác. Ông đành lòng như vậy! Rất nhiều lần trong suốt mấy mươi năm, Bảy Thưởng đã chiêm bao, thấy lại tất cả. Ông mơ thấy lại những láng bông súng điểm đầy hoa trắng giữa đồng nước nổi mênh mông; những đàn cá linh óng ánh vẩy bạc phơi mình dưới nắng; những đám điên điển rực rỡ bông vàng; và núi Sam và cô bé nghèo đi mót lúa… Tất cả cứ đi về thầm lặng trong Bảy Thưởng, trong chiêm bao… Bảy Thưởng cho rằng đó là những phút giây hạnh phúc của cuộc đời mình.