Tiếng nói của văn chương, trong chừng mực nào đó, là tiếng lòng của người viết. Dẫu lý trí mách bảo rằng, viết cũng được, không viết cũng được, nhưng, suy cho cùng, tiếng lòng của người viết không thể không chia sẻ cùng bạn văn, bạn đọc. Với thụyvi cũng thế, theo tôi, “Vi, Viết Vụn” (tv-2016) là tiếng lòng, cái bên trong, ẩn tàng thế giới nội tâm của chị, chủ thể của những trang “viết vụn”, nhưng chính những chất “vụn” ấy làm sáng câu chữ, khơi dậy niềm thương nhớ một cõi nhân sinh.
Đọc từng trang viết, tôi bắt gặp nhiều cung bậc tâm hồn của tác giả. Đủ cả. Có thể đó là tình cảm dịu dàng của người vợ luôn hãnh diện về người bạn đời trong “Tình Như Nắng Mới”. Có thể là tình yêu “cố quận” trong “Miền Ký Ức Màu Xanh”. Hoặc có thể là thể hiện cái tôi tài hoa của mình trong “Chữ Nghĩa, Cà Phê Và Bạn Hữu”… Và, theo tôi, bao trùm là nỗi nhớ “vụn” mà “dai” trong từng bài viết. Này là “Chỉ Nhớ Người Thôi, Đủ Hết Đời”. Trời ơi! Tôi muốn thốt lên cái nhan đề sao mà dằn vặt đến độ tột cùng của cảm xúc! “Chỉ Nhớ Người Thôi”, chỉ nhớ thôi, nhớ “vụn” ấy mà, sao lại “Đủ Hết Đời”? thụyvi như vừa là người kiến trúc, vừa là người thợ xây, vừa là chủ đang miệt mài, dụng công, tìm kiếm từng nỗi nhớ “vụn”, để rồi tạo nên một nơi chốn bình yên, vững chắc “đủ hết đời”: … “hạnh phúc của tôi là một nhịp đồng điệu, đích thực giữa hai vợ chồng. Tôi cũng nhớ, và muốn cảm ơn đến những lời tỏ tình mà tôi không có duyên đáp nhận. Tôi cũng muốn cảm ơn những tờ thư giấu trong những quyển vở không bao giờ được tôi hồi âm của một mùa con gái” (tr 149).
Niềm thương nhớ ấy “vụn”, vụn mà dai đến nỗi ai đọc đều thấy mình cũng có một trời ký ức về một cuộc sống đẹp. Marcus Tullius Cicero cho rằng: “Thiên nhiên ban cho ta một cuộc sống không lâu dài, nhưng ký ức về một cuộc đời sống đẹp thì còn lại mãi mãi”. Và, quả vậy, trong “Gặp Lại Sài Gòn”, chị đã viết:
“Sài Gòn là giấc mơ đẹp.
Ở đâu, đi đâu tôi cũng nhớ Sài Gòn” (tr 25).
Nhớ Sài Gòn? Một thời ai từng sống ở đó, nào dễ quên Sài Gòn? Lại nhớ dai nữa chứ! Nào là con đường của tuổi mộng mơ; nào là quán cà phê bàn văn chương, thế sự; nào là con người Sài Gòn nữa chứ! Nói đến những thứ thuộc về Sài Gòn, riêng tôi, phải nói rằng, quả là tuyệt! Sài Gòn vẫn “là giấc mơ đẹp” của nhiều người. Và tôi nghĩ, Sài Gòn vẫn cứ mãi “là giấc mơ đẹp” của thụyvi! Chính Sài Gòn, nơi một thời chị sống, nơi từng ghi bao kỷ niệm buồn, vui, sướng, khổ; nơi đó thấm đẫm nỗi niềm của người con gái đam mê văn chương; nơi ấy là chốn đi về của chị. Nỗi nhớ Sài Gòn “vụn”, nhưng là nỗi nhớ của bao người từng sinh, sống ở đó. Trong “Thí Dụ, Mai Tôi Về”, thụyvi viết: “Khi những nỗi nhớ lay động, tôi muốn ghi xuống để tìm lại giấc mơ thất lạc của mình…” (tr 132). Khi về lại Sài Gòn, chị sẽ đi thăm từng thầy cô giáo cũ; sẽ tìm lại dấu vết con đường có những hàng cây từng ghi dấu những bước chân son của tuổi học trò; sẽ tìm lại nền cũ của ngôi trường thời tuổi nhỏ; sẽ đến xóm chợ chắp nối nỗi nhớ từ những gương mặt thân quen; … Thí dụ thôi, nhưng đầy ắp nỗi nhớ một thời, bởi lẽ “Còn hạnh phúc và sung sướng nào hơn nỗi hân hoan đem chút tình ra tặng” (tr 139).
Nỗi nhớ “vụn” của chị, có lúc vu vơ, nhớ để mà nhớ, để mà nhắc nhớ, dẫu không đâu vào đâu, dẫu nhớ bâng quơ, nhưng là những câu hỏi muôn đời của nhân thế: “Có phải một đoạn đời mộng mị của tôi đã trôi qua, và chấm dứt như thế không?” (Một Thời Hạnh Phúc, Một Đời Quạnh Hiu) (tr 209).
Đọc cả tác phẩm, nỗi nhớ dai cứ trải dài, chỗ này một ít, chỗ kia một ít. Một tí ở Cầu Ba Cẳng; một tí ở Khu Thành công; một tí ở quán cà phê Cháo Lú; … Nỗi nhớ “vụn” còn là nỗi nhớ về những con người “sống hết mình” trong cõi văn chương, nghệ thuật: một “Trung Niên Thi Sĩ”, một Võ Hồng, một Đinh Cường, một Phan Nhật Nam, một Đỗ Trung Quân; và biết bao người tài danh nữa… Những nỗi nhớ “vụn” ấy gắn kết với nhau suốt cả tác phẩm, tạo thành một chuỗi-ngọc-tâm-hồn lung linh sắc nhớ! Và vì là nỗi nhớ “vụn” nên chi không bi lụy, không đớn đau, không dằn vặt mà trở thành chất xúc tác thăng hoa tâm hồn dịu dàng, đằm thắm, thủy chung của người xa xứ. Và, riêng tôi nghĩ là, nỗi nhớ ấy về quê nhà đẹp như câu thơ của Trịnh Bửu Hoài: “Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp/ Quê nhà một góc nhớ mênh mông”.
Với “Vi, Viết Vụn”, tôi nghĩ rằng thụyvi đã vẽ “chân dung nàng”, một chân dung rất thụyvi dù đó là “một hình ảnh trừu tượng” (tr 31) để người đọc thấy được cái tôi nhớ dai chân thật của mình. Và với tôi, người viết bài này, mượn câu văn của chị: “Cũng như chữ nghĩa, nếu không thể viết thật thì đừng viết” (tr167).
Tháng 7/2016