Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.111
123.143.200
 
Khối tình lận đận của chàng trai "trong thơ Đặng Xuân Xuyến"
Đặng Xuân Xuyến

.

 

1.     

Tôi không quen Đặng Xuân Xuyến và cũng chưa một lần được tiếp xúc với anh mà chỉ gần đây mới biết tên anh khi tôi đọc trên mạng bài thơ “Quê Nghèo” cùng hai bài bình của nhà thơ Chử Văn Long ở Hà Nội và bác Nguyễn Bàng nghỉ hưu ở Sài Gòn. Bài thơ Quê Nghèo của Đặng Xuân Xuyến đã hay lại thêm hai bài bình của hai vị cao niên rất có tâm và xứng tầm bút lực thâm sâu khiến tôi tìm đến Trang Đặng Xuân Xuyến để đọc thêm thơ anh. Và tôi thật bất ngờ, chủ nhân trang nhà là một người đa tài: một doanh nhân, một bàn phím thơ văn sung sức và một tinh thông tử vi lý số cùng văn hóa tín ngưỡng và tôn giáo. Nhưng chỉ là một người thích đọc thơ, không đủ kiến văn về các lĩnh vực khác nên tôi chỉ dừng chân bên vườn thơ của Đặng Xuân Xuyến và tôi lại nhận ra, vườn thơ ấy không nhiều những cây lá như “Quê Nghèo” mà lại có vẻ xum xuê đài nụ thơ tình.   

 

Đọc thơ tình của Đặng Xuân Xuyến, ta cũng thấy lòng buồn, không phải nỗi buồn xót xa nặng trĩu như đọc “Quê Nghèo” của anh mà là nỗi buồn mênh mang bởi hàng trăm vần thơ chất nặng một khối tình lận đận. Chưa quen Đặng Xuân Xuyến nhưng đọc thơ tình của anh, tôi lại thấy rất thân quen với nhân vật trữ tình chủ đạo trong thơ anh, một chàng trai đã nửa đời “ngậm trái bồ hòn” của một nghĩa vợ tình chồng tan vỡ. Vì vậy, tôi không dám nói khối tình lận đận trong thơ Đặng Xuân Xuyến này là của riêng anh mà gọi đó là khối tình lận đận của chàng trai trong thơ Đặng Xuân Xuyến.

2.

Không hiểu chàng trai ấy biết yêu từ bao giờ nhưng từ khi còn ngồi trên giảng đường Đại học, hình ảnh chàng đã lọt vào cặp mắt biếc của một cô gái. Người con gái ấy, hẳn đã cảm mến chàng rất thật lòng nên đã không dấu giếm, không sợ miệng tiếng người đời, tự mình “cọc đi tìm trâu”, đến thăm chàng với một đóa hoa nhài. Nhưng, chàng đâu biết đóa nhài cực kỳ tao nhã biểu tượng của tình yêu và sự tinh khiết ấy là tấm tình thơ ngây của nàng nên chàng đã:

                    Tôi mỉm cười

                             Nhìn mây bay

                                                Hờ hững

Rồi lần sau và nhiều lần sau nữa, nàng đến thăm chàng:

                    Vẫn bình dị những đóa nhài nho nhỏ

Và chàng vẫn chỉ cười:

                    Hờ hững ngó mây trôi.

Thế rồi không thấy nàng đến thăm nưã. Và rồi:

                    Một ngày đông hoa nhài không nở

                    Tôi ngơ ngẩn bên thiếp hồng để ngỏ

Bấy giờ chàng mới giật mình thảng thốt khi thấy :

                    Thấm trong tôi hương nhài nỗi nhớ

và:

                    Tôi trách mình hờ hững ngó mây trôi.

Nhưng tự trách mình mà làm chi, một khi chính mình “Lửa hương chốc để lạnh lùng bấy lâu!" cho người ta khiến giờ đây chỉ còn những mảnh tình thơ ngây tan tác: 

                    Ngày mai em theo chồng

                    Ngày mai tôi lên biên cương

                    Mối tình ngày thơ bẻ lửa

                    Thôi.

                             Về.

                                       Sao còn lần lữa

Đóa nhài tinh khiết trong thơ Đặng Xuân Xuyến trở thành đóa sầu muộn giống như nụ tầm xuân xanh biếc trong ca dao trở thành nụ tiếc nuối. Nhưng thà rằng như chàng trai trong ca dao, một lần trèo lên cây bưởi hái hoa, bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân nhìn rõ cảnh “chim vào lồng, cá cắn câu” để rồi xót xa đau khổ:

                    Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay

Còn hơn chàng trai trong thơ Đặng Xuân Xuyến cứ “hờ hững ngó mây trôi” để rồi thở dài ngao ngán:

                    Em cười. Làn môi héo hắt

                    Giọt sầu tôi mang!

Trai khôn lấy vợ. Sau đó, không biết chàng trai đã theo đuổi những tơ duyên nào, đã dò bao lòng sông để rồi đi đến quyết đinh sắm một con thuyền. Thơ Đặng Xuân Xuyến không có bài nào cho thấy con thuyền đó hình hài màu sắc ra sao và cơ duyên nào đã đưa con thuyền ấy đến với chàng.    

Cũng không có bài thơ nào cho thấy vợ chồng chàng đã ăn ở với nhau ra sao, nhưng qua mấy bài Qua ĐòNhớĐêm, ta thấy họ đã có với nhau những phút giây ân ái hừng hực mặn nồng: “Ánh mắt cười… lăn trên chiếu, những phút căng người, run rẩy cuộc, Em đè ta nghiến ngấu”. Nhưng như người đời thường nói, đến với nhau thì dễ nhưng sống chung với nhau thì khó. Chỉ sau ít năm chung sống với bấy nhiêu đằm thắm, cuộc hôn nhân của họ đã đổ vỡ, đầy đọa chàng vào cảnh:

                    Khép nụ cười héo hắt nửa đời trai

Người vợ ấy đã đi đâu, về đâu, cũng không ai biết. Nhưng sau khi bỏ chồng, có bao giờ mỗi độ gió thu, nàng thở dài tự hỏi như người thiếu phụ trong thơ Tản Đà xưa:

                    Vàng bay mấy lá năm già nửa,

                    Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng

Chắc chắn không, một nghìn lần không. Bởi lẽ, một người đàn bà dứt áo ra đi, không chỉ cắt đứt hẳn với chồng mà cả với đứa con, vứt bỏ lại đứa con còn trứng nước cho chồng, quyết tâm tìm bến đỗ hạnh phúc mới cho riêng mình thì làm sao trong trái tim con người đó có được những giây phút chạnh lòng. 

Nhưng người chồng, chàng trai trong thơ Đặng Xuân Xuyến thì không thế. Sau khi “anh đi đường anh, tôi đường tôi”, mỗi độ gió thu, chàng vẫn chìm lòng vào nỗi buồn xa vắng của những ngày đang tàn theo năm tháng:

                    Hồng bay mấy lá năm hồ hết

                    Thơ thẩn kìa ai vẫn đứng không

Mỗi bận Qua Đò trở lại bến xưa, lòng chàng lại cuộn lên nỗi xót thương một thời lỡ dở:

 Sao ta mãi thẩn thơ

Thương một thời lỡ dở...

"Người xưa đâu xa vắng

Ai đưa tôi qua đò.".

 Một mình đớn đau vất vả nuôi con nhỏ nên mỗi lời hát Ru Con của chàng là một tiếng thở dài buồn lắng:

                    Con mỗi ngày mỗi lớn

                    Mình mỗi ngày già đi

                    Tóc đầy thêm sợi bạc

                    Đêm trở mình nhiều hơn.

Nhiều người đọc bài thơ này bảo đó là cảnh “gà trống nuôi con”. Không đúng. Gà trống nuôi con ví cảnh người đàn ông phải một mình vất vả trong việc nuôi con, thường do goá vợ. Nếu góa vợ mà phải chịu cảnh gà trống nuôi con, người đàn ông không buồn tủi mà chỉ xót thương, tiếc nhớ người vợ bấy lâu cùng mình chung xây tổ ấm đã sớm phải lìa trần để lại đứa con mồ côi mẹ tội nghiệp cho cha nó nuôi, mà như người đời đã nói:

                    Mồ côi cha ăn cơm với cá,

                    Mồ côi mẹ liếm lá đầu đường

Người đàn ông trong thơ Đặng Xuân Xuyến đâu có góa vợ và đứa con đâu có mồ côi mẹ. Nên tiếng hát ru con đáng lẽ phải là tiếng của người mẹ:

                     Cái Bống là cái bồng bang

                    Mẹ Bống yêu Bống, Bống càng làm thơ

Nhưng mẹ Bống đã phũ phàng bỏ bố con Bống đi tìm hạnh phúc riêng nên bố Bống phải thay mẹ ru Bống trong tâm cảnh : 

                    Lặng nhìn con nằm ngủ

                    Ngổn ngang mối tơ vò

Cùng những lời nghẹn đắng: 

                    Giận “người lớn” dạy hư

                    Khiến con thơ phải khổ 

                    Kiếm nụ cười trong mơ.

Cũng không có câu thơ nào nói căn nguyên tan vỡ của cuộc tình chồng vợ đó. Nhưng qua việc người chồng nhận nuôi con thơ, qua những tiếng ru con của anh, ta thấy anh là người không hề muốn có cuộc chia tay đau đớn ấy. Chính vì thế, sau khi vợ chồng bỏ nhau, dù người vợ  cũ không ngó ngàng gì nữa đến chồng con nhưng người chồng vẫn luôn nhớ và nghĩ về nàng:

                    Em giờ ở nơi đâu?

                    Có thương về chốn cũ?

                    Có tan vào giấc ngủ

                    Buốt lạnh vài giọt ngâu?

Trong anh vẫn khắc khoải một niềm chờ đợi cầu mong nàng hồi tỉnh:

                    Vâng, từ độ ấy đến giờ

                    Sông trăng dẫu cạn vẫn chờ đò xưa

                    Cầu trời đổ một trận mưa

                    Cho sông trắng nước đò xưa trở về

Nhưng anh đâu biết đò xưa không bao giờ trở về và quá khứ là những thứ đã qua. “Cá chuối đắm đuối vì con”, người đàn bà một lần đi qua đời anh đã vứt bỏ con cho anh thì còn gì nữa đâu mà mong mỏi “cho sông trắng nước đò xưa trở về”?

Phải 10 năm sau, mười năm chàng cô đơn “hong tơ ướt”, khi gặp lại Người xưa cũ, chàng mới nhận ra:

                    Lời em nhạt lắm, xa xăm lắm

                    Em chỉ chiều ta. Đâu có yêu.

Chàng mới có thể nhìn kỹ nàng hơn:

                    Chạm trán nhau dẫu hà tiện nụ cười             

                    Thì cũng chớ cau mày, quay mặt

                    Em như thế càng thêm quay quắt

Nàng không chỉ là một kẻ bạc tình:

                    Xưa ai khéo phụ câu thề

                    Đem tình chồng vợ quét lê phố phường

Mà còn là một người đàn bà phóng đãng:

                    Lời thường nói chẳng thèm nghe

                    Lẳng lơ nên mới éo le lối về

                   …

                    Nực cười cái thói hồng nhan

                    Mười phương đủ cả còn oan nỗi gì!

Bây giờ chàng mới biết mình dại khờ và buông lời tự trách:

                    Ta trách vì ta quá dại khờ

                    Dại khờ nên mãi cứ ngu ngơ

                    Mười năm gặp lại em chẳng nỡ

                    Ta lại mơ hồ lạc bến mơ.

Và cũng bây giờ chàng mới nhìn ra cái nguyên nhân người vợ cũ đã bỏ chồng bỏ con:

                    Ờ thì... đấy chuyện ngày xưa

                    Em giờ cũng khác em xưa đã nhiều

                    Em quen nhung gấm mỹ miều

                    Nhớ làm chi thủa liêu xiêu những chiều...

Hầu hết những bài thơ lục bát của Đặng Xuân Xuyến đều hay và phảng phất hương vị thơ Nguyễn Bính. Chắc chắn Đặng Xuân Xuyến rất yêu thơ Nguyễn Bính, đọc nhớ nhiều thơ Nguyễn Bính. Vậy mà sao Đặng Xuân Xuyến lại để cho chàng trai trong thơ của mình mười năm sau cuộc hôn nhân đổ vỡ mới hiểu ra “lòng người”, cái “lòng người” mà Nguyễn Bính đã nói từ rất lâu rồi:

                    “Lòng người…” chị Trúc nhớ hay quên?

                    …

                   Người ta đi lấy cái giàu sang,

                   Rời cả keo sơn, bỏ đá vàng.

Khiến dằng dặc cả mười năm “Sưng tấy trái tim yêu”, chàng trai trong thơ Đặng Xuân Xuyến mới nhận ra lòng dạ đàn bà trong người vợ cũ và bấy lâu nay mình đã sống:

                   Anh ngợp mình trong ảo vọng ái ân

                   Mải lặn ngụp xây lâu đài trên cát

Giờ  đã hiểu người và hiểu mình thì đúng như câu hát nhạc Trịnh:

                    Còn thấy gì sáng mai đây thôi ta còn bạn bè

                    Giọt rượu nào mãi chua cay trong tình vẫn u mê...

Chàng trai trong thơ Đặng Xuân Xuyến đã tìm đến với bạn bè. Nhưng những người bạn hiền, tất cả đều “cùng một lứa bên trời lận đận”, tất cả đều đang bị cuốn sâu trong cái bộn bề của cuộc sống đầy khó khăn cơm áo, đâu dễ gặp được nhau:

Mày về quê chơi đi

Biền biệt thế

Bặt tin như thế

Tao nhớ mày

Rượu tao uống chẳng say

Những kẻ “học ngu nhưng thủ đoạn tài” giờ thành những Bạn Quan thì đạo đức và nhân cách đã băng hoại hết:

                   Đời đã chó

                   Quan trường càng chó

Bạn quan chó má như thế nên dẫu có gặp nhau thì cũng:

                   Rượu mày mời

                   Tao uống khó trôi

                   Thịt mày gắp

                   Tao nhai khó nuốt

Không có bạn để chia sẻ nỗi niềm, chàng chỉ còn cách tìm chua cay trong men rượu:

                    Ừ này thì rượu. Ừ thì say  

                    Ừ rượu tri âm ủ lâu ngày

                    Ta uống đêm nay cho thỏa thích

                    Cho trời cùng đất ngất ngưởng say.

Khắp trời cùng đất trong mắt chàng bây giờ chỉ rượu và rượu:

                    Rượu ngọt đào thơm vơi lại đầy

Cụ Trích tiên Tản Đà xưa đã từng mơ được lên Hầu Trời, đọc thơ văn cho Trời và chư tiên nghe. Chàng trai trong thơ Đặng Xuân Xuyến hôm nay không chỉ “chống chếnh men say” một mình mà cũng mơ được “sóng sánh mềm môi chén rượu đầy” với cả chú Cuội từ trên cung Trăng xuống:

                    Thôi Cuội về đi ta chỉ muốn

                    Đêm nay thỏa thích ta được say.

Nhưng ở đời ai mà say mãi hết ngày dài rồi lại đêm thâu, mà không có lúc tỉnh? Nàng Kiều khi ở nơi lầu xanh đầy “cuộc say, trận cười” cũng phải có khoảnh khắc hiếm hoi để sống thực với mình:  

                    Khi tỉnh rượu lúc tàn canh,

                   Giật mình mình lại thương mình xót xa.

Chàng trai trong thơ Đặng Xuân Xuyến cũng thế, khi tỉnh rượu, tự đối diện với mình chàng đã nhận ra:

                    Người đi vá víu nụ cười

                    Tôi hong tơ ướt cũng mười năm nay

                    Khật khừ say tỉnh tỉnh say

                    Cứ ngu ngơ đợi heo may trái mùa

Đôi tai chàng đã nghe được những lời thị phi của người đời:

                    Anh bảo

                    Sao mãi mày chưa cưới vợ

                    Chị cười chắc đợi bén duyên

                    Anh nhìn, đẹp trai như nó

                    Thiếu gì đứa ngẩn đứa ngơ.

Và hiểu ra trong những lời khen đó:

                    Đã nghe câu mắng thằng khờ

                    Suốt ngày trăng sao mây gió

                    Duyên đâu đến kẻ ngù ngờ...

Những tiếng thằng khờtrăng sao mây giókẻ ngù ngờ đã giúp chàng hiểu rõ trắng đen: Đò xưa rời bến rồi không quay lại nữa mà dù có quay lại thì tất cả cũng đâu còn vẹn nguyên được như ngày nào. Cần gì phải thiên trường địa cửu, nhất nhất sắt son mà hãy quên đi những khổ đau đã trở thành quá khứ. Tình yêu bắt đầu sống lại trong trái tim để chàng hiểu ra, phải tìm một tình yêu mới với một niềm tin mới cho mình đứng lên sau giông bão.

Chàng đến và đến với chàng, có khi là một thiếu nữ còn rất tơ duyên:

                    Người đâu mà trắng, tươi như nắng

                    Suối tóc vờn bay giỡn nắng vàng...

Có khi là một cô gái xinh đẹp làng quan họ:

                    Ngơ ngác níu tìm “người ơi người ở”

                    Chống chếnh men say “người ở đừng về”

Cả khi là một người đàn bà đã một lần sang sông lỡ dở:

                    Gặp nhau khi đã trễ tràng

                    Dở dang duyên phận nhỡ nhàng lời yêu

                    Chỉ là gạo nấu chung niêu

                    Chẳng mong củ ấu khéo yêu thành tròn

Chàng sinh viên hờ hững đóa hoa nhài năm xưa, người chồng bị phụ tình hôm nay, có lúc trở nên táo bạo bạo, trần trụi trong cuộc tình mới:

                    Ta gạ em cạn chén

Nhưng trớ trêu thay:

...

 

Đặng Xuân Xuyến
Số lần đọc: 2445
Ngày đăng: 19.08.2016
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Song Hảo - hồn thơ nhân hậu - Nguyễn Thanh
Đọc thơ Đặng Xuân Xuyến - Châu Thạch
Văn nhân Bình Định một góc nhìn, một cuốn sách với góc nhìn " thiếu văn hóa' - Vương Kiều
Trung-Việt Việt-Trung, Kỳ vọng của tiểu thuyết - Nguyễn Đức Tùng
Thơ Hồ Việt Khuê vẫn mượt cỏ ngày xưa! - Phan Chính
Đôi lời cảm nhận khi đọc - viết cho ngày Valentine - Chử Văn Long
Một cách "đọc lại" truyện Kiều (Đọc Từ Hải và Ẩn sĩ - Hiếu Tân) - Chế Diễm Trâm
Vũ điệu Lam - Điệu ca của nỗi buồn (Nhân đọc tập thơ của Bạch Diệp - Nxb Văn Học 2011) - Hoàng Vũ Thuật
Những bước gió trong trường ca của Phan Hoàng - Hoàng Thụy Anh
Quê nghèo, nghèo đến xót xa cõi lòng - Nguyễn Bàng
Cùng một tác giả
Tim đau (thơ)
Khát (thơ)
Lỡ (thơ)
Kim yêu (truyện ngắn)
Chuyện của Gã Khờ (truyện ngắn)
Em (thơ)
Chuyện của anh T... * (truyện ngắn)
Chuyện ngủ (truyện ngắn)
Lỡ (thơ)
Chàng lùn nể vợ (truyện ngắn)
Đuối (thơ)
Nhé em (thơ)
Biết (thơ)
Lắng (thơ)
Trả em (thơ)
Lạc (thơ)
Em đi (thơ)
Tò he (thơ)
Chia tay (thơ)