Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.134
123.140.816
 
Nguyễn Quang Sáng - nhà văn cầm súng
Nguyễn Thanh

             

              Nhà văn Nguyễn Quang Sáng (1932-2014) là người Chợ Mới An Giang. Năm 1946, ông vào bộ đội, làm liên lạc viên. rồi đi học văn hóa, xong về công tác tại phòng Chính trị Bộ Tư lệnh Phân khu Miền Tây Nam bộ. Năm 1955, tập kết ra Bắc, chuyển ngành với cấp bậc chuẩn úy, làm ở phòng Văn nghệ Đài Phát thanh Tiếng Nói Việt Nam rồi về hội Nhà văn Việt Nam, làm Biên tập viên Tuần báo Văn nghệ. Năm 1966, Nguyễn Quang Sáng trở lại chiến trường miền Nam, làm ở Hội Văn nghệ Giải phóng rồi lại ra Hà Nội (1972) làm việc ở Hội Nhà văn. Sau ngày thống nhất đất nước, ông về Nam, giữ chức Tổng Thư ký (Chủ tịch) Hội Nhà văn TP.HCM. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội khoá 2, 3 và Phó Tổng Thư ký Hội khóa 4. Tác phẩm : +Văn xuôi: Con chim vàng (1956), Nhật ký người ở lại (tiểu thuyết, 1961), Đất lửa (tiểu tuyết, 1963), Câu chuyện bên trận địa pháo (truyện vừa, 1966), Chiếc lược ngà (truyện ngắn, 1966) Người quê hương (truyện ngắn, 1968), Bông cẩm thạch (truyện ngắn, 1969), Chị Nhung, 1970), Người đàn bà Tháp Mười (1971), Cái áo thằng hình rơm (truyện vừa, 1975), Mùa gió chương (tiểu thuyết, 1975), Người con đi xa (truyện ngắn, 1977), Dòng sông thơ ấu (tiểu thuyết, 1975), Bàn thờ tổ của một cô đào (truyện ngắn, 1985), Tôi thích làm vua (truyện ngắn, 1988), 25 truyện ngắn (1990), Paris - tiếng hát Trịnh C6ng Sơn (1990), Con mèo của Foujita (truyện ngắn, 1991), Nhà văn về làng (truyện ngắn, 2008). Kịch bàn phim : Cánh đồng hoang (1978), Pho tượng (1981), Cho đến bao giờ (1982), Mùa nước nổi (1986), Dòng sông hát (1988), Câu nói dối đầu tiên (1988), Thời thơ ấu (1995), Giữa dòng (1995), Như một huyền thoại (1995). Giải thưởng : + Ông Năm Hạng (truyện ngắn) - giải thưởng cuộc thi truyện ngắn của báo Thống Nhất (1959), Tư Quắn (truyện ngắn) - giải thưởng cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội (1959), Dòng sông thơ ấu – giải thưởng Hội đồng văn học thiếu nhi Hội Nhà văn (1985), Con mèo của Foujita (tập truyện ngắn, Nxb. Văn nghệ TP.HCM – giải thưởng Hội Nhà văn Vệt Nam 1994, Cánh đồng hoang (kịch bản phim)-bộ phim được tặng Huy chương vàng liên hoan phim toàn quốc (1980)- Huy chương vàng liên hoan phim ở Moskva (1981), Mùa gió chướng (kịch bản phim) - Huy chương bạc liên hoan phim toàn quốc (Hà Nội, 1980)- giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt II năm 2001.

 

                    Mỹ Luông, thuộc huyện Chợ Mới, An Giang là một thị trấn sầm uất nằm ở thượng nguồn sông Tiền, rải rác đó đây là những cù lao với nhiều cá tôm cây trái quanh năm mà tiếng tăm đã đi vào lịch sử và văn học : Chiều chiều quạ nói  với diều/ Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm. Dải đất nhiều cù lao nơi đây được coi là vùng đất địa linh nhân kiệt với sự xuất hiện của nhiều chính khách và văn nghệ sĩ nổi tiếng : cù lao Hổ là quê hương của Bác Tôn Đức Thắng, nhà văn Lê Văn Thảo (sinh năm 1939), nhà thơ Viễn Phương (1928-2005); cù lao Giêng với nhà thờ chóp cao chót vót cổ nhất Việt Nam, nơi sinh ra Bộ trưởng Ngoai giao Ung Văn Khiêm (1910-1991), Bác sĩ Bộ trưởng Y tế Nguyễn Văn Hưởng (1906-1998), nhà văn tiêu biểu Anh Đức (1935-2014), nhà văn Nguyễn Văn Hầu (1022-1995)... nhạc sĩ Hoàng Hiệp (1931-2013)…và nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Sinh ra trong một gia đình khá giả, cha làm nghề thợ bạc nổi tiếng trong vùng, mẹ làm vườn và đảm đang việc nội trợ, Nguyễn Quang Sáng được đến trường từ nhỏ. Ba của Nguyễn Quang Sáng mê cải lương nên đã truyền cái gien đó sang cho ông. Đến năm 14 tuổi, mới học tới lớp Đệ Lục (lớp 7), căm thù thực dân Pháp manh nha quay lại xâm chiếm đất nước quê hương, Nguyễn Quang Sáng xung phong vào bộ đội, thuộc đơn vị Liên chi 2. rồi đi học trường Trung học Kháng chiến Nguyễn Văn Tố ( 1948),

                                                               1

 

 

xong về công tác tại phòng Chính trị Bộ Tư lệnh Phân khu Miền Tây Nam bộ nghiên cứu tôn giáo  chủ yếu là Phật   giáo và đạo Hòa Hảo). Năm 1955, ông tập kết ra Bắc, làm ở Đài Phát thanh Tiếng Nói Việt Nam rồi về hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1966, Nguyễn Quang Sáng trở lại chiến trường miền Nam, làm ở Hội Văn nghệ Giải phóng rồi lại ra Hà Nội (1972) công tác ở Hội Nhà văn. Sau ngày giải phóng, ông về Nam, giữ chức Tổng Thư ký (Chủ tịch) Hội Nhà văn TP.HCM.  Trong Đại hội Nhà văn Việt nam lần IV vào năm 1989, qua hai lần bầu cử theo Quy chế, Nguyễn Quang Sáng là người có số phiếu cao nhất ở lần I trong số 6 người : Nguyễn Quag Sáng, Vũ Tú Nam (sinh năm 1929), Chính Hữu (1926-2007), Nguyên Ngọc (sinh năm 1932), Xuân Cang (sinh năm 1932) và Hữu Thỉnh (sinh năm 1942). Trong khi sắp xếp để bầu thêm lần II chỉ còn lại với hai người gồm có Nguyễn Quang Sáng và Vũ Tú Nam, nhà văn Nguyễn Quang Sáng có lý do xin rút lui vì điều kiện gia đình và giới thiệu nhá văn Vũ Tú Nam. Và nhà văn Nguyễn Quang Sáng kết thúc lời phát biểu với gương mặt thật thư thái. Mộc mạc, giản dị và một sự chân tình không ai có thể nghi ngờ được. Mọi người cùng vỗ tay, tán đồng và không có ý kiến gì khác. Nhà văn Vũ Tú Nam phát biểu cám ơn nhà văn Nguyễn Quang Sáng nhưng xin đề nghị nhà văn Nguyễn Quang Sáng giúp làm Phó Tổng Thư ký, phụ trách khu vực phía Nam. Trong gia đình, nhà văn Nguyễn Quang Sáng dù bận rộn công việc cơ quan, vẫn lo đầy đủ bổn phận với gia đình, chạy xe gắn máy chở chai con đi học hai đêm mỗi tuần; lãnh nhuận bút được 3000 đô la thì mua cây pia-no cho con trai Nguyễn Quang Dũng thay vì mua đất. Về quan hệ với bạn bè và xã hội bên ngoài gia đình, Nguyễn Quang Sáng chơi thân với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà văn Đoàn Giỏi, có nét riêng mang tính cách đặc thù của một trang tài tử Nam bộ. Trong khi cũng là người Nam bộ nhưng bậc đàn anh nhà văn Sơn Nam thích la cà đi bộ, trà rượu và đến với người lao động nghèo khó, gần gũi với những ai nói chuyện văn chương, và thế hệ cầm bút hậu duệ như Nguyễn Ngọc Tư có thói quen chỉ chơi với mình, hay né tránh đám đông thì Nguyễn Quang Sáng lại khác hơn. Cũng trà (chè) - mà lại là trà quạu Thái Nguyên - cũng rượu nhưng là rượu mạnh loại sang của Tây. Nguyễn Quang Sáng có nét hào sảng, phong lưu ở chỗ thích đi xe máy hoặc ô tô đến quán nhậu để được nghe nhiều người khai tin tức, chi tiết mà thu thập : “đi tè không khai nhưng đi nhậu khai tùm lum” lại luôn chủ động, thoải mái trong vấn đề chi xài tiền bạc với anh em với tính cách phong lưu nguyên chất của người Nam bộ. Những kỷ vật quý hiếm có liên quan đến cuộc đời chiến đấu gian khổ, và sự nghiệp cầm bút kỳ khu của ông, một nhà văn tên tuổi cả nước ai cũng biết mà ông và gia đình muốn giữ làm kỷ niệm. Nhưng khi Bảo tàng Văn học của Hội Nhà văn có ý cần để trưng bày, ông cũng không từ chối, chân tình mang ra tặng. Tấm lòng của Nguyễn Quang Sáng thật ngọt ngào, lênh láng như phù sa dòng nước sông Hậu, sông Tiền.

                 Trên tất cả ở con người văn Nguyễn Quang Sáng là tấm lòng của nhà văn với đất nước quê hương và bà con làng xóm trong hai cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Những truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết hay kịch bản của Nguyễn Quang Sáng đã thể hiện tính cách cao đẹp đó. Truyện ngắn đầu tay : Con chim vàng, đăng trên báo Văn nghệ Việt Nam năm 1956 nhà văn viết khi còn ở rừng U Minh, được người đọc chú ý ở cách viết tự nhiên, giản dị. “Chiếc lược ngà” được coi là một trong những truyện ngắn hay nhất của Nguyễn Quang Sáng được đưa vào sách giáo khoa và làm xúc động bao thế hệ học trò và người đọc thuộc mọi lứa tuổi.  Về hoàn cảnh sáng tác truyện này, tác giả nói : năm 1966, từ miền Bắc trở về Nam và tới vùng đồng Tháp Mười mênh mông nước, đi bằng xuồng vào sâu trong rừng, ông sống ở một nhà sàn treo trên ngọn cây. Khi nghe được câu chuyện của một cô gái giao liên có chiếc lược ngà, ngồi trên một chiếc xuồng, chẳng có bàn ghế gì, ông ngồi viết một ngày là

xong truyện ngắn này. Truyện kể ông Sáu xa nhà đi kháng chiến. Mãi đến khi con gái lên tám

                                                                    2

 

 

tuổi, ông mới có dịp về thăm nhà, thăm con. Bé Thu không nhận ra cha vì vết sẹo trên mặt làm ba không giống với người cha trong bức ảnh mà em biết. Bé Thu đối xử với cha như người xa lạ. Đến khi bé Thu nhận ra cha, tình cha con thức dậy mãnh liệt trong em cũng là lúc ông Sáu

phải lên đường trở về khu căn cứ. Ở vùng kháng chiến, người cha dồn hết tình cảm yêu quý, nhớ thương đứa con vào việc làm một chiếc lược bằng ngà để tặng con. Trong một trận càn, ông Sáu hy sinh. Trước lúc ra đi mãi mãi, ông đã kịp trao cây lược ngà cho bác Ba, nhờ bạn chuyển cho con gái. Nguyễn Quang Sáng đã xây dựng cốt truyện chặt chẽ, với tình huống bất ngờ mà tự nhiên, hợp lý và diễn biến tâm lý nhân vật tinh tế, sâu sắc ở nhân vật bé Thu bằng ngôn ngữ địa phương Nam bộ. Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, một nhà văn Mỹ, sau khi được đọc “Chiếc lược ngà” qua bản dịch, xúc động đã không ngủ được. Bộ tiểu thuyết tiêu biểu “Đất lửa” (hơn 300 trang, được tái bản nhiều lần), tác giả viết lúc mới 20 tuổi), trải qua 12 năm chỉnh sửa rất công phu, tuy xây dựng hình tượng nhân vật chính diện còn đơn giản, vẫn có những thành công đáng trân trọng. Trong tác phẩm, Nguyễn Quang Sáng đã tái hiện hình ảnh quê hương trong những năm chống Pháp dữ dội quyết liệt, vừa khó khăn trong quá trình đánh trả giặc ngoại xâm, vừa phúc tạp éo le trong việc giải quyết những mâu thuẩn nội bộ. Nội dung câu truyện xảy ra tại làng Mỹ Long Hưng, Chợ Mới, An Giang trong kháng chiến 9 năm. Nhân vật chính là Tư Trịnh, một người đi theo kháng chiến bị thất bại, đang trốn tránh giặc Pháp. Trong thời gian trốn tránh, Tư Trịnh tham gia đạo Hòa Hảo, trở thành người trong Ban Trị Sự đạo tại địa phương. Khi Cách mạng Tháng 8 thành công, Sáu Sỏi, người lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ tại địa phương từ Côn Đảo trở về, làm chủ tịch Việt Minh huyện, trực tiếp lãnh đạo chính quyền cách mạng tại Mỹ Long Hưng. Tư Trịnh, dưới sự giật dây của bọn tề ấp Việt gian, lẫn bọn cai trị Pháp ra tay sát hại Sáu Sỏi, gây nên mối hiềm khích giữa tín đồ Hòa Hảo và Việt Minh. Toàn bộ câu truyện là sự đấu tranh giằng xé trong nội bộ người dân, trong nội bộ Việt Minh về chính nghĩa và phi chính nghĩa. Truyện không có hồi kết nhưng đã mở ra con đường đấu tranh gian khổ đế đến với  cách mạng của người dân Nam bộ. Truyện “Quán rượu người câm” có cốt truyện hấp dẫn độc đáo thể hiện được sự gan góc, chịu đựng của người cán bộ cách mạng điển hình như : anh Ba Hoành cắn răng chịu đựng những trận tròn tra tấn dã man của kẻ thù đến hóa câm. Bốn năm liền, anh sống với vợ và trông nom một quán rượu nhỏ ven sông, nhưng thật ra vẫn kiên cường, lặng lẽ giả câm để đánh lạc hướng sự rình rập theo dõi  của kẻ thù, chuẩn bị lực lương cho ngày đồng khởi rung trời dậy đất. Lúc chính quyền xã ra mắt, bà con không ngờ người lãnh đạo lại là anh. Cũng cần biết thêm truyện ngắn khá đặc biệt của Nguyễn Quang Sáng với nhan  đề “Bàn thờ tổ của một cô đào” (được chuyển thể dựng thành vở cải lương cùng tên) có nội dung cảm động, liên quan đến tín ngưỡng tổ của sân khấu. Truyện kể về một anh hậu đài giúp cô đào đu bay, phi thân hằng đêm, nhưng một khoảnh khắc quên mình vì tiết mục đó mà anh bị tai nạn qua đời. Từ đó, bên bàn thờ tổ của cô đào chánh, luôn thờ cúng anh hậu đài kia. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng cho biết chuyện này có thật do nghệ sĩ một thời vang bóng Ba Xây kể lại, và nhà văn đã nắm bắt kịp thời để văn chương hóa thành một chủ đề có ý nghĩa : Có người ngã xuống thì mới có người bay lên. Đến kịch bản phim “Cánh đồng hoang”, tác giả đã gom góp được trong mười năm những chi tiết quý như những hạt vàng từ cuộc sống gian khổ và sự đấu tranh ác liệt của nhân dân trước thế lực đế quốc và tay sai : trong cảnh trực thăng Mỹ bắn người dân Đồng Tháp Mười vào mùa nước nổi, người lớn thì lặn sâu xuống nước khi bị bắn, trẻ em thì cho vào túi ny-lông người lớn lặn phải kéo theo. “Cánh đồng hoang” là một bộ phim giá trị vì có tính khái quát cao. Truyện phim kể lại cuộc đọ sức quyết liệt và gan góc giữa một bên là vợ chồng Ba Đô và đứa con nhỏ mới sinh trơ trọi giữa mùa nước nổi mênh mông và một bên là trực thăng Mỹ đầy hỏa lực săn đuổi tới

                                                                    3

 

 

tắp. Căng thẳng từng giây một khi kẻ thù quyết sát hạivà nhân văn từng giây một khi con người Việt Nam quyết bảo vệ sự sống đến cùng. Kết cục Ba Đô chết. Nhưng bất ngờ, bằng khẩu súng trường, lòng căm thù cùng cực cùng cái kỳ diệu của sự sống, vợ Ba Đô đã nhặt vội lấy khẩu súng của chồng và bắn rớt chiếc trực thăng. Từ trong túi áo của viên phi công Mỹ, rơi ra tấm ảnh vợ con hắn. Một chi tiết đầy ý nghĩa, đưa tác phẩm lên một tầm cao giá trị nữa trong sự tố cáo chiến tranh, làm sáng rực lên tính nhân văn của tác phẩm, khiến cả đời sau còn suy ngẫm. Nhà thơ Mỹ Kevin Bowen, GS Văn học, Giám đốc Trung tâm William Joiner, Đại học Massachusetts Mỹ, hết sức ngưỡng mộ nhà văn Nguyễn Quang Sáng, đã làm bài thơ “Chơi bóng rỗ với Việt Cộng” nhân một lần tác giả “Cánh đồng hoang” có dịp sang Mỹ và đến thăm nhà thơ Kevin Bowen và cả hai người bạn mới cùng chơi bóng rỗ. Bài thơ của nhà thơ Mỹ có nội dung rất cảm động, thể hiện được phong thái đẹp đẽ, lạc quan, lòng nhân ái và khát vọng của một người Việt Cộng, từng bị coi là kẻ đối địch ở bên kia chiến tuyến: “Những đường bóng gọn gàng tới đích đẹp làm sao…/ Một, hai, ba…rồi mười lần trúng đích/…Như ông đã cười bên chín nhánh Cửu Long/ Lời ông thì thầm như thở/ Còn có thể thắng thêm vài quả nữa”

                    Sự hiện hữu của một sự nghiệp văn chương quan trọng với hơn 20 truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết mà có tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa cấp Trung học Phổ thông cùng với hơn 10 kịch bản phim và hàng chục Giải thưởng, Huy chương cao quý, nhà văn Nguyễn Quang Sáng là một biểu tượng hiếm thấy và đáng ngưỡng mộ trong xã hội văn học từ hai cuộc kháng chiến vô cùng gian khổ mà hết sức thần kỳ của dân tộc. Nơi nhà văn Nguyễn Quang Sáng, người đọc và nhân dân thực tình đã trân trọng ông ở tấm lòng yêu quê hương tha thiết, sự gắn bó keo sơn với tổ quốc, nhân dân. Những bạn trẻ, và người yêu nghề cầm bút còn học thêm được ở nhà văn Nguyễn Quang Sáng những trải nghiệm chuyên môn vô cùng quý giá về nghề văn, tinh thần tự học son sắt ngoài trường đời, về ý chí lao động nghệ thuật quyết liệt, cũng như vẻ phong lưu, tài năng và nhân cách đích thực của một nhà văn chiến sĩ Nam bộ.

 

                                    10. 08. 2016\

                                                                                                                  

 

                                                                      

 

Nguyễn Thanh
Số lần đọc: 4294
Ngày đăng: 19.08.2016
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nguyễn Ngọc Tư - nữ nhà văn xóm rẫy - Nguyễn Thanh
Kiên Giang - Mộc mạc "Một sắc thơ miệt vườn" - Nguyễn Thanh
Giới thiệu tác giả,tác phẩm - Man Nhiên - Từ Sâm
Inrasara - nhà nghiên cứu, phê bình thơ thời kỳ đổi mới - Chế Diễm Trâm
Du Tử Lê - Đặng Phú Phong
Trịnh Cung - Đặng Phú Phong
Việt Thương (Nguyễn Văn Giai) - Hồn lãng tử trong áo choàng linh mục - Mai Bá Ấn
Nguyễn Huyền Thạch và thơ màu xanh phai - Mai Bá Ấn
Lê Văn Ngăn "Cuộc đời và thơ ca" - Vương Kiều
Kiệt Tấn , đôi khi thèm chết nhưng vẫn mê đời - Trương Văn Dân
Cùng một tác giả
Bóng chiều hôm (truyện ngắn)
Bông vông đỏ (truyện ngắn)
Bâng-briêu mùa xuân (truyện ngắn)
Chờ đò (truyện ngắn)
Miên man quê chị (truyện ngắn)
Trong ngôi nhà ma (truyện ngắn)
Rứng chuối xôn xao (truyện ngắn)
Đồng đất thở dài (truyện ngắn)
Chợ cuối trời (truyện ngắn)
Quanh co Rạch Giếng (truyện ngắn)
Vắng vẻ chợ hoa (truyện ngắn)
Đá trắng (truyện ngắn)
Xuân muộn (truyện ngắn)
Từ một trang văn (truyện ngắn)
Mùa xuân trở lại (truyện ngắn)
Danh họa Picasso (hội họa)
Xoài khô Nam bộ (truyện ngắn)
Học trò chủ nhiệm (truyện ngắn)
Hè về (tạp văn)
Bài thơ định mệnh (truyện ngắn)
Hạt mùa sau (truyện ngắn)
Hệ lụy văn chương (truyện ngắn)
Mối tình xa cách (truyện ngắn)
Yêu chờ (truyện ngắn)
Tranh thờ Nam Bộ (nghệ thuật)