Ca dao là tiếng tơ đàn muôn điệu của đời sống tâm hồn quần chúng. Trong đó, ca dao giao duyên từ xưa đến nay vẫn là nguồn đề tài hấp dẫn bao thế hệ người tiếp nhận. Nói đến ca dao ngỏ tình, chắc hẳn không ai không nhớ bài ca dao độc đáo:
Ước gì sông rộng một gang
Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi.
Bài ca dao đã làm rung động bao trái tim bạn đọc từ xưa đến nay bởi lời ngỏ tình mãnh liệt, táo bạo mà không kém phần đằm thắm, tế nhị của nhân vật trữ tình là một cô gái.
Bài ca đi vào lòng người bằng một giọng điệu ngọt ngào, thiết tha về một cuộc gặp gỡ trong tưởng tượng, trong tâm tưởng khác với những cuộc “gặp gỡ” truyền thống: một bến sông, một con đò ngang (hoặc một cây cầu bắc ngang), một chàng trai ở bên này sông, cô gái ở bên kia sông:
Con sông sâu nước dọc đò ngang
Mình về bên ấy, ta sang bên này.
Trong ca dao, cây cầu đi liền với dòng sông, chuyến đò là biểu tượng cho khoảng cách, trở ngại về không gian - địa lý, nhất là trở ngại trong tình yêu. Trong ca dao tình yêu đôi lứa, môtip cái cầu – con sông là một chi tiết nghệ thuật quen thuộc và đặc sắc, xuất hiện với tần số khá lớn, trở thành một biểu tượng để chỉ nơi gặp gỡ, hẹn hò của những đôi lứa đang yêu, là phương tiện để họ đến với nhau:
- Yêu nhau cởi áo cho nhau
Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay.
- Anh về xẻ ván cho dày
Bắc cầu sông cái cho thầy mẹ sang.
Song, những cây cầu vừa kể trên là những cây cầu thực và nhân vật trữ tình thường là các chàng trai, vốn được có đặc quyền chủ động trong tình yêu, chủ động bày tỏ tình cảm. Còn ở bài ca dao này, cô gái chủ động “bắc cầu” để xóa nhòa khoảng cách, để được nối lòng. Thật táo bạo và dân chủ!
Cây cầu mà cô gái muốn chủ động bắc lại là “cầu dải yếm” – cây cầu ảo, không có thật trong cuộc đời. Vì thế, “sông một gang” – “cầu dải yếm” đã trở thành biểu tượng tình yêu mà cô gái muốn nối nhịp cùng chàng trai thương mến.
Kho tàng ca dao cũng không hiếm những cây cầu ảo, những cây cầu chỉ có trong tưởng tượng, trong mơ ước:
- Hai ta cách một con sông
Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang.
- Cách nhau có một con đầm
Muốn sang anh bẻ cành trầm cho sang.
Cành trầm lá dọc lá ngang
Để người bên ấy bước sang cành trầm.
- Gần đây mà chẳng sang chơi
Để em ngắt ngọn mùng tơi bắc cầu
Sợ rằng chàng chẳng đi cầu
Cho tốn công thợ, cho sầu lòng em.
- Gần nhà mà chẳng sang chơi
Để anh bắc ngọn mùng tơi làm cầu.
- Sông cách sông, thủy cách thủy
Em se sợi chỉ em bắc cây cầu
Để cho anh sang mà giảm mối sầu tương tư.
……
Cầu cành hồng, cầu sợi chỉ, cầu ngọn mùng tơi, cầu cành trầm… cũng là những cây cầu-tình yêu chỉ có trong tưởng tượng, thể hiện khao khát, khát vọng cháy bỏng được có nhau của những chàng trai, cô gái đang yêu. Chúng rất xa thực tế, nếu không muốn nói là chúng phi lôgich thông thường, vô lý đến không giải thích được. Thế nên chúng rất nên thơ, lãng mạn xuất phát từ khát vọng yêu đương chân thành, hồn nhiên của người bình dân.
Song, trong số những hình tượng cây cầu không thực ấy chỉ có “cầu dải yếm” là táo bạo nhất, nó là biểu tượng cho tình yêu trong sáng nhưng cháy bỏng của người con gái. Dải yếm là trang phục của người phụ nữ xưa, là vật bất ly thân, thể hiện nét đẹp mềm mại, dịu dàng, kín đáo, nữ tính. Dải yếm cũng là hiện thân cho vẻ đẹp tâm hồn, sức sống mãnh liệt của người con gái. Khát vọng bắc cầu dải yếm của cô gái thật táo bạo vì nó dễ nảy sinh liên tưởng về sự ấm áp, nhịp đập của trái tim đầy yêu thương.
Ở đây con sông không thực mà cái cầu lại càng ảo. Có con sông ấy thì mới có cái cầu ấy. Nó đích thực là cái cầu tình yêu. Nó táo bạo, mãnh liệt nhưng cũng trữ tình, ý nhị biết bao, bởi nó là cái dải yếm, cái vật gần gũi, luôn quấn quýt bên thân hình người con gái, ẩn sau cái “mớ ba mớ bảy” trang phục bên ngoài. Nó thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ bình dân và cách nói rất độc đáo của họ trong việc biểu đạt tình yêu.
Khát vọng bắc cầu dải yếm là khát vọng bộc bạch tình yêu mãnh liệt, tình yêu đã đến độ “chín”, nồng nàn nhưng không kém phần tế nhị, ý vị. Cây cầu do người con gái chủ động bắc cho người mình yêu trong sự ràng buộc, tỏa chiết của lễ giáo phong kiến. Nguyên nhân khiến văn học dân gian có một mảng không nhỏ những bài ca dao về niềm khao khát được gần gũi nhau đó là do xã hội phong kiến với nhiều trói buộc, khắt khe, yêu nhau mà không được tự do đến với nhau. Vì thế, trong bài ca dao này, cô gái đã khát khao “Ước gì…” như vậy.
Trong kho tàng ca dao cũng có nhiều bài ca dùng công thức “Ước gì..” thể hiện ước muốn “hóa thân” để luôn được cận kề người yêu thương:
- Ước gì anh hóa ra chăn
Để cho em đắp, em lăn, em nằm.
- Ước gì anh hóa ra hoa
Để em nâng lấy rồi mà cài khăn.
hoặc ước muốn hóa thân để giữ vẻ đẹp, tôn vẻ đẹp của người yêu:
Ước gì anh hóa ra gương
Để cho em cứ ngày thường em soi.
để cùng người yêu xây đắp và gìn giữ tình yêu và hôn nhân:
Ước gì anh hóa ra cơi
Để cho em đựng cau tươi trầu vàng.
Nhưng có thể nói, hiếm có bài ca dao nào bộc bạch một tình yêu sâu kín, tha thiết mà cũng đầy khao khát như bài ca dao “cầu dải yếm” này.
Bài ca dao đã giúp chúng ta hiểu được vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ bình dân xưa trong tình yêu; đồng thời cũng khiến ta thêm xót thương thân phận người phụ nữ bị những luật lệ bất công, phi lý trói buộc, do đó mới thốt lên những lời ước ao chua xót:
Kiếp sau đừng hóa ra người
Hóa ra dải yếm buộc người tình nhân.
Khát vọng của cô gái trong bài ca dao “cầu dải yếm” thật lãng mạn và nồng nàn. Nhưng, suy cho cùng, tiếng nói ấy đã gián tiếp nói lên sự bất bình đẳng mà người phụ nữ phải gánh chịu từ xưa đến nay. Bài ca dao có lẽ đã khơi dòng, làm nên sự đồng vọng về khát vọng tình yêu, khát vọng nhân bản của các nhà thơ nữ trong nền văn học viết của dân tộc như Hồ Xuân Hương, Xuân Quỳnh, Ý Nhi, Đoàn Thị Lam Luyến, Phan Thị Vàng Anh…
Đã có nhiều công trình nghiên cứu cho thấy: trong ca dao tỏ tình, các chàng trai chủ động nói nhiều hơn, còn trong ca dao tương tư thì nhân vật nữ chiếm phần lớn. Nói như thế để thấy bài ca dao “Ước gì sông rộng một gang” thật độc đáo. Bài ca dao khiến chúng ta yêu quý kho tàng ca dao của dân tộc và yêu quý tâm hồn dân tộc bởi nó là tiếng hát khỏe khoắn của những trái tim khát khao cháy bỏng tình yêu thương và khát vọng sống đậm tình nặng nghĩa. Đặc biệt, bài ca dao đưa đến cho chúng ta cách ngỏ tình thật độc đáo: táo bạo nhưng ý nhị và đầy nữ tính. Vì vậy, PGS.TS. Phan Huy Dũng nhận xét: “Chỉ với hai dòng lục bát, bài ca dao đã thể hiện được khá nhiều nét tâm lý đặc trưng của kẻ đang yêu, đặc biệt là những cô gái. Cũng phải thôi khi bài ca dao chính là lời của họ. Ta nhận ra ở đây vừa sự khao khát táo bạo vừa sự mềm mại dịu dàng, bên cạnh chút bỡn cợt, hài hước là sự chu đáo, tận tình không thể chê vào đâu được!”([1])
Phải chăng bước chân cô Kiều: “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” ở Truyện Kiều (Nguyễn Du) đã được tiếp sức từ những người phụ nữ táo bạo như cô gái trong bài ca dao này?
[1] Phan Huy Dũng (2009), Tác phẩm văn học trong nhà trường phổ thông – một góc nhìn, một cách đọc, Nxb Giáo dục Việt Nam, trang 14.