Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.164
123.146.989
 
Giới thiệu tác giả, tác phẩm (7) - Bạch Diệp
Từ Sâm

 

 

Bạch Diệp sinh ra ở vùng quê “Nhất Đồng Nai nhì Hai Huyện”  - Lệ Thủy, Quảng Bình. Hiện sống ở Huế.

Chị kết duyên với Thơ đã lâu và có  những đứa con:  Vũ điệu lam - thơ NXB Văn Học 2011,  Tùng gai – thơ  NXB Văn Học năm 2014…

 

Cái tuổi trẻ trung và “mắn đẻ”, tôi tin chị sẽ sinh nhiều con với Thơ nữa.

 

Ngoài tình với Thơ, những lúc cần  tâm sự, chị “xăm xăm băng nẻo vườn khuya một mình” đến với chàng Tản Văn. Đó là phận Duyên, là nỗi Đa đoan của chị.  

Tôi thích  “vườn khuya” ấy. Nhẹ nhàng, kín đáo. Như chân trần  dưới trăng. Khe khẽ bước qua sự run rẩy của hạt sương trên ngọn cỏ.  

 

 Và,

 

Bóng chị đang ra khỏi sự tĩnh lặng của khu vườn Huế. Đồng hành cùng các ô cửa trên tuyến tàu tốc hành. Khoảnh khắc hính ảnh thoáng qua rất nhanh, như cuốn phim vượt qua tốc độ 24 hình/giây. Nhưng khi đoàn tàu đỗ ga, hình ảnh lại hiện hữu.

Đó là khung rèm cửa, là ánh trăng khuya, là cuốn sách trên bàn một ai đó đang mở, là ánh đên như mi mắt người mệt mỏi …

 

Màu của chữ trên cây thơ của chị có lúc xanh đến “nhức mắt” của nước thượng nguồn Kiến Giang. Có lúc cay nồng vị bánh sắn vùng đồi. Có lúc bầm tím như trái sim mùa hạn.

 

Gói những trái chín nho nhỏ của cây thơ vào lá thời gian. Lên men  và ủ kín bằng…lối suy ngẫm. Sự thèm khát được mở ra khi ta bóc dần tững chữ, từng câu và tiếp cận cái nhân của lòng ẩn trắc, của sự nuối tiếc…

 

Ta được bữa tiệc say đến…bâng khuâng.

 

Đó còn là vị Quê của chị. Như chiếc áo cánh đã cách tân khi nhớ về quá khứ chị thường lấy ra mặc. Vừa khỏe khoắn về đường nét, vừa truyền thống với chất liệu và hoa văn, và chị tự tin khi đạo phố giữa đầy rẫy thời trang nửa mùa.   

  

Ví như,

 “Khi đàn chim bay đi
Chuyến xe mùa đông vừa đổ dốc”.

 

Sự chuyên động của sự sông và thời gian như qui luật tỉ lệ nghịch bất biến làm nên một câu thơ hay.

 

Một ngày nào đó. Chị rời chuyến tốc hành. Trở lại với chuyến tàu chợ quê. Con tàu cũ rich hôi hám, chậm rãi và già nua.

Ga xép Thượng Lâm, nơi bến đỗ một thời của chị, nơi đã nhuộm xanh tuổi hoa niên.

Giờ đây, nó là con tàu đang chạy ngược về phía dĩ vãng. Những câu thơ mỏng manh không gánh nổi ký ức nặng trĩu của chuyến tàu.

 

Chị đã dùng tản văn để chuyển tải nó.

 

Xin giới thiệu với bạn đọc các tác phẩm thơ và tản văn của chị.

(Bài do người viết tự chọn)

 

 

Bạch Diệp

GIAO MÙA

 

Khi đàn chim bay đi
Chuyến xe mùa đông vừa đổ dốc
Một giây khắc lãng quên êm ái
Tràn trên mi mắt những giọt mưa thuần khiết rơi rơi

Ta cược với mình

Chẳng còn gì êm ái hơn đâu

Một ngày ta đứng giữa khoảng không
Trên đầu là bầu trời xanh ngắt
Nhìn những con đường ta qua trong lặng im bình thản

Thôi
Ta dừng lại ở đây.
Sao cái dáng nhìn nghiêng bất chợt làm ta đau
Hôm ấy biển nổi cơn dông
Người nói sợ sóng cuốn ta trôi đi mất

Người nói đừng tìm nữa
Những cơn đau sẽ rất dài
Và những cơn mưa sẽ không bao giờ dứt .
Ta ngoan nghe lời anh .

Chiều nay
Đàn chim ngủ suốt mùa đông đập cánh trở về
Nâng khuôn mặt trước gương nụ cười thuần khiết
Cảm ơn giây khắc lãng quên

Ta biết
Ngày mai trời sẽ xanh

(bài rút trong FB của Hoàng Vũ Thuật)

 

 

TÙNG GAI

Tôi không muốn qua phố Camphor Tree
Nên cứ đi đường vòng
Ban công trắng nhà kia hoa lan nở
Bên cạnh tùng gai lá rũ
Góc chiều lao xao

Quẩn quanh dưới dốc nhà thờ
Tôi thầm hỏi tại sao
Thế giới cần thêm một ngày nói dối
Trên đồi cao vọng lời xưng tội
Tôi nghe ngực trái thắt từng cơn

Anh đã trồng gốc tùng gai tháng tư
Như dấu chữ hoa của câu chuyện buồn
Những câu chuyện bắt đầu từ sớm mai
                               đến đêm chưa kết thúc

Tôi không muốn qua phố Camphor Tree mùa này
Nghe như tiếng ai gọi Nâu ơi trên hàng cây muối
Tiệm sách quán cà phê người xe chật chội
Vẫn ban công trắng và mắt cửa vuông
Và tùng gai cô độc bên đường
Nhánh xương khô ngỡ ngàng không buông xuống

Chuông nhà thờ tiếng ngày rơi muộn
Sao người ta cần thêm một ngày nói dối
Khi triệu triệu năm khổ đau vì nói dối
Làm sao Người xá tội ! 
Tôi quẩn quanh dưới dốc nhà thờ . 

 

GA XÉP VÀ TÔI

Tản văn

 

Tôi nghe tin chuyến tàu chợ Huế - Đồng Hới hàng ngày bây giờ bị cắt giảm chỉ còn 3 ngày trong tuần, có người còn nói thêm biết đâu đến lúc kinh doanh khó khăn người ta cho ngừng luôn chuyến tàu này, buồn như mình vừa bị mất cái gì quý lắm…Suốt mấy ngày tôi hụt hẫng đến nghẹn.


Chuyến tàu chợ đi và dừng ở những ga xép mà tôi vẫn thường đi. Cái tên “tàu chợ” nghe thân thuộc quá. Đó là hoài niệm, là kí ức tuổi thơ của tôi, của chúng tôi. Nói đúng hơn nữa là chuyến tàu mà mấy chục năm trước đã mang đến cho vùng quê hẻo lánh của tôi thứ ánh sáng và mùi hương phố thị., những mơ ước xa xôi cho những trái tim non nớt thơ ngây.


Nhà tôi ở bên kia đồi, cách ga Thượng Lâm hơn cây số. Ngôi làng nhỏ đất đai cằn cổi heo hút là thế giới tuổi thơ của anh em chúng tôi. Tôi thường hỏi ngoại: Bên kia đồi là Hà nội hở ông? Làm sao con qua được bên ấy? Lúc đó ngọn đồi cao mấy trăm mét sao hùng vĩ thế. Lũ nhóc chúng tôi thường kéo nhau ra đường tàu. Đường ray hun hút, chúng tôi cứ ngửa cổ mà hít mùi gió rừng mênh mông, trời cao xanh ngăt. Cho trâu ăn cỏ dọc đường tàu, chui vào một lùm cây ngủ thiếp với những giấc mơ tận trời. 


Những năm chiến tranh ác liệt, nhiều ngôi nhà gỗ trắc, gỗ lim phải dỡ làm hầm làm cầu. Đường tàu như cái xương sống cũng bị gỡ đi từng thanh tà vẹt làm trụ cầu cho xe vô nam. Chiến tranh kết thúc, làng tôi vẫn nghèo, hun hút gió và nắng. Rồi bộ đội ,công nhân về làm lại đường tàu. Xóm làng như bừng tỉnh khi chuyến tàu Bắc Nam kéo còi trên đất quê tôi. Người ta mặc quần áo mới ,kéo nhau ra ga như ngày hội. Đoàn tàu xé màn sương ,tiếng còi vọng đến những ngôi làng dưới chân núi. Chợ xép mọc lên cạnh sân ga. Ban đầu là vài chiếc xe chở cá từ chợ huyện về. Những thùng cá tươi kho vội mà mùi của biển lan khắp xóm núi. Người làng có chục trứng, mớ rau xanh, người bên kia đồi gánh theo buồng chuối vườn ,măng tươi mới cắt. Những búp măng thon như băp chân thôn nữ thật thích mắt. Mùa nào thức ấy, nào sim tím ngọt, dâu ửng màu má hồng,, hạt muồng chín đen, hạt dẻ vàng nâu màu mắt…


Ai bận cách chi cũng vài hôm ghé chợ. Để chào hỏi người làng trên xóm dưới, để đợi tiếng còi chuyến tàu chợ mỗi sáng lúc 10 giờ. Tôi không thể quên được cái cảm giác sung sướng khi đươc đặt chân lên bậc cửa toa tàu. Nó lắc lư ,rùng rùng, ken két rồi trôi đi rộn rã mời gọi. Giò ngất ngây trên tóc, trên má. Những khúc quanh xanh màu cây lá,những thửa ruộng bậc
thang lục vàng chấp chới. Và hoa dại, cơ man là hoa dại... Đi bắc về nam chẵng thể nào có được cái cảm giác thân thương như khi ngồi trên tàu chợ về quê. Lơ mơ nắng gió qua hết đồi thông bất ngờ hiện ra một ga xép nhỏ nép mình bên sườn dồi đầy hoa dại. Xa xa giữa màu khói đốt đồng là lũ trẻ với bầy trâu no kè hò hét vẫy tay theo tiếng còi tàu...


Ngày vô Huế đi học rồi di làm, tôi ngơ ngác vừa đi vừa ngoái lại . Thấy quê nhà không xa khi ngắm con tàu rời ga. Chỉ 4 giờ đồng hồ là sẽ găp lại ga xép.Giữa phố lạ, đôi khi thấy lòng bơ vơ quá nhưng không đươc phép về nhà tôi lại thẫn thờ đợi tiếng còi tàu Rồi tôi cùng chồng và các con trên chuyến tàu chợ quen thuộc về quê. Nhân viên soát vé, chị bán cơm, dì bán nước ..Họ nhớ tôi khi còn bé tí, họ cười với chồng tôi, xoa đầu các con. Thật thân thuộc, ấm lòng... 


Người làng tôi buồn và lo lắng khi tàu giảm chuyến. Ngày có tàu, quãng đường ra ga vài cây số là có thể ra bắc vô nam, không thì phải đi gần 20 cây số để ra đường Quốc lộ, đi xe bồng bế nhau 40 cây số mới đến ga lớn đón tàu tốc hành . Người ta nhớ những chuyến tàu chợ mở tung cửa gió rúc còi mỗi 10 giờ sáng và 3 giờ chiều đón đưa. Sẽ không còn những gói bánh lá chùm trái cây, những tíu tít mời chào nơi ga xép. Và cả những nhân viên đường sắt, những người phục vu đã cùng con tàu này bao nhiêu năm qua...

Bạn tôi nói biết làm sao đươc vì bây giờ ngành nào kinh doanh cũng,phải tính chuyện lời lãi hơn thiệt. Ước một câu chuyện đep như cổ tích ở nước Nhât. Rằng một chuyến tàu suốt ba năm vẫn đi về vùng quê hẻo lánh chỉ để đón đưa một đứa trẻ đến trường. Suốt ba năm cho đến buổi học cuối cùng của bé...


Rồi tât cả sẽ trở thành chuyện kể. Sẽ là hồi ức, sẽ đi vào lãng quên. 
Ga xép của tôi vẫn nép mình bên ngôi làng heo hút dưới chân ngọn đồi xinh.
Dù những chuyến tàu chợ vắng thưa đi, ga nhỏ vẫn ở đó, vẫn đă đắm sáng đèn cho những chuyến tàu nhanh lướt qua, lướt qua.... Nỏ vẫn ở đỏ. Lặng lẽ như một tình yêu chờ đợi .


Huế 30 tháng 5 năm 2016

(bài rút trong FB của Ngô Minh Khôi)

 

 

 

Từ Sâm
Số lần đọc: 3457
Ngày đăng: 21.08.2016
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Giới thiệu tác giả - tác phẩm (6) - Trần Hữu Dũng - Từ Sâm
Từ Nghìn Thu Đến Mười Năm (Einstein & Bùi Giáng) - Đặng Ngọc Như
Mô hình gia đình Việt Nam từ Truyền thống đến thời kinh tế thị trường. - Đặng Kim Thoa
Bảo tồn phát huy Và bảo tồn phát triển văn hóa nghệ thuật. - Tuấn Giang
Giới thiệu tác giả - tác phẩm (3) - Vũ Trọng Quang - Từ Sâm
Giới thiệu tác giả, tác phẩm (3) - Nguyên Minh - Từ Sâm
Giải pháp quản lý nghệ thuật biểu diễn - Tuấn Giang
Đến sự hiện đại hóa thơ Việt từ “trường phái trường ca Việt” - Đỗ Quyên
Khảo cứu về hò khoan Lệ Thủy (phần 3) - Đặng Ngọc Tuân
Ý Nghĩa của Nghệ Thuật - Võ Công Liêm
Cùng một tác giả
Luyến (thơ)
Làng (thơ)
Khuyết (thơ)
Ảo (thơ)
Nợ em (thơ)
Tôi (thơ)
Sắn (thơ)
Ghép (thơ)
Chị (thơ)
(thơ)
Thằng Tít-rằn (truyện ngắn)
Gánh (thơ)
Nụ hôn trầm tích (truyện ngắn)
Cổ phần đêm 30 (truyện ngắn)
Gửi trái tim (tiểu luận)
Văn nghệ khai Xuân (điểm sách)
Mùi của bếp (tạp văn)
Mùi của bếp (phê bình)