Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.059
123.138.025
 
Shiva Bạc Phơ Trong Panduranga
Nguyễn Hàng Tình

 

         

 

 

                                                                   

   

 

 

                                                     

 

       Thánh thần, quân vương, không chịu được khổ và tổn thương. Họ đi hết. Con người thường tình ta ơi  thì ở lại, với tất cả, dưới vòm trời này.

 

          

 

             Lòng tôi cứ réo gọi, rằng phải được sống qua xứ sở nào đó mà  biểu hiện cho sự trắc trở nơi mặt đất, trong điều kiện đi đến của mi. Phật bảo đời là bể khổ. Tôi lại tin, sự khốn nạn của trắc trở là con đường đầy đủ hấp thụ và vận chuyển sự thật, hiện ra hình hài, mùi vị cùng vui sầu của thế tục lẫn giống loài, để thế giới con người khác con khác; kìa số phận, ý nghĩa, nhưng đầu tiên là bản diện con người với bản diện con khác, và tâm hồn nữa.

            Biết đâu Chăm là hiện thân ánh xạ của bài ca ấy…

 

 

         

                                 Cát Shiva

 

 

 

             Cứ đến Phan Rang, Ninh Thuận là mọi thứ trong tôi chậm lại, dù mỗi một khắc trôi qua nắng gió cứ tung hoành. Nắng và Gió ở đây là thứ bất trị. Ở đâu cũng có nắng gió, nhưng sao nắng gió ở đây nó khác hẳn; nó có “chân dung”, rất mông dại, hoang liêu, cũ rạc. Không bị núi non điệp trùng như cao nguyên miền Thượng che chắn nên nó hoang phỉ lang thang và lồng lộng, lang thang đến mức bất cần; lang thang đến mức vô tâm, không có sự châm chước hay nể nang bất cứ cái gì bên dưới. Mà cái bên dưới đó, ấy là con người và  thảo mộc. Qui luật đã chỉ ra, trên trái đất này, khi một xứ sở trở thành nơi sống say đắm của cây xương rồng thì nó đồng nghĩa với tính chất “sa mạc” rồi. Giống loài cây mà lá phải hóa gai để giảm sự thoát hơi nước, để  tồn tại. Tất cả mọi làng mạc, cánh đồng, phố thị ở đây đều nằm trên cát, nếu không toàn cát thì cũng là đất cát. Cứ thế, Nắng, Gió, Cát quyện vào, xoay quần, làm cho xứ này đặc quánh lại. Khác với xứ Nam bộ “phù sa gạo trắng nước trong”, hay xứ Kirata(tiếng Chăm chỉ vùng Tây Nguyên_từng chịu chi phối ảnh hưởng của Chăm) với đất bazan hay feralit màu mỡ thì xứ Ninh Thuận mọc lên trên một mặt đất bạc màu vô tận đó.

          Đây là trượng hợp đặc ân của Thượng đế, hay là sự tàn bạo, sự thách thức cao nhất về ý nghĩa sinh tồn của con người khi hiện diện trên mặt đất. Để làm người rốt ráo, bạn phải chịu “án”, hấp thụ được trắc trở, và khả năng chuyển hóa. Kỳ lạ là phái ngoài nó, Khánh Hòa, Phú Yên, trong nó là Bình Thuận,  Vũng Tàu, không phải nhận món quà quá khắc nghiệt đó từ Thượng đế. Cùng một dải lục địa  trải dài, nối liền chạy theo ven biển, nhưng có cái gì đó cứ như một “ốc đảo”, ốc đảo về khí hậu và thổ nhưỡng, cùng điều kiện sống… Nó cũng như cây Tagalau kia vậy, chỉ trổ hoa trên miền hoang mạc ven biển Đông ruột thịt và dưới chân dải cao nguyên phía tây này; như nho ra trái thơm ngọt ngát trời; củ hành, trái ớt thì kết tinh đủ độ nồng nàn về vị. Xứ sở này vẫn không thiếu màu xanh, với lúa, mía, mì, thuốc lá, chăn nuôi cừu, dê_vì người dân sống chủ yếu từ nông nghiệp mà_ nhưng sao đi giữa màu xanh ấy ta cứ cảm nhận được sự oai nực tàn khốc mà không thể đón nhận về sự mát lành. Tiếng Chăm gọi đây là xứ Panduranga, còn tiếng phố thông, Việt, đọc trại thành Phan Rang. Để rồi cô bác dù cũ hay mới khi sống ở xứ này đã tự hào(và tự chia sẻ) về xứ sở của mình là “nắng” như “Rang”,  còn “gió” như “Pha(n)g” là vậy. Con người dữ dội nhất là khi biết chế giễu, pha trò về mình.

              Mọi thứ phơi ra tự nhiên, cứ như tinh thần vũ trụ về sự tồn tại của vật chất trong trời đất, tư tưởng mà người Chăm hấp thụ xuyên suốt từ xa xưa, mà hiện thân là qua những ngôi đền tháp Chăm thờ sinh thực khí, về vị thần có khả năng hủy diệt- sáng tạo- và bảo dưỡng, Shiva, trong Balàmôn giáo_tín ngưỡng/tôn giáo thực chứng có hệ thống hoàn chỉnh lâu đời nhất của nhân loại và đầu tiên người Chăm theo. Nó là “lời” động viên từ trong căn cốt về sự chuẩn bị để “sống” và kiến tạo tâm hồn cho cộng đồng về nhận thức và qui luật hấp dẫn tất yếu ấy của vũ trụ, tự nhiên mà con người là một thành phần của tạo hóa. Hoặc là  sự ứ dồn, đường cùng, hoặc là sự nếu yếu đuối thì không thể sống ở những chốn hoang lạc thế này.

                           

                                  

 

                                     Sự sống

 

 

 

                     

            Vì vậy mà nguồn nước là điều quan trọng, cốt tử cho sự sống còn trên xứ sở “sa mạc” này. Khi đứng nhìn đập Nha Trinh trên dòng sông Dinh, làm sao không thán phục vì khả năng kỳ diệu của con người trong sự thích ứng và nương theo thiên nhiên để tìm cách tồn tại. Sông Kraong Binai (tiếng phổ thông là sông Lớn/hoặc sông Cái)  chảy từ miền cao nguyên Langbian xuống, đâm xuyên qua xứ Panduranga. Đây con đập_công trình thủy nông_ra đời từ hơn 800 năm trước. 800 năm, công trình thủy lợi vẫn còn “sống”, hoạt động, sừng sững đến giờ. Từ đập nước này, trên trung nguồn con sông Kraong Binai người Chăm đã tạo dựng hai con kinh  dẫn nước khổng lồ được gọi “mương Đực” và “mương Cái” đưa nước đi tưới cho những cánh đồng khô cằn mênh mông ở xứ sở, dài năm mươi và sáu mươi cây số. Nó có huyền thoại về sự ra đời của nó khi được cho là trên cảm hứng về sự thi thố giữa bên Nam và bên Nữ khi xây dựng nó. Điều này lại còn logic với tư tưởng xa xưa của người Chăm về sự tồn tại của thế gian được đặt trong tính Nam và tính Nữ_âm dương/sinh thực khí. Người Chăm cổ xưa đã thể hiện sự bậc Thầy của mình trong việc trị thủy, thiết kế nền nông nghiệp chuyên nghiệp. Đập Banơk Cakling_tiếng Chăm(Nha Trinh_tiếng Việt trại ra) ra đời từ tầm nhìn của vị vua tài trí Ppo Klaong Garai đang quản trị xứ sở lúc bấy giờ. Còn tuyệt vời hơn khi ông lấy tên của hai người thường dân từng nuôi ông từ thuở thiếu thời nổi trôi để đặt tên cho công trình thủy nông siêu hạng này ở  Đông Nam Á. Nào riêng Banơk Cakling, làng gốm cổ xưa Bàu Trúc hình thành hơn bốn, năm thế kỷ trước đến nay vẫn “sống”.  Vẫn kiểu làm gốm bằng đôi bàn tay mộc, không cần bàn xoay, đi vòng quanh cục đất sét mà nắn tạo ra vật dụng. Lịch sử ba đào, thời cuộc đè lên đè xuống nhưng làng gốm vẫn cứ sống. Xưa làm vật dụng lu, nồi, vại, chảo đất, nay thì bạt ngàn những sản phẩm, từ đồ gia dụng sinh hoạt truyền thống Chăm đến lọ, bình, vật trang trí cho nhà cửa hiện đại, bán đi khắp các đô thị lớn, ra nước ngoài… Thổ cẩm Chăm vẫn cứ sản xuất ra đều ở làng Mỹ Nghiệp cách không xa làng Bàu Trúc. Gắn bó với Tây Nguyên, tôi biết những dân tộc trên miền Thượng này ngày xưa từng coi gốm và đồ thổ cẩm Chăm là những đồ vật xa xỉ, quí báu.

              

 

                                                               

                                                              *

 

 

            

           Từ Quảng Bình vào tới Khánh Hòa những gì của Chăm đã xa khuất, chết, chỉ còn là dấu tích, di vật, những khối mảnh ký ức vật chất, ký ức tinh thần, trong lòng tha nhân những nơi ấy bây giờ và vật vờ như những bóng “Ma Hời” mênh mông về một “Thế giới Chăm” lụi tàn huyền ảo. Những tháp Chăm trơ gan hoang phế ở Mỹ Sơn, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa… nó vọng vào trời xanh những nổi trôi của lịch sử. Thì nó cũng như những bộ trước tác nghiên cứu về Chămpa của nhũng người bên ngoài như G.Maspéro, H.Parmentier, và sau này là Kazimierz Kwiatkowski, Ngô Văn Doanh, Bùi Khánh Thế … Đó là những đắm say về một cộng đồng, một nền văn hóa tinh túy và đồ sộ giữa hoang tàn lộng lẫy.  

           Trong công trình gây chú ý những năm gần đây của Hồ Trung Tú, tác phẩm “Có 500 Năm Như Thế”, phần gây hấp dẫn nhất của nó với tôi là phần đi giải phẫu, nói về sự “biến mất đi đâu” của cư dân Chămpa ở những vùng chỉ còn phế tích và ký ức ở xứ Quảng Nam ngoài kia. Đúng vậy, người Chăm của thời Champa biến mất huyền ảo, còn Chăm của bây giờ vẫn sống âm ỉ ở dải đất Phan Rang Ninh Thuận này đây. Chăm Panduranga này có thể chỉ là tiểu quốc, thuộc quốc của đại vương quốc Chăm rạng khí cổ xưa kia. Tất cả những tháp Chăm đều đã chết, ngoại trừ tháp Chăm Ppo Klaong Garai, và Ppo Rome ở Ninh Thuận. Cụ thể là những mùa Katê về, người Chăm Ninh Thuận vẫn hành lễ trên tháp Ppo Klaong Garai nằm trên núi Trầu ở phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm và cả trên tháp Ppo Rome ở palei Hậu Sanh vùng Phước Hữu huyện Ninh Phước. Tháp  Ppo Klaong Garai được xây vào cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIV, thời kỳ vua Jaya Sinhavarman III của đại vương quốc cổ Chămpa, để thờ vị vua cao cả Ppo Klaong Garai cai quản xứ Panduranga đặc biệt trước kia ở giữa thế kỷ XII đến đầu thế kỷ XIII. Tháp Ppo Rome thì được xây vào thế kỷ XVII để thờ vua Ppo Rome, là tháp Chăm xây dựng cuối cùng của người Chăm trên đất nước Việt Nam tôi ngày nay, và Ppo Rome cũng chính là vị vua cuối cùng của Chămpa. Và ngôi đền thờ Thần Mẹ xứ sở_ Po Inư Nagar_ ở palei(làng) Hữu Đức vẫn là nơi vào mỗi mùa Katê người Chăm khiêm cung tổ chức lễ đón rước y trang của nữ thần cùng cố vương khả kính kia từ sắc dân anh em có nhiệm vụ chăm giữ y trang hiển linh của họ là người Raglai ở trên núi xa đưa về mùa hành lễ. Trên dải đất dằng dặc miền Trung đầy thanh âm, biến động, tráng khí và uẩn khí, chông chênh lịch sử, hình ảnh của các vị chức sắc tôn giáo người Chăm trong màu áo trắng dài tới chân, quấn khăn trắng trên đầu, và choàng chiếc khăn đeo cổ màu đỏ đặc trưng kia lại chỉ có thể thấy ở Ninh Thuận này đây.

           Bao tháp Chăm ở Mỹ Sơn, Bình Định, Phú Yên… đều xây nên để thờ  sinh thực khí_ tín ngưỡng phồn thực/thờ Thần, theo Bàlamôn giáo. Thì ở tháp Ppo Klaong Garai, và Ppo Rome là để thờ Vua. Chỉ có điều hai ông vua này trong lòng người dân là đã hóa Thần, nên ở bệ Linga-Yoni, phần Linga là hiện thân của ngài, khắc hình ngài lên đó, nên nó là thứ Mukhalinga.

 

                                         

    

                                              Chăm hóa

                                       

 

           

       

          Từ những gì đang “sống”, diễn ra, sinh hoạt bình thường của người Chăm ở Ninh Thuận nay, tức Panturanga xưa, tôi nhận ra vẫn còn một mạch sức sống bền bỉ của Chăm. Như động thái thờ vua trên những tòa tháp đất nung đặc trưng đó, đã cho thấy người Chăm đã “bản địa hóa” Bàlamôn giáo. Khả năng này của họ cũng như họ đã “bản địa hóa” Hồi giáo(Islam),“Chăm hóa”_ khi tôn giáo này du nhập vào Chămpa. Không chỉ Tháp Ppo Klaong Garai, hay Ppo Rome, nay tôi đi qua bảy thánh đường Hồi giáo như thế đang “sống” bình thường ở các làng Chăm của Ninh Thuận, nghĩa là người dân hành lễ đều đặn. Và nhận ra ở đây, có một thứ Bàlamôn giáo và Hồi giáo đặc sắc của Chăm, ấy là đạo Bàni(gọi là Chăm Awal), khác với trên thế giới, không giống bất cứ Hồi giáo ở nước nào cả. Bởi đơn giản, nó là sự kết hợp và dung hòa của Bàlamôn giáo và Hồi giáo để gần như trở thành một thứ tín ngưỡng dân gian trong cộng đồng.

            Người Chăm theo đạo Bàni không tín ngưỡng độc thần, mà vừa thờ phụng các thần Yang của Bàlamôn giáo, thờ cúng ông bà tổ tiên, thực hiện các lễ hội, tín ngưỡng dân gian xa xưa của dân tộc, và vừa thờ phụng thánh Allah. Nghĩa là nó tuy hai, nhưng là một, tuy một nhưng là hai, là sự kết hợp âm(Bàni) với dương(Bàlamôn), thành Awal Ahier. Nên Nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Chế Vĩ Tân gọi đây là một “ca” đặc biệt, trường hợp đặc sắc độc đáo trên thế giới. Các vị Cả sư(Po Adhia) kia vừa chăm lo cúng tế các đền tháp Chăm, vừa làm chủ tế các nghi lễ truyền thống Chăm, vừa coi sóc các tín đồ Bàni. Chính vị vua Ppo Rome hồi thế kỷ XVII đã làm được điều tuyệt vời này để giải tỏa sự phân biệt, mâu thuẫn, gây phân hóa người Chăm theo tôn giáo có trước là Bàlamôn giáo(du nhập vào đầu Công nguyên) với tôn giáo đến sau là Hồi giáo(du nhập vào thế kỷ X, nhưng đến thế kỷ XV mới biểu hiện rõ nét) bằng đạo Bàni của riêng người Chăm. Thế nên Bàni là một thứ tôn giáo hiền hòa, thuần khiết, hướng nội, gần gũi với đặc thù lịch sử và tâm hồn người Chăm. Thế là họ vừa sinh hoạt Katê trên tháp Ppo Klaong Garai vừa đi lễ ở Thánh đường Bàni.  Nối dư hương cổ xưa vào sinh thái sống nay. Tất nhiên, không chỉ Bàni, một số làng Chăm ở Panduranga vẫn cứ theo Bàlamôn giáo(gọi là Chăm Ahier) đến bây giờ, và một số rất ít khác lại theo Islam nguyên chất, vẫn cứ bình tâm ôn hòa, thiện lành như xa xưa bước vào Thánh đường Islam(Hồi giáo).

            Tôi xem người Chăm đi Katê, hay ở mùa Ramưwan, ùn ùn lên hành lễ trên Tháp Ppo Klaong Garai, thì cũng nhìn thấy họ chậm rải, đủng đỉnh bước vào những Thánh đường Bàni nằm giữa đồng lúa lộng nắng gió trên xứ Cát. Bảy Thánh đường Bàni nằm trong bảy trên hai mươi hai palei truyền thống của người Chăm này ở Phước Nhơn, Lương Tri, An Nhơn, Văn Lâm, Tuấn Tú, Thành Tín, Phú Nhuận chan hòa tự nhiên vào những tháp Chăm đất nung đang “sống” kia nhiều thế kỷ nay.

 

 

                                                       

                                                Mùi hương Sakaya

 

 

          Bao năm lang thang trên những tháp Chăm “chết” hoang vu ở Trung trung bộ, cảm xúc trong tôi hóa rêu theo nó, cứ nhìn nó lại cơ hồ suy tưởng, mọi thứ đẩy lùi mù tít. Ở nơi đó, bóng dáng Chăm vẫn đâu đấy trên những đồi cao miền duyên hải, từ những mảnh vật chất đến bao nhiêu là địa danh hành chính, con sông, cánh đồng, làng xóm, lời ăn tiếng nói, và cả ẩm thực ngày nay vẫn  mang lấy hơi thở, hồn cốt Chăm. Tích hợp vào Chăm hiện tại, nghĩa là Chăm chưa mất đi, mà hình như Chăm đang chuyển hóa trong trời đất, vũ trụ này,  như tinh thần Shiva(phá hủy), Brahma(sáng tạo), Vishnu(bảo dưỡng). Ba đào lịch sử đã làm Chăm ly tán(và tất nhiên không riêng Chăm), lưu lạc, có mặt tận Kampong Cham(Cambodia), Malaysia, Mỹ, Thái… thì vẫn có một thế giới Chăm sừng sững, bền bỉ ở Ninh Thuận. Khi ở cái “lõi” Chăm còn lại thuộc tỉnh Ninh Thuận này thì nó quất vô tim ta rằng: trở về ngay với thực tại, với một Panduranga đương thời. Có một lịch sử và văn hóa sinh ra trên cát, tiếp tục. “Thế giới Chăm” này lại đang quyến rũ, sinh động, giàu có thêm quĩ  tài sản sắc tộc, văn hóa của đất nước Việt Nam hiện đại này. Thế nhân đều biết mà, họ là cộng đồng/dân tộc có chữ viết đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam, và là hậu duệ của nền văn hóa thời tiền sử Sa Huỳnh lừng danh. Tôi qua từng làng Chăm, vào từng nhà Chăm, lại là một huyền thoại kỳ vĩ khác hiện ra với tôi, dù ở thế kỷ XXI này vẫn tự tin duy trì Mẫu hệ trong gia đình_người phụ nữ làm chủ gia đình và con cái mang họ mẹ.

 

          Lòng tôi chợt bát ngát khi đi qua những làng Chăm cổ ở Panduranga đương đại này. Những đàn dê cừu đây đó vẫn tìm cỏ trong những rặng xương rồng, những cánh đồng vẫn cho hạt lúa chắc gạo từ giọt nước của mương Đực, mương Cái qua sự tần tảo của nông dân Chăm. Gió từ đại dương miên man thốc vào những làng Chăm, băng qua núi Cabbang(Chà Bang), núi Ka Đuk(Cà Đú), tạt lên đập Banơk Cakling huyền thoại kiêu hãnh, như vỗ về họ_về phẩm chất cư dân có cội nguồn hải đảo, ý chí của sóng gió, về nhân chủng  Indonésien và thứ ngôn ngữ Malayyo - Polynésien ở kiếp nảo kiếp nào. Lịch sử lúc đương thì thì kỳ lạ, và khốc liệt, nhưng khi có một khoảng lùi nhất định thì cứ chỉ như một “cuộc chơi”, thoáng chốc. Nó đơn giản, thơm ngát mộc mạc như món bánh truyền thống ngàn năm thân thuộc nhất của người Chăm làm từ những cây trồng trên nắng cát kia, bánh Sakaya, mà nữ thi sĩ người Chăm Kiều Maily cho tôi ăn để cảm nhận về sự hồn hậu, thuận theo tự nhiên của Chăm. Người tử tế và sòng phẳng nào mà chẳng nghiên mình trước văn minh Chăm, tỉ dụ như khi nhìn những tháp Chăm lồng lộng trước thời gian. Tâm hồn Chăm, như những câu thơ của Thi sĩ Chăm nổi tiếng đương thời Inrasara: “Gió cứ thổi vào khoảng vô danh u tối/ Thổi vào miền lặng im ám cái nhìn ngoái lại/ Chưa một lần chớp tự nghìn năm qua”

 

            Tôi hoang du trong gió cát Panduranga. Chăm là bản trường ca hoang hoải kiếp người. Nhận ra mọi thứ ở họ, đương thì nhưng có gì đó xa xưa, như nụ cười đang nở trên môi kia cũng mang hồn trầm tưởng, đẹp như di sản. Tiếng kèn Saranai, tiếng trống Ginăng còn mang hồn của cát, và dung nhan của cây xương rồng./.

 

Nguyễn Hàng Tình
Số lần đọc: 3183
Ngày đăng: 25.08.2016
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sức sống trên cao nguyên đá - Minh Tứ
Ghi chép Április - 2016 - Nguyễn Hồng Nhung
Ghi chép Május - 2016 - Nguyễn Hồng Nhung
Trung Hoa đáng sợ - Nguyễn Anh Tuấn
Góc trời Tam Đảo! - Phan Chính
Hai năm thi sĩ Chu Trầm Nguyên Minh biền biệt... - Trương Văn Dân
Trung tâm quốc tế Khoa học & Giáo dục... - Vũ Trọng Quang
Ghi chép FEBRUÁR- 2016 - Nguyễn Hồng Nhung
La Gi, xứ biển trăm năm! - Phan Chính
Đêm bềnh bồng tàu câu trên vịnh biển Botany - Phạm Nga
Cùng một tác giả