K là một viên chức, có chút chức sắc, có chút bằng cấp. Thế là trí thức.
Trong công việc, lối sống, sinh hoạt thường ngày của K có sự khác biệt với số đông trí thức khác. Nghĩa là K không lắc lư, quặt quẹo chè chén, không gái gú, không ba hoa chích chòe, không tụ tập, đàn đúm cãi cọ, bôi tro trát trấu vào mặt nhau, không chọc gậy bánh xe, không xuyên giáo sau lưng đồng đội, không cơ hội, thực dụng và vụ lợi trong hành xử, không chấp nhận sự giả dối. K có tình thần hợp tác và nghiêm túc trong công việc.
K dành phần lớn cuộc đời cho cái gia đình ấm êm, hạnh phúc của mình. K thường đưa vợ con dạo chơi, ăn uống, du lịch vào cuối tuần, ngày nghỉ hay lễ lạt. Đặc biệt, K rất quan tâm chuyện bếp núc và đỡ đần vợ con từ lặt cọng rau đến ủi cái quần đến mức vợ ái ngại cho sĩ diện chồng trước cái đám bạn bè quen thói gia trưởng của K.
Vợ K cũng là một trí thức.
Ai dám bảo đây không phải là người chồng, người cha mẫu mực? Đồng nghiệp thường chỉ vào K và nửa thật nửa đùa, nửa châm chọc,nửa xách mé vào những lúc cơ quan liên hoan hoặc lúc gặp gỡ bạn bè.
Dĩ nhiên, điều đó, không cần phải bàn cãi.
Lần ấy, K đưa vợ đi siêu thị. Gặp lúc, dao ở nhà đã cùn và thớt cũng đã xỉn màu. Thớt và dao ở quầy sao mà sang trọng, sao mà bắt mắt.
Dao, thớt được đưa về nhà trong niềm vui của người được mua sắm, dù nhỏ.
Dao, thớt lần đầu đưa vào sử dụng cho thấy công dụng, công năng hoàn hảo: Dao rất bén, ánh lên màu thép đến chói mắt, thớt cứng đến mê người của thứ công nghệ thủy tinh chịu lực cao trong thời đại văn minh của nhân loại bước vào thiên niên kỷ thứ ba; thịt, cá, rau, củ, quả cứ gọi là tăm tắp theo đôi tay và ý muốn của con người.
Nhưng sau vài lần sử dụng, K và vợ có cảm giác dao và thớt rung lên nhè nhẹ hệt như chúng muốn dịch chuyển, như muốn phản ứng lại người dùng.
Một hôm, ngày chủ nhật, đi công việc về, vợ K hét lên và gần như ngất đi khi nhìn thấy nơi kệ bếp, K đang cúi người dán đầu lên cái thớt, phía bên trên chiếc dao sắc lẻm cứ đưa qua đưa lại, chực chờ cứa vào cổ. Hụt hơi, vợ K, giành lấy con dao, ném ra xa rồi tách đầu K ra khỏi cái thớt. Bọn họ, thở gấp ngàn vạn lần kéo bể.
Bọn họ, âm thầm đưa dao, thớt vào hộp sắt, khóa lại bằng cái ổ khóa cũ kỹ từ lâu họ không dùng tới, đem chôn ở một nơi xa trung tâm thành phố.
Nhưng, một ngày kia, K lại phải chứng kiến cái tình cảnh khốn nạn lúc trước của mình nhưng nạn nhân lại là vợ K. Nơi chiếc bàn dùng để chế biến thức ăn, dao và thớt chơi trò hiểm nguy chết người với vợ. Chỉ đường tơ kẽ tóc thôi, chiếc dao bén tựa dao lam kia đã cứa vào da thịt vùng cổ của vợ rồi. K chộp, giật mạnh rồi ném con dao lên sàn nhà. Sau một hồi giật, nẩy, con dao nằm im. K liền gỡ đầu vợ ra khỏi thớt. Khi vợ còn đang lảo đảo trong cơn hoảng loạn, k lấy chiếc thớt đặt gần con dao rồi lấy cái rổ to tướng, quà khuyến mãi trong một lần mua sắm, dùng để đựng quần áo lúc mang đi phơi, úp lên như một cách bảo toàn hiện trường và K nhanh chóng tìm đến cơ quan thực thi pháp luật.
Sau những rắc rối về thủ tục khai báo và chứng minh tính chân thật của vụ việc, k cũng thuyết phục được nhà chức trách đồng ý thụ lý vụ việc.
Tại hiện trường, lúc nhà chức trách thu giữ tang vật, K nói:
Chỉ có các anh mới có đủ điều kiện, đủ trang thiết bị hiện đại hữu hiệu để giam giữ những thứ quái quỷ chết người này.
Mấy tay nhân viên công vụ cười khẩy và đưa ánh mắt ái ngại về phía K. Bọn họ nhanh chóng ra về.
Vậy là ổn rồi em, K nói.
Không đâu mình lại rước của nợ vào nhà, vợ K nói trong thổn thức.
Mình đã đẩy nó đi vĩnh viễn rồi.
Nhưng mình vẫn phải cần nó.
Anh tìm bộ khác.
Chắc gì nó không phản chủ?
Để anh tìm bộ dao thớt nhựa.
Dao thớt nhựa thì cắt, cứa được gì?
Ít ra thì nó không cắt được cổ của chúng ta.
Một đêm, đang ngủ ngon, vợ chồng K bị đánh thức bởi tiếng động rõ to ở nhà bếp. Bọn họ nhổm dậy, lao xuống, bật đèn và chết lặng: trên chiếc bàn ăn, con dao cứ nhịp cái lưỡi sắc như dao cạo liên hồi vào thớt.