Đèn treo cột đáy, nước chảy đèn rung.
Thương nhau xin chớ ngại ngùng,
sông sâu cũng lội
rậm rừng cũng băng.
(ca dao)
Hải đứng lặng nhìn ra giữa dòng sông. Nước lờ lửng chảy, vài chiếc đò dọc thiếu khách chạy tà tà và trên bến sông thì vắng bóng người. Gió chướng hiu hiu không hãm được cơn nắng át của tháng ba. Hải nhớ hồi tháng ba năm ấy. Trên chiếc xuồng tam bản mui trần, mũi cột vô hàng đáy giữa dòng sông trong đêm trời đầy sao và con nước ròng chảy xiết. Cũng tại khúc sông nầy, anh với Lệ ôm nhau khóc, nước mắt tuông theo con nước róc rách dưới dạ xuồng. Lệ nghẹn ngào hứa chờ ngày anh trở về bến đáy. “Anh sẽ dìa với em.” Đó là lời hẹn với Lệ trước ngày anh vượt biển.
Thoát một cái đã mười bốn năm dư và anh đã trở về. Những hàng đáy giữa dòng sông vẫn còn trơ trơ, đầu cột đáy có một con nhàn đứng ủ rũ như đợi chờ một tăm cá, nhưng chủ nhân của hàng đáy bây giờ là ai? Anh hỏi thăm không ai biết bến đáy nào của Lệ. Thiên nhiên đã thu hẹp, rừng cây cối lưa thưa, đứng trên bờ chẳng nhìn ra đâu là bến, chỉ thấy một dãy nhà sàn san sát dọc bờ sông. Hải phải hỏi thăm nhiều lần mới tìm được nhà anh Tài, anh của Lệ, bây giờ đã dời ra vàm sông Ông Đốc. Anh Tài đã đổi qua nghề câu mực, nhưng vẫn còn giữ nghề đóng đáy trên sông.
Trước kia nhằm mùa nước sổ mỗi khi xuồng đáy về, tôm cá đựng bằng cần xé, người ngồi lựa cá, người nấu nước luộc tôm. Ban đêm ánh đèn măng xông soi sáng một vùng, ban ngày tôm phơi ngập sân đỏ ối. Anh Tài nói:
- Bây giờ khổ lắm mày ơi, cá tôm mò đỏ con mắt mới được vài con.
Thiệt vậy, đêm hôm đổ đục về, chị Liên, vợ anh Tài bưng rổ cá tôm lộn xộn lên xốc xốc, lựa ra đếm được hơn chục con cá bống và cân được vài kí lô tôm. Thường ngày vợ chồng sai con bưng cá bưng tôm ra chợ bán, nhưng hôm nay có Hải, anh dành lại ăn.
Hải với anh Tài ngồi nhậu bia ăn tôm luộc. Anh Tài vắn tắt câu chuyện. Sau khi Hải đi, Thành Đất hỏi cưới Lệ rồi hai vợ chồng dắt nhau xuống Cái Đôi làm nghề đáy hàng khơi. Hải lặng thinh và trong lòng mênh mang niềm nhớ... Hồi sau anh Tài hỏi Hải:
- Mầy có muốn tao nhắn cô ấy về chơi hông?
Hải hớp một hớp bia, bóc con tôm lột vỏ bỏ vô miệng, nhìn ra giữa dòng sông.
- Về còn gặp lại anh cho tá túc là may lắm rồi, làm phiền cô ấy nữa không nên.
- Nhưng mà... mầy... mầy còn ở đây được bao lâu?
- Khi nào sơn, sửa xong mả của ba má tui thì tui đi.
- Mày còn về đây nữa hông?
- Tui cũng hổng biết nữa.
- Nhưng mà...
Hình như anh Tài muốn nói thêm điều gì nhưng ngại không nói, anh ngập ngừng rồi bưng ly lên cụng.
- Uống đi mầy.
- Đêm nay anh cho tui theo đóng đáy với.
- Đêm nay con Dung đóng đáy, mầy muốn thì đi theo nó.
- Ừa cũng được.
Dung là đứa con gái đầu lòng của Tài, con nhỏ hồi anh đi nó đâu hơn mười tuổi gì đó, bây giở đã thành thiếu nữ. Trong lúc cột xuồng chờ con nước ròng anh hỏi Dung:
- Cháu có bồ chưa?
Dung trả lời tỉnh bơ:
- Cháu đen thui thùi lùi như vầy ai mà thèm chú.
Hải day lại nhìn Dung, trong ánh đèn bão đủ sáng cho anh ngắm nghía thân thể đầy đặn, khoẻ mạnh, cặp ngực vun tròn nhô ra như muốn bứt tung hàng nút áo bà ba, nước da bóng màu xô-cô-la nguyên chất, mặt tròn không một vết mụn, trên môi lúc nào cũng tươi cười, cái nhan sắc ấy chỉ có ở những cô gái miền sông nước Amazon. Ngặt ở đây, cái xứ tận cùng đất nước Việt Nam, trong thì đồng, rẫy, ngoài thì biển xanh. Người ta chỉ chuộng những cô gái nước da trắng trẻo, ốm yếu chớ không biết chiêm ngưỡng một thân thể mặn mà, đầy đặn và tràn đầy sức sống.
- Mấy thằng con trai miệt nầy đui hết rồi mới hổng thấy cháu đẹp.
Nghe Hải khen cô nhỏ cúi đầu mỉm cười, ngẫm nghĩ một lát Dung ngước lên:
- Ở trong xóm mấy anh con trai kêu con là Dung đen.
- Mai mốt thằng nào kêu con như vậy, thì con cứ nói lại, các anh có mù mắt hông, tui màu xô cô la chớ hổng phải màu đen, đồ ngoại chánh hiệu đó.
- Ai nói dzậy, kì thấy mồ à.
*
Nước bắt đầu chảy, hai chú cháu cài đáy. Chui đáy xong, buộc xuồng vô cột đáy ở giữa dòng. Trong khi chờ đổ đục, mở cát sét lên nghe nhạc. Cô lấy bánh dừa ra lột vỏ đưa cho Hải, hai người vừa ăn vừa nói chuyện. Dung hỏi:
- Hồi đó chú với cô Tư sắp cưới nhau rồi chú đi phải hông?
Thấp thoáng dưới ánh sao trời, Hải trông gương mặt Dung giông giống Lệ. Hải nhớ cái đêm sắp xếp cho chuyến đi, cũng giữa dòng sông nầy, Lệ đã tặng cho anh của quí nhứt đời người con gái, khóc nức nở, hứa đợi chờ, vậy mà anh ra đi chưa đầy một năm thì cô ấy đã lấy chồng.
- Con biết rồi sao còn hỏi chú.
- Con muốn biết chú còn thương cô Tư con hông?
- Ngồi đây chú lại nhớ hồi chia tay với cô con.
- Cô con nhớ chú lắm, trước đây thấyViệt kiều dìa, cô cứ ngong ngóng, hỏi tại sao không thấy chú dìa, bây giờ chú dìa sao hổng đi thăm cô.
- Cô con đã có gia đình rồi, chộn rộn làm gì.
- Còn thằng Đợi chú hổng muốn gặp nó sao?
- Thằng Đợi nào?
- Ủa! Con của chú bộ chú hổng biết hả?
- Con chú!
Hải điếng hồn không nói thêm được lời nào. Nhìn lên bầu trời sao dầy đặc, cúi xuống nước ròng đương chảy xiết, anh vói tay khoát nước rửa mặt, lắc lắc cái đầu cho tỉnh. Nhớ lại những ngày sắp chia tay, ban ngày anh với Lệ ôm ấp với nhau trên chòi, tối xuống xuồng đóng đáy giữa dòng sông, làm chuyện xui xẻo trên xuồng, bất chấp phong tục cấm kỵ... Anh day qua nói với Dung:
- Chuyện trước kia chú với cô Tư cháu thương nhau chú biết, còn những chuyện xảy ra sau nầy chú hổng biết gì hết cháu à.
- Ba con sợ chú biết nhưng chú hổng muốn nhìn, ổng dặn cả nhà nếu chú hổng hỏi thì không ai được nói.
- Hồi chú đi ra tới ngoải, chú có gởi thơ dìa cho cô Tư con cả mấy chục lá, nhưng thư đi mà hổng thấy thư dìa, chú buồn hết sức vậy đó, chú tưởng ở nhà thất tán đâu đó. Sau nầy chú nghe bà chị của chú ở Úc nói cô Tư con đã có chồng rồi nên chú hổng viết thư nữa, thời gian đó chú như người khùng. Chú chỉ biết tới đó, sau nầy chuyện xảy ra cho cô con chú có biết gì đâu. Đầu đuôi ra sao con kể hết cho chú nghe đi.
- Hồi chú đi cô Tư bịnh liên miên, ói mửa, cô nằm vùi, mấy tuần sau cô mới biết mình mang bầu. Lúc đó cô như điên như dại, khóc hoài có khi ngồi một mình nói lảm nhảm như mắc nàng dưới. Ba con sợ chuyện xấu đổ ra ngoài nên sẵn dượng Thành, à chú còn nhớ dượng Thành lúc đó phụ mần đáy với ba con hông?
- Nhớ chớ, thằng Thành Đất chớ ai.
- Đúng rồi, lúc đó dưỡng cũng thương cô, ba con mới khuyên cô ưng dưỡng, cuối cùng cô Tư con đâu cách nào khác cổ đành nhắm mắt đưa tay, nhưng cổ nói thẳng cho dượng Thành biết cổ đã mang bầu với chú, chịu thì cưới không chịu thì thôi. Lúc đó dượng mê cô như điếu đổ cái gì cũng chịu, dưỡng còn nói chú với dưỡng là anh em kết nghĩa, con của chú cũng như con của dưỡng.
- Bây giờ hai người ra sao?
- Mần ăn cũng khá, cô còn sanh thêm cho dượng Thành hai đứa nữa vậy mà dưỡng vẫn thương thằng Đợi như con ruột của mình.
Thiệt vậy ngày xưa Hải và Thành là anh em kết nghĩa, tánh tình nó rất thật thà, từ ngày kết nghĩa anh em với nó cho tới ngày Hải bỏ đi, anh chưa bao giờ nghe thấy nó giận ai và chưa hề gây gổ với bất cứ người nào, nhà nghèo chăm chỉ làm ăn và hiền như cục đất, vì vậy nó mới có tên Thành Đất.
- Bây giờ chú tính làm sao?
- Theo con chú phải làm sao đây?
- Chú gặp cô Tư con đi.
- Gia đình cô ấy đương cơm lành canh ngọt con à.
- Con nghĩ dượng Thành cũng không tệ lắm đâu.
Hải chưa biết tính sao thì Dung đề nghị:
- Hổng ấy chú để con nhắn qua cô, nói chú đã về coi cổ tính sao.
- Ừ con tính sao thì tính miễn đừng làm xào xáo gia đình cô ấy là được.
*
Những ngày sau đó Hải để hết tâm trí cùng với anh em thằng Bình và An sửa sang, sơn phết lại hai ngôi mả của ba má anh, chuyện của Lệ anh phó mặc cho Dung và gia đình. Tuy vậy lòng anh cũng nôn nóng như lửa đốt, hổng biết sắp tới đây chuyện lành hay chuyện dữ? Đến ngày thứ ba thì hai ngôi mộ của ba má sửa sang lại coi như đã xong. Anh và hai đứa thợ đương đứng ngắm nghía hai nấm mồ nước sơn còn ướt. Chợt Dung đi ra mặt hớn hở hỏi:
- Xong chưa chú?
- Xong hết rồi, con coi coi có được hông?
- Đẹp lắm chú.
Thấy cô nhỏ hấp tấp trả lời anh bèn hỏi:
- Có chuyện gì mà trông con hớt hải dậy?
- Cô Tư mới vừa dìa.
Tuy biết trước chuyện sẽ đến nhưng trong lòng anh lo lắng bất an. Nhìn hai đứa nhỏ lom khom dọn dẹp đồ đạc định đi về, anh mượn cớ trì hoãn bằng cách mời hai đứa thợ đi ra tiệm ăn cơm. Day qua Dung Hải hỏi:
- Con đi ăn với chú hông?
- Chú hổng về liền được sao?
- Nhưng cho thợ thầy người ta ăn cơm cái đã.
Dung miễn cưỡng gật đầu:
- Vậy cũng được, nhưng mau mau nghe chú, cả nhà đương chờ chú đó.
Dung quày quả bước đi, Hải day qua hỏi:
- Hai đứa bây thấy con Dung ra sao?
Bình ngước lên nói:
- Con nhỏ đen như cột nhà cháy.
An cãi:
- Nâu chớ đen đâu mà đen, ông nói cho cố.
Hải vỗ vai An:
- Mày chấm nó chỗ nào.
- Ngực, mông hết xẩy chú.
- Chỉ có hai chỗ đó thôi hả?
Nghe anh hỏi ngặt thằng nhỏ đứng gãi đầu. Thấy thằng nhỏ bí lối, anh câu vai nó nói:
- Nhưng mầy chịu cặp ngực và cặp mông của nó hông? Tao làm mai cho.
- Con nghèo quá chú.
- Bộ nghèo rồi hổng có vợ sao? Nhưng thôi, dẹp cặp ngực và cặp mông qua một bên, mình đi ăn cái đã.
Hải kêu chủ quán dọn một bữa cơm thiệt ngon và bia lon ướp lạnh cho hai anh em Bình, An ăn, còn anh thì uống bia khan. Đầu óc cứ nghĩ đến chuyện gặp gỡ lát nữa đây, người ta nói chia ly là khổ, còn xum vầy là vui. Còn anh thì đương khổ sở cho cuộc xum vầy. Thằng Bình thấy anh cứ trầm ngâm và ngước cổ nốc bia, nó nhắc chừng:
- Theo con bữa nay chú uống ít thôi.
Hải nốc một ngụm bia, nhìn qua hỏi:
- Mầy biết chuyện gì hông?
- Chuyện của chú nổi như cồn, cả xóm mình ai hổng biết.
- Nổi như cồn à, sao tao hổng biết gì ráo.
An nói vô:
- Thôi chú dìa giải quyết chuyện gia đình đi, con nghĩ mọi chuyện trơn tru thôi, chú khỏi phải lo nghĩ nhiều quá.
- Hai đứa nghĩ dậy sao?
- Con nghĩ ai biết hoàn cảnh của chú đều nghĩ vậy hết.
- Bình, An chú phải tin dị đoan thôi, gặp hai đứa chắc chuyện gì thì cũng... bình an hết trọi.
Ba người cùng cười và đưa ly lên cụng:
- Thôi chú dìa đây, chừng nào xong chuyện chú làm mâm cơm cúng ông bà, chú sẽ mời hai đứa tới nhậu một bữa chết bỏ.
*
Khi Hải vừa bước tới cửa thì Thành từ trong nhà phóng ra ôm anh vừa mếu máo vừa nói:
- Anh dìa, em mừng quá.
Nổi lo âu của Hải được thay bằng niềm xúc động mênh mang, anh trấn tỉnh lại:
- Vô nhà cái đã, từ từ rồi anh em mình tâm sự sau.
Hải câu vai Thành đi vô nhà, thì Lệ cũng từ nhà dưới đi lên.
- Sao mà ai cũng khóc hết vậy nè?
Hải muốn trấn an mọi người nhưng chính ngực anh cũng đã nghẹn khi thấy một đứa con trai nép bên Tư Lệ giống anh như đúc. Anh tới ngồi xuống cạnh bên nó, vuốt tóc hỏi nhỏ:
- Con là Đợi phải không?
Nó gật đầu. Hải ôm nó vào lòng, nó mắc cỡ xô anh ra và lao nhanh xuống nhà dưới. Anh đứng lên hỏi Lệ:
- Đi đường xa em có mệt lắm hông?
Cô lắc lắc đầu mặc cho nước mắt tuông chảy lên hai gò má. Nghe tiếng ồn ào bên ngoài Hải ngó ra anh thấy trước cửa hàng xóm bu đầy nghẹt, anh lúng túng không nói được gì. Thành như hiểu ý anh nên bỏ đi xuống nhà dưới. Anh Tài từ dưới nhà đưới đi lên nói:
- Thôi mình ra nhà sau ngồi lai rai nói chuyện.
Day ra anh nói với đám người tò mò còn lấp ló phía trước:
- Hôm nay, gia đình tôi đoàn tụ và có chút chuyện riêng xin bà con thông cảm cho nhé.
Bà con từ từ giải tán. Mọi người kéo nhau đi xuống nhà dưới. Đồ ăn đồ nhậu đã được ba người đàn bà dọn đầy bộ ván. Thành kêu Lệ:
-Em với thằng Đợi qua ngồi với anh Ba, cho cha con quen nhau cái đã.
Nhờ Lệ ngồi cạnh bên nên thằng Đợi mới dám lên ngồi gần, hai đứa em nó thấy vậy cũng chen vô ngồi sau lưng má nó. Cả nhà ngồi quây quần trên bộ ván rộng. Anh Tài bưng rượu lên:
- Hôm nay mỗi người phải uống để mừng gia đình mình xum hợp. Chú Ba tui mời chú trước.
Hải bưng ly nốc cạn dằn cái cảm giác gờn gợn rùn người. Gia đình xum hợp! Vui quá xá chớ! Kể từ khi hay tin ba má anh qua đời, anh chị em tứ tán, Hải chưa bao giờ nghĩ mình còn có một gia đình trên quê hương xứ sở. Nếu ngày xưa không có chuyện chia lìa thì giờ đây bên anh là vợ, con, kia là anh chị vợ và thằng em kết nghĩa. Bây giờ mọi chuyện đã đảo ngược đâu vô đó hết rồi. Hải vuốt tóc thằng Đợi, hỏi:
- Ai đặt tên cho con?
Nó bẽn lẽn cúi đầu:
- Hổng biết.
Thành chen vào.
- Bả đặt đó chớ ai, Đợi có nghĩa là đợi anh dìa đó.
Lệ mắc cỡ mắng chồng:
- Cái thằng cha mắc dịch.
Té ra Hải cũng còn có những người chờ đợi anh nơi bến sông nầy, vậy mà từ lâu nay anh nào hay nào biết.
Anh Tài rót rượu vừa đưa từng người vừa nói:
- Bây giờ dùng món đặc sản của dượng Tư đem từ dưới Cái Đôi về cái đã.
Lệ đập vỏ càng cua, lấy thịt bỏ vô chén cho Hải. Hải bắt chuyện hỏi Thành:
- Bộ ở đây hổng có cua, vọp sao mà phải đem từ bển qua?
- Ở đây làm gì còn anh, cua em nuôi, vọp phải đặt dưới miệt Năm Căn mới có.
- Hồi đó mấy thứ nầy anh em mình xách bao xách mốc ra rừng một lát đem dìa cả đống, nhậu hổng hết chia cho bà con mặc sức mà ăn.
Anh Tài chen vô:
- Ôi người càng đông của càng hiếm con người tham lam càng nhiều, tranh dành với nhau từ rừng rú tới dòng sông, người nầy xâm phạm của người kia một chút thì chửi bới ỏm tỏi lên, đôi khi chỉ vì con cua, con vọp mà quánh lộn với nhau dập đầu chảy máu.
Họ nói chuyện đời sống một lát, cũng trở lại chuyện riêng tư của Hải. Anh nói với Lệ:
- Hổng biết thì thôi, biết rồi thì tôi phải có bổn phận.
Anh hỏi việc học hành của thằng Đợi, Lệ cho anh biết nó học hết lớp năm rồi nghỉ.
Anh day qua hỏi thằng nhỏ:
- Con muốn đi học nữa hông?
Nó lắc đầu.
- Hông, lớn rồi, đi học người ta chọc quê.
Hải thấy mình không nên xen vô chuyện gia đình của Lệ nhiều quá. Anh mới nói:
- Tùy chú Thành với Lệ tính sao cho nó cũng được, số tôi phong trần thì đành phải phong trần vậy, ở nhà có khó khăn gì thì cứ cho tui hay, khả năng của tui tới đâu tui phụ tới đó.
- Anh dìa nhìn nhận con để sau nầy nó khỏi tủi thân là được rồi. Tư Lệ vừa nói vừa lau nước mắt.
Thành chen vô:
- Ngày mai tui phải dìa bển sớm, để bả với thằng Đợi ở lợi chơi với anh vài ngày. Chừng nào anh đi thì tui qua tiễn anh.
Sáng hôm sau, trong lúc Thành sửa soạn trở về Cái Đôi vàm, trên chiếc ghe đóng đáy hàng khơi, cái máy Yanmar đầu xanh thời ông Thiệu chưa làm tổng thống đã đổi ra màu đen, Thành quây cà ì cà ạch hồi lâu mới nổ bành bành, khói đen phun ra mù mịt. Hải nói:
- Máy Yanmar đầu đen chớ đầu xanh khỉ mốc gì. Sao chú hổng thay máy khác?
Thành than:
- Chưa đủ tiền anh.
- Chừng bao nhiêu mới đủ?
- Nếu có hai cây nữa thì em đổi máy mới.
- Được rồi anh sẽ cho chú hai cây.
- Ý chết cha, em đâu có hỏi.
- Anh tự nguyện mà.
- Anh có lòng tốt giúp em, em cám ơn nhiều lắm, nhưng thong thả đi cái đã.
Thành chỉ vô cái máy nói:
- Coi cà tàng vậy đó mà chưa bao giờ nằm đường hết anh.
- Thôi chú đi đi, chúc chú mầy con nước nầy tôm cá đầy ghe.
Hải nhảy lên bờ tháo dây mũi liệng qua cho Thành. Hải vịn mũi nghe, chờ Thành khoanh dây lại rồi ra sau cầm lái, anh mới đẩy mũi ghe vạt ra lấy trớn để Thành vô số, rồ ga cho ghe chạy.
Khi cơn xúc động đã lắng xuống, mọi chuyện trở lại bình thường, Hải nghĩ, đối với Lệ và thằng Đợi anh thương lắm và tội nghiệp cho Thành Đất đã gánh gánh nặng cho anh, chắc hẳn anh phải có trách nhiệm với những người nầy. Anh định trước khi rời khỏi thị trấn ven biển anh đưa cho gia đình Thành Đất số tiền anh đã hứa, phần còn lại anh ngao du một chuyến ra Bắc.
Nào ngờ hôm sau, trời mới hừng đông, Hải đương ngủ ngon, chợt Lệ vô buồng đánh thức anh dậy:
- Anh Ba, gia đình có chút chuyện muốn bàn với anh.
Hải ngồi dậy dụi dụi mí mắt cho tỉnh ngủ rồi đứng dậy đi theo Lệ. Ở nhà dưới đèn thắp sáng chưng, vợ chồng anh Tài ngồi trên bộ ván. Giữa bộ ván một mâm trà bánh còn nguyên, hai người như có ý chờ Hải. Lệ lấy khăn và bàn chải đưa cho anh. Hải ra sàn lảng sau nhà đánh răng rửa mặt. Xong. Anh trở vô ngồi cạnh bên Lệ. Nhìn ai cũng ra vẻ khẩn trương làm anh nhột nhạt. Lệ rót nước trà cho Hải, anh hớp một hớp nước, để xuống. Anh Tài hớp một hớp trà rồi cất tiếng phá tan bầu không khí yên lặng:
- Thiệt ra thì tui mời chú xuống đây là muốn nhờ chú một chuyện.
- Chuyện gì anh? Hải hỏi.
- Ý tui là muốn nhờ chú bảo lãnh con Dung ra ngoải, chú thấy có được hông?
Nghe hỏi bất ngờ làm Hải lúng túng hồi sau anh mới tìm ra câu nói:
- Dìa đây tui hổng có ý định gì hết, bổng nhiên lòi ra thằng Đợi, bây giờ anh tính thêm chuyện nầy nữa.
Hải ngó qua Lệ:
- Theo em, em thấy sao?
Lệ không nhìn thẳng Hải mà cúi xuống ly trà, nói:
- Anh coi coi, giúp được cháu thì giúp.
- Hổng phải vậy đâu, tui thấy những cô gái ở niền quê ít học ra phố nếu không đi ở mướn thì cũng trở thành gái làm tiền. Ra nước ngoài cũng vậy thôi, nếu không có nơi nương tựa thì các cô cũng lang thang trôi nổi trong cái thế giới xô bồ xô bộn của tây phương. Còn tui thì cuộc sống bấp bênh, rày đây mai đó, không bà con thân quyến, nơi xứ lạ quê người, đem cháu sang rồi bỏ cháu bơ vơ một mình đâu có được.
Anh Tài nằng nặc:
- Hổng lẽ chú cứ lông bông hoài sao?
- Chuyện đột ngột quá anh chị cho tui thời gian suy nghĩ cái đã.
- Ừ cũng được, quan trọng là chú mầy chịu nó hay không.
Chịu nó! Hải nghĩ bụng, ông anh định chơi cha chắc.
- Thôi được, chuyện nầy tui sẽ trả lời sau.
Câu chuyện tạm ngưng lúc trời sáng bửng. Dung với thằng Đợi đi đổ đáy vừa về tới. Hải kêu thằng Đợi thay đồ và rủ má con nó ra quán ăn sáng, tiện dịp anh bàn chút chuyện. Thằng Đợi xin tiền đi chơi chớ không theo. Hải để ý, từ ngày gặp con cho tới nay, không bao giờ thằng nhỏ theo anh, ngoại trừ những lúc cần tiền mới tới hỏi xin. Mới chừng đó tuổi mà đi hết bàn bi da này qua tới quán Karaoke nọ, có bữa anh thấy nó uống bia nữa.
Trong quán phở, ăn xong Hải hỏi Lệ:
- Hình như em nuông chiều thằng Đợi có hơi quá mức.
- Anh Thành đó, mỗi khi em rầy nó là ảnh binh.
- Con cưng là con hư, nhưng nói là nói vậy chớ anh làm sao có quyền chen vào chuyện gia đình em.
Lệ cầm muỗng quậy quậy ly trà đá, mắt nhìn nước trà đương sóng sánh trong ly, cô nói:
- Anh có trách em cũng hổng sao, ngặt vì thương anh nên ai cũng chiều thằng Đợi.
- Cám ơn em và chú Thành đã lo lắng cho nó.
- Anh khách sáo làm gì, anh Thành cũng thương anh, cho tới nay ảnh còn mặc cảm có lỗi với anh đó.
- Chú ấy đã săn sóc mẹ con em trong những ngày em khổ sở, hết kiếp nầy hổng biết anh có đền ơn nổi cho chú hông đây.
Hải móc sổ địa chỉ ra đưa cho Lệ:
- Em ghi địa chỉ ở Cái Đôi cho tui.
- Bộ anh tính đi hả?
- Chưa, tui nán lợi chơi với em và thằng Đợi vài ngày.
Lệ đổi giọng:
- Còn chuyện con Dung anh tính sao?
- Theo em tui phải tính sao đây?
- Thì anh coi giúp được cho cháu thì giúp đi.
- Đơn giản như vậy sao?
- Em thấy nhiều Việt kiều dìa cưới vợ cũng đơn giản dậy thôi. Anh lớn tuổi rồi cần phải có gia đình chớ. Hơn nữa trong họ hàng ai cũng thương anh, muốn gả nó cho anh anh còn đi đi dìa dìa, chớ hông thôi anh đi biệt xứ.
Biệt xứ! Hải nhìn ra ngoài, ánh nắng đã lên cao. Người đi chợ cũng thưa dần. Đây là quê hương xứ sở của anh, kia là người thân thân thuộc, chơn tình biết mấy.
- Thôi được, để thong thả rồi tính.
Bắt đầu từ hôm đó gia đình Tài coi Hải như người nhà. Ngày Dung lo miếng ăn, tối lo giũ chiếu giăng mùng, soi muỗi cho anh. Ban đêm Hải theo Dung đóng đáy. Từ ngày có Hải đi theo, cô nhỏ vui sướng vô cùng, Dung có cảm tưởng đi đóng đáy là cuộc phiêu lưu, thám hiểm hơn là chuyện mầm ăn, cho nên cô cứ nôn nao trong lòng mỗi khi con nước lớn vừa chựng lại. Khi nước bắt đầu ròng họ chui đáy xong đâu đó. Dung mở máy cát sét rồi cô đi lại ngồi cạnh Hải. Những năm luân lạc xứ người, không khi nào Hải mơ tới đàn bà Việt Nam. Các bà ngoài ấy cao xa quá, còn anh trước mắt họ bất quá chỉ là một tên vô gia cư. Mười mấy năm qua, anh không bao giờ dám ước mơ có một mái ấm gia đình. Hôm nay về đây tuy cảnh vật và người thương đã thay đổi nhưng anh không thấy mất mát điều gì. Trước một người con gái mơn mởn như hoa mùa xuân và dòng sông bon bon nước chảy, làm anh sống lại thời mới lớn. Tim anh đập, tay anh run run ôm cô gái trẻ, lòng thầm cám ơn bà cậu của miền sông nước... Anh ngất ngây theo tiếng hát du dương truyền cảm tỏa trên mặt sông: “ ... Anh ơi chim kia bay về tổ ấm, nước cũng xuôi về nguồn ...”
*
Vậy là thời gian Hải dành cho chuyến du ngoạn ra Bắc coi như đi đứt. Chuyện đám tiệc theo Tài thì không khỏi phải rườm rà, chỉ nấu một mâm cơm làm lễ ra mắt ông bà đủ rồi. Hải kêu Dung nghỉ đóng đáy đi với anh ra thị xã mua sắm áo quần và bông đeo tai. Bữa tiệc thay cho đám cưới ngoài người trong gia đình ra, Hải chỉ mời anh em thằng Bình và thằng An tới. Hai đứa ngồi nhậu mà cứ nhìn anh cười cười như có ý chọc quê.
Sau bữa tiệc, Thành Đất chở vợ con về Cái Đôi vàm. Còn Hải lên thành phố đổi vé máy bay trở về Âu châu để lo thủ tục bảo lãnh.
*
Mọi chuyện xong xuôi trong vòng sáu tháng. Dung là vợ chánh thức của Hải từ khi cô nhỏ tới đất Âu châu nầy. Chờ Dung học xong khóa ngoại ngữ lấy xong bằng lái xe, hai người mới quyết định có con. Nhờ khoẻ mạnh Dung sanh rất dễ dàng, hai năm Dung sanh liên tiếp hai đứa con trai, thấy vợ cực khổ với hai đứa nhỏ Hải kêu ngưng nhưng Dung muốn có thêm đứa con gái, vậy là cô mang bầu sau đó đẻ thêm thằng con trai nữa. Anh biểu nghỉ nhưng Dung ham con gái quá, nằng nặc đòi mang bầu, nhờ trời thương đứa thứ tư cho ra con gái, có như vậy cô nhỏ mới chịu treo buồng trứng.
Từ ngày có Dung Hải xin việc làm dây chuyền trong một xưởng sửa xe. Dung may thuê vá mướn, dư ra đồng nào gởi về đồng nấy, một bên gia đình ba má Dung, một bên là cho vợ chồng Thành Đất. Bây giờ dân số trong gia đình anh tăng thì chi phí cũng tăng theo. Dung ôm bốn đứa con đâu có đi làm gì thêm. Còn lương tháng của anh trang trải nhà cửa, mua sữa và tã lót cho mấy nhỏ, ăn uống cũng phải dè sẻn mới đủ. Ấy vậy bên nhà hổng biết mần ăn ra sao mà tiền gởi về y như gió luồng nhà trống. Thư cứ gởi qua hỏi tiền lúc đầu còn nói năng tử tế, dạo sau nầy hỏi thẳng kê những món cần xài ra hàng lô hàng lốc, những con số đọc lên thấy phát chóng mặt, tối thiểu một ngàn đô, khi thì cả chục cây vàng. Có lần ở nhà nói ba Dung bịnh gần chết, kêu gởi tiền về thang thuốc, làm Dung hoảng lên. Hải phải xin ngày nghỉ ở nhà giữ con cho Dung bay về bển. Nhưng Dung về vừa tới phi trường, cô tức muốn ói máu khi thấy ông già đứng đón tỉnh bơ trước cửa phi trường. Dung ở lại một tuần, dốc túi đưa hết số tiền đem theo lo cho ba bịnh, rồi bay trở về vừa khóc vừa kể cho Hải nghe.
Đó là gia đình ông Tài chớ thật ra thì với vợ chồng Thành Đất anh có cho thì gởi thư cám ơn, không thì thôi chớ chưa bao giờ biên thư hỏi tiền. Mới đây Lệ có gởi thư qua nói, thằng Đợi xách dao rượt chém Thành Đất rồi bỏ nhà đi. Đọc thư xong Hải cảm thấy buồn buồn cũng như lần đầu nhận con mình, anh đã cảm thấy cái hạnh thằng nhỏ không được tốt rồi. Vì vậy chuyện nó đánh ba nuôi nó là do bản tánh mất dạy của nó chớ hổng phải lỗi tại Thành Đất . Anh thấy càng liên lạc bên nhà bao nhiêu càng thêm rắc rối bấy nhiêu, vì vậy anh giao hết tiền bạc cho Dung. Anh dặn:
Em làm sao thì làm miễn đừng để mấy đứa con thiếu thốn là được rồi.
Từ đó hễ ở nhà hỏi tiền thì ít nhiều gì Dung cũng gởi, gởi xong tối nằm thao thức, nén tiếng thở dài. Dung sanh ra chứng mất ngủ và kinh nguyệt cũng theo đó không đúng chu kỳ, thân thể vạm vỡ của Dung mỗi ngày một sa sút, da dùn, mặt mày rũ rượi trán có vết nhăn. Mới đây nhận thêm thư nhà Dung đem cho anh xem. Trong thư nói thằng Đợi về ở với cậu Hai, tức là ông già vợ của Hải, nó hỏi xin tiền mua chiếc Dream II và ở nhà xây thêm cầu tiêu và bồn tắm tổng cộng năm ngàn đô, xem thư xong Hải trao lại cho Dung:
- Em tính sao cũng được.
Đêm khuya Dung đánh thức Hải dậy, cô nói trong tiếng khóc:
- Anh ơi anh.
Gì vậy em?
Mình tính sao đây ?
Từ lúc Dung sanh chứng mất ngủ cho tới giờ, tuy Hải không nói ra nhưng lúc nào anh cũng chú ý đời sống tinh thần của vợ. Đến nước nầy anh cần phải lên tiếng thôi.
- Em nín khóc đi.
Hải ngồi dậy lấy bình nước rót một ly đưa cho Dung.
- Em uống đi, rồi nằm xuống hít thở một lát rồi ngủ, chuyện bên nhà để bên nhà lo khi nào vợ chồng mình giàu có rồi tính. Anh sẽ viết thư nói cho ba biết hoàng cảnh của gia đình mình.
- Ba má em thì được rồi nhưng còn thằng Đợi?
- Năm nay nó đã ngoài hai mươi rồi, nó biết cầm dao rượt chém ba nuôi nó, thì nó phải đủ bản lãnh ra đời kiếm sống, em nên dồn hết tâm trí lo cho bốn đứa con của em kìa. Xe trước lật rồi, xe sau tránh, hy vọng còn vớt vát lại mấy đứa nhỏ.
Thấy vợ bớt căng thẳng anh chỉ tay lên trán Dung pha trò:
- Đẻ cho cố rồi lo.
Dung bấu mạnh vai chồng lấy đà nằm xuống phủng phịu:
- Em muốn đẻ nữa.
Hải kê gối gối đầu và kéo mền đắp cho vợ xong, anh nằm xuống cạnh bên và luồn tay xuống dưới dạ bụng mân mê:
- Muốn vậy thì em phải đi bác sĩ nối buồng trứng lại.
Đợi Dung ngủ say, Hải qua phòng sách lấy giấy viết ra viết thư cho ông Tài. Anh nói thẳng cho ông biết, cũng vì u mê mà anh và ông mắc phải một sai lầm, làm cho tôn ti trật tự trong gia đình đã đảo lộn hết, bao nhiêu đó cũng đủ cho lương tâm ray rứt suốt đời rồi. Anh khuyên ông nên dừng lại, đừng quá tham lam mà gieo khổ cho con, cho cháu sau nầy...
Hôm sau Hải đưa thư cho Dung đọc và hỏi:
- Em thấy thế nào.
Cũng được.
Dung trao thư lại cho anh đem đi gởi. Cũng từ hôm đó, tánh tình của Dung mỗi ngày một thay đổi, trong gia đình Dung lo cho chồng cho con rất là chu đáo, duy có một điều cô nhỏ càng ngày càng lạnh nhạt với anh, nhứt là chuyện chăn gối không còn mặng nồng như trước nữa. Có lần Hải thắc mắc hỏi thì Dung gượng gạo biểu, hổng có gì, rồi ôm anh thật chặt và gục đầu lên vai anh mặc cho hai dòng nước mắt tuôn chảy...
*
Bảy năm qua rồi ở bên nhà không thư qua nữa. Và cuộc sống tẻ nhạt của gia đình Hải vẫn tiếp tục điều trôi không biết tới bao giờ... Nhiều đêm ngồi một mình nhớ lại những chuyện đã xảy ra, anh tự hỏi: Hổng biết bên bển có còn ai đợi chờ anh như lần đầu anh rời xa bến đáy.
Dronten 02/05/04