Một buổi sáng, nàng sửng sốt phát hiện đôi giày rách, đêm qua, nàng đã bỏ vào thùng rác, ở phía trước nhà, đang nằm chình ình trên cái bàn trang điểm xinh xắn của nàng.
Bực mình, nàng bỏ đôi giày vào túi nhựa, cột chặt miệng, đặt bên cạnh cái giá để giày dép, chờ chiếc xe rác do một nữ công nhân vệ sinh đẩy qua nhà nàng hàng đêm để ném đi một lần nữa.
Nàng trang điểm qua loa rồi đến công sở.
Đúng 21h30’, có tiếng lộc cộc quen thuộc của bánh xe rác va lên mặt đường, nàng mở cửa và ném đôi giày rách lên thùng xe trước sự có mặt của người nữ công nhân vệ sinh nhưng có vẻ chị ta không quan tâm.
Rác được tập kết về một điểm và những chiếc xe chuyện dụng sẽ đưa chúng đến bãi rác khổng lồ nằm ở vùng núi phía tây thành phố.
Sáng hôm sau, nàng chết điếng khi thấy đôi giày rách nằm đúng cái vị trí nó đã nằm sáng hôm qua. Nàng hoảng hốt gọi chồng. Chồng nàng không tin còn giễu điều nàng kể.
Anh mang nó đi xa đi, nàng nói.
Chiều vợ, trên đường đi làm, chồng nàng mang theo đôi giày rách và ném nó vào nơi người ta đổ xà bần và các thứ vật dụng sinh hoạt linh tinh mà người ta không biết phải đổ đi đâu trong cái thành phố đông đúc, dày kịt nhà cửa đang trong thời kỳ đập phá cái cũ, xây dựng cái mới.
Một tuần sau, nàng lại thấy đôi giày rách trên chiếc bàn trang điểm của nàng. Nàng muốn gào lên.
Đừng đối xử với tôi như thế, Giọng đàn ông u uất vang lên.
Nàng kịp trấn tĩnh để không phải ngất đi trên cái nền gạch lạnh.
Căn phòng trở nên vắng lặng lạ kỳ. Nàng nhìn quanh.
Dù sao cũng đã hai năm, hai năm đủ để quen thuộc mùi bàn chân, hai năm đủ để không thể xa rời bàn chân, giọng đàn ông lại cất lên.
Đã cũ, đã rách rồi, nàng thảng thốt kêu lên và bật dậy chạy ra khỏi phòng.
Ngay chiều hôm đó, nàng âm thầm đổ xăng vào đôi giày rách và châm lửa. Ngọn lửa bừng lên. Trong cái mùi khét lẹt và đầy khói đen, đôi giày giãy đành đạch. Có một tiếng rên bật lên đau đớn: Mùi …