Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
809
123.135.493
 
Mất lòng tin vào khoa học (Atul Gawande)
Hiếu Tân

 

Atul Gawande

 

 

Hiếu Tân dịch

 

Bài nói trong lễ trao bằng tốt nghiệp Học viện Công nghệ California, thứ Sáu, 

10 tháng Sáu, 2016.

 

Nếu nơi này làm đúng chức năng của nó - tôi nghĩ nó đã làm đúng – thì tất cả các bạn đều là những nhà khoa học. Xin lỗi những bạn tốt nghiệp khoa Anh và Sử, kể cả các bạn nữa đấy. Khoa học không phải là một môn học hay một nghề. Đó là cuộc dấn thân có phương pháp vào suy nghĩ, một sự trung thành với cách xây dựng kiến thức và giải thích vũ trụ thông qua thí nghiệm và quan sát thực tế. Vấn đề là, đó không phải là một cách suy nghĩ thông thường. Nó phi tự nhiên và trái với trực giác. Nó phải được học. Giải thích khoa học trái với sự anh minh của thần thánh và kinh nghiệm và lương tri. Lương tri đã có thời bảo chúng ta rằng mặt trời di chuyển qua bầu trời, và rằng việc ở ngoài trời lạnh sẽ sinh ra cảm lạnh. Nhưng một trí óc khoa học nhận ra rằng những trực giác đó chỉ là những giả thuyết. Chúng phải được thử nghiệm.

 

Khi tôi từ thành phố quê hương Ohio đến trường đại học, tôi phát hiện ra điều làm trí tuệ bối rối nhất là rất nhiều điều tôi vẫn cho là đúng về cách vận hành của vũ trụ – dù là tự nhiên hay nhân tạo- đều sai cả. 

 

   Tôi tìm đến các giáo sư và các bạn sinh viên để kiếm những ý tưởng thay thế. Khi tôi trở về nhà với một số ý tưởng mới ấy và nói với bố mẹ tôi mọi điều mà họ đã lầm, mà họ đã yêu. Nhưng ngay cả khi đó, tôi cũng chỉ thay thế một mớ những niềm tin đã được thừa nhận bằng một mớ khác. Tôi phải mất rất nhiều thời gian mới nhận ra tư duy đặc biệt mà các nhà khoa học có. Nhà vật lí học vĩ đại Edwin Hubble nói ở lễ phát bằng của Caltech năm 1938 rằng một nhà khoa học phải có óc hoài nghi lành mạnh, phán xét lửng lơ[1], và trí tưởng tượng có kỉ luật - không chỉ về tư tưởng của người khác, mà cả về suy nghĩ của chính mình. Nhà khoa học có một tư duy thực nghiệm, chứ không phải đầu óc tranh chấp.

Là một sinh viên, tôi thấy điều này hơn một cách suy nghĩ. Nó là cách sống – cách hiện hữu định mệnh. Bạn được coi là có óc hoài nghi và cách xét đoán lửng lơ, hãy thực hiện nó. Sau cùng, bạn hi vọng quan sát thế giới bằng một đầu óc mở, thu thập sự kiện và thử nghiệm những tiên đoán và những mong mỏi của bạn đối với chúng. Rồi bạn sẽ quyết hoặc là khẳng định, hoặc bác bỏ những ý tưởng đang có. Nhưng bạn cũng hi vọng thừa nhận rằng không có cái gì hoàn toàn là cố định, rằng tất cả mọi tri thức chỉ là tri thức khả thể. Luôn luôn có thể xuất hiện một mẩu chứng cứ trái ngược. Hubble bảo rằng thế là tốt nhất, ông nói “nhà khoa học giải thích bằng những gần đúng kế tiếp nhau.”

Định hướng khoa học này có sức mạnh vô biên. Nó đã cho chúng ta kéo dài gần gấp đôi tuổi thọ trong những thế kỉ qua, làm tăng của cải toàn cầu và làm sâu hiểu biết của chúng ta về bản chất của vũ trụ. Nhưng tri thức khoa học không nhất thiết buộc người ta phải tin. Một phần do nó không hoàn thiện. Nhưng ngay cả những nơi mà kiến thức được khoa học cung cấp tràn ngập, con người thường chống lại nó – đôi khi bác bỏ nó hoàn toàn. Chẳng hạn, mặc dù có hàng lô những chứng cớ trái lại, nhiều người vẫn tiếp tục tin rằng vaccin trẻ em gây ra chứng tự kỉ (thật ra không đúng) rằng nhân dân sẽ an toàn hơn khi được sử dụng súng (không đúng) và ngũ cốc biến đổi gien có hại (cân bằng lại, chúng cũng có lợi ) rằng biến đổi khí kậu không xảy ra (nó đang xảy ra.)

Nỗi sợ vaccin chẳng hạn, đã tồn tại dai dẳng mặc dù nhiều thập niên nghiên cứu đã cho thấy nó không có cơ sở. Cách nay khoảng hai mươi lăm năm, các phân tích thống kê gợi ý có thể có mối liên hệ giữa chứng tự kỉ và thimerosal[2], (một chất bảo quản dùng trong các vaccin để đề phòng nhiễm khuẩn). Các phân tích nói trên hóa ra có lỗ hổng,  nhưng nỗi sợ vẫn còn. Sau đó các nhà khoa học đã tiến hành hàng trăm nghiên cứu, và không tìm thấy mối liên hệ nào cả. Những nỗi sợ vẫn cứ tồn tại. Nhiều nước loại bỏ chất bảo quản này nhưng bệnh tự kỉ không giảm – tuy nhiên những nỗi lo sợ tăng lên. Một nghiên cứu ở Anh khẳng định có mối liên hệ giữa tám đứa trẻ bị tự kỉ và thời gian tiêm cho chúng những vaccin chống sởi, quai bị và rubela. Báo cáo này bị bác bỏ vì người ta thấy có sự gian lận trong đó: tác giả chính của nó đã làm sai lệch và xuyên tạc các dữ liệu trên các trẻ em này. Các cố gắng lặp lại để xác nhận điều khẳng định đó đều không thành công. Tuy nhiên, tỉ lệ dùng vaccin tụt mạnh, dẫn tới bùng phát dịch sởi và quai bị, làm cho năm ngoái hàng vạn trẻ em ở Mỹ, Canada và châu Âu mắc bệnh, dẫn đến cái chết.

 

Người ta có khuynh hướng chống lại những khoa học khi chúng va chạm với những niềm tin theo trực giác của họ. Họ thấy xung quanh không còn sởi và quai bị nữa. Nhưng họ thấy có những đứa trẻ tự kỉ. Và họ thấy có bà mẹ nói: “Con tôi lúc trước vẫn khỏe chỉ sau khi tiêm vaccin nó mới bị tự kỉ.”

 

Bây giờ bạn có thể nói với họ rằng mối tương quan ấy không phải là nhân quả. Bạn có thể nói rằng trẻ em được tiêm vaccin hai ba tháng một lần trong một hai năm đầu đời, do đó sự tấn công của bất kì bệnh tật nào cũng buộc phải theo dõi việc tiêm vaccin đối với nhiều trẻ em. Bạn có thể nói rằng khoa học đã chứng tỏ không có liên hệ. Nhưng một khi một ý nghĩ nào đó đã ăn sâu vào và lan rộng, thì rất khó lấy nó ra khỏi đầu óc người ta, đặc biệt là khi họ không tin các thẩm quyền khoa học. Và chúng ta đang trải nghiệm một sự đi xuống đáng kể trong niềm tin vào các thẩm quyền khoa học.

Nhà xã hội học Gordon Gauchat đã nghiên cứu các số liệu điều tra từ 1974 đến 2010 và thấy một số xu hướng nghiêm trọng đáng báo động. Mặc dù trình độ học vấn có tăng lên, nhưng niềm tin của công chúng vào cộng đồng khoa học đã giảm, Năm 1974 những người bảo thủ có trình độ đại học có mức độ tin cậy cao nhất vào khoa học và cộng đồng khoa học. Ngày nay, mức độ tin cậy của họ thập nhất.

 Ngày nay chúng ta có nhiều phe phái tự thể hiện họ, như Gauchat mô tả, là lĩnh vực văn hóa riêng của họ, “tạo ra nền tảng kiến thức riêng của họ, thường xung đột với thẩm quyền văn hóa của cộng đồng khoa học”.  Một số là các phái tôn giáo (chẳng hạn chống thuyết tiến hóa). Một số là các phái công nghiệp (hoài nghi về biến đổi khí hậu). Số khác thì nghiêng về bên tả, (những người bác bỏ các tổ chức y tế). Các phái này dù rất đa dạng nhưng lại giống nhau theo một cách. Tất cả đều níu vào những niềm tin thiêng liêng mà họ không cho phép chất vấn.

 

 

Để bảo vệ những niềm tin này, một số người bác bỏ hoàn toàn thẩm quyền khoa học. Người ta không cãi lại bằng cách viện ra những thẩm quyền thần thánh nữa. Họ cãi lại bằng cách khẳng định có những thẩm quyền khoa học khác đáng tin hơn. Điều này có thể làm cho các vấn đề trở nên hoàn toàn rối loạn. Bạn phải có khả năng phân biệt những tuyên bố có tính khoa học và những tuyên bố giả-khoahọc.

Những người bảo vệ khoa học nhận dạng năm dấu hiệu đánh dấu các nhà giả khoa học. Họ biện luận rằng sự nhất trí về khoa học nảy sinh từ một âm mưu nhằm đàn áp những quan điểm không chính thống. Họ tạo ra những chuyên gia dỏm, có những quan điểm trái với kiến thức đã được kiểm nghiệm, nhưng không thật sự có một hồ sơ khoa học có quá trình đáng tin cậy. Họ lượm lặt những dữ liệu và văn bản chống lại quan điểm đang thắng thế như một phương tiện làm mất uy tín toàn bộ lĩnh vực. Họ đưa ra những tương tự giả hiệu và những ngụy biện khác. Và họ đặt ra những kì vọng bất khả của nghiên cứu: khi một nhà khoa học tạo ra một độ chắc chắn nào đấy, thì nhà giả khoa học khăng khăng nói họ đạt được điều chắc chắn khác.

Không phải không bao giờ có những quan điểm trong số này cung cấp cho ta những lập luận vững chắc. Đôi khi một tương tự là có ích, hoặc đòi hỏi mức độ chắc chắn cao. Nhưng khi bạn thấy nhiều hoặc tất cả những chiến thuật này được dàn ra, thì bạn hiểu rằng bạn không còn làm việc với một phán đoán khoa học nữa. Giả-khoahọc là dạng khoa học không có thực chất.

 

Phải làm gì với nó, đây là một thách thức – làm thế nào bảo vệ khoa học như một quan điểm có căn cứ vững chắc để giải thích thế giới – đã được chính bàn thân khoa học đề cập đến. Các nhà khoa học đã làm những thí nghiệm. Năm 2011 hai nhà nghiên cứu người Australia đã soạn ra nhiều phát hiện trong cuốn “Sổ tay Vạch trần” (The Debunking Handbook.)  Các kết quả rất khiêm tốn. Rõ ràng là việc bác bỏ những khoa học giả hiệu đã không có tác dụng, thật ra, thường nó còn bị phản công. Mô tả những sự kiện trái ngược với niềm tin phản khoa học trong thực tế lại làm tăng số người quen biết với niềm tin này và củng cố niềm tin ở những người tin nó. Đó chính là cách bộ óc làm việc, những gì sai lầm thì cứ bị dán chặt vào, một phần vì nó nhập vào mô hình tâm thần của con người trong cách hiểu vận hành của thế giới. Do đó việc bóc tách cái sai lầm đó ra bị thất bại, vì nó đe dọa để lại một kẽ nứt đau đớn trong cái mô hình đó – hay chẳng có mô hình gì cả.

Vậy thì những người tin khoa học phải làm gì?

 

Phải chăng tương lai chỉ là cuộc tranh chấp bất tận của những tuyên bố đối chọi nhau? Không nhất thiết như thế. Những khám phá nổi lên cũng là bằng chứng gợi ý bạn làm thế nào xây dựng được lòng tin vào khoa học. Bác bỏ khoa học giả hiệu có thể không hiệu quả, nhưng khẳng định những sự kiện đúng của khoa học chân chính thì hiệu quả. Và có cả những câu chuyện giải thích chúng thì càng tốt hơn. Chẳng hạn, bạn đừng tập trung chú ý vào điều gì sai trong huyền thoại về vaccin. Ngược lại, bạn chỉ ra: việc tiêm chủng cho trẻ em đã tỏ ra an toàn hơn không tiêm chủng nhiều. Làm sao chúng ta biết? Vì có một khối lượng khổng lồ những bằng chứng trong đó có sự kiện là chúng ta đã thử thí nghiệm thay thế trước đó. Giữa năm 1989 và 1991 việc têm vaccin cho trẻ em nghèo thành thị ở Mỹ giảm xuống. Và kết quả là năm mươi lăm nghìn ca sởi, và một trâm hai mươi ba trẻ đã chết.

 

Một việc quan trọng khác là phơi bày những chiến thuật của khoa học giả mạo đang được dùng để đánh lạc hướng nhân dân. Khoa học giả hiệu có một hình mẫu, và việc giúp nhân ân nhận ra hình mẫu đó khiến họ có thể tự đến với những niềm tin có tính khoa học hơn. Có một hiểu biết khoa học về thế giới là cơ sở để bạn xét đoán thông tin nào đáng tin. Nó không có nghĩa  là bản thân bạn phải xem xét tất cả các bằng chứng của mọi vấn đề, vì bạn không thể làm thế. Kiến thức đã trở nên vô cùng rộng lớn và phức tạp, nên không một ngươi nào, dù là nhà khoa học hay người khác, có thể nắm vững nhiều hơn một mẩu nhỏ của nó.

Rất ít những nhà khoa học đang làm việc có thể cho một giải thích trọn vẹn về hiện tượng mà họ nghiên cứu, họ dựa trên thông tin và các kĩ thuật vay mượn từ các nhà khoa học khác. Kiến thức và các đức tính của khuynh hướng khoa học sống trong cộng đồng nhiều hơn trong cá nhân. Khi chúng ta nói về một “cộng đồng khoa học“ là chúng ta chỉ một cái gì có tính phê phán: rằng khoa học tiên tiến là một cố gắng có tính xã hội, đặc trưng bởi sự phân công lao động hết sức phức tạp trong hoạt động nhận thức. Những nhà khoa học cá nhân, không thua kém các lang băm, có thể nổi tiếng ngoan cố, mê mẩm quá mức lí thuyết yêu quí của mình, phớt lờ những chứng cứ mới và không chú ý đến khả năng có thể sai của mình. Vì thế Max Planck có nhận xét rằng  khoa học mỗi lần lại đi trước một đám ma. Nhưng nếu là một cố gắng tập thể, thì nó tự sửa chữa lấy sai lầm một cách tốt đẹp.

 

Tuy nhiên, nó không được tổ chức một cách tốt đẹp. Nhìn gần, cộng đồng khoa học, với quá trình duyệt lại lộn xộn của những người bằng vai phải lứa, những bài báo được viết cẩu thả, những bức thư khinh miệt một cách tinh vi gửi ban biên tập, những chi tiết khinh bỉ trắng trợn trong các chuyên mục (subreddit), những tuyên bố huênh hoang của giới học giả, trông như một cỗ xe ọp ẹp đi tìm kiếm chân lí.  Nhưng những đầu óc bầy đàn vẫn cứ lúc nhúc tiến lên. Bây giờ nó đi trước tri thức trong hầu hết các lĩnh vực của sinh tồn, thậm chí cả những đặc tính của nhân loại, nơi mà khoa thần kinh học và xử lí bằng máy tính đang hình thành hiểu biết về mọi thứ, từ ý chí tự do đến cách thức mà văn học và nghệ thuật tiến lên qua thời gian.

Hôm nay các bạn đã tham gia vào cộng đồng khoa học, có thể nói là một cố gắng tập thể mạnh mẽ nhất trong lịch sử loài người. Như vậy, bạn kế thừa vai trò giải thích nó và giúp nó đòi lại lãnh thổ của chân lí mỗi khi lãnh thổ này co hẹp lại. Trong phòng mạch của tôi và trong công việc phục vụ sức khỏe cộng đồng, tôi thường gặp những người hoài nghi sâu sắc ngay cả những kiến thức cơ bản nhất đã được kiểm chứng bởi cái mà các nhà báo mệnh danh là “dòng chủ lưu” khoa học (như thể những thứ khác chỉ là cái gì giống như khoa học) – dù đó là những sự kiện về tâm lí, dinh dưỡng, bệnh tật, thuốc men, v.v... Sự nghi ngờ này là trong số những bệnh nhân có học nhiều nhất, chứ không phải ít nhất, của tôi.  Giáo dục có thể mở ra khoa học trước mắt con người, nhưng nó còn có một tác dụng ngược, dẫn người ta đến chỗ cá nhân chủ nghĩa hơn, bị hệ tư tưởng chi phối nhiều hơn.

Do đó, nếu bạn nghĩ rằng uy tín của giáo dục mà bạn nhận được ngày hôm nay cho bạn một thẩm quyền đặc biệt nào đó về chân lí thì thật sai lầm. Cái mà bạn đã đạt được còn quan trọng hơn nhiều:  bạn hiểu được việc truy tìm chân lí thật sự là như thế nào. Đó là cố gắng không phải của cá nhân mà của một nhóm người – càng đông càng tốt – theo đuổi những ý tưởng với lòng tò mò, khát khao hiểu biết, phóng khoáng và kỉ luật. Nói cách khác, là các nhà khoa học.

Bạn nghĩ gì là điều quan trọng, nhưng cách bạn nghĩ còn quan trọng hơn.  Cái giá cho hiểu biết điều này chưa bao giờ cao hơn bây giờ. Bởi vì chúng ta đang không tranh cãi thế nào là nhà khoa học. Chúng ta đang tranh cãi thế nào là công dân.

Theo The New Yorker,  10 June 2016  (THE MISTRUST OF SCIENCE.)

 

___________________________________________

Atul Gawande, một nhà phẫu thuật, nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng, biên tập  New Yorker từ 1998.

 

 

 

 



[1] Đừng quá đoan chắc một cái gì cả.

[2] Một hợp chất thủy ngân hữu cơ, có tác dụng khử trùng và chống nấm.

 

Hiếu Tân
Số lần đọc: 2183
Ngày đăng: 19.10.2016
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Henry Kissinger có lương tâm hay không? - Hiếu Tân
Tại sao "Trump mới" không có gì mới cho lắm. (Why "New Trump" isn't so new) - Hiếu Tân
Hãy nói thẳng thắn về Trump - Hiếu Tân
Những nhà độc tài ưa thích của Trump: Trong những tên bạo chúa bị phỉ nhổ, ứng viên Đảng Cộng hòa tìm thấy những nét để ca ngợi. - Hiếu Tân
Từ Brexit nhìn ra: phe dân túy Châu Âu lội ngược dòng chống lại xu thế nhập cư và toàn cầu hóa - Hiếu Tân
Người dân Venezuela nổi lên cướp bóc khi cái đói thít chặt đất nước. - Hiếu Tân
Lời lẽ mạnh mẽ của Mr. Obama về khủng bố - Hiếu Tân
Philippines dường muốn tách khỏi liên minh an ninh lâu dài với Mỹ - Hiếu Tân
Làm thế nào cứu nước Mỹ khỏi Donald Trump? - Hiếu Tân
Tính cách Mao-it của Donald Trump - Hiếu Tân
Cùng một tác giả
Chuyện xứ Mitoman (truyện ngắn)
Vi đan (truyện ngắn)
Bàn tay phải (truyện ngắn)
Luận về nô tài (tiểu luận)
Putois (truyện ngắn)
Phá (truyện ngắn)
Khi Bắc Triều Tiên Đổ (nhìn ra thế giới)
Nô tài thi sĩ (tạp văn)
Putin nói trên truyền hình (nhìn ra thế giới)
WikiLeaks, theo kiểu Belarus (nhìn ra thế giới)
Ngăn cản WikiLeaks (nhìn ra thế giới)
Tại sao lại xóa từ-n ...? (nhìn ra thế giới)
20 tác giả dưới 40 tuổi (nhìn ra thế giới)
“Công lý” Nga (nhìn ra thế giới)
Say sưa với Tự do. (nhìn ra thế giới)
Cách mạng bằng Internet (nhìn ra thế giới)
Bật mí WikiLeaks (nhìn ra thế giới)
Bật mí WikiLeaks- tiếp (nhìn ra thế giới)
Học Để Yêu Cách Mạng (nhìn ra thế giới)
Shakespeare, chán ! (nhìn ra thế giới)
Rủi ro hạt nhân (nhìn ra thế giới)
Những tư tưởng lỗi thời. (nhìn ra thế giới)
Nước Nga sợ gì ở châu Á? (nhìn ra thế giới)
Tại sao nước Mỹ bị ghét (nhìn ra thế giới)
Nhà nước đỏ (nhìn ra thế giới)
Trung hoa là kẻ xâm lược? 1 (nhìn ra thế giới)
Trung hoa là kẻ xâm lược? 2 (nhìn ra thế giới)
The Internet và Iran (nhìn ra thế giới)
Mười năm mất mát (nhìn ra thế giới)
Gặp ông Mao mới (nhìn ra thế giới)
Kiếp sau của Tây Tạng (nhìn ra thế giới)
Nhân dân đấu với Putin (nhìn ra thế giới)
Tương lai của Lịch sử (nhìn ra thế giới)
Bụt nghe cổ tích (truyện ngắn)
BẮN MỘT CON VOI (truyện ngắn)
Gót chân Asin của Putin (nhìn ra thế giới)
The Duniazát (truyện ngắn)
Người xin lỗi (truyện ngắn)
Diễn văn Habana (nhìn ra thế giới)