Nhất Linh và Khái Hưng hai nhà văn nổi tiếng từ trước Cách mạng tháng Tám , trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Truyện ngắn Anh phải sống được in trong tập truyện cùng tên do nhà xuất bản Đời nay Hà Nội xuất bản 1934.
Khác với lối vào đề trực tiếp của Nam Cao trong tác phẩm Chí Phèo, truyện Anh phải sống vào đề theo trình tự bài bản. Ban đầu tác giả giới thiệu không gian( trên đê Yên Phụ), thời gian( vào một buổi chiều mùa hạ), tình thế (nước sông Nhị Hà mới bắt đầu lên to. Dòng nước đỏ lờ đờ, những thân cây cành khô từ rừng về nổi lềnh bềnh). Kế đến tác giả giới thiệu hai vợ chồng bác phó nề Thức đứng trên đê đưa mắt nhìn những khúc gỗ trôi trên sông tỏ ý thèm muốn. Rồi tác giả mới tả hành động của hai vợ chồng. Hai vợ chồng vẫn biết vớt củi lúc này là nguy hiểm, nên có lúc định thôi. Nhưng cứ kèm theo mỗi hành động thoái lui là một hoàn cảnh thúc bách bắt phải làm. Người vợ có ý chùn bước: “ Gió to quá…mây đen đùn lên…mưa đến nơi mất.”. Hoàn cảnh đói của gia đình được nêu ra: “ Mình thổi cơm chưa? Đã chỉ đủ cho hai con ăn bữa chiều hôm nay”. Còn dưới sông thì “thân cây vẫn phăng phăng trôi giữa dòng nước đỏ…”. Chồng nói: “ Liều”. Còn vợ thì lắc đầu. Trong lúc hai vợ chồng chưa thống nhất thì hoàn cảnh nữa lại hiện ra: Mình đến nhà bà Ký chưa? Đã. Thế nào? Không ăn thua. Bà ấy bảo có đem củi vớt đến bà ấy mới giao tiền. Thế à? Đến đây ta thấy tác giả vừa kể chuyện vừa xen vào những lời bình như: “Hai chữ “thế à” rắn rỏi như hai nhát bay cuối cùng gõ xuống viên gạch đặt trên tường đương xây.Thức quả quyết sắp thi hành một việc phi thường”. Tác giả thật tinh tế đã gắn vào lời bìnhcái nghề nghiệp thợ nề cầm bay gõ gạch của Thức. Thức bảo vợ về trông con. Vợ Thức ngoan ngoãn về làng Yên Phụ. Tác giả xoay sang tả cảnh nhà nghèo khó …lụp xụp..ẩm thấp tối tăm…ba đứa con nheo nhóc đói khát. Cảnh chị Thức đói mệt không có sữa cho con bú…Con gào thét to một lúc rồi ngủ. Chị đuổi hai đứa lớn ra ngoài rồi ngồi ôn lại cuộc đời đã qua của mình. Cái tài của tác giả là kể cuộc đời của chị Thức bằng cách để nhân vật tự kể bằng cách ôn lại đời mình: Từ lúc còn con gái … rồi lập gia đình…đói khổ… cho đến năm ngoái bác phó Thức nghĩ ra cách sinh nhai mới…vay tiền mua chiếc thuyền nan để vớt củi bán. Nhờ chiếc thuyền, chỉ hai tháng sau trả nợ và có cái ăn. Hai vợ chồng chỉ mong chóng tới ngày có nước to để có nhiều củi vớt. Hoàn cảnh ấy lại thúc bách không cho Lạc ngồi yên trong nhà mà vội chạy ra bờ sông để cùng chồng vớt củi. Chẳng bao lâu hai vợ chồng vớt củi đầy thuyền. Trời đổ mưa rồi chớp nhoáng như xé mây đen rồi sấm sét trời long đất lở. Thuyền bị chìm, củi trôi mất hết. Hai vợ chồng chới với giữa dòng sông. Lạc biết bơi nhưng trước sức nước lớn mỗi lúc Lạc yếu đi. Thức cố níu giữ Lạc đến lúc không còn sức nữa. Lạc hỏi:” Có bơi được nữa không?” “ không biết, nhưng một mình thì chắc được. Em buông cho mình vào nhé? Không, cùng chết cả. Bỗng Lạc khẽ nói: Thằng Bò! Cái Nhớn! Cái Bé! Không….Anh phải sống. Thức bỗng nhẹ hẳn đi. Cái vật nặng không thấy bám vào mình nữa. Thì ra Lạc đã nghĩ đến con đã lẳng lặng buông tay ra để mình xuống đáy sông cho chồng đủ sức bơi vào bờ”. Một lần nữa ta thấy tác giả vừa kể vừa bình và bình cũng hết sức tiết kiệm lời.
Tác giả đã lấy từ câu nói của Lạc để đặt tên cho nhan đề của tác phẩm. Tên đề hay có ý nghĩa nhân văn rất lớn. Đó là sự hi sinh của người vợ cho chồng, và là sự hi sinh của người mẹ cho các con. Một tình mẫu tử lớn lao và cao quí. Một vẻ đẹp của người phụ nữ Viêt Nam.
Kết thúc truyện tác giả viết: “Đèn điện sáng rực xuống bờ sông, sóng đã lặng, một người đàn ông bế đứa con trai ngồi khóc. Hai đứa nhỏ đứng bên cạnh. Đó là gia đình bác phó Thức ra bờ sông từ biệt lần cuối cùng linh hồn kẻ đã hi sinh vì lòng thương con. Trong cảnh bao la, nước sông vẫn lãnh đạm chảy xuôi dòng”. Cái hay của kết thúc truyện là ngắn gọn nhưng đầy đủ. Nó vừa nói lên được tình cảnh gia đình của anh Thức vừa nói lên được giữa cái mất và cái còn, giữa cái thương đau quặn lòng và cái dửng dưng lãnh đạm xuôi dòng của cuộc đời. Người ta thường cho rằng kết thúc tác phẩm văn học hiện thực thường gợi lên sự bế tắc như ở tác phẩm Tắt đèn, Ngô Tất Tố viết: “ Trời tối như mực như cái tiền đồ của chị”. Thế nhưng ở văn học lãng mạn, kết thúc truyện Anh phải sống cũng gợi lên sự bế tắc thương đau. Khi đủ vợ, đủ chồng gia đình anh Thức chị Lạc còn nghèo đói. Bây giờ chỉ còn lại mình anh Thức phải nuôi ba đứa con thơ, trong khi phương tiện làm ăn( con thuyền) cũng đã bị chìm mất. Đúng là một màn đen u ám bao phủ, đầy thương tâm làm cho bao thế hệ người đọc mãi đau lòng nhức nhối mỗi khi đọc lại truyện ngắn này./.
6/2016