Lâu rồi, không thấy có phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Cứ nghĩ, ông đi du lịch nước ngoài, tham dự đều các cuộc hội thảo, thỉnh thoảng viết dăm bài báo,đôi khi gặp gỡ bạn cũ-mới trong nghề hay ngoài nghề để hàn huyên chuyện thời cuộc…,cũng có nghĩa là ông đang lặng lẽ từ giã Điện ảnh sau khi đã đạt được khá nhiều thành tựu đáng kể trong lĩnh vực này cả trong nước lẫn quốc tế. Nhưng tới khi nghe ông phát biểu tại hội thảo khoa học về Tổng đốc Lê Đại Cang ở An Giang, rồi lại đọc cuốn truyện vừa “Hoa nhài” (NXB Dân Trí , 2016) do ông tặng nhân dịp gặp gỡ này,thì tôi biết mình đã lầm to!
Trong Hội thảo trên, người đạo diễn kỳ cựu đã cho biết ông rất hào hứng với cuộc đời thăng trầm, bi tráng của vị nho tướng từng làm tổng đốc ở mấy tỉnh khắp ba miền, và có ý định sẽ quyết tâm xây dựng một bộ phim lịch sử về cụ. Dù sao thì đó cũng mới chỉ là ý tưởng. Còn tập “Hoa nhài” lại cho tôi thấy các dự án làm phim đã chín muồi của ông.
Tập sách này gồm ba truyện vừa, thực chất đó là ba tiểu thuyết-điện ảnh (Trong đó đã có một cái dựng thành phim nhiều năm trước: “Bao giờ cho đến tháng mười”). Thể loại này ít xuất hiện trong văn hoá đọc nước ta, nhưng với thế giớikhông phải là mới mẻ gì. (Có thể nhắc ngay đến những tiểu thuyết theo lối viết điện ảnh (écrire cinématographique) của nhà văn Pháp Marguerite Duras: Hiroshima tình yêu của tôi, Bản nhạc, Khúc ca Ấn Độ, Đối thoại ở Rome,Những đứa trẻ, Người tình, v.v .)
Với ba “bộ phim viết trên giấy” kể trên, và đặc biệt là với hai tiểu thuyết-điện ảnh “Hoa nhài” và “Nhà điều dưỡng nuớc khoáng”- như nội dung chủ yếu của hai dự án làm phim mới nhất lấy Hà Nội làm bối cảnh trung tâm, người đọc và người xem phim đông đảo nước ta chợt phát hiện ra một Đặng Nhật Minh khác lạ, chưa từng thấy ở người đạo diễn nổi tiếng này.Dĩ nhiên,trong các “bộ phim tương lai” kể trên, ta vẫn gặp một Đặng Nhật Minh quen thuộc với chất thơ và tính đa thanh trong điện ảnh đã làm nên tên tuổi ông từ “Bao giờ cho đến tháng mười”, “Thị xã trong tầm tay”, “Mùa ổi”, “Thương nhớ đồng quê”… tới “Hà Nội mùa đông năm 46”,“Đừng đốt”. Songở đây, những trang văn được gọi là “truyện vừa” mang cấu trúc vàcác thủ pháp điện ảnh rõ rệt, vớihình ảnh, âm thanh, tiếng động, lời thoại ngắn gọn, mongtage… còn cho ta thấy một hướng tiếp cận hiện thực đời sống khá mới mẻ- không chỉ so với chính ông mà còn với cả nền điện ảnh dân tộc, qua một loại phim không có cốt truyện, xung đột kịch tính, các bước cao trào dẫn tới mở nút, chủ đề tư tưởng rõ ràng… như dòng phim truyền thống đòi hỏi (kể cả ở những phim bom tấn của Hollywood! ).
“Hoa nhài” được thể hiện một cách dung dị, tưởng như người đạo diễn chỉ ngồi ở một quán cà phê quan sát những gì đã diễn ra trước mắt mình và tỉ mẩn hỏi chuyện để viết ra các cảnh phim. Chỉ qua vài chi tiết, ta xác định ngay cái bối cảnh xã hội cụ thể của phim, của Hà Nội những năm tháng này (như cậu thanh niên đưa ảnh David Beckham cho ông thợ cạo để làm mẫu cắt tóc cho mình, rồi xấc xược bỏ đi với câu chửi: “Mấy bố già lạc hậu bỏ mẹ”). Bộ phim đưa ta vào tận đáy những vấn đề đang nhức nhối của xã hội (sự băng hoại của luân lý đạo đức từ trong gia đình, mối quan hệ giữa con người với con người bị quyền lực đồng tiền chi phối, sự bất cập trong các chính sách xã hội...), bằng câu chuyện giữa bác thợ cạo nhân từ với chú bé đánh giày lang thang, được kể dường như ngẫu hứng, bất chợt bắt gặp. Nhưng mối quan tâm của tác giả đối với số phận chú bé thì lại rất kỹ luỡng, chu đáo. Và sự quan sát bí mật của một ông giáo già dạy nhạc trước mọi hành vi của chú bé trong quán cà phê, và sau này sẽ trở thành ân nhân của nó, thực ra cũng là sự phân thân của chính tác giả! Giữa bao cạm bẫy và muôn nỗi thử thách cam go đối với một chú bé từ quê ra thành thị kiếm sống, may mắn thay, em đã gặp được những “ông Bụt” nâng đỡ, cưu mang, chăm sóc, và chính họ đã giữ gìn và khai mở chất nghĩa hiệp tiềm tàngtrong đứa trẻ! Tôi rất thích cái “trường đoạn phim” kể chuyện hai vợ chồng ông thợ cạo về quê chú bé để thăm gia đình em, rồi sau đó, dường một sự sắp đặt của số phận,họ đã tình nguyện ở lại hành nghề cắt tóc- như một cú lội “ngược dòng thời đại”;tình tiết ấy nếu lướt qua thì tưởng ngây thơ, lãng mạn, song ngẫm kỹ thì thấy nó đụng chạm tới một vấn đề xã hội rất quan trọng: đó là mối quan hệ giữa thành thị và nông thôn ngày hôm nay. Và truyện phim đưa ra một một giải pháp xã hội tích cực rất có tầm: Hai bên cần dựa vào nhau, cưu mang nhau mà sống. Không thể tuyên truyên một chiều như lâu nay là người nông dân hãy bám ruộng đồng, đừng kéo nhau ra thành phố... Bây giờnông dân còn đất đâu mà bám! Vì vậy, sự giao thoa giữa Thành thị và Nông thôn là một xu thế tất yếu của cuộc sống. Ông thợ cắt tóc cưu mang chú bé đánh giầy xuất thân từ thôn quê, và nông thôn của chú bé lại cưu mang ông thợ cắt tóc (khi không còn nhà ở thành phố thì về nông thôn). Cái tình yêu Hà Nội của tác giả bộc lộ rất rõ trong truyện phim này của ông. Tình yêu Hà Nội ấy như thấm truyền vào các nhân vật, và cùng với các hành động đẹp xuất phát từ tâm hồn nhân hậu của hai ông bà thợ cạo, cũng như nhiều nhân vật chính phụđãtạo nên những“chuyện cổ tích thời hiện đại” mà người đọc người xem chấp nhận được một cách tự nhiên. Đạo diễn có một cái nhìn về Hà Nội và những con người Hà Nội rất nhân ái và sâu sắc, giữa lúc trên màn ảnh lớn nhỏ đầy rẫy những con người Hà Nội độc ác, lừa lọc người nông thôn ra thành thị kiếm sống, cứ như Hà Nội chỉ là nơi hang hùm miệng rắn vậy! Tình người tựa hương hoa nhài dân dã vốn lâu bền, cần thiết và đáng quýkhông thể dễ dàng bị đánh mất đi trong cơn lốc xoáy thị thường, nhưng chúng đang vất vả biết baođể tìm đến nhau, mong tạo mối liên kết mới và tự nhân lên vẻ đẹp của chúng giữa cuộc đời nhiều xáo trộn, hư hỏng, chát chúa này. Phải chăng đó là điều gửi gắm thầm kín của người nghệ sĩ điện ảnh trong hướng tiếp cận mới về hiện thực, và trong cách thể hiện như một đòi hỏi tất yếu của hướng tiếp cận đó?
Bộ phim tương lai “Hoa nhài” làm tôi liên tưởng tới các phim thuộc Làn sóng mới của Pháp đầu những năm 60 thế kỷ trước và nhiều phim của Iran gần đây, trong đó, những vấn đề của Con người bình thường được phơi bày trên các ngóc ngách đường phố, với máy quay cầm tay ghi lại những mảnh chân thực cuộc sống, tạo nên ấn tượng sâu sắc về những vấn đề của xã hội đương đại –đặc biệt liên quan tới tầng lớp dân nghèo thành thị…Truyện phim này, nếu có nhà đầu tư tâm huyết, tôi tin là sẽ có một bộ phim đánh dấu thêm một đỉnh nữa của đạo diễn Đặng Nhật Minh, và cũng là một bước ngoặt cần cótrên con đường lớn của Điện ảnh Việt Nam.(Kịch bản điện ảnh của ông dựa theo truyện “Hoa Nhài” đã được Hãng phim truyện I trình lên Hội đồng duyệt kịch bản của Cục ĐAVN, và đã bị bác thẳng thừng mà không cho biết lý do!)
Còn bộ phim trên giấy “Nhà điều dưỡng nuớc khoáng”, cũng xoá nhoà tính rõ nét của cốt truyện và xung đột kịch tính, ở đây tác giả lại tập trung đi sâu vào tấn bi kịch tâm hồn của tầng lớp doanh nhân, công chức, văn nghệ sĩ hiện đại ở Thủ đô. Họ không phải lo lắng vật vã nhiều về chuyện mưu sinh, mà chủ yếu họ rơi vào sự cô đơn do lối sống của cả xã hội quay cuồng trong lợi nhuận vật chất(trong đó họ vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm) đã tạo ra môi trường ích kỷ, thu mình, lạnh lẽo trong ứng xử ngay trong cả tổ ấm gia đình đang có nguy cơ phân rã. Điều này được biểu tượng qua vũ điệu “Cái chết con thiên nga” trên nền nhạc của Saint-Saens mà Khuê, một bệnh nhân, một phụ nữ đã có chồng- nhân vật nữ chính vẫn thường tập. Biểu tượng đó cũng là cánh cửa dẫn tới sự giao cảm thầm lặng giữa Khuê và bác sĩ Khanh viện điều dưỡng đangsống độc thân chờ đợi người tình lý tưởng. Bộ phim không sa vào chuyện ngoại tình,ghen tuông, mà dành nhiều trường đoạn cho những suy tư, khắc khoải, sự run rẩy đợi chờ cái hạnh phúc mong manh thoắt ẩn thoắt hiện… dần trở thành tấn bi kịch tâm hồn đáng kể, mà họ phải tìm cách để giải toả. Đội hát cho các em khiếm thị do bác sĩ Khanh tạo ra và được sự ủng hộ giúp đỡ của Khuê xuất phát từ trái tim dễ cảm thông với cảnh đời bất hạnh của họ, song cũng là một trong những phương tiện hữu hiệu giúp họ vượt qua hố thẳm của bi kịch! Cái bi kịch ấy, trong văn bản truyện phim còn thể hiện qua một biểu tượng mang màu sắc dân gian: cái miếu có tên “Miếu đợi chờ”.Cái kết phim bằng lời độc thoại nội tâm của Khuê bên đứa con trai gần như phải “cầu tự” và người mình thầm yêu trộm nhớ không chỉ là một cái kết có hậu theo tâm lý mỹ học Á đông, mà còn là cái kết mở giàu ý nghĩa triết lý buộc người đọc người xem phải lắng lại mãi: “Miếu chờ đợi…Không biết ai đã đặt tên cho nó như vậy? Tôi đã có lần đến đây để cầu xin hạnh phúc. Hạnh phúc đôi khi ở ngay bên cạnh ta mà ta không nhận ra…Ta vẫn chờ đợi nó…”. Cái triết lý có khả năng nâng đỡ con người đó đã được các số phận, đúng hơn là các tình tiết về những số phận được triển khai, cài đặt một cách tinh tế trong bộ phim tương lai làm vật đảm bảo chắc chắn.
Truyện vừa thứ ba trong tập “Hoa nhài”, cũng là một tiểu thuyết-điện ảnh được in sau khi phim đã phát hành từ rất lâu, và đã trở thành một trong một trong 18 bộ phim châu Á xuất sắc mọi thời đại: “Bao giờ cho đến tháng mười”. Về truyện phim này, đã có bài viết rất hay và khá đầy đủ của nhà thơ Ngô Minh: “Có một Đặng Nhật Minh nhà văn”, xin phép trích một đoạn để góp phần làm sáng tỏ thêm giá trị tư tưởng-nghệ thuật củahai truyện phim nói trên: “… với BGCĐTM, tôi nhận ra những chất liệu văn học tác giả dụng công tìm kiếm trong truyện đã làm nên chiều sâu cho bộ phim cùng tên. Đọc truyện sau khi đã nhiều lần xem phim, tôi có cảm giác đây là bộ phim BGCĐTM trên giấy. Chất trữ tình của Đặng Nhật Minh dẫn dắt người đọc bằng những hình tượng giàu chất nhân văn, nhân hậu, có khi vượt qua những cấm kỵ cực đoan một thời như chợ âm-dương… Phim Đặng Nhật Minh (tiêu biểu là BGCĐTM) là một bài học ngõ hầu giúp cho điện ảnh Việt Nam thoát được cái vấn nạn hời hợt, thiếu chất tư tưởng... Điện ảnh phải lấy văn chương làm gốc mới đứng chân được lâu bền trong lòng khán giả.”(Xin mời đọc toàn bài:http://nhavantphcm.com.vn/chan-dung-phong-van/co-mot-dang-nhat-minh-nha-van.html )
Hướng tiếp cận hiện thực và những vấn đề của đời sống đó, tôi- một đồng nghiệp đàn em thuộc lớp học trò của đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng đang trăn trở, và được cổ vũ mạnh mẽ bởi tác phẩm văn xuôi- tiểu thuyết điện ảnh mới nhất của ông.
Hà Nội, tháng 9/2016