Tôi đặt chân đến Pleiku thật muộn trong đời, dù đã nhiều lần lên tới Tây Nguyên. Nhưng bù lại, tôi có đủ thời gian suy ngẫm để hiểu được một Pleiku rất riêng so với nhiều nơi của cao nguyên Trung phần.
Dù là lần đầu nhưng tôi có đủ "dữ liệu" só sánh để biết Pleiku có nhiều đổi thay. Không phải tính chi xa lắc từ khi được tách ra từ vùng đất phía tây tỉnh Bình Định vào năm 1905, lập thành một tỉnh tự trị có tên gọi "làng trên cao" ("Plơi Kơdưr); mà chỉ tính vài chục năm trở lại đây thôi. Thí dụ như về sự mở mang thành phố, nếu ngày trước "phố xá không xa nên phố tình thân/ đi dăm phút đã về chốn cũ " đã trở thành một "thương hiệu" của phố núi nhỏ bé nhưng "hấp lực" vì sương khói cao nguyên và còn cả vì độ nóng của chiến cuộc; thì bây giờ diện tích của Pleiku đã lên tới trên 26 nghìn ha, các con đường thoáng rộng có tổng chiều dài trên 660 cây số. Và dĩ nhiên kéo theo đó là phố xá, công sở, trung tâm thương mại và các công trình phúc lợi .v.v... phát triển tạo nên một diện mạo Pleiku mới.
Nhưng cái riêng của Pleiku - tôi muốn nói - không nằm ở sự phát triển mà nằm ở "sức ì" tôi cảm nhận được khi làm "khách lạ đi lên đi xuống" nơi này. Tỉ như, dù bây giờ Pleiku có số dân cư trú và lưu trú đông hơn nhiều và đang hướng đến thành phố có quy mô 1 triệu người (năm 1971 dân số là 34.867 người); vậy mà Pleiku không ầm ào náo nhiệt. Thành phố "sạch" tiếng còi xe, tập quán đi lại phép tắc dù là đi bộ hay đi xe; và Pleiku không có tiếng nhạc xập xình "tràn" ra đường. Dù ở đây quán cà phê rất nhiều và rất to. Điều nữa là Pleiku luôn cho ta cảm giác ít thấy phụ nữ hơn nơi khác. Không phải tôi muốn làm một phép thống kê để nói về sự mất cân đối cơ cấu dân số; mà cảm nhận hầu như đa phần phụ nữ ở đây hòa vào ngược xuôi của cuộc sống, họ có ít thời gian để nhàn tản hay muốn được người khác ngắm mình. Đó cũng là một "tập quán" thú vị. Hèn chi Vũ Hữu Định ngày trước phải thốt lên niềm hạnh phúc khi ông đến và có được điều này: "May mà có em đời còn dễ thương", dù thành phố không hề vắng bóng người.
Nhắc Vũ Hữu Định lại nhớ đến thơ, văn, nhạc viết về Pleiku trước và sau 1975. Nhiều thật nhiều và hay nữa. Nhạc: trước có Lê Uyên Phương (Buồn đến bao giờ) sau có Nguyễn Cường (Đôi mắt Pleiku), Đào Đức Chính (Em muôn thuở Pleiku); thơ: trước có Cao Thoại Châu (Dã quỳ rực rỡ dấu chân thơm), Lê Nhược Thủy (Pleiku thân yêu), Kim Tuấn (Kỷ niêm) sau có Hoàng Trần (Sương phố), Hồ Thiên Sơn (Nơi ấy quê mình); rồi những trang viết day dứt và đậm chất Tây Nguyên của Văn Công Hùng .v.v... Vậy nhưng, "Còn một chút gì để nhớ" mới thực sự là trầm khúc về Pleiku mà khi nhắc đến cái này làm người ta nhớ đến cái kia. Bởi với thi phẩm này, Vũ Hữu Định đã thổi cho Pleiku một linh hồn bằng những ngôn ngữ "chân dung" rất riêng với những "phố núi đầy sương", "trời thấp thật buồn", "đi lên đi xuống", "may mà có em", "phố tình thân" .v.v... và cả điều này nữa "buổi chiều quanh năm mùa đông".
Có lẽ khi đã liệt kê như vậy rồi thì ai cũng thấy ra, nhưng gói hết trong bốn khổ thơ để nói về những "đặc sản" Pleiku thì chưa ai ngoài thi sĩ họ Vũ.
Nếu tính từ mốc sáng tác "Còn một chút gì để nhớ" (1970), thì buổi chiều tháng 7 của tôi cách buổi chiều trong thơ Vũ Hữu Định đến 46 năm. Vậy mà tuồng như trời ấy, đất ấy vẫn y nguyên. Tôi đang đứng trước một Siêu thị trên đường Cách mạng Tháng Tám - đắm mình miên man không phải về những món hàng hóa bày la liệt, mà về cuộc chơi tối trước với người bạn học giờ đã thành kỷ niệm - thì bầu trời đang cao xanh bỗng thấp xuống, xám dần, se lạnh và cơn mưa kéo đến, lúc đổ ào, lúc rả rích. Pleiku đang vào đông giữa ngày hạ làm tôi buột miệng: Vũ Hữu Định tài thật, chỉ một câu thơ mà đọc đúng "đặc sản" thời tiết nơi phố núi cao nguyên này: "Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông".
Nghĩ thế và lòng bâng khuâng, dù ngày mai tôi mới thực sự xa phố núi để tiếp tục chuyến đi của mình.
PLEIKU tháng 7/2016